5 điều các ông chủ cần tránh trong kinh doanh

Có những quyết sách, hành vi mà ông chủ doanh nghiệp nên làm, nhưng cũng có những điều không nên làm để tránh những kết cục thất bại trong các cuộc cạnh tranh kịch liệt.

Những hướng dẫn để tạo thành công trong doanh nghiệp đã được đề cập nhiều, nên dưới đây chúng tôi xin đưa ra 5 điều kiêng kỵ mà các ông chủ không nên thực hiện với doanh nghiệp của mình.

1. Không biết cách dùng người hay bố trí công việc không đúng đối tượng

Một trong những điều đầu tiên mà các ông chủ nên tránh là không nên dùng người chỉ vì thân quen. Điều đó sẽ hạn chế việc dùng nhân tài có tính tích cực và tính sáng tạo.

Phương thức này tương đối phổ biến trong các doanh nghiệp người Hoa, những người quản lý chính thường là những người trong gia đình hoặc họ hàng đảm nhiệm. Đây sẽ là bức tường ngăn cản cơ hội xuất đầu lộ diện của những nhân tài không phải trong gia tộc, từ đó không dễ nảy sinh lòng trung thành và sự tận tâm đối với doanh nghiệp.

Vấn đề kế tiếp mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hay mắc phải đó là sự đố kỵ, ghanh ghét đối với người hiền tài. Matsushita, người sáng lập ra công ty điện khí Matsushita, đã nói rất đúng rằng: “ Thành sự tại người, thất bại cũng tại người”.

Một nhà kinh doanh muốn đứng được trên mảnh đất không thất bại trong cuộc cạnh tranh kịch liệt trên thị trường thì phải thay đổi tâm lý hẹp hòi, phải mạnh dạn đề bạt, sử dụng những người hơn mình. Nếu vì sự hẹp hòi, không dung nạp người dưới quyền có tài năng vượt quá mình, tự cho mình là hơn thì sẽ không có người kế tực cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Người chủ doanh nghiệp mà không giữ được kết cấu nhân tài cho hợp lý và đa dạng sẽ làm ảnh hưởng tới sức mạnh của doanh nghiệp. Bố trí công việc không đúng đối tượng cũng sẽ làm cho tính chất năng động của đội ngũ nhân tài bị xơ cứng.

Đã là người ai cũng có mặt mạnh, mạnh yếu, nếu biết phát huy mặt mạnh của họ thì họ chính là người tài, còn nếu làm ngược lại là phát huy mặt yếu của họ thì họ sẽ trở thành kẻ dốt nát. Đó cũng là sự lợi dụng hợp lý tài nguyên nhân lực, là biểu hiện của một ông chủ biết cách dùng người.

2. Tầm mắt hạn hẹp, thiếu dự kiến

Trong giới doanh nghiệp nước Mỹ thường lưu hành một câu như sau: “Người không hiểu chiến lược, không thể làm giám đốc”.

Điều đó cho thấy tính chất quan trọng của chiến lược dài hạn. Một ông chủ doanh nghiệp không biết lên kế hoạch lâu dài, hoặc khi phải đề cập đến chiến lược kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp thì luôn phạm phải sai lầm. Dưới sự lãnh đạo của những ông chủ như vậy, con thuyền lớn của doanh nghiệp tất nhiên sẽ va phải đá ngầm và bị đắm.

Điển hình là việc dự đoán sai lầm của công ty Montgomery Ward của nước Mỹ đã dẫn tới thất bại. Schwal Afurui, tổng giám đốc công ty Ward, tin chắc rằng sau đại chiến thế giới thứ hai, một nền kinh tế không khởi sắc sẽ xuất hiện.

Tuy nhiên, sự tiêu điều trong nền kinh tế sau đại chiến thế giới thứ hai đã không xảy ra như dự đoán của Afurui. Ngoài sai lầm về chính sách tăng trưởng bằng 0 và không tiến vào thị trường trung tâm buôn bán ở các đô thị lớn ra, Afurui cũng phạm một số sai lầm khác nữa, những sai lầm này đã làm cho công ty mất đi một số nhân viên quan trọng.

Vậy đối với các ông chủ có tầm mắt hạn hẹp thì phải làm thế nào để nâng cao năng lực dự kiến? Cần phải tăng cường ý thức lo toan, xây dựng cho mình một đội ngũ cố vấn để bù đắp những chỗ bản thân mình chưa đủ, dựa vào khoa học hiện đại để dự kiến tương lai được chính xác.

3. Độc đoán, chuyên quyền quá mức

Ông chủ là người thống trị trong việc lãnh đạo tất cả các nhân viên. Do vậy, đảm bảo uy quyền nhất định là cực kỳ cần thiết, nhưng uy quyền không đồng nghĩa với độc tài. Trong nền kinh tế hiện đại, phương thức quản lý chuyên quyền, độc đoán đã được thực tiễn chứng minh là không phù hợp và thích nghi với thời đại.

Fedric Taylor, giáo sư môn quản lý học đã từng giảng dạy rằng: Giữa lãnh đạo và cấp dưới cần phân công và phân chia chức trách rõ ràng. Ông muốn người lãnh đạo làm công việc kế hoạch công tác, còn nhân viên chỉ làm sự dặn dò của người lãnh đạo.

Tuy nhiên, sự thực bây giờ là, do tính chất phức tạp của nhiều công việc, cấp dưới ngày nay còn biết rõ hơn những công việc này phải làm như thế nào mới thật tốt so với quản lý của họ. Những năm gần đây, việc trao quyền cho nhân viên không biên chế đã thành công trong một số công ty, nhất là ở nước Mỹ.

Ví dụ như công ty Colgad Parmolief, công ty hàng không Delta, công ty Motorola, công ty Wal Mad. Doanh nghiệp của họ cho rằng, trong tương lai, công ty sẽ phát huy tác dụng của các nhân viên chứ không phải thực hiện theo phương thức chuyên quyền của Taylor.

4. Ước mơ viển vông, nông nóng liều lĩnh

Ngày nay, do các cuộc cạnh tranh trên thương trường cũng giống như trên chiến trường nên có không ít các ông chủ doanh nghiệp đang mắc phải hội chứng mơ ước viển vông, nôn nóng liều lĩnh. Và kết cục của nó là doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cá nhân gặp phải khủng hoảng. Vì vậy không nên quá tin vào giả thiết mà nên lưu ý tới những con số thực tế.

Ngoài ra đừng vội vàng vượt qua đối thủ cạnh tranh. Phải có sự đánh giá công bằng đối thủ của bạn, tuyệt đối không thể coi thường họ.

Dù sao họ cũng là người bước vào lĩnh vực đó trước bạn, còn bạn thì đang ở giai đoạn bắt đầu kế hoạch, đừng so sánh đôi bên một cách quá đơn giản.

Có một số ông chủ, trong kế hoạch của mình, muốn làm cho mọi người nhận thấy đây là một ý đồ hùng vĩ, một mưu lược vĩ đại chỉ trong một thời gian ngắn.. Kế hoạch như vậy là không sát với thực tế, và càng đáng sợ hơn là, kế hoạch như vậy chẳng những không có khả năng thực hiện và nó sẽ còn dẫn doanh nghiệp đi theo đường rẽ, làm cho toàn bộ sự phát triển của doanh nghiệp mất đi cơ sở thực tiễn. Và thất bại cũng là việc đương nhiên.

5. Kiêu ngạo tự mãn, quá khinh địch

Trong xã hội kinh tế ngày nay, người lãnh đạo doanh nghiệp phải hết sức thận trọng về vấn đề này. Rất nhiều dẫn chứng đã mách bảo chúng ta rằng, một khi đã trở thành tù binh của thói kiêu ngạo thì thời điểm thất bại đã gần kề.

Trong cuộc chiến, người chỉ huy bị thắng lợi làm cho u mê đầu óc, thường nảy sinh tư tưởng khinh địch, không xem xét lại tình thế, nhận định thời cơ một cách chính xác. Đó cũng chính là nguyên dẫn đến việc chuyển từ thắng sang bại.

Điển hình là trường hợp của đồng hồ Thuỵ Sĩ. Nghề đồng hồ đã có lịch sử trên 400 năm ở Thuỵ Sĩ. Cái tên Thuỵ Sĩ luôn được gắn liền với biểu tượng đồng hồ Thuỵ Sĩ vốn đã lừng danh trên thế giới. Song người ta không ngờ rằng “vương quốc đồng hồ” lại đang rơi vào tình trạng ngày càng sa sút. Toàn bộ ngành đồng hồ của Thuỵ Sĩ đang phải đối mặt nguy cơ phá sản toàn diện. Vậy tại sao lại có những biến động như vậy? Sự thất bại này là do đâu?

Một kỹ sư ở trung tâm chế tạo thiết bị đo giờ Thụy Sĩ đã lợi dụng kỹ thuật của Max Haidel phát minh ra chiếc đồng hồ điện tử đầu tiên trên thế giới. Nhưng cuộc cách mạng này đã gặp phải sự phản ứng của các hãng chế tạo đồng hồ ở Thuỵ Sĩ.

Ỷ vào kỹ nghệ tinh vi của mình, các hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã "không thèm để ý" tới đồng hồ điện tử vì xem loại đồng hồ này không phải hàng chính thống. Sự chậm chạp, thiếu nhạy bén và quá tự tin của người Thuỵ Sĩ đã khiến các hãng chế tạo đồng hồ của Nhật Bản vui mừng không kể xiết. Người Nhật Bản nhạy bén đã sớm dự đoán rằng, trong tương lai, thị trường sẽ có nhu cầu không nhỏ đối với loại đồng hồ điện tử chạy chính xác, giá rẻ và lại đẹp.

Vì vậy, họ đã bỏ ra một số tiền lớn mời kỹ sư người Thuỵ Sĩ đã phát minh ra loại đồng hồ đó hợp tác. Và từ đó, đồng hồ điện tử với sự chuẩn xác, giá rẻ, hình thức đẹp đã dần chiếm lĩnh thị trường, với thế mạnh tuyệt đối, giành phần lớn thị trường đồng hồ thế giới.

Tiếp đó là Hàn Quốc và Hồng Kông với loại đồng hồ điện tử nhảy chữ mẫu mã đa dạng cũng phát triển và trở thành loại đồng hồ thời trang trong ngành đồng hồ điện tử. Còn đồng hồ Thuỵ Sĩ với giá thành đắt hơn và kỹ thuật lạc hậu đã dần mất đi vị trí thống lĩnh trên thị trường đồng hồ.

Biết và nhận thức được những điều kiêng kỵ nói trên chắc chắn sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm mà một số doanh nghiệp đi trước đã mắc phải.

Hy vọng rằng bạn sẽ là một ông chủ có tài dùng người, biết cách tổ chức, lập kế hoạch, luôn biết bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề để giành được thắng lợi trong kinh doanh.

Nguồn: BwPortal

Không có kế hoạch kinh doanh, liệu có ổn?

Tháng Giêng rồi, trên tờ Wall Street Journal đã đăng một bài viết gây khá nhiều tranh luận: “Liệu các công ty mới khởi nghiệp có thật sự cần một kế hoạch kinh doanh bài bản?”.

Bài báo trích dẫn nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn thất bại mặc dầu có bản kế hoạch kinh doanh không chê vào đâu được, cũng như cho thấy nhiều doanh nghiệp khởi sự thành công mà chẳng cần kế hoạch kinh doanh gì cả. Bài báo cho rằng quan trọng nhất vẫn là chủ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chứ không phải là bản kế hoạch kinh doanh.

Tim Berry, Giám đốc Công ty Phần mềm
Palo Alto, cho rằng những nhận xét trên không có gì mới. Các kế hoạch kinh doanh quả thật đã được đánh giá quá cao và sử dụng sai mục đích, trong khi đó quá trình hoạch định kinh doanh mới thật sự là quan trọng.

Tất cả mọi doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp mới, đều cần biết hoạch định. Cách đây chừng 60 năm, ông Dwight D. Eishenhower từng nói: “Kế hoạch là vô dụng, chỉ hoạch định mới quan trọng”.

Kế hoạch là công việc đoán trước của con người về tương lai, ứng phó với sự không chắc chắn và đưa ra các giả thuyết. Quá trình hoạch định là tuyệt đối cần thiết đối với một cá nhân. Quá trình hoạch định của một doanh nhân khởi sự kinh doanh nên bắt đầu bằng một kế hoạch và tiếp tục cũng với một kế hoạch cùng với sự đối chiếu thực hiện, theo dõi quá trình triển khai và sửa sai chấn chỉnh nếu cần.

Quá trình hoạch định quan trọng cũng giống như tay cầm vô lăng để lái xe vậy; lúc nào cũng cần xoay chuyển sao cho xe chạy đúng luồng đường. Hoạch định chính là kiểm soát định mệnh của bạn. Thiết lập các mục đích kinh doanh và vạch ra các bước cần thiết để đạt mục đích.

Trong khi kế hoạch của bạn có thể sai, làm sao bạn biết sự việc đang đi trật đường nếu không có trước một bản kế hoạch. Bạn không thể vạch một đường mà không có điểm khởi đầu, điểm kết thúc.

Để có kết quả tốt nhất, công việc hoạch định nên chắc chắn và cụ thể. Đối với mỗi bước trong kế hoạch, hãy xác định rõ ngày tháng, hạn cuối và phân công trách nhiệm rõ ràng. Bạn không thể theo dõi sự tiến bộ và làm cho công ty của bạn hoạt động một cách hiệu quả nếu kế hoạch của bạn không rõ ràng và chỉ được làm một cách đại khái.

Trong thời gian triển khai, mặc dầu đã tính toán cẩn thận, kế hoạch có thể mất tác dụng. Tất cả điều bạn cần làm là tập trung theo thứ tự ưu tiên, chú trọng vào các điểm mạnh của bạn và dựa vào năng lực cốt lõi, sự định vị và sự khác biệt.

Công tác hoạch định trong đời thường có chức năng như một sơ đồ dạng chuỗi. Khi bạn khởi sự doanh nghịêp bạn cần bản kế hoạch kinh doanh. Nhà đầu tư, dù ai đó nói rằng mình không cần kế hoạch kinh doanh, cũng cần biết chiến lược của bạn, các điểm tập trung, ưu tiên, cam kết, ngày tháng và hạn chót.

Dù hình thức gì, nội dung bản kế hoạch cũng cần những điểm như thế. Nếu bạn không làm kế hoạch cho ai bên ngoài, bạn chí ít cũng cần các gạch đầu dòng cho chính mình. Ngắn gọn và viết trên cả bao thư cũng chẳng sao; không ai đánh giá giá trị bản kế hoạch kinh doanh bằng trọng lượng hay số trang.

Nếu bạn viết đủ trên bao thư, hãy cứ viết. Nếu bạn biết lập bản trình chiếu PowerPoint, hãy cứ lập. Mặc dù bạn không cần một bản kế hoạch kinh doanh bài bản, nhưng chí ít bạn cũng nên tiến hành các bước của quá trình hoạch định. Sẽ thật nguy hiểm nếu làm ăn mà không cần một bản kế hoạch.

Nguồn TBKTSG

Kinh doanh thời khủng hoảng: 7 lỗi cần tránh

Để chèo lái doanh nghiệp trước tình hình mỗi ngày có hàng ngàn người mất việc và công ty bị phá sản, các nhà quản lý thường tập trung giảm chi phí mà lơ là những việc khác như xây dựng đội ngũ nhân viên và phát triển quan hệ khách hàng.

Đó là một sai lầm lớn vì chính nhân viên và khách hàng là nguồn hỗ trợ cơ bản giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Công ty Tư vấn và Tuyển dụng Robert Half International (Mỹ) đã thực hiện cuộc điều tra khách hàng và tìm ra 30 lỗi các nhà quản lý thường phạm phải trong thời khủng hoảng, trong đó có 7 lỗi sau là nghiêm trọng nhất.

1. Nghĩ rằng nhân viên không nên biết sự thật: Nếu bạn thường xuyên "quên" chia sẻ với nhân viên về tình hình kinh doanh thì bây giờ là lúc thích hợp để bắt đầu. Thái độ cởi mở và thành thực của bạn về ảnh hưởng của khủng hoảng đối với công ty sẽ giúp nhân viên cảm thấy họ có phần trách nhiệm và tự chủ trong công việc. Bạn có thể thảo luận với họ về kinh nghiệm vượt qua khó khăn thời kỳ trước đây, đồng thời bàn cách giải quyết trong hiện tại.

2. Cho rằng nhân viên phải vui mừng vì họ còn có việc làm: Dù nhiều nhân viên âm thầm sung sướng về chuyện đó, không có nghĩa họ không cần được khen ngợi và khuyến khích, nhất là các nhân viên giỏi. Sự xuất sắc của họ cần được công nhận bởi "một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp".

3. Đổ lỗi cho ban giám đốc: Thường thì trưởng bộ phận là người phải báo tin dữ cho nhân viên. Và để chiếm cảm tình nhân viên, họ kín đáo thêm vào một câu: "Rất tiếc, nếu tôi là người có quyền quyết định thì...". Không nên nói vậy, vì câu này ngụ ý bạn không đồng ý với ban giám đốc và nó sẽ khiến nhân viên lo âu. Tốt hơn hết bạn nên thông báo về sự thay đổi và lý do của nó.

4. Không thu hút nhân viên vào việc phát triển quan hệ với khách hàng: Cần khuyến khích nhân viên suy nghĩ cách thức họ có thể đóng góp cho công ty để đạt được mục tiêu kinh doanh. Nếu có thể, nên thu hút nhân viên vào việc tìm ra các đơn hàng mới. Thông qua nhân viên, bạn có thể tăng cường mối quan hệ với khách hàng hiện có hoặc tiếp cận khách hàng mới.

5. Giao cho nhân viên nhiệm vụ bất khả thi: Sau khi tinh giản nhân sự để tiết kiệm chi phí, những nhân viên còn lại thường phải làm công việc của 2 hoặc 3 người. Nếu bắt buộc phải hoàn tất mọi thứ trong trường hợp này là bạn đã đặt họ vào tình huống bất khả thi, bởi không phải ai cũng là Tom Cruise (diễn viên chính trong phim Mission Impossible - Điệp vụ bất khả thi).

Do đó, nếu chuyện này xảy ra, hãy giúp nhân viên xác định những việc quan trọng nhất cần làm, việc nào có thể thuê bên ngoài hoặc việc nào chưa cần làm ngay.

6. Không quan tâm đến bộ phận phục vụ khách hàng: Chính trong khủng hoảng, việc phục vụ tốt khách hàng mới trở nên quan trọng. Bạn cần huấn luyện nhân viên làm việc ở bộ phận này trau dồi kiến thức và xây dựng phong cách cần thiết để không làm mất đi những khách hàng hiện có.

Một đội ngũ nhân viên hiểu biết, năng động và gắn bó với công ty là những "con gà đẻ trứng vàng" cho bạn lúc khó khăn. Chính họ sẽ đem lại khách hàng và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

7. Không dám phát triển sản phẩm mới: Nếu bạn nhận thấy một sản phẩm hay dịch vụ mới có tiềm năng, đừng chờ đến khi khủng hoảng qua đi. Sau khi tính toán kỹ lưỡng và chấp nhận một phần may rủi, nếu vẫn thấy hấp dẫn thì bạn nên đầu tư. Chính sản phẩm hay dịch vụ mới sẽ giúp bạn chiếm thị trường và vượt qua đối thủ cạnh tranh trong lúc này.

Nguồn Tạp chí Nhịp cầu đầu tư

Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và những bài học

Ông Dick Harrington
Doanh nghiệp nhỏ nghĩ rằng doanh nghiệp lớn có nguồn lực vô hạn và hàng đống tiền để làm bất cứ điều gì họ muốn. Còn doanh nghiệp lớn cho rằng doanh nghiệp nhỏ có tính thầu khoán và có thể hoạt động nhanh chóng và đầy ý tưởng sáng tạo. Những niềm tin trên đều sai cả.

Dick Harrington là CEO và Chủ tịch của công ty truyền thông lớn nhất thế giới Thomson Reuters, có công biến một công ty cổ phần đa lĩnh vực thành một công ty đầu tàu trong lĩnh vực dịch vụ thông tin. Ông cũng vừa tham gia ban quản trị của một công ty mới thành lập.

Dưới đây là một vài lưu ý từ cuộc trao đổi giữa ông với Harvard Business Publishing về việc áp dụng một cách khôn ngoan những bài học của doanh nghiệp lớn vào doanh nghiệp nhỏ.

- Sau gần một thập kỉ điều hành một công ty thuộc Fortune 500 - công ty truyền thông lớn nhất thế giới - điều gì thúc đẩy ông làm việc với một công ty nhỏ và mới ở giai đoạn đầu?

Các doanh nghiệp nhỏ sử dụng hơn một nửa nhân công trong lĩnh vực tư nhân ở Mỹ và có vai trò trong sự phát triển của nước Mỹ. Trong thập kỉ qua, họ đã tạo ra khoảng 75% việc làm mới mỗi năm. Điều quan trọng nhất, đó là cái nôi cho các ý tưởng sáng tạo nhất.

Tuy vậy, hầu hết doanh nghiệp nhỏ lại thất bại vì hoạt động kinh doanh cơ bản của họ rất tồi. Vì vậy tôi rất hứng khởi với cơ hội hướng dẫn họ và hy vọng có thể chia sẻ một vài bài học. Hãy nghĩ thế này: sẽ thú vị hơn nhiều khi phát triển một công ty từ con số 0 đến công ty trị giá 100 triệu đôla so với việc tăng thêm 100 triệu đôla cho một công ty trị giá một tỷ đôla.

- Vậy nhận thức sai lầm nhất của mọi người về doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn là gì?

Hầu hết doanh nghiệp nhỏ nghĩ rằng doanh nghiệp lớn có nguồn lực vô hạn và hàng đống tiền để làm bất cứ điều gì họ muốn. Còn doanh nghiệp lớn cho rằng doanh nghiệp nhỏ có tính thầu khoán và có thể hoạt động nhanh chóng và đầy ý tưởng sáng tạo.

Những niềm tin trên đều sai cả. Hầu hết doanh nghiệp lớn không lãng phí nhiều nguồn lực vào các dự án và hầu hết doanh nghiệp nhỏ có xu hướng trì trệ khi họ trong giai đoạn kinh doanh ban đầu.

Cuối cùng thì kinh doanh vẫn là kinh doanh. Quy mô của tổ chức không quan trọng. Tất cả chúng ta đều phải hiểu khách hàng và thị trường của mình, đặt đúng người vào đúng chỗ và chắc chắn rằng tổ chức phải thực hiện được mục tiêu và mục đích của mình.

- Vậy đâu là thế mạnh mà các doanh nghiệp nhỏ nên tập trung vào?

Các doanh nghiệp nhỏ có lợi thế cạnh tranh quan trọng. Người thành lập dẫn dắt công ty với niềm đam mê chân thực để có thể tạo ra một tầm nhìn rộng. Doanh nghiệp chính là cuộc sống của họ. Họ biết rõ việc kinh doanh và khách hàng hơn ai hết và điều đó có thể thúc đẩy những hoạt động đúng đắn.

Một doanh nghiệp lớn có thể có nhiều tiền đầu tư vào nghiên cứu nhưng người lãnh đạo của doanh nghiệp nhỏ cũng luôn có cách tương tác trực tiếp với khách hàng. Tôi rất tin tưởng rằng các chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm sẽ chiến thắng trong thời gian dài.

- Vậy thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ là gì và làm thế nào giải quyết các thách thức đó?

Vấn đề lớn nhất là làm thế nào doanh nghiệp có thể sắp xếp tổ chức. Các doanh nhân cần phải nhận thức được rằng một người không thể quản lý hết được mọi việc, rằng họ không thể làm cùng một lúc vai trò của người marketing, bán hàng, vận hành... Tư tưởng đó sẽ không hiệu quả trong thời gian dài.

Điều quan trọng là phải thoải mái, tin tưởng người bạn đã thuê và phải chấp nhận việc họ có thể phạm sai lầm trong công việc. Thậm chí một nhà quản lý cũng có thể đưa ra một quyết định hoàn toàn sai, điều đó cũng có thể chấp nhận được. Hãy để họ học hỏi từ chính những lỗi lầm của mình.

- Các bài học khác mà ông cho là hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ và những người lãnh đạo theo dõi cuộc đối thoại này?

Nhiều năm trước tôi bắt đầu từ một công ty cung cấp hệ thống ống nước với một số đối tác. Chúng tôi không có nhiều vốn vì vậy đôi khi phải sáng tạo trong việc đáp ứng các đơn hàng. Chúng tôi cố gắng đảm bảo hoàn thành mọi đơn hàng. Đôi khi chúng tôi phải lấy một phần từ đối thủ cạnh tranh hoặc mua lẻ để hoàn thành đơn hàng. Nhưng điều đó hoàn toàn chấp nhận được.

Điều quan trọng là không bao giờ làm mất lòng khách hàng. Chúng tôi đã nói "Phải, chúng ta có thể" nhiều năm trước khi ông Obama phát biểu như vậy.

Ngoài nguyên tắc khách hàng là số một, chúng tôi luôn có một quy tắc là quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Thành công hiếm khi đến với những lịch làm việc hành chính. Cũng luôn cần xét đến các vấn đề quan trọng và luôn "làm việc hoà hợp" với các nhân viên khác. Cách tốt nhất để định hướng hành vi của người khác là làm gương cho họ.

Cuối cùng là làm việc có trọng tâm. Đừng quá tham vọng. Hãy giữ sức và tập trung vào những ưu tiên hàng đầu quan trọng của công ty. Để làm được điều đó hãy làm nhiều nhất năm việc một lúc và đừng đặt mục tiêu thứ 6 khi mà mục tiêu thứ 1 chưa được thực hiện. Bạn chắc chắn sẽ tăng cơ hội thành công cho mình.

Nguồn: www.tuanvietnam.net

Sự im lặng đáng sợ... khi khởi nghiệp!

Thời gian là vàng bạc, có thể là vô giá...! Trong bước đầu khởi nghiệp bạn sẽ không thể biết được mỗi khi đưa sản phẩm mới ra thị trường, sẽ cần bao nhiêu thời gian để biết được sản phẩm đó có được khách hàng chấp nhận và thành công hay không?... Nhất là sản phẩm, dịch vụ của bạn lại cần kênh phân phối rộng nhiều nơi như: Siêu thị, đại lý các tỉnh thành...

Bạn khởi nghiệp với rất nhiều kỳ vọng và các bước chuẩn bị thật chu đáo, sau khi phân tích thị trường và làm tất cả những gì tốt nhất cho sản phẩm để đưa ra thị trường. Điều tiếp theo là... chờ đợi và chờ đợi...! Đây là khoảng thời gian mà thành công hay thất bại của sản phẩm sẽ được thẩm định, khoảng thời gian dài hay ngắn sẽ tuỳ thuộc vào phản ứng của khách hàng. Bạn sẽ cần phải làm một động thái tiếp theo là: đo lường sự tiếp nhận và phản ứng của khách hàng để có thể điều chỉnh sản phẩm cho lần kế tiếp. Nhưng trước khi bạn làm điều đó, thì khoảng thời gian chờ đợi sẽ rất "khủng khiếp" nếu bạn không có sự chuẩn bị trước cho vấn đề này. Đặc biệt, nếu bạn lại là doanh nghiệp nhỏ với tiềm năng tài chính khiêm tốn.

Với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm thì họ sẽ không phải lo lắng nhiều, nhưng với người mới khỏi nghiệp thì quả thật sẽ rất khó khăn khi phải đối mặt với thời gian chờ đợi, không biết đến bao giờ kết quả mới thể hiện rõ ràng vì có rất nhiều việc cần triển khai ngay khi kết quả sản phẩm mang lại. Thí dụ:

- Nguồn nhân lực làm ra sản phẩm không chuẩn bị trước thì khi bán được sẽ không có đủ người để làm, ngược lại nếu chuẩn bị nhân lực rồi mà sản phẩm chưa bán được thì sẽ không có việc để triển khai... Tiền lương nhân viên...Lãi vay ngân hàng...

- Bao bì sản phẩm được bạn đầu tư rất kỹ nhưng chỉ sau khi được khách hàng chấp nhận, lúc đó bạn mới yên tâm tiếp tục sản xuất... Ngược lại, bạn phải thay đổi theo nhu cầu thị hiếu khách hàng.

- Hoặc dịch vụ của bạn khi triển khai một thời gian mới thấy nó "lỗi thời", thì quả là một cực hình khi phải chờ đợi những động thái tiếp theo của thị trường. Lúc đó bạn mới có kế hoạch thay đổi cho phù hợp.

- Và một điều cực kỳ nguy hiểm khác đó là đối thủ của bạn cũng tung ra sản phẩm, dịch vụ tương tự hầu như cùng lúc với bạn nhưng mẫu mã và giá cả cạnh tranh hơn...

Trên đây chỉ là một số ví dụ cơ bản, bạn có thể hình dung ra thêm một số vấn đề liên quan hầu có các phương án chuẩn bị đối phó. Nếu như bạn khởi nghiệp với một nhóm người thì việc cần làm lúc này là: tăng cường giám sát các sản phẩm & dịch vụ của mình, chuẩn bị các phương án thay đổi cho phù hợp với thị hiếu, nhu cầu khách hàng... Còn nếu bạn khởi nghiệp chỉ một mình "ta với ta", thì còn bao nhiêu "công lực" lúc này hãy đem ra hết và nên nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè, người thân mới mong cứu vãn sự việc.

Tóm lại, bạn cần phải rút ngắn khoảng thời gian "im lặng đáng sợ" này và chuẩn bị tâm lý cho nó. Nếu thành công thì sẽ triển khai thật nhanh, còn nếu có thất bại bước đầu thì cũng chẳng có gì là ầm ĩ cả! Hãy kiểm tra xem sai lầm chỗ nào để khắc phục, chắc chắn Bạn sẽ thành công ở lần kế tiếp.

Hãy kiên định với mục tiêu của mình, nhưng phải sẵn sàng "thay đổi & thích ứng" khi cần thiết... Chúc thành công.

Nguồn: Saga.vn

Lời khuyên tốt cho người vừa làm thuê, vừa làm chủ

Rất nhiều người đang có một công việc ổn định, bỗng muốn rẽ ngang để lập sự nghiệp riêng. Họ băn khoăn không biết có nên nghỉ việc hẳn để lo cho dự án mới hay cứ làm kiểu “chân trong chân ngoài”. Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn một số ý kiến của chính những người trong cuộc.

Hãy dựa trên bản chất công cuộc kinh doanh của bạn

Nếu bạn thấy thị trường đang có nhu cầu gay gắt, không có đối thủ cạnh tranh mạnh, thì không có lý do gì bạn không đầu tư tối đa thời gian, sức lực vào công cuộc kinh doanh đó.

Ngược lại, nếu bản chất của công cuộc kinh doanh đó không cần toàn thời gian của bạn, thì khởi đầu bằng cách bán thời gian sẽ hợp lý hơn.

“Tôi vẫn ban ngày đi làm kế toán, ban đêm về coi chừng bán hàng trên mạng. Chỉ có 2 người, công ty chúng tôi chuyên cung cấp các thiết bị điện tử qua mạng, kể cả hàng mới và cũ, nhưng tất cả đều được kiểm tra chất lượng trước khi giao. Hàng tháng, thu nhập của chúng tôi khoảng 7.000 USD” - Trịnh Dương, Giám đốc Công ty Power Dictionary.

Cẩn thận, chớ bắt cá 2 tay!

Đừng dại đột cạnh tranh với chính công ty mà bạn đang làm việc. Bạn sẽ mất uy tín, danh dự, quan hệ, và thậm chí bị kiện cáo ra pháp luật vì vi phạm điều khoản cạnh tranh trong hợp đồng lao động.

Hãy tìm một “kẽ hở” trong thị trường mà công ty của bạn đang làm việc bỏ qua. Cơ may hợp tác lẫn nhau và thành công là rất lớn.

Khả năng tài chính

Hãy để riêng một khoản tiền đủ để nuôi sống bản thân và gia đình trong 6 tháng hay một năm trước khi khởi nghiệp. Số tiền này tất nhiên thay đổi tùy theo hoàn cảnh mỗi người và tùy theo bản chất dự án kinh doanh của bạn.

Hãy xem lại các yếu tố sau đây:

- Số tiền bạn đã tiết kiệm được

- Số tiền bạn có thể mượn của gia đình, bạn bè

- Số tiền mà dự án của bạn có thể “bắt đầu” tạo ra được từ các khách hàng.

Kinh nghiệm của tôi là, hãy đợi đến lúc số tiền từ thu nhập bán thời gian của bạn đạt tối thiểu khoảng 30% so với mức thu nhập hiện nay mới tính đến chuyện nghỉ việc để tập trung toàn thời gian cho nó.

Yếu tố không thể bỏ qua: Gia đình!

Liệu bạn có chấp nhận có sự nghiệp với cái giá đánh mất cả gia đình? Nếu câu trả lời là có, bạn là một trong những người hiếm hoi mà tôi từng gặp.

“Từ ngày chồng tôi làm ăn riêng, cuộc sống thực sự thay đổi quá sức tưởng tượng: anh ấy không về nhà sớm, thường xuyên vắng mặt cả ngày chủ nhật, đi làm sớm,... Tôi đi sanh chỉ có một mình, vì anh ấy bận ở công ty” - Nguyễn Thị Y Lan, kỹ sư xây dựng.

“Không phải bất cứ cuộc kinh doanh nào cũng làm gia đình xung đột. Hai vợ chồng tôi đồng tâm hợp lực. Không có “bả”, tôi thật sự khó có thể có được cơ đồ như ngày nay” - Trần Quý Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát.

“Làm việc toàn thời gian sẽ biến chuyến phiêu lưu của bạn trở thành một công việc nặng nề. Nhưng nếu thực sự đam mê, yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thấy đó là một chuyến phiêu lưu đầy thú vị!” - Arnold Sanow, diễn giả thế giới.

Yếu tố cuối cùng: Cá nhân bạn!

Hãy thử tưởng tượng cảnh bạn phải thức dậy nửa đêm, vò đầu bứt tóc suy nghĩ về công việc. Sáng hôm sau lại phải dậy sớm để làm một nhân viên gương mẫu. Liệu bạn có đủ nghị lực, ý chí để khởi sự công cuộc kinh doanh đó, nếu nó cứ kéo dài như thế hàng tháng, thậm chí hàng năm?

Một giải pháp khả thi là hãy đến đặt hàng những công ty dịch vụ “ấp trứng”, các công ty này cung cấp cho bạn nhân sự, chỗ ngồi, văn phòng,… kể cả các dịch vụ luật, marketing, kế toán.

Cân bằng cuộc sống là một điều tối quan trọng khi khởi nghiệp

- Hãy bàn bạc cùng gia đình càng sớm càng tốt.

- Hãy sẵn sàng bỏ bớt những thời gian rảnh rỗi trước đây.

- Hãy tập trung vào công việc trước mắt: đừng lãng phí thời gian.

- Hãy sử dụng độ chênh lệch thời gian giữa 2 nước: ban ngày đi làm, ban đêm chơi chứng khoán tại Mỹ chẳng hạn.

- Đừng bước qua ranh giới cho phép: sử dụng thời gian của công ty đang làm việc vào chuyện kinh doanh cá nhân là một điều cấm kỵ!

- Hãy chân thành. Có thể, bạn cũng nên trao đổi thẳng thắn với sếp bạn về việc bạn đang làm. Nếu nó không ảnh hưởng đến công việc của công ty, ông ta sẽ chẳng quan tâm, thậm chí ông ấy có thể giúp bạn.

- Hãy hỏi các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm. Họ sẽ giúp bạn không phải trả giá với chi phí không đáng kể so với tổn thất mà bạn sẽ gặp phải vì thiếu kinh nghiệm. Nhớ chọn đúng chuyên gia!

Lê Châu Tuấn
Nguồn: Dân trí

Đi tìm lời giải cho bài toán vốn

Muốn thành công trong kinh doanh, trước hết bạn phải dám đương đầu và vượt qua “cửa ải” vốn. Tạo vốn và quay vòng vốn luôn là những bài toán theo đuổi suốt cuộc đời kinh doanh của bạn và việc tìm ra lời giải cho bài toán đó sẽ tạo nên một bản sắc riêng, đồng thời khẳng định vị thế của bạn trên thương trường.

Vậy tìm đâu ra nguồn vốn và làm thế nào để giải bài toán về vốn một cách hiệu quả nhất? Câu hỏi đó luôn làm đau đầu các doanh nhân.

Bản thân việc vay vốn không phải lúc nào cũng là thượng sách. Nếu lãi suất phải trả cao hơn tỷ suất lợi nhuận có thể thu được, thì đương nhiên các công ty sẽ không bao giờ vay vốn. Và trên thực tế, nhiều công ty cho rằng nếu không có được những dự án đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn mức lãi suất tiền vay, thì thà cứ cố gắng tiết kiệm tiền còn hơn là đi vay mượn thêm. Nhưng đây không phải là lời giải cho bài toán vốn. Nếu chỉ cần tiết kiệm và giảm tối đa mọi chi phí là đủ, thì chắc sẽ không có ai thành lập công ty và mở rộng các hoạt động kinh doanh cả. Lời giải ở chỗ các công ty làm sao để không phải đi vay mà vẫn tìm ra những nguồn huy động vốn khác nhau.

Huy động vốn như thế nào?

Có 1001 cách tạo vốn khác nhau tuỳ thuộc vào kinh nghiệm sống, trí thông minh, sự khôn khéo, nhạy bén và cả sự can đảm của người đứng đầu doanh nghiệp. Konozuke Matshusita là một trong những tỷ phú giàu nhất ở Nhật Bản, người sáng lập ra tập đoàn điện tử mang tên ông. Hồi còn nhỏ, gia đình Matshuhita rất nghèo, lại là con út trong một nhà có 9 người con ở miền Trung Nhật Bản nên ông phải bỏ học lúc 19 tuổi, làm thuê ở một cửa hiệu sửa chữa xe máy kiếm sống. Ông đã tích góp từng xu để nuôi chí làm giàu. Để có tiền làm nhà xưởng, ông đã phải huy động vốn từ rất nhiều nguồn khác nhau, thậm chí bán cả tư trang của vợ mình. Đến nay, nhà máy của Matshusita phát triển thành một tập đoàn Matshusita với những mặt hàng điện tử nổi tiếng mang nhãn hiệu Panasonic và National. Hiện nay Matshusita sử dụng hơn 190.000 nhân viên, có 200 nhà máy trên khắp thế giới và doanh thu riêng tại Mỹ đã đạt tới gần 60 tỷ USD.

Cũng như bất kỳ ông chủ nào, với Matshushita, vấn đề vốn luôn là mối bận tâm hàng đầu. Không công ty nào có sẵn vốn để đầu tư vào những dự án kinh doanh mới, trang bị máy móc, thiết bị sản xuất, thiết bị văn phòng, tin học, viễn thông và các động sản khác ... hoặc để dành vốn vào mục đính kinh doanh khác. Họ cần tìm ra các nguồn huy động vốn khác nhau. Dưới đây là một số kênh tín dụng hữu hiệu giúp bạn giải quyết những khó khăn về vốn:

Huy động vốn dài hạn bằng cách phát hành cổ phiếu

Tại Mỹ, ngay ở Bản chứng thư lập hội (articles of association), những người sáng lập công ty đã ấn định số vốn của công ty là bao nhiêu, chia ra bao nhiêu phần bằng nhau, gọi là cổ phần. Khi cổ phần bán đi thì người mua nhận được biên nhận đã trả tiền gọi là cổ phiếu và họ trở thành cổ đông.

Cổ phần luôn là cách thức giải quyết vấn đề vốn một cách hiệu quả nhất. Công ty bán cổ phần để gọi vốn, giống như bán một viên kẹo. Ở mức phát triển thấp, công ty chỉ có viên kẹo làm theo hai hình, hình vuông có đề tên người chủ và hình tròn không đề tên ai. Loại vuông không được chuyển nhượng cho người khác, gọi là cổ phiếu ghi danh, còn loại tròn có thể chuyển nhượng cho bất kỳ ai, gọi là cổ phiếu vô danh. Chuyển nhượng cổ phiếu dễ dàng cũng là một cách thu hút người mua. Đến mức phát triển cao hơn, công ty dựa trên lợi ích của các cổ đông để bán cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông. Đây là cổ phiếu được ưu tiên chia lời.

Để huy động vốn, công ty sẽ bán cổ phiếu cho cổ đông tùy theo số tiền cần có. Nếu định bán rộng rãi ra cho dân chúng, thì công ty cần phải đăng ký cổ phiếu với Sở giao dịch chứng khoán, được gọi là niêm yết chứng khoán trên thị trường chứng khoán. Lúc đó, cổ phiếu có thêm một tên mới là chứng khoán. Nếu chỉ bán cho vài người thì không phải đăng ký cổ phiếu. Tùy theo tình hình tài chính của công ty, nếu làm ăn khấm khá, công ty sẽ mua lại số cổ phiếu đó để cất giữ.

Sau khi gọi vốn lần đầu, những lần sau, muốn tăng vốn, công ty bán nốt số cổ phiếu hãy còn giữ lại lúc đầu, hay phát hành một đợt cổ phiếu mới. Mức phát hành bao nhiêu sẽ do hội đồng quản trị công ty quyết định. Cứ mỗi lần phát hành mà muốn bán ra công chúng thì lại phải làm đủ thủ tục niêm yết như lần đầu.

Thuê tài chính

Thuê tài chính là một hình thức đang được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Ðức, Thuỵ Ðiển, Úc... Loại hình cho thuê tài chính đã được một số công ty đưa ra thị trường tài chính vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX với tên gọi là thuê tài chính (finance lease).

Cho thuê tài chính (finance leasing) là một dạng cho thuê máy móc, thiết bị và động sản. Người ta còn gọi là cho thuê thiết bị (leasing). Ở nhiều nơi, người ta cho thuê xe hơi, máy bay, xe tải, tàu hoả, khoang tàu thuỷ và tàu thuỷ, máy photocopy, máy fax,…Tập đoàn General Motor của Mỹ còn cho thuê cả máy vi tính. Hiện nay, Vietnam Airlines đã thuê máy bay của TEAC, AirFrance… Tại Mỹ, ngành cho thuê tài chính chiếm khoảng 25 - 30% tổng số tiền tài trợ cho các giao dịch mua bán thiết bị hàng năm của các công ty. Nguyên nhân chính thúc đẩy các hoạt động cho thuê tài chính phát triển nhanh là do nó có tính chất an toàn cao, tiện lợi và hiệu quả cho các bên giao dịch.

Không thể phủ nhận rằng sự có mặt của các công ty cho thuê tài chính đã “mở lối thoát” cho các công ty, trong thời điểm các công ty này đang gặp khó khăn về thủ tục thế chấp tài sản để vay vốn ở các ngân hàng. Tuy nhiên, khái niệm cho thuê tài chính vẫn còn khá mới mẻ với nhiều công ty. Ít công ty hiểu được rằng cho thuê tài chính là một hình thức tài trợ tín dụng, thông qua việc cho thuê các loại tài sản, máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển… là nhu cầu mà các công ty, các nhà đầu tư mong muốn để đổi mới máy móc, thiết bị, hiện đại hóa công nghệ sản xuất kinh doanh. Đặc trưng của phương thức này là đơn vị cho thuê (tức là chủ sở hữu tài sản) sẽ chuyển giao tài sản cho người thuê (tức là người sử dụng tài sản) được quyền sử dụng và hưởng dụng những lợi ích kinh tế mang lại từ các tài sản đó trong một thời gian nhất định. Người thuê có nghĩa vụ trả một số tiền cho chủ tài sản tương xứng với quyền sử dụng và quyền hưởng dụng. Điều này cũng cho thấy việc cấp tín dụng dưới hình thức cho thuê tài chính không đòi hỏi sự bảo đảm tài sản có trước, tạo điều kiện cho các công ty tiếp cận hình thức cấp tín dụng mới, vừa giải tỏa được áp lực về tài sản đảm bảo nếu phải vay ở ngân hàng.

Loại hình cho thuê tài chính rất thích hợp cho các công ty vừa và nhỏ nhờ ưu điểm không phải thế chấp tài sản như khi vay vốn ở các ngân hàng.

Nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế

Trên thế giới có rất nhiều tổ chức tài chính chuyên về hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, trong đó được biết đến nhiều nhất là Công ty tài chính quốc tế (IFC). IFC là một tổ chức tài chính phi chính phủ trực thuộc Ngân hàng thế giới, được thành lập với chức năng hỗ trợ tài chính cho các công ty dưới nhiều hình thức khác nhau, thông qua các dự án đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh. Hoạt động của IFC đã được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới, từ những nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản đến những nước đang phát triển như Trung Quốc, Thái Lan...

Điểm đặc biệt trong hoạt động của IFC là bản thân tổ chức này không tạo ra các dự án mới, mà IFC chỉ đầu tư vào hoặc hỗ trợ cho các dự án, công ty hiện có trên thị trường. Nói một cách khác, qui mô hoạt động của IFC phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hoạt động của bản thân các công ty. Để thực hiện chương trình tài trợ vốn, IFC sẽ xem xét, tìm kiếm các công ty hoạt động tốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính, tư vấn... sau đó hỗ trợ tài chính dưới hai hình thức: một là sử dụng các ngân hàng như là khâu trung gian trong việc cung cấp tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân hai là hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty trên các mặt quản lý hoạt động tài chính, quản lý rủi ro, tăng cường vốn.... IFC hiện cũng đang xem xét việc thành lập một quỹ đầu tư hoặc trực tiếp cấp vốn cho các dự án do các công ty tư nhân thực hiện, hoặc có thể đứng ra làm trung gian kêu gọi các tổ chức tài chính khác.

Thông qua việc hỗ trợ đầu tư cho nhiều dự án trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau từ xi măng, sắt thép, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng cho đến du lịch, dịch vụ tài chính,... với vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ USD, có thể nói IFC đã đóng vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ sự phát triển của các công ty, tạo cơ sở hình thành nhiều khu vực kinh tế tư nhân năng động trên thế giới.

Tuy nhiên, IFC không phải là một định chế tài chính trực tiếp đầu tư cho các công ty, mà chỉ đóng vai trò trung gian, cầu nối. Một mình IFC khó có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của các nhà đầu tư. Vấn đề là làm thế nào để các tổ chức và các định chế tài chính khác cùng chung sức giúp các công ty cất cánh? Cũng chính vì lý do này mà IFC hiện đang tìm một số tổ chức tài chính cùng hợp tác hỗ trợ tín dụng cho các công ty trên toàn thế giới. Nếu công ty của bạn cần vốn, bạn có thể liên hệ với chi nhánh IFC tại địa phương mình để tìm hiểu thêm thông tin về các chương trình tài trợ vốn đầu tư.

Làm thế nào để huy động vốn một cách dễ dàng?

Trên thị trường vốn, có khá nhiều phương thức khác nhau để tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, tuy nhiên, điều khó khăn đối với đa số các công ty là họ không hội đủ các điều kiện cần thiết để vay vốn, hay không nhận được sự tin tưởng từ phía các nhà tài trợ. Vì thế, việc nâng cao năng lực kinh doanh, cũng như đẩy mạnh uy tín của công ty trong con mắt các nhà tài trợ là rất cần thiết để công ty có thể tiếp cận các nguồn vốn một cách dễ dàng.

Và để tối ưu hoá hoạt động huy động vốn, các công ty cần đề ra cho mình những nguyên tắc nhất định, “đánh bóng” chính bản thân công ty, từ đó tạo ra sự tin cậy trong con mắt các nhà tài trợ vốn.

Tạo dựng độ tin cậy của công ty

Trước mỗi quyết định tài trợ vốn, các nhà tài trợ thường căn cứ vào độ tin cậy và uy tín của công ty. Nếu công ty muốn sớm nhận được quyết định tài trợ vốn, thì một bộ tài liệu chứng minh độ tin cậy của công ty sẽ là rất cần thiết. Văn bản này càng trung thực và rõ ràng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Các nhà tài trợ sẽ tiến hành xác minh, nếu phát hiện có chi tiết thiếu trung thực, lập tức họ sẽ đặt dấu hỏi về độ tin cậy của công ty.

Bên cạnh đó, một bộ máy kế toán tài chính hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng độ tin cậy của công ty. Sau những vụ bê bối tài chính lớn như Enron, Worldcom... giờ đây các công ty trên thế giới đã quan tâm hơn đến bộ máy kế toán. Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi nếu cứ tiếp tục xem thường bộ máy kế toán như trước đây, thì chắc hẳn sẽ không tránh khỏi những “vết xe đổ”. Và do vậy lòng tin của các nhà đầu tư sẽ giảm sút nghiêm trọng.

Nhiều hãng lớn của châu Âu như Orcale, Vodaphone đã quy định: nếu chưa am hiểu về kế toán, nhà quản lý phải bổ sung kiến thức chuyên môn bằng cách tham dự các khóa học ngắn hạn do trường đại học hoặc trung học kinh tế tổ chức. Thời gian học khoảng từ hai đến sáu tháng, sau đó có thể học tiếp lớp nâng cao hoặc tham khảo sách chuyên ngành. Nhà quản lý doanh nghiệp hiểu biết về kế toán, tất nhiên, không phải để tự mình làm lấy các công việc lập sổ sách, mà là để kiểm tra lại tính chính xác của những thông tin cấp dưới báo cáo, giúp cho công tác quản lý, điều hành và ra quyết định hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế hơn.

Theo các chuyên gia tài chính của Oracle, tập đoàn viễn thông lớn nhất châu Âu, thì bộ máy kế toán của Oracle nói riêng và của các công ty khác nói chung, sẽ có tác dụng huy động khai thác nguồn tài chính nhằm đảm bảo yêu cầu kinh doanh, tổ chức sử dụng vốn của công ty sao cho hiệu quả nhất. Bộ máy kế toán sẽ xác định đúng nhu cầu cần huy động vốn, lựa chọn nguồn tài trợ, lựa chọn phương thức đẩy mạnh kinh doanh làm cơ sở để huy động vốn, đảm bảo nguồn vốn phát triển hữu ích, từ đó nâng cao lợi nhuận của công ty.

Tạo dựng hình ảnh về năng lực của công ty

Nếu công ty bạn chứng minh được với các nhà tài trợ vốn về khả năng quản lý, kỹ năng hoạt động, năng lực tài chính cũng như sự nhạy bén trong kinh doanh, thì bạn sẽ rất thuận lợi trong việc huy động vốn, bởi năng lực công ty là một trong những yếu tố tiên quyết mà các nhà tài trợ vốn xem xét và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định tài trợ vốn.

Ngoài việc chủ động huy động vốn và trình bày các năng lực kinh doanh, bạn còn phải thể hiện cam kết tài chính của công ty đối với những hoạt động kinh doanh cụ thể. Nhà tài trợ vốn sẽ luôn nhìn vào giá trị thực của công ty và các hệ số chuẩn mực về tài chính. Bạn nên chuẩn bị các bản báo cáo tài chính về hiệu quả kinh doanh, năng lực quản lý (chứng nhận tiêu chuẩn ISO, TQM…)..., bởi chúng là những biểu hiện rõ ràng nhất khả năng của công ty trong con mắt các nhà tài trợ. Báo cáo tài chính sẽ “tiết lộ” hoạt động của công ty bạn, đồng thời cung cấp những thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư hiện tại và tương lai, các chủ nợ,… về tình hình tài chính của công ty. Vì vậy, tính trung thực trong báo cáo tài chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Ngoài ra, có những chỉ số vừa cần thiết cho các nhà tài trợ vốn khi muốn tìm hiểu về thực lực của công ty bạn, vừa giúp “trang điểm” cho hình ảnh công ty rất hiệu quả:

- Tỷ lệ giá/lợi nhuận (P/E): Cho đến nay, tỷ lệ này được sử dụng phố biến nhất để đánh giá cổ phiếu và tình hình tài chính của công ty, thể hiện bạn sẵn sàng trả bao nhiêu cho mỗi USD lợi nhuận của công ty.

- Tỷ lệ giá/doanh thu (P/S): Chỉ số này có thể được sử dụng để nhận ra những công ty có mạng lưới kinh doanh ổn định, nhưng lợi nhuận có thể giảm sút sau quá trình phát triển quá nóng.

- Tỷ lệ giá/lưu lượng tiền mặt (P/C): Con số doanh thu và lợi nhuận mà công ty báo cáo là “sản phẩm” của những quy tắc tính toán phức tạp có thể được vận dụng để làm sai lệch số liệu. Lưu lượng tiền mặt từ các hoạt động kinh doanh có thể đưa ra một bức tranh xác thực hơn.

- Tỷ lệ giá/giá trị sổ sách (P/B): Tỷ lệ này được dùng để đánh giá giá trị toàn mạng lưới của công ty đối với các máy móc, thiết bị và các tài sản khác, thường được sử dụng để tìm kiếm các mục tiêu tiếp quản.

Tài sản bảo đảm

Trong quá trình huy động vốn, một đòi hỏi tất yếu là khoản tiền vốn huy động cần được đảm bảo bởi tài sản hợp pháp của công ty, hoạt động kinh doanh có triển vọng cũng như thị trường mà công ty bạn đang kiểm soát.

Bạn nên chứng minh cho nhà tài trợ thấy những tài sản hữu hình và tài sản vô hình mà bạn đang sở hữu. Đôi khi tài sản vô hình như giá trị thương hiệu, thị phần, kênh phân phối… còn có giá trị lớn hơn rất nhiều so với tài sản hữu hình. Đôi khi, việc nhờ một tổ chức chuyên nghiệp định giá công ty của bạn sẽ rất cần thiết để việc huy động vốn của bạn được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Hạn chế rủi ro đối với nhà tài trợ vốn

Trong các kế hoạch huy động vốn, vấn đề lo ngại nhất của các nhà tài trợ là những rủi ro tài chính do sự biến động của thị trường, như giá ngoại tệ lên xuống thất thường, đồng nội tệ mất giá, thị trường bất động sản thay đổi, tình trạng trượt giá phi mã,… Các nhà tài trợ vốn sẽ luôn xem xét và suy tính rất kỹ về các rủi ro xấu nhất có thể xảy ra.

Chính vì vậy, để giúp các nhà tài trợ sớm ra quyết định, công ty nên có các phương án giải thích rõ ràng về tính tối ưu và khả thi của khoản tiền huy động, đồng thời việc giải thích càng chi tiết, rõ ràng bao nhiêu sẽ càng có lợi cho bạn bấy nhiêu.

Sau cùng, bạn chỉ nên cân nhắc tới một khoản huy động vốn, khi bạn tin tưởng và tính toán thấy rằng lợi nhuận thu được từ các hoạt động kinh doanh được đầu tư từ khoản vốn huy động đó sẽ cao hơn các chi phí huy động vốn. Và bạn tuyệt đối không nên huy động vốn để trang trải các khoản lỗ của công việc kinh doanh hiện tại, bởi việc này có thể kéo bạn lún sâu vào “vũng lầy” với tình trạng khó khăn hơn về tài chính . Thay vào đó, bạn có thể cắt giảm các loại chi phí, hợp lý hoá hoạt động kinh doanh sao cho tốt hơn và hiệu quả hơn. Bạn chỉ nên tập trung vào các hoạt động kinh doanh nào chắc chắn mang lại lợi nhuận. Nếu ngay cả biện pháp này cũng không giúp gì cho bạn, thì bạn nên suy nghĩ tới việc chuyển hướng hoạt động kinh doanh của mình.

Nguồn Bwportal

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References