Người sau cai vẫn đứng ngoài “hàng rào” doanh nghiệp

Dù được hỗ trợ, ưu đãi nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà với việc tiếp nhận lao động sau cai vì e ngại nhiều thứ...

Thông tin từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho biết, 65,5% số người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng đã có việc làm. Tuy nhiên, có đến 50% là lao động tự do, số có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp (DN) rất ít và số trụ được lại càng ít hơn. Trong khi đó, tình trạng tái nghiện và tội phạm ma túy phần lớn rơi vào người không có việc làm và lao động tự do.


Lao động sau cai làm việc tại Cụm Công nghiệp Nhị Xuân TPHCM


Hơn 3.000, chỉ còn 300!


Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho DN sử dụng lao động là người sau cai nhưng hiện nay, số DN tiếp nhận lực lượng này rất ít. Nguyên nhân là do tâm lý e ngại đối tượng này sẽ lôi kéo người lao động trong DN hoặc lây truyền HIV/AIDS nên DN không muốn nhận họ vào làm việc. “Các DN rất ngại khi đề cập đến lao động khiếm khuyết (người tàn tật, người sau cai, người mắc HIV/AIDS...). Ngay như việc tuyên truyền về đối tượng lao động này, chúng tôi cũng phải lồng ghép trong các chương trình khác chứ tổ chức riêng rất ít DN muốn tham dự”- bà Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tại TPHCM, cho biết như vậy.


“Chúng tôi đã tổ chức những buổi truyền thông nho nhỏ trong công ty. Khi đặt ra giả thuyết: Nếu một người sau cai hoặc nhiễm HIV/AIDS vào làm việc chung, mọi người sẽ xử lý như thế nào? Tất cả công nhân đều trả lời, hoặc xin chuyển sang bộ phận khác hoặc để ý nếu họ xuất hiện ở đâu, cầm nắm vật gì thì phải tránh xa... Vì vậy, DN có muốn tiếp nhận đối tượng này cũng gặp nhiều rào cản”- bà Lý Thị Như Trúc, Trưởng Phòng Quan hệ lao động Công ty Cheng Shin VN, bày tỏ.


Cụm Công nghiệp Nhị Xuân- mô hình giải quyết việc làm cho người sau cai của TPHCM hiện cũng chỉ còn hơn 300 lao động trong số hơn 3.000 lao động đã được tiếp nhận làm việc tại 14 DN. Sự “rơi rớt” này được Ban Quản lý Cụm Công nghiệp Nhị Xuân lý giải: Thứ nhất, do tình trạng sức khỏe kém kéo theo năng suất thấp, thu nhập thấp nên họ dễ nản; thứ hai, trình độ tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu của DN; thứ ba, họ không thích bị gò bó về giờ giấc, kỷ luật và cuối cùng là do chưa có ràng buộc pháp lý nên nhiều người sau khi về thăm nhà thì... đi luôn. Giám đốc một DN tại Cụm Công nghiệp Nhị Xuân nói thẳng: “Chúng tôi đã từng bị thiệt hại lớn khi họ tự ý bỏ việc khiến sản xuất bị ngưng trệ. Từ đó, chúng tôi không mặn mà với đối tượng lao động này”.


DN loay hoay, cơ quan chức năng thờ ơ


Theo nhiều DN, các cơ quan chức năng và địa phương vận động DN tiếp nhận lao động sau cai nhưng phần “hậu tiếp nhận” lại là... chuyện nội bộ của DN nên khi xảy ra chuyện không biết trông cậy vào ai. “Như vậy khác nào đem con bỏ chợ!”- đại diện một DN bức xúc. Bà Nguyễn Hồng Hà cho biết: “VCCI đã đào tạo được một số giảng viên, đồng đẳng viên giảng về HIV/AIDS để hỗ trợ kiến thức cho các DN nhưng kiến thức của họ không thể sâu bằng các chuyên gia nên rất cần sự hỗ trợ từ các sở, ngành. Tuy nhiên, khi chúng tôi nhờ đến sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng thì không phải lúc nào cũng được phối hợp, giúp đỡ”.


Bà Lý Thị Như Trúc kiến nghị: “DN không thể lường hết những khó khăn khi nhận lao động là người sau cai cũng như những biện pháp xử lý. Chúng tôi rất mong các tổ chức cũng như cơ quan chức năng thường xuyên tập huấn kiến thức về phòng chống HIV/AIDS cho DN cũng như hỗ trợ chúng tôi khi xảy ra tình huống ngoài ý muốn”.

Bà Jeanine Ambrosio, quyền Giám đốc chương trình Cứu trợ khẩn cấp người mắc HIV/AIDS của tổng thống Mỹ- PEPFAR -tại TPHCM:

Cần một chương trình hướng nghiệp


Kinh nghiệm qua 7 năm làm việc cho các dự án tương tự tại Mỹ tôi rút ra được là cần phải có một chương trình hướng nghiệp cho người sau cai. Chương trình này không chỉ tư vấn, hỗ trợ người lao động định hướng, lựa chọn công việc mà phải là đầu mối để cung cấp lao động cho các DN, giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí tuyển dụng, đào tạo. Ngoài ra, chương trình phải là người đồng hành với người lao động sau cai, nắm bắt kịp thời khó khăn của họ để hỗ trợ vì đây là đối tượng dễ tổn thương.

Bài và ảnh: Thu Sương (báo người lao động)

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References