10 phong thái làm việc của người thành công

Tại sao cùng năng lực như nhau nhưng có người thăng tiến rất nhanh, có người lại giậm chân tại chỗ? Bạn có thể nghĩ rằng thành công đến với những người này vì họ có hậu thuẫn. Có thể, nhưng có một điều quan trọng hơn chính là thái độ làm việc của họ.

Tiến sỹ Martin Seligman đã phát hiện ra rằng thái độ làm việc là nhân tố quyết định, nó còn quan trọng hơn cả chỉ số IQ, bằng cấp và một số nhân tố khác. Ông thấy rằng những người có thái độ tích cực, thân thiện thường tiến xa hơn trong sự nghiệp. Cho dù bạn đến từ đâu, bạn thông minh như thế nào nếu bạn có một thái độ đúng đắn trong công việc thì bạn sẽ thành công.

Dưới đây là 10 thái độ của các nhân viên thành công, bạn có thể xem qua và áp dụng cho bản thân:

1. Tôi chịu trách nhiệm cho số phận của mình

Nếu bạn chỉ dành thời gian để ngồi chờ đợi điều gì tốt đẹp sẽ đến với sự nghiệp của bạn thì bạn sẽ còn phải đợi lâu. Những người thành công luôn tự quyết định điều gì tốt đẹp sẽ đến với họ, họ tạo ra và điều khiển số phận của họ. Bạn sẽ thành công, sẽ có vị trí xứng đáng trong sự nghiệp nếu bạn biết bước đi và tìm kiếm cơ hội của mình.

2. Không có gì là không thể

Bạn nghĩ bạn không có cách nào để có thể vươn tới vị trí phó giám đốc? Nếu bạn suy nghĩ như vậy thì bạn chắc chắn sẽ không bao giờ có được vị trí đó. Hãy nhớ rằng nếu bạn muốn làm được việc gì thì phải luôn nghĩ rằng bạn có khả năng để làm điều đó.

3. Tôi luôn coi trọng công việc được giao, dù đó là việc vặt

Bạn sẽ không thể biết được khi nào thì bạn đang ở trong tầm kiểm soát của sếp vì vậy luôn phải làm việc cẩn thận cho dù đó là việc nhỏ. Một nhân viên PR cấp cao làm việc tại Chicago nói rằng công việc đầu tiên cô ấy được giao đó là sắp xếp lại tủ đựng hồ sơ của phòng. Cô ấy đã làm việc rất nhiệt tình và ngay sau đó đã nhận được lời khen từ phía sếp về sự chăm chỉ đó. Vì vậy bạn cần nhớ nếu lần sau được giao bất cứ công việc nào hãy làm với tất cả sự nhiệt tình của mình.

4. Xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người

Tại sao bạn phải tức tối với các đồng nghiệp trong khi bạn có thể cư xử thân thiện và hòa đồng với mọi người? Ví dụ, bạn có nghĩ rằng việc tạo được mối quan hệ tốt với thư ký của sếp là quan trọng không? Hãy cư xử tốt và tạo mối quan hệ thân thiết với tất cả mọi người, biết đâu trong tương lai những mối quan hệ này lại có ích cho bạn.

5. Làm việc một cách tận tâm

Nếu bạn cứ nghĩ cả ngày rằng tại sao bạn lại phải làm những công việc này, hay công việc này không đúng với chuyên môn và nhiệm vụ của bạn… thì sẽ chỉ khiến cho bạn không thể hoàn thành công việc và sẽ phải chịu đựng sự bực tức của sếp. Cho dù công việc được giao không phù hợp, nhưng một nhân viên thành công luôn làm việc như thể đó là công việc trong mơ của họ vậy.

6. Luôn tận dụng cơ hội để mở rộng mối quan hệ của mình

Những nhân viên thành công họ biết được giá trị của việc có được quan hệ rộng rãi, cả trong và ngoài công ty. Bạn cần thiết lập cho mình nhiều mối quan hệ và chuyên nghiệp hơn. Hãy bắt đầu bằng việc rủ các đồng nghiệp ra ngoài vào giờ nghỉ, đi uống café sau giờ làm hay tham gia các cuộc hội thảo giữa các công ty.

7. Luôn học hỏi và làm mới bản thân

Để có thể thăng tiến thành công bạn cần chịu khó trau dồi và cập nhật kiến thức thường xuyên. Ví dụ, bạn nên tình nguyện đảm nhận những dự án mới để học hỏi những kiến thức và kỹ năng mà mình chưa biết.

8. “Thất bại sẽ giúp mở đường cho thành công”

Ai cũng phải từng trải qua thất bại dù chỉ là một lần và sự khác biệt giữa người thành công và không thành công chính là cách họ đối mặt với thất bại đó như thế nào. Những người thành công sẽ tìm thấy những bài học trong thất bại đó và tiếp tục tiến bước.

9. Tôi luôn tự hào về bản thân

Bạn đã bao giờ chờ đợi ai đó trong công ty sẽ nhận ra tài năng và nỗ lực của bạn? Có lẽ đã đến lúc bạn cần phải đứng lên và nói về những kết quả công việc và đóng góp của bạn cho công ty. Những người thành công luôn biết cách để cho mọi người thấy thành tích của mình mà lại không có vẻ gì là khoe khoang.

10. Tôi luôn tự tìm những cơ hội mới

Những người thành công luôn tự tìm kiếm những cơ hội để tiến lên trong sự nghiệp. Luôn lắng nghe, quan sát và để ý tìm tới những cơ hội mới. Bạn không bao giờ biết được khi nào thì bạn sẽ khám phá ra được cơ hội sẽ có thể thay đổi cả sự nghiệp của bạn vì vậy đừng bao giờ ngừng tìm kiếm chúng.

Thủy Nguyễn -Theo MSN

Đừng đổ thừa, chê trách

Một trong những thói quen hấp dẫn và khôn lỏi nhất trong đời chúng ta lại cũng là cách chắc chắn nhất tước bỏ khỏi chúng ta quyền làm chủ đời mình, sự vui sướng và giàu có. Tôi muốn nói đến thói quen đổ thừa cho người khác hoặc cho các điều kiện bên ngoài về những sai lầm, thất bại hoặc khó khăn của chính mình. Chúng ta gọi đó là “Trò đổ thừa”.

Đổ thừa người khác là việc quá dễ. Cái trò đổ thừa đó đột nhập vào chúng ta một cách tế nhị hoặc chẳng thèm tế nhị gì cả. Nó chường ra trong tư tưởng và trong các cuộc đối thoại của chúng ta. Ví dụ, chúng ta có thể tự nhủ mình: “Đáng lẽ mình cũng bán được nhiều hàng lắm nếu phẩm chất của chúng khá hơn thế này”, hoặc “Giá mà nền kinh tế tốt đẹp (hoặc giá bọn cạch tranh với mình có được chút liêm sỉ hoặc giá mình may mắn hơn hoặc giá mình làm một công việc khác) thì mình cũng kiếm ra được khối tiền đấy”. Chúng ta cũng có thể đổ thừa sự thất bại của mình cho tình thế thay đổi, bị lỡ cơ hội hoặc ít được học hành quá. Hoặc mình phàn nàn với ông chồng hay bà vợ của mình: “Thì tôi cũng đã tìm kiếm cơ hội khắp nơi rồi”, hay “Biết sao được, có ai bày em nên kết thúc một cuộc thương lượng như thế nào đâu!” Còn như thế này thì sao: “Phải giữ thân hình thon thả mới được. Có điều mình chẳng có thì giờ”. Thói quen đổ thừa xuất hiện trong mọi tình huống – chúng ta trách cứ những kẻ cạnh tranh, trách sếp, trách chính phủ, trách lý lịch cá nhân của mình, tuổi tác, giới tính và đổ thừa cả cha mẹ và trách nhiệm của gia đình.

Không phải khuynh hướng hay đổ thừa của chúng ta là không đúng đâu. Trong những điều phàn nàn của chúng ta cũng có một chút xíu sự thật đấy. Nhưng đó là một phần của vấn đề. Luôn luôn chúng ta có thể chứng minh với chính mình tại sao cái “phiên bản” phàn nàn của mình là đúng đắn. Và điều đó lại giúp cho “trò chơi đổ thừa” cứ tiếp diễn. Trong khi đổ thừa, chúng ta tách mình ra khỏi giải pháp, tức là điều đang nắm giữ và chi phối vận mệnh của mình. Cũng dễ đổ thừa chuyện thiếu tập thể dục hoặc quán xuyến gia đình cho thời khóa biểu làm việc chật ních – thật khó lòng thú nhận mình đã không dành cho những việc đó chút ưu tiên nào.

Hầu hết những than phiền về thời gian không có vẻ kêu ca là lối gì. Chúng tế nhị lắm nữa kia. Cũng chính vì vậy khó mà nhận biết – và chấm dứt chúng.

Nếu bạn khiêm tốn nhận ra cả bạn nữa cũng thường rơi vào thói quen này, tức là bạn mở rộng cửa, dọn đường cho sự thành công và vui sướng dù bạn làm bất cứ việc gì. Một khi bạn thấy rằng chính bạn nắm giữ vận mệnh đời mình, cuộc sống của bạn sẽ trở thành một cuộc phiêu lưu đầy thành công và kỳ thú.

Tôi thích thú nhận thấy khái niệm này rất hữu ích cho đời sống của tôi và thực sự ngạc nhiên với những gì mình phát hiện. Chính quyết định vất bỏ thói quen “đổ thừa” đã cho phép tôi tự làm chủ đời tôi và sống trọn vẹn những ước mơ của mình. Tôi nghĩ rằng nó cũng mang lại hiệu quả như thế với bạn nếu bạn dành cho nó một cơ hội.

Richard Carlson
Nguyễn Huỳnh Điệp biên dịch

Chẩn bệnh người trẻ trong công việc

Chan_benh_nguoi_tre_trong_cong_viec6 căn bệnh người trẻ thường mắc phải khi đi làm dưới mắt một chuyên gia đào tạo nhân sự.

1/ Làm qua loa cho xong việc

Trong thực tế, rất nhiều bạn trẻ không thật sự tận tâm với công việc của mình. Do một số nguyên nhân chính:

- Không yêu thích công việc của mình: thường gặp ở những người đồng ý nhận công việc một cách miễn cưỡng, tạm thời vì chưa tìm được việc làm phù hợp.

- Không tìm hiểu rõ công việc mình sẽ nhận làm: khi vào làm mới nhận ra mình không phù hợp với công việc đã nhận.

- Không có tinh thần trách nhiệm, thường đùn đẩy hoặc đổ lỗi cho đồng nghiệp: nhiều bạn trẻ thích công việc của mình, nhưng lại không đủ trách nhiệm để thực hiện công việc một cách trọn vẹn. Một số bạn hay dựa dẫm, ỷ lại vào đồng nghiệp hay cấp trên sẽ hoàn chỉnh nốt phần còn lại cho mình.

- Không có thói quen làm việc đến nơi đến chốn.

2/ Làm việc không có kế hoạch

Bạn trẻ được đào tạo nhiều kiến thức trong nhà trường nhưng lại thiếu phần hướng dẫn kỹ năng mềm để làm việc một cách có kế hoạch.

3/ Thiếu tầm nhìn tổng thể

Căn bệnh này thường gặp ở một số vị trí quản lý trẻ: nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện, thường theo chủ quan của mình.

4/ Thiếu khả năng làm việc độc lập, sáng tạo

Đây là một điểm yếu có lẽ xuất phát từ cách giáo dục mà nhiều cá nhân đã trải qua:

  • Trong gia đình, khi còn bé mọi thứ phải làm theo lời cha mẹ, không được có ý kiến riêng. Khi đi học, mọi thứ phải trả lời răm rắp theo sách. Mỗi câu hỏi chỉ có một câu trả lời đúng thay vì nhiều đáp án đúng nếu nhìn ở những góc độ khác nhau.
  • Bị cười chê nếu không trả lời đúng ý người trên mình, đúng sách vở.
  • Từ đó, cá nhân sẽ luôn mong đợi có người/sách hướng dẫn, gợi ý thay vì tự suy xét và quyết định độc lập, sáng tạo.

5/ Mức độ linh hoạt chưa phù hợp

Do thiếu kỹ năng sống, một số bạn trẻ loay hoay không biết có thể được linh hoạt trong xử lý công việc ở mức độ nào. Từ đó dẫn đến việc một số bạn quá tùy tiện, một số bạn lại quá cứng nhắc.

6/ Không có thời gian nâng cao nghiệp vụ

Nâng cao nghiệp vụ có thể được thực hiện qua công việc hoặc qua học hỏi. Nhiều bạn đã để các hoạt động không quan trọng chiếm hết thời gian nâng cao nghiệp vụ. Một số bạn lại quá mệt mỏi để học hỏi thêm. Và đơn giản hơn, một số bạn lười.

Theo Tuổi trẻ

5 quy tắc giao tiếp của nhà lãnh đạo

Nhà quản lý giỏi, được quý mến không chỉ do điều hành tốt mọi việc, đánh giá đúng năng lực của nhân viên…mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, cách ứng xử hàng ngày.

Không phải ai cũng có khả năng “đắc nhân tâm” trong giao tiếp, nhà quản lý cũng không ngoại lệ. Năm chìa khóa vàng sau đây sẽ giúp bạn đạt được điều đó. Hãy áp dụng ngay!

Chân thành

John Keegan, nhà quân sự nước Anh cho rằng, 1 trong 5 đức tính quan trọng của người chỉ huy kiệt xuất là làm cho người lính cảm thấy được quan tâm. Cấp trên phải hiểu, cảm nhận và chia sẻ với những khó khăn, nguy hiểm người lính đang đối mặt. Một khi những điều này được thể hiện bằng hành động cụ thể, người lính sẽ cảm nhận được tình cảm thực sự từ vị tướng của mình.

Trong doanh nghiệp cũng vậy, tình cảm chân thành của người lãnh đạo sẽ tạo dấu ấn quan trọng trong lòng mọi người. Một chuyến đi thăm nhân viên đang làm việc ở công trường xây dựng giữa đêm giá lạnh, một món quà nhỏ sau chuyến đi công tác, một tin nhắn chúc mừng thành công mà nhân viên mới đạt được…có thể những điều đó rất nhỏ, nhưng có tác động rất lớn đến tinh thần làm việc, sự gắn kết giữa nhân viên và lãnh đạo.

Bạn có thể dành ít thời gian để hỏi thăm nhân viên khi bắt đầu ngày mới. Đó là liều thuốc tinh thần rất tốt, thúc đẩy họ làm việc hiệu quả. Các nhà quản lý hệ thống khách sạn Ritz – Carlton (Mỹ) thường đi khắp khách sạn với nụ cười rạng rỡ, thể hiện niềm đam mê công việc và tạo ảnh hưởng đến nhân viên. Vì thế, khi đến Ritz – Carlton, có thể thấy nhân viên ở đây luôn tỏ ra hạnh phúc, họ chào đón khách với nụ cười niềm nở và giọng nói đầy sức sống.

Linh hoạt

Nếu quản lý đội ngũ nhiều thế hệ, bạn cần có nhiều cách giao tiếp khác nhau để đảm bảo mọi người đều cảm thấy được tôn trọng.

Các bậc “bô lão” rất giàu kinh nghiệm, khi giao việc cho họ, bạn không phải lo lắng. Tuy nhiên, tuổi tác là yếu tố cản trở sự sáng tạo của những người lớn tuổi. Ngoài ra, bạn phải quyết đoán khi ra quyết định giao nhiệm vụ cho họ. Nên lắng nghe, tôn trọng ý kiến người cao tuổi, điều này rất cần thiết đối với nhà quản lý giỏi.

Lớp người trẻ trung, năng động, sáng tạo là một lợi thế khác của doanh nghiệp. Công việc có tính sáng tạo chính là đất dụng võ, là nơi để họ thể hiện nhiệt huyết. Hãy động viên cấp dưới bằng lời khen đúng lúc, đúng mực khi họ làm tốt. Tuy nhiên, tuổi trẻ khó tránh khỏi hành động bồng bột, vì thế, bạn nên góp ý một cách kín đáo, tế nhị. Hay vận dụng công thức phê bình “bánh sandwich”, tức là “khen-chê-khen”. Chẳng hạn, khi làm báo cáo, nhân viên tự ý “sáng tạo” vài chỗ, khiến bạn hiếu gà ra vịt, hãy góp ý “Em làm tốt lắm. Nhưng còn vài chỗ tôi không rõ, lần sau nhớ tuân thủ nguyên tắc làm báo cáo của công ty nhé”.

Minh bạch

Để nhân viên làm việc hiệu quả, điều quan trọng nhất là giúp họ hiểu rõ công việc được giao. Khi giải thích vấn đề, người lãnh đạo phải trình bày rõ ràng, dứt khoát và không để lộ cảm xúc. Mặt khác, cần kích thích họ đặt câu hỏi, bày tỏ mối quan tâm, sau đó bạn giải thích thật logic. Khi đặt vấn đề, khẳng định điều gì đó hoặc chia sẻ ý tưởng…bạn tránh để nhân viên cảm thấy bị áp đặt, ép buộc. Nếu có tâm lý thoải mái, cấp dưới sẽ thường xuyên chia sẻ với sếp những thắc mắc, quan tâm của mình, bởi họ tin bạn luôn muốn tạo môi trường làm việc an toàn, tích cực.

Tôn trọng

Đừng bao giờ để tâm trạng của mình ảnh hưởng đến không khí làm việc chung. Điều đó chẳng những khiến mọi người làm việc không hiệu quả mà còn vô tình tạo ra hình ảnh người lãnh đạo không tốt trong mắt họ.

Hải Ly, phóng viên, 26 tuổi, kể rằng, cô từng có vị sếp lúc nào cũng khiến nhân viên bị ám ảnh về tâm trạng của ông. “Ông ấy không ngại hét vào mặt nhân viên và cư xử rất thất thường. Chúng tôi không bao giờ biết sếp mình sẽ có thái độ gì. Lúc nào mọi người cũng thăm dò xem có cần phải…đi lánh nạn không”, Ly kể.

Là lãnh đạo, bạn bên thận trọng trong các mối quan hệ giao tiếp với nhân viên. Đừng tỏ ra lạnh lùng, xa cách, nhưng cũng không nên thân mật quá mức. Điều này khiến nhân viên khó xử hoặc họ sẽ lờn mặt, xem thường bạn.

Bên cạnh đó, để mọi người tôn trọng, bạn phải giữ chữ tín. Đừng viện lý do quá nhiều việc nên quên mất lời hứa của mình. Cho dù là điều rất nhỏ, nhưng nếu giữ lời, bạn sẽ khiến nhân viên cảm thấy được quan tâm và sẵn sàng cống hiến hết công sức cho doanh nghiệp.

Công bằng

Một điều cực kỳ quan trọng trong giao tiếp giữa sếp với nhân viên là: công bằng.

Lan Chi, 26 tuổi, nhân viên kinh doanh, kể về vị sếp cũ cực kỳ thiên vị của cô: “Với người bên phe mình, bà ấy luôn giao nhũng việc dễ dàng, thuận lợi. Họ còn thoải mái đi ăn trưa, nghỉ giữa giờ lâu hơn mọi người. Trong khi đó, nhân viên khác chỉ đi trễ vài phút đã bị bà ấy mắng xối xả. Nếu không thuộc phe cánh của sếp, 8 tiếng làm việc của bạn sẽ giống như ở địa ngục. Tôi nằm trong số đó. Khi tôi lỡ làm sai, dù là lỗi nhỏ xíu, mọi người có thể nghe thấy tiếng hét của bà ấy từ đầu phòng bên kia. Mỗi ngày đi làm, tôi đều sống trong tâm trạng thấp thỏm, không biết khi nào bị sếp gọi vào trách mắng”. Chịu không nổi, sau một thời gian, Chi xin nghỉ việc,.

Hãy đánh giá đúng năng lực làm việc của nhân viên để có chế độ đãi ngộ đứng mức. Nếu thiên vị người này, miệt thị người kia, bạn sẽ tạo ra những “chuyên gia nịnh hót” . Bạn cần lắng nghe cả hai tai để thưởng, phạt công tâm, như vậy nhân viên mới nể phục.

Giao tiếp là một nghệ thuật mà chúng ta không bao giờ học được hết. Để hoàn thiện bản thân, bạn phải học cả đời nhất là đối với những người quản lý. Đừng quên, sự thành công của bạn không bao giờ tách khỏi khả năng giao tiếp hàng ngày.

Trần Thị Thúy (Nhịp cầu đầu tư)

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References