Làm sao để chọn nghề phù hợp

Chọn cho mình một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Việc chọn nghề thực sự quan trọng và vô cùng cần thiết. Chọn sai lầm một nghề nghĩa là đặt cho mình một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc.

Không phải ai cũng có thể trả lời được câu hỏi: Làm thế nào chọn được một nghề phù hợp. Chính những nghĩ suy và trăn trở rằng tôi có phù hợp nghề này hay không, tôi có thực sự yêu thích nghề này hay không, nghề này có tương lai hay không… là những vấn đề cần được giải quyết khi bắt đầu quá trình chọn một nghề phù hợp.

Trước nhất, cần phải vượt qua sự tác động của những tư tưởng và quan điểm chưa thực sự đúng đắn và hợp lý khi chọn nghề:

- Chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, người khác.

- Chọn nghề theo chuẩn của nhóm, của bạn bè và của người yêu.

- Chọn nghề may rủi.

- Chọn nghề chỉ ở bậc Đại học.

- Chọn nghề theo “mác”, theo “nhãn”.

- Chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền.

- Chọn nghề “gấp, rút” mà không có sự kiên nhẫn, hy sinh.

- Chọn nghề không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: điều kiện kinh tế cá nhân hoặc gia đình, thời gian học nghề, tuổi thọ của nghề, đầu ra của nghề…

Thứ đến, muốn chọn nghề phù hợp thực sự, cần phải chú ý thực hiện thật tốt các khâu trong quá trình hướng nghiệp. Không thể chờ đợi việc được hướng nghiệp mà bản thân mỗi người phải thực hiện sự tự hướng nghiệp cho chính mình bằng những nỗ lực tốt nhất có thể có của cá nhân.

Để chọn nghề phù hợp nhất thiết mỗi cá nhân cần phải:

1.Tìm hiểu nhiều nhất có thể có về những ngành nghề trong xã hội.

Trong mỗi ngành nghề, ít nhất là phải biết yêu cầu về nghề, triển vọng nghề nghiệp, mức lương, thị trường lao động… Ngoài ra, phải tìm hiểu cả môi trường làm việc, những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi trong nghề nghiệp…

Điều này chỉ được thực hiện khi cá nhân tìm được hoặc tiếp cận được bảng họa đồ nghề hoặc chí ít là những thông tin cần thiết về nghề qua một hướng dẫn nào đó:

- Tên nghề và những chuyên môn thường gặp trong nghề.

- Nội dung và tính chất lao động của nghề.

- Những điều kiện cần thiết để tham gia lao động trong nghề.

- Những chống chỉ định y học.

- Những điều kiện đảm bảo cho người lao động khi làm nghề.

- Những nơi có thể học nghề.

- Những nơi có thể làm việc sau khi học nghề.

Bên cạnh đó, việc quan tâm và tìm hiểu thật kỹ về dấu hiệu cơ bản của nghề là điều quan trọng. Nhất thiết, muốn chọn nghề phù hợp thì mỗi cá nhân phải tìm hiểu về đối tượng lao động, công cụ lao động, điều kiện lao động.

2.Tìm hiểu về chính bản thân mình để hướng đến việc tìm nghề phù hợp.

Phải trả lời thật chính xác những câu hỏi cơ bản nhất về chính mình cũng như những vấn đề tâm lý có liên quan: Tôi là ai, tôi cần gì và muốn gì, hạnh phúc với tôi là gì… Tất cả những câu hỏi này được thực hiện một cách nghiêm túc nhằm bước đầu định hướng cho việc tìm hiểu bản thân và để xác lập định hướng cuộc sống của chính mình.

Nhất thiết phải đánh giá thật chính xác về phẩm chất nhân cách và năng lực của mình. Việc tìm hiểu về năng lực của cá nhân như chỉ số IQ, CQ, EQ hay những khả năng cụ thể khác như sắc giác, chú ý (sức tập trung, sức phân phối…), quan sát, tư duy không gian, trí nhớ sơ đồ, tưởng tượng sáng tạo, ngôn ngữ… là những yêu cầu tối quan trọng. Điều này có thể thực thi thông qua một số bài tập, một số trắc nghiệm. Tuy vậy, điều quan trọng không kém là phải xác định thực sự được khả năng học tập và khả năng thi tuyển của cá nhân. Khả năng này là khả năng triển vọng chứ không phải là điểm số thực tế học tập. Đôi lúc, phải có ước mơ, phải có nỗ lực và sự kiên nhẫn chờ đợi, rèn luyện…

Tìm hiểu những đặc điểm tính cách, khí chất… của cá nhân cũng là một việc làm không kém phần quan trọng. Cá nhân phải biết mình là người có khí chấc cách như : Biết kiềm chế, trung thực, bảo mật, gan dạ, dũng cảm, cẩn thận… để hướng đến những nghề phù hợp trong lược đồ.

Chính cá nhân phải xác lập cho mình một suy nghĩ thật sự nghiêm túc: nghề mình yêu thích và những nghề có thể chấp nhận khi không có điều kiện lựa chọn cho bản thân.

Việc tìm hiểu chính bản thân về phương diện năng lực và phẩm chất sẽ giúp cá nhân so sánh chính mình với yêu cầu của lược đồ nghề nghiệp để chọn nghề hoặc chọn nhóm nghề phù hợp nhất. Lưu ý rằng đây phải là chọn nhóm nghề chứ không chỉ là chọn khối thi.

Bản thân người chọn nghề muốn tìm đến sự phù hợp cao nhất có thể có là không thể tự thân vận động đơn độc mà rất cần có sự hỗ trợ của một số chuyên viên tư vấn hướng nghiệp hoặc một số người thực sự có kinh nghiệm hướng nghiệp – chọn nghề.

Bên cạnh đó, nên tranh thủ nhiều nhất những điều kiện đang có để tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua một số cá nhân đang làm nghề, tham quan thực tế nghề nghiệp, “thử “ đến về nghề… để có những định hướng hợp lý nhất và có thể điều chỉnh khi phù hợp. Chính 3 khâu: nhận thức về nghề, thái độ về nghề và xu hướng hành vi về nghề sẽ quyện chặt vào nhau và giúp cá nhân chọn nghề đúng đắn nhất, thích hợp nhất.

Chọn nghề phù hợp đòi hỏi nhiều yêu cầu khác nhưng nếu thực hiện được bước đầu những yêu cầu trên thì việc chọn nghề sẽ giảm thêm được nữa sự cảm tính, sự tổn hao của cá nhân – xã hội. Quan trọng nhất là người chọn nghề tự tin, thoải mái và chắc nịch tuyên bố ngầm rằng: Mình sẽ và phải làm tốt lựa chọn của mình! Sự phù hợp chỉ là trên lý thuyết nếu như cá nhân chọn nghề không tích cực họat động và trải nghiệm. Không thể có sự phù hợp khi chọn nghề nếu như cá nhân không biết định hướng và có ý chí.

Nguyên nhân dẫn đến sai lầm khi chọn nghề

Có hai loại nguyên nhân dẫn đến việc chọn nghề không tính đến những dấu hiệu của sự phù hợp. Loại nguyên nhân thứ nhất thuộc “thái độ không đúng”, còn loại nguyên nhân thứ hai do thiếu hiểu biết về các nghề. Dưới đây là một số nguyên nhân đó:

1. Cho rằng nghề thợ thấp kém hơn kỹ sư, giáo viên THCS thua kép giáo viên THPT… Thực ra mỗi nghề (hay đúng hơn là mỗi chuyên môn đó) có những bậc thang tay nghề của nó. Ví dụ, công nhân cơ khí có 7 bậc tay nghề. Người công nhân được đào tạo theo chương trình riêng, họ có vai trò quan trọng riêng trong các nhà máy, xí nghiệp. Một số bạn đã coi nhẹ công việc của người thợ, của thầy giáo cấp I, của cô y tá, chỉ coi trọng công việc kỹ thuật, của thầy giáo dạy ở bậc trung học hoặc đại học, của bác sĩ… Chính vì thế mà chỉ định hướng vào những nghề có sự đào tạo bậc đại học.

2. Thành kiến với một số nghề trong xã hội, chẳng hạn, coi lao động chân tay là nghề thấp hèn, chê nhiều công việc dịch vụ là không “thanh lịch”, v.v… Thường thường, những bạn này không thấy hết ý nghĩa của yếu tố lao động nghề nghiệp, đóng góp của nghề với xã hội. Đã là nghề được xã hội thừa nhận thì không thể nói đến sự cao sang hay thấp hèn được.

3. Dựa dẫm vào ý kiến người khác, không độc lập việc quyết định chọn nghề. Vì thế đã có nhiều bạn chọn nghề theo ý muốn của cha mẹ, theo ý thích của người lớn, theo lời rủ rê của bạn bè. Cách chọn nghề này đã dẫn đến nhiều trường hợp chán nghề vì không phù hợp.

4. Bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài của nghề, thiếu hiểu biết nội dung lao động của nghề đó. Ví dụ, như với các nghề diễn viên điện ảnh, dẫn chương trình, người mẫu thời trang… rất hấp dẫn với các bạn trẻ, nhưng để thạo nghề thì phải rèn luyện gian khổ, vì vậy cũng dễ gây chọn nghề nhầm lẫn đối với ai chỉ thích vẻ hào hoa bề nổi của nghề đó. Hoặc nhiều bạn thích đi đây đi đó nên chọn nghề thăm dò địa chất, khi vào nghề, thấy công việc của mình gắn với rừng núi, quanh năm phải tiến hành công việc khảo sát, ít có dịp tiếp xúc với cuộc sống thành thị, thiếu điều kiện để giao lưu văn hóa và khoa học, do đó tỏ ra chán nghề. Có người chỉ tin vào quảng cáo của các cơ sở đào tạo mà chọn nghề vào học cũng sẽ dễ chán trường, chán nghề.

5. Cho rằng đạt thành tích cao trong việc học tập một môn văn hóa nào đó là làm được nghề cần đến tri thức của môn đó. Ví dụ, có người học giỏi môn văn đã chọn nghề làm phóng viên báo chí. Đúng là nghề này cần đến người viết văn hay, diễn đạt tư tưởng rành mạch. Song, nếu không nhanh nhẹn, tháo vát, năng động, dám xông xáo… thì không thể theo đuổi nghề này được. Sai lầm ở đây là do không thấy rằng năng lực đối với môn học chỉ là điều kiện cần, chứ chưa là điều kiện đủ để theo đuổi nghề mình thích.

6. Có quan niệm “tĩnh” về tính chất, nội dung lao động nghề nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, quên mất những tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ ngày nay. Vì vậy, có bạn cho rằng học xong cấp I là đủ kiến thức để xin vào học nghề tại các trường dạy nghề. Có bạn lại nghĩ, với vốn liếng lớp 12, mình học ở trường nghề nào mà chẳng được. Thực ra, nghề nghiệp luôn thay đổi nội dung, phương pháp, tính chất lao động của nó. Người lao động không luôn luôn học hỏi, trau dồi năng lực thì khó có thể đáp ứng với yêu cầu về năng suất và hiệu quả lao động.

7. Không đánh giá đúng năng lực lao động của bản thân nên lúng túng trong khi chọn nghề. Do đó, có hai tình trạng thường gặp: hoặc đánh giá quá cao năng lực của mình, hoặc đánh giá không đúng mức và không tin vào bản thân. Cả hai trường hợp đều dẫn đến hậu quả không hay: Nếu đánh giá quá cao khi vào nghề sẽ vấp phải tình trạng chủ quan ban đầu, thất vọng lúc cuối. Còn nếu đánh giá quá thấp, chúng ta sẽ không dám chọn những nghề mà đáng ra là nên chọn. Có trường hợp ngộ nhận mình có năng khiếu về nghề hấp dẫn, thời thượng mà chọn nghề, khi vào nghề gặp thất bại sẽ chán nản.

8. Thiếu sự hiểu biết về thể lực và sức khỏe của bản thân, lại không có đầy đủ thông tin về những chống chỉ định y học trong các nghề. Điều này cũng rất dễ gây nên những tác hại lớn: người yếu tim lại chọn nghề nuôi dạy trẻ, người hay viêm họng và phổi lại định hướng vào nghề dạy học, người có bệnh ngoài da lại đi vào nghề “dầu mỡ”, v.v…

Ba câu hỏi đặt ra trước khi chọn nghề

Chúng ta phải cân nhắc trước khi quyết định chọn cho mình một nghề. Vì vậy, có ba câu hỏi mà bạn trẻ nào cũng cần phải trả lời trước khi quyết định chọn nghề này hay nghề khác.

1. “Tôi thích nghề gì?”

Câu này nên trả lời trước tiên. Muốn làm nghề gì, trước hết bản thân ta có thích nó hay không, tức là có thực sự hứng thú với nó không. Nếu không thích thì đừng chọn. Đó là nguyên tắc. Chúng ta không thể thay đổi nghề dễ như thay đổi cái áo được. Hơn nữa, ta không dễ gì đến với nghề khác theo sở thích của bản thân mình ngay sau khi ta chán cái nghề đã chọn…

Chỉ khi nào thích nghề của mình thì cuộc sống riêng mới thanh thoát. Chúng ta mới gắn bó với công việc, với đồng nghiệp, với nơi làm việc.

2. “Tôi làm được nghề gì?”

Để trả lời câu này, phải tự kiểm tra năng lực của mình. Năng suất lao động của chúng ta có cao hay không là do năng lực của chúng ta đạt trình độ nào.

Các bạn nên nhớ rằng, có những nghề bạn thích nhưng lại không làm được (thiếu năng lực tương ứng). Song cũng có nghề bạn làm được nhưng lại không thích nó. Vì thế sau khi câu hỏi thứ hai được giải đáp, ta lại phải đối chiếu xem nó có thống nhất với câu hỏi thứ nhất hay không.

3. “Tôi cần làm nghề gì?”

Có những nghề được các bạn thích, các bạn lại có năng lực đối với chúng, song những nghề đó lại không nằm trong kế hoạch phát triển thì cũng không thể chọn được. Vì vậy, để trả lời câu hỏi này, ta phải căn cứ vào kế hoạch sản xuất của địa phương, kế hoạch phát triển ngành nghề ở địa bàn tỉnh, huyện, kế hoạch tuyển sinh của các trường đại , cao đẳng và trường nghề, khả năng tìm được việc làm khi học xong nghề. Cần biết định hướng vào những nghề cần và có điều kiện phát triển, điều chỉnh hứng thú vào những nghề đó và tự rèn luyện để có năng lực đối với chúng. Ngày nay lại phải chọn nghề sao cho dễ chuyển nghề khi tình thế bắt buộc.

Ba câu hỏi trên cần được mỗi người giải đáp trong sự cân nhắc đồng thời. Như vậy, việc chọn nghề sẽ vừa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của xã hội, vừa bảo đảm mức độ phù hợp với hứng thú, sở thích, sở trường và năng lực của từng cá nhân.

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References