Tiềm lực là vô tận

Lý Khai Phục
Nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa, cựu viện trưởng viện nghiên cứu Microsoft Trung Quốc Lý Khai Phục là một người rất có danh tiếng trong nhiều lĩnh vực như phân biệt ngữ âm, không gian ba chiều, mạng liên kết,… Sau đó ông chuyển sang làm phó tổng giám đốc toàn cầu của Microsoft. Sự thành công của ông tại Microsoft không tách rời quan niệm mà ông luôn ấp ủ: Tiềm năng là vô hạn, hãy tin rằng bạn sẽ làm được.

Kinh nghiệm thành công và tinh thần nghiên cứu học thuật của Lý Khai Phục đã thu hút được sự quan tâm chú ý của rất nhiều thanh niên, đặc biệt là của các sinh viên đại học. Trong quá trình giao tiếp với những thanh niên Trung Quốc, Lý Khai Phục đã tổng kết một số vấn đề mà mọi người cùng quan tâm, kết hợp với quá trình học tập và làm việc của mình, từ đó đưa ra một số ý kiến cho học sinh, sinh viên. Những điều này chắc chắn sẽ có ý nghĩa gợi mở có ích đối với sinh viên và thanh niên trên các phương diện như: nên ứng xử thế nào với cơ hội, học vấn, công việc, mọi người và với bản thân mình,…

************

Khi tôi làm việc tại công ty Apple, một hôm ông chủ đột nhiên hỏi tôi khi nào có thể lên làm thay công việc của ông ta. Tôi vô cùng kinh ngạc, bày tỏ rằng mình vẫn chưa đủ kinh nghiệm và khả năng quản lý của tôi không thể bằng được ông. Nhưng ông nói với tôi: “Tôi nghĩ rằng anh hãy cho mình một số cơ hội để khai thác những khả năng trên phương diện này. Anh sẽ phát hiện thấy tiềm năng của mình vượt xa so với những gì mà anh tưởng tượng. Những kinh nghiệm này có thể bồi dưỡng và tích lũy. Tôi hy vọng anh có thể làm được điều này sau 2 năm”.

Chính nhờ lời nhắc nhở và khích lệ như vậy mà tôi bắt đầu có ý thức tăng cường khả năng của mình trên các phương diện học tập và thực tiễn. Quả thật, 2 năm sau, tôi đã tiếp nhận công việc của ông.

Giờ đây, tôi cũng muốn nói lại câu đó với các bạn. Tôi đề nghị các bạn hãy cho mình một số cơ hội để phát triển và thể hiện khả năng trên một phương diện nào đó. Có thể bạn sẽ giống tôi, kinh ngạc vì thấy rằng khả năng của mình trên phương diện đó vượt xa so với những gì mình tưởng tượng.

Chỉ giành được thành tích tốt, điểm số cao trong một trường đại học mà cho rằng mình đã thành công là chuyện rất nực cười. Tiềm năng của con người là vô hạn, bạn không chủ động thử những cơ hội mới thì sẽ mãi mãi không biết được mình có thể làm được những gì.

Nên biết rằng, núi cao còn có núi cao hơn. Trong thế kỷ 21 này, cạnh tranh là không có giới hạn. bạn nên mở rộng tư duy, đứng trên khởi điểm cao hơn, đặt ra cho mình một mục tiêu có tính thách thức hơn, như vậy mới có phương hướng phấn đấu rõ ràng chính xác và tương lai rộng mở. Bạn không nên như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”, tự mãn với những thành quả hiện tại của mình.

Trích từ “Lời khuyên những danh nhân thế giới dành cho con cái”
NXB Công an nhân dân

Chuyện cô gái hái bông vải

Azie Taylor Morton
Vài năm trước, có một nhân vật quan trọng đến diễn thuyết trước toàn thể học sinh một học viện tại Nam Carolina.

Lúc tôi đến nơi đã thấy đông đảo sinh viên ngồi chật ních hội trường, ai nấy đều phấn khởi vì có dịp nghe một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy như thế diễn thuyết. Sau khi thống đốc bang giới thiệu vắn tắt, vị diễn giả bước đến micro, hướng mắt về thính giả, nhìn bao quát một lượt rồi chậm rãi nói:


“Bà cụ thân sinh ra tôi bị cầm điếc, nên từ bé mẹ con tôi không cách nào nói chuyện với nhau được. Tôi không biết cha tôi là ai, cũng không biết ông ấy còn sống hay không. Cứ thế, tôi lầm lũi lớn lên trong tuổi thơ gian khó. Công việc đầu tiên trong đời tôi là đi hái bông vải”.

Thính giả bên dưới đều tỏ vẻ bất ngờ với câu chuyện của bà. Ai nào ngờ cuộc đời một người nổi tiếng như bà lại gian truân đến thế.

“Nếu sự việc không được như ý muốn, chúng ta có thể tìm cách để thay đổi nó”, bà nói tiếp. “Tương lai một người không phụ thuộc vào việc người đó được sinh ra như thế nào”.

Cả hội trường im lặng lắng nghe như nuốt lấy từng lời.

Vị diễn giả lặp lại câu nói vừa rồi với giọng khe khẽ: “nếu sự việc không được như ý muốn, chúng ta có thể tìm cách để thay đổi nó”.

“Một người nếu muốn thay đổi những điều bất hạnh hay không được như ý”, bà chợt cao giọng, “chỉ cần trả lời câu hỏi đơn giản: “Tôi muốn mình sẽ trở nên như thế nào?” Sau đó hãy hành động bằng toàn bộ tâm huyết của mình, nhằm thẳng mục tiêu mà tiến tới”.

Nói tới đây, bà nở nụ cười tươi tắn rồi kết thúc: “Tên tôi là Azie Taylor Morton, hôm nay tôi đứng đây với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ”.

Muốn thay đổi những điều không như ý trước mắt, hoặc muốn mình trở nên như thế nào, chỉ cần hành động bằng toàn bộ tâm huyết, hướng về phía mục tiêu lý tưởng. Từ một cô gái hái bông vải trên nông trại trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, mọi thứ chỉ đơn giản thế thôi.

Trích từ “Chỉ đơn giản thế thôi” - NXB Văn hóa Sài Gòn

Dũng cảm đối mặt với khó khăn

Margaret Mitchell
Margaret Mitchell (1900-1949) sinh tại Atlanta. Cha bà là một nhà sử học, có thể nói bà yêu thích nghiên cứu về lịch sử cũng là do ảnh hưởng lớn của người cha. Margaret Mitchell nổi tiếng thế giới với cuốn tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” của mình. Cuốn tiểu thuyết này đã phản ánh bối cảnh sống và quan niệm tư tưởng của Margaret Michell.

Hơn nửa thế kỷ trở lại đây, tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” dày hơn 1000 trang luôn đứng ở vị trí được ưa chuộng hàng đầu tại Mỹ, và thậm chí cả thế giới. Cho đến cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, cuốn tiểu thuyết này đã được dịch sang 27 thứ tiếng và lượng tiêu thụ trên toàn thế giới đã đạt đến 20 triệu cuốn.

Nhà văn Anne Edwards trong truyện ký viết về Margaret Mitchell, có nhắc đến một câu chuyện về mẹ của Margaret Michell và lời khuyên dạy của bà dành cho con gái:

Một hôm, từ trường học trở về nhà, tôi nói với mẹ rằng tôi định không học nữa vì không học được môn toán. Mẹ liền bảo tôi ngồi lên xe ngựa và tự mình cầm cương cho xe chạy đến vùng trang trại gần đó.

Chiếc xe chạy chầm chậm lại, mẹ buông lỏng dây cương và trang trại đã từng một thời huy hoàng nhưng giờ đây hoang tàn đổ nát dần hiện ra trước mắt tôi. Mẹ nói với tôi: “Nơi này trước đây đã từng có những gia đình lớn sinh sống, nhưng giờ nó chỉ là một đống vụn nát. Từ khi nội chiến cho đến nay, có rất nhiều ngôi nhà như thế này. Những ngôi nhà từng đẹp đẽ, trang nhã và lộng lẫy giờ đã bị đổ nát cùng với sự sa sút, sụp đổ của chủ nhân của chúng. Con có nhìn thấy không?”. Mẹ chỉ tay về phía một điền trang không có người ở, nói: “Người chủ nhân sống ở ngôi nhà kia đã ra đi rồi”.

Mẹ lại bảo tôi nhìn ra phía khác, chỉ vào một ngôi nhà tuy đã cũ kỹ nhưng vẫn được chăm sóc đẹp đẽ và nói: “Con xem, những ngôi nhà này cũng giống như chủ nhân của nó, vẫn còn giữ được dáng vẻ tươm tất, đẹp đẽ. Con gái, con hãy nhớ rằng, thế giới mà con người sống đã từng là một thế giới an toàn, chính như con hiện nay. Nhưng thế giới của con sớm muộn gì cũng sẽ gặp phải những khó khăn, nguy hiểm giống như thế giới bên ngoài kia. Nếu con muốn giữ được vẻ đẹp và hạnh phúc giống như ngôi nhà kia thì trong tay con cần phải có vũ khí – đó chính là tri thức”.

Mẹ còn nhấn mạnh với tôi một lần nữa: “Nhiều người đã tổng kết được rằng thất bại của mình là do thiếu giáo dục. Vì khi thế giới phát sinh thay đổi lớn, những gì mà con có thể dựa vào chính là sức sáng tạo nằm trong bàn tay con và những kiến thức có trong đầu con. Đây chính là lý do tại sao chúng ta cần phải dũng cảm đối mặt với khó khăn để chinh phục tri thức”. Cuối cùng mẹ còn nghiêm nghị nói: “Hôm nay con phải quay trở lại trường học và dũng cảm chinh phục môn toán học”.

Trích “Lời khuyên những danh nhân thế dành cho con cái”
NXB Công an nhân dân.

Hương vị ngọt ngào của thành công

Một xe hàng của Nutty Bavarian
John Mautner là một chuyên viên phân tích tài chính cao cấp tại một trong năm trăm công ty hàng đầu nước Mỹ và hầu như có tất cả mọi thứ cùng một ngôi nhà đẹp ở Hilton Head, South Carolina với người vợ mới cưới mà anh hết lòng yêu thương. Nhưng anh đã làm gì? Anh đem đánh cược tất cả những thứ mình đang có vào một trong những ý tưởng kinh doanh điên rồ nhất!

Thật ra John không bằng lòng với tình trạng hiện tại. Khoản thu nhập tiềm năng từ công việc hiện tại có lẽ không thể mang lại cho anh sự độc lập tài chính, rồi việc phải luôn chứng tỏ mình hơn các đồng nghiệp khác để tiến thân đã khiến công ty chẳng còn vẻ hấp dẫn đối với anh nữa. Anh tin rằng việc tự kinh doanh là chìa khóa đảm bảo sự an toàn về mặt tài chính.

Nhưng không giống nhiều người khác, John hành động chứ không mơ tưởng viển vông. Vào năm 1990, John xin thôi việc, từ bỏ ngôi nhà xinh xắn cùng vùng đất tươi đẹp Hilton Head. Bạn bè, người thân bảo anh mất trí khi anh cùng với vợ mình, Anne, chuyển đến Orlando, Florida, một thành phố có lượng du khách dồi dào.

John đã nhìn thấy con đường dẫn đến sự độc lập tài chính của mình trong những quả hạch – loại quả nhân ngoài bọc đường vị quế nóng hổi bán cho khách bộ hành trên đường phố. Lấy cảm hứng từ những người bán hàng rong xe đẩy dọc các đường phố ở châu Âu, cùng với sở thích chế biến thức ăn của mình, John bỏ ra nhiều giờ đồng hồ để chế biến hạnh nhân và hồ đào theo công thức của riêng anh. Với khoản tiền vay 10.000 đô la và một cái tên mới, “The Nutty Bavarian”, John đã thành lập doanh nghiệp của mình chỉ với một chiếc xe đẩy, được thiết kế để khách hàng có thể nhìn thấy từng loại hạt đang được nướng cho đến khi có màu óng ánh, mời gọi.

Một cái tên rất sáng tạo. Một kiểu bày hàng sáng tạo. Và, sản phẩm cũng mang tính sáng tạo không kém. Nhưng để sáng tạo được như vậy, John gặp khá nhiều khó khăn về mặt tài chính. Do không muốn có thêm đối thủ cạnh tranh, những người buôn bán lâu năm ngấm ngầm đẩy John ra khỏi các khu vực sầm uất. Vào cuối năm đầu tiên, John gần như phá sản. Anne phải gắng sức duy trì việc kinh doanh của chồng bằng những đồng lương từ công việc làm y tá của cô.

Vậy là kế hoạch kinh doanh của John cần phải có sự thay đổi. Để xoay chuyển tình thế, anh phải tìm cho ra một địa điểm kinh doanh thuận lợi. Orlando có một nơi tầm cỡ và là vị trí tốt nhất để bán các loại quà bánh chất lượng cao – đó là một công viên thuộc phim trường Universal. Tuy nhiên, có một chỗ kinh doanh trong khuôn viên này không phải là việc dễ dàng. Phim trường Universal của bang Florida thông báo cho John rằng anh phải ký quỹ 100.000 đô la để được quyền kinh doanh trong khuôn viên của họ. Phía Universal sẽ quản lý quầy hàng của John. Các hãng lớn như Orville Redenbacher và Haagen-Dazs đã làm như thế, nhưng 100.000 đô la đối với The Nutty Bavarian quả là quá tầm tay. Để cạnh tranh với các hãng lớn, John phải tìm cách khác, sáng tạo hơn những cách thông thường.

Anh gọi cho bộ phận phụ trách về thực phẩm của Universal và nói chuyện với vị phó chủ tịch. John kể cho ông ấy nghe về món ăn cực kỳ hấp dẫn của mình. Vị phó chủ tịch yêu cầu John gởi thư chào hàng đến, và John đã làm đúng như thế. Hàng tuần trôi qua mà không nhận được trả lời. Ngày nào John cũng gọi điện đến trong suốt một tháng trời. Anh gởi sản phẩm mẫu và thư chào hàng đến. Sau cùng thì John gởi cho vị phó chủ tịch một lá thư, nói rằng anh sẽ gọi điện liên tục cho đến khi nào ông ấy đồng ý gặp John trong ba mươi phút hoặc có lý do chính đáng để thẳng thừng từ chối.

Lá thư tỏ ra hiệu nghiệm. Vị phó chủ tịch đồng ý gặp anh. Và đây chính là lúc John phải tìm cách giải quyết những thử thách thực sự. Anh biết ba mươi phút này sẽ là khoảng thời gian không thể quên. Anh tin rằng món ăn do mình chế biến sẽ có mùi vị hấp dẫn, John quyết định để cho sản phẩm lên tiếng thay cho mình. Vào đúng ngày hẹn, John mang cái lò nướng vào thẳng phòng họp và tiến hành chế biến món hồ đào bọc quế nóng hổi. Tiếng nổ vui tai của các hạt va vào thành chảo, hương thơm tràn ngập căn phòng, rồi len lỏi ra ngoài hành lang... Chẳng bao lâu sau, đã có nhiều nhân viên tò mò ghé ngang qua để tìm hiểu xem ai đang chế biến món ăn gì ở đó. Họ nhìn thấy một cái chảo đầy những hạt hồ đào vàng óng, nóng hổi đang tỏa hương thơm ngào ngạt.

John phục vụ mọi người từng hạt hồ đào mới rang và ai cũng muốn thưởng thức thêm nữa. Nhưng họ vẫn muốn có thêm thời gian để xem xét đề nghị của anh. John chợt nảy ra một ý tưởng. “Tôi bảo với họ rằng nếu họ cho tôi thử trong ba mươi ngày, đích thân tôi sẽ chế biến và đứng bán tại quầy mỗi ngày, trong suốt một tháng, mỗi ngày mười hai tiếng, và nộp cho Universal hai mươi lăm phần trăm doanh thu. Universal chẳng chịu thiệt hại gì, họ không hề có chút rủi ro nào, về phần mình, tôi sẽ có cơ hội để chứng tỏ mình”. Cuối cùng ban giám đốc Universal đã đồng ý với đề nghị của John.

Tháng đầu tiên John thu được 40.000 đô la. Sau tháng thứ hai, John ký một hợp đồng hai năm với Universal và vào cuối năm đầu tiên, chỉ với hai xe đẩy, doanh số của John đã đạt đến một triệu đô la.

“Lúc đó tôi không hề biết rằng họ không bao giờ cho người ngoài vào kinh doanh trong cơ sở của họ theo cách như thế. Nhưng với tôi thì khác. Chuyện này chưa từng có tiền lệ.”

Nutty Bavarian ngày nay có hơn 150 xe đẩy kinh doanh nhượng quyền trên toàn nước Mỹ và ba nước khác với doanh số hàng năm hơn 10 triệu đô la. Món hạnh nhân và hồ đào của John là món ăn ưa thích của cựu tổng thống Bill Clinton và đã từng được phục vụ tại cả hai buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông. Nutty Bavarian từng được đài CNN đưa tin, cũng như được Bryant Gumbel và Willard Scott hết lời ca ngợi trên chương trình Today Show của đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Mỹ (NBC).

John sẵn lòng chia sẻ “công thức bí mật” dẫn đến thành công của anh cho tất cả chúng ta: đó là một muỗng cà phê “lòng tin” trộn với một nhúm “táo bạo” trước khi đặt vào một chiếc lò nướng chứa đầy “tính sáng tạo”!

Trích từ “Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường” -NXB Tổng hợp TPHCM

Thành công sau một chặng đường dài

Noreen Ayres
Noreen Ayres mơ trở thành nhà văn từ năm mười bốn tuổi. Một giáo viên nhận ra khả năng của cô và động viên cô học lên đại học. Với Noreen lúc ấy, vào đại học là một ý nghĩ lạ lẫm bởi trong gia đình cô, chưa có ai học hết trung học, nói chi đến đại học. Cha mẹ cô cũng chưa bao giờ quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Chính cô giáo của Noreen đã thắp lên ngọn lửa đó trong cô. Noreen rời gia đình vào năm mười bảy tuổi và tự bươn chải để có tiền học đại học.


Ở đại học, các giáo sư của cô cũng nhận ra một điều gì đó đặc biệt trong các bài viết của Noreen. Nhưng mọi việc chỉ dừng lại ở đó vì chưa kịp có tác phẩm nào thì cô đã lập gia đình và có con. Đó là những chuỗi ngày dài nhất của đời cô: bảy năm liền trong vai trò làm mẹ và tám năm kế tiếp cô theo học hàm thụ sau đại học nhằm kiếm một tấm bằng thạc sĩ để có thể đi dạy. Trong thời gian đi dạy và làm thư ký, cô dành hết thời gian rảnh rỗi để làm thơ và viết truyện ngắn. Năm tháng qua nhanh trong khi cô chỉ mới đi được những bước đi nhỏ bé vào lĩnh vực viết văn. Rồi cô làm người sửa mo-rat cho các nhà xuất bản. Sáu năm nữa trôi qua, cô vẫn viết, được một vài giải thưởng và nhiều lời khích lệ nhưng thành công dường như không muốn đến với cô, không ai chịu xuất bản sách của cô.

Thời giờ mải miết trôi và Noreen biết rằng cô không còn nhiều thời gian. Khá lâu sau cuộc ly hôn với người chồng đầu tiên, ở tuổi ba mươi tám, cô kết hôn với Tom Glagola, một nhà văn nhiều khát vọng. Họ hứa với nhau hai điều: một là sẽ mãi mãi bên nhau, và hai là quyết tâm trở thành những nhà văn nổi tiếng. Cả hai đều đang phải làm việc toàn thời gian để duy trì cuộc sống nên họ chỉ có thể viết khi nào tranh thủ được chút thời gian. Lại sáu năm nữa trôi qua và họ vẫn chưa có tác phẩm nào được xuất bản. Cảm thấy tuyệt vọng, Noreen cùng chồng đi đến một quyết định táo bạo: nghỉ việc để toàn tâm toàn ý sáng tác. Để trang trải chi phí sinh hoạt, họ phải mang cầm cố ngôi nhà của mình. Họ tự nhủ, thậm chí nếu họ vẫn không thành công trước tuổi sáu mươi lăm, họ cũng mãn nguyện vì đã cố gắng hết mình.

Noreen viết rất đều tay và công bố các truyện ngắn của mình ở bất kỳ nơi nào có thể. Một năm rưỡi qua đi và không một mẩu truyện nào được xuất bản. Cô bắt đầu nản và tự hỏi rằng mình đang cố gắng vì cái gì. Ở những thời điểm quyết định như thế này, con người ta phải chọn lựa: hoặc từ bỏ giấc mơ, hoặc đi tiếp bằng tất cả nghị lực và ý chí. Noreen đã quyết định tiếp tục.

Bà tham gia hội nhà văn. Lấy những lời nhận xét và khuyến khích của các thành viên trong hội làm động lực, Noreen chuyển sang viết tiểu thuyết trinh thám. Tác phẩm đầu tiên bà gửi đến ba mươi ba nhà xuất bản và bà nhận được … ba mươi ba lời từ chối cùng những lời khen về phong cách viết, chứ không phải về nội dung tình tiết của truyện. Quyết tâm biến thất bại thành cơ hội, Noreen tham gia các khóa học về nghiên cứu tội phạm, giám định hình sự, đọc các vụ án trên báo chí và phỏng vấn các chuyên gia trong những lĩnh vực đó. Một ngày kia bà gặp một vụ án mạng đáng chú ý. Đó là vụ án về một nhân viên mẫn cán của một cửa hiệu tạp hóa bị giết chết một cách dã man trong một vụ cướp. Bị kích thích và hấp dẫn bởi những tình tiết bên trong vụ án, Noreen bắt tay vào viết.

Noreen mang một trăm trang bản thảo đầu tiên đến một hội nghị văn học có giới xuất bản tham dự. Trước cuộc thảo luận, Noreen chuẩn bị rất kỹ, nghiên cứu kỹ về lĩnh vực mà từng nhà xuất bản quan tâm, lưu ý cả về mức độ thành công của họ. Tại hội nghị, bà đưa bản thảo cho đối tượng lựa chọn đầu tiên của mình: Nhà xuất bản William Morris.

Và, lần này thì không một lời từ chối nào được thốt ra. Đại diện nhà xuất bản chỉ hỏi bà một câu đơn giản: “Bà muốn ứng trước bao nhiêu?”. Thông thường giá bản thảo của một nhà văn chưa có tác phẩm xuất bản lần nào là vào khoảng 5.000 - 7.000 đô la. Noreen không biết điều đó, bà đưa ra một cái giá mà bà nghĩ có thể giúp bà toàn tâm toàn ý viết trong vòng hai năm: “150.000 đô la”. Thật bất ngờ, người đại diện đề nghị 120.000 đô la và đặt hàng bà hai cuốn, một thỏa thuận không thể tin được dành cho một nhà văn mới.

Cuối cùng Noreen cũng đã trở thành một nhà văn có sách được xuất bản và được biết đến rộng rãi khi bước vào tuổi năm mươi hai. Cuốn sách đầu tiên của bà, A World the Color of Salt, xuất bản năm 1992, được nhiều nhà phê bình văn học khen tặng và nhận được nhiều lời ca ngợi từ độc giả. Carcass Trade là cuốn sách thứ hai của bà, được xuất bản năm 1994. Và cuốn thứ ba, The Juan Doe Murders, vừa được bà hoàn thành cách đây không lâu.

Dù Noreen đã cầm bút và viết trong hơn ba thập kỷ trước khi sách của bà được xuất bản, nhưng cuối cùng bà đã đạt được ước mơ của mình. Không ai có thể tiên đoán được Noreen sẽ viết về những gì trong tương lai, nhưng chắc chắn bà sẽ không có trang sách nào dành cho sự hối tiếc.

Trích từ “Nơi nào có ý chí nơi đó có con đường”
NXB Tổng hợp TPHCM

Kiên nhẫn để thành công

Trước khi thành danh, ngôi sao điện ảnh Sylvester Stallone là một chàng trai nghèo khó. Tài sản duy nhất lúc bấy giờ của anh là 100 đôla và chiếc xe cà khổ, chậm chạp như lão rùa già. Lão rùa già đó cũng là nơi để anh chợp mắt khi về đêm. Bần cùng đến độ Sylvester Stallone không trả nổi tiền bãi đậu xe. Vì thế, anh luôn đậu xe 24/24 trước cửa siêu thị với lý do đơn giản: không tốn tiền.

Cuộc sống muôn vàn khó khăn, nhưng Sylvester Stallone quyết không buông trôi cuộc đời. Anh sống vì lý tưởng riêng của mình: trở thành diễn viên điện ảnh lừng danh.

Thế là anh bắt đầu đi gõ cửa tất cả công ty sản xuất phim ở Hollywood, cố tìm bằng được cơ hội diễn xuất.

Hollywood có khoảng 500 công ty điện ảnh. Sylvester Stallone lần lượt tìm đến từng nơi, và đối mặt với đủ 500 cái lắc đầu từ chối. Chẳng ai thèm đến xỉa đến chàng trai nghèo khó ấy cả.

Không bỏ cuộc, Sylvester Stallone tiếp tục hành trình tìm kiếm cơ hội lần thứ hai. Anh quay vòng lại, bắt đầu từ công ty đầu tiên. Lần này, trong số 500 công ty điện ảnh của Hollywood, vẫn tròn trịa 500 sự từ chối dành cho Sylvester Stallone.

Sylvester Stallone vẫn kiên quyết giữ vững lòng tin, tự nhủ: “1000 lần bị từ chối sẽ là những kinh nghiệm quý báu”. Ý nghĩ đó lại cổ vũ anh thử sức lần nữa - lần thứ ba. Anh vẫn đi lần lượt từng công ty, nhưng có khác lần trước một chút: anh không chỉ tìm cơ hội diễn xuất mà còn giới thiệu cả kịch bản do chính anh khổ công sáng tác.

Liệu lần gõ cửa thứ ba này Sylvester Stallone có thành công? Kết quả vẫn là con số không! Tất cả các công ty đều từ chối thẳng thừng.

Sau không biết bao nhiêu lần như thế, chịu không biết bao nhiêu ánh mắt khinh miệt lạnh nhạt, cuối cùng cũng có một công ty nhận kịch bản của Sylvester Stallone, đồng thời mời anh đóng vai chính trong kịch bản ấy.

Tên bộ phim đó là «Rocky» (phim đoạt giải Oscar). Cũng từ đó, anh đã xác lập được ngôi vị của mình trên màn bạc quốc tế.

Từ một chàng trai nghèo chỉ có vỏn vẹn 100 đôla trong người, đến một ngôi sao cao cấp với tiền cát-xê hơn 20 triệu đôla, Syvester Stallone, với ý chí kiên cường và sự phấn đấu không mệt mỏi, cuối cùng cũng đã thực hiện được ước mơ đời mình.

Lòng dũng cảm để Sylvester Stallone đối diện với những cái lắc đầu từ chối xuất phát từ lòng tin kiên định của anh : «Trong cuộc sống, không có gì gọi là thất bại, chỉ là tạm thời không thành công mà thôi». Đúng vậy, trong hành trình đi đến thành công, ai lại chẳng gặp thất bại ? Nhận thức được điều này, chúng ta sẽ có thêm sức mạnh để đối mặt với những vướng mắc trên đường đời, vốn chẳng bao giờ bằng phẳng.

Trích từ "Tôi là cây hồ đào" - NXB Văn hóa Sài Gòn

Việc thành bại là do con người


Tỷ phú Lý Gia Thành
Lý Gia Thành là một nhà kinh doanh cực kỳ thành công và giàu có của Hồng Kông, người từng được mệnh danh là «siêu nhân». Ông sinh năm 1928 tại Triều Châu, Quảng Đông. Năm 1940 ông cùng gia đình chạy nạn đến Hồng Kông. Hoàn cảnh của ông thời kỳ đầu mới lập nghiệp vô cùng khó khăn. Nhưng nhờ vào nghị lực kiên cường của mình, cuối cùng ông đã thành công rực rỡ. Hãy nghe ông tâm sự :

Tôi không tin vào phong thủy vì trước nay tôi luôn tâm niệm câu nói: “Sự việc thành bại là do con người”.

Năm 1955, lần đầu tiên tôi mở rộng công việc làm ăn của mình, thành lập một nhà máy hạng vừa, thuê nhà xưởng của một công xưởng sắp bị sập tiệm phải đóng cửa. Lúc đó có một nhân viên cao tuổi của công xưởng này đến nói với tôi rằng phong thủy của mảnh đất này không tốt, không ai có thể làm ăn kiếm tiền được ở nơi đây.

Mặc dù rất cảm kích sự chân tình của ông, nhưng khi đó tôi nhớ lại câu nói của một vị tiền bối :Sắt có thể biến thành vàng, vàng cũng có thể biến thành sắt, điều quan trọng là xem anh làm như thế nào mà thôi.

Hơn nữa khi đó tôi cũng đã nhận đơn đặt hàng rồi, máy móc cũng đã mua rồi. Tôi không thể thất tín với người khác, vì vậy tôi vẫn chuyển đến công xưởng này. Tôi rất cẩn trọng trong việc làm ăn kinh doanh của mình, và sau một tháng làm việc tôi đã kiếm được số tiền kinh doanh của cả năm. Sau đó tôi tiếp tục thuê tiếp khu nhà xưởng bị đóng cửa ở sát bên để làm cho đến khi chúng tôi mua được một khu đất để xây nhà xưởng mới thì mới chuyển đi. Còn khu đất bị coi là phong thủy không tốt đó sau này có rất nhiều người đến tranh nhau thuê.

Về vấn đề phong thủy, tôi cũng có thể phải tin, nhưng sự việc cuối cùng bao giờ cũng do con người làm và quyết định. Điều quan trọng là phải làm cho mình trở nên vững vàng. Làm tốt công việc của mình, có tầm nhìn xa, biết cách ổn định vững vàng trong khi phát triển, đó chính là bí quyết thành công của tôi.

Theo «Lời khuyên những danh nhân thế giới dành cho con cái»
NXB Công an nhân dân

Cindy Crawford: Tấm gương không oán trách

Cindy Crawford là siêu mẫu nổi tiếng của Mỹ. Cô yêu thiên nhiên từ nhỏ. Hồi học tiểu học, Cindy thường say mê sưu tập những con ngài của giống bướm nâu, rồi đợi đến mùa xuân, háo hức ngắm nhìn những con bướm vươn mình ra khỏi kén. Lũ bướm mới nở xinh tuyệt!

Một hôm, Cindy thấy một con bướm sơ sinh hì hục mãi không thể chui ra. Thương nó quá, Cindy bèn lấy kéo cắt đứt những sợi tơ chằng chịt bám lấy nó. Cô định giải thoát cho nó khỏi vất vả và đau đớn. Nào ngờ, chú bướm do cindy đỡ đẻ chẳng sống được bao lâu, nó bị chết do quá yếu. Cindy rất đau khổ và không hiểu nổi tại sao. Thấy vậy, mẹ của Cindy bước lại gần, vỗ vỗ lên vai cô âu yếm bảo:

- Con gái yêu ơi, những con bướm đều phải vất vả lột xác mới thoát ra khỏi kén, quá trình đó không hề dễ chịu và ngọt ngào chút nào. Chỉ có trải qua vất vả chúng mới bài tiết hết những chất cặn bã trong cơ thể. Nếu không, chúng sẽ trở nên yếu ớt và không thể chịu nổi thế giới bên ngoài.

Cindy mở to đôi mắt trong veo, nuốt lấy từng lời của mẹ. Sau này, trải qua nhiều thăng trầm và vất vả trong cuộc đời, cô càng hiểu ra con người cũng phải trải qua tôi luyện như loài bướm. nếu không cố gắng tự vươn lên thì người ta sẽ trở nên yếu ớt, kém cỏi, và dễ đánh mất nhiều thứ quý giá. Vì vậy, Cindy luôn luôn chăm chỉ, cố gắng học và luyện tập. Dần dà, cô đã khẳng định vị trí siêu mẫu của mình trên toàn thế giới.

Cindy Crawford (1966) là người mẫu, diễn viên nổi tiếng của Mỹ. Cô sinh ra ở một thị trấn nhỏ bang Illinois. Cuộc sống khốn khó ngay từ khi còn nhỏ đã giúp cô có được ý chí phấn đấu và tinh thần nỗ lực vươn lên. Ở trường, thành tích của cô rất xuất sắc, và nhờ vào khuôn mặt xinh xắn khả ái của mình mà cô quyết định đầu quân cho một công ty người mẫu. Cindy Crawford trở thành một người mẫu chuyên nghiệp và bước lên bục cao danh vọng.

Bài học nhỏ về những người nổi tiếng – NXB Kim Đồng

Cơ hội "vàng" cho thanh niên lập thân, lập nghiệp

Học nghề, lập nghiệp sẽ là phong trào lớn để TN hướng tới
Nước ta hiện có 21 triệu LĐ trẻ, nhưng có tới 70% trong số này đang sống tại các vùng nông thôn với trình độ và tay nghề gần như không có. Đặc biệt, hiện tỉ lệ TN thất nghiệp còn khá cao (7-9% tùy khu vực).

Để giảm tỉ lệ trên - sau hơn một năm chỉnh sửa, hoàn thiện, Đề án "Hỗ trợ TN học nghề và tạo VL" do T.Ư Đoàn cùng Bộ LĐTBXH soạn thảo vừa được Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đó, bốn mục tiêu chính TN được hưởng lợi từ ĐA là: Thay đổi nhận thức về học nghề, lập nghiệp; vay vốn học nghề, tạo VL, đi XKLĐ; được hỗ trợ học nghề và tạo VL.

Mục tiêu lớn: Thay đổi nhận thức

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Bí thư T.Ư Đoàn TNCSHCM cho biết: Trong bốn nhiệm vụ lớn của ĐA, thay đổi nhận thức cho TN về học nghề, lập nghiệp được coi là quan trọng nhất. Vì thực tế, tỉ lệ TN được tiếp cận thông tin qua hệ thống các TT TV,GTVL mới chỉ được 20%, số còn lại qua các kênh khác như mạng Internet, trực tiếp đến DN...

Để hiện thực hoá mục tiêu, ngay trong tháng 8.2008, T.Ư Đoàn sẽ triển khai Dự án "Truyền thông nâng cao nhận thức của TN và xã hội về học nghề, lập nghiệp". Cụ thể: Sẽ phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng chương trình "Thế giới nghề nghiệp", phối hợp với VNPT mở tổng đài tư vấn trực tiếp, phát hành bản tin "Học nghề, lập nghiệp" đến 1.200 cơ sở Đoàn phường, xã, thị trấn trên cả nước...

Bên cạnh đó, Đoàn cũng triển khai Dự án "TV, hỗ trợ TN khởi sự DN và lập nghiệp" Theo đó, từ 2008-2010, Đoàn sẽ tổ chức 5.000 khóa đào tạo tập trung cho 200.000 lượt TN có nhu cầu khởi sự DN, 30 khóa tập huấn cho TN khuyết tật có nhu cầu lập nghiệp; đồng thời tổ chức đào tạo trực tiếp từ xa trên truyền hình và sóng phát thanh về khởi sự DN cho TN... "Mục tiêu đưa tỉ lệ TN được tiếp cận thông tin TV, GTVL đạt 50% vào năm 2010 có thể bị "phá vỡ" trong năm 2009 - nếu các giải pháp trên được thực hiện tốt", ông Hiệp nhận định.

2010: 5 TT TVGTVL "kiểu mẫu" chính thức hoạt động

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Tổ chức Đoàn hiện có 33 TT DN và GTVL cho TN nằm ở 31 tỉnh, thành. Trong đó, có khoảng 30% số TT có điều kiện cơ sở vật chất tốt, hoạt động hiệu quả; 30% cơ sở vật chất tuy còn khó khăn nhưng hoạt động khá hiệu quả; số còn lại mới thành lập, gặp nhiều khó khăn nên hoạt động chưa hiệu quả.

Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu do ĐA đề ra, trước mắt, T.Ư Đoàn và Bộ LĐTBXH sẽ chọn ra 10 TT để xây dựng mô hình "kiểu mẫu" với tiêu chí "3 trong 1" (tư vấn, hướng nghiệp; DN; GTVL). 10 TT này sẽ được ưu tiên đặt tại các địa phương thuộc trọng điểm của khu vực, đáp ứng các tiêu chí: Có nguồn LĐ dồi dào, có KCN-KCX và có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó ưu tiên các địa phương chưa có TT DN,GTVL của Bộ LĐTBXH.

Ngay trong tháng 8-9.2008, T.Ư Đoàn sẽ phải trình Chính phủ phương án xây dựng 5 TT và 5 TT tiếp theo vào tháng 3-4.2009 để đến năm 2010, 5 TT "kiểu mẫu" đầu tiên chính thức đi vào hoạt động.

Một thanh niên có thể được vay vốn 2 lần

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà. Theo ông Hoà: "Mọi TN đều được hỗ trợ, tạo điều kiện để vay vốn học nghề, tạo VL và đi XKLĐ, tuy nhiên sẽ ưu tiên cho TN đã vay học nghề được tiếp tục vay vốn đi XKLĐ, đặc biệt các thị trường LĐ cao.

Vì mục tiêu của ĐA là khuyến khích TN học nghề và nâng cao tay nghề để đi XKLĐ do các thị trường LĐ đều hướng tới tuyển LĐ qua đào tạo nghề. Kể cả đối tượng TN vay lập nghiệp, cũng ưu tiên LĐ có nghề.
Những TN có nghề rồi, nhưng muốn học để nâng cao tay nghề ở cấp cao hơn vẫn được giải quyết".

Về mức vay, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Mức vay cho học nghề thực hiện như Quyết định 157 của Thủ tướng CP về tín dụng đối với HS-SV là 800.000 đồng/người/tháng bao gồm cả học phí và sinh hoạt phí. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ dựa trên tình hình thực tế (học phí của mỗi nghề, mỗi trường, trung tâm) để điều chỉnh mức cho vay.

Nhưng khác với Quyết định 157 - khi SV nhập trường mới được làm thủ tục để vay thì ở đây TN có nhu cầu học nghề sẽ được vay trước khi đến trường. Đối với TN vay vốn đi XKLĐ, mức tối đa cho mỗi TN là 60 triệu đồng/người với lãi suất 0,65%/tháng. Đây thực sự là cơ hội "vàng" với những TN có nhu cầu lập thân, lập nghiệp.

Lan Ngọc - Hải Yến (laodong.com.vn)

Những ngành học mới lạ

Công nghệ spa là một ngành mới lạ
Những năm gần đây, một số trường ĐH-CĐ đã mở ra những chuyên ngành học mới để đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, những sinh viên (SV) tốt nghiệp các ngành này dễ kiếm được việc làm.

Đô thị học

Đây là ngành mới của ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ngành này mang tính ứng dụng cao, có thể giải quyết và đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong đời sống hằng ngày của xã hội. Ngành Đô thị học trang bị cho SV kiến thức, kỹ năng gắn liền lý thuyết với thực tiễn, xây dựng đánh giá và thẩm định dự án ở các cấp độ khác nhau. Ngoài ra, SV còn được trang bị kỹ năng làm việc độc lập, chuyên nghiệp, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.

Tốt nghiệp ngành Đô thị học, người học có thể tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách của đô thị trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đảm nhiệm việc tư vấn điều phối, quy hoạch kinh tế - xã hội, thiết kế và xây dựng chính sách, thẩm định và đánh giá các dự án có liên quan đến việc phát triển đô thị trong các cơ quan công quyền ở các cấp quản lý hành chính khác nhau, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức phát triển quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quốc tế…

Phong thủy học

Đây là môn học hấp dẫn được đưa vào đào tạo tại ngành Xây dựng kiến trúc và Mỹ thuật công nghiệp của trường ĐH dân lập Hồng Bàng. SV sẽ được học các kiến thức về phong thủy một cách khoa học, vận dụng khi thiết kế một không gian sống phù hợp với môi trường tâm lý và thiên nhiên. Với ngành học mới này, những sinh viên tốt nghiệp sẽ là những kiến trúc sư, kỹ sư đầu tiên được đào tạo về phong thủy khi học về xây dựng và kiến trúc. Đây cũng là một môn học đáp ứng nhu cầu của xã hội trong những năm gần đây và chắc chắn khi sinh viên tốt nghiệp, cơ hội việc làm sẽ rất cao.

Hành chính học

Ngành học này được mở tại ĐH Quy Nhơn. Ngành Hành chính học có mục tiêu đào tạo cử nhân hành chính học có phẩm chất chính trị tư tưởng vững vàng, có kỷ luật; có đạo đức nghề nghiệp, có ý thức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có sức khỏe và năng lực giao tiếp xã hội, nắm vững kiến thức cơ bản về hành chính học và kỹ năng hành chính, có khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chuyên viên hành chính trong lĩnh vực hành chính và quản lý hành chính nhà nước, góp phần tạo nguồn nhân lực cho việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Việt Nam học

Trong những năm gần đây, ngành học này được nhiều trường mở và thu hút khá đông sinh viên, trong đó có ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH dân lập Thăng Long... Đặc biệt, nó còn được mở ở một số trường CĐ như: CĐ Thương mại Du lịch Thái Nguyên, CĐ Thương mại và Du lịch... Chuyên ngành Việt Nam học trang bị cho SV những kiến thức đại cương về khoa học xã hội và nhân văn, các kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại và thiết thực về Việt Nam học (và cả tiếng Việt trong trường hợp sinh viên là người nước ngoài), giúp SV sau khi tốt nghiệp có khả năng đi sâu nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam học...

Chứng khoán và thẩm định giá

Trong thời gian qua, khi nhu cầu nhân lực về ngành chứng khoán bùng nổ, một số trường ĐH đã mở ra ngành học này. Hiện ngành học đang được đào tạo tại ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH Ngoại thương và một số trường ĐH dân lập. SV theo học chuyên ngành này, bên cạnh kiến thức chung về tài chính ngân hàng, sẽ được cung cấp nhiều kiến thức chuyên sâu về thị trường chứng khoán, tư vấn đầu tư.

Thẩm định giá cũng là một ngành học “sốt” do hiện tại và trong thời gian tới đang thiếu nhân lực. Nắm bắt được nhu cầu đó, năm vừa qua một số trường đã mở thêm chuyên ngành này, trong đó có trường ĐH Marketing. SV tốt nghiệp ngành này sẽ đảm nhiệm được một phần công việc quản lý hoạt động thẩm định giá tại các cơ quan quản lý giá, quản lý thuế... của Nhà nước.

Quản trị logistic và vận tải đa phương thức

Đây là một ngành học có tên gọi khá lạ, vừa được mở tại trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ngành học này trang bị những kiến thức để SV sau khi tốt nghiệp có khả năng tổ chức, quản lý, kinh doanh khai thác các dịch vụ về logistic và vận tải đa phương thức như: phân phối, kho vận dịch vụ khách hàng, quản trị chiến lược của doanh nghiệp vận tải, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM còn mở thêm một ngành mới nữa là ngành thiết bị năng lượng tàu thủy nhằm đào tạo những SV có thể tính toán, thiết kế kỹ thuật và thi công hệ thống, thiết bị năng lượng cho các loại tàu và công trình nổi. Lập quy trình công nghệ đóng mới và sửa chữa, tính dự trù nguyên vật liệu, nhân công và giá thành đóng mới và sửa chữa thiết bị, hệ thống năng lượng cho tàu và công trình nổi.

Quản lý hoạt động bay cũng là một ngành học mới được mở tại Học viện Hàng không VN. Theo học ngành này, sau khi tốt nghiệp SV sẽ trở thành kỹ sư chuyên ngành quản lý hoạt động bay, có khả năng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển ngành hàng không.

Ngành PR và quảng cáo

Cũng như chứng khoán, ngành này được khá nhiều bạn trẻ quan tâm và cũng được mở ra tại một số cơ sở đào tạo. Một trong những trường ĐH mở ngành này đầu tiên là Học viện Báo chí - Tuyên truyền. PR là tên viết tắt của Public Relations, nghĩa là quan hệ công chúng. Trong chương trình sẽ có những môn học về chiến lược quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, tạo dựng và quảng bá hình ảnh. Sau khi tốt nghiệp SV có thể làm cho các công ty chuyên về PR hoặc bộ phận truyền thông của các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan... Công việc của người làm PR là quan hệ với báo chí, quan hệ với chính quyền, tổ chức sự kiện. Hiện nay, ngoài Học viện Báo chí - Tuyên truyền, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng thường xuyên mở các khóa đào tạo PR ngắn hạn. Bên cạnh ngành học này, một số trường còn mở thêm chuyên ngành quảng cáo. Ngành quảng cáo cung cấp cho sinh viên những kiến thức về quảng cáo, kinh doanh, kinh tế, marketing, truyền thông... Hiện ngành này đang được đào tạo tại Học viện Báo chí - Tuyên truyền và ĐH dân lập Hồng Bàng.

Công nghệ spa

Cũng là một ngành hoàn toàn mới lạ được mở tại ĐH dân lập Hồng Bàng. Thực chất công nghệ spa gắn liền với y sinh học giúp duy trì sức khỏe, giảm stress, kiến thức về sử dụng nước nóng, nước lạnh như thế nào, kỹ thuật massage, bấm huyệt...

Trong các chuyên ngành mới của lĩnh vực y học còn một ngành “độc” được mở tại ĐH Hùng Vương (TP.HCM), đó là Quản trị bệnh viện. Ngành này đào tạo những chuyên viên có trình độ chuyên sâu về quản lý cơ sở y tế, bệnh viện. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có khả năng tổ chức, điều hành bệnh viện, cơ sở y tế, quản lý điều hành các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế.

Hệ thống thông tin địa lý

ĐH Nông Lâm TP.HCM đào tạo ngành Hệ thống thông tin địa lý (gọi tắt là GIS). GIS có tính chất liên ngành, liên quan đến các chuyên ngành địa lý, công nghệ thông tin, toán ứng dụng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, khoa học đất, quản lý đất đai, lâm nghiệp... GIS ngày nay là công cụ trợ giúp quyết định trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế giới. GIS có khả năng trợ giúp các cơ quan chính phủ, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các cá nhân... đánh giá được hiện trạng của các quá trình, các thực thể tự nhiên, kinh tế - xã hội thông qua các chức năng thu thập, quản lý, truy vấn, phân tích và tích hợp các thông tin được gắn với một nền hình học (bản đồ) nhất quán trên cơ sở tọa độ của các dữ liệu đầu vào.

Ngoài việc phục vụ tại các sở khoa học - công nghệ, sở tài nguyên - môi trường, sở nông nghiệp - phát triển nông thôn, chi cục kiểm lâm, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển... SV khi tốt nghiệp còn có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các công ty, doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Vũ Thơ (thanhnien.com.vn)

Gieo hạt tiếng cười

SGTT Nguyệt san - Người nông dân gieo hạt trên cánh đồng, ai cũng muốn những hạt giống vừa gieo sẽ nảy mầm thành một mùa bội thu trong những tháng ngày sau đó, nhưng chẳng ai biết trước được tương lai nó sẽ thế nào, nhưng dù gì thì cũng cứ phải gieo hạt đã.

Phật giáo dạy rằng: Hãy nhìn sự vật đúng bản chất của nó, để sự vật ấy tồn tại như chính nó đang tồn tại mà không bị nhuộm thêm những màu sắc khác mang tính chủ quan. Triết lý này tuy đơn giản nhưng thật khó để thực hành trong đời sống. Mỗi người đều có những thái độ và hành xử khác nhau trên cùng một sự việc. Cùng sự việc một cô hoa hậu đi thăm trại nuôi trẻ mồ côi, người nghĩ xấu bảo rằng cô mua danh, người nghĩ tốt cho rằng cô nhân ái. Cùng một hành động, với hai cách nhìn khác nhau, kết luận cũng trái ngược nhau.

Mọi người thường có thói quen nhìn nhận vấn đề theo kiểu riêng của mình và rất khó để thay đổi cách nhìn đó. Thái độ sống của từng người được hình thành theo những năm tháng họ sống. Sẽ khó lòng bảo rằng cuộc sống sẽ luôn tươi đẹp hơn đối với những người vốn hay sống bi quan và đố kỵ. Với họ, tất cả những sự việc đang diễn ra xung quanh dường như chỉ chực chờ lôi tuột họ xuống, trong khi những người sống lạc quan lại luôn thấy những khó khăn đang gặp phải như một dịp thử thách lòng can đảm, nghị lực vượt lên chính mình.

Nhìn nhận vấn đề một cách mạch lạc, không chủ quan, không suy diễn không phải là một điều khó, nhưng thường thì chả ai làm thế, vì sống ở đời thường phải có chính kiến chứ. Cũng chính vì chính kiến cá nhân kiểu ấy mà nhiều khi ta không thấy được những chiều khác của cuộc sống, những mặt khác, đôi khi tốt đẹp hơn của cùng một hành động.

Ta thử gieo hạt nhân ái vào đời, nhìn những khúc mắc trong đời sống ta đây bằng con mắt khác xem sao? Nhìn những khó khăn đang gặp kia, sâu tận trong bản chất của nó, tìm những gút thắt và dần gỡ chúng ra, xem ta sẽ học được gì từ những gút thắt ấy? Thử thay cách nhìn khó đăm đăm, đổi thái độ mà ta đang hằn học nhìn vào đời sống kia xem, ta sẽ nhận được những gì?

Khoa học chứng minh rằng, người ta sẽ hồi phục vết thương nhanh hơn, nếu ta tin tưởng rằng vết thương đang mang kia sẽ sớm lành. Mỗi sáng thức dậy, chính mình thử tặng mình một nụ cười xem, cuộc sống có vui hơn không? Chắc chắn ta sẽ được vui ít nhất là trong giây phút ấy. Không ai có đủ khả năng mang đến niềm vui cho ta bằng chính chúng ta, người ta mang đến hạnh phúc cho ta đấy, nhưng ta không thấy hạnh phúc thì điều đó có thể được gọi là hạnh phúc không?

Ta vui bởi vì ta thấy vui, ta hạnh phúc bởi đang hạnh phúc, điều đó phụ thuộc vào cảm giác bên trong của chính mình nhiều hơn là do người khác mang đến. Nếu ta nghĩ cuộc đời ta thật tươi, thì chẳng có nỗi buồn nào làm cuộc đời đang tươi kia héo hon được. Và hơn nữa khi niềm vui được nhân lên, lan toả, có ai đứng giữa đám đông mà không cười khi thấy người bên cạnh mình, người xung quanh mình đang cười vui vì sung sướng? Cái đó nhân gian gọi là “vui lây”.

Như những hạt mầm kia, gieo xuống hạt tiếng cười, ta sẽ được niềm vui, ta sẽ thấy cuộc đời đáng sống bởi vì ta đang sống. Cứ gieo hạt đi, vì nếu không gieo, sẽ chẳng có gì để nảy mầm cả.

Nam Phạm ảnh Phạm Hoài Nam

“Năng lượng sống của tôi là tình yêu”

SGTT - Câu chuyện của Kim Oanh, người phụ nữ có nụ cười quyến rũ, tràn đầy sức sống trước hết là câu chuyện của “người đàn bà trong tình yêu”, một tình yêu đủ sức làm nên điều kỳ diệu, và những kinh nghiệm đời thường gần gũi nhất để nuôi dưỡng tâm hồn

Mười chín tuổi đoạt giải hoa khôi thể thao với biết bao lời mời gọi hấp dẫn, tại sao Kim Oanh không ở lại Hà Nội để tiến thân trong con đường nghệ thuật, mà trở về Hải Phòng chọn nghiệp kinh doanh?

Ngay từ nhỏ tôi đã biết chia lẻ cuộc đời thành những hành trình nhỏ để đạt tới điều mình muốn. Khi chị Phương (ca sĩ Thu Phương – NV) đi Hà Nội học, cuộc sống hai chị em đang rất gắn bó trở nên quá chơi vơi với cô bé 12 tuổi như mình. Những ngày cô đơn dõi theo từng bước đi của chị, những trải nghiệm không giản đơn, tôi vừa ngưỡng mộ, vừa cảm nhận rõ sự mong manh, bất ổn của đời nghệ sĩ. Cùng mẹ tảo tần từ sáng sớm đến đêm khuya với một quán ăn nhỏ trên một đoạn đường dài để cáng đáng gia đình, lo toan cho anh Minh và chị Phương học ở Hà Nội, tôi đã ngấm dần thiên hướng kinh doanh từ mẹ, và cả sự lo toan, gánh vác của người phụ nữ trong gia đình. Chính bố mẹ, bằng sự nỗ lực của bản thân, như một tấm gương trong để chị em tôi nhìn vào mà sống. Bố mẹ đã xây cho ba anh em sự gắn kết chặt chẽ, nâng đỡ nhau trong cả cuộc đời.

Giải hoa khôi đến cũng đầy áp lực, sáng sớm vừa mở cửa hàng là người ta đến dòm ngó, xì xào, soi mói, khiến tôi rất khổ sở. Tôi quyết định nói với mẹ: “Thôi mẹ đừng bán hàng nữa, rồi mẹ con mình sẽ tìm cách khác”. Tuần đầu tiên qua đi, bản năng sống, bản năng che chở mạnh mẽ đã giúp tôi tìm kiếm được công việc đầu tiên, tôi mừng còn hơn lúc được giải hoa khôi.

Có ba điều mà tôi cho là quan trọng nhất, đó là phải quản lý được quỹ thời gian một cách hợp lý; nhất quán trong quan điểm sống; và luôn tự nhắc mình là phụ nữ. Gia đình bao giờ cũng là ưu tiên số một của tôi, còn công việc, dù trắc trở, khó khăn, tôi luôn nghĩ là sẽ có cách giải quyết

Chính nhờ ở lại Hải Phòng mà chị đã gặp được “một nửa của mình”?

Lúc ấy cả hai đều đang rất chơi vơi trong việc tìm đường đi cho chính mình. Anh Dũng (em trai đạo diễn Trần Anh Hùng – NV) vừa ly dị vợ, bộ phim đầu tiên Chuyện tình kể trước lúc rạng đông của công ty anh sản xuất lại bị trục trặc, những người đầu tư rút lui, công ty hoàn toàn mất định hướng… Tình yêu oà đến khiến chúng tôi tin rằng có hai người sẽ giúp nhau vượt qua được khoảng thời gian khắc nghiệt đó, để cùng tiến về một hướng. Cả hai quyết định vào lập nghiệp ở Sài Gòn. Tôi chấp nhận yên ắng một thời gian, dồn sức gầy dựng, hỗ trợ sự nghiệp cho anh ấy và chăm con… Năm năm trải nghiệm vai trò làm vợ và hỗ trợ công việc cho chồng là năm năm tôi chạm tới sát nhất, mạnh nhất bổn phận của người phụ nữ. Thực sự lắng đọng sau tất cả mọi ồn ào, để hiểu mình là ai, mình phải làm gì. Đó cũng là năm năm làm việc hết sức mình của anh Dũng. Bình yên đã trở lại trong mái ấm của chúng tôi.

Lựa chọn tình yêu này, chị cũng đã chấp nhận hy sinh? Anh chị có gặp nhiều khó khăn khi hoà nhập vào một môi trường hoàn toàn mới lại đầy cám dỗ?

Mối tình của chúng tôi đầy trắc trở. Cả hai phía bố mẹ đều ngỡ ngàng, không đồng tình, vì tôi chỉ gặp anh hai tuần trước khi đi du học ở Úc với số tiền dành dụm chỉ đủ chi cho năm học đầu tiên. Về phía tôi, bố mẹ không đồng ý, vì lúc ấy tôi đã có quyết định đi du học nước ngoài. Bố mẹ vẫn nghĩ tôi là một đứa con gái đầy hoài bão, sao bỗng dưng khờ khạo đi theo một chàng trai vừa ly dị, vừa bấp bênh trong sự nghiệp. Dư luận cũng đè nặng lên chúng tôi, bởi sự tan vỡ của gia đình anh trước đó... Nhưng khó khăn của anh nhiều hơn tôi, nên anh cần một niềm tin lớn hơn, vì thế tôi phải hỗ trợ anh. Bản năng che chở trong tôi mạnh lắm. Nhiều khi tôi thấy tình thương tôi dành cho anh còn lớn hơn cả tình yêu. Tôi tự mang trách nhiệm phải ở bên cạnh anh trong mọi khó khăn. Cả hai đều hiểu rằng nếu mình hỏng, ngã, sẽ không có điều kiện làm lại từ đầu. Chấp nhận xây dựng từng bước, thận trọng, để bảo vệ sự an toàn của tình yêu trong một môi trường hoàn toàn mới, không gia đình và bạn bè thân thiết xung quanh cùng với những cám dỗ không thể đoán trước, chúng tôi xác định đi đâu, làm gì, suy nghĩ gì cũng có nhau…

Theo chị, làm thế nào để cho đi và nhận lại mà không bị tổn thương, không bị lỗi nhịp?

Lo toan cuộc sống hàng ngày đôi khi giết chết sự lãng mạn của tình yêu. Mỗi người cảm nhận sự cho đi và nhận lại khác nhau, nhưng quan trọng nhất là nó phải đến từ hai phía, nếu không bắt được nhịp với nhau thì nỗ lực bao nhiêu cũng thành vô ích. Muốn vậy, phải có sự cảm thông, chia sẻ, có cùng một hệ giá trị mà cả hai đều tôn trọng, nền tảng văn hoá, những thói quen, sở thích, và biết tự điều chỉnh mình. Có người bảo tôi sao chiều chồng quá vậy, tôi nghĩ tất cả đều tự nhiên thôi, như hơi thở vậy. Chồng tôi cảm nhận và trân trọng điều đó, anh cho tôi cảm giác được đền đáp. Anh luôn là người nhắc nhở rằng chúng tôi là hai người đang yêu nhau.

Điều gì giúp anh chị giữ được cảm giác đó, khi cả hai đều quá bận rộn vì công việc kinh doanh?

Chân thực với nhau, để làm cho nhau đẹp hơn, hoàn thiện hơn trong mắt nhau. Anh quan sát tôi rất kỹ, và phê bình thẳng thắn. Là người khá tinh tế và quan tâm đến thẩm mỹ, khi tôi quá mải mê kinh doanh đến mất cân bằng, anh nhắc nhở ngay: “Anh thấy lúc này eo em hơi tròn ra đấy, ăn nói cũng bớt nữ tính đi, ngồi dạy con học bài mà đầu óc cứ để đâu đâu”. Anh cũng hay nhận xét về kiểu tóc, vóc dáng của tôi. Chính những xót thương nho nhỏ ấy làm mình mong muốn phải đẹp hơn trong mắt anh. Dĩ nhiên người vợ cũng phải đón nhận sự phê phán của chồng một cách chân thành. Dần dần, tôi đã tập được thói quen mở cửa bước vô nhà là hít thở thật sâu để làm chủ được mình, cất hết công việc sang một bên, dẹp bỏ mọi vương vấn lo toan… Phụ nữ yêu bằng tai, đàn ông yêu bằng mắt. Nhìn nhau bằng sự thân thiện và thức tỉnh nhau khiến cho người ta nở hoa. Hạnh phúc gia đình như cái sân vườn sau nhà, chỉ có mình ngắm, mình cảm nhận. Muốn thế, phải tưới cây, chăm sóc hàng ngày. Bà cứ tưới cây mà ông cứ dẫm đạp lên thì làm sao hoa nở (cười).

Với Wrap & Roll, chuỗi nhà hàng kinh doanh hơn 40 món gói và cuốn các miền trong khung cảnh hiện đại, chị đã tạo được một dấu ấn riêng cho ẩm thực Sài Gòn với thực khách trong và ngoài nước. Kinh doanh có mang lại cho chị những giá trị cộng thêm hữu ích cho cuộc sống lứa đôi, cho bản thân và cộng đồng?

(Cười hạnh phúc) Ba năm, với tám chi nhánh nhà hàng và quầy hàng, và đang chuẩn bị ra hai chi nhánh nữa cuối năm nay, tôi không nghĩ là mình sẽ đi nhanh như thế. Điều khiến anh yêu tôi nhiều nhất chính là hai năm đầu đầy sóng gió, nhưng khi tôi bước vào kinh doanh, thì quan hệ hai vợ chồng đã phát triển sang một bước mới, ngoài tình yêu, còn là sự cảm thông, đồng lòng với nhau. Con đường kinh doanh của tôi luôn có bóng dáng của anh phía sau. Hạnh phúc của tôi là được làm điều mình muốn và được người thân yêu ủng hộ.

Nguyễn Thu Hương, giám đốc công ty truyền thông Nam Hương:

Một người phụ nữ đầy trách nhiệm với thương hiệu chị đang xây dựng, với gia đình, với bạn bè. Tôi ngưỡng mộ chị ấy về nghệ thuật … chăm sóc chồng!

Ca sĩ Quang Minh (anh trai):

Hãy bớt đi áp lực công việc, dành thời gian nhiều hơn cho cuộc sống, gia đình, bố mẹ. Bận bịu quá quên cả cúng giỗ ở nhà làm mẹ buồn đấy!

Với 200 nhân viên đang có, tôi thấy mình cũng là trụ cột của một gia đình lớn, ẩn chứa bao nhiêu gia đình nhỏ trong ấy. Với bản thân, mỗi ngày thức dậy là một ngày vui, vì có biết bao điều cần giải quyết đang chờ tôi. Những cái đích rất nhỏ ấy làm cuộc sống thi vị hơn. Đôi khi giật mình vì quá mải mê với những mục tiêu mà đánh mất chính mình, anh lại là người giúp tôi điều chỉnh bản thân, tìm lại những vẻ đẹp đã từng làm… chồng mê, để chúng tôi cùng yêu nhau theo kiểu… ngày xưa!

Bí quyết nào khiến chị luôn quyến rũ, tinh tế và tràn đầy sức sống như thế?

Có ba điều mà tôi cho là quan trọng nhất, đó là phải quản lý được quỹ thời gian một cách hợp lý; nhất quán trong quan điểm sống; và luôn tự nhắc mình là phụ nữ. Gia đình bao giờ cũng là ưu tiên số một của tôi, còn công việc, dù trắc trở, khó khăn, tôi luôn nghĩ là sẽ có cách giải quyết. Dù quản lý cả một chuỗi nhà hàng, nhưng tôi vẫn giữ thói quen tự đi chợ, tự vào bếp nấu ăn mỗi tuần hai, ba ngày ở nhà, vì chồng con tôi thích ăn ngon, ăn theo cách của mình. Tôi thích lang thang trong chợ Bến Thành, trò chuyện với những chị bán cá, bán rau. Thời gian trong bếp là lúc tôi thư giãn nhất. Đôi khi phải nỗ lực một chút để căn bếp của mình luôn ấm lửa. Khi cả gia đình quây quần bên mâm cơm do chính tay tôi nấu, con trai sẽ chấm điểm rất “nghiêm khắc” các món ăn của mẹ. Lúc ấy tôi thấy hạnh phúc nhất.

Đều là người nổi tiếng, quảng giao, bặt thiệp, chị có bao giờ sợ… mất anh ấy, và ngược lại? Chị nghĩ gì về sự ghen tuông của đàn ông và đàn bà?

Chúng tôi không có những quan hệ xã giao hời hợt để đỡ mất thời gian. Chồng tôi là người khá tự nhiên với phụ nữ, nên đôi khi tôi cũng hơi khó chịu. Nhưng tôi phải tự điều chỉnh mình ngay, vì hiểu rằng đó cũng là điều đầu tiên khiến tôi thích anh. Rất không công bằng nếu mình thành kiến với chính cá tính của anh. Tôi thường tự tìm cách lý giải xem chồng nghĩ gì về mình, để không còn cảm giác bất an. Ghen cũng có sự thi vị của nó, nếu mình biết chế ngự. Và tôi biết chồng tôi cũng thích tôi ghen, vì anh ấy hiểu rằng tôi luôn quan tâm đến anh.

Theo chị, điều gì giết chết tình yêu?

Sự không trung thực. Nếu có chuyện gì xảy ra, phải giải quyết trên sự trân trọng và yêu thương. Có những thứ không thể thoả hiệp nếu nó là vấn đề thuộc về cảm xúc. Đó là vũ khí để bảo vệ hôn nhân, và cũng là điều giúp chúng tôi gặt hái được thành công một cách độc lập.

Làm thế nào để không bị công việc cuốn đi quá xa thực tế mà mình muốn sống?

Vợ chồng tôi không lên kế hoạch quá xa, mà xác định rõ trong vòng ba năm tới sẽ làm gì cho công việc và hưởng thụ, hai kế hoạch này phải luôn song song, để có thể cảm nhận và thưởng thức cuộc sống ngay lúc này. Du lịch cả nhà với nhau mỗi năm hai lần cũng là khoảng thời gian thực sự sống với nhau, không bị ảnh hưởng bởi công việc, có điều kiện khám phá những sở thích của từng cá nhân để hiểu nhau hơn. Kinh doanh nhà hàng cũng cần sáng tạo để luôn đổi mới. Những chuyến đi xa giúp tôi quan sát xã hội bên ngoài, học hỏi để phục vụ cho công việc đang làm, đang sống.

Vậy bây giờ, chị sợ nhất điều gì?

Tôi chẳng sợ gì cả, chỉ sợ mình và chồng yêu nhau… ít đi thôi. Cuộc sống vốn đầy biến cố, không ai nói trước được điều gì. Phải gìn giữ để nuôi năng lượng sống của tôi là tình yêu.

thực hiện Kim Yến
hình ảnh Hải Đông

Đọc sách để thay đổi số phận

SGTT - Với một “lý lịch” khá dày dặn trong việc trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau, Lê Nguyễn Trường Giang, một trong những thành viên sáng lập tổ hợp Tecapro Park dễ dàng tạo được ấn tượng với đối tác bằng những đối thoại thông minh. Sinh năm 1975, Giang còn khá trẻ, nhưng phải gọi anh là một “ông cụ non” vì Giang mê triết học, thích đọc sách

Anh từng nói mình hầu như là tự học, có phải tự học giúp anh thay đổi được tư duy và nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống?

Không sai, phải nói thật là thời đại học, tôi không đến lớp quá 30% tiết học, dù ngày đó, trường đại học Nông lâm Hà Nội khá nghiêm ngặt. Nhưng may mà tôi có quen với nhiều thầy trong trường nên cũng được “ưu ái”. Thời gian “cúp” học ấy tôi vào thư viện đọc sách. Đọc và tự hệ thống cho mình những kiến thức để tích cóp một “tài sản” riêng. Tôi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Tôi đã xin đi làm ở bộ Kế hoạch và đầu tư từ khi còn là sinh viên năm thứ 3. Làm ở đó năm năm thì tôi chuyển sang một tập đoàn viễn thông. Ngay cả viễn thông tôi cũng tự học và sau đó tôi đã trở thành một chuyên gia thiết kế xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông. Tôi cũng biết nhiều người nổi tiếng hiện nay cũng tự học mà thành công. Chẳng hạn như chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, ông vốn học ngành điện tử viễn thông, nhưng hiện nay, tư duy về kinh tế thì ông đang là một trong những chuyên gia hàng đầu.

Tôi nhận ra thế hệ 7X chúng tôi thiệt thòi rất nhiều. Phần lớn chúng tôi được đào tạo trong một môi trường giáo dục yếu kém, thường xuyên phải học những thứ thử nghiệm, cải cách không phương hướng. Chúng tôi thiếu khả năng tư duy, khả năng tự học. Thời mở cửa, ngành sư phạm đi xuống vì ai cũng đua theo những ngành thời thượng, chỉ có những đứa bét nhất mới vào ngành sư phạm vì ra trường lương đã thấp, đạo đức thầy trò lại sa sút. Tôi thấy có vài người giỏi thì tìm cách du học và ở lại nước sở tại, hiếm ai trở về. Thế là vài thế hệ kế tiếp được đào tạo bởi những nhà giáo trẻ thiếu kiến thức. Tôi có thực tế, vài học trò của tôi, mới tốt nghiệp đại học hai, ba năm, được giữ lại trường giảng dạy. Giảng viên mới toe như vậy mà được giao giảng dạy những môn như An ninh quốc tế, Giải quyết xung đột… kinh nghiệm đâu mà giảng, kiến thức đâu mà truyền… Rồi nháo nhào đến chỗ tôi hỏi mượn sách, mượn tài liệu, rồi điện lại bảo: “Em chẳng hiểu gì cả”… Vậy mà cũng vẫn phải tiếp tục đi giảng cho sinh viên nghe những điều chính họ cũng không hiểu. Trách gì chuyện sinh viên bây giờ sẵn sàng chi tiền mua đồ đạc, sắm sửa, chơi bời thay vì mua sách để đọc. Vì đọc có hiểu gì đâu. Ngay cả khi nhà xuất bản Tri Thức có chương trình đem sách vào nhà trường bán thì chào thua ngay từ đầu, chẳng ma nào mua.

Riêng tôi, đã tự học tất cả những gì có thể, để ít nhất, cũng thấy được mình không phải là người quá tồi.

“Đến ngàn năm nữa thì quyển sách còn thơm mùi mực ẩn chứa những nhân vật sống động kia vẫn là thứ làm người ta mê đắm nhất”

Anh nói rằng mình thích đọc sách và sách giúp anh hoàn thiện quá trình hình thành nên con người của anh hiện nay, cụ thể là thế nào?

Hiện giờ, ngồi trước bạn tôi là một nhà kinh doanh. Nhưng thực ra, hơn mười năm nay tôi lại cố gắng trở thành một nhà nghiên cứu chính là vì tôi mê sách. Tôi đã và bây giờ vẫn nghĩ thế này: có thể tôi có rất nhiều tiền nhưng tôi không thể là một gã trọc phú được. Câu chuyện về một tổng giám đốc công ty nọ mua chiếc xe Rolls–Royce để ngồi trên đó cho nó hết thành “thằng cò” là một nỗi ám ảnh của doanh nhân. Vì thực ra, ngay cả khi đã ngồi trên chiếc xe đó hay ngồi trên chiếc xe đắt tiền hơn nữa, vị tổng giám đốc ấy vẫn chỉ là một “thằng cò” không hơn. Khát khao được hưởng thụ vật chất để tạm thời quên mình là ai thì sẽ chẳng bao giờ thoả mãn vì đó chỉ là đồ giả. Nếu anh là chính anh, anh sẽ tiếp tục vượt lên. Bằng không anh cũng chỉ mãi sống trong mông muội. Và tôi phát hiện có một kho tàng kiến thức để cho chúng ta thay đổi được số phận mình, đó là sách. Sách đã cứu tôi thoát khỏi những nguy cơ đổ vỡ. Năm ngoái, làm mất vài tỉ vì thua lỗ, tôi bị sốc. Tôi đóng cửa với mình, không bạn bè, không giao tiếp. Tôi tình cờ chạm vào một cuốn sách có tên là Khó trong khó. Sau khi đọc hết cuốn sách đó, tôi đứng dậy, bước ra ngoài và ngay lập tức tìm cho mình những đam mê mới. Có người hỏi: “Vậy ra cuốn sách đó dạy bạn vượt qua khủng hoảng à?” Không phải, giá trị cuốn sách đem lại không phải là nó dạy dỗ tôi điều gì, mà chính là nó trở thành người bạn của tôi, chia sẻ với tôi lúc khốn cùng. Từ đó, tôi nhận ra một triết lý kinh doanh khác: vấn đề là không phải bạn đem lại lợi ích gì cho khách hàng nữa mà chính là việc bạn chia sẻ được điều gì với họ. Đó cũng là slogan mới cho công việc kinh doanh của tôi hiện nay: Intergration and Sharing – kết nối và chia sẻ.

Không chỉ đọc sách, bây giờ anh còn kinh doanh sách, anh đang nuôi một tham vọng?

Thật ra chỉ là tôi đang thực hiện chiến lược đem sách tiếp cận mọi người. Ban đầu tôi mở chuỗi cà phê sách (Hub’s Book). Nơi đây như một thư viện nhỏ trưng bày sách. Sách trở thành một vật trang trí đẹp đẽ trên các kệ được thiết kế trang nhã. Tôi gọi phần đầu này là: tạo môi trường cho sách và người đọc được ở gần bên nhau, rồi dần trở nên thân thiết, rồi từ đó đem lại lợi ích bằng những chia sẻ gần gũi với nhau qua ngôn ngữ. Phần sau sẽ là “Nghệ thuật đọc sách”. Chúng tôi sẽ tư vấn cách đọc sách, kỹ thuật tiếp cận ngôn ngữ, những câu chuyện chung quanh cuốn sách cũng được trao đổi, bàn luận tại không gian này… Và cuối cùng là khiến mọi người đem theo sách bên mình như vật bất ly thân vậy. Thế là thành công và đó cũng có thể gọi đó là một trong nhiều giấc mơ mà tôi muốn nó thành hiện thực nhanh chóng.

Anh có cho rằng người ta có thể không cầm quyển sách trên tay mà vẫn đọc sách thường ngày, chẳng hạn như đọc sách điện tử?

Nếu chỉ đơn thuần tìm kiếm kiến thức, điều đó chẳng có gì khác. Nhưng tôi không gọi ebook là sách, nó thuần tuý là một phương tiện, vô hồn. Sách in thì khác. Cầm quyển sách, chạm vào nó, ngửi mùi nó, lật qua lật lại, và thậm chí rơi nước mắt lên nó, như thế mới là đọc và phiêu linh cùng với sách. Theo tôi, đến ngàn năm nữa thì quyển sách còn thơm mùi mực ẩn chứa những nhân vật sống động kia vẫn là thứ làm người ta mê đắm nhất.

Điều gì giúp anh có năng lượng sống mạnh mẽ, ngoài sách?

Một mối tình duy nhất 10 năm qua và chúng tôi sắp cưới nhau. Và những người bạn chân thành và chia sẻ. Và những khao khát không bao giờ lùi bước.

Nếu gặp trắc trở trong tình yêu, gặp rắc rối trong tình bạn, gặp sai lầm trong kinh doanh… anh sẽ làm gì?

Tình yêu thì chưa gặp trắc trở gì, nhưng cũng có khi phiền muộn. Những lúc ấy tôi nghĩ đến việc nhường cô ấy, vì tôi lớn tuổi hơn, mà cũng vì tôi nghĩ muốn đạt đến điều đẹp đẽ nhất của tình yêu thì phải biết khoan dung, đừng làm cho cái tôi lớn hơn ước muốn cao cả của mình. Và để giữ được người ấy lại bên mình, chính là nhờ sự tôn trọng tuyệt đối. Không thể yêu khi bạn không còn niềm tin.

Còn với bạn bè, tôi có một nguyên tắc: sẽ cùng nhau bước lên bậc thang chứ không vì bất cứ điều gì mà đẩy họ đi sau, hoặc nếu họ có tài năng, sẽ đưa họ lên trước. Như thế mình không phải cảm thấy ân hận khi có chuyện xảy ra. Còn kinh doanh ư? Dễ lắm, chẳng ai có thể gặm mối ưu sầu mà sống mãi được. Thay vì ngồi đó mà chôn vùi đời mình thì còn có cách hay hơn nhiều: làm hết sức để kiếm tiền trả nợ (cười). Và tôi cũng đang phải bỏ hết những thú vui ngày thường như thể thao, thư giãn… để dồn cho việc ấy đây. Chưa kể, ngày xưa đi làm thuê cho người ta, hết việc thì chẳng cần phải suy nghĩ gì, có thể về nhà yên ổn đọc sách, nghe nhạc, chơi tennis. Giờ thì làm chủ nhưng cực gấp mười lần xưa. Không làm không được, mới có ba tháng mà phải bỏ vài tỉ đồng, trong khi mấy anh em cũng chỉ mới quen biết nhau, ngồi cùng nhau chủ yếu là vì tin tưởng nhau. Vì thế không thể tiếp tục nếu không có một tình bạn chân thành.

Sống chân thành có khó không?

Khó chứ. Vì vốn dĩ ai cũng tư lợi. Và đã có rất nhiều trường hợp các cổ đông tan rã nhanh chóng vì có những người thấy cái lợi trước mắt mà sẵn sàng phá tan mối quan hệ. Nếu họ biết kiên nhẫn nhìn đường dài thì con đường đi đến thành công sẽ mau chóng hơn.

Cám ơn anh về những chia sẻ thú vị này.

thực hiện Ngân Hà
chân dung nhiếp ảnh Trần Việt Đức
chân dung hội hoạ Hoàng Tường

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References