Hơn 41.000 tỷ đồng cho dạy nghề từ nay đến năm 2020


Đổi mới cơ chế tài chính là khâu đột phá cho công tác đào tạo nghề, theo đó ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ người học nghề bằng cách cho vay vốn. Tuy nhiên phải có dự báo về nhu cầu học nghề hàng năm, tránh đầu tư dồn dập vào các cơ sở dạy nghề, dẫn tới tình trạng có trường nhưng không có người học, gây dư thừa trong mạng lưới đào tạo nghề, lãng phí cho xã hội. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị truyền hình trực tuyến về Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020 tại 5 điểm cầu: Văn phòng Chính phủ; Tp. Hà Nội; Tp. Hồ Chí Minh; Tp. Đà Nẵng và Tp. Cần Thơ nhằm lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương. Với tổng kinh phí dự kiến là 41.289,85 tỷ đồng, Đề án hướng tới mục tiêu giai đoạn 2009 -2020 dạy nghề cho 24,58 triệu người, trong đó đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành là 5,815 triệu người để bảo đảm vào năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55%. Đến năm 2020, cả nước có 230 trường cao đẳng nghề và 310 trường trung cấp nghề. Giai đoạn 2009-2020 đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề cho 40.000 người để thành giáo viên dạy nghề. Đến năm 2020, 100% trường đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề được ban hành khung chương trình; 90% trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, 70% trung tâm dạy nghề và 70% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng... Đề án đề cập đến 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá là đổi mới cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng, Đề án được triển khai trong thời gian tới sẽ là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, để Đề án đi vào cuộc sống thật sự hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội phải chú ý đổi mới quản lý tài chính gắn với đào tạo nghề đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tạo ra sự tương đồng về đào tạo nghề giữa hai bộ. Cần phải làm rõ ngân sách Nhà nước đầu tư như thế nào và đầu tư vào đâu. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Đề án cần quan tâm tới nội dung làm thế nào để xuất khẩu lao động Việt Nam trở thành một nội dung quan trọng và có thương hiệu trên thị trường thế giới. Về giải pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sơ kết cuộc vận động đổi mới nhận thức xã hội dạy nghề 2008 - 2010 và triển khai cuộc vận động mới cao hơn nữa cho giai đoạn sau. Phó Thủ tướng hoan nghênh Đề án đã đề ra phương hướng đổi mới và phát triển chương trình dạy nghề, theo đó giai đoạn 2009-2015 tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chương trình khung dạy nghề làm cơ sở cho các cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình dạy nghề; sau năm 2015 phải phủ kín chương trình khung. Trong dạy nghề lưu ý tiếp thu những công nghệ tiên tiến trên thế giới để áp dụng vào giảng dạy; lựa chọn những ngành, lĩnh vực có tính đột phá để phát triển.
                                                                    Lý Hà (vneconomy)

Thiếu trầm trọng nhân lực ngành dược


Nhân lực ngành dược tại Việt Nam hiện rất thiếu và phân bố không đồng đều. Theo số liệu của Cục Quản lý Dược tại hội nghị trực tuyến ngành dược toàn quốc, diễn ra mới đây tại Hà Nội, tỷ lệ dược sỹ ở nước ta mới chỉ đạt 1,19 dược sỹ/10.000 dân.

Không chỉ thiếu, các dược sỹ lại tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM và một số tỉnh có thị trường dược phát triển. Hiện Đông Nam bộ đang là vùng có tỷ lệ dược sỹ cao nhất cả nước chiếm trên 32%, đứng thứ hai là vùng đồng bằng sông Hồng với gần 32%. Chỉ riêng hai vùng này đã chiếm tới 2/3 số lượng dược sỹ trong cả nước. Trong khi đó, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên tỷ lệ này chỉ chiếm từ 1,4% đến 2,6%.

Cơ cấu và mạng lưới cán bộ dược hiện nay cũng mất cân đối nghiêm trọng. Tại tuyến huyện dược sỹ rất ít, thậm chí nhiều huyện không có dược sỹ đại học…

Về chất lượng đội ngũ cán bộ này cũng không đồng đều, kiến thức ít được bổ sung, cập nhật mới. Trưởng khoa Dược tại các bệnh viện lớn thường chỉ là dược sỹ chuyên khoa. Ở các doanh nghiệp và cán bộ quản lý hiện nay cũng rất ít người được đào tạo đại học hoặc có học vị sau đại học để phát triển và áp dụng các kiến thức quản lý mới, các kỹ thuật và các sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, tuy tuổi bình quân của dược sỹ đã được trẻ hoá trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao, nhiều địa phương hiện còn thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ dược sỹ kế cận.

Cũng theo số liệu của Cục Quản lý Dược, dược sỹ được đào tạo hiện nay công tác trong lĩnh vực cung ứng và hướng dẫn sử dụng thuốc, sản xuất thuốc, kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm chiếm trên 78%, còn làm việc trong lĩnh vực quản lý Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 21%.

Nước ta có lịch sử gần 100 năm đào tạo cán bộ ngành dược nhưng đến nay mới có có 7 cơ sở đào tạo dược sỹ đại học. Ngoài Đại học Dược Hà Nội và khoa Dược của Đại học Y-Dược Tp.HCM thì gần đây mới có thêm các cơ sở đào tạo dược của các trường Đại học Y-Dược Huế, Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Y-Dược Cần Thơ, Học viện Quân Y, Đại học Y Thái Bình.

Theo ước tính của Đại học Dược Hà Nội, nếu vào năm 2020, dân số nước ta là khoảng 100 triệu người, tỷ lệ dược sỹ dự kiến là 3 dược sỹ/10.000 dân (bằng một nửa Philippines năm 2002) thì số lượng sinh viên cần tuyển trong giai đoạn 2009 - 2020 sẽ khoảng 22.000 người. Riêng giai đoạn 2009 - 2015 số lượng cần tuyển phải lên tới 14.000 sinh viên.

Thúy Nhung (VnEconomy)

Cánh cửa trường nghề đang rộng mở

Các trường đào tạo nghề trên địa bàn TPHCM đang ráo riết tuyển sinh năm học mới. Đây là cánh cửa mời gọi các bạn thanh niên không có cơ hội bước vào giảng đường đại học.

Xét tuyển linh hoạt

Năm 2009, đầu vào của bậc CĐ nghề, TC nghề và TC chuyên nghiệp đều xét tuyển. Theo ông Nguyễn Thành Hiệp - Trưởng phòng dạy nghề - Sở LĐTBXH: Sở khuyến khích các trường nghề tuyển đầu vào là HS mới TN THCS, chưa tốt nghiệp THPT và tương đương vào học hệ TC nghề.

Những HV này sẽ học 3 năm, trong đó học văn hóa song song với học nghề. Những môn học có điểm số từ 5 trở lên của bậc học phổ thông sẽ được bảo lưu và không phải học tiếp tại các trường nghề. Nếu HV có thể đủ khả năng thi tiếp đại học thì bằng tốt nghiệp TC nghề có thể được coi như tương đương với bằng tốt nghiệp THPT.

Năm 2009 có trên 50 nghề trên địa bàn thành phố tuyển 10.650 HV hệ CĐ nghề, 27.453 HV hệ TC nghề. Nhiều ngành nghề đa dạng và ra trường có thể tìm được việc làm ngay như: Cơ khí, điện công nghiệp, công nghệ thực phẩm, cắt gọt kim loại, CNTT, thiết kế đồ họa, điện công nghiệp - tự động hóa...

Mặt khác, nhiều trường có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, trang thiết bị thực hành được nâng cấp thường xuyên như: Trường CĐ Nghề TPHCM, Trường TC Nghề Tôn Đức Thắng, Trường TC Nghề Hùng Vương, Trường TC Nghề Nhân Đạo, Trường CĐ Kỹ thuật nghiệp vụ Cao Thắng...

Đầu vào vẫn hạn chế


Cửa trường nghề rộng mở, tuy nhiên nhiều phụ huynh HS vẫn không nắm được nhiều thông tin về những ưu đãi của các trường nghề. Hiện, nhiều trường nghề mới nhận được vài chục hồ sơ đăng ký của HV. Những trường được đánh giá có tỉ lệ HV ra trường có việc làm cao cũng chỉ mới nhận được số hồ sơ bằng 30% - 50% chỉ tiêu tuyển sinh.

Ông Trần Kim Tuyền - Trưởng phòng Đào tạo - Trường CĐ Nghề TPHCM - cho biết: "Trường mới nhận được 160 hồ sơ đăng ký nhập học hệ CĐ nghề, 50 hồ sơ đăng ký nhập học hệ TC nghề. Trong khi đó chỉ tiêu tuyền sinh năm 2009, hệ CĐ nghề là 1.200 HV và TC nghề là 400 HV. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 là tổng khai giảng, nhưng từ nay đến đó không biết có tuyển đủ HV không".

Trường TC Nghề Tôn Đức Thắng có khả quan hơn, theo bà Thái Thị Kim Em: "Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 1.250 hệ TC nghề, đến nay trường có gần 400 HV đăng ký nhập học".

Nguyên nhân số lượng hồ sơ đăng ký nhập học tại các trường nghề đến thời điểm hiện nay còn thấp là do các trường còn thụ động trong việc quảng bá thông tin tuyển sinh.

Đăng Hải (laodong.com.vn)

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References