Nghề lạ mùa cưới


Một đội hình đỡ tráp đẹp "long lanh" phải là những người làm nghề "chuyên nghiệp".
Mùa cưới cuối năm đã rộn ràng, mùa việc làm thời vụ ăn theo cũng thực sự nhộn nhịp. Những nghề độc chỉ có trong lễ cưới được học sinh, sinh viên rất chuộng bởi công việc nhẹ nhàng, thu nhập khá cao và không bị gò bó về thời gian.

Mỉm cười và cúi chào

Họ là những chàng trai, cô gái trang phục duyên dáng áo dài, khăn xếp hoặc lịch sự với váy trắng, vest đen... đứng chào ở cổng đón khách trong những bữa tiệc cưới ở nhà hàng, khách sạn lớn. Công việc tưởng đơn giản nhưng để có được nó, họ đã trải qua vòng loại khá gắt gao về ngoại hình, trình độ học vấn, khả năng giao tiếp, thậm chí cả ngoại ngữ.

Hoàng Thạnh, SV ngành nhà hàng - khách sạn, ĐH Tôn Đức Thắng - người có hơn 1 năm chuyên tuyển chọn dàn khánh tiết cho lễ cưới chia sẻ: "Các nhà hàng, khách sạn lớn ở TPHCM đều muốn tuyển SV vào đội dàn chào bởi họ đạt được nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Nắm bắt được nhu cầu đó, tôi cùng 2 người bạn đã hùn vốn, tổ chức một đội chuyên cung cấp dịch vụ khánh tiết trong lễ cưới".

Sau 1 năm hoạt động, đội của Thạnh dao động từ 50 - 70 người, lúc cao điểm lên đến gần 100, chủ yếu là SV các trường ĐH. Tùy vào quy mô của nhà hàng, khách sạn, mức lương 1 ca làm từ 100 - 150 nghìn đồng.

Nguyễn Minh Huệ, khoa Xã hội học, ĐH Văn Hiến cho biết: "Làm nghề này không mất nhiều thời gian, không phải bỏ nhiều công sức nhưng nhiều lúc như làm dâu trăm họ. Công việc không chỉ có đứng chào mà còn phải chỉ, dẫn đường cho khách có khi cả sắp xếp bàn ghế".

Hiện có khá nhiều "ông, bà chủ SV" lập ra các nhóm chuyên làm dịch vụ lễ cưới, tạo một nghề mới giúp nhiều SV thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Nghề "bán duyên"


Trong lễ ăn hỏi, nếu có một đội hình những cô gái, chàng trai trẻ trung, chiều cao đồng đều thì đến 90% họ là đội ngũ chuyên nghiệp. Theo quan niệm xưa, mỗi lần đỡ tráp là một lần "bán duyên"; mỗi người chỉ được "bán" tối đa 3 lần. Ngày nay, các bạn trẻ không quan niệm như vậy, họ đã phát triển nó thành một nghề làm thêm thú vị, mang lại thu nhập khá.

Lê Trung Dũng, SV ĐH Thương mại Hà Nội, giải thích: "Trước đây, nhiều gia đình thường nhờ người quen đỡ tráp trong lễ ăn hỏi nhưng không phải lúc nào cũng đủ người đảm nhận việc này, nhất là những đôi bạn bè đều đã lập gia đình. Thuê người vừa chủ động vừa có đội hình đẹp". Dũng là người có thâm niên tổ chức đội hình đỡ tráp và liên hệ với các mối cần dịch vụ này.

Nhiều người tổ chức đội đỡ tráp thường đến KTX các trường ĐH để tuyển người. Những ai "lọt mắt xanh" sẽ được tập huấn một số kỹ năng cơ bản về động tác, di chuyển. Nguyễn Thu Hà, SV khoa Việt
Nam học, ĐH Sư phạm I Hà Nội chia sẻ: "Công việc này giúp mình có thu nhập ổn định khoảng 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn là dịp để gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp".

"Nghề lạ" mùa cưới không chỉ đem lại thu nhập mà còn là việc làm thêm hấp dẫn đem lại cho các bạn trẻ cơ hội học hỏi và kinh nghiệm làm việc.

Linh Nhung (laodong.com.vn)

Nghề của những người kiên nhẫn


Tôi giật mình vì một cuộc gọi buổi trưa: "Em là Hương. Em đang làm ở Cty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Prudential. Em xin anh năm phút để nói chuyện được không ạ?".

Tất nhiên là tôi không thấy thoải mái gì: "Có việc gì bạn cứ nói nhanh ra luôn đi! Có phải mời mua BHNT không?".

"Dạ..., anh cho em xin năm phút để thuyết minh cho anh được không ạ?", cô gái nói như nài. "Để lúc khác nhé..." - tôi cúp máy với tâm trạng hơi bực bội...

Vượt qua rào cản...

Cứ ngỡ, cô nhân viên tư vấn bảo hiểm (TVBH) tên Hương sẽ ngán tới già vì sự khó chịu của tôi lúc ấy. Thế nhưng, ba ngày sau, cô gọi lại: "Nếu em đã quấy rầy anh giấc ngủ trưa thì em xin lỗi. Nhưng em nghĩ, nếu anh sẵn sàng dành cho em năm phút, em có thể tư vấn cho anh những lợi ích khi tham gia BHNT. Anh có tham gia ngay hay không là do anh quyết định, song em sẽ cảm thấy hài lòng khi làm cho anh hiểu hơn về những lợi ích của BHNT...".

Trong cách nói của cô, đã khéo léo tránh đề cập tới cụm từ "mua-bán". Và trên hết, sự nhẫn nại và từ tốn của Hương khiến tôi chấp nhận cuộc nói chuyện tới.. gần 15 phút.

Ông Nguyễn Khắc Thành Đạt - Phó TGĐ Cty BHNT Prudential - cho rằng: "Thách thức đầu tiên người làm nghề TVBH phải vượt qua chính là rào cản tâm lý cá nhân, phải thực sự yêu nghề để có thể thực sự thắng được "cái tôi" của bản thân mình".

Hương đã làm được điều đó. Khi ấy, dù tôi không tham gia bảo hiểm nhưng cũng đã giới thiệu cô với một người khác. Và cô đã thành công.

Anh Từ Văn Hà - nhân viên TVBH của Prudential - thổ lộ: "Đồng nghiệp cùng thời và sau tôi, có người vào nghề chỉ đôi ba tháng, có người tư vấn được vài ba khách hàng rồi vội vã rút lui...".

Nghề TVBH có nhiều câu chuyện. Chuyện buồn nhiều nhưng niềm vui cũng không ít. Hương kể: "Một vài lần em đã chuẩn bị ký hợp đồng với khách hàng là người chồng, người cha trong gia đình. Nhưng đến hôm hẹn tới nhà khách hàng thì người vợ gạt phăng: "Không bảo hiểm bảo hộ gì hết. Cô dụ ổng ở đâu mà giờ về bắt tui phải bỏ tiền ra...".

Xin không tiện nêu tên Cty BHNT Hương làm việc, nhưng cô đã bị sốc và không đi tiếp với nghề sau vài lần như thế.

Vươn đến sự chuyên nghiệp


Đội ngũ nhân viên TVBH tại VN hiện đã có hơn 70.000 người, trong đó riêng Prudential chiếm khoảng 1/2, số còn lại gồm nhiều Cty bảo hiểm khác. Thế nhưng, xã hội dường như vẫn chưa thực sự xem việc TVBH là một nghề. Cái nhìn của nhiều người về nhân viên TVBH là những người chuyên đi móc tiền từ túi họ để trục lợi, chứ không phải là đến tư vấn giúp họ xây dựng một kế hoạch dài hạn cho cá nhân và gia đình.

Anh Từ Văn Hà có cách ví rất hay: "Nhân viên TVBH giỏi là nhân viên có thu nhập cao, nhưng nhân viên có thu nhập cao chưa hẳn là nhân viên TVBH giỏi...".

Nghĩ thế, anh Hà chọn cách làm việc của mình là không cố có hợp đồng bằng mọi giá, và không dùng các thủ đoạn o ép khách hàng để mưu lợi. Cách anh chọn là thuyết minh, giải thích để giúp khách hàng hiểu về quyền và trách nhiệm sống của mình trước gia đình và cộng đồng.

Khi nhận thức xã hội chưa hoàn toàn cởi mở với nghề TVBH, thì những thách thức đối với những người hành nghề còn rất lớn và buộc họ phải luôn tự trau dồi kiến thức, văn hóa và nâng cao về nghiệp vụ. Những nhân viên TVBH có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, xâm phạm lợi ích của khách hàng v.v..., không còn đất sống.

Ông Đạt cho biết: "Cùng với các Cty BHNT khác, Prudential đã xây dựng hệ thống phần mềm quản lý các đại lý. Danh sách đại lý vi phạm sẽ được lưu trên hệ thống trong ba năm. Những đại lý này sẽ không được bất kỳ Cty BHNT nào tuyển dụng trong vòng ba năm kể từ ngày bị liệt vào danh sách".

Nguồn: laodong.com.vn

Bán hàng trên mạng - nghề tay trái hái ra tiền

Là một trong những người bán hàng uy tín và đạt doanh thu cao nhất trên Chợ điện tử, đã hai năm qua, anh Hoàng Phong Lưu gắn bó với shop online chuyên về cổ vật, đồ hiếm để thỏa mãn niềm đam mê tìm hiểu từ thời học sinh.

Say mê với đồ cổ, anh Lưu tham gia phomuaban để học hỏi kinh nghiệm. Rồi sau đó, nhờ nhà sưu tập tem Trần Vương Việt, anh biết đến Chợ và cũng mở một cửa hàng trên đó. Những món hàng sưu tập được từ nhiều chuyến đi đến các vùng quanh mảnh đất Quảng Bình, quê hương anh, bắt đầu được giới sưu tầm quan tâm, yêu thích và đặt mua. "Để kiếm được một sản phẩm, có khi tôi phải đi chăn hàng cả tháng trời", anh Lưu tâm sự. Sự vất vả này khiến anh "chế" vui thơ của Giang Nam thành Đừng tưởng chăn trâu là khổ/Tôi chăn đồ còn khổ hơn trâu. "Lúc bán đi cũng tiếc lắm vì đó là hàng độc, nhưng nghĩ mình sẽ có duyên với những món đồ khác nữa và hơn hết, người mua thực sự yêu thích nó, tôi lại thấy vui và hào hứng với việc kinh doanh trực tuyến", anh tâm sự.

Nhà sưu tập trẻ sinh năm 1978, đồng thời là kỹ sư thiết kế, cho biết với những món đồ thực sự tâm đắc không muốn bán như chiếc đỉnh đồng thời Đại Minh Tuyên Đức Niên Chế hình vuông rất hiếm, anh sẽ trưng bày lên website cá nhân dự định hoạt động vào tháng 6 tới để người quan tâm chiêm ngưỡng dưới nhiều góc nhìn nhờ công nghệ 3D.

Không chỉ lang thang vào nhà dân để tìm mua cổ vật, anh Lưu còn tận dụng sức mạnh của Internet để tìm kiếm hàng quý hiếm, nhất là từ eBay. Một ngày làm việc của anh đan xen các công việc bán hàng, lướt các trang web sản phẩm và thiết kế, vì nghề chính mà anh làm sau khi tốt nghiệp đại học Nghệ thuật Huế cũng trên máy tính và mạng. Đến những ngày nghỉ cuối tuần, anh mới có thời gian đi ra ngoài lùng hàng. "Công việc kinh doanh tự mình làm luôn khấm khá hơn hơn lương chính", anh cho biết. "Nhưng làm bất kỳ điều gì mà có niềm đam mê và tận tụy đều có thể đi đến thành công".

Những người như anh Lưu trên Chợ điện tử bắt đầu nhiều dần lên. Ngoài những cái tên uy tín nổi tiếng trên chợ như Trần Vương Việt, Mr. Giang, Hoàng Phong Lưu, Nguyễn Tuấn Anh..., hiện chợ có gần 3.500 người bán thường xuyên, khiến tổng giá trị giao dịch năm 2008 đạt hơn 150 tỷ đồng (tăng 6 lần so với 2007). Các chủ cửa hàng nằm trong Top 10 đã giao dịch được trên 4 tỷ đồng, trong đó, năm 2008, anh Lưu đạt trên 250 triệu đồng với hơn 200 giao dịch, anh Giang được hơn 200 triệu đồng với trên 4.000 giao dịch

Lợi thế của kinh doanh trực tuyến mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy chính là người bán không phải lo chi phí thuê mặt bằng làm cửa hiệu, thuê nhân viên trông coi, vốn đầu tư ban đầu ít. Hiện ở Việt Nam còn có vô số website khác cho phép lập gian hàng riêng hoặc các trang cho đăng tin quảng cáo miễn phí như YouShop, 123mua, vatgia, diễn đàn 5giay, muare...

"Dự báo khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009 khiến người ta lo ngại nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội cho kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam phát triển, nhanh chóng đi lên Thương mại điện tử", ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Chợ điện tử, cho biết. "Bất kỳ ai cũng có thể khởi nghiệp kinh doanh với đồng vốn ít ỏi vì những dịch vụ cho lập shop, trưng bày sản phẩm hiện đều miễn phí. Sự thành công nằm ở ý tưởng và cách thức hoạt động của gian hàng".

Nắm bắt được điều này, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu kinh doanh trực tuyến từ rất sớm vì ngoài độ tuổi 7x, 8x còn có cả 9x. Hoàng Ngân, nhân viên PR trẻ trung tại một công ty truyền thông ở Hà Nội, sau giờ làm vẫn ôm bọc quần áo đến nhà những người liên hệ với cô qua YM sau khi họ xem các bức ảnh được đăng trong gian hàng online. Ngân mở một cửa hàng nhỏ trên trang YouShop vì tông màu trắng - hồng của giao diện khá thích hợp với đồ thời trang dành cho con gái. Sẵn có kiến thức PR và marketing, thị hiếu về ăn mặc, cô không bỏ qua cơ hội kinh doanh thêm chẳng mất nhiều vốn liếng đối với một sinh viên mới ra trường.

Cô bắt đầu một ngày làm việc từ lúc 7 giờ, đảo qua các trang web mua sắm để so sánh giá bán, kiểu dáng sản phẩm rồi đi làm hành chính. Buổi trưa là lúc cô lang thang tới nhiều shop khác nhau săn hàng giảm giá, hàng độc, kết hợp những món đồ theo phong cách riêng rồi chụp ảnh đưa lên mạng. Dần dần, Ngân lập được một nhóm bạn cùng sở thích, khiến gian hàng trở nên đa dạng với cả quần áo nhập ngoại từ Hong Kong, Quảng Châu, Hàn Quốc... Dù làm kiểu part-time, mỗi người cũng có thu nhập xấp xỉ, thậm chí những tháng trong mùa mua sắm còn cao hơn tiền lương từ công việc chính. Ngân cho biết lương của cô là 3 triệu đồng, còn thu nhập từ kinh doanh online tháng thấp nhất cũng khoảng 2,5 triệu.

Từ số vốn chỉ 2 triệu đồng, chiếc máy tính cũ kỹ và đường truyền Internet chung với nhà hàng xóm, Thành, một sinh viên ngành Luật, cũng đã cùng mẹ vượt qua thời gian khó khăn nhất sau khi bố mất. Mới đầu chỉ lên mạng chơi game, sau này Thành nhận ra phải biết cách dùng Internet để giúp mẹ kiếm tiền. Ngày ngày, cậu lên các diễn đàn, các trang cho rao vặt miễn phí để quảng cáo những món ăn do mẹ nấu và hai mẹ con túc tắc làm dịch vụ cơm hộp để mưu sinh, đủ trang trải cho cuộc sống và việc học hành. "Bây giờ bác cũng biết chat và nghe điện thoại đặt hàng rồi", mẹ Thành cười vui tâm sự. "Mới đầu cũng ít người hỏi, nhưng sau thấy cơm ngon, sạch sẽ nên cứ thấy mình lên mạng là họ gọi".

Việt Toàn (VnExpress.net)

Kỳ đà - máy đẻ ra tiền

Hơn 1 năm qua, anh Trần Duy Nhị ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bỗng nhiên trở nên nổi tiếng, với nghề nuôi... kỳ đà. Người dân trong vùng đều gọi anh là Nhị “kỳ đà”.

Vốn ít, lãi nhiều

Nhìn những con kỳ đà to, khỏe nằm phơi mình dưới nắng, anh Trần Duy Nhị khoe: “Những ngày lo lắng đã qua, giờ là thời điểm rút tiền về rồi, mỗi con kỳ đà là một cái máy đẻ ra tiền!”. Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, anh Nhị nói ngay: “Từ việc bán con giống và thịt, trong vòng 5 tháng qua, gia đình tôi đã bỏ túi ngót nghét cả trăm triệu đồng rồi đấy”.

Cơ duyên đưa anh Nhị đến với kỳ đà thật tình cờ. Cuối năm 2007, trong một lần ra thăm người thân ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), thấy gia đình bên cạnh nuôi kỳ đà, anh rất ngạc nhiên vì không ngờ con vật được xem là “rồng đất” chủ yếu sống ở vùng rừng núi - lại nuôi được tại nhà. Sau mấy ngày lân la tìm hiểu, anh Nhị mua 2 con, mỗi con chừng 1,2 kg với giá gần 900.000 đồng, đem về quê nuôi thử.

Vừa nuôi, anh Nhị vừa mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng dịch bệnh, 2 con kỳ đà sau một tháng bắt đầu thích nghi với môi trường, lớn nhanh, trọng lượng mỗi con tăng lên hơn 0,4 kg. Quá mừng, anh Nhị “bay" ngay ra Bắc Giang mua thêm 39 con, xây dựng chuồng trại chừng 24m2, quyết chí làm giàu từ kỳ đà.

Giữa năm 2008, anh xuất bán lứa giống đầu tiên 21 con thu về gần 9 triệu đồng trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Từ đó đến nay, anh đã bán hàng trăm con kỳ đà giống và thịt từ Bình Định đến Quảng Nam, thu về trên 150 triệu đồng.

Dễ nuôi và chăm sóc

Theo anh Nhị, nuôi kỳ đà ít lo lắng chuyện dịch bệnh. Kỹ thuật nuôi không khó, thức ăn chính là da heo, các phụ phế phẩm ở lò mổ đem về nấu chín; thậm chí mùa đông chỉ cần cho ăn vài con cóc nhái là kỳ đà có thể sống cả tháng. Chuồng trại nuôi kỳ đà của anh Nhị cũng rất giản đơn, chỉ cần ngăn làm hai, một ngăn đổ cát thành từng đống dành cho kỳ đà ngủ, đào hang đẻ trứng, còn ngăn kia là “sân chơi” để phơi nắng, ăn uống.

Món khoái khẩu của kỳ đà chính là cóc, nhái, ốc... giúp chúng lớn nhanh và cũng chính là “thuốc” phòng ngừa bệnh táo bón. Mỗi khi thay da, con này bám vào con kia làm trầy xước nên kỳ đà hay bị nấm ngoài da, do vậy phải bấm hết móng chân. Ngoài ra, về đêm kỳ đà hay bò ra “sân chơi” uống nước rồi nằm luôn trong máng nên chiều tối phải thay nước, dội chuồng sạch sẽ phòng bệnh ký sinh trùng. Anh Nhị bảo rằng nuôi kỳ đà rất khỏe lại nhàn, chỉ sau 1 năm mỗi con có thể đạt trọng lượng 6 - 7 kg, giá bán khoảng hơn 2 triệu đồng/con.

Thông thường, kỳ đà khi nặng 2 kg thì bắt đầu động dục, mỗi năm chỉ một lần đẻ từ tháng 7 - tháng 10. Sau 4 tháng mang thai, mỗi con kỳ đà trong một giờ đồng hồ đẻ từ 27 - 35 trứng, sau 28 ngày ấp công nghiệp, những chú kỳ đà con ra đời. Anh Nhị kể, những đợt ấp đầu tiên bị thất bại liên tục, tỷ lệ nở chỉ đạt khoảng 17%, anh phải 3 lần ra lại Bắc Giang “học lỏm” kỹ thuật ấp công nghiệp, đến nay mới thành công với tỷ lệ nở đạt gần 80%.

“Kỳ đà là con vật ưa nóng, có thể chịu đựng ở nhiệt độ 600C nhưng không chịu được lạnh dưới 100C, do vậy vùng đất từ Quảng Bình trở vào, nhất là khu vực miền Trung đều có thể nuôi được”, anh Nhị khẳng định. Với mong muốn phát triển mạnh mô hình nuôi kỳ đà, giúp nông dân cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu nên những người đến mua giống, anh Nhị đều nhiệt tình hướng dẫn từ kỹ thuật nuôi, chăm sóc, ấp nở giống... “Kỳ đà - con vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam hiện đang bị săn bắt ráo riết, ước gì có cơ quan chuyên môn nào đó đứng ra thành lập hiệp hội những người nuôi động vật bò sát để các hộ nông dân được nhân nuôi rộng rãi. Đó là cách tốt nhất bảo vệ loài bò sát quý hiếm này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng”, anh Nhị nói.

Thịt kỳ đà có thể chế biến thành nhiều món ăn, da là nguyên liệu quý để làm đồ thủ công mỹ nghệ. Theo dân gian, mật kỳ đà trị bệnh hen suyễn, động kinh, gan nhiễm mỡ...

Hiển Cừ (thanhnien.com.vn)

Nghề “nghe chửi”


Sau 6 tháng làm việc, khoảng 30% số nhân viên tại Call Center bỏ việc vì áp lực
Tại Việt Nam, không có trường nào đào tạo nghề Call Center. Cũng rất ít người có thể hình dung công việc này ra sao. Chỉ đến khi nghe người trong cuộc than là "nghề nghe chửi mắng", thì người ta mới hiểu đôi chút...

Cảm ơn khi khách hàng... chửi!

Nếu hiểu một cách nôm na thì đây được coi là nghề trả lời điện thoại và công việc có vẻ tương tự như tổng đài 1080. Tuy nhiên, cùng là trả lời điện thoại, nhưng làm việc tại Call Center (bộ phận giải đáp khách hàng của các mạng di động) và tại đài 1080 là rất khác nhau.

Tại Call Center, hầu hết các khách hàng đều đang bực mình vì các sự cố của các mạng di động như mạng trục trặc, tiền khuyến mại bị thiếu, tin nhắn gửi không được... Thêm vào đó, các cuộc gọi tới Call Center là hoàn toàn miễn phí. Vì thế, điều kiện cho việc bày tỏ bức xúc càng có cơ hội... phát triển. Chưa hết, có mạng di động còn đặt ra nguyên tắc: "Xin lỗi khách hàng khi khách hàng không hài lòng với dịch vụ của chúng ta, cho dù chúng ta có lỗi hay không". Vì vậy các nhân viên không có quyền phản ứng khi khách hàng phàn nàn mà chỉ được “xin lỗi” và “cảm ơn” cả khi bị khách hàng chửi mắng...

Trung bình một ngày, một nhân viên làm việc tại Call Center phải nhận và trả lời ít nhất khoảng 150 cuộc điện thoại, lúc cao điểm là khoảng 250 cuộc. Vài năm trước đây, số cuộc trả lời trung bình của một nhân viên còn lên đến gần 300. Vào thời điểm hiện tại, thời gian cộng dồn trả lời liên tục của một điện thoại viên là 5 giờ, còn cao điểm thì tới gần 7 giờ liên tục (trong tổng thời gian là 8 giờ làm việc).

Chỉ tính riêng việc phải nhận từng đó cuộc gọi và phải trả lời điện thoại liên tục với từng đó thời gian trong một ngày, có thể thấy công việc của một điện thoại viên áp lực đến mức nào. Áp lực này còn tăng lên gấp bội khi hầu hết các cuộc điện thoại gọi đến đều có giọng điệu bức xúc, tức tối...

Chị Phạm Diệu Thúy, Phó giám đốc Công ty Vinatad - một công ty cung cấp và quản lý nhân lực Call Center cho biết, do áp lực quá căng thẳng, rất nhiều nhân viên đã bị ngất xỉu trong ca làm việc. "Tôi đã rất nhiều lần phải đưa nhân viên đi cấp cứu vì bị ngất khi đang hoặc vừa dứt cuộc điện thoại trả lời khách hàng", chị Thúy nói.

Chị T., nguyên là nhân viên Call Center của MobiFone, kể lại một câu chuyện khi chị còn là điện thoại viên. Vừa nhấc máy lên, chị T. đã bị chửi tới tấp. "Tiên sư cha chúng mày, đồ ăn cướp. Chúng mày trắng trợn thế hả? Tao vừa nạp tiền sao cướp luôn của tao?". Nhân viên này trả lời: "... Anh cho em xin số máy để kiểm tra ngay lập tức nhé". Khách hàng này lại tiếp tục: "Mày điên à? Mất rồi còn kiểm tra cái gì?". Sau đó, một bên thì cứ: "Dạ, vâng. Xin lỗi. Cảm ơn", một bên thì cứ chửi và kéo dài tới hơn 30 phút. Sau khi xả stress bằng... chửi, anh này nói với nhân viên: "30 phút nữa mày không gọi lại thì đừng có trách ông đấy nhé", nhân viên này lại... cảm ơn và hứa chắc chắn sẽ gọi lại.

Nỗi niềm Call Center

Điện thoại viên của một công ty cung cấp và quản lý nhân sự Call Center nói: "Em cũng thích cái nghề này nhưng làm lâu mà lương cũng không tăng mấy và cơ hội thăng tiến cũng ít nên đôi lúc cũng hơi buồn". T.T.H - một điện thoại viên của một công ty tại Hà Nội - thì tâm sự: "Nhìn bên ngoài, rất nhiều người tưởng bọn em là nhân viên của các mạng di động. Nhưng thực tế, bọn em chỉ là những người làm thuê ở bên ngoài và được hưởng rất ít lợi ích từ những khoản lợi nhuận khổng lồ của các mạng này. Các mạng di động lãi hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm, nhân viên tại các mạng này được thưởng to, tăng lương... nhưng nhân viên Call Center bọn em thì thu nhập cũng vẫn vậy. Không ít trường hợp, cùng một công việc tương tự nhau, thậm chí cùng ngồi chung trong một căn phòng làm việc nhưng nếu làm ở mạng di động thì thu nhập sẽ cao hơn ít nhất 3 - 4 lần...".

Bên cạnh vấn đề thu nhập, việc thừa nhận của xã hội đối với nghề này cũng là một bức xúc khác. Cùng với sự ra đời của mạng di động, Call Center cũng đã xuất hiện được 16 năm tại Việt Nam nhưng đến nay nghề này dường như vẫn không có mấy người biết tới và vẫn không được đánh giá cao. Phạm Thanh Vân - Giám đốc Call Center của Viettel cho biết: "Rất nhiều người vẫn còn cho rằng nghề này là cái nghề chẳng cần đầu óc gì, toàn người "thiếu iốt" mới vào đó làm... ".

Theo thống kê của các công ty cung cấp và quản lý nhân lực Call Center cho các mạng di động, hơn 90% điện thoại viên ở Call Center là nữ và có độ tuổi dưới 30. Các tiêu chí khác là không được nói giọng phương ngữ, không nói quá ngọng... Trong số 100 người trúng tuyển có 30 người tự bỏ việc trong vòng 6 tháng đầu tiên.

Hoàng Ly (thanhnien.com.vn)

Những nghề hái ra tiền triệu mỗi ngày


Vốn ít, lãi to, kinh doanh quán cóc vỉa hè đang đem lại lợi nhuận bạc triệu mỗi ngày cho nguời mở tiệm.

Vốn nhỏ, lãi to

Chưa khi nào các ngành nghề kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ lại “ăn nên, làm ra” như thời điểm hiện nay. Trên khắp các con phố Đà Nẵng, ngày xuất hiện càng nhiều những quán cafe cóc, bán hàng ăn vỉa hè với đủ các qui mô, hình thức.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của quán xôi, quầy bán bánh mì, quán cà phê cóc…được người dân ví như “nấm mọc sau mưa”.

Bác Nguyễn Tấn Lượng, 75 tuổi, phường Hải Châu 1, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết : “Chưa bao giờ “sướng” như bây giờ, chỉ đi 1 đoạn đường chừng chục mét đã có đầy đủ các dịch vụ phục vụ từ A-Z . Từ hàng ăn như bún, xôi, bánh mì…cho đến hàng uống như cafe, nước mía, nước dừa buổi sáng và nhậu bình dân buổi chiều. Tất cả đều cóc-vỉa hè”.

Thật vậy, càng khó khăn, người dân càng nghĩ ra cách để sinh nhai. Và khi người dân càng thắt chặt chi tiêu thì các dịch vụ, quán “cóc” lại trở nên hút khách. Cũng chính vì vậy mà khi các chủ quán cóc “minh bạch tài chính” sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải “ngước nhìn”.

Chị Huỳnh Ngọc H, chủ tiệm bánh mỳ trên đường Nguyễn Công Trứ cho biết : “Hồi trước tôi cũng lăn lộn nhiều nghề, nhưng gia đình cũng không đủ sống. Vốn ít, nghề nghiệp không đến đâu, vậy là cả nhà bàn với nhau mở quán bán bánh mỳ thịt heo quay bán kiếm sống. Với vốn bỏ ra chưa đến 1 triệu đồng từ tiền mua tủ kính, đến thuê mặt bằng, mua dụng cụ…. Ban đầu buôn bán cũng tạm đủ và hơn 1 năm nay, từ quầy bán bánh mỳ, gia đình cũng có “đồng ra, đồng vào”. Tuy nhiên, cái gọi là “đồng ra, đồng vào” từ quầy bán bánh mỳ của chị H là ước mơ của không ít người, thậm chí của nhiều doanh nghiệp khi nói đến hiệu quả sinh lời từ đồng vốn.

Sau nhiều lần dò la, chị H cho biết, mỗi ngày quán bán ra khoảng 400-500 ổ bánh mỳ với giá từ 7.000-10.000đồng/chiếc và chỉ bán trong vòng từ 6 giờ đến 9 giờ 30 sáng. Thời gian còn lại trong ngày thì làm việc khác. Bánh mỳ thì các lò mang đến bỏ gối đầu với giá buôn từ 1.800- 2.000 đồng/chiếc. Thịt quay cũng vậy, tuỳ thời điểm cao hay thấp mà bạn hàng bỏ với giá từ 60-70.000 đồng/kg. Chỉ cần nhẫm tính, trừ hết chi phí, mỗi ngày chị H lãi tiền triệu từ cái quán bánh mỳ lụp xụp này.



Chỉ với cái quán bánh mì “lụp xụp”, mỗi ngày chị H kiếm bạc triệu là chuyện thường

Chị D bán xôi vỉa hè trên đường Ngô Gia Tự thì “choáng” hơn, “6 ngày/ tuần, 28 ngày/tháng, cả gia đình bắt đầu với 4 chõ xôi cùng gần nghìn hộp xôi với giá bán giao động từ 6.000-8.000đồng/hộp, cũng mang về cho gia đình chị mức thu nhập khá hấp dẫn. Trong khi đó, “đầu tư” tài sản cố định cho công việc kinh doanh rất khiêm tốn và nhiều nhất chỉ là 2 cái dù trị giá 2 triệu đồng, bộ chõ đồ xôi và vài ba bộ bàn ghế, bát đĩa. Nhưng số lãi mang về lớn hơn nhiều so với khoản đầu tư.

Ngày nào cũng là “triệu phú”

Chị Th, chủ quán cafe cóc trên đường Lê Lợi cho biết : “Em đi làm cũng nhiều công ty rồi, nhưng không làm gì thoải mái và “sống khoẻ” như làm cafe cóc. Chỉ có điều là khi mọi người hỏi không được làm công ty này, công ty nọ mà thôi.

Quán lớn thì mở cả ngày, nhỏ thì chỉ cần mở buổi sáng thôi cũng đủ. Thấy vậy chứ tiền chợ búa, cơm nước hàng ngày là không phải lo mà còn bỏ ống được đều đều. Anh thấy đó, Đà Nẵng, ngoài các quán cà fê “hoành tráng”, đi đến đâu cũng thấy xuất hiện quán cóc, từ cà fê cho đến hàng ăn, rồi nhậu vỉa hè. Nói chung, kinh tế khó khăn kiểu gì, cũng sống tốt mà ngày nào cũng kiếm tiền triệu chớ không ít đâu!.



Bán quán cóc, vỉa hè. Nhưng ngày nào cũng là “triệu phú”

Chứng minh cho “hiệu quả đầu tư của mình”, chị Th cho biết thêm : “Tài sản dài hạn của em chỉ vài bộ bàn ghế nhựa, 1 chiếc xe 3 gác đẩy, 2 tấm bạc và công sức. Hàng ngày, 6 giờ mở quán đến tầm 10h sáng đóng cửa. Hôm ế cũng được gần triệu, hôm đắt khách thì dăm ba triệu là thường”.

Cà-fê cóc là vậy, các hàng quán vỉa hè mang thương hiệu “cóc” như xôi, bánh mỳ, nhậu…cũng hiệu quả không kém.

Quầy bán bánh mỳ Cô C trên đường Lê Lợi là một điển hình và khi đánh giá hiệu quả đầu tư của “dự án” này thì đây thật sự là giấc mơ của nhiều doanh nghiệp.

Theo cô C, ngày nào cũng vậy, sáng 6h đến gần 9h, chiều từ 15 giờ đến 18 giờ, mỗi ngày hàng bán ra ngót nghét 3.000 chiếc bánh mỳ gà, với giá 4.000 đồng/chiếc. Và chỉ tính sơ bộ, mỗi chiếc lãi 1.000đồng thì quả thật ngày nào cũng là triệu phú.

Bửu Lân (VTCNews)

Cà phê... “alô”

Một “quán” cà phê di dộng chuẩn bị lên đường phục vụ khách sau khi nhận được điện thoại
Người đi đường hoặc dân lao động nghèo, thợ xây dựng tại các công trình... dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM sẽ không dễ tìm mua một ly đá chanh, một ca trà đá mát lạnh từ những quán cà phê “cao cấp” hiếm hoi giữa lòng khu đô thị mới. Nhưng chỉ cần một cú điện thoại, ngay lập tức có những “quán” cà phê... di động xuất hiện.

Bà Nguyễn Thị Lài, quê ở Châu Đốc, một trong những người mở “quán” cà phê... di động đầu tiên trên các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập..., cho biết: “Trước đây tui lượm lặt ve chai, mua phế liệu dọc các công trình ở khu này.

Mỗi khi trưa nắng nóng tui thường thấy mấy người thợ, những người đi đường phải mỏi mắt tìm quán rồi tốn cả chục ngàn đồng mới kiếm ra một ca nước đá nhỏ xíu.

Nhiều nhóm thợ cứ trơ mắt nhìn nhau, chẳng ai dám uống đầy bụng cho đã khát. Tại sao mình không mở một quán cà phê di động phục vụ nhu cầu này?”.

Vậy là quán cà phê di động của bà Lài ra đời. Sau đó là hàng chục quán kiểu này xuất hiện đáp ứng nhu cầu của nhiều người.

Những “quán” cà phê di động chỉ là những chiếc xe gắn máy, xe đạp ọp ẹp gắn thêm tấm bảng nguệch ngoạc vài chữ “bán cà phê, nước suối...” và một khẩu hiệu rất “prồ”: “Giải quyết mọi cơn khát giá bình dân” cùng số điện thoại di động của chủ nhân.

Giới thợ thuyền, công nhân, người đi đường... chỉ cần “alô” hay đứng bên lề đường vẫy tay và bỏ ra 3.000-4.000 đồng là có ngay một ly cà phê thơm ngon phục vụ tận nơi, vừa nhâm nhi vừa ngắm người qua lại trên đại lộ...

Bà Tư, chủ một “quán” cà phê di động, nói mỗi chai nước, ly cà phê bà chỉ kiếm lời 1.000-2.000 đồng. “Lấy công làm lời thôi chú ơi, người lao động nghèo mà mình tính cao tội họ lắm...”.

Bà kể cuối năm trước, nhiều công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận mất việc cũng ồ ạt mở “quán” di động như bà để kiếm sống.

Nhưng vì họ buôn bán theo kiểu chụp giật, dùng bột cà phê trộn bột bắp, nước thì không đun sôi nên sau một thời gian đã bị khách tẩy chay đành bỏ nghề.

“Bán cà phê dạo cũng đòi hỏi có cái tâm và giữ uy tín với nghề. Có như vậy khách mới không bỏ mình”, bà Tư bảo vậy.

(Sinh viên Việt Nam)

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References