Thế nào là thành công?

Mike George
Đông nghẹt người kéo đến hội trường Bệnh viện An Sinh (TPHCM) dự buổi nói chuyện "Thành công hay thất bại" của Mike George tối 24/6.

Hơn 20 năm qua, bằng chất giọng nhẹ nhàng truyền cảm, Mike George đi nhiều nơi nói chuyện về thiền định, giúp đỡ nhiều người trong lĩnh vực phát triển tinh thần.


Quan niệm về thành công của Mike George- người có gần 30 năm hành thiền- cũng nhuốm đậm chất thiền:

“Hôm qua tôi được phỏng vấn trên chương trình truyền hình Người đương thời (VTV1) rằng: Anh viết những cuốn sách nổi tiếng, anh đi trò chuyện nhiều nơi…

Vậy anh có phải người thành công? Tôi trả lời: Không, tôi không thành công trong viết lách. Đó chỉ là công việc tôi đang làm. Điều tôi thành công không phải điều bạn biết. Những người thành công trên thế giới lại càng không nổi tiếng: không phải người kiếm nhiều tiền nhất, được ca ngợi nhiều nhất, xuất hiện nhiều trên bìa báo…

Thành công là thoát khỏi lo lắng, tâm trí của tôi tự do sáng tạo. Trong con người thành công, họ luôn cảm thấy hài lòng dù họ ở đâu, làm gì, không cố gắng phán xét, điều chỉnh người khác. Người thành công không hề có rắc rối. Rắc rối từ đâu ra? Tất cả trong nhận thức của bạn. Người thành công nhận ra mình chính là mình”.

Quá nhiều câu hỏi dành cho Mike George xoay quanh biết thế nào là đủ. Một bạn trẻ thắc mắc: Thành công là đạt mục đích của mình, tôi quan niệm thế đúng không? “Điều đó phụ thuộc mục tiêu của bạn. Bí mật của hạnh phúc là không nên có mục tiêu bên ngoài bạn mà phải là mục tiêu bên trong bạn. Chỉ khi bạn thực sự biết mình là ai, lúc đó mới bắt đầu hạnh phúc”.

Anh nói người thành công phải biết bỏ qua quá khứ. Điều đó anh rút ra từ bản thân hay những người thành công nói cho anh biết? “Tôi không hề có quá khứ, chỉ những người khác mới tạo ra quá khứ cho tôi. Mỗi ngày tôi xé quá khứ ra và ném đi, như con tàu rẽ sóng ra khơi để lại bọt biển trắng xóa. Đừng để con sóng lái cuộc đời ta mà phải là động cơ của con tàu trong ta”.

Theo ông có nên tồn tại khái niệm về thất bại không? “Bạn muốn có thất bại thì kệ bạn! Thất bại chỉ tồn tại khi bạn tin vào nó. Khi một đứa trẻ ngã, nếu nó tin vào thất bại thì nó cứ nằm lì đó, chẳng đứng dậy làm gì. Nhưng nó vẫn đứng dậy và ngã cả trăm lần, vì nó không biết đến khái niệm thất bại”.

Một khán giả khác băn khoăn: Thành công chính là sự hài lòng, nhưng khi người ta không đủ ăn, đủ mặc thì hài lòng sao đây? “Tôi đến những ngôi làng nghèo khó ở Ấn Độ, có gia đình chẳng còn mấy đồ ăn trong nhà, nhưng nhìn gương mặt họ có lẽ còn hạnh phúc hơn 100 lần chúng ta. Khi bạn trân trọng giá trị vật chất hơn giá trị bản thân, nghĩa là bạn đang mất đi hạnh phúc. Khi thấy những người không có gì cả, đừng nghĩ họ không có gì”.

Vậy mục tiêu sống của ông là gì, số phận của ông là gì? “Ai cũng chỉ có một số phận và nó đơn giản đến nỗi nhiều người không nhận ra: Là chính mình”. Làm sao gạt bỏ lo lắng? “Hãy xem cách bạn tạo ra lo lắng. Đừng tự đóng vai nạn nhân, đó là thất bại lớn. 95 phần trăm lo lắng của bạn là không thực. Bạn tạo ra cuộc sống cho mình, không nên sống theo ai cả”.

Hiểu những điều Mike George chia sẻ, nhưng làm được không dễ. Đây là lần thứ hai Mike George đến nói chuyện tại Việt Nam. Những cuốn sách của ông được dịch ra tiếng Việt: Tư duy tích cực, Từ tức giận đến bình an, 7 AHA, An nhiên - Từ hối hả đến ung dung, Giá trị nội tại...

Mike George là tác giả nổi tiếng và là diễn giả truyền cảm hứng cho hàng chục ngàn người ở hơn 30 quốc gia. Ông hỗ trợ cho các công ty, tập đoàn lớn như Mitsubishi, American Express, Siemens, Allianz, BarclaysBank, Johnson and Johnson, KLM, BBC… trong việc quản lý và khơi dậy tiềm năng con người.

Lâm Văn (tienphong.vn)

Đọc, học hỏi, và hoạch định thành công

Bill Gates là người đề cao tầm quan trọng của việc dành thời gian học hỏi từ nhân viên cấp dưới. Ông sẵn sàng lắng nghe ý tưởng của họ, luôn đầu tư suy nghĩ, cân nhắc các hướng phát triển có lợi cho Microsoft.

Từ nhiều năm nay mỗi năm Gates đều dành từ một đến hai tuần sống tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, cắt tất cả liên lạc với gia đình, bạn bè và cộng sự tại Microsoft chỉ để suy ngẫm và gọi nó là “tuần lễ suy ngẫm". Trong suốt khoảng thời gian một mình đó, Gates đọc tất cả các phác thảo, báo cáo về mọi đề tài liên quan, từ công nghệ tương lai đến dự báo sản phẩm “hot", việc cải thiện sản phẩm hiện tại... Bất kỳ nhân viên nào có ý tưởng mới cũng có thể trình bày và gửi cho ông xem xét. Ông có thể đọc khoảng 100 trang hồ sơ trong "tuần lễ suy ngẫm" của mình và mức kỷ lục mà ông đã đạt được là 112 trang!

Không chỉ đọc, Bill Gates còn dành thời gian để trả lời các kiến nghị của nhân viên. Một ý tưởng hay sẽ có thể được ông nhận xét bằng cách gửi email cho hàng trăm nhân sự Microsoft trên toàn cầu và đề nghị họ cùng tham gia góp ý. Tiếp đó là các bước tiến hành để biến ý tưởng thành hiện thực. Việc này có tác dụng khích lệ rất hiệu quả. Bằng chứng là tất cả mọi nhân viên tại Microsoft đều háo hức đóng góp ý kiến và hồi hộp chờ đợi phản hồi từ ông chủ của mình sau “tuần lễ suy ngẫm”.

Quy trình xem xét ý tưởng của nhân viên đã được thực hiện tại Microsoft từ nhiều năm qua. Hiện đã có một trợ lý chuyên phân loại hồ sơ trước “tuần lễ suy ngẫm" và một hệ thống phản hồi cũng đã được thiết lập để giúp Gates dễ dàng trả lời các đóng góp hơn. Đầu tư thời gian suy ngẫm một mình và tạo cơ hội cho tất cả nhân viên cùng đóng góp ý kiến là một bí quyết đáng giá của Bill Gates mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên tham khảo.

Dưới đây là tám cách mà các lãnh đạo cấp cao có thể áp dụng để rèn luyện, mài giũa khả năng tư duy sáng tạo của mình theo bí quyết của Bill Gates:

1. Khi đọc, hãy sử dụng một quyển sổ và cây bút. Viết ngay vào sổ bất kỳ ý tưởng nào nảy sinh trong đầu.

2. Phân loại các ý tưởng theo nhóm.

3. Đào sâu, phát triển ý tưởng ban đầu bằng các câu hỏi: Làm sao để thực hiện? Các vấn đề liên quan là gì? Áp dụng thế nào, cần thiết các nguồn lực hỗ trợ nào?...

4. Đọc một quyển sách về người thật việc thật mỗi tuần. Đọc báo, tạp chí, tài liệu online . . . bất cứ khi nào có thể.

5. Sắp xếp các bài viết, tài liệu có đề tài liên quan đến ý tưởng của mình vào một hồ sơ. Thỉnh thoảng dành thời gian xem xét lại ý tưởng ấy. Vạch ra các bước hành động cần thiết tiếp theo nếu muốn biến ý tưởng thành hiện thực.

6. Khuyến khích tất cả cộng sự và nhân viên dưới quyền thực hiện giống mình. Đồng thời tạo một file lưu trữ chung để tất cả cùng truy cập, đóng góp ý kiến.

7. Tổ chức cố định hàng năm một phiên họp chuyên bàn thảo về các ý tưởng hay mà mọi người đã đóng góp suốt năm qua.

8. Phát triển trong nội bộ công ty một quy trình cụ thể để mọi nhân sự đều có thể đưa ra sáng kiến.

Thời gian suy ngẫm và học tập rất cần thiết để duy trì khả năng sáng tạo và đổi mới. Hãy dành thời gian “gieo mầm tư tưởng" để thu hoạch được những thành quả to lớn trong tương lai.

Bích Thủy (Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)

Chọn lựa sai lầm, nỗ lực chỉ vô ích

Nhiều người thường than phiền rằng: Tôi đã nỗ lực làm việc, nhưng thần may mắn không thèm dòm ngó đến tôi, tôi đành phải sống một cuộc sống thật bình thường.

Đúng như vậy, nếu bạn đã thật sự cố gắng, nhưng bạn nên thử suy ngẫm lại xem tại sao thần may mắn không gõ cửa nhà bạn. Phải chăng phương hướng chọn lựa của bạn đã sai?

Câu chuyện “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược” mọi người đều biết. Khi bắt đầu chọn sai phương hướng, bạn càng cố gắng càng xa rời mục tiêu. Trừ khi bạn có khả năng đi một vòng quanh trái đất. Có thể hay không?

Cổ nhân thường nói “Sai một li đi một dặm”, do vậy điểm khởi đầu nhất định phải chọn đúng.

Rất nhiều người trong chúng ta đều đã rất cố gắng, hoặc đã từng cố gắng nhưng tại sao nhiều người chỉ có được cuộc sống bình thường mà thôi? Tại sao đến tận ngày hôm nay nhiều người vẫn còn tay trắng? Đơn giản vì ngay từ khi xuất phát họ đã chọn lựa sai.

Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện. Có một thanh niên cực kỳ siêng năng, cần cù. Anh ta luôn mong muốn mình hơn người khác về mọi mặt. Trải qua rất nhiều cố gắng, nhưng vẫn không có tiến triển, chàng thanh niên vô cùng buồn bã đến thỉnh giáo một vị đại sư.

Vị đại sư này liền gọi ba đệ tử đang chặt củi lại nói: “Các người hãy đưa vị phương chủ này đến núi Ngũ Lý, cứ chặt củi đến khi nào mà các người cảm thấy thỏa mãn nhất”. Chàng thanh niên và ba đệ tử men theo sông thẳng tiến tới núi Ngũ Lý. Đợi họ quay trở về, đại sư đích thân ra đón họ. Chàng thanh niên mồ hôi đầm đìa đặt xuống 2 bó củi, hai để tử một trước, một sau cũng đặt xuống 4 bó. Lúc đó từ phía sông trôi xuống một cái bè gỗ chở một đệ tử và 8 bó củi dừng trước đại sư.

Chàng thanh niên và hai đệ tử về trước nhìn người này mà không thốt nên lời. Đại sư nhìn các đệ tử và hỏi: “Thế nào, các người có thấy vừa lòng với những thể hiện của mình không?”

“Đại sư, xin cho con làm lại một lần nữa” – chàng thanh niên cất tiếng cầu xin, “Ngay từ đầu con đã chặt được 6 bó củi, đi được nửa đường không thể vác được nữa con liền vứt đi 2 bó. Đi thêm một lúc nặng đến không thở được con lại vứt đi 2 bó nữa, cuối cùng chỉ mang về được 2 bó này. Nhưng thưa đại sư, con đã cố gắng hết sức rồi”.

“Tình trạng của chúng con thì đối ngược với cậu ấy” – đệ tử lớn nói, “Ngay từ khi bắt đầu, hai người chúng con mỗi người chỉ chặt hai bó, tức 4 bó, hai bó trước 2 bó sau cùng nhau gánh về. Con và tiểu đệ thay nhau, không những không thấy mệt mà còn cảm thấy nhẹ nhàng vô cùng. Sau đó còn mang về 2 bó củi mà vị thí chủ này bỏ đi”.

Tiểu đệ tử dùng bè gỗ tiếp lời: “Dáng con nhỏ bé, sức lại yếu, đừng nói 2 bó, đến 1 bó mà đường xa như vậy con làm sao có thể mang về được, do vậy con đã chọn đường thủy”.

Đại sư nhìn các đệ tử với ánh mắt tán thưởng, sau đó ngài tiến đến trước mặt người thanh niên, vỗ vai cậu và nói rằng mỗi người đều đi theo con đường riêng của mình, bản thân không có gì sai, để người khác nói cũng không sai gì cả, điều quan trọng là con đường đi đã đúng hay chưa.

Các bạn trẻ hãy nên ghi nhớ câu này: “Lựa chọn còn quan trọng hơn nỗ lực rất nhiều”.

Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt ngày nay, nhiều bạn trẻ hăm hở xin vào các công ty với mong muốn phát triển sự nghiệp của mình. Nhưng rất nhiều người trong số họ đã xem nhẹ một điểm. Họ có cách đánh giá rất tốt về doanh nghiệp hoặc công ty mà họ ứng cử, nhưng liệu những công ty này có phù hợp với sự phát triển của họ hay không? Họ chỉ biết phấn đấu vì lý tưởng của mình mà không biết rằng những việc họ làm ngày càng làm họ rời xa lý tưởng của mình – cũng giống như trong câu chuyện kể trên. Chàng thanh niên liều mạng hoàn thành nhiệm vụ sư phụ giao nhưng kết quả lại không như ý muốn. Hai vị đệ tử đã sử dụng cách làm rất hay để hoàn thành nhiệm vụ, kết quả khả quan hơn chàng thanh niên và đỡ hao công sức. Vị tiểu đệ tử giỏi hơn cả, biết được sức mình không phù hợp với công việc như vậy, nên anh ta đã chọn lựa một công cụ rất hay để hoàn thành công việc và đương nhiên kết quả cũng là tốt nhất.

Câu chuyện trên nói lên điều gì? Ai cũng theo đuổi mục tiêu của riêng mình. Nhưng họ chọn lựa phương pháp và công cụ khác nhau, nên kết quả đạt được hoàn toàn không giống nhau. Chàng thanh niên trẻ tuổi không quản khó khăn, sẵn sàng làm đi làm lại, nhưng nếu anh ta không thay đổi phương pháp làm việc của mình thì mãi mãi cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Nếu lựa chọn phương pháp làm việc khác, anh ta có thể thay đổi được cả cuộc đời mình. Lựa chọn quan trọng hơn cố gắng, mọi người hãy ghi nhớ câu này.

Thành công không có con đường nhanh nhất, nếu nhất định phải nói có, thì đó chính là chọn lựa đúng đắn.

Huongnghiep (st)

Ông chủ của "công ty làm ruộng" tương lai

“Làng tôi, nhiều người đã không còn trồng lúa, nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang. Nhìn thấy những cây lúa còn sót lại, vàng choét, đất cằn cỗi mà xót xa. Cũng từ đó, tôi ấp ủ dự định thành lập một công ty TNHH chuyên về nghề làm ruộng", ông Phạm Văn Yết (phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) nói.


"Chính công ty này sẽ làm thay đổi nếp nghĩ và tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người miền Bắc”, người được cho là "nhiều ruộng nhất miền Bắc" bộc bạch.

“Địa chủ” thời nay

Ông Phạm Văn Yết


Lý giải về sự nhiều ruộng của mình, ông chỉ cười cười rồi bảo:
“Nhà tôi là nông dân chính cống, năm đời chỉ làm nông nghiệp, gắn bó với cây lúa, củ khoai, nên cái chất nông dân nó ngấm vào người, thấy ruộng bị bỏ hoang là tôi xót”.

Nói rồi ông châm lửa, rít điếu cày sòng sọc, ngẫm nghĩ hồi lâu về cái tên gọi “địa chủ” mà bà con lối xóm đặt cho: “Ừ, địa chủ thật, ruộng nhiều thật, nhưng địa chủ xưa giàu có, còn tôi cứ nai lưng ra đồng, địa chủ cũng đi cấy, đi gặt, đi bừa như ai”.

Những năm 1990, khi nghề tơ tằm được phục hồi trở lại ở làng lụa Vạn Phúc, hàng trăm hộ dân quanh xóm bỏ ruộng chuyển sang nghề dệt lụa. Nghề dệt lụa cũng có đồng ra đồng vào, lại không phải “một nắng hai sương”, làm quần quật quanh năm cũng chẳng đủ ăn

Một người, hai người…rồi hàng trăm hộ dân bỏ ruộng. Ban chủ nhiệm HTX Vạn Phúc cũng đành bất lực nhìn những cánh đồng màu mỡ trở thành những mảnh đất hoang, cỏ mọc um tùm.

“Mỗi lần đi ra đồng, nhìn những mảnh đất hoang hóa tôi buồn lắm, buồn vì nông dân mình lại bỏ đi cái gốc nhà nông, bỏ đi những hạt lúa, củ khoai mà đáng ra sẽ được thu hoạch. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, nếu mình có thể làm, sẽ nhận hết những thửa ruộng hoang vào canh tác, cho khỏi phí”, ông Yết kể, giọng khàn đục.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định ra gặp ban chủ nhiệm HTX xin nhận thầu các khu đất ruộng bị bỏ hoang. Ban chủ nhiệm HTX mừng quýnh, còn ông thì về nhà, lòng khấp khởi nửa mừng nửa lo, khi bỗng dưng trở thành ông “địa chủ” nhiều ruộng nhất miền Bắc

Vụ đầu tiên trên cánh đồng rộng 32 mẫu, ông thuê tới 40 người làm công.
“Ruộng nhiều, làm không xuể, tụi nhỏ nhà tôi còn bé tí, cũng phụ bố mẹ gánh phân, cấy lúa. Không có máy móc, nên từ việc cày, bừa, cấy, hái đều làm thủ công. Giá nhân công đắt đỏ, thóc thu về không đủ trả công, suốt năm, sáu vụ liền, tôi thua lỗ, mỗi vụ cũng ngót nghét bảy triệu đồng”.

Ông địa chủ trở nên khánh kiệt. Cả năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt ngoài đồng, chẳng thu được mấy đồng vốn. Hàng xóm thương tình khuyên ông trả ruộng cho HTX, ông chỉ cười trừ rồi lắc đầu.

“Kì thực, lúc đó tôi nghĩ, nếu trả ruộng mà bà con chịu sản xuất, tôi vô tư trả hết, nhưng trả rồi ruộng lại bị bỏ hoang, thà chịu thua lỗ, chứ tôi không muốn mảnh đất bao đời nay cho mình miếng cơm manh áo bị đối xử như thế. Dẫu sao, mình cũng là nông dân”.

Mỗi vụ mùa thất bát, ông lo cho miếng cơm manh áo của những đứa con nhỏ, lại lo tìm cách làm hiệu quả mà tốn ít công lao động cho cánh đồng hơn 30 mẫu. Ông địa chủ quyết định khăn gói vào tận miền Nam, học cách sản xuất của bà con trong đó sau nhiều đêm thức trắng

Vào trong Nam rồi, thấy người dân làm ruộng nhàn hạ lắm, vì có máy móc làm bằng mấy sức người, nên việc sản xuất của gia đình ông mấy năm liền thua lỗ cũng vì lí do đó.

Ông hăm hở trở về nhà với ý nghĩ… thế chấp tất cả gia sản, dồn tiền mua máy móc. Vụ sản xuất sau số lượng nhân công phải thuê giảm hẳn, trong khi đó, năng suất lại tăng lên rõ rệt. Ông lãi vụ đầu được 70 triệu đồng

“Tôi biết mình đang đi đúng hướng, và sẽ phát triển hơn nữa nếu mình có thêm tiền để đầu tư lớn. Càng nghĩ, tôi càng muốn nhận thêm ruộng về trồng, thấy thế bà con mới gọi tôi là “địa chủ thời nay”, nghe cũng hay đáo để. Cả mấy đời nhà tôi chỉ là bần cố nông, đời ông, cha cũng đi làm thuê, làm mướn, chứ có ai được nhiều ruộng như tôi đâu.

Mấy đời làm ruộng, đời tôi, tôi cũng chỉ thích đi gom ruộng! Năm nay, hàng mẫu ruộng tôi phải trả lại cho HTX, để phục vụ cho dự án xây dựng. Nếu có thể được nhận thêm ruộng tôi cũng sẵn sàng”. Nói rồi, ông cười hỉ hả, nhả một vòng khói thuốc lào hăng hắc, trắng đục phía trước mặt

Công ty… làm ruộng?

"Làm anh nông dân mọt kiếp cũng chẳng thể giàu lên. Ấy thế, nhưng ai cũng bỏ ruộng, thì dân mình chết đói. Phải có người nào đấy thương lấy những mảnh ruộng lấp xấp bùn nước kia"

Bạn cùng đi lính với ông một thời, trở về làng đều nhanh chóng trở nên giàu có. Họ lập những công ty, cửa hàng kinh doanh, sản xuất sắt thép, may mặc… Riêng ông, vẫn hàng ngày cặm cụi bầu bạn với những cánh đồng, cây lúa

“Trong một lần đi thăm đồng, tôi nghĩ rằng. Bạn tôi, lập công ty này, công ty kia. Mình có nhiều ruộng, cũng thành lập một công ty. Vay thêm vốn, mua máy móc mở rộng sản xuất”.

Nghĩ thế, ông về bàn với vợ con, ai cũng gạt phăng phản đối. Từ thửơ bé đến giờ, chưa thấy có công ty chuyên nghề làm ruộng như ông nghĩ bao giờ. Tuy thế, ông vẫn ấp ủ dự định một ngày nào đó, mọi người sẽ biết đến công ty TNHH chuyên về làm ruộng của ông, cái công ty có một không hai này sẽ có tầm quan trọng với bà con nông dân

Ông giải thích về “công ty” tương lai với nhiều hoạt động:
“Công ty này sẽ quy tụ một đội ngũ máy móc đông đảo, đồng bộ, từ máy phay đất, máy cày, máy cấy lúa, gặt lúa và chuyên trở. Sau khi làm xong thửa ruộng cho gia đình, tôi sẽ nhận thầu hợp đồng với các HTX trong nước.

Thêm cả một đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, phục vụ cho việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ giống mới, thuốc bảo vệ thực vật mới, chúng sẽ được trồng thử nghiệm trên những thửa ruộng của tôi, rồi mới phổ biến cho bà con. Rồi cả đội ngũ kỹ sư sửa chữa, bảo dưỡng máy móc để đảm bảo quá trình vận hành”.

Suốt nhiều năm, ông đi các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam… giới thiệu về mô hình này cho bà con được biết. Khi mô hình này được hình thành, sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho hoạt động sản xuất nông nghiệp lạc hậu ở miền Bắc

Ví dụ đơn giản như máy cấy lúa mới sản xuất, đã được thử nghiệm trên thửa ruộng của ông đều cho thấy, máy rất dễ vận hành, so với sức cấy của một người bình thường gấp 24 lần, tiết kiệm đuợc gần 7 trăm nghìn đồng

Hiện tại, ông là người có số máy dùng cho việc sản xuất nông nghiệp nhiều và hoàn thiện nhất miền Bắc (bao gồm 12 máy phay đất, 2 máy gặt đập liên hoàn, 2 máy cấy lúa và các loại xe chuyên chở).

Ông nhận thầu các hợp đồng với các HTX ở các tỉnh khác nhau, đưa máy móc của mình về canh tác tại các tỉnh đó như: hợp đồng phay đất ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Tây cũ)…

“Ngoài 17 người cốt cán trong tổ sản xuất này, đến mỗi tỉnh, tôi thường xuyên thuê thêm nhân công, điều khiển máy móc. Vụ vừa rồi, tôi phải thuê 70 nhân công, lương mỗi ngày 100 nghìn đồng. Nông dân sau vụ gặt nhàn rỗi, tiền lương lại cao, nên ai cũng muốn làm”

Đang hào hứng kể chuyện, ông bỗng trầm ngâm, như chợt nhớ ra cái điều mà bấy lâu ông đã băn khoăn, suy nghĩ:
"Dự định thành lập công ty tôi đã ấp ủ từ lâu, nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được cũng vì chuyện việc làm cho bà con lao động khi hết mùa vụ. Họ sẽ làm gì khi mà vụ mùa chỉ kéo dài trong vài tháng? Tôi sẽ làm gì để trả lương hàng tháng cho bà con? Có lẽ do thế, mà tôi chần chừ chưa dám làm. Cái khổ cuối cùng cũng chỉ dồn lên đầu người nông dân lấy công làm lãi mà thôi”.

Nói đến đây, ông buồn buồn, khuôn mặc khắc khổ nhăn nhúm với những suy tư. Dự định táo bạo về cái công ty TNHH độc nhất vô nhị này dần nên hình hài, vóc dáng.

“Bà con nông dân, nhất là nông dân ven đô thị thường bỏ ruộng đi làm thuê, hay đi lao động xuất khẩu, lương cao, việc nhẹ nhàng, lại có tí danh phận. Làm anh nông dân mọt kiếp cũng chẳng thể giàu lên. Ấy thế, nhưng ai cũng bỏ ruộng, thì dân mình chết đói. Phải có người nào đấy thương lấy những mảnh ruộng lấp xấp bùn nước kia.

Tôi biết tôi tham, tham những thứ người ta bỏ đi, tôi là anh nông dân chính cống tham ruộng. Rồi một ngày, cái công ty kia sẽ trở thành sự thật, khi đó, tôi cũng vơi bớt nỗi xót xa khi đứng trước những cánh đồng bị bỏ hoang”. Ông nói, giọng xen lẫn niềm hi vọng ở tương lai

Khi đi ngang qua những thửa ruộng đang nhú lên màu xanh trên bùn đất, tôi nhớ đến ông. Ông giám đốc “nông dân” với bộ quân phục cũ sờn, nhăn nhúm và bạc phếch, khuôn mặt khắc khổ và tiếng rít thuốc lào sòng sọc.

Trong câu chuyện của mình, kể cả khi nói về công ty TNHH chuyên làm ruộng, ông cũng chỉ nhận mình là nông dân, là lão nông của thời hội nhập.

                                                                                                                                          
Đinh Liên (tuanvietnam)

Tại sao mọi người hay trì hoãn?

Bạn lướt web cả đêm trong khi vẫn còn bài tập phải nộp trong ngày mai? Bạn không phải là người duy nhất. Khoảng 15-20% dân số nói chung đều hay trì hoãn, trong giới sinh viên, con số lên tới 90%. Nay một nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân cho hiện tượng “nước đến chân mới nhảy” này và điều gì thường khiến người ta thất bại trong việc thực hiện các cam kết đặt ra đầu năm.

“Về bản chất, người trì hoãn thường thiếu tự tin vào bản thân, ít mong đợi rằng họ sẽ hoàn thành được nhiệm vụ”, nhà nghiên cứu Piers Steel tại Đại học Calgary nói.

Việc chần chừ không chỉ làm giảm mức độ hoàn thành công việc của bạn, mà còn ảnh hưởng tới hầu bao. Một cuộc khảo sát do H&R Block thực hiện cho thấy việc chần chừ đến phút cuối cùng mới kê khai thuế khiến mọi người thiệt hại trung bình 400 USD do những sai sót do cẩu thả.

Vì sao lại lần lữa?

Steel đã phân tích hơn 200 nghiên cứu trước về sự trì hoãn, có từ năm 1920 đến 2006. Ông tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa sự bốc đồng và hiện tượng “việc hôm nay cứ để ngày mai”.

Những người bốc đồng coi trọng ngày hôm nay hơn ngày mai. “Nên họ không cảm bị đốc thúc, thời hạn chưa hiện hữu, nên họ chưa có hứng thú để làm cho đến khi nó sắp xảy ra”, Steel nói. Những người này thực ra đều rất quan tâm và chủ ý thực hiện ngay từ đầu, nhưng họ lại không tuân theo được những cam kết ban đầu của bản thân.

“Người bốc đồng nhìn chung đều gặp vấn đề về việc kiểm soát bản thân. Vì vậy, họ dễ là người hút thuốc, ăn uống bừa bãi, cờ bạc. Họ là kiểu người được trước, mất sau”, Steel nói.

Tuy nhiên, Steel cũng tìm thấy khi những người chần chừ buộc phải hoàn thành công việc của mình, họ làm với tốc độ chóng mặt. Họ có thể thực hiện với tốc độ gấp 11 lần trung bình và trở nên linh hoạt lạ thường.

Cuộc phân tích của ông cũng nhìn vào một quan niệm phổ biến khác - rằng mọi người trì hoãn công việc bởi họ là những người cầu toàn và lo ngại rằng sẽ không thể đạt được sự toàn mỹ.

Những ai không thích công việc của mình hoặc ngán ngẩm với nhiệm vụ cũng dễ đẩy lùi công việc hơn so với những ai hứng thú với việc được giao. Những dấu hiệu khác của người hay trì hoãn bao gồm: rất dễ bị sao nhãng, thiếu tự tin và thiếu động lực nội tại.

Tuy nhiên đừng vội hoảng sợ khi thấy mình có dấu hiệu của người hay trì hoãn. Steel đã đưa ra một số lời khuyên cho bạn.

Một dự án kéo dài trong 1 tháng sẽ không mang lại động lực làm việc ngay cho bạn, nhưng thời hạn trong ngày mai sẽ xốc bạn dậy ngay tức khắc. “Những mục tiêu dài hạn sẽ có ít động lực thúc đẩy. Bạn cần phải chia nhỏ nó thành các mục tiêu hàng ngày và thực hiện lần lượt từng bước”, Steel nói.

Các nhà quản lý cũng có thể hành động để giúp nhân viên của mình. Họ cần phải nhận ra những nhân viên nào là người có thể tự thân vận động còn người nào hay lần lữa. Khi đó người quản lý tổ chức các cuộc họp hàng ngày để hỏi kế hoạch của người thực hiện trong ngày đó và bước tiếp theo, đảm bảo kiểm tra thường xuyên để xem người đó có hoàn thành mục tiêu hay không.

Do mọi người hay hoãn lại công việc khi nó nhàm chán, nhà quản lý nên làm cho nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn và gia tăng sự thoả mãn của mỗi nhân viên họ hoàn thành công việc.

Huongnghiep.vn (sưu tầm)

Cải thiện chỉ số vuợt khó

Khi cuộc sống phát triển, những áp lực trong công việc cao hơn thì EQ (chỉ số tình cảm) cao hay IQ (chỉ số thông minh) cao không hoàn toàn quyết định thành công. Có một yếu tố quan trọng góp phần làm nên kết quả cuối cùng, đó là AQ (chỉ số vượt khó).

AQ là gì?

Vào những năm 90, sau gần 2 thập kỷ nghiên cứu, tiến sĩ Paul G. Stoltz đưa ra giả thuyết rằng khả năng giải quyết khó khăn trong cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả của một người sẽ là yếu tố quyết định lớn cho sự thành công của người đó.

Những người có AQ thấp được xếp từ những người thù ghét khó khăn, tránh né thử thách đến những người lì lợm từ chối bước ra khỏi vòng an toàn của họ.

Trong khi đó, những người có AQ cao lại sẵn sàng đón nhận khó khăn, thậm chí còn tìm kiếm thử thách. Họ vững chãi và tập trung vượt qua thời điểm không thuận lợi. Những người này thường làm việc có hiệu quả hơn, kiểm soát stress tốt hơn và sống một cuộc sống thú vị hơn.

Bạn hãy thử đánh giá chỉ số AQ của mình xem sao. Hãy cố gắng nhớ lại những sự kiện tệ hại xảy ra với bạn. Bạn đã từng thất bại trong việc ký kết một hợp đồng? Máy tính của bạn trục trặc khi bạn đang cần phải làm báo cáo gấp? Bạn tốn bao nhiêu thời gian để vượt qua những khó khăn, lấy lại cân bằng và trở lại công việc?

Tiến sĩ Stoltz nói: “Nếu chúng ta sẵn sàng đón nhận khó khăn thì chúng ta sẽ tự làm tăng AQ của mình lên. AQ cao biến chúng ta thành con người kiên cường, gan dạ và khoẻ mạnh”. Như vậy, nếu bạn gặp phải một vấn đề khó nuốt, hãy xem nó như một sự thử thách cho ý chí của bạn.

Thậm chí nếu có AQ thấp thì bạn vẫn có thể rèn luyện để cái thiện nó lên. Sau đây là những gì bạn có thể làm để phát triển chỉ số AQ của mình.

Rèn luyện để nâng cao chỉ số AQ

1. Biết kiểm soát

Khi gặp phải khó khăn, bạn đừng vội cho rằng mình bất lực. Những người có AQ thấp thường chấp nhận thua cuộc trước khi đấu tranh. Họ là những người luôn luôn thất bại.

Hãy tin tưởng rằng mình có thể điều khiển, kiểm soát được mọi tình huống. Và với lòng tin ấy, hãy đặt ra những hành động cụ thể để có thể làm chủ được tình huống. Điều này khiến mọi con đường của bạn đều hướng về phía trước.

2. Cho những khó khăn một thời hạn cuối

Đừng đắm chìm mãi trong việc thương tiếc bản thân. Nếu bạn gặp khó khăn, đừng than thở: “Tình huống xấu này luôn luôn xảy ra với tôi. Tôi sẽ chẳng bao giờ khá được”. Hãy cố gắng thể hiện khả năng của mình. Trước hết là chấp nhận thất bại và thua thiệt. Sau đó là cố gắng tập trung phát triển công việc.

3. Nhìn xa trông rộng

Hãy thử suy nghĩ cho thật kỹ: Liệu khó khăn này có hủy hoại mọi thứ trong công việc của bạn? Nếu bạn tin rằng những thất bại tạm thời đó báo hiệu công việc của bạn chấm hết, bạn sẽ nản lòng. Điều này có thể dẫn tới thái độ làm việc tiêu cực và đưa ra các quyết định tồi. Với những kết quả đó, bạn có thể hủy hoại chính tương lai của mình.

4. Bình tĩnh, suy nghĩ chu đáo

Hãy tỉnh táo suy nghĩ xem cái gì đã xảy ra trước khi quyết định tiếp theo sẽ làm gì. Những người có AQ thấp thường thất bại vì lý do họ chỉ có một mình để giải quyết khó khăn. Tự nhận trách nhiệm thái quá có thể sẽ bẻ gãy cố gắng, hy vọng và tự tin của bạn.

Thay vào đó, hãy tự hỏi: Ai, cái gì gây ra khó khăn này? Và tôi có thể giải quyết nó được bao nhiêu?

Sự đánh giá chính xác và khách quan sẽ giúp bạn nhận ra vai trò của bạn trong việc gây ra khó khăn đó. Nó cũng sẽ chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng khác.

Có thể lấy ví dụ về Quỳnh, cô được giao lãnh đạo nhóm điều tiết một dự án. Nhưng hợp đồng lại rơi vào tay đối thủ cạnh tranh vì họ chào giá thấp hơn. Quỳnh đã không nhìn thấy trước điều này. Lỗi của Quỳnh chính là đã quyết định đưa ra các hạng mục khá ấn tượng, nhưng chi phí lại quá cao.

Bằng việc tự chịu trách nhiệm về kết quả không tốt và cũng nhận ra đó không phải hoàn toàn do lỗi ở cô, cô cảm thấy mạnh mẽ hơn. Cô học hỏi từ sai lầm và tiếp tục tiến lên.

(Theo TGVH)

Những lời khuyên…không nên theo!

Nếu bạn đang ở độ tuổi 20, thế giới có thể không ngẫu nhiên ném tiền vào bạn nhưng bạn luôn có thể nhận được vô số lời khuyên về tài chính…miễn phí! Tuy nhiên, không phải mọi lời khuyên đúng đều đã...tốt!

Tôi là một người Việt Nam trẻ tuổi, bắt đầu bước chân ra cuộc sống. Có rất nhiều lời khuyên tôi nhận được từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…trong đó có “Những lời khuyên…không nên theo!” của tác giả Jonathan Clements trên tạp chí Wall Street Journal ngày 1/7/2007. Có thể những lời khuyên này dành cho các bạn trẻ ở Mỹ và các nước phương Tây, nhưng tôi hi vọng những người trẻ như tôi, như các bạn cũng có thể rút ra được những điều suy ngẫm. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc.

Nếu bạn đang ở độ tuổi 20, thế giới có thể không ngẫu nhiên ném tiền vào bạn nhưng bạn luôn có thể nhận được vô số lời khuyên về tài chính…miễn phí!

Lấy ví dụ, bạn sẽ không nghi ngờ nếu ai đó khuyên bạn hãy biết giữ tiền cẩn thận, biết để dành một khoản khi về già, và đừng có dại mà vung tay tiêu tiền trong thẻ tín dụng. Đó hoàn toàn là những lời khuyên đúng...nhưng chưa hẳn đã tốt. Bao gồm 4 lời khuyên thông dụng sau đây:

1. ĐỂ DÀNH TIỀN

Nếu bạn vừa ra trường, bạn có thể có hàng núi dự định phải tiêu tiền, bao gồm: Mua xe, mua nhà và lại còn muốn nhúng tay vào việc đầu tư, kinh doanh nữa…Nhưng theo một vài chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, hạng mục đầu tiên trong danh sách tài chính của bạn phải là để dành một khoản tiền đủ chi trả trong vòng 6 tháng, khoản tiền này có thể cất dấu trong ngân hàng hoặc…mua trái phiếu nhà nước.

Phản biện: Hãy thành thực. Đây là một lời khuyên ngu ngốc nhất, không thực tế nhất, và tôi có thể khẳng định là vô cùng kém nhạy cảm. Ngay cả khi bạn dành hẳn 10% thu nhập sau thuế thì bạn cũng phải mất đến 4 năm hoặc hơn để dành dụm đủ tiền sống trong 6 tháng. Cho đến khi bạn có dành được đủ số tiền đó để đầu tư vào một lĩnh vực an toàn thì lấy gì đảm bảo bạn sẽ kiếm đủ tiền để sống cho phần đời còn lại?

Nghe tệ phải không? Thậm chí còn tệ hơn thế nữa bởi trong khi bạn đang chắt chiu tích góp thì bạn đã bỏ lỡ biết bao cơ hội đầu tư có thể ra khối tiền và có khi còn đủ tiền cho bạn mua nhà cũng nên.

Lời khuyên: Hãy quên việc để dành tiền đi. Thay vào đó, chỉ cất đi một khoản cố định dùng làm lương hưu về sau. Sau đó, cất khoản tiền này vào ngân hàng ưu đãi nhất. Nếu bạn vẫn còn tiền để tiết kiệm hàng năm, thì hãy để chúng vào một tài khoản lưu động để có thể sử dụng bất cứ lúc nào.

Nếu bạn cần tiền gấp, trước tiên hãy lấy tiền trong tài khoản lưu động. Bạn cũng có thể “vay” ở tài khoản lương hưu. Thêm nữa, ở tài khoản lưu động, bạn có thể được rút tiền bất cứ lúc nào mà không cần phải trả thuế hay các khoản tiền phạt như ở tài khoản lương hưu.

Bạn có thể sử dụng cả 2 tài khoản này để mua nhà. Một khi bạn đã mua được nhà, thì bạn có thể sử dụng nó như tài sản thế chấp khi cần.

2. MUA NHÀ LỚN

Điều này làm tôi nghĩ đến một thói quen của những người trẻ khi họ ở vào tuổi 20: Mua nhà càng to càng tốt.

Tôi cũng khá đồng cảm với gợi ý này. Nếu bạn lập nghiệp từ sớm và bạn kỳ vọng trong thương lai gần bạn sẽ kiếm được những món tiền lớn, bạn sẽ có ý muốn mua nhà càng to càng tốt.

Tuy vậy, trên tất cả, nếu bạn chỉ đủ tiền mua một “mảnh đất cắm sào” rồi sau đó nhanh chóng bạn thấy chán nó. Vậy là bạn sẽ phải xoay sở tìm cách kiếm thêm tiền để một ngày được dọn đến một ngôi nhà khác, tốt hơn. Đó còn chưa kể nếu bạn mua ngay căn nhà lớn, bạn có thể phải tốn thêm 5% hoặc 6% tiền hoa hồng, tiền làm văn tự giấy tờ, phí thuê luật sư, vận chuyển và nhiều chi phí khác.

Đừng, tuy nhiên, đừng hiểu nhầm ý tôi muốn nói. Tôi không tán thành luận điểm cho rằng đầu tư bất động sản là cách đầu tư khôn ngoan nhất, rằng bạn nên mua những căn nhà càng lớn càng tốt hoặc có càng nhiều khoản thế chấp càng tốt.

Vay mượn một khoản tiền lớn để mua một căn nhà lớn không cần thiết là một cách sử dụng đồng tiền ngu ngốc. Chính bạn đặt lên vai mình gánh nặng phải trả nợ hàng tháng và sống cuộc sống lo lắng nợ rồi còn phải chi tiêu hàng tháng, thuế đất, bảo hiểm nhà…Vậy là khi mua căn nhà đầu tiên, bạn chỉ cần phấn đấu mua được một chỗ đủ ở cho gia đình có thể sống vui vẻ trong một thời gian trước mắt.

3. SỐNG THẬT SỰ

Những người trẻ tuổi thường sẵn sàng bỏ tiền ra để mua bảo hiểm nhân thọ với lập luận rằng so như thế còn là rẻ so với những gì họ nhận được từ các hãng bảo hiểm: Sự an tâm, ổn định, mà cũng coi là một khoản đầu tư.

Đừng làm như vậy. Tiền bỏ ra để có cảm giác an toàn trong điều kiện kinh tế cụ thể, với những điều khoản đảm bảo do một công ty uy tín đứng ra ký kết cũng là một loại đầu tư nghiêm túc. Tuy nhiên, với những người trẻ tuổi, có lẽ những điều khoản đảm bảo tính ổn định này thật sự không cần thiết.

Hãy nhớ lý do chính của việc mua bảo hiểm nhân thọ là để bảo vệ gia đình, còn bạn, một người trẻ tuổi thậm chí còn chưa có gia đình, chưa có con cái thì mua bảo hiểm để làm gì?. Và ngay cả khi bạn đã kết hôn và có con nhỏ thì chắc chắn bạn sẽ vẫn còn những khoản khác phải lo. Cách rẻ nhất để có thể bao trọn mọi việc là làm việc với một kế hoạch lâu dài, sẵn sàng với cái chết, thế thôi.

Khoản phí bảo hiểm cho loại bảo hiểm tính mạng cũng có lãi xuất giống như một tài khoản đầu tư. Nhưng vì phí cho loại bảo hiểm này khá cao, vì vậy bạn phải chi tiêu tằn tiện trong cuộc sống hàng ngày, điều đó có nghĩa là gia đình trẻ của bạn cũng không phải được “bảo vệ” một cách hoàn toàn. Hơn thế nữa, nếu bạn bỏ tiền ra mua bảo hiểm nhân thọ thì lại không còn tiền để riêng vào 2 tài khoản dành cho lương hưu và tài khoản lưu động ở trên. Vậy là những cơ hội kinh doanh có thể bị bỏ lỡ.

4. CHƠI CHỨNG KHOÁN

Các bạn trẻ thường được khuyến khích sử dụng tất cả các nguồn lực để xông pha vào thị trường chứng khoán. Họ còn trẻ, họ có thời gian để thử sức và đứng dậy sau các cuộc khủng hoảng thị trường. Đó là một lời khuyên tốt - về lý thuyết.

Trong thực tế, tôi có một vài cảnh báo. Không ai muốn mạo hiểm dốc hết vốn vào một phiên giao dịch rồi sau đó ngồi hoang mang, tự gạt mình rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn trong phiên giao dịch tiếp theo. Nếu bạn là một "tay mơ" trên thị trường, có rất nhiều hiểm nguy rình rập, nhất là khi bạn chưa từng có kinh nghiệm trên thị trường nhiều sóng gió này.

Lời khuyên: Hãy chỉ bắt đầu chơi chứng khoán với 60% vốn và giữ lại 40%. Nếu cảm thấy việc kinh doanh thuận lợi, bạn có thể tăng vốn đầu tư lên 85% hoặc 95% tổng số vốn bạn có sau 1 hoặc 2 năm.

Những nhà đầu tư trẻ thường bị đánh giá là những người có nhiều tham vọng, ham làm giàu. Đầu tư vào cổ phiếu blue chip có thể giúp bạn giàu nhanh nhưng chỉ mang tính ngắn hạn. Trải qua thời gian mà bạn vẫn đứng vững trên thị trường mới là điều tôi hi vọng.

Không may, có những run rủi khiến cho niềm hi vọng của tôi không phải lúc nào cũng trở thành sự thực. Qua nghiên cứu cho thấy bạn sẽ thu được nhiều tiền nhất không phải thông qua việc mua bán cổ phiếu mà là do công việc kinh doanh hàng ngày của bạn mang lại.

Tuy nhiên, tôi không đang đặt lên vai các bạn trẻ gánh nặng về lợi nhuận, tiền bạc. Thay vào đó, hãy bắt đầu kinh doanh bằng cách xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng gồm cả mua bán cổ phiếu lẫn đầu tư kinh doanh. Đồng thời xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng của mình ra ngoài nước Mỹ. Nếu sau này bạn vẫn muốn trở thành nhà đầu tư chứng khoán thì hãy đến gặp tôi. Tuy nhiên, điều ưu tiên hàng đầu bây giờ của bạn vẫn phải là tự mình xây dựng sự nghiệp kinh doanh và luôn có ý muốn nâng cao chất lượng hàng hoá và đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài.

Hải Dương (Theo WSJ)
Nguồn: TuanVienam.net

Sống lạc quan, tại sao không?

Sống lạc quan là liều thuốc bổ cho sức khoẻ của bạn. Bỏ qua lỗi lầm của người khác và cả thói quen tán gẫu, sống lạc quan, sống cho hiện tại không chỉ làm cho bạn thêm yêu đời mà còn làm mọi người xung quanh bạn vui vẻ. Một trong mười điều sau bạn đã có chưa?

1. Thái độ là tất cả.
Bạn đang sống bi quan? đang nhuốm màu cuộc sống của mình bằng những lo sợ? Thay đổi cách nhìn với mọi việc, bạn sẽ “ổn” ngay thôi.

2. Tôn trọng và nhân hậu với mọi người.
Ai cũng đáng quý và cần được đối xử một cách lịch sự. Bạn có thái độ khác với họ vì họ khác bạn ư? Họ cũng có cảm giác và có quan điển riêng vì thế họ khác bạn. Hãy tôn trọng mọi người nếu như bạn muốn mình được tôn trọng.

3. Tránh so sánh.
Đừng mang ai ra để so sánh. Thay vì việc ngồi xem ai giỏi hơn ai bạn hãy nhìn những việc họ đang làm để rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

4. Nhận trách nhiệm trong công việc và cuộc sống.
Đổ lỗi hay biện minh cho mình chỉ làm bạn thêm kém hoạt động. Nhận trách nhiệm nhưng cũng không có nghĩa là cứ dằn vặt mình mãi về khuyết điểm đó. Phải rút được kinh nghiệm và giúp mình tiến lên.

5. “Chẳng ảnh hưởng đến tôi đâu”
Nếu ai đó chê bai bạn, đừng vội nản lòng nhé. Hãy giữ nó như một lời khích lệ vì giá trị của bạn là do bạn, là chính bạn, và là thực chất của bạn. Họ sẽ không thể dùng chiêu “thọc gậy bánh xe” để hại bạn được vì bạn luôn biết “chẳng ảnh hưởng đến tôi đâu”.

6. Tôn trọng thời gian của người khác.
“Một ngày tồi tệ” bạn thốt lên và muốn trì hoãn mọi công việc. Nhưng đâu phải ai cũng như bạn nên hãy chắc chắn rằng bạn không ảnh hưởng đến thời gian của người khác. Thời gian là thứ quý nhất chúng ta có, nếu bạn muốn lãng phí nó thì hãy làm một mình.

7. Lên danh sách những việc phải làm.
Chắc bạn đã từng lên danh sách cho mình một núi công việc nhưng cũng không ít lần thất vọng vì việc làm được quá ít. List công việc bạn phải làm nhưng đồng thời cũng phải tạo nên một list khác cụ thể hơn cho từng ngày như làm việc gì, cần bao lâu…Bạn sẽ nhận ra một ngày của bạn trôi qua như thế nào, những công việc quan trọng nào bạn đã hoàn thành và núi công việc kia sẽ không còn là nỗi ám ảnh.

8. Chú ý đến những người xung quanh.
Hàng ngày bạn vẫn tiếp xúc với khách hàng, các bạn đồng nghiệp, và tất cả mọi người xung quanh bạn. Thay vì giữ một thái độ lạnh nhạt bạn thử cảm ơn họ vì đã mua hàng, vì đã giúp đỡ bạn, vì mối quan hệ họ tạo ra và vì cả công việc tốt đẹp bạn đang có. Bạn sẽ nhận được nhiều hơn bạn nghĩ.

9. Cảm nhận những điều nhỏ bé xảy ra với bạn.
Một ánh mắt khích lệ của đồng nghiệp, một nụ cười thật tươi của khách hàng sẽ giúp bạn nhận ra “mình làm việc tốt đấy chứ”. Những điều nhỏ bé đó có sức mạnh hơn cả lời nói.

10. Một thái độ lạc quan sẽ giúp bạn làm việc tốt hơn.
Khi bạn lạc quan bạn sẽ nỗ lực hết mình cho công việc. Mọi người sẽ nhận ra bạn và công nhận khả năng đích thực của bạn.

Huongnghiep.vn (ST)

Chỉ có thể thành công nếu lên kế hoạch trước

Howard Schultz
Với triết l‎ý “ Rót cả tâm hồn vào đáy cốc”, hiện Starbucks đang có mặt trên khắp 50 tiểu bang của Mỹ với hơn 8.600 cửa hàng và khoảng 12.000 cửa hàng cà-phê nữa trên toàn thế giới. Doanh thu của Starbucks vào năm 2006 là 6,8 tỷ USD với tổng số nhân viên là 125 nghìn.

Howard Schultz sinh năm 1953 tại New York. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình trên thành phố quê hương, trong một cơ quan đại diện của hãng bán đồ kỹ thuật gia dụng Hamamaplast của Thụy Điển. Một trong những khách hàng của hãng này là Starbucks.

Schultz rất thích công việc kinh doanh của Starbucks. Năm 1982, ông chuyển sang công ty này làm việc với mức lương bằng một nửa ở chỗ cũ. Năm 1987, khi các ông chủ Starbucks quyết định bán công ty của mình, thì Schultz đã mua Starbucks. Sau khi trở thành Tổng giám đốc của Starbucks Coffee Company, trong vòng 20 năm, ông đã biến một công ty kinh doanh ở tầm địa phương thành một tập đoàn nổi tiếng toàn thế giới.

Sau đây là triết lý sống và làm việc của Howard Schultz:
Không ai và không bao giờ có thể làm được điều gì nếu chỉ nghe theo những người luôn nói “không được”. Vì thực sự rất ít người có thể thành công với những‎ ý tưởng không có gì mới mẻ trong những hoàn cảnh quen thuộc.

Khi còn nhỏ tôi không có khái niệm rằng đến một lúc nào đó tôi sẽ trở thành người đứng đầu công ty. Nhưng từ trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi biết rằng mình không bao giờ loại bỏ ai, nếu điều này phụ thuộc vào tôi.

Tôi tin rằng, phần lớn mọi người đều có khả năng biến ước mơ của mình thành hiện thực, và thậm chí, họ còn có thể đi xa hơn nữa, nếu như họ kiên quyết không chịu đầu hàng.

Những ước mơ nhỏ bé không phải dành cho tôi. Tôi mơ ước về những điều vĩ đại. Nếu bạn muốn xây dựng một tập đoàn lớn cần phải hết sức can đảm. Chẳng ai lại đi mơ ước những điều có thể với tới?

Hoài nghi những ‎ý kiến được đông đảo mọi người thừa nhận để đạt được thành công bất chấp hoàn cảnh chính là điều có thể đem đến sự thỏa mãn không gì có thể so sánh được.

Nếu như trước bạn không có ai làm điều này thì không có nghĩa là bạn cũng không nên thử.

Những người đi vào những con đường chưa ai từng đi để mở ra những lĩnh vực mới hoặc làm ra những sản phẩm mới để xây dựng được những tập đoàn lớn mạnh chính là nguồn cảm hứng để những người khác đạt được những thành công vĩ đại.

Sự thất bại có thể bất ngờ đến với bạn, nhưng bạn chỉ có thể thành công nếu lên kế hoạch trước.

Một trong những yếu tố của thành công là thời cơ và sự may mắn. Nhưng phần lớn mọi người trong chúng ta phải tự tạo ra khả năng và không bỏ lỡ vận may trước khi người khác kịp nhận ra chúng.

Thậm chí, một kế hoạch kinh doanh tốt nhất cũng không đem lại kết quả nếu không được gia cố thêm lòng say mê và sự chân thành.

Nếu như bạn coi mọi người giống như một sự chi phí, thì bạn không thể đạt được mục đích của mình. Lòng say mê và sự tận tụy là những lợi thế cạnh tranh số một. Nếu đánh mất chúng, thì bạn sẽ là người thua cuộc.

Mọi người sẽ sẵn lòng tha thứ cho các lỗi lầm hơn nếu hiểu được sứ mệnh chung mà họ đang cùng hướng tới.

Hãy luôn nhớ tới những l‎ý tưởng của mình. Táo bạo nhưng công bằng. Không đầu hàng. Nếu như xung quanh bạn là những nhân cách như vậy thì chắc chắn bạn và họ sẽ cùng nhau đi đến thắng lợi.

Trong mỗi bước đi, tôi đều cố gắng ít đưa ra những lời hứa hẹn là tập trung vào công việc nhiều hơn. Cuối cùng thì đây là cách tốt nhất để đảm bảo sự ổn định trong một công việc bất kỳ.

Vào những thời khắc khó khăn, tôi như được tiêm thêm một liều hóc-môn gây hưng phấn. Tôi theo đuổi những điều mà còn chưa có ai nhìn thấy, hoặc vẫn còn tiếp tục khi những người khác đã bỏ cuộc từ rất lâu.

Rất nhiều doanh nhân đã cùng phạm phải một sai lầm. Họ muốn nắm quyền quyết định tuyệt đối và tạo ra xung quanh mình những người người giúp việc tận tụy. Họ sợ phải trao các vị trí lãnh đạo vào tay những người thực sự thông minh và có khả năng.

Công việc kinh doanh của tôi đang trong chiều hướng đi lên. Việc càng khó thì khi lên đến đỉnh cao bạn lại càng thấy thỏa mãn hơn. Nhưng, giống như một vận động viên leo núi thực thụ, tôi bao giờ cũng đi tìm những ngọn núi cao nhất.

(Theo Tiền Phong)

Thế hệ "Drop school"

Hãy tưởng tượng bạn đứng diễn thuyết cho hàng ngàn sinh viên, và sau một hồi đang nói hăng say, bạn bị bảo vệ lôi xuống khỏi sân khấu. Ở VN, có lẽ chẳng ai lôi diễn giả xuống như vậy cả. Và ở VN, có lẽ chẳng ai nói điều gì để đến nỗi phải bị lôi xuống như vậy cả.

Có thể vì phép lịch sự nên đôi khi chúng ta không dám nhìn vào sự thật - và nói ra sự thật. Sự thật là, có những sự thật nghe đau lòng, thậm chí đau đầu, nhưng đó là sự thật - và chúng ta cần biết lắng nghe để chấp nhận. Mà vậy mới biết, cần phải có sự can đảm nhất định mới có thể nói ra sự thật một cách rõ ràng và trần trụi nhất.

Nếu ai có, hoặc từng có dự định bỏ học, chắc sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong bài diễn văn của Larry Ellison (Chủ tịch Oracle) tại ÐH Yale vào lễ tốt nghiệp năm 2000...

"Là SV của ÐH Yale, tôi xin lỗi nếu các bạn có thể chịu đựng được phần mở đầu trước, nhưng tôi muốn các bạn làm một điều gì đó cho tôi. Xin hãy nhìn chung quanh bạn. Hãy nhìn người bạn cùng lớp bên trái bạn. Hãy nhìn người bên phải bạn. Bây giờ, hãy xem xét điều này: 5 năm nữa, 10 năm nữa, thậm chí 30 năm nữa, kì quặc là những người bên trái bạn sẽ trở thành người thua cuộc. Người ngồi bên phải bạn lúc đó cũng là người thua cuộc. Và bạn, người ở giữa sẽ như thế nào?

Bạn có thể mong mỏi điều gì hơn? Rốt cục bạn cũng sẽ là một gã tồi mà thôi. Tất cả đều thua. Tất cả. Thực tế, khi tôi tìm kiếm trong số những người trước mặt tôi hôm nay, tôi không thấy được hàng ngàn tia hi vọng cho một ngày mai tươi sáng. Tôi không thấy hàng ngàn người lãnh đạo tương lai trong hàng ngàn ngành công nghiệp. Tôi chỉ thấy hàng ngàn kẻ thua cuộc. Bạn lo lắng ư? Dễ hiểu thôi. Sau cùng, tôi, Lawrence "Larry" Ellison, người bỏ học đại học nửa chừng, cả gan hùng hồn thốt ra những điều trái lẽ phải như thế trước khóa tốt nghiệp của một trong những viện có uy tín nhất đất nước này?

Tôi sẽ nói cho các bạn biết tại sao?

Bởi vì tôi, Lawrence "Larry" Ellison, người giàu thứ hai trên hành tinh, là một kẻ bỏ học giữa chừng, mà các bạn thì không. Bởi vì Bill Gates, người giàu nhất thế giới dù sao đi nữa cũng là một kẻ bỏ học giữa chừng, mà các bạn thì không. Bởi vì Paul Allen, người giàu thứ ba trên thế giới, cũng bỏ học ÐH giữa chừng, và bạn thì không làm điều đó. Và cứ tính như thế tiếp tục đi. Cho đến Michael Dell, người giàu thứ 9 trên thế giới và ngày càng đi lên rất nhanh, cũng là một thằng bỏ học giữa chừng và bạn, vâng chính lại là bạn, không như thế. Bạn thấy đảo lộn rồi ư? Có thể hiểu được mà.

Vì vậy hãy để tôi chọc giận cái tôi trong bạn bằng cách chỉ ra, một cách thẳng thắn, là bằng cấp của bạn chẳng có giá trị gì hết. Phần lớn các bạn, tôi tưởng tượng là, đã trải qua 4,5 năm ở đây, bằng nhiều cách bạn cố gắng học và chịu đựng những gì sẽ có lợi cho bạn trong những năm sắp tới. Bạn đã lập ra một thói quen làm việc tốt. Bạn đã thiết lập nên một mạng lưới các quan hệ để có thể giúp đỡ bạn khi bạn vấp ngã trên con đường của mình. Và bạn đã tạo ra những gì có quan hệ suốt đời với từ "cách chữa bệnh".

Tất cả điều đó đều tốt. Sự thật là bạn sẽ cần đến mạng lưới đó. Bạn sẽ cần những thói quen làm việc chăm chỉ. Bạn sẽ cần "cách chữa bệnh". Bạn sẽ cần nó vì bạn không bao giờ bỏ học nửa chừng, và chính vì thế, vâng, bạn sẽ không bao giờ ở trong số những người giàu nhất thế giới. Oh, chắc chắn là làm theo cách của bạn sẽ không bao giờ vươn tới số 10, 11 như Steve Ballmer. Nhưng mà, tôi không nói cho bạn biết là thực sự ông ta đang làm cho ai phải không?

Và để có được thành tích đó, ông ta đã bỏ học. Hơi trễ, đó là sai lầm lớn. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, nhiều bạn ở đây, hi vọng là đa số các bạn, tự hỏi rằng " Tôi có thể làm cái gì đây? Không còn hi vọng cho tôi nữa sao?"

Thật sự là không. Quá trễ rồi. Bạn đã miệt mài quá nhiều, tôi nghĩ là bạn biết là quá nhiều. Bạn sẽ không là người thứ 9. Bạn có một cái mũ dính liền, tôi không ám chỉ đến cái mũ vuông ( trong đồng phục lễ tốt nghiệp) mà bạn đang đội trên đầu. Hmm… Bạn thực sự thấy lo lắng ư ? Dễ hiểu mà. Vì thế đây có lẽ là dịp tốt để nuôi dưỡng niềm hi vọng. Không phải cho các bạn mà là cho khóa mới sắp tới kia. Các bạn là đồ phế thải rồi, vì thế tôi sẽ để các bạn lãnh mức lương thảm hại 20.000 đô la một năm, nơi mà đơn xin vào làm của các bạn sẽ được những thằng bỏ học hai năm trước đây kí.

Thay vào đó, tôi muôn mang lại hi vọng cho những bạn mới vào trường. Tôi muốn nói với các bạn, là tôi nhấn mạnh điều này: nên bỏ học. Hãy xếp đồ đạc và cả những ý tưởng lại và đừng quay trở lại nữa. Bỏ học đi. Ðứng dậy đi. Ðiều tôi muốn nói với bạn là cái mũ và áo choàng tốt nghiệp sẽ kéo bạn xuống chắc chắn như là những người bảo vệ kia sẽ lôi cổ tôi xuống khỏi sân khấu này…..

(Ðến lúc này thì chủ tịch của Oracle bị mời xuống khỏi sân khấu)

Điều quan trọng không phải là học hay bỏ học, mà là bạn có một khát khao đủ lớn để làm điều bạn cho là đúng. Khi ước mơ của bạn được nâng lên thành khát vọng, bạn sẽ tìm được câu trả lời ngay dưới chân mình.

Theo TDCT’s blog

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References