Nữ CEO 15 tuổi

Chỉ trong vòng 3 năm, một công ty nhỏ đã trở thành đối tác của người khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa là Tập đoàn Wal-Mart. Điều đáng nói là người sáng lập và điều hành doanh nghiệp này là một thiếu nữ mới 15 tuổi...Đó chính là Jasmine Lawren- một cô bé da màu- nữ CEO của Công ty Eden Bodyworks- một công ty chuyên sản xuất các sản phẩm như dầu gội đầu, sản phẩm chăm sóc da, nước hoa...

Khám phá công ty Eden Bodyworks

Công ty Eden Bodyworks của cô chủ nhỏ Jasmine Lawren có trụ sở đặt tại ngay căn nhà nơi cô đang sống cùng cha mẹ tại Mount Laurel, bang New Jersey, Mỹ. Gian bên ngoài của căn nhà được dùng làm phòng tiếp tân- nơi bạn bè và người nhà giúp đỡ Jasmine Lawren trả lời điện thoại của khách hàng. Gian trong, cô chủ 15 tuổi cùng bạn học đang kiểm tra, thẩm định và xử lý các đơn đặt hàng, dưới tầng hầm, là nơi để đóng gói sản phẩm.

Cùng với việc sản phẩm của công ty Eden Bodyworks ngày càng bán chạy trên thị trường Mỹ, lúc nào cô chủ Jasmine cũng đều mong muốn được mở rộng nhà xưởng cũng như văn phòng của công ty mình. Cô cho biết: “Hiện tại tôi đang chuẩn bị mọi thứ để mở rộng công ty đồng thời kết hợp với việc mở rộng sản xuất, đấy là một việc làm lớn”. Jasmine Lawren nói một cách đĩnh đạc, tự tin hơn rất nhiều so với những thiếu niên cùng tuổi khác. Cô còn cho biết thêm: “Tôi không cho rằng một người quá già hoặc quá trẻ là không thể thực hiện được những việc mà mình mong muốn”.

Hiện nay nữ Giám đốc điều hành (CEO) trẻ này đang theo học tại Trường trung học Williamstown ở miền Nam bang New Jersey. Hai năm trước đây, Jasmine Lawren đã tìm hiểu và tự pha chế dầu gội đầu với thành phần là các chất có nguồn gốc từ thiên nhiên để cho bản thân cô sử dụng, sau đó là sự ra đời của Eden Bodyworks- một công ty chuyên sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dầu gội do Jasmine Lawren tự pha chế. Hiện nay ở Mỹ, có rất nhiều các siêu thị và các nhà kinh doanh mỹ phẩm tìm đến Eden Bodyworks của Jasmine Lawren biểu thị mong muốn hợp tác và làm ăn lâu dài. Chính vì việc làm ăn của Jasmine Lawren diễn ra rất thuận lợi nên cô cũng không khó khăn gì khi thuyết phục nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ là Wal-Mart trở thành đối tác lớn của mình.

15 tuổi, Jasmine Lawren đã chứng minh rằng với một cô gái trẻ da màu như cô, ai cũng có thể gặt hái được thành công tại Mỹ nếu như luôn biết cố gắng. Hiện nay ở Mỹ, Jasmine Lawren là một trong những đại diện của thế hệ thanh niên: “Khởi nghiệp thành công”.

Khởi nghiệp từ dầu gội đầu

Vì sao một cô gái trẻ như Jasmine Lawren lại chọn khởi nghiệp từ một nghề mà cô chưa hề biết qua? Lý do này bắt nguồn vào năm 11 tuổi, Jasmine Lawrence đã bị rụng tóc khi sử dụng loại dầu gội không phù hợp, cô cho biết: “Lúc đó, không thể tưởng tượng nổi là tóc tôi lại bị dị ứng đến mức như thế. Nhìn nó trông thật đáng sợ. Nhưng không thể không gội đầu, và từ mái tóc tôi đã nảy ra ý tưởng tạo ra loại dầu gội tốt nhất cho mái tóc của mình”. Từ đó, hàng ngày cô gái trẻ đã cất công tìm hiểu, nghiên cứu và thấy được đó là hậu quả do một số hóa chất có trong dầu gội đầu gây ra. Sau đó Jasmine Lawrence bắt đầu tìm hiểu và tự pha chế dầu gội đầu với thành phần là các chất có nguồn gốc từ thiên nhiên để cho bản thân cô sử dụng. Sau nhiều lần pha chế với rất nhiều loại dầu gội đầu khác nhau, tự mình sử dụng và tự mình kiểm tra, Jasmine Lawrence đã nhận biết được ưu điểm của mỗi loại dầu gội đầu khác nhau và có các công thức pha chế của riêng mình. Và cuối cùng cô cũng tìm ra được một cách pha chế tốt và thích hợp nhất đối với mái tóc của cô mà không hề phát sinh tác dụng phụ.

Đối với người khác mà nói, khi sử dụng không hợp một loại sản phẩm nào đó thì biện pháp tốt nhất là họ sẽ bỏ và không sử dụng loại sản phẩm đó nữa mà sẽ thay thế bằng một loại sản phẩm khác. Tuy nhiên, với một cô gái ưa tìm tòi và khám phá như Jasmine Lawren thì đó lại là một gợi ý tốt cho những ý tưởng của cô, và thời gian đã chứng minh, Jasmine Lawren đã thành công với những ý tưởng của mình. Cũng trong năm này, Jasmine Lawrence được tham gia một trại hè do Quỹ giáo dục khởi nghiệp quốc gia Mỹ (NFTE) tổ chức và được học về lập kế hoạch kinh doanh, chiến lược về giá cả... Những điều đó đã thôi thúc cô gái trẻ tuổi bắt tay vào thực hiện kế hoạch mở một doanh nghiệp riêng.

Xây dựng công ty của riêng mình

Năm 2004, với quyết tâm thực hiện được kế hoạch của mình cùng với sự ủng hộ của gia đình, Jasmine Lawrence đã bắt đầu khởi nghiệp với số tiền 2000 đô la từ tiền vay của bố mẹ cô. Lúc đầu, sản phẩm của Jasmine chỉ có suy nhất một loại dầu gội đầu và những khách hàng đầu tiên chính là…. những người thân trong gia đình và bạn bè của cô. Dần dần, bạn bè sau khi được dùng thử sản phẩm dầu gội đầu do Jasmine pha chế đã đề nghị mua và giới thiệu cho người khác cùng sử dụng. Và lúc đó, các cửa hàng bán lẻ tại nơi Jasmine ở đã đề nghị mua sản phẩm dầu gội đầu của Jasmine. Lúc này, Jasmine Lawrence ý thức được rằng, cơ hội đang đến với mình và cô đã biết nắm lấy cơ hội để thực hiện kế hoạch của mình. Việc ra đời công ty Eden Bodyworks do Jasmine làm chủ đã không nằm ngoài kế hoạch đó, lúc này Jasmine mới tròn 13 tuổi, và cô vừa làm Giám đốc điều hành vừa kiêm phụ trách kỹ thuật của Eden Bodyworks.

Những khó khăn ban đầu về nhà xưởng, về sản xuất cũng dần dần được khắc phục. Đến cuối năm 2006 từ một sản phẩm ban đầu Jasmine Lawrence đã nâng số lượng sản phẩm dầu gội đầu của Eden Bodyworks lên đến 7 loại và thiết lập được hệ thống sản xuất và kinh doanh mang tính khoa học. Số lượng đặt mua sản phẩm của Eden Bodyworks ngày càng nhiều và công việc làm ăn của CEO trẻ tuổi Jasmine Lawrence cũng lên như diều gặp gió. Với những thành công đó, Jasmine Lawrence đã giảm được giá thành sản phẩm từ 5 USD/chai xuống còn có 0,95 USD/chai khiến cho sản phẩm càng được nhiều người sử dụng và dùng thử... Những sản phẩm của Eden Bodyworks giờ đây được biết đến trên khắp nước Mỹ cùng với khẩu hiệu: “Chia sẻ, yêu thương và trưởng thành”.

Lợi nhuận của năm đầu tiên khi Eden Bodyworks ra đời là 15000 đô la Mỹ. Chính khoản lợi nhuận không nhỏ này đã làm tăng thêm sức mạnh, sự tự tin vào thành công của bà chủ Jasmine, và hướng đi của Eden Bodyworks càng được định hướng một cách rõ ràng nhất.

Một CEO thành công

Đầu năm 2006, Jasmine nhận được điện thoại mời tham gia chương trình của nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey. Đây là một chương trình lớn và rất nổi tiếng của Mỹ, thu hút hàng triệu khán giả Mỹ và các nước trên thế giới cùng theo dõi. Sau đó Jasmine còn nhận được lời mời tham gia trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình ABC, CN 8 Philadelfia, Montel Williams... Những sự kiện này đã khiến cho số lượng đơn đặt hàng gửi đến Công ty Eden Bodyworks tăng vọt.

Chính những lần được mời tham gia các chương trình phỏng vấn này đã giúp Jasmine Lawrence tự tin lên rất nhiều. Cô tâm sự: “Trước đây, khi bắt đầu lập nghiệp và thành lập công ty, những người lớn tuổi thường coi những thứ mà tôi luôn cố gắng để có được chỉ là một trò chơi. Họ thường nói với tôi rằng: ‘Jasmine à, cháu còn quá nhỏ để hiểu thế nào là thương trường, mọi việc cháu làm đều không thiết thực’. Chính vì thế việc được tham gia phỏng vấn đã khiến tôi cảm thấy những vịệc mình làm đã đi đúng hướng. Tôi cũng cảm thấy mình trưởng thành và tự tin lên rất nhiều vì được mọi người công nhận là một người thành công mặc dù tôi mới chỉ có 15 tuổi”.

Ngày 18 tháng 4 năm 2007, Jasmine Lawrence được Quỹ giáo dục khởi nghiệp quốc gia Mỹ trao giải thưởng “Doanh nhân của năm” - một giải thưởng mang tính toàn cầu nhằm mục đích khuyến khích thanh niên khởi nghiệp. Cùng với những thành tích được ghi nhận, hai tháng sau khi vượt qua 4000 ứng viên độ tuổi từ 12 đến 18 đại diện cho những thanh niên ưu tú của Mỹ, Jasmine còn nhận được giải thưởng: “Nữ doanh nhân khởi nghiệp thành công năm 2007” cùng với 5000 đô la tiền thưởng. Những phần thường này là món quà vô giá đối với sự nỗ lực không ngừng của cô CEO nhỏ tuổi này.

Từ một sản phẩm ban đầu, hiện nay Công ty Eden Bodyworks đã nghiên cứu và phát triển 11 loại sản phẩm bao gồm: dầu gội đầu, sản phẩm chăm sóc da, nước hoa... Những sản phẩm này của Jasmine vẫn được quảng bá một cách rộng rãi tại các trang web và các kênh thông tin khác. Tháng 8 năm 2007, sau một thời gian tìm hiểu hợp tác, Eden Bodyworks đã trở thành đối tác của người khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa là Tập đoàn Wal-Mart, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng nhất của Mỹ. Đầu năm 2008, số lượng các địa điểm của Wal-Mart có phân phối sản phẩm của Eden Bodyworks đã ngày càng tăng. Và tên tuổi của Jasmine Lawrence cũng không ngừng được bay xa.

“15 tuổi- một CEO tài năng, một người đại diện cho thế hệ trẻ năng động” là những gì mà mọi người nói đến Jasmine Lawrence- một cô gái da màu- một người đã vượt qua mọi dư luận để chứng minh một chân lý : “Tuổi nhỏ nhưng ý chí không nhỏ”. Sự thành công trên thương trường của cô bé 15 tuổi Jasmine Lawrence đã trở thành một tấm gương sáng luôn: “Dám nghĩ dám làm” đối với thế hệ thanh niên ở Mỹ nói riêng và thanh niên trên thế giới nói chung. Đó là hình ảnh về cô bé đầy nghị lực đã đạt được thành công chính nhờ những cố gắng và nỗ lực hết mình của bản thân.

Hải Hiền (VietnamNetJobs)

Trượt đại học vẫn thành tỉ phú

Chủ tịch tập đoàn Trend Micro Steve Chang
Từ 5 nghìn USD, sau 15 năm, người được mệnh danh với nhiều tên gọi như "Bill Gates của Châu Á", "Ác mộng khủng khiếp nhất của tin tặc"... đã dựng nên một tập đoàn xuyên quốc gia Trend Micro - chuyên phát triển các phần mềm diệt virus máy tính, bảo mật Internet - đạt doanh thu 850 triệu USD vào năm 2006; tạo hơn 4 nghìn việc làm tại hơn 40 quốc gia và lãnh thổ; chiếm 55% doanh số của thị trường phần mềm Châu Á.

Gần đây, ông đã khởi động sự nghiệp vì lợi ích công cộng của Tập đoàn Trend Micro - trồng rừng nguyên liệu làm bột giấy và gỗ ván ép - tại Việt Nam. Người đó là Steve Chang.

Tôi phỏng vấn Steve Chang vào một buổi đầu chiều oi ả, thời điểm nhàn rỗi hiếm hoi mà ông có thể thu xếp được trong 2 ngày làm việc tại VN. Ông nhận lời phỏng vấn ngay khi vừa tham dự buổi gặp mặt với đại diện các doanh nghiệp IT, xuất bản sách, giảng viên và sinh viên VN tại trường Kinh tế quốc dân để trò chuyện về những bí quyết kinh doanh thành công, giới thiệu cuốn sách "Xu thế không gì ngăn cản nổi" do chính vợ ông - Jenny Chang, đồng sáng lập và là Giám đốc Marketing toàn cầu, Phó Tổng giám đốc điều hành toàn cầu của Trend Micro - viết. Cuốn sách kể về sự phát triển và phương pháp kinh doanh độc đáo của Trend Micro này đã được in ra 7 thứ tiếng, và trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong các trường Đại học ở Mỹ, trong đó có trường ĐH nổi tiếng Harvard. Steve Chang nói vội vã, cử chỉ cũng vội vã như để theo kịp nguồn năng lượng đang chảy dồi dào trong người ông.

Đâu là những cột mốc quan trọng trong cuộc đời luôn chảy xiết của ông?


- Cột mốc mà tôi luôn nhớ đến đầu tiên là việc thi trượt đại học. Ở Đài Loan, thi trượt đại học là một việc rất đáng xấu hổ, gây thất vọng cho cả bản thân lẫn toàn bộ gia đình. Bố mẹ tôi đã rất giận dữ, còn tôi thì nghĩ đó là điểm kết thúc của cuộc đời mình. Một năm sau đó, tôi lên đường du học tại Mỹ, nơi đánh dấu nhiều cột mốc của cuộc đời tôi. Tại đây, tôi hiểu ra trượt đại học không phải một khó khăn to tát, bởi học là cơ hội mở ra cho cả cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi chọn một công ty nhỏ ở New York làm điểm khởi đầu sự nghiệp. Tôi đã phấn đấu hết mình, chấp nhận bị bóc lột sức lao động, không màng đến chức vị thăng tiến.

Nhiều người bạn thân cho đó là sự điên rồ mà không nghĩ rằng tôi đang thu lượm sự thách thức của công việc và cơ hội học hỏi từ ông chủ. Hai năm sau, tôi lại từ bỏ mức lương cao và chức vị tiến sĩ đã ở trong tầm tay, trở về Hewlett-Packard Đài Loan làm nhân viên marketing. Môi trường làm việc ổn định và nhiều đãi ngộ ở HP không làm tôi quên đi cơ hội thực hiện mục đích cao cả của mình. Năm 1988, tôi đã mạo hiểm cùng vợ sáng lập ra Trend Micro tại một góc nhà để xe chỉ vẻn vẹn 10 mét vuông tại Mỹ. Trải qua bao nhiều thất bại, sai lầm và mất vô số tiền để mua những bài học kinh nghiệm trong suốt 10 năm, Trend Micro của tôi mới có thể đứng để trở nên vững chãi và thịnh vượng như hôm nay.

Năm 1988, Steve Chang đã sáng lập ra Công ty Trend Micro chuyên về phần mềm dịch virus máy tính tại California (Mỹ). Chỉ trong vòng 10 năm, công ty này đã biến thành tập đoàn đa quốc gia, có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) chuyên phát triển các phần mềm và dịch vụ bảo vệ máy tính khỏi virus, phần mềm độc hại ẩn trên máy tính, thư rác, thư điện tử lừa phỉnh (phising email) và các mối đe dọa dựa trên web. Trend Micro có các công ty chi nhánh tại Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mỹ, Ireland, Dubai, Australia, New Zealand và giá trị của Trend Micro trên thị trường chứng khoán hiện đạt gần 6 tỉ USD.


Các sản phẩm nổi tiếng toàn cầu của Trend Micro là chuỗi sản phẩm chống virus PC-cillin (tung ra thị trường năm 1990), chương trình quét phần mềm độc hại ẩn trên máy tính trực tuyến, miễn phí HouseCall , Trend Micro InterScan VirusWall (1996)..... Từ năm 2004, MSN Hotmail đã sử dụng các phần mềm của Trend Micro để quét miễn phí thư điện tử và các file đính kèm. Năm 1995, sản phẩm PC-cillin đạt các giải thưởng "5 ngôi sao" của tạp chí chuyên ngành PC Computing, "Sự lựa chọn của biện tập viên" của tạp chí Home PC, "Sản phẩm của năm" của tạp chí PC World lần thứ 3 liên tiếp. Năm 1996, InterScan VirusWall giành giải thưởng của tạp chí Windows NT. Năm 1999, giải pháp phòng chống virus cho xí nghiệp nhận giải thưởng "Sản phẩm của năm" của tạp chí Network. Năm 2001, IDC tuyên bố Trend Micro dẫn dẫn về các giải pháp phòng chống virus cho máy chủ, là nhà bán hàng tự động phát triển nhanh nhất thế giới. Năm 2002, Trend Micro đạt chỉ số Nikkei 225 (là một trong 225 cổ phiếu được dùng để quyết định chỉ số Nikkei).

Ông có thể kể một trong những thất bại của mình không?


- Tháng 4.2005 (thời điểm Trend Micro đã trở thành một tập đoàn vững mạnh - PV), Trend Micro đã phát đi một báo động cảnh báo virus nhầm có quy mô lớn, gây xáo trộn và ngừng trệ hoạt động của nhiều máy tính trên khắp Châu Á. Sự cố này khiến Trend Micro phải mất 2 tuần để sữa chữa và 10 triệu USD để đền bù cho các khách hàng. Với tiêu chí luôn là chính mình, chúng tôi đã thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm và xin lỗi khách hàng. Lỗi lầm đó nhắc nhở chúng tôi luôn phải phấn đấu tiếp cho dù mình đang ở bất cứ thời điểm nào.

Vượt qua mọi thất bại, Trend Micro vẫn thành công. Vậy yếu tố nào mà ông nghĩ đã tạo nên sự thành công của mình?


- Tôi tự nhận mình chưa phải là người thành công. Mỗi người có một định nghĩa thành công riêng biệt cho bản thân. Có thể với những gì tôi đạt được, mọi người đánh giá rằng đấy là thành công nhưng với tôi, đó không phải. 15 năm trước, giống như nhiều người, tôi từng nghĩ rằng thành công là kiếm được nhiều tiền, mua được nhiều nhà to, xe đẹp nhưng càng làm việc, tôi càng nghĩ khác. Tôi thấy rằng tiền không giúp mình thoả mãn được bản thân. Theo tôi, thành công to lớn nhất là trở thành chính mình. Nó tạo ra sự thoả mãn rằng mình có năng lực, không sợ hãi trước mọi khó khăn và hài lòng với bản thân mỗi ngày. Vì vậy, tôi không cho phép mình ngồi yên mà luôn vận động để tìm sự thành công trong chính trái tim mình.

Như muốn tôi thấm được triết lý thành công mà ông đúc kết được, Steve Chang luôn đặt tay phải của mình lên tim khi nói. Ông cho biết luôn trân trọng, quên mình vì công việc, những hoài bão cao cả, và cả những khó khăn mà nhiều khi đã "đánh gục" ông bởi với ông, chúng là những người thầy vĩ đại nhất, giúp ông học hỏi suốt cả đời người. Ông thích được đặt cái nickname (biệt danh) là "Ác mộng khủng khiếp nhất của tin tặc" thay vì ví von là "Bill Gates của Châu Á" (cái tên này được báo chí và truyền thông quốc tế đặt cho ông cách đây 5-7 năm nhằm công nhận những nỗ lực của ông trong ngành công nghệ thế giới). Với ông, việc được so sánh với Bill Gates thật đáng hãnh diện nhưng nó khiến ông cảm giác mình không được thừa nhận là mình, không được công nhận những khả năng riêng biệt của mình. Dù bận rộn vô cùng nhưng Steve Chang vẫn thường bỏ ra 2 tiếng/ngày để ngồi thiền. Với ông, ngồi thiền là khoảng thời gian để tôi luyện trở thành chính mình.


Ông có kế hoạch gì trong quãng cuộc đời tiếp theo của mình?

- Nghỉ ngơi? Tôi không thể làm được điều đó. Tôi đã 54 tuổi trong khi còn rất nhiều việc để làm. Tôi phải liên tục nâng cao năng lực để đánh tan toàn bộ sự tồn tại của cảm giác sợ hãi trong bản thân, để được là chính mình ở mức độ cao nhất. Mặc khác, tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ giúp những người xung quanh tìm thấy bản thân họ, giúp họ nhận ra và phát triển mạnh mẽ năng lực của mình. Đó là cách tạo ra hạnh phúc cho những người xung quanh tôi. Tôi đã đi rất nhiều quốc gia, trong đó có VN, để giới thiệu hai cuốn sách ghi chép lại chuyện lập nghiệp và thành công của Trend Micro do tôi và vợ tôi thực hiện với mong muốn đem lại được phần nào kinh nghiệm sống, bí quyết kinh doanh của mình tới giới trẻ, giúp họ có thể thực hiện ước mơ nhanh hơn, thành công hơn. Tôi quả thực có "duyên phận" với đất nước của các bạn khi khởi động sự nghiệp vì lợi ích công cộng của Trend Micro đầu tiên tại đây.

Sự nghiệp công ích này được đặt tên là Innovgreen. Theo đó, chúng tôi sẽ triển khai từ các tỉnh của miền Bắc VN như Quảng Ninh, Lạng Sơn đến các tỉnh miền Trung như Nghệ An và Kon Tum để trồng những khu rừng bạt ngàn cây bạch đàn và keo - những loại cây có thể sử dụng làm bột giấy và gỗ ván ép công nghiệp - trên chính mảnh đất trong quá khứ đã chịu sự huỷ hoại của các chất độc da cam. Chúng tôi sẽ áp dụng những kỹ thuật tiên tiến để lai tạo giống trong nông nghiệp, giúp ngắn thời gian sinh trưởng của cây trồng. Hy vọng rằng những việc làm đó không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm cho người nông dân VN.

Rất cảm ơn những việc ông làm cho VN. Theo ông, giới trẻ VN cần phải làm gì để có thể ghi dấu thành công trên bản đồ thế giới?


- Tôi nhận thấy VN đang có một thế hệ trẻ dồi dào, rất năng động, sẵn sàng học hỏi và đặc biệt là có tính kiên định cao. Đó là những tố chất rất cần thiết để đạt được thành công. Bên cạnh đó, VN đang ở thời kỳ vô cùng thuận lợi và hứng thú, khi mà Internet kết nối họ với toàn cầu. Theo tôi, cần thúc đẩy, khuyến khích, tạo điều kiện hơn nữa để giới trẻ VN phát lộ những tố chất đó ở mức độ cao nhất bằng nhiều hình thức. Họ phải trở nên độc lập, luôn là chính mình để từ đó tìm ra những hướng phát triển phù hợp nhất với khả năng của họ. Bản thân giới trẻ VN, muốn thành công hãy biết nhìn xa trông rộng, "vươn ra biển lớn mà đánh bắt", thay vì quanh quẩn tìm kiếm cơ hội ở "ao nhà". Hãy học hỏi ở mọi nơi, mọi lúc và rèn luyện bản thân vượt qua mọi nỗi sợ hãi, nghi ngại để tiến lên.

Thu Trang (Lao Động)

Sắm ô tô đi mần ruộng

Anh Phú đang hướng dẫn cho người quản lý ruộng cách chăm sóc lúa
9 giờ sáng. Chiếc ô tô từ từ dừng lại trước một quán cà phê sang trọng ở thị trấn Tri Tôn. Từ trên xe, một thanh niên mới hơn 30 tuổi mặc quần jeans, chân đi giày da bước vào quán. Nhìn cung cách, ít ai biết rằng anh là nông dân chính hiệu, mỗi năm mần ra hơn 30.000 giạ lúa.

Anh nông dân ăn chịu hàng trăm gói mì

Người thanh niên ấy là Trịnh Văn Phú (34 tuổi, ngụ ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang). 12 năm trước, Phú lập nghiệp bằng nghề mua bán vật tư nông nghiệp. Có bao nhiêu vốn liếng anh đổ hết vào mua phân, mua thuốc trừ sâu về bán chịu cho bà con nông dân, tới mùa lấy lúa trừ nợ. Xui rủi năm đó xứ Lương An Trà bị thất mùa, bà con còn không có gạo ăn, lấy đâu ra tiền trả nợ phân, thuốc cho anh? Thế là số tiền mang theo hơn 40 triệu đồng đã "vỗ cánh bay xa" không hẹn ngày gặp lại! Trịnh Văn Phú trở thành kẻ "trắng tay". Hằng ngày, anh phải khiêng máy đi bơm nước mướn mới có tiền đong gạo. Chiếc máy bơm nặng hơn trăm kg thường phải hai người khiêng, nhưng do không có tiền mướn nhân công, Phú phải tự xoay xở một mình, đến nỗi đau cả xương sống. Làm cực vậy mà cũng chẳng đủ ăn. Máy móc trục trặc hoặc khi mùa màng nhàn rỗi, anh bị đói dài dài. Thấy anh đói quá, người chủ quán "cóc" ở vàm kinh thương tình cho ăn... chịu mì gói. Phú ngậm ngùi: "Tôi phải ăn mì thay cơm hết ngày này qua tháng nọ, ăn thiếu cỡ mấy trăm gói mì mà tình thế cũng chẳng khá hơn. Khi đó, tôi thèm được ăn một bữa cơm, dù chỉ với cá kho quẹt nhưng cũng không có được".

Đói quá, nhiều lần anh định "quy cố hương", về với cha mẹ cho đỡ khổ. Nhưng chẳng lẽ trở về quê với một bộ dạng "tơi tả" này sao? Lòng tự trọng đã cột chân anh ở lại. Một lần khi bơm nước mướn, anh nghe ông chủ có ý định sang miếng ruộng với giá rẻ để về quê. Nghe cho biết vậy thôi, chớ lúc đó anh chẳng có đồng xu dính túi, nào dám mơ tưởng? Nhưng sự đời ai mà biết được. Mấy hôm sau có người ở xứ xa đến hỏi mua đất, do lúc đó đất ở đây làm ruộng đã bắt đầu trúng. Anh trở thành kẻ "làm mối" cho hai người. Bên bán cho một ít, bên mua cho một ít, khiến cuộc sống của anh đã bắt đầu bớt khổ. Đến năm 2000, anh đã có trong tay 100 triệu đồng và bắt đầu cuộc hành trình "làm lại cuộc đời" !

Cải tạo đất hoang thành ruộng

Phú kể: Hồi đó, với 100 triệu đồng, có thể mua vài chục công đất mần ruộng, mỗi năm thu về mấy trăm giạ lúa. Là một người sống độc thân, bấy nhiêu đó cũng có thể gọi là tạm đủ sống, chớ không thể làm giàu được. Đang tính nát óc không biết nên đầu tư vào đâu thì có tin Nhà nước đấu giá 200 công đất (trước đây trồng khoai mì không hiệu quả - PV). Phú mang tin này kể cho ông bạn là chủ một tiệm vàng ở Tri Tôn nghe. Ông bạn liền bảo nếu anh muốn mua, sẽ cho mượn 700 triệu đồng với điều kiện: giao cho anh ta giữ giấy tờ. Trong vòng một năm nếu anh trả đủ tiền thì lấy miếng đất, nếu không trả được thì anh ta lấy đất và anh mất luôn 100 triệu đồng. Sau một đêm suy nghĩ, Phú quyết định mượn tiền mua đất.

Trời không phụ lòng người. Năm đó, lúa trúng bể bồ. Phú trả dứt nợ và trở thành chủ sở hữu thật sự miếng đất rộng đến 200 công (20 ha). Có đất rộng, anh bắt đầu sắm máy cày, máy suốt; xây dựng nhà kho, lò sấy... Mần 200 công ruộng thấy... chưa đã, Phú mua thêm đất rồi dùng máy cày khẩn hoang, biến thành đất thuộc. Phú kể: "Hồi đó, dân nghèo được cấp đất không có tiền đầu tư cải tạo trồng lúa nên cứ để cỏ dại mọc um tùm. Nhiều người kêu bán lại với giá chỉ 3-4 triệu đồng/công. Tôi mua mỗi lần vài chục công, dùng máy cày nhà san, ủi, cải tạo đất hoang thành đất trồng lúa, ai cần thì nhượng lại, coi như "lấy công làm lời". Đất làm ruộng trúng, dân các nơi đổ về mua nhiều nên tôi kiếm lời cũng bộn"!

Sắm ô tô

Sau những việc đồng áng, thú vui duy nhất của Phú là "cưỡi" ô tô và... "trầm" quán cà phê ! Phú nói, lúc uống cà phê tôi "làm" được nhiều thứ lắm. Chẳng hạn tính xem lúa bị vàng lá là do bệnh gì, năm trước mình dùng thuốc gì và dùng với liều lượng thế nào thì cho hiệu quả tốt nhất? Hay chuyện ông A có miếng đất rộng cả trăm công, đã bỏ hoang mấy năm, nay kêu cho mướn với giá rẻ mình có nên mướn không?... Sau những buổi "trầm" quán cà phê như thế, Phú đã quyết định mướn hơn 300 công đất hoang mần ruộng. Anh tính: "Đất người ta cho mướn chỉ 70 - 100 ngàn đồng/công. Mình có máy nhà, chỉ tốn tiền dầu và nhân công khoảng 1 triệu đồng/công là có thể trồng được lúa. Người ta cho mình làm được 4 năm, tính ra mỗi công làm được khoảng 4 tấn lúa, cũng có lời khá khá. Hoặc nếu không thích làm, cho mướn lại cũng kiếm hơn tỉ bạc".


Trịnh Văn Phú (bên trái)

Vài năm trở lại đây, vừa đất mua, vừa đất mướn, mỗi năm Phú mần gần 600 công ruộng, thu hoạch khoảng 30.000 giạ lúa. Hiện anh đã sắm được 6 chiếc máy cày, có chiếc giá đến hơn 200 triệu đồng. Anh đang đầu tư xây dựng nhà kho để chứa lúa, chứa phân. Theo anh, nhà kho có nhiều cái lợi: trước hết, nhà kho được dùng để chứa phân lúc phân có giá rẻ và đến khi thu hoạch thì chứa lúa, tránh bị ép giá. "Vụ thu hoạch vừa rồi, do không có kho chứa, tôi bán lúa giá chỉ có 4.200 đồng/kg. Nay giá lúa lên đến 6.200 đồng/kg, coi như lỗ đứt bảy, tám trăm triệu bạc" - Phú nói.

Tuy nhiên, có một điều mà Phú rất ngại nói ra - đó là chuyện anh sắm ô tô đi mần ruộng. Nhiều người cả quyết: chuyện những người nông dân trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su... sắm ô tô đã là chuyện thường, nhưng mần ruộng mà sắm được ô tô như anh là chuyện xưa nay hiếm! Anh tâm sự rằng anh rất ngại nói chuyện này, bởi làm ruộng có dư tiền, anh sắm ô tô cho tiện việc đi lại, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tìm cơ hội làm ăn, chớ chẳng phải muốn nổi tiếng gì cả. Anh nói: "Chiếc ô tô trước đây tôi mới bán rồi. Hiện tôi đang đặt mua chiếc xe khác, giá 27.000 USD, nhưng người ta nói vài tháng nữa mới giao xe. Xứ này đâu chỉ tôi sắm được ô tô. Anh Vũ Trọng Bá (mần gần 1.000 công ruộng - PV) đã có xe từ lâu. Rồi ông Sáu Đức (mần hơn 700 công ruộng), ông Nguyễn Thanh Tâm (mần hơn 600 công ruộng)... cũng rục rịch sắm ô tô rồi đó !".

Trước khi chia tay, Phú cứ nhắc đi nhắc lại hoài câu này: "Mong Nhà nước thấy rằng tụi tôi là dân mần ruộng thứ thiệt, mần cỡ mấy ngàn công còn được chớ nói gì chỉ có mấy trăm công? Nếu chỉ giới hạn cho mần ruộng được 30 công, 60 công thì sức người, sức máy dư thừa rất lãng phí".

(Chuyện nhà nông)

Ăn chay và sở hữu 25 tỷ USD

Ông chủ của tập đoàn tư nhân lớn nhất Ấn Độ, Reliance Industries, tập đoàn lên thứ 3 thế giới về lọc dầu với doanh thu 25 tỷ USD, lại là người ăn chay với triết lý sống “Ôi, đừng bỏ lỡ cơ hội này”.

Reliance Industries là tập đoàn tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Tập đoàn này đa dạng hoá lợi nhuận trong các lĩnh vực như hoá dầu, dệt may và bán lẻ. Mới đây, Reliance Industries được chọn trong danh sách 500 công ty toàn cầu của tạp chí Fortune. Tập đoàn Reliance có hơn 25.000 nhân công và các sản phẩm xuất khẩu vượt trên 15 tỷ USD tới hơn 100 nước trên thế giới.

Hiện nay Reliance Industries nó nắm giữ 34 khu khai thác trong nước trên diện tích 331.000 km2. Đây cũng là công ty tư nhân đầu tiên của Ấn Độ trong lĩnh vực khai thác và lọc dầu đã phát hiện ra những mỏ khí lớn. Tập đoàn đang điều hành nhà máy lọc dầu lớn thứ 3 thế giới với công suất 30 triệu tấn dầu thô/năm và đang có tham vọng tăng gấp đôi sản lượng, trở thành nhà lọc dầu đứng đầu thế giới.

Bông hoa sen dưới bùn

Nếu như thế kỷ trước, Mohandas K Gandhi (1869-1948, người anh hùng chống lại thực dân Anh) là công dân nổi tiếng và có quyền lực nhất Ấn Độ thì ngày nay, Ambani, 51 tuổi, được coi là người thay thế vai trò này mặc dù theo cách rất khác. Ambani thuộc đẳng cấp thương gia, là người ăn chay, kiêng rượu và có suy nghĩ rất đổi mới, không ngừng vận dụng quyền lực tài chính. Ông là người giàu nhất Ấn Độ và nhiều người Ấn tin rằng chẳng bao lâu nữa ông sẽ thành người giàu nhất thế giới.

Theo những người bạn thân thiết , ông được xem là người luôn đau đáu khát khao thay đổi bộ mặt của Ấn Độ. Lớn lên như bông sen dưới bùn khiến ông trở nên bền bỉ, đa nghi, và luôn nhìn cuộc sống với ý nghĩ: “ Ôi lạy trời, không nên bỏ lỡ cơ hội này”

Ông chia sẻ, tất cả chúng tôi liên tục phải chiến đấu bởi vì chúng tôi không bao giờ có được cái chúng tôi muốn. Điều quan trọng là tôi đã học được cách làm thế nào để theo đuổi sự nghiệp bởi vì chẳng ai thành công ngay từ nỗ lực đầu tiên.

Mục tiêu đời ông là làm lợi cho Ấn Độ và mở rộng hoạt động của Reliance Industries. Trả lời câu hỏi “Liệu chúng ta có thực sự xua đuổi được nghèo đói khỏi đất nước này không?”, ông tin tưởng: “Có chứ, trong 10, 15 năm tới chúng ta có thể tạo nên một cơ cấu xã hội không còn những người bị coi là tiện dân, đưa Ấn Độ đến chỗ không còn đẳng cấp”

Nhiều gia đình thuộc giới kinh doanh giàu có ở Ấn Độ thích cách sống xa xỉ, tổ chức những buổi dạ hội lớn thu hút cả các ngôi sao Hollyood nhưng Ambani hơi khác.Trong gia đình, ông thích tiếng Gujarati hơn tiếng Anh. Trên đường đi công tác xa ông có thể đề nghị đồng nghiệp dừng lại vào đền tham dự lễ cầu nguyện của những người theo đạo Hindu. Những sở thích của ông cũng ăn sâu với truyền thống của Ấn Độ chẳng hạn như ông thích xem phim của Bollywood, thích các món ăn Ấn. Ambami thường làm việc đến tận nửa đêm kể cả ngày thứ bảy khiến các nhân viên của ông cũng học theo

Cha của Ambani đã thành lập công ty năm 1958, 1 năm sau khi Ambani ra đời. Lúc đầu là hãng buôn nhỏ xuất khẩu gia vị sang Yemen, sau đó buôn chỉ. Vào thời đó chính phủ cấm ngặt việc sản xuất quy mô lớn, bởi vậy nhập khẩu chỉ xin giấy phép rất khó khăn

Cuối những năm 60, công ty Reliance Industries làm ăn khấm khá lên và gia đình ông được chuyển đến một khu phố tốt hơn, nhưng cha ông luôn sợ các con được nuông chiều đã thuê gia sư một ngày 3 tiếng đưa các con đi xe buýt về nông thôn để làm quen với đồng áng. Theo Ambani “Đó là một trong những điều tuyệt vời nhất đối với tôi. Chúng tôi đi và học được cách chơi hockey, trên đường đi lại quan sát được cuộc sống diễn ra thế nào.

Năm 80 khi Ambani học ở Đại học Stanford, Mỹ, cha ông triệu về giữa chừng để tiếp quản công việc ở nhà máy chỉ. Làm việc ở làng quê Ấn Độ, ông được mọi người ca ngợi vì hết lòng với công việc, luôn sẵn sàng học hỏi, thậm chí còn ngủ ngay trên toa tàu. Để tạo dựng nhà máy chỉ, Ambani lúc đầu cũng mơ hồ về cách quản lý. Người bạn thân của ông nói: Ông ấy là người thích lao động. Ông ấy không thích ngồi một chỗ và muốn biết mọi việc diễn ra xung quanh

Không ngừng vươn xa

Sau đó Reliance Industries đã mạnh hơn nhiều, bước sang một loạt các lĩnh vực kinh doanh mới, và đặt cược nhiều hơn bao giờ hết vào các ngành công nghiệp mới. Là con cả, ông giúp công ty đa dạng hoá của công ty hoạt động vào lĩnh vực hoá dầu, rồi năng lượng, tiếp đến điện thoại di động. Cha ông đã cho ông là thành viên Hội đồng quản trị khi ông mới 17 tuổi. Vì tham gia vào Reliance Industries khi nó chỉ mới là công ty dệt nên ông luôn cảm thấy mình đã cùng gây dựng với cha chứ không đơn thuần chỉ là thừa kế. “Thuận lợi nhất của tôi là cha tôi cho tôi được quyết định. Bởi vậy năm 80 tôi dám cầm nhà lấy 100 triệu USD để xây nhà máy sản xuất polyester”

Qua nhiều năm, Reliance Industries đã lớn mạnh từ kinh doanh gia đình nhỏ thành một đế chế nổi tiếng, có cổ đông khắp đất nước. Năm 2004, 2 năm sau khi cha qua đời, các con trai bắt đầu tranh giành quyền lực tại Reliance và Tập đoàn bị chia xẻ. Ambani Mukesh giữ phần kinh doanh công nghiệp, còn các mảng viễn thông, điện và ngân hàng thuộc về Anil, em trai ông.

Trước cảnh hàng triệu người Ấn còn phải dùng phân bò phơi khô làm chất đốt, Reliance Industries rót 6 tỷ USD vào khai thác năng lượng và xây nhà máy lọc dầu với công suất 660.000thùng/ngày.

Công ty mở chuỗi 700 siêu thị kiểu phương Tây bán thực phẩm và các đồ gia dụng khắp nước với mong muốn kết nối trực tiếp với nông dân, những người phải bán sản phẩm một nắng hai sương của mình cho những kẻ trung gian đầu nậu, thường dìm giá thấp hơn giá thị trưòng. Ở một số vùng, các siêu thị của Reliance đã làm cho nông dân thay đổi thói quen, nhờ vậy sản xuất đạt hiệu quả hơn. Nhưng ở một số nơi khác, các địa chủ đã phản đối việc thu mua của Reliance. Hơn nữa các chủ hiệu đã có hành động quấy phá đối với chuỗi siêu thị vì họ sợ bị cạnh tranh. Một số bang còn cấm Reliance không được vào lãnh địa của họ

Ambani cam kết sẽ rót tiền từ các thành phố phát triển về các vùng thuần nông nghiệp. Ông hình dung Reliance với 39 tỷ USD doanh thu có thể tạo thu nhập cho 12 đến 30 triệu người Ấn trong vòng 5 năm tới bằng cách mua sản phẩm của nông dân và tuyển nhân công làm việc trong các cửa hàng. Tại Mumbai (Bombay cũ), quê hương ông, kinh đô thương mại và giải trí của Ấn Độ, nơi dân số ngày càng đông khủng khiếp mà lại ít kế sinh nhai, ông dự định sẽ xây dựng một bộ mặt mới cho thành phố

Ambani có 3 người con. Cô con gái tuổi ô mai đã cảnh báo cha về các vấn đề môi trường: “Cha nên cẩn thận, cha đang kinh doanh chất dẻo. Nó đang gây ô nhiễm. Con thích cha định giá lại danh mục đầu tư của cha”. Kể lại chuyện này ông mỉm cười bởi vì với nhiều tỷ đôla trong lĩnh vực này, lời nhắc nhở đó có thể hơi quá muộn.

Ông đang nghĩ đến việc đưa Ấn Độ trở thành đối thủ với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất. Mô hình của Trung Quốc là xây các nhà máy lớn ở các vùng đô thị nơi có hàng triệu người lao động làm ra hàng hoá giá rẻ. Những cố gắng tương tự không mấy thành công ở Ấn Độ vì rất khó lấy được đất của nông dân.

Ambani mong muốn thay đổi mô hình này. Reliance sẽ bỏ nhà máy tập trung, đặt nông dân sản xuất sản phẩm ngay tại nhà, dạy họ cách làm, gom hàng từ những làng quê hẻo lánh, kiểm tra chất lượng rồi phân phối sản phẩm. Việc làm này cũng là để giúp đất nước giàu truyền thống văn hóa của ông ngày càng lớn mạnh.

Anh Thư (Vietimes)

John Ilhan – “Chăm sóc khách hàng” là để tồn tại và phát triển

Năm 2003, John Ilhan - nhà sáng lập chuỗi cửa hàng bán lẻ di động Crazy John’s có lẽ là người được nhắc đến nhiều ở Australia khi ông trở thành người nước này giàu nhất dưới 40 tuổi.

Sự nghiệp

Sau một năm học đại học và nhận thêm việc bán hàng ở Ford, John Ilhan nhận được vị trí bán hàng tại một cửa hàng bán lẻ di động và điện tử Strathfield Car Radio. Nhưng John muốn lập nghiệp và làm chủ chứ không là người làm thuê mãi. Năm 1991, ông thôi việc để thành lập cửa hàng điện thoại di động của riêng mình nằm trên đường Strathfield trong góc của thành phố Brunswick. Sau khi mở rộng kinh doanh tới khu vực buôn bán điện thoại di động lớn nhất của Australia-Telstra, với 18 cửa hàng ở Victoria, Ilhan mở thêm một nhóm các cửa hàng ở Sydney, BrisbaneAdelaide.

Năm 2003, với khối gia tài trị giá 200 triệu đô la, John Ilhan giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những nhân vật trẻ tuổi giàu nhất
Australia do tạp chí Business Review Weekly bình chọn. Cũng trong danh sách những người giàu nhất năm 2007, ông được xếp vào người thứ 126 giàu nhất Australia với khối tài sản nắm giữ đã lên tới 310 triệu đô la.

Chất lượng phục vụ là bí quyết kinh doanh tối ưu

Thế mạnh và cũng là bí quyết kinh doanh "chăm sóc khách hàng" của John thật đáng cho những ngưới muốn khởi nghiệp kinh doanh phải học tập. John luôn luôn quan tâm tới khách hàng, ông làm điều đó với tất cả sự nhiệt tình và thật sự đã mang lại sự kinh ngạc cho mọi người. Trong sự nghiệp của mình, John đã tiếp xúc hàng trăm nghìn người bao gồm khách hàng và những người giúp đỡ cho các tổ chức từ thiện của ông. Tất cả họ đều chưa bao giờ phải cảm thấy khó chịu bất cứ điều gì khi cộng tác với John.

John Ilhan lớn lên trong một khu phố rất gắn bó thuộc phía bắc Melbourne, nơi các gia đình thấm nhuần tinh thần làm việc chăm chỉ và những hoài bão hướng tới thành công. Cha ông làm việc ca ở một nhà máy địa phương Ford và ông rất coi trọng các lễ nghi trong gia đình.

Từ khi còn rất trẻ, Ilhan đã rất đam mê bóng đá. Ở lứa tuổi teen, ông thường đi bộ hơn một giờ để tham gia khóa huấn luyện bóng một vài buổi một tuần và đã nản lòng vì những người khác cao và khỏe hơn. Thay vào đó, ông làm việc chăm chỉ trên các khía cạnh khác của bóng đá và thậm chí ông đã được tham gia chơi trong một tổ chức liên hiệp bóng đá quốc gia. Điều đó chứng tỏ tính kiên nhẫn và sự quyết đoán của John.

John bắt đầu sự nghiệp rất sớm ở lứa tuổi 20 tại Strathfield Car Radios và trở thành một trong top 10 người bán hàng trẻ tuổi có triển vọng của công ty. Ông có một triết lý kinh doanh rất giản đơn nhưng nhanh chóng đem lại hiệu quả hiệu quả, đó là: phục vụ khách hàng chu đáo, nhiệt tình thì nhất định họ sẽ còn quay trở lại. Trong tâm trí của mình, John luôn tự nhận mình là một người bán hàng nhưng là một người thấu hiểu những gì khách hàng cần. Tuy nhiên, ngay sau đó ông đã nhận ra rằng ông có thể phục vụ cho khách hàng nhiều hơn thế nữa nếu ông cải tiến điểm bán hàng lẻ của mình.

Và kết quả là Mobileworld đã được thành lập vào năm 1991 với cửa hàng đầu tiên được mở ở phía bắc vùng ngoại ô Melbourne của Brunswick – John đã đổi mới tên cửa hàng thành Crazy John ngay sau đó.

John đã tạo ra một thị trường điện thoại di động mới mẻ mà trước kia chưa bao giờ có. Ông hiểu rằng khách hàng luôn muốn những sự phục vụ tốt nhất. Crazy John’s lần đầu tiên tung ra những chiếc điện thoại bàn giá 1 dollar, với ý tưởng “mua một tặng ba” và dịch vụ trả sau rất thuận tiện cho khách hàng. Những cuộc cách mạng hóa công nghệ điện thoại đầu tiên này tạo ra động lực cho các đối thủ bắt đầu “hành động” để giảm chi phí sản xuất điện thoại và từ đó làm cho việc giao tiếp giữa tất cả mọi người dân Australia được dễ dàng hơn.

Trong suốt cuộc đời của mình John tin tưởng mạnh mẽ vào nhiệm vụ hợp tác xã hội giữa các công ty.

Từ khi bắt đầu đi vào hoạt động đến nay, Crazy John đã rất tự hào là người giúp đỡ rất nhiều các tổ chức từ thiện ở Australia và điển hình là một tổ chức rất quen thuộc - Ilhan Food Allergy Foundation. John cũng là một thành viên của hội đồng tư vấn cộng đồng NAB và đóng góp cho các cuộc thảo luận công chúng ở các khu vực khác như là một thành viên của hội đồng tư vấn kinh doanh của Premier tại Victoria.

Tháng 6 năm 2006, tại cuộc gặp cấp cao, John đã được chỉ định là một trong số 50 người lãnh đạo tương lai của Australia. Trong cuộc gặp gỡ cấp cao đó, có một sáng kiến của tổ chức Australia là tìm ra những nhà lãnh đạo sáng tạo, có hiểu biết sâu để bắt kịp những đổi mới và có tầm nhìn xa, thật sự tận tâm nhằm tạo ra tương lai tốt hơn cho Australia. Người bảo trợ của cuộc gặp gỡ cấp cao này là Honourable John Howard, bộ trưởng ưu tú của Australia.

Chính sự tầm nhìn xa và sự đổi mới mà Crazy John đã tạo được vị trí của mình với các đối thủ cạnh tranh. Crazy John phải cảm ơn John vì chính việc trọng tâm vào chất lượng phục vụ của ông đã đem lại sự thành công cho Crazy John như ngày hôm nay.

Theo Người Lãnh Đạo

Ông chủ 8x và nghề “độ” mũ bảo hiểm

Ông chủ 8x Lê Tuấn Hùng

Dân “chơi” xe máy, không ai là không biết đến Lê Tuấn Hùng (27 tuổi), một tay “độ” xe nổi tiếng ở đất Hà Thành hiện nay. Giờ đây, tiếng tăm của Hùng không chỉ dân chơi xe, mà cả dân chơi mũ bảo hiểm (MBH) biết đến bởi khả năng “độ” những chiếc mũ bảo hiểm đẹp như một bức tranh nghệ thuật.


Nghề “độ” xe máy, latop và hiện nay là “độ” MBH đến với Hùng chưa lâu. Niềm đam mê “lên đời” những chiếc xe đến với Hùng năm đầu tiên đại học. Với Hùng lúc đó là những cuộc giao lưu, học hỏi và chiêm ngưỡng những cái xe “độ” của các tay chơi trên mạng, nhưng phần đa số những chiếc xe đó chỉ có ở nước ngoài hoặc ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ra trường năm 2004, với chuyên môn là kĩ sư tin học của trường đại học Bách Khoa Hà Nội, Hùng vào làm việc tai Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, niềm đam mê cùng với cá tính liều lĩnh đã không để Hùng yên phận với một nơi làm việc ổn định và đúng chuyên môn. Sau hai năm làm việc, Hùng ra lập xưởng mặc cho bạn bè cùng người thân hết sức can ngăn.

Với nghề “độ” xe máy, quan trọng là phải có con mắt nghệ thuật và sự khéo léo của một hoạ sĩ. Bởi vậy, để có được phẩm chất ấy, Hùng đã tự học làm hoạ sĩ. Ban đầu là vẽ trên giấy, sau Hùng đi mua các loại hàng thải của các cửa hàng xe máy, các cửa hàng máy tính để về tự vẽ những hình ảnh theo trí tưởng tượng của mình lên đó. Kĩ thuật pha chế sơn cũng như làm bóng sản phẩm, Hùng cho biết là học được trên một số trang web nước ngoài.

Sau hơn một năm tự tìm tòi, năm 2006 Hùng cho ra sản phẩm đầu tay của mình. Để mọi người biết đến sản phẩm Hùng đưa một loạt hàng mẫu đến ký gửi tại các cửa hàng xe máy, máy tính và bước đầu sản phẩm của Hùng được mọi người để mắt và tìm đến. Từ những ý tưởng và niềm đam mê, giờ đây Hùng đang có trong tay cả một cơ ngơi lớn, là điểm “độ” xe máy lớn nhất Hà Thành.

Khi nhà nước ra quyết định bắt người ngối trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm, Hùng đã nhanh nhạy làm thử một vài sản phẩm và đang rất được các bạn trẻ ưa thích và tìm đến làm. Theo ước tính của Hùng, cửa hàng 153 Kim Mã, trong tháng 11 nhận được hơn 400 cái, trong tháng 12 đã lên 2000 cái. Mỗi cái như vậy, “độ” hình đơn giản nhất đã có giá 300 ngàn đồng và không có giá cao nhất bởi nó tuỳ thuộc yêu cầu của người chơi. “Có người còn độ cho mình chiếc mũ bảo hiểm lên đến 2 triệu đồng. Ngoài ra một số công ty cũng tìm đến Hùng nhờ Hùng “độ” mũ bảo hiểm cho nhân viên của mình”. Hùng cho biết.

Giờ đây, Hùng không phải tự đi giới thiệu sản phẩm nữa, Hùng đang sở hữu một cửa hàng giới thiệu sản phẩm của riêng mình ở phố Kim Mã và một cơ sở sản xuất ở ngõ Trại Cá phố Trương Định. Trang web Kzak.Net do Hùng sáng lập đang là điểm đến của nhiều bạn chơi mũ bảo hiểm hiện nay.

Không những vậy cơ sở sản xuất của Hùng còn là điểm đến của các bạn sinh viên yêu nghệ thuật “độ” xe máy, latop, mũ bảo hiểm. Đấy là cơ sở để Hùng tự tạo nguồn nhận lực cho bản thân mình cũng như tạo điều kiện cho các bạn học hỏi nâng cao tay nghề. Vũ Mạnh Hà sinh viên năm thứ 3 khoa Nội thất của trường đại học Mỏ cho biết : “Em đên đây mới được hai ngày nhưng cũng đã nhanh chóng quen với công việc. Với em học “độ” mũ bảo hiểm không chỉ là để rèn luyện kiến thức mỹ thuật đang học mà còn có thể kiếm thêm thu nhập”. Hà cho biết, những người đến cơ sở đều được đào tạo miễn phí và khi tay nghề vững có thể sản xuất sản phẩm và mỗi tháng như vậy mỗi người được trả 1,5 triệu đồng/ tháng.

Từ một sinh viên tin học trở thành một ông chủ, từ số vốn 2 triệu đồng ít ỏi ban đầu Hùng đã là một người có thu nhập vào hàng triệu phú. Thành công của Hùng cũng chứng minh cho một điều, với thanh niên chúng ta không có gì là không thể thực hiện, điều quan trọng là phải có khát vọng, sáng tạo và sự đam mê.

Việt Đức (VietnamnetJobs)

Cầm bằng cao đẳng sang Singapore tìm việc làm

Công ty ở Singapore, nơi tôi đang làm việc. Ảnh: Bích Đan
Thời điểm tôi gần đến đích để lấy được tấm bằng đại học mà ba mẹ cho rằng nó rất quý, thì tôi lại có một suy nghĩ rất mạo hiểm. Đó là, tôi sẽ bỏ hết tất cả: công việc lương cao và tấm bằng đại học sắp lấy được, để lên đường qua Singapore tìm việc làm.

**********

Xuất thân từ một gia đình bình thường thuộc một tỉnh miền Tây (An Giang). Ba tôi chạy xe ôm, mẹ là thợ may, chừng ấy cũng chỉ đủ để nuôi 3 anh em tôi ăn học ở một thị trấn vùng sâu ấy. Vậy mà tôi lại có một ước mơ rất lớn từ nhỏ, rằng được đi du học và làm việc ở nước ngoài, một đất nước phát triển nào đó.

Ước mơ ấy trở thành của riêng tôi nên tôi không dám chia sẽ cho bất kỳ người nào, vì sợ rằng người ta sẽ cười vào mơ ước quá xa vời so với hoàn cảnh thực tế của mình.

Ba mẹ tôi phải bản lĩnh lắm, khi đến một ngày, họ quyết định đưa anh em tôi lên Sài Gòn học, dẫu biết rằng điều đó sẽ rất khó khăn cho ba mẹ về cả tài chính lẫn việc phải sống xa con. Nhưng mẹ bảo rằng: "Ba mẹ không có tài sản để lại cho các con, nên ngày nào ba mẹ còn làm được, thì sẽ cố gắng hết sức để cho các con ăn học thành tài và tự nuôi mình sau này".

Thế là năm lớp 12, tôi được lên Sài Gòn, nơi mà bạn bè cùng thị trấn tôi ở, ai cũng mơ ước được đến. Thay đổi môi trường sống quả là một điều rất khó khăn với tôi. Nhưng tôi tự nhủ chính mình rằng "Tôi có thể" vượt qua được. Nếu mọi người làm được, thì không có lý do gì mình không thể.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi không may mắn đỗ vào đại học, thay vào đó là cánh cửa CĐ Kinh tế Đối ngoại đón nhận tôi. Học Toán rất khá từ nhỏ, nhưng tôi lại không thích ngành kế toán, cái nghề mà tôi từng cho là chỉ ngồi một chỗ. Nhưng vì vâng lời ba mẹ, rằng con gái phù hợp với kế toán, tôi đã nộp đơn vào ngành này.

Trong suốt 3,5 năm học cao đẳng, ước mơ được đi du học và làm việc ở nước ngoài vẫn cứ hiện lên trong suy nghĩ, mặc dù tôi biết mình không có khả năng.

Tốt nghiệp cao đẳng, tôi may mắn được nhận vào làm cho một trong những Tập đoàn nổi tiếng của Thụy sỹ có trụ sở tại TP HCM, chỉ với vị trí là một nhân viên kế toán bình thường. Được một năm, tôi chuyển sang làm việc cho một công ty nước ngoài khác, với vị trí cao hơn, lương cao hơn.

Miệt mài trong công việc, tôi quên bẵng việc học thêm của mình. Cho đến một ngày, ba mẹ nhắc nhở tôi hãy cố gắng học thêm nữa. Thế là tôi thi liên thông lên ĐH Kinh tế TP HCM.

Thời điểm tôi gần đến đích để lấy được tấm bằng mà ba mẹ cho rằng nó rất quý, thì tôi lại có một suy nghĩ rất mạo hiểm. Đó là, tôi sẽ bỏ hết tất cả: công việc lương cao và tấm bằng đại học sắp lấy được, để lên đường qua Singapore tìm việc làm.

Ba mẹ và mọi người xung quanh đều bảo tôi mạo hiểm và có thể đây là một quyết định ngu ngốc nhất mà họ từng nghe. Và tôi cũng được biết có người cho rằng tôi quá tự hào với chính mình để đi đến quyết định này. Những lời nói ra nói vào làm tôi cũng nản lòng.

Đến một hôm, tôi xem cuốn phim "Little Miss Sunshine". Trong phim, một người đàn ông nói với cháu gái của mình trước khi bé gái tham gia cuộc thi Hoa hậu nhí rằng: "Người thua cuộc là người luôn sợ mình không thể chiến thắng, nên không dám thử sức mình" (Câu nói trong phim là: "A real loser is somebody that’s so afraid of not winning. They don’t even try".).

Và tôi xem người đàn ông đó như đang nói với chính tôi. Cuối cùng, tôi quyết định "thử" mạo hiểm chính mình. Anh trai là người duy nhất ủng hộ cho quyết định này của tôi. Anh chỉ hỏi: "Em nghĩ mình có thể xin được việc bên ấy với cái bằng cao đẳng do Việt Nam cấp hay không?". Tôi trả lời: "Em có thể". Thế là tôi có được một người duy nhất ủng hộ mình.

Hôm trước nghỉ việc ở công ty cũ thi hôm sau tôi bay qua Singapore ngay lập tức. Đặt chân lên những con đường của một đất nước xa lạ, chẳng biết gì về đường đi nước bước, tôi rất sợ. Nhưng tự nhủ chính mình: "Tôi có thể".

Thế là với bản đồ trên tay, từ mò và tự tìm, sau 3 ngày liên tục gửi Hồ sơ xin việc đến các Công ty thông báo tuyển dụng, một tuần tiếp theo, các bạn tin không, liên tục ngày nào tôi cũng có 2 cuộc phỏng vấn sáng chiều, ở 12 công ty.

Đến ngày thứ 11 ở Singapore, sau khi nhận được sự đồng ý của 2 công ty, tôi đã chọn một. Đây cũng chính là công ty tôi đang làm hiện tại, với vị trí kế toán cho một Tập đoàn châu Á - Thái Bình Dương, chuyên cung cấp dịch vụ cho các Hãng điện thoại, điện tử hàng đầu thế giới.

Ba chạy xe ôm, mẹ là thợ may, ước mơ du học và làm việc ở một nước phát triển của tôi ngày nào, giờ đây đã trở thành hiện thực ở tuổi 25, cái tuổi vẫn còn được phép để chia sẽ câu chuyện của mình lên chuyên mục này. Thành công này là nhờ vào sự quyết tâm ban đầu của ba mẹ, sự ủng hộ của anh trai và 3 chữ "Tôi có thể" của chính mình.

Các bạn ơi! Đừng bao giờ nói "Tôi không thể" nếu các bạn chưa thử và chưa cố gắng hết sức. Vì nếu các bạn "không thể", thì "ai có thể?".

Nguyễn Ngọc Bích Đan (VnExpress)

Người đưa nghề nuôi yến về Đất Mũi

Khách sạn Đông Á, nơi nuôi chim yến trên lầu tư

Nhân dịp về Đất Mũi Cà Mau, tôi có đến khách sạn Đông Á tại số 159, khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời để thăm ông chủ khách sạn “mê chim yến” mà tôi đã nghe nhiều người kể lại giống như một huyền thoại.


Vừa bước vào nhà, tôi gặp ngay hai anh em Thái Trường Danh và Thái Tử Văn, chủ khách sạn Đông Á đang theo dõi đàn chim yến bay lượn trên sân thượng qua hệ thống camera. Anh Danh nói: Tôi mới nuôi thử nghiệm từ tháng 7/2007 đến nay, kết quả tốt lắm. Ban đầu chỉ có vài chục con, nay ước tính cả ngàn con.

Anh Danh tươi cười kể: “Sau cơn bão số 5, có một đàn chim yến rất đông không biết từ đâu bay về Sông Đốc rồi đáp vô tá túc tại nhà kho của một công ty cổ phần cách đây vài trăm mét. Sau đó chúng bắt đầu làm tổ, đẻ trứng và sinh sôi nẩy nở, mang lại nguồn lợi lớn cho gia chủ. Nhiều người hiểu biết về giá trị của yến sào, cho đó là lộc trời, là món quà vô giá của thiên nhiên. Hiện tượng chim yến sống thành đàn và làm tổ trong nhà đã làm cho nhiều người ngạc nhiên, bản thân tôi cũng thắc mắc và tự hỏi tại sao đàn yến lại tìm đến ngôi nhà đó?”.

Thế là anh Danh bỏ công tìm tòi học hỏi, gặp bất cứ tài liệu nào nói về chim yến anh đều thu thập để bổ sung kiến thức, quyết khám phá cho được những điều kỳ thú về chim yến mà xưa nay ai cũng nghĩ rằng chim yến chỉ sinh sống và làm tổ ngoài đảo khơi. Khi cánh cửa bí mật từ từ hé mở anh lại tiếp tục tìm đến các chuyên gia, những giáo sư chuyên ngành để học hỏi với hy vọng ngôi nhà mình sẽ trở thành một sân chim với thật nhiều tổ yến. Nghĩ là làm. Anh đã ra tận Nha Trang, Khánh Hoà tìm đến những nhà nuôi yến để tham quan học hỏi cách dẫn dụ chim vào nhà đồng thời tham dự các buổi hội thảo để tìm hiểu kỹ về đặc điểm sinh học, chu kỳ sinh sản, làm tổ và các điều kiện thích ứng với môi trường của chim yến. Cty Yến Sào Khánh Hoà cũng đã xây dựng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về áp dụng công nghệ nuôi yến trong nhà và anh Danh không bỏ lỡ cơ hội học hỏi.

Theo anh Danh, chim yến sinh sản trong nhà là một hiện tượng khoa học rất lý thú đã thu hút sự chú ý của nhiều người nên sau khi nắm được những kiến thức cơ bản, anh đã quyết định dành trọn tầng lầu thứ tư của khách sạn rộng khoảng 100 mét vuông để thiết kế thành nhà nuôi yến. Lúc đầu anh chỉ nuôi một số ít theo hướng dẫn của các chuyên gia, sau đó đàn yến từ từ phát triển bằng cách sinh sản và dẫn dụ. Hiện nay, đàn yến đã ổn định, tỉ lệ chim non đạt khá cao, chất lượng yến sào rất tốt. Anh phấn khởi cho biết rằng PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, một chuyên gia về chim yến sau khi quan sát đàn yến của anh đã có nhận xét “Đàn yến nuôi trong nhà ở Sông Đốc là một trong những đàn phát triển nhanh và tốt nhất từ trước tới nay”. Hiện anh đang có ý tưởng mở rộng diện tích nhà nuôi và sẽ kết hợp với ngành du lịch đưa khách đến tham quan và thưởng thức món súp yến, đặc sản bổ dưỡng cao cấp của vùng biển Cà Mau.

Nghề nuôi yến hiện nay đang mở ra những tiềm năng và triển vọng rất lớn ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Cà Mau, nhưng muốn bắt tay vào nghề trước hết người nuôi phải nắm bắt kiến thức chuyên ngành như kinh nghiệm quan sát và dự báo khu vực làm tổ, phải có những trang thiết bị hiện đại như máy dụ chim yến vào nhà, đặc biệt là biết chọn những vùng có chim yến quần tụ hoặc làm tổ ngẫu nhiên như ở Gò Công, Tiền Giang chẳng hạn. Nhưng bằng kinh nghiệm và thiên tư cá nhân, chỉ sau hơn một năm gần gũi với yến, anh Danh đã trở thành người thân thiện và nặng tình với chúng. Hiện anh đã nắm được bí quyết “gọi yến vào nhà”, ngay cả tiếng kêu sáng hoặc kêu chiều của yến anh cũng đoán được chúng đang cần gì, đang gọi đàn hay gọi tình… Anh còn cho biết yến ngoài thiên nhiên phải đi kiếm ăn xa, tiêu hao nhiều năng lượng nên mỗi năm chỉ đẻ một mùa, tổ lại mỏng vì ít nước dãi. Còn yến nuôi trong nhà đi kiếm ăn gần, cho tổ dầy, mỗi năm có thể làm tổ đến 4 đợt. Theo các chuyên gia nuôi yến, một ngàn con yến có thể làm 400 tổ/mùa, mỗi tổ được 10 gr yến sào (mỗi mùa 4 kg). Giá trung bình mỗi kg yến sào hiện nay từ 25 triệu đến 40 triệu đồng.

Có thể nói nuôi yến trong nhà hiện nay là một nghề độc nhất vô nhị. Anh Danh là người đầu tiên nuôi yến thành công ở Sông Đốc-Cà Mau và hiện anh dành hết thời gian tiếp tục nghiên cứu, học hỏi các qui trình kỹ thuật để phổ biến kinh nghiệm đến bà con nhằm phát triển nguồn lợi yến sào, một sản phẩm tự nhiên vô cùng quý giá.

Hoài Phương (nongnghiep.vn)

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References