Dũng khí để khởi nghiệp

Hàng năm, có hàng chục ngàn doanh nghiệp mới được thành lập. Ngày hôm nay, có nhiều người đang trăn trở với các ý tưởng của mình và ấp ủ ước mơ một ngày nào đó sẽ triển khai được chúng. Tuy nhiên, cái "ngày nào đó" quả là khó đoán chính xác và không ít người chấp nhận câu trả lời: "khi nào có đủ điều kiện".

Điều kiện ở đây có thể hiểu là đạt một trình độ hoặc kinh nghiệm nào đó, tập hợp được một số người cùng chí hướng, môi trường kinh doanh hoặc luật pháp thông thoáng hơn...

Và điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là... có một khoản tiền tương đối. Ở đây chỉ xin bàn một chút về vấn đề "tiền ở đâu ra" để thành lập doanh nghiệp và vai trò của nó trong bước khởi sự.

Có một nghịch lý mà lại không nghịch lý là phần lớn các cự phú trên đời bắt đầu sự nghiệp từ hai bàn tay trắng chứ không phải có tiền ngay khi khởi sự.

Các trường đại học và giáo trình trên toàn cầu thường chỉ dạy cách làm ông chủ, tức là phải điều hành kinh doanh như thế nào. Tiếc rằng họ không và không thể dạy bạn khi còn là một người bình thường thì phải làm sao để trở thành ông chủ.

Nếu bạn có trình độ cao, làm cho một công ty lớn, lương thừa sống và dùng tiền tích lũy được để thành lập một công ty, trong khi vẫn muốn giữ chỗ làm cũ, thì chắc chắn rằng công ty ấy sẽ chẳng đi tới đâu. Thực tế không có công ty nào thành công và trụ vững được theo kiểu này.

Đột ngột có một món lớn (do trúng số chẳng hạn) ra mở công ty để thỏa chí cũng là một con đường khác dễ dẫn đến thất bại.

Tiếp quản một gia sản (tiền hoặc cơ sở kinh doanh) mà mình chưa từng lăn lộn cùng nó cũng dễ khiến ta sa lầy và tuột dốc.

Huy động vốn bằng cách vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp cũng đưa rất nhiều người tới thảm bại. Bắt đầu nhỏ để lớn dần lên không thể áp dụng cho mọi ngành hàng và khó trụ vững trong môi trường cạnh tranh ngày một khốc liệt.

Vậy phải làm sao khi chưa có cơ sở tài chính vững chắc cho việc thành lập doanh nghiệp? Nếu bạn từng được đào tạo bài bản, trong đầu sẽ rất dễ nảy sinh những câu hỏi kiểu thế này: Theo tính toán thì cần xxx triệu đồng thì mới có thể khởi sự được, vậy thì :

- Kiên trì tiết kiệm tiền và chờ đợi ư? Đến khi nào thì đủ? Tới lúc đó có còn cơ hội cho mình không?

- Đi vay ư? Ai cho vay khi ta còn là lính mới? Ý tưởng cần nhiều tiền mới làm được thì làm sao vay đủ?

- Vận may? Ai biết khi nào nó tới?

- Bán tài sản (nếu có) đi ư? Cuộc sống hiện tại còn chưa ổn mà gây thêm rắc rối thì có nên không? Lo kinh doanh đã mệt giờ lại lo thêm cuộc sống nữa thì có chịu nổi không?

- Đem ý tưởng đi liên kết với người có tiền? Cũng khó, và liệu rồi có bị họ thôn tính không?

Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến những người có gan thì mới có thể làm giàu. Người có gan có thể có hoặc không có đủ những câu trả lời cho các câu hỏi trên nhưng chắc là chúng (những câu hỏi về tiền) đã không đủ mạnh để ngăn họ hành động.

Một trực giác bén nhạy sẽ dẫn dắt người ta trong những bước đầu tiên nhiều hơn rất nhiều những kiến thức chuyên môn sách vở hoặc số tiền mà họ đang có trong tay. Trực giác này đương nhiên không phải là tất cả và cũng sẽ chẳng đi đến đâu nếu không được kết hợp với một phẩm chất rất quan trọng - lòng dũng cảm.

Cái này đôi khi biểu hiện ra ngoài như một thứ "máu liều", điều này cũng khiến nhiều người nhận lầm nguyên nhân thành công của nhiều doanh nhân: "Ấy là do hắn có máu liều và may mắn gặp thời".

Theo tôi, nếu chúng ta chỉ muốn hoặc có khát vọng chứ không phải bị bức trở thành ông chủ thì có lẽ phải chấp nhận một quan điểm: "Thất bại là điều bình thường và cần chuẩn bị đón nhận" vì thực ra, những doanh nghiệp lớn nhất thế giới cũng đã không dưới một lần đứng trước bờ vực phá sản.

Bạn có thể tạo vốn cho mình bằng nhiều cách nhưng phải dựa trên một niềm tin rằng thử thách về tiền là do chính mình (chứ không phải hoàn cảnh khách quan) tạo ra và chúng được tạo ra với mục đích là để vượt qua.

Điều này hiển nhiên đúng: bạn muốn làm ông chủ - một việc khó hơn việc bạn đang làm - một việc dễ thất bại hơn những việc bạn từng thành công.

Không có công thức nào về số lượng vốn cần có cho việc khởi sự doanh nghiệp, cũng như cách để có số vốn đó mà chỉ có dũng khí mới giúp bạn thành công trong bước đầu thâm nhập thương trường mà thôi. Tôi tin rằng đa số các nhà doanh nghiệp từng trải đồng ý về điểm này.

Nguồn TBKTSG

5 lời hứa cần giữ

Bạn cần luôn tuân theo những lời hứa dưới đây như một sự định hướng cho từng quyết định của mình. Những lời hứa này không có gì phức tạp cả và sẽ thích hợp với mọi chủ doanh nghiệp.

1. “Tôi sẽ sống và làm việc trong một cuộc sống tràn đầy đam mê”. Hãy lắng nghe trái tim của bạn, sau đó xây dựng công ty dựa trên những niềm đam mê nhiệt thành. Khi bạn thức dậy mỗi ngày cho một hoạt động kinh doanh bạn yêu thích, bạn sẽ làm tất cả những gì để nó được thành công.

2. “Tôi sẽ có những quyết định dứt khoát, không chần chừ”. Đừng dành cuộc sống của bạn cho những quyết định chần chừ. Hãy thực hiện nó hoặc chấm dứt nó. Bạn cần đảm bảo một kế hoạch thực tế. Bạn có đủ thời gian? Bạn có thể trang trải nó? Nếu không, hãy loại bỏ nó và tìm kiếm một mục tiêu mới khả thi hơn.

3. “Tôi sẽ thực hiện từng bước hành động một trong mỗi ngày để hướng tới viễn cảnh cuối cùng”. Những giấc mơ không trọn vẹn có thể khiến bạn đau khổ. Hành động để đạt được những giấc mơ đó sẽ khiến bạn cảm thấy hạnh phúc. Bằng việc hành động từng bước mỗi ngày, bạn sẽ xây dựng một thói quen và yếu tố kỷ luật đảm bảo cho giấc mơ sẽ trở thành hiện thực. Thành công hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của bạn.

4. “Tôi sẵn lòng học hỏi vào bất cứ thời điểm nào”. Mọi người đều có thể khởi sự một công ty mới. Tuy nhiên, để phát triển kinh doanh thành công, bạn sẽ phải học hỏi qua từng ngày từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như sách vở, lớp học và đặc biệt là các nhà tư vấn thành công có chuyên môn.

5. “Tôi tin rằng tôi có thể làm mọi thứ”. Niềm tin đã chiếm tới 90% của chiến thắng. Hãy hình dung thành công của bạn với những chi tiết cụ thể. Nếu bạn tin rằng bạn sẽ hoàn thành mục tiêu - không quan tâm tới thách thức là gì, không quan tâm tới bất cứ ai nói cho bạn - bạn sẽ nhanh chóng thành công.

Theo Bwportal

Kinh doanh sự quan tâm

Hầu hết người nước ngoài đến sống tại Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc làm giấy tờ xuất nhập cảnh, tìm nhà ở, thuê xe, tìm người giúp việc… Đó là lý do để hình thành một ngành kinh doanh mới đang phát triển tại Việt Nam: Cung cấp các dịch vụ trọn gói trong sinh hoạt thường ngày cho người nước ngoài.

Bắt đầu bằng chữ nhẫn

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ năm 2004 đến hết năm 2007, đã có khoảng hơn 80.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống và học tập, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Trong đó, 25.000 người vào để đầu tư, 54.000 người vào làm trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế… Dự báo đến hết năm 2010, số lượng người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam sẽ lên đến 200.000 người. Vì vậy, nhu cầu về các dịch vụ trọn gói trong sinh hoạt là rất lớn.

Thế nhưng, tính đến nay, các công ty chuyên cung cấp dịch vụ trọn gói hầu hết lại là công ty nước ngoài. Số lượng công ty Việt Nam tham gia vào thị trường này chỉ đếm được trên một bàn tay, đáp ứng chưa tới 5% nhu cầu thị trường,. Như vậy, con số còn lại vẫn là cơ hội cho những nhà đầu tư quan tâm tới loại hình này.

Có nhiều loại dịch vụ để kinh doanh trong ngành này như làm giấy tờ xuất nhập cảnh, giấy phép lao động, cung cấp người giúp việc, sửa chữa nhà, vận chuyển đồ đạc… Nhưng mô hình kinh doanh được lựa chọn nhiều nhất và cũng khá phù hợp với nhà đầu tư Việt Nam là cung cấp người giúp việc và sửa chữa nhà trình độ cao cấp.

Vốn đầu tư ban đầu của loại dịch vụ này khoảng dưới 500 triệu đồng, chủ yếu dung để thuê mặt bằng, mua trang thiết bị và đặc biệt là để tuyển chọn những người có kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn và căn hộ cao cấp. Những người này sẽ đào tạo cho nhân viên mới quy cách vệ sinh theo tiêu chuẩn cao. Ngoài ra, nếu có mối quan hệ rộng, nhà đầu tư sẽ có được những khách hàng đầu tiên mà không phải tìm kiếm quá lâu. Và như vậy là đủ để bắt đầu “kinh doanh sự quan tâm”.

Kinh doanh hiệu quả

Theo Công ty Trách nhiện Hữu hạn Cheer, chuyên cung cấp các dịch vụ trong sinh hoạt cho người nước ngoài, đặc biệt là cung cấp người giúp việc nhà, mức giá trung bình cho dịch vụ cung cấp người giúp việc nhà dao động trong khoảng từ 80-235 USD/tháng. Như vậy, mức giá trung bình khoảng 150USD/người/tháng thì cứ 10 khách hàng, Công ty thu về khoảng 1.500 USD/tháng (tương đương khoảng 25,5 triệu đồng (với tỉ giá USD/VND là 17.000 đồng). Mà lượng khách hàng của Cheer thường xuyên ổn định 50 người/tháng. Như vậy, mỗi tháng doanh thu có thể đạt khoảng 127,5 triệu đồng. Sau khi trừ đi các chi phí khác, nhà đầu tư có thể thu hồi vốn sau 2 năm.

Tuy đây là một dịch vụ cần thiệt với nhu cầu lớn, nhưng không phải khách hàng nào cũng dễ dàng bỏ ra cả trăm USD mỗi tháng để sử dụng nó. Không phải nhà đầu tư nào cũng dễ dàng bỏ túi cả trăm triệu mỗi tháng nhờ ý tưởng này.

“Chúng tôi sẽ không thể yên tâm giao áo quần của mình cho những người không chuyên giặt ủi. Đôi khi có những món hàng mà bạn không thể đền nổi. Những người giúp việc nhà nhất định phải thạo việc. Một lần mất niềm tin rất có thể chúng tôi sẽ không bao giờ trở lại nữa!”, Một khác hàng của Cheer (không muốn nêu tên) cho biết.

Quả thật các nhân viên phải cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ. Người nước ngoài, đặc biệt là người Châu Âu, rất khó tính: Trải giường phải đúng quy cách, gối phải vỗ làm sao cho căng phồng. Nhà vệ sinh phải sạch và luôn khô ráo… Xuất phát từ những điều đó, Cheer buộc nhân viên của mình phải trải qua thời gian đào tạo tối thiểu là 2 tuần tại nhà của khách hàng, dưới sự giám sát khắc khe của những người có kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn cao cấp. Ngoài ra, khi ký hợp đồng với khách hàng, mọi yêu cầu sẽ được đề cập cụ thể đến từng chi tiết nhỏ nhất. Và Công ty phải thường xuyên theo dõi ý kiến phản hồi từ khách hàng.

Khi chất lượng dịch vụ tốt, chính những khách hàng khó tính sẽ là chiếc cầu nối công ty với khách hàng mới một cách hiệu quả nhất. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng đã hoàn toàn tin tưởng. “Họ có thể giao chìa khóa cho nhân viên Công ty. Chỉ cần làm hết việc chứ không cần làm hết giờ. Làm tốt sẽ có tiền thưởng hàng tháng”, chị Dương Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty Cheer, cho biết.

“Được khách hàng tin tưởng nhưng công ty làm sao để quản lý tốt nhân viên?”. “Để làm được điều này thì ngoài những biện pháp “cứng” như về địa phương xác nhận hồ sơ, yêu cầu người lao động đóng tiền cọc, những biện pháp “mềm” như tạo môi trường làm việc với mức lương xứng đáng, cũng là điều hết sức quan trọng”, chị Thảo nói thêm.

Ở TP.HCM, bên cạnh dịch vụ cung cấp người giúp việc nhà còn có dịch vụ làm giấy tờ xuất nhập cảnh và giấy phép lao động cho người nước ngoài. Nhưng cũng chưa có nhiều công ty tham gia. Cái tên được biết đến nhiều nhất là Resident Vietnam. Cái khó của dịch vụ này là “rất nhiều giám đốc nhân sự người Việt Nam chưa hiểu hết lợi ích mà dịch vụ mang lại. Họ không hiểu tại sao phải bỏ ra hàng ngàn USD để lo giấy tờ hay dịch vụ sinh hoạt cho nhân viên người nước ngoài, trong khi họ có thể tự làm được. Vì thế, hiện nay khách hàng chủ yếu của chúng tôi là những tập đoàn lớn nước ngoài”, chị Nguyễn Huyền Trân, Giám đốc Resident Vietnam, chia sẻ. Mà để làm việc với những tập đoàn lớn của nước ngoài thì không phải công ty nào cũng có thể hoàn thành tốt.

Có thể nói, cung cấp trọn gói dịch vụ sinh hoạt hàng ngày cho người nước ngoài sẽ là một mô hình kinh doanh tốt cho những ai biết nắm bắt thời cơ và khai thác triệt để lợi thế từ nhu cầu sẵn có.

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

Thuật bán nguyên giá

Shimamura Yoshio là chủ tịch Hội đồng quản trị công ty công nghiệp Shimamura Tokyo, ông sống thành thật, thiên chức thông minh. Khởi đầu sự nghiệp, ông làm nhân viên bán hàng cho một nhà máy nguyên liệu bao gói, sau đổi nghề làm buôn bán dây thừng, ông đã áp dụng phương pháp bán nguyên giá.

Thế nào là thuật bán nguyên giá? Nói ra thì rất đơn giản: Trước tiên ông đến nhà máy sản xuất dây thừng đặt mua loại dây mỗi sợi dài 45cm với giá 0,5 yên Nhật, sau đó bán lại nguyên giá mua cho các nhà máy vùng Tokyo. Cách buôn bán hoàn toàn không có lời này được ông duy trì hơn một năm. Tiếng tăm “dây thừng của Shimamura thật sự rẻ” bay đi bốn phương, đơn đặt hàng từ khắp nơi bay về như bông tuyết mùa đông.

Đến lúc này, Shimamura bắt đầu tiến thêm một bước. Ông cầm hóa đơn mua hàng của nhà máy đến từng hộ đặt hàng nói: “Cho đến hôm nay, tôi không lấy một đồng tiền lời nào của các vị. Nhưng, cứ tiếp tục phục vụ như thế này cho các vị, tôi chỉ còn cách đi theo con đường phá sản”. Các hộ khách rất cảm động trước tinh thần phục vụ chân thành của ông, đã tình nguyện nâng giá giao hàng lên 0,55 yên một sợi.

Đồng thời, ông lại đến nhà máy sản xuất dây thừng thương lượng: “Các ông bán cho tôi mỗi sợi 0,5 yên, tôi luôn luôn vẫn bán nguyên giá cho người khác, do đó mới có được đơn đặt hàng nhiều như ngày nay. Nếu tôi cứ tiếp tục bán nguyên giá như thế này, tôi chỉ có thể phá sản”. Phía nhà máy xem phần gốc hóa đơn của ông bán cho khách hàng, bỗng giật mình. Một người buôn bán tình nguyện không lấy tiền lời như thế này, nhà máy sản xuất dây thừng lần đầu tiên mới gặp. Vậy là không chút do dự, họ tình nguyện hạ giá bán cho ông mỗi sợi còn 0,45 yên. Thế là, theo tính toán lượng giao hàng lúc đó mỗi ngày là mười triệu sợi, lợi nhuận một ngày của ông là một triệu yên Nhật. Sau hai năm lập nghiệp, không những ông trở thành người kinh doanh nổi tiếng Nhật Bản, mà phương pháp bán hàng của ông được giới thương gia gọi là “Thuật bán nguyên giá Shimamura Yoshio”

Huongnghiep (sưu tầm)

Bí kíp để kiếm bộn tiền

Tại Mỹ, chỉ có 5% số người đóng thuế nhưng góp tới 51% tổng thuế thu nhập cho Chính phủ. Trong 5% những người đóng thuế đó có 65% là chủ doanh nghiệp nhỏ. Thế nhưng thu nhập trung bình của những chủ doanh nghiệp này lên tới hơn 400.000 đôla một năm.

Vậy cách nào khiến những ông chủ của những doanh nghiệp nhỏ này có thể kiếm được bạc tỷ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt?

Có thể định nghĩa doanh nghiệp nhỏ là một cơ sở kinh doanh có dưới 500 lao động, có thể là một tập đoàn, một liên minh, một quyền sở hữu. Theo thống kê, nước Mỹ, có ít nhất 25 triệu doanh nghiệp nhỏ. Như vậy, luôn có ít nhất hàng triệu doanh nghiệp nhỏ hoạt động tại Mỹ. Những người bồi bàn, tài xế taxi, cửa hàng bán nước chanh và cả những cô bé, cậu bé bán báo… đều là doanh nghiệp nhỏ. Những người lái xe khách, người trông trẻ, người làm trò tiêu khiển, những người buôn bán hàng ngày cũng là doanh nghiệp nhỏ.

Trong số 25 triệu doanh nghiệp nhỏ, có khoảng 20 triệu doanh nghiệp có dưới 50 nhân công, 17 triệu có một hoặc hai nhân công, bao gồm cả ông chủ.

Chủ doanh nghiệp nhỏ có thể là chủ đại lý, chủ hãng buôn, nhà tư bản nhỏ, nhà cố vấn, nhà đầu tư, nhà phát minh, doanh nhân, thương nhân, đối tác, nhà tài trợ, nhà tổ chức, nhà điều hành, luật sư, nghệ sĩ, kiến trúc sư, chủ nhà băng, thợ mộc, kỹ sư, chủ cửa hàng tạp hóa, thợ làm tóc, họa sĩ, thợ sửa ống nước, giám đốc khách sạn...

Các chủ doanh nghiệp nhỏ thành công cũng có đủ loại bằng cấp: bằng tốt nghiệp phổ thông, bằng cử nhân quản trị kinh doanh Harvard; thuộc đủ mọi nhóm người: già, trẻ, nam, nữ, từ những người lao động cực nhọc với đồng lương rẻ mạt đến những thành viên của các gia đình danh giá. Họ làm việc rất chăm chỉ. Họ tạo ra của cải và giá trị. Họ kiếm được các tấm séc thanh toán để trả tiền thế chấp và trang trải học phí. Dù tốt hay xấu, họ cũng kiểm soát số phận của chính mình.

Doanh nghiệp nhỏ là cái nôi của tiền bạc và cũng là nơi để phát huy trí tuệ. Ở Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ tạo ra toàn bộ công việc mới trong nền kinh tế. Số bằng sáng chế mà họ đạt được nhiều gấp 14 lần so với 1.000 công ty có nguồn tài chính vững mạnh, sẵn sàng đầu tư ngân sách khổng lồ cho phát triển và nghiên cứu.

Và doanh nghiệp nhỏ cũng là nơi của hành động. Những việc chủ doanh nghiệp nhỏ làm trong một ngày nhiều hơn cả những việc CEO của các công ty trong danh sách Fortune 500 làm trong một tháng. Không giống ủy viên trong hội đồng quản trị cấp cao ở các công ty lớn, mỗi ngày, chủ doanh nghiệp nhỏ thường trực tiếp làm những công việc như: mua, bán, vay mượn, viết hóa đơn, đăng quảng cáo, thu thập thông tin, thanh toán, phát minh, sáng tạo, thay đổi, suy đoán, quyết định, mạo hiểm…

Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, những ông chủ đầy tài năng của các doanh nghiệp nhỏ lại lo lắng, suy nghĩ về tiền lương cho công nhân, tiền thanh toán cho nhà cung cấp, tiền trả nợ ngân hàng. Họ còn lo giải quyết hàng loạt vấn đề khác để thu về thật nhiều lợi nhuận, và để các công việc được tiến hành hợp lý, đúng pháp luật. Mỗi sáng thức dậy, chủ doanh nghiệp nhỏ lại tìm kiếm những cách thức mới để doanh nghiệp phát đạt hơn.

Lợi nhuận lớn. Doanh nghiệp nhỏ. Tổng thống thứ 30 của Mỹ - Calvin Coolidge, đã không ngần ngại khẳng định: “Lợi nhuận lớn và doanh nghiệp nhỏ. Đó chính là công việc kinh doanh của nước Mỹ".

Chúng ta thường nghe một câu châm ngôn: “Chẳng có gì mới trên cõi đời này”. Điều này khiến chúng ta ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên còn tăng lên gấp đôi khi có không biết bao nhiêu người lại đồng ý với câu nói đó. “Chẳng có gì mới trên cõi đời này” chỉ là lời bao biện cho sự thiếu suy nghĩ. Câu nói này hạ thấp giá trị của các hoạt động cải cách, các sản phẩm cải cách và những nhà cải cách. Đương nhiên, đó là cách nghĩ hoàn toàn sai lầm! Đừng bao giờ để những quan niệm cổ hủ đó cản trở bạn.

Có rất nhiều điều mới lạ trong cuộc sống. Và mỗi ngày, trên thương trường đều xuất hiện những ý tưởng mới mẻ. Thật tuyệt vời khi bác sĩ Jonas Salk tin là có một phương pháp mới chế ngự được bệnh tật. Từ niềm tin đó, ông đã tìm ra vắc-xin phòng bệnh bại liệt. Tại sao Thomas Jefferson - Tổng thống thứ ba của Mỹ và John Adams - Tổng thống thứ hai của Mỹ không gửi e-mail hay gọi điện cho nhau? Nếu làm theo hai cách này, người ta có thể tiết kiệm thời gian viết, gửi và nhận thư hàng tuần. Và nếu bạn đang cân nhắc nên chọn mua vé máy bay của hãng nào, hãy gửi tín hiệu khói tới Iracus để xem xét các tùy chọn mà hãng này cung cấp cho khách hàng. Có thể sau đó Iracus sẽ fax lại cho bạn thời gian và giá vé.

Không có điểm giới hạn cho những phương pháp cải tiến sản phẩm, phương pháp bán hàng mới, đổi mới trong cách thức phục vụ khách hàng. Việc pha chế, bán và phục vụ cà phê đã tồn tại hàng thế kỷ trước khi Starbucks tiến hành cách mạng hóa ngành kinh doanh này. Hiện tượng những đứa trẻ luôn làm rơi bình sữa đã tồn tại nhiều thế kỷ cho tới khi một người mẹ nghĩ ra bình sữa có hai quai. Các cuộc bán đấu giá cũng xuất hiện từ lâu và được coi như một hoạt động thương mại, nhưng eBay đã thành lập một doanh nghiệp khổng lồ chuyên thực hiện các cuộc bán đấu giá trực tuyến. Và chắc hẳn phải có một triệu phú ở đâu đó có thể đặt những cái bánh xe nhỏ vào vali. Mỗi ý tưởng trong số những ý tưởng giản đơn này đều là nền tảng cho một công việc kinh doanh đầy sáng tạo.

Nếu bạn tin có cách tốt hơn để cung cấp cho khách hàng những thứ họ muốn hoặc họ cần, có thể bạn đúng. Hãy bỏ qua những lời nhận xét hoặc “lời khuyên” như: “Cách đó đã được làm từ trước rồi” hoặc “Cách đó đã được thử rồi.” Đó là những kẻ giết chết ý tưởng. Đừng nghe lời của những người đó.

Những người quan tâm đến cái mới là: khách hàng, ông chủ, nhân công, nhà cung cấp, nhà đầu tư, người nộp thuế và cả cộng đồng.

Nếu bạn hỏi những người làm việc tại phòng cấp bằng sáng chế là có phải “không có gì mới mẻ trong cuộc sống” không, họ sẽ cho rằng quan niệm đó hoàn toàn ngớ ngẩn.

Có rất nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống. Ý tưởng của bạn có thể là nền tảng cho một công việc kinh doanh nhỏ. Hãy thực hiện nó! Đưa nó lên vị trí hàng đầu! Ý tưởng của bạn hoàn toàn có thể tạo ra cho bạn những khoảnh khắc riêng trong cuộc sống.

Tại sao ý tưởng tồi của một tập đoàn có thể trở thành công việc kinh doanh mới của bạn? Câu trả lời là: Sự khác biệt giữa “Có” và “Không” nằm ở ý nghĩa của chúng đối với chủ doanh nghiệp, đặc biệt là chủ doanh nghiệp nhỏ và đối với các thành viên hội đồng quản trị, các giám đốc điều hành của những tập đoàn lớn.

Đối với chủ doanh nghiệp, “Có” nghĩa là đồng ý, tán thành, có giá trị, tuyệt vời, thành công và tiếp tục. Còn đối với các ủy viên hội đồng quản trị, “Không” nghĩa là rắc rối, thất bại và chấm dứt. Tác động khác nhau của hai từ này đối với chủ doanh nghiệp nhỏ và các ủy viên hội đồng quản trị không phải thoáng qua mà là yếu tố quyết định kết quả.

Ủy viên hội đồng quản trị có thể nghe từ “Có” 99 lần, nghe từ “Không” duy nhất một lần và dừng lại. Trong khi đó, chủ doanh nghiệp có thể nghe từ “Không” 99 lần, từ “Có” chỉ một lần, nhưng vẫn tiếp tục đi.

Vì thế, tập đoàn chính là nơi tuyệt vời để các doanh nghiệp nhỏ tìm kiếm ý tưởng mới. Hãy xem xét những ý tưởng mà các tập đoàn đã gạt đi, và từ chối cân nhắc. Trong những năm 1970, hãng nhập khẩu và kinh doanh đồ uống lớn nhất của Mỹ đã gạt bỏ ý tưởng nhập khẩu nước đóng chai. Một kẻ khờ khạo đã tự khoa trương là mình biết sẽ không có thị trường cho những công ty nước khoáng lớn như Perrier, Evian, và Pellegrino. Ông ta hùng hồn tuyên bố: “Ai sẽ uống nước đóng chai trong khi họ có thể uống từ vòi nước, và ai sẽ uống nước sủi bọt?”

Thực tế, hàng triệu người châu Âu đang dùng những sản phẩm này, hàng triệu người Mỹ đã từng đến thăm châu Âu hoặc có gia đình ở châu Âu cũng dùng chúng, chừng đó cũng đủ là một bằng chứng thuyết phục chứng minh việc các doanh nhân điều hành doanh nghiệp nhập khẩu nhỏ của mình trở thành doanh nghiệp nhập khẩu quy mô lớn.

Paychex, một doanh nghiệp thành công, chuyên cung cấp bảng lương và các dịch vụ thương mại khác cho những doanh nghiệp nhỏ có dưới 50 nhân công, được khai trương sau khi người sáng lập - B. Thomas Golisano đề đạt ý tưởng với cấp trên nhưng bị bác bỏ. “Chúng tôi không nghĩ đó là một ý tưởng hay” là ý kiến phản hồi của lãnh đạo cấp cao đưa ra cho ý tưởng của Golisano. Hiện Paychex đạt doanh thu hơn một tỷ đôla mỗi năm và vẫn đang tiếp tục tăng.

Trong những tập đoàn lớn, luôn có rất nhiều người không thể vượt qua từ “Không”. Những tập đoàn này hay bàn về đổi mới, nhưng bản thân họ lại không đổi mới. Nếu bạn đang làm việc tại một công ty lớn, hãy luôn mở to đôi mắt và căng đôi tai để lắng nghe. Có rất nhiều ý tưởng không hề được dự tính trước nhưng lại chính là cơ sở để làm nên một doanh nghiệp nhỏ thành công.

Nguồn gốc của ý tưởng kinh doanh mới: Đây là một chiếc túi thần kỳ chứa đựng những ý tưởng kinh doanh, địa điểm để xem xét, những lộ trình để tìm cơ hội thành công cho doanh nghiệp nhỏ của bạn:

1. Hãy nhìn vào gương và tự hỏi bạn đã làm tốt những việc gì? Kỹ năng này có thể là nền tảng cho một doanh nghiệp có lợi nhuận cao.

2. Hãy nhìn vào gia đình bạn. Bạn có thể tiến hành công việc kinh doanh nào trên quy mô gia đình không? Hay bạn có thể học việc tại một cơ sở kinh doanh gia đình rồi sau đó bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình không?

3. Hãy nhìn vào công ty hiện tại của bạn. Bạn có thể bắt đầu kinh doanh một mặt hàng nào đó mà công ty của bạn chưa từng làm không? Có thị trường nào mà công ty của bạn cần thâm nhập trước không?

4. Hãy xem xét lại tất cả những ý tưởng mà công ty của bạn đã từ chối, bác bỏ, hoặc đã cố gắng thực hiện nhưng thất bại. Đây thường là những cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ hơn.

5. Hãy đọc các tạp chí về nhượng quyền kinh doanh. Mua một quyền kinh doanh, hoặc thành lập công ty kinh doanh trong lĩnh vực đang có tốc độ phát triển nhanh, ví dụ như thành lập các trung tâm thẩm mỹ. Có hàng nghìn cơ hội nhượng quyền kinh doanh hấp dẫn đang chờ bạn khám phá;

6. Cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các vùng dân tộc thiểu số. Xem xét tốc độ tăng dân số của các vùng này, cung cấp cho họ những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thói quen sinh hoạt;

7. Tất cả các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe luôn cần thiết và ngày càng phát triển khi mỗi năm đều có thêm một lượng lớn những người già đi;

8. Xem các chuyên mục đào tạo kỹ năng trên truyền hình, ví dụ kỹ năng sửa chữa các vật dụng gia đình, làm vườn, trang trí. Các chương trình này thường trình bày những xu hướng và ý tưởng phổ biến. Đã có doanh nghiệp nào nhận xây dựng gara cho các hộ gia đình chưa? Có doanh nghiệp nào cung cấp các bản vẽ thiết kế khu trồng hoa trên Internet không? Có công ty nào quản lý công việc hành chính cá nhân của những người bận rộn không?;

9. Mua công ty mà bạn từng làm việc. Có hai chiến lược để mua công ty là LBO (leveraged buyout) mua quyền kiểm soát một công ty dựa trên vốn của chính mình kết hợp với nợ tài trợ từ ngân hàng, và MBO (management buyout) thu mua bằng nghiệp vụ quản lý;

10. Các kế toán viên, các luật sư đáng tin cậy, nhân viên giao dịch ở các tập đoàn, người môi giới kinh tế, mục rao vặt trên báo là những nguồn lực của các công ty đi đầu trong kinh doanh. Hãy mua một thứ cho mình.

11. Hãy quan sát những công việc kinh doanh ngoài xã hội: Bạn có thể điều hành một công việc kinh doanh tương tự nhưng tốt hơn không? Nhìn vào công việc kinh doanh mà bạn chú ý trong chuyến đi gần đây: Ở nơi bạn sống, có ai đang kinh doanh như vậy chưa, và nhu cầu mặt hàng đó như thế nào?

12. Hãy theo đuổi một ý tưởng mà trước đây bạn từng theo đuổi suốt một thời gian dài. Hãy theo đuổi ý tưởng kinh doanh mà bạn vạch ra khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên, để bắt đầu và thành công bạn phải:

1. Viết một bản mô tả thật rõ ràng lý do tại sao doanh nghiệp của bạn sẽ thành công. Bạn phải đọc bản mô tả này cho nhiều người ở đủ mọi lứa tuổi, nếu họ đều hiểu, chứng tỏ bạn đã mô tả thành công.

2. Phải chắc chắn rằng doanh nghiệp của bạn đang có hoặc sẽ có khách hàng.

3. Dự tính điểm hòa vốn.

4. Dự tính quy mô thị trường.

5. Phải hiểu lý do tại sao bạn có thể bán cho số lượng tối thiểu khách hàng có nhu cầu, hoặc tại sao bạn có thể tạo ra lợi nhuận cần thiết tối thiểu để thành công.

6. Nắm rõ cách thức định vị, thu hút, giành và giữ khách hàng.

7. Phải biết được bạn sẽ cần bao nhiêu tiền để bắt đầu hoặc để tiếp tục công việc kinh doanh.

8. Biết được tại sao cần phải huy động một nguồn vốn sẵn có.

9. Phải nắm được những điểm khác biệt của sản phẩm hay dịch vụ của mình và xác định giá trị của những điểm khác biệt đó khi làm việc với khách hàng (tránh việc định giá theo tổng chi phí).

10. Xác định được phương thức cung cấp hoặc phân phối sản phẩm hay dịch vụ.

11. Phải biết cách nhìn người, nếu có thể, bạn cần và phải có một kế hoạch tuyển dụng.

12. Xác định địa điểm tiến hành công việc kinh doanh.

13. Đặt một cái tên thật hay cho doanh nghiệp của mình.

14. Hãy xắn tay áo lên và vui vẻ tấn công thị trường.

15. Và, điều quan trọng nhất, bạn đang hoặc đã sẵn sàng trở thành người bán hàng xuất sắc của công ty mình. Bạn phải bắt đầu bán và bán không ngừng nghỉ.

Nguồn: VnExpress
(Trích cuốn "Để kiếm được bộn tiền" do Công ty Alpha Books
phát hành)

Bạn trẻ khởi nghiệp

Bạn còn trẻ, và bạn không muốn đi theo con đường mà nhiều người vẫn chọn là trở thành nhân viên ở một công ty nào đó với một mức lương trung bình. Bạn muốn có công việc kinh doanh của riêng mình, đồng thời học hỏi thêm để dần trở thành một ông chủ thật sự.

Tất nhiên đó là một ý tưởng hay, song tự mình tiến hành công việc kinh doanh – và kinh doanh sinh lời – luôn là điều khó khăn. Để giúp đỡ bạn vượt qua giai đoạn này, các chuyên gia đề xuất một số loại hình kinh doanh mà bạn có thể khởi sự, cũng như một vài yếu tố khác mà bạn cần quan tâm trước khi lựa chọn hoạt động kinh doanh.

Lựa chọn đầu tiên là cung cấp dịch vụ. Mọi người đều có thể tham gia lĩnh vực này, bởi vì hầu như ai cũng có một kỹ năng, kiến thức hay kinh nghiệm mà nhiều người khác sẵn lòng trả tiền để có được, nghĩa là nhiều người sẵn lòng trả tiền để bạn dạy họ kỹ năng hay kiến thức nào đó. Cung cấp dịch vụ là hoạt động không có biên giới - bất kỳ thanh niên trẻ nào với nhu cầu và niềm đam mê kiếm thêm các khoản thu nhập đều có thể bán hay cung cấp dịch vụ. Cung cấp dịch vụ là một lựa chọn khá tốt cho các chủ doanh nghiệp trẻ, bởi vì trong nhiều trường hợp, khoản đầu tư ban đầu không lớn lắm, thậm chí chỉ tương đương khoản tiền để in danh thiếp kinh doanh hay dành cho tiếp thị, quảng cáo.

Một lựa chọn khác là bạn sẽ mua các sản phẩm mới, chẳng hạn như kính mắt, quần áo, vật dụng thời trang, nội thất hay quà tặng với số lượng lớn theo giá bán buôn, sau đó bán lẻ lại các sản phẩm đó để tìm thu lợi nhuận. Bạn có thể bán chúng tại nhà, trên mạng, các quầy hàng trên đường phố, hay trong cửa hàng tạp hóa ở địa phương. Cũng như việc cung cấp dịch vụ, bán một sản phẩm mới hay sản phẩm đã qua sử dụng không hề có một giới hạn nào, và mọi người đều có khả năng làm việc đó, bất chấp tuổi tác hay kinh nghiệm.

Lựa chọn thứ ba là sản xuất và bán sản phẩm với mức giá bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng, hay với mức giá bán buôn cho các nhà bán lẻ, nhà xuất khẩu, nhà bán buôn và nhà phân phối khác. Mọi việc nghe có vẻ to tát, nhưng tất cả mọi người đều có thể làm được, bởi vì với một số kiến thức cơ bản đã được đào tạo, mọi người đều có thể nhanh chóng biết được làm thế nào để sản xuất một sản phẩm đơn giản, sau đó bán đi để kiếm lời. Có hàng trăm các sản phẩm khác nhau có thể được sản xuất dễ dàng tại nhà, chẳng hạn như nến, đồ chơi, quần áo, trang sức, đồ mỹ nghệ, nội thất, sản phẩm vườn tược, thảo mộc, lồng chim và khung tranh ảnh....

Bạn có thể kiếm được bao nhiêu tiền?

Khoản tiền mà bạn mong muốn kiếm được là bao nhiêu? Sở dĩ câu trả lời được đặt dưới dạng câu hỏi là vì việc điều hành hoạt động kinh doanh của riêng mình, thậm chí là một công ty nhỏ bán thời gian, sẽ giúp bạn có doanh thu lớn hơn là làm thuê tại một công ty khác. Tại sao? Lý do chính là phép nhân đôi đơn giản. Khi bạn tự mình tiến hành kinh doanh, bạn có thể “nhân đôi” bản thân bằng việc làm thêm giờ, tuyển dụng nhân viên và nhờ đó gia tăng hiệu suất công việc, cũng như đẩy mạnh số lượng khách hàng. Nếu bạn thật sự có năng lực và hoài bão, bạn thậm chí có thể phát triển công việc kinh doanh của mình bằng việc mở các đại lý để cung cấp sản phẩm và dịch vụ tới một số lượng khách hàng đông đảo hơn nhằm thu về lợi nhuận lớn hơn. Có thể nói, khả năng kiếm tiền của bạn sẽ được xác định bởi động cơ và ý chí của bạn.

Lựa chọn đúng cơ hội kiếm tiền

Loại hình kinh doanh hay cơ hội kiếm tiền mà bạn quan tâm phải thật sự phù hợp với bạn. Bạn có thể có mối quan tâm và thậm chí có kinh nghiệm trong một loại hình kinh doanh nào đó, như cung cấp một dịch vụ cụ thể, hay sản xuất và bán sản phẩm, nhưng điều đó không phải là yếu tố duy nhất để thu được nhiều lợi nhuận. Có rất nhiều điểm cần chú ý khi tìm kiếm một sự phối kết hợp tốt nhất, bao gồm cả việc làm những gì bạn thích thú; tận dụng các kỹ năng và kinh nghiệm hiện có của bạn; số lượng tiền bạn có để đầu tư cho hoạt động khởi sự kinh doanh, và nếu bạn còn quá trẻ thì đó còn là sự cho phép và ủng hộ của cha mẹ.

Làm những gì bạn yêu thích. Bạn nên làm những gì bạn thật sự yêu thích, hay ít nhất là một điều gì đó bạn tin rằng mình sẽ thích thú. Nếu bạn không yêu thích những việc mình đang làm, các cơ hội sẽ không ở lại với bạn lâu dài, thậm chí bạn có thể không có động cơ để tiến hành công việc kinh doanh. Thất bại vì thế sẽ không tránh khỏi. Còn nếu bạn khởi sự kinh doanh đúng lĩnh vực bạn yêu thích, tiền bạc và sự thoải mái sẽ là kết quả trực tiếp của những kỳ vọng mà bạn đang đặt vào công việc kinh doanh. Nếu bạn không cảm thấy thoải mái với công việc kinh doanh, chắc hẳn sự khó chịu đó cũng sẽ phản chiếu vào những hoạt động thường nhật của bạn.

Tất cả các doanh nhân thành công đều có một đặc điểm chung: Họ yêu thích những gì họ làm. Nếu bạn yêu thích môn thể hình, hãy nghĩ tới việc mở một trung tâm dịch vụ thể hình; nếu bạn yêu thích các hoạt động ngoài trời, bạn có thể tìm kiếm một cơ hội giúp bạn làm việc bên ngoài; nếu bạn yêu thích động vật, hãy khởi sự hoạt động kinh doanh dịch vụ chăm sóc vật nuôi, hay bất cứ cơ hội nào khác sẽ giúp bạn có thể làm việc với các con vật. Câu thành ngữ cổ “Hãy làm những gì bạn yêu thích và tiền bạc sẽ đổ vào túi bạn” là một lời khuyên tuyệt vời. Cuối cùng, nếu bạn không tin tưởng rằng bạn sẽ thích công việc đó, đừng bắt đầu. Bạn không thể có động cơ làm việc nếu bạn không thích những gì bạn đang làm.

Tận dụng tối đa các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Điều đầu tiên bạn nên biết là bạn không cần quá lo lắng, nếu bạn thiếu các kỹ năng kinh doanh và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, chẳng hạn như bán hàng, tiếp thị hay sổ sách kế toán,.... bởi đó là những kỹ năng quan trọng cần phải có, nhưng đồng thời cũng là những kỹ năng mà bạn có thể học hỏi. Vấn đề ở đây là: “Kỹ năng cụ thể hay kiến thức chuyên môn hiện tại nào của bạn có thể được sử dụng để khởi sự kinh doanh?”. Các kỹ năng và kiến thức mà bạn đang sở hữu luôn rất có ích và chúng luôn là những tài sản quý giá của bạn. Ví dụ, nếu bạn biết chơi piano, thì đó có thể là một kỹ năng mà mọi người sẵn sàng trả tiền để bạn dạy họ. Hay, nếu bạn biết cách làm lồng chim, thì đó cũng là một kỹ năng mà bạn có thể tận dụng để khởi sự kinh doanh với một công ty chuyên về sản xuất và buôn bán lồng chim.

Tuy nhiên, phần lớn mọi người lại có xu hướng đánh giá thấp các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức của mình. Bạn cần nhớ rõ rằng: Những gì có thể rất bình thường đối với bạn có thể là thứ có giá trị đối với người khác. Tương tự, bạn có thể nghĩ rằng kiến thức hay chuyên môn đặc biệt nào đó của bạn là thứ tầm thường, nhưng nếu một ai đó thật sự cần hay mong muốn học hỏi các kỹ năng đó, cần đến dịch vụ/sản phẩm có liên quan, chúng sẽ trở nên vô cùng đáng giá. Bạn hãy xây dựng một danh sách tất cả kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn cụ thể của bạn, sau đó tìm kiếm các cách thức khác nhau để khởi sự một công ty hay một cơ hội làm giàu dựa trên một trong số các kỹ năng, kinh nghiệm đó.

Tạo vốn. Một vấn đề quan trọng khác bạn cần quan tâm là lượng tiền bạn có để khởi sự kinh doanh. Câu hỏi đầu tiên là: Bạn có đủ số tiền cần thiết để khởi sự kinh doanh hay chưa? Nếu chưa, bạn nên nghĩ tới các lựa chọn khác với một loại hình hình doanh khác yêu cầu ít vốn hơn, hay tìm kiếm đối tác để chia sẻ chi phí khởi sự kinh doanh và gánh nặng công việc.

Khoản tiền cần thiết để khởi sự kinh doanh, được gọi là “vốn đầu tư”, có thể được phân loại như sau: “Vốn khởi sự” là những gì bạn cần để mua sắm thiết bị, tiến hành các thủ tục pháp lý, hay mua nguyên vật liệu,... và “vốn hoạt động” là khoản tiền bạn cần để thanh toán các hóa đơn cho đến khi công việc kinh doanh của bạn sinh lời đủ để trang trải các chi phí đó. Các công ty mới với số vốn không đủ cuối cùng sẽ thất bại. Đây là một thực tế trong thế giới kinh doanh. Chính vì việc có đủ tiền hay có khả năng huy động đủ số tiền cần thiết cho hoạt động khởi sự kinh doanh có vai trò quan trọng đến như vậy, nên nếu bạn không thể vượt qua khó khăn đó, bạn hãy tìm kiếm các cơ hội khác thích hợp với bạn hơn.

Sự ủng hộ và cho phép của cha mẹ. Đây là một yếu tố quan trọng, bởi vì nếu bạn ở dưới độ tuổi theo luật định, cha mẹ hay người giám hộ của bạn sẽ cần phải hành động thay mặt bạn và ký vào bất cứ một văn bản, tài liệu pháp lý, tài chính, bảo hiểm nào tùy thuộc vào loại hình kinh doanh mà bạn lựa chọn.

Sự ủng hộ và trợ giúp của cha mẹ còn quan trọng bởi nhiều lý do khác nữa. Đó có thể là việc mượn xe của gia đình, nhờ cha mẹ dẫn bạn đi tham quan một số cơ sở kinh doanh tương tự, nhờ cậy các mối quan hệ của cha mẹ, sử dụng căn nhà của gia đình để cất giữ sản phẩm, hàng hóa, thiết lập văn phòng làm việc,.... Chính vì vậy, bạn nên thảo luận với cha mẹ về kế hoạch kinh doanh và niềm đam mê của bạn để lôi kéo sự đồng tình và thuyết phục họ ủng hộ bạn hoàn toàn trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào. Khi đó, công việc kinh doanh ban đầu của bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.

Kết luận

Giấc mộng kinh doanh luôn hiện hữu trong tâm trí tất cả chúng ta, nhưng chỉ một số ít người thành công, đơn giản là vì đa phần mọi người đều bận rộn với các công việc thường nhật cần làm và không chắc chắn về những gì cần thực thi. Đừng để giấc mộng khởi sự kinh doanh của bạn phải “chết yểu” chỉ bởi không nắm vững về tất cả những vấn đề liên quan trong quá trình khởi sự.

Nguồn: Tạp chí Doanh nhân trẻ

Sếp trẻ chật vật với cơ nghiệp riêng

Hình minh họa
Với chút kinh nghiệp và vốn liếng sau mấy năm đi làm, cộng thêm tiền mượn gia đình, không ít 8X đã lập được công ty. Tuy nhiên, điều hành để tồn tại và mang về lợi nhuận lại là một vấn đề cam go của các "sếp" trẻ.

Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM ngành Công nghệ thông tin, Tuấn Anh đã được một tập đoàn sản xuất phần mềm của Nhật Bản có văn phòng đại diện tại TP HCM tuyển dụng vào vị trí Project Manager (quản lý dự án). Thời điểm mới ra trường là năm 2004, nhưng mức lương khởi điểm của Tuấn Anh đã hơn 2.000 USD một tháng.

Sau 2 tháng thử việc, với năng lực chuyên môn và khả năng quản lý nhóm tốt, cộng lợi thế thông thạo cả 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật, Tuấn Anh được trả lương gấp rưỡi và điều sang Nhật làm việc cho công ty mẹ.

4 năm sau, với kinh nghiệm ở vị trí đứng mũi chịu sào phụ trách những dự án khó khăn nhất, Tuấn Anh tự tin kêu gọi gia đình, bạn bè "góp vốn" và dốc toàn lực để mở công ty riêng, cũng kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm.

Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như mong đợi. "Đi làm thuê mình chỉ cần tập trung vào chuyên môn và quản lý nhóm. Không phải bận tâm đến những việc khác như chọn địa điểm đặt văn phòng, thuê nhân viên vì những việc đó đã có những bộ phận khác lo. Còn khi mở công ty riêng, ở cương vị là người chủ, mình phải bao quát hết mọi thứ. Những điều đó thì mình chưa được học trong mấy năm đi làm thuê", Tuấn Anh tâm sự.

Ở công ty phần mềm của Nhật, Tuấn Anh cũng chỉ chuyên về kỹ thuật lập trình và quản lý nhân viên ở phương diện này chứ không hề đụng đến chuyện thương thảo, ký kết hợp đồng với đối tác, quan hệ khách hàng. Vì thế, khi bắt tay vào điều hành công ty riêng, mặc dù sản phẩm cạnh tranh nhưng Tuấn Anh không thành công khi tìm và thuyết phục khách hàng ký hợp đồng. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho công ty hoạt động chưa đầy một năm đã phải tạm ngưng vì thua lỗ.

Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TP HCM, Nguyễn Hữu Thanh (quê Nha Trang, Khánh Hòa) quyết định ở lại thành phố lập nghiệp. Kế hoạch cho sự nghiệp được Thanh vạch ra khá rõ ràng: Sau khi ra trường sẽ dành ra 3 năm cố gắng "cày thuê" kiếm đủ số tiền mở một công ty kinh doanh điện thoại di động, dịch vụ cài đặt máy vi tính. Công việc Thanh chọn làm cũng là để phục vụ cho kế hoạch kinh doanh sau này: nhân viên kinh doanh cho một công ty bưu chính viễn thông.

Nhưng sau khi bắt tay vào làm chủ Thanh mới thấm thía hết những khó khăn. Nhiều lô hàng nhập về bán không chạy và cũng không liên kết được với cửa hàng khác để chia bớt hàng. Trong khi mẫu mới lại liên tục ra đời theo thị hiếu của người tiêu dùng. Nhiều mẫu vừa nhập hàng về tháng trước nay phải bán giảm 20-25% so với giá gốc. Công việc kinh doanh lỗ nặng, phải sang lại cửa hàng. Số tiền gần một tỷ đồng theo đó cũng "bay hơi" hơn 2/3 so với lúc đầu.

Còn Lê Thị Thu Thảo, sinh viên khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh tế TP HCM sau khi tốt nghiệp đã chọn lĩnh vực kinh doanh mực in, giấy in, thiết bị văn phòng phẩm để đầu tư. Tuy nhiên, thất bại đã đến không lâu sau đó vì không nhân viên nào có thể trụ lại được quá một tháng dưới sự điều hành của bà chủ trẻ.

Thậm chí những người bạn ra trường cùng đợt được Thảo "chiêu mộ" cũng không thể tiếp tục hợp tác được. Kiểu tính toán chi li nhỏ nhặt, như việc thay chiếc bóng đèn, thanh toán tiền taxi, mời khách đi ăn, uống đều bị Thảo xét nét nghi ngờ. Từ đó, nhân viên cũng rất ngại và hạn chế tối đa việc chăm sóc khách hàng đã làm cho công ty mất nhiều mối quan hệ khách hàng lớn.

Không ít sinh viên từ năm thứ 3, 4 đã quyết mở bằng được một cơ sở kinh doanh riêng để tự mình quản lý. Với số tiền 50 triệu đồng vay mượn từ gia đình, 2 sinh viên Thúy Ngọc và Minh Huy (sinh viên năm 3 trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP HCM) đã kêu gọi thêm 2 người bạn học cùng khoa hùn hạp mở một tiệm cafe trong khu Ký túc xá Trần Hưng Đạo B, quận 1.

Số tiền gần 100 triệu đồng của 4 "cổ đông" hùn lại đủ cho nhóm sang lại mặt bằng, mua vật dụng, nguyên liệu pha chế, bàn ghế, trang trí lại quán và thuê nhân viên. Thời gian đầu quán khá nhộn nhịp nhờ kiểu bài trí dễ thương và không khí thoải mái của quán. Bạn bè người này rỉ tai người kia kéo đến ủng hộ.

Tuy nhiên, đó chỉ là không khí của những ngày đầu, càng về sau, tình hình kinh doanh của quán càng đi xuống. Nguyên nhân thất bại trước tiên bắt nguồn từ việc các ông bà chủ sinh viên không quản lý nổi nhân viên mình thuê về với vỏn vẹn chỉ 3 người: một pha chế và 2 nhân viên phục vụ. Số tiền thu - chi dù được kết toán mỗi ngày nhưng không tránh khỏi thất thoát, thậm chí còn có ngày bội chi.

Chưa hết, chất lượng nước uống và cả thái độ phục vụ của các nhân viên cũng không làm hài lòng khách. Ngay cả những bạn bè cùng lớp hết lòng ủng hộ nhưng nhiều người không thể không phật ý khi phải uống những ly cafe ngày càng tệ, nước uống thì pha chế không giống ai. "Một, hai lần còn thông cảm được nhưng cứ thường xuyên như vậy thì không thể chấp nhận", một khách hàng là bạn cùng lớp tỏ ra khó chịu.

Chỉ chưa đầy nửa năm, trước tình hình kinh doanh không mấy khả quan, hợp đồng thuê nhà sắp sửa hết hạn, trong khi vốn liếng cũng đã cạn kiệt, nhóm quyết định sang lại quán. "So với vốn bỏ ra lúc đầu, mỗi người lỗ gần 20 triệu đồng. Làm chủ quả thật không dễ chút nào", Thúy Ngọc đau xót cho biết. Còn Minh Huy thì cho rằng, như vậy cũng còn may vì đó là tiền mượn của gia đình, có thể từ từ làm trả nợ chứ nếu vay mượn bên ngoài, chắc chắn hậu quả sẽ không dừng lại ở mức đáng tiếc.

Một doanh nhân thành đạt kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho rằng vài năm kinh nghiệm sau khi ra trường mới là điều kiện cần chứ chưa đủ để một người trẻ quyết định "ra riêng". Để điều hành một guồng máy, dù cơ cấu có đơn giản đến mức nào cũng không thể thiếu một trong hai kiến thức cơ bản là thực tế và lý thuyết.

"Nếu chỉ dựa vào những điều mắt thấy tai nghe rồi máy móc áp dụng thì chắc chắn sẽ đi đến thất bại. Trước khi bắt tay vào việc kinh doanh tự lập, người đứng đầu phải được trang bị đầy đủ kiến thức, chiến lược kinh doanh. Phải nắm được những nguyên tắc điều hành cơ bản, từ đó áp dụng vào việc thực tế quản lý", vị doanh nhân khẳng định.

Không ít bậc tiền bối trên thương trường cho rằng, tuổi tác cũng rất quan trọng. Theo họ, độ tuổi đủ chín chắn để lãnh đạo ít nhất cũng phải 32-35. Đặc biệt, những lĩnh vực kinh doanh giá trị hợp đồng tương đối lớn, khi biết người đứng đầu có tuổi đời quá trẻ, đối tác cũng tỏ ra đắn đo, không dám mạo hiểm để bắt tay làm ăn. Ngoài yếu tố năng lực chuyên môn, kinh nghiệm quản lý thì năng khiếu, tố chất lãnh đạo cũng không thể thiếu đối với một người chủ doanh nghiệp.

Nguồn: VnExpress

Cách nghiên cứu thị trường khi bắt tay vào kinh doanh

Bài học đầu tiên của bạn trước khi mở cánh cửa bước vào thế giới kinh doanh là tránh mắc sai lầm ngay từ khi lập kế hoạch nghiên cứu và tìm hiểu thị trường. Khởi đầu cho một kế hoạch kinh doanh, cũng có một chút gì đó giống như khi mua một chiếc ô-tô: bạn cần phải tiến hành một vài nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định dứt khoát.

Đầu tiên, hãy tìm hiểu xem liệu trên thị trường có nhu cầu cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn không? Hãy thực hiện một phép phân tích tính cạnh tranh, tìm một địa điểm để mở cửa hàng và thiết lập một kế hoạch khác biệt hóa để chào bán sản phẩm/dịch vụ đó.

Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư vào một nghiên cứu thị trường một cách chuyên nghiệp, bạn nên dành thời gian để thu thập các thông tin có sẵn được cung cấp miễn phí trên mạng Internet. Các trang web của các bộ, ngành hoặc cơ quan chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp hoặc các tổ chức phi chính phủ thường có rất nhiều thông tin và rất dễ dàng tiếp cận.

Ngoài ra, bạn có thể nghiên cứu thị trường bằng các phương pháp của riêng như tiến hành những cuộc khảo sát sử dụng bảng câu hỏi hoặc những buổi phỏng vấn ngắn. Việc này sẽ giúp bạn hiểu biết chi tiết về lĩnh vực riêng biệt của thị trường mà bạn muốn tham gia vào.

Nếu bạn làm tất cả những việc này với một sự cố gắng và cần cù, thì đó chính là sự khác biệt giữa thành công và thất bại và bạn không mất một đồng chi phí nào cả.

Song muốn việc nghiên cứu thị trường trở thành một công cụ có ích cho quá trình kinh doanh sau này, bạn cần phải nắm chắc các khái niệm và ý tưởng kinh doanh. Khi đã có trong đầu khái niệm và ý tưởng rồi, sau đó bạn mới xác định liệu có thể biến ý tưởng đó thành hiện thực hay không? Để làm được điều này, bạn cần phải đặt một số câu hỏi như sau:

1. Thị trường đối với sản phẩm/dịch vụ của bạn đã bão hòa chưa? Ví dụ thành phố này có thực sự cần thêm một cửa hàng kinh doanh phần cứng máy tính hay một cửa hiệu bán hoa không? Hàng năm trong thành phố của bạn, mọi người đã tiêu tốn bao nhiêu tiền cho ngành công nghiệp mà bạn định tham gia? Có khoảng trống nào để thâm nhập vào thị trường này nữa không?

2. Những gì mà bạn sẽ đưa ra chào hàng có đáp ứng được nhu cầu của thị trường không? Nếu như bạn đang nghĩ đến việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc hàng ngày cho những chú chó hoặc triển khai một dịch vụ trực tuyến cho các nhà kinh doanh thương mại, hay bất cứ một dịch vụ chăm sóc đặc biệt nào đó, điều trước tiên, bạn cần phải xem xét là dịch vụ của bạn có thật sự quan trọng và cần thiết đối với khách hàng không? Khách hàng sẽ như thế nào nếu không có sản phẩm/dịch vụ của bạn?

3. Đối thủ cạnh tranh của bạn hiện đang làm gì? Điều này rất quan trọng, bởi vì bỏ qua đối thủ cạnh tranh bạn sẽ không biết được các mối đe doạ tiềm ẩn đến hoạt động kinh doanh của mình. Biết được những thông tin về đối thủ sẽ đảm bảo cho bạn có vị trí vững chắc trên thương trường. Bằng cách biết được những doanh nghiệp khác đang làm gì, bạn có thể chắc chắn rằng giá cả bạn đưa ra là hợp lý sản phẩm của bạn thu hút khách hàng.

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh có nghĩa là tìm hiểu xem họ là ai và sự khác biệt giữa hoạt động kinh doanh của họ với ý tưởng kinh doanh của bạn. Từ đó tìm cách đưa ra các sản phẩm/dịch vụ nổi bật hơn và để làm được điều này, bạn cần phải lợi dụng các điểm yếu của đối thủ cạnh tranh của mình.

Để có thể nhìn nhận vấn đề một cách có hệ thống từ những thông tin thu thập được, bạn phải sắp xếp chúng theo ba loại sau đây:

- Các điểm mạnh của đối thủ cạnh tranh so với bạn
- Những lợi thế của bạn so với đối thủ cạnh tranh
- Những điểm giống nhau giữa bạn và họ.

4. Bạn có thể với tới các khách hàng mục tiêu hay không? Bạn cần biết những thông tin về khách hàng như giới tính, tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, lối sống, thái độ và tầng lớp xã hội của họ. Và khi đã xác định được đâu là khách hàng mục tiêu, bạn cần phải biết:

- Họ là những ai, điều gì sẽ thu hút và hấp dẫn họ
- Số lượng người sẽ nằm trong nhóm này
- Sở thích tiêu dùng của họ thế nào
- Họ đi mua hàng lúc nào và ở đâu.

Ví dụ, nếu bạn có ý định bán sản phẩm của mình cho các đối tượng khách hàng là người về hưu, già cả, bạn nên tìm hiểu xem số lượng loại người này trong thành phố của bạn là bao nhiêu, thu nhập của họ sau khi nộp thuế và đóng bảo hiểm là bao nhiêu?...

Một khi, bạn đã chắc chắn về ý tưởng kinh doanh của mình, hãy đào sâu nghiên cứu nó. Nguồn thông tin và thể loại thông tin tốt nhất mà bạn có thể thu thập phụ thuộc vào từng dạng kinh doanh khác nhau và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Tựu chung lại, nó có thể bao gồm:

- Thông tin thương mại: ví dụ các Hiệp hội kinh doanh thương mại có thể là kênh thông tin trực tiếp mà bạn đang tìm kiếm. Các loại thông tin thương mại khác cũng có thể được tìm thấy ở trong sách và báo chí đã xuất bản dưới dạng in hoặc trực tuyến. Thậm chí, bạn cũng có thể thu nhận rất nhiều thông tin có ích khi đi thăm các gian hàng của một hội chợ thương mại.

- Các dữ liệu về kinh tế hoặc nhân khẩu học: nếu bạn ở nước Mỹ, thì các trung tâm nghiên cứu dữ liệu và kinh tế quốc gia là nơi có thể cung cấp các số liệu mà bạn cần về phạm vi tuổi tác, thu nhập của các tầng lớp trong xã hội, số lượng các loại hình doanh doanh theo khu vực địa lý và tổng lượng bán hàng đối với chủng loại sản phẩm/dịch vụ mà bạn định đưa vào kinh doanh. Ngoài ra, những người quản lý tại các thư viện lớn có thể chỉ ra cho bạn nơi cất giữ những cơ sở dữ liệu đặc biệt mà bạn cần hiện có trong thư viện của họ.

- Thông tin từ các nhóm và hiệp hội kinh doanh: Phòng Công nghiệp và thương mại tại địa phương có thể giúp bạn tìm kiếm những thông tin mà bạn cần. Bạn cũng có thể thử tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung tâm phát triển kinh doanh vừa và nhỏ được chính phủ tài trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp và chủ kinh doanh nhỏ.

- Thông tin từ các trường đại học tại địa phương: thỉnh thoảng, các giáo sư tại các trường kinh doanh cũng hay yêu cầu các sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường tiến hành các nghiên cứu có tính khả thi về thị trường để lấy các chứng chỉ tốt nghiệp khóa học. Vì vậy, rất có thể đó cũng là nguồn thông tin có ích cho bạn.

- Thông tin từ các đối thủ cạnh tranh tại địa phương: Nếu bạn đang định bắt đầu kinh doanh tại địa phương nào đó, hãy tìm các cửa hàng của các đối thủ cạnh tranh và thử tìm kiếm các website bán hàng của họ. Hoặc tìm hiểu một công việc kinh doanh tương tự trong một thành phố cũng tương tự như nơi mà bạn sẽ bắt đầu kinh doanh để gặp gỡ và trò truyện với những người chủ sở hữu nó. Điều này sẽ giúp bạn biết lý do tại sao họ bán sản phẩm/dịch vụ đó và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thâm nhập thị trường và thu hút khách hàng. Đó sẽ là những kinh nghiệm quý báu đối với bạn.

- Thông tin từ các khách hàng tiềm năng: Đối tượng khách hàng tiềm năng mà bạn cần lấy thông tin không phải là bạn bè và những người thân trong gia đình bạn, vì có như thế bạn mới có cơ hội để nghe được sự thật từ họ. Đó là những thông tin giá trị về các mong muốn, sở thích của họ đối với sản phẩm/dịch vụ của bạn.

Nghiên cứu và tìm kiếm thông tin về thị trường là yếu tố sống còn để đảm bảo cho ý tưởng kinh doanh của bạn trở thành hiện thực. Nhiều người gặp trục trặc bởi vì họ không dành đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu về ý tưởng kinh doanh và tính khả thi của nó trên thị trường. Việc có đầy đủ thông tin và những nghiên cứu thích hợp về thị trường sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho những ai mới bắt tay vào kinh doanh.

Nguồn: BWPortal

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References