Khởi nghiệp bằng ...vải vụn

Từ trái sang: Hoa Hồng, Phương Chi và Thu Huyền
Đến “cơ sở sản xuất” tranh Huyền- Chi- Hồng, tên của ba cô sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội, phải leo lên tận 4 tầng lầu của một ngôi nhà nằm khuất trong khu tập thể Trung ương Đoàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Này là Thảo Nguyên, kia là Café một mình, cạnh đó là Chị ong nâu... Nguyễn Thu Huyền, cô sinh viên năm thứ ba khoa thiết kế thời trang, vừa bò trên chiếc giường đôi vừa khoe với chúng tôi về những thành phẩm tạo ra từ vải vụn.

Vốn đầu tư... 300.000 đồng

Trông xa, chúng tựa như những bức tranh sơn dầu nhưng thay cho từng nét cọ là những mảnh vải được cắt tỉa kỹ lưỡng. “Chọn được một mẫu vải phù hợp với tổng thể bức tranh mà mình muốn làm mất nhiều thời gian lắm chị ạ”- Huyền cho biết. Huyền bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình từ giữa năm thứ hai đại học.

Bắt đầu từ những mảnh vải còn thừa khi làm bài tập thực hành, Thu Huyền quyết định ghép chúng lại thành tranh để tặng sinh nhật bạn. Thấy tác phẩm, Hương, chị của Huyền, đã gợi ý cho cô út trong nhà kinh doanh để kiếm thêm thu nhập. Trao đổi với hai bạn thân cùng lớp là Đoàn Phương Chi và Điền Thị Hoa Hồng, cả ba quyết định bắt đầu... nhịn ăn quà vặt. “Chúng tôi không muốn cầu viện gia đình, lớn rồi”! - Phương Chi chia sẻ. Gom góp được 300.000 đồng, cả nhóm cùng nhau đến các tiệm, xưởng may xin hoặc mua vải vụn, rồi chọn khung, mua vật liệu. Hoa Hồng kể: “Chở bao vải to gấp đôi người, lúc đi trên đường trông chúng tôi cứ như những người buôn đồng nát”. Cũng vì chở hàng cồng kềnh, các cô “đồng nát” xinh đẹp ấy đã bị cảnh sát thổi phạt.

Đem được vải về, quá trình chọn vải còn vất vả hơn. Mỗi bạn thủ sẵn một khẩu trang dày, lao vào đống vải cao ngất để tìm chọn những mảnh vải sạch, đẹp... Huyền ấm ức: “Có lúc, thấy cả rác, hộp đựng cơm... trong bao vải”. Cũng may, cả ba cô gái này lúc nào cũng hồn nhiên nên với những chuyện như thế, họ lại cùng nhau phá lên cười, quên cả cực nhọc. Từ kinh nghiệm của mình, cả nhóm lao vào thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: Những mảnh vụn không bị lãng quên. Công trình của các bạn đoạt giải nhất cấp trường và giải khuyến khích cấp bộ cuộc thi nghiên cứu khoa học hằng năm.

Tiếp thị tranh bằng blog

Có kiến thức về hội họa, thời trang... nên sản phẩm nào của nhóm bạn này cũng gây thích thú cho người xem. Để dịch vụ của mình được nhiều người biết đến nhưng không có tiền cho quảng bá, bộ ba chọn hình thức tiếp thị hữu hiệu và miễn phí: Blog. Tranh thủ công, lại là “hàng độc” mà giá chỉ từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng nên khá nhiều người nhiệt tình ủng hộ, hỏi mua.

Nhanh tay cắt, dán, các bạn gái này khoe với chúng tôi: Gần đây, đơn đặt hàng nhiều đến mức cả nhóm không xử lý kịp. Để có thể tập trung sáng tạo tranh, có nhiều hôm, cả ba không dám online hay mở máy điện thoại. “Sợ nhận thêm đơn đặt hàng, tâm lý sao nhãng, làm không kỹ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”- Phương Chi giải thích. Tranh vải của các cô không chỉ xuất hiện ở Hà Nội mà có mặt cả ở Hải Phòng, TPHCM... “Còn cả những đơn đặt hàng gửi sang Nga, Úc và Mỹ nữa” - Hoa Hồng cho biết. Đắt hàng đến thế nhưng đến giờ họ vẫn là những bà chủ không lương. Thu được bao nhiêu, ngoài việc trang trải sách vở, họ lại đầu tư sắm sửa khung, vải... để tiếp tục thử sức mình.

Say sưa với các mảnh vụn nhưng cả ba bạn trẻ đều xác định, học tập vẫn là ưu tiên số một. Hoàn thành tất cả bài tập, nghiên cứu, sau đó mới là thời gian các cô sáng tạo tranh. Những ngày nghỉ, nhìn ba cô gái lụi cụi cả ngày, mặt mũi tèm lem bụi vải, bố mẹ các cô không khỏi lo lắng. Thế nhưng, thành quả học tập và lao động của họ đã khiến những người làm cha mẹ có thể vững lòng.

Thu Huyền cho biết: “Chơi với nhau lâu, hiểu tính, chúng tôi sẽ cùng làm tranh cho đến khi không còn khách hàng nữa”. Tình bạn và niềm đam mê gắn kết ba bạn trẻ này khắng khít thế nhưng mỗi người đều xác định con đường riêng của mình. Phương Chi cho biết mỗi bạn đều có phong cách sáng tác riêng nên khi tốt nghiệp, “xưởng tranh” sẽ là điểm gặp gỡ của cả nhóm. Thời gian còn lại họ sẽ đeo đuổi trường phái riêng. Từng chặng đường phía trước của ba cô nàng 9X này cho thấy họ đã hoạch định tương lai của mình chu đáo đến thế nào. Biết đam mê và dám bỏ sức vì đam mê của mình, chắc chắn, những cô bạn nhỏ này sẽ thực hiện được ước mơ của họ.

Đặng Quý Yên (nld.com.vn)

Quyết tâm làm ông chủ

Bún cá Miền Tây đã trở thành một thương hiệu tốt với chuối nhà hàng Buncamita mọc lên ngày càng nhiều trên các đường phố TP HCM. Đằng sau câu chuyện thương hiệu này là tâm huyết, là ý chí và nỗ lực của một doanh nhân trẻ - anh Vương Hữu Hùng.

Lập kế hoạch cho tương lai

Tốt nghiệp với tấm bằng đại học Luật trong tay, chàng thanh niên Vương Hữu Hùng lại mang quá nhiều bức xúc về nghề nghiệp mà mình đã chọn học suốt 5 năm đại học. Không đắn đo, anh quyết định vạch ra cho mình một hướng đi hoàn toàn mới với một chiến lược dài hơi và bài bản. Tận dụng tối đa kinh nghiệm và khả năng ngoại ngữ đã có trong thời gian học tập ở trường Luật, anh đã mạnh dạn tìm đến và bước vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn. “Tôi nghĩ mình có tố chất của một người thích phục vụ, do đó, tôi đã chọn môi trường khách sạn. Mục tiêu của tôi là chỉ chọn làm việc trong những khách sạn quốc tế hàng đầu thế giới - dù ở vị trí nào cũng được - để rèn luyện và học tập. Tôi tin rằng, với môi trường của các khách sạn 5 sao có tầm mức quốc tế thì cơ hội học hỏi và thăng tiến luôn rộng mở,” anh Hùng bộc bạch.

Niềm tin và quyết tâm của anh đã được chứng thực qua 6 năm làm việc cho các tập đoàn khách sạn quốc tế. Từ vị trí một receptionist khiêm tốn tại Marriott - một tập đoàn khách sạn quốc tế của Mỹ - anh đã nỗ lực vươn tới vị trí Manager của tập đoàn này, rồi nhận lời mời của một tập đoàn Resort của Pháp cho vị trí Director, sau đó lại tiếp tục được mời sang làm việc cho một tập đoàn của Singapore với hệ thống khu căn hộ cao cấp Somerset trong vai trò Giám đốc kinh doanh và tiếp thị khu vực miền Nam.

Anh Hùng chia sẻ: “Tôi không cho phép mình bỏ phí thêm một khoảng thời gian nào nữa. Tôi đã vạch ra cho mình một kế hoạch 10 năm và những thành quả hôm nay đều nằm trong kế hoạch dự kiến của tôi”. Và thương hiệu Buncamita ra đời là để hoàn tất kế hoạch 10 năm đó của anh.

Định hình thương hiệu

Là một đứa con vùng sông nước Nam Bộ, anh Hùng không thể nào quên được những hương vị ngọt ngào của miền quê nơi anh đã ra đời và khôn lớn. Khát khao đem món bún cá đậm đà hương vị quê hương đến với mọi người và quảng bá ra thế giới luôn là một phần trong suy nghĩ của anh trong những năm tháng tha hương lập nghiệp.

“Hồi nhỏ tôi rất thích ăn món bún cá. Trong những lần về quê cùng một số học trò người Mỹ (thời sinh viên tôi dạy tiếng Việt cho người Mỹ) tôi đã nhận thấy những người Mỹ này cũng rất thích ăn món bún khoái khẩu của tôi. Từ đó, tôi đã nghĩ sẽ phải đưa món ăn này trở thành một thương hiệu toàn cầu như món phở đã được chấp nhận gần như trên toàn thế giới", anh nói.

Với kinh nghiệm quản lý và xây dựng thương hiệu học hỏi được trong suốt hơn 10 năm làm việc cho các tập đoàn lớn của nước ngoài, anh đã vạch ra một hướng đi hoàn toàn mới cho thương hiệu Buncamita. “Vệ sinh an toàn thực phẩm của nước ta là một vấn đề gần như bị thả nổi. Hầu như mọi người thích ăn rau sống đều muốn yên tâm về vấn đề vệ sinh. Đó là một nhu cầu chính đáng và nếu một thương hiệu nào đó có thể đáp ứng được nhu cầu tiềm ẩn này thì gần như đã chắc chắn sẽ thành công. Câu slogan của Buncamita hiện nay là “Tasty in a healthy way” (ngon và tốt cho sức khỏe).

Đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu, anh Hùng đã không ngần ngại liên kết với nhiều doanh nghiệp lớn có uy tín như Unilever, Nestlé, Agrifish... để được cung cấp những nguyên liệu thực phẩm bảo đảm an toàn cho thực khách. Đây cũng là tiêu chí giúp khẳng định chỗ đứng của thương hiệu Buncamita. Tuy chỉ mới tham gia thị trường ẩm thực hơn 1 năm qua, nhưng hiện anh Hùng đã xây dựng được 3 nhà hàng Buncamita đầy ấn tượng và hấp dẫn thực khách. Anh chia sẻ: “Tôi nhắm đến hình thức kinh doanh nhượng quyền là chính và đó là cách xây dựng thương hiệu mạnh và nhanh nhất, phù hợp nhất với kế hoạch phát triển của mình. Dĩ nhiên muốn làm được điều đó thì hệ thống quản trị phải tốt, chiến lược kinh doanh phải thật xuất sắc. Khi đó, các nhà đầu tư mới tin tưởng, chấp nhận đầu tư và trả phí nhượng quyền. Rất may đó là những kinh nghiệm tôi may mắn có được từ những tập đoàn quốc tế hơn 10 năm qua.”

Với đà phát triển của Buncamita như hiện nay, anh Hùng hy vọng đến cuối năm 2008 này sẽ có thêm khoảng 5 nhà hàng Buncamita nữa mọc lên tại các quận trung tâm TPHCM và tại Hoa Kỳ thông qua hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Thu Lam (Khoinghiep)

"Phái yếu" vẫn mạnh trên thương trường

Trong kinh doanh, nếu như "phái mạnh" có lợi thế quyết đoán, tư duy logic tốt thì "phái yếu" lại hơn hẳn ở sự tế nhị, kiên trì và biết thuyết phục.

Giám đốc của một doanh nghiệp cho biết, chị quan tâm đến ngày sinh nhật của từng nhân viên. “Món quà không lớn nhưng lại giàu ý nghĩa, giúp tôi gân gũi và hoà đồng với mọi người hơn”, chị giải thích.

Doanh nhân Đoàn Thị Kim Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Quảng cáo và Hội chợ Thương mại CIAT, cũng cho rằng, nếu biết mở lòng mình, sống chân thành, yêu thương và nâng niu người xung quanh, doanh nhân sẽ dễ dàng tạo dựng được những mối quan hệ quý giá.


Lợi thế của doanh nhân nữ là kiên trì, biết thông cảm và thuyết phục.

Kỹ năng giao tiếp là yếu tố không thể thiếu để doanh nhân thuyết phục đối tác, bạn hàng. Những doanh nhân nam thường có lợi thế về tư duy logic, sự táo bạo và quyết đoán. Trong khi đó, giới nữ lại hơn hẳn ở sự nhẹ nhàng, tế nhị, đức tính kiên trì, nhẫn nại. “Trong nhiều trường hợp, nếu biết tận dụng ưu thế này, đích đến sẽ gần hơn rất nhiều”, một nam doanh nhân thừa nhận.

Doanh nhân nữ cũng là những người ham học hỏi. Muốn chinh phục lĩnh vực vốn là thế mạnh của nam giới, họ không có cách nào khác là tích lũy kiến thức không ngừng để hoàn thiện mình. Ứng Ngọc Anh, Trưởng đại diện Công ty Hi-tek tại Việt Nam, quan niệm, “Không có người hoàn hảo, không có gì bất biến. Nếu không biết tự trau dồi và tích lũy sẽ bị thụt lùi, đào thải trong guồng quay khốc liệt của thương trường. Vì thế nên làm nhiều và nói ít thôi”.

Mặc dù là một trong số ít nữ giám đốc thuộc thế hệ 8x thành đạt hiện nay, nhưng Ngọc Anh vẫn cần mẫn tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho mình bằng cách tự mày mò nghiên cứu và học hỏi cộng sự. Chị khẳng định, sự lưu loát, khéo léo của người thuyết trình sẽ tác động rất lớn đến quyết định của nhà đầu tư. “Vấn đề quan trọng là phải trả lời một cách thuyết phục những câu hỏi: Tại sao đầu tư vào Việt Nam? Tại sao đầu tư vào thời điểm này? Tại sao nên ủy thác cho chúng tôi?”, chị cho biết.

Đẹp cũng được coi là lợi thế của riêng nữ doanh nhân. “Không ai không động lòng trước cái đẹp. Là phái đẹp, chúng tôi gặp nhiều thuận lợi khi gặp gỡ, thuyết phục đối tác”, một nữ doanh nhân bày tỏ.

Song, sức mạnh lớn nhất của nữ doanh nhân mà nam giới không dễ có được đó là sức bền bỉ. Dù công việc bận rộn và cuốn hút đến đâu, họ cũng không thể xa rời mái ấm gia đình. Sau thương trường, những nữ doanh nhân thành đạt, sắc sảo lại là người mẹ, người vợ đảm đang, hiền dịu. Biết cân bằng mối quan hệ giữa gia đình với xã hội làm cho hình ảnh nữ doanh nhân càng đáng trân trọng.

Giám đốc đối ngoại Ngân hàng TMCP Sacombank, Nguyễn Lê Phương Thảo nói: "Dung hòa mối quan hệ xã hội và gia đình cũng như việc bốc thuốc Bắc. Nếu khéo thì sẽ rất đơn giản. Nhưng nếu không khéo, có thể gây bệnh". Vì thế, những "ma lực hấp dẫn" của thành công xã hội không làm chị xao lãng nhiệm vụ của một phụ nữ. Với chị, “gia đình là chốn bình yên để nạp thêm năng lượng, là điểm tựa, nguồn động viên để tôi tiếp tục dẫn dắt công ty".

Những nỗi niềm

Tuy nhiên, để có được thành công trên thương trường, những “người đàn bà thép” phải đánh đổi không ít. Nhiều người thừa nhận, dấn thân kinh doanh, nữ giới sẽ phải chấp nhận khó khăn, thách thức và thậm chí phải trả giá không rẻ.

Không ít người để theo đuổi hoài bão kinh doanh đã phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân và mái ấm gia đình. Tổng giám đốc Công ty Imexpharm tâm sự, dù đã ngũ tuần nhưng chị vẫn độc thân. Thời gian dành cho công việc quá nhiều, đến khi ngoái lại, tuổi thanh xuân đã trôi qua. “Phụ nữ vốn thiệt thòi hơn nam giới vì không có nhiều thời gian để lập nghiệp”, chị nói.

Với những người khác, gánh nặng gia đình và công việc nhiều lúc khiến họ căng thẳng và áp lực. Không như nam giới có thể dốc sức cho doanh nghiệp mình, đa số nữ doanh nhân vẫn phải “đèo bòng” thêm trách nhiệm với người thân. “Ngay cả những buối làm việc ngoài giờ cũng phải tính toán sao cho hợp lý. Do vậy, muốn làm doanh nhân, ngoài những tố chất cần có, nữ giới phải biết hy sinh một cách đích thực”, một nữ doanh nhân nhận định.

Ngoài ra, những khó khăn, thách thức luôn đòi hỏi nữ doanh nhân phải củng cố kiến thức trong mọi lĩnh vực để chinh phục thương trường. Trách nhiệm này cũng làm “tiêu tốn” nhiều thời gian, sức lực của họ. Đây cũng là một khó khăn riêng biệt mà nữ giới phải đối mặt khi dấn thân vào nghiệp kinh doanh.

Mặt khác, đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam vẫn đang phải “đương đầu” với định kiến “trọng nam khinh nữ”, một tàn dư của xã hội phong kiến xa xưa. Tư tưởng ấy đã bén rễ quá sâu và chưa thể khơi thông hết. Trong nhiều trường hợp, nữ doanh nhân khó tránh khỏi nhiều thiệt thòi.

Thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường và kiến thức pháp luật, ít có cơ hội được đào tạo về quản lý doanh nghiệp và tài chính… cũng là những khó khăn nội tại mà đa số các nữ doanh nhân đang gặp phải. Nghiên cứu gần đây của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Chương trình phát triển kinh tế tư nhân (MPDF) đối với gần 500 doanh nghiệp do nữ giới làm chủ tại Việt
Nam, cho thấy, phần lớn các nữ lãnh đạo doanh nghiệp không bắt kịp sự phát triển của công nghệ thông tin.

“Trách nhiệm phải cân bằng giữa kinh doanh với gia đình khiến nhiều chị em gặp không ít khó khăn”, bà Nguyễn Phương Quỳnh Trang, Giám đốc Chương trình Phát triển môi trường kinh doanh, nhận định.

Những đặc điểm riêng về giới trong nhiều trường hợp cũng làm nên điểm yếu của nữ doanh nhân. Tính cách cẩn thận, chỉn chu vốn có của người phụ nữ ít khi cho phép họ dốc sức hoàn toàn để bươn chải hay “bạo gan” để đánh cược với những “canh bạc” lớn. Điều đó lý giải vì sao các doanh nhân nữ hiện thường làm chủ những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Gần 40 năm làm công tác gắn liền với doanh nghiệp, từng giữ chức Phó chủ tịch VCCI, hơn ai hết bà Phạm Chi Lan thấu hiểu những nỗi niềm của nữ doanh nhân. Bà chia sẻ, đa số phụ nữ đều phải có trách nhiệm với gia đình. Nhưng với doanh nhân, họ còn gánh thêm trách nhiệm với công việc. Với tâm lý của người phương Đông, rất ít nữ doanh nhân chấp nhận từ bỏ gia đình để đeo đuổi nghiệp riêng. Thông thường họ gắng sức để dung hoà, vun vén cho “vẹn đôi đường”, đó là điểm đáng quý. Tuy nhiên, sự mất cân bằng luôn có thể xảy ra. Điều quan trọng là không được mất niềm tin. Nếu như vậy, cảm giác mất mát sẽ giảm đi rất nhiều.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2007, trong danh sách 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán, có tên 37 phụ nữ. Tính đến tháng 3/2008, số lượng doanh nhân nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm khoảng 25%, riêng khu vực kinh doanh cá thể, tỷ lệ này vào khoảng 30% - 40%.

Nguyễn Nam (Báo Đất Việt)

“Triết lý” của nữ thiết kế giày nổi tiếng Nhật Bản

Moe Enomoto
Moe Enomoto, nhà thiết kế giày nữ (28 tuổi) nổi tiếng ở Nhật Bản này là tác giả của thương hiệu giày Sellenatela hiện được bán tại các cửa hàng độc quyền ở quận Ginza và Daikanyama (Tokyo, Nhật Bản) và cửa hàng Venus Superstar Boutique ở TP San Francisco (Mỹ).

Ý tưởng kinh doanh của cô đã thành công nhờ những nỗ lực bền bỉ và nhờ đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết.

Với mong muốn mang lại sức mạnh và vẻ đẹp cho phụ nữ, Moe đã sáng tạo ra những mẫu giày và hy vọng những mẫu giày của cô sẽ đem lại cho các cô gái sự tự tin để họ bước những bước đi vững chắc, duyên dáng và thoải mái. Dưới đây là tâm sự của nhà thiết kế trẻ tuổi Moe Enomoto về những điều cô tâm niệm trong cuộc sống đồng thời cũng là những kinh nghiệm trong sự nghiệp kinh doanh mà cô đã thành công.

Không ai có thể thành công nếu chỉ có một mình

Tôi tự mình tạo ra các mẫu giày, nhưng để làm nên một đôi giày, tôi cần sự hỗ trợ của nhiều người. Mỗi tuần, tôi làm việc trong nhà máy 3-4 ngày với những người thợ, và lời khuyên của họ đã giúp tôi có được những ý tưởng độc đáo. Có rất nhiều người tham gia trong việc làm nên một đôi giày, vì vậy tôi thấy không thoải mái khi gọi thành phẩm đó là của riêng tôi: đó là công sức của chúng tôi, thực sự là như thế.

Không phải cứ giày cao gót là sẽ làm bạn đau chân

Những đôi giày cao gót trông rất "bắt mắt" và duyên dáng nhưng nó thường khiến các cô gái đau chân đến nỗi họ chỉ muốn tháo ra sau khi đi được vài phút. Tôi đoán rằng giày cao gót gây đau chân là bởi vì hầu hết những đôi giày này đều được thiết kế và làm ra bởi phái mạnh: mà nam giới thì làm sao biết được khi đi giày, phụ nữ sẽ cảm thấy thế nào?

Tôi đã thử đi đôi giày mình thiết kế, và trong vòng ba tháng, tôi có thể nhận ra và giải quyết những chi tiết "lỗi" của các đôi giày này. Khi những đôi giày được làm ra và trưng bày trên kệ hàng, tôi lắng nghe các khách hàng góp ý và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình.

Mọi người phải hỗ trợ nền kinh tế của nước mình

Không phải chỉ vì giá lao động ở nước ngoài rẻ hơn mà người ta nên mở nhà máy ở nước ngoài để những công nhân Nhật Bản bị thất nghiệp. Đó là lý do tại sao tôi làm tất cả những đôi giày của mình ở khu vực Asakusa (
Tokyo). Tôi quan tâm hơn về các mối quan hệ con người và duy trì chất lượng của những đôi giày nhiều hơn việc chỉ đuổi theo lợi nhuận!

Nam giới càng lớn tuổi, họ càng "soi" phụ nữ kỹ hơn từ đầu đến gót chân

Cái nhìn của nam giới hạ thấp hơn khi anh ta già đi; những cậu bé mới lớn thường bị cuốn hút bởi khuôn mặt của "phe kia"; những chàng trai ngoài 20 tuổi "liếc" tới phần ngực của các cô gái; còn các anh chàng ngoài 30 tuổi thì quan tâm đến vòng eo phụ nữ. Đến khi đạt ngưỡng 40 tuổi, phái mạnh nhìn đến vòng ba của phái yếu, và các quý ông ngoài 50 tuổi thì bị thu hút hơn bởi cặp chân của các quý cô, quý bà. Tất nhiên, chúng ta cũng có thể hy vọng rằng phái mạnh không chỉ để ý bề ngoài mà còn quan tâm đến vẻ đẹp bên trong của phái yếu và coi đó là phần quan trọng nhất.

Đừng lo lắng quá nhiều nếu bạn bị bắt chước

Tôi không bao giờ giấu giếm điều gì, dù đó là một ý tưởng thiết kế hay một kế hoạch kinh doanh. Tôi học được điều này từ những người sống sót trong nghề kinh doanh khó khăn này - những ông chủ của các nhà máy sản xuất ra những đôi giày mà tôi thiết kế. Miễn là tôi trung thực, những người khác cũng sẽ hoàn toàn cởi mở với tôi và chúng tôi có thể hợp tác.

Hãy khác biệt để cuộc sống thi vị hơn!

Rất ít người đi mua sắm dựa vào cảm giác thời trang của mình. Hầu hết mọi người đều ùa theo xu hướng bởi vì họ ít tự tin vào khả năng quyết định cái gì đẹp và phù hợp với bản thân của mình. Tôi thường làm việc tại các cửa hàng vào buổi tối và các dịp cuối tuần bởi vì tôi muốn có được sự phản hồi thực sự của khách hàng. Một điều chung mà tôi nhận thấy là khách hàng nữ luôn hỏi màu gì đang được ưa chuộng nhất và họ sẽ mua giày màu đó.

Tỏ lòng biết ơn với bố mẹ và anh chị em của bạn mỗi ngày


Tôi rất yêu bố mẹ tôi và tôi cảm ơn họ vì đã cho tôi hai người em gái. Khi chúng tôi còn nhỏ, gia đình tôi đã chuyển nhà 10 lần vì công việc của bố tôi - nhưng chúng tôi không bao giờ buồn, bởi vì chúng tôi có nhau. Nếu tôi làm gì đó, tôi muốn nó sẽ có chất lượng tốt nhất. Không thì tôi sẽ không muốn bắt tay vào làm việc đó.

Khi tôi 21 tuổi, tôi quyết định học đại học. Nếu tôi đi học, tôi muốn học hỏi từ những vị giáo sư giỏi và có những bạn học thông minh. Tôi đã "cày như điên" để đi thi đại học và đã đỗ vào trường Đại học Gakushuin nơi những thành viên của gia đình hoàng gia Nhật Bản theo học.

Đừng đầu hàng kể cả khi bạn bị từ chối lần đầu tiên hoặc lần thứ 2, thứ 3!

Trong một năm, tôi đã đến 44 xưởng sản xuất giày, có nơi tôi đã tới vài lần, để đề nghị họ làm những đôi giày mà tôi thiết kế. Tất cả những xưởng này đều từ chối tôi một cách lịch thiệp. Chỉ có một người, đó là ông Arihiro Tsunoda - người hiện nay sản xuất hầu hết những mẫu giày tôi thiết kế - đã dành chút ít thời gian để gào lên với tôi rằng đừng có cố nhảy vào một ngành kinh doanh khó khăn như thế nếu chỉ đơn thương độc mã. Tôi đã khóc, nhưng tôi cảm thấy ông ấy quan tâm tới tôi. Hiện nay, ông Arihiro như là người cha thứ hai của tôi vậy.

Nguồn: Dantri

Người đặt nền móng cho ngành công nghiệp sắc đẹp Việt Nam

Nổi tiếng trong lĩnh vực làm đẹp không chỉ tại Việt Nam mà trên trường quốc tế, từng đoạt giải nhất trong số 10 nhà tạo mẫu tóc xuất sắc nhất châu Á, thương hiêu Yến Trang đang trở thành thương hiệu có uy tín hàng đầu trong nước về lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và phân phối mỹ phẩm chăm sóc da và tóc.

Người sở hữu thương hiệu đó là một người làm việc không biết mệt mỏi, chị là Hoàng Hải Yến - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Quốc tế Yến Trang

Vạn sự khởi đầu nan

Hoàng Hải Yến sinh ra trong một gia đình rất giàu ở Hà Nội. 6 tuổi, chị được gửi vào học ở Trường Văn hóa thể dục thể thao Quần Ngựa. Tại đó chị được rèn luyện trong một môi trường hết sức nghiêm ngặt không khác gì những chiến sĩ : 5h sáng phải dậy tập thể dục, cả ngày rèn luyện thể thao, buổi tối thì học bổ túc. Chính điều đó đã giúp chị có được một môi trường rèn luyện tính tự lập rất lớn. Có lẽ cũng nhờ những trải nghiệm này mà Hoàng Hải Yến có được bản lĩnh, tính kiên trì và sự quyết tâm đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, cũng như trong quá trình tạo dựng sự nghiệp sau này.

Sau 10 năm học tập, với ước mơ trở thành một huấn luyện viên thể dụng dụng cụ chị quyết định thi vào Trường đại học thể dục thể thao Từ Sơn và đỗ vào trường năm 1987. Chưa hết vui mừng vì điều đó chị đành phải bỏ dở việc học vì công việc kinh doanh của gia đình chị gặp nhiều khó khăn dẫn đến phá sản. Mẹ chị, một người phụ nữ vừa trải qua những sóng gió thương trường, bằng trải nghiệm của mình đã khuyên chị học lấy một nghề để sau này có được một công việc ổn định. Bà đưa cho chị tất cả số tiền dành dụm để chị vào Sài Gòn học nghề thiết kế thời trang tóc với mong muốn chị sẽ thành công và tạo dựng được sự nghiệp .

Những háo hức, mong chờ ngày được nổi danh để chị có thể phụ giúp gia đình đã bị dội một gáo nước lạnh khi cô giáo dẫn dắt cũng như chỉ bảo những đường kéo đầu tiên nhận thấy cô học trò người Hà Nội thật sự không có năng khiếu để trở thành một nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp. Sau một thời gian học nghề, công việc của chị cũng chỉ là làm móng chân, móng tay chứ chưa được làm tóc. Bà đã khuyên chị không nên tốn tiền theo học nghề này vì theo bà, chị sẽ không bao giờ có thể thành công được. Trước những lời nói thẳng và thật đó đặt vào một người khác có lẽ hành động tiếp theo thường là buông xuôi và bỏ cuộc, nhưng với Hoàng Hải Yến lại khác. Như chị tâm sự, chính những lời nói đó đã thách thức bản tính hiếu thắng của chị và như tiếp thêm động lực cho chị phấn đấu học tiếp. Khi đã trở thành một chuyên gia làm tóc hàng đầu Việt Nam như ngày hôm nay, trong tâm thức của mình chị vẫn luôn nhớ đến những ngày đầu gian khó đó.

Thành công nhờ biết khai phá tư duy

Năm 1996, chị trở ra Hà Nội lập nghiệp và là doanh nghiệp đầu tiên ở Hà Nội làm về lĩnh vực thiết kế thời trang tóc, cho nên khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Ở đây, chị nhận thấy rằng khó khăn lớn nhất lúc đó với mình không phải về tài chính, vật chất, hay đội ngũ nhân viên mà là việc khai phá tư duy của khách hàng. Bởi thời điểm này mọi người cho rằng làm đẹp chỉ mang tính chất phù phiếm và lãng phí. Khi ấy, việc người dân đi làm tóc, làm móng chân, móng tay là một việc rất xa xỉ và không đứng đắn. Do đó, làm cho mọi người thấy rằng việc làm đẹp rất quan trọng cho tinh thần và sự tự tin thực sự là một vấn đề lớn của chị.

Ngay cả bản thân chị cũng gặp đã gặp những cái nhìn không mấy thiện cảm. Khi chị bắt đầu nhuộm tóc thì cả chồng và gia đình chồng, những người xung quanh đều cảm thấy rất khó chịu. Những người thân trong gia đình đã vậy, chị còn bị áp lực của xã hội, những bài báo viết về chị lúc đó cho rằng là một người làm về thời trang tóc Việt Nam thì phải đưa nét văn hoá thời trang Việt Nam vào khiến cho chị suy nghĩ rất nhiều. Bởi nói về nét văn hoá Việt Nam thì tóc chỉ có búi tó hoặc để dài đến chân mà thôi mà như vậy thì cần gì đến những nhà tạo mẫu tóc như chị.

Làm thế nào thay đổi tư duy của khách hàng là bài toán mà Hoàng Hải Yến trăn trở suy nghĩ để tìm ra lời giải và cuối cùng chị cũng tìm ra. Đó là vào năm 1999 khi chị qua Hồng Kông công tác, nhận thấy ở đây gần như 100% người dân biết đến việc làm tóc, kể từ một người dọn vệ sinh, một công việc tầm thường ở nhà ga hay những người dọn bàn…thì thời trang đối với họ là một nét văn hoá riêng của mỗi người chứ nó không phải là tiêu chí để đánh giá về văn hoá của con người.

Việc đầu tiên chị làm sau khi trở về từ Hồng Kông là nói chuyện với những khách hàng cuả mình, giúp cho mọi người hiểu rằng thời trang chỉ là một việc rất bình thường giúp cho con người đẹp hơn và tự tin hơn.

Sự thành công đến với chị như là một kết quả tất yếu cho những nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi đó. Những cửa hàng lớn liên tiếp được mở ra đã giúp cho thương hiệu Yến Trang đến được với đông đảo khách hàng không những ở trong nước mà còn cả các khách quốc tế. Đặc biệt là các phu nhân của lãnh đạo một số nước sang thăm Việt Nam, trong đó có phu nhân của Thủ tướng Singapore. Chính sự đột phá này đã giúp chị chú ý tới phát triển thương hiệu, chăm sóc ưu đãi khách hàng, chương trình khuyến mãi, tham gia các chương trình từ thiện, tài trợ cho các cuộc thi hoa hậu và sau này là các cuộc thi Tiếng hát truyền hình, Sao Mai, Đồ Rê Mí….

Chị và công ty đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà tạo mẫu tóc xuất sắc châu Á năm 2002, Giải thương hiệu hàng đầu tại Hội chợ mỹ phẩm quốc tế năm 2004, liên tục 3 năm giải Top ten salon thời trang tóc quốc tế của Tập đoàn Davines - Italia và Denmalogical.

Thợ làm tóc cũng cần có nền tảng văn hóa

Là người đi nhiều và tham dự nhiều khóa học tại các trường tạo mẫu danh tiếng trên thế giới cũng như tham dự hội thảo, hội nghị lớn tại châu Âu và châu Á, chị nhận thấy rằng lĩnh vực mà chị theo đuổi tưởng như phát triển ở Việt Nam nhưng thực tế lại rất sơ khai so với tất cả những nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Đây chính là những nước đi đầu về ngành thời trang tóc.

Ở nước ngoài, ngành thời trang tóc là một ngành công nghiệp và những salon tóc ở nước ngoài đóng một nguồn thuế rất lớn cho nhà nước. Ở một số nước như Singapore thì lĩnh vực này được đưa vào các trường đại học để đào tạo Khi một salon mở ra thì họ được cấp chứng chỉ hành nghề. Điều này giúp cho ngành công nghiệp thời trang tóc ở các nước trong khu vực phát triển bền vững chứ không mang tính chất tự phát như ở Việt Nam.

Nhận thấy nhu cầu làm đẹp của xã hội sẽ ngày càng nhiều hơn nữa, bên cạnh đó nếu muốn bắt kịp với các nước trong khu vực về công nghiệp làm đẹp thì phải có một mô hình đào tạo chuyên nghiệp qua đó giúp cho những người làm về lĩnh vực này có được một nền tảng bài bản hơn vì như chị đánh giá, những người thợ Việt Nam là những người rất cần cù và chịu khó, có óc sáng tạo nhưng còn thiếu một nền tảng cơ bản.

Do đó, năm 2006 Hoàng Hải Yến mở trường về đào tạo tạo mẫu tóc thời trang nhưng mới chỉ dừng lại là trường của công ty Yến Trang và bằng cấp của Tổng cục dạy nghề. Tháng 11 năm 2007 chị mở rộng mô hình đào tạo khi liên kết với một trường nữa của Chicago (Mỹ) là một ngôi trường rất danh tiếng, bằng cấp của trường này được công nhận trên 75 quốc gia. Theo đó, học viên của trường chị khi ra trường đến bất kỳ quốc gia nào cũng được công nhận và được làm việc.

Mặc dù, hiện nay nguồn thu nhập chính của Yến Trang đến từ những salon làm tóc nhưng không vì thế mà chị sao nhãng đến mô hình đào tạo của mình vì như chị tâm sự ngành thời trang tóc ở Việt Nam thì cứ có tiền là có thể làm nhưng thực chất đây là một ngành liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Ví như người chủ không cẩn thận và thiếu hiểu biết thì việc nhuộm tóc cũng có thể gây ung thư cho khách hàng. Do đó, chị không chỉ dạy cho học viên về tay nghề mà còn về rất nhiều nền tảng chuẩn mực khác về đối nhân xử thế. Đó cũng là mong muốn của chị đối với tất cả những người thợ làm tóc Việt Nam.

Hồ Bân (Vietimes)

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References