“Sống gần như là một mệnh lệnh”

SGTT - Đằng sau tiếng kèn quyến rũ ma mị ấy là một số phận đầy chông gai, luôn phải đối đầu với tử thần, với những bất trắc khôn lường, để rồi âm nhạc như một phép lạ, hoá giải tất cả…

Nhiều người gọi anh là một saxman quyến rũ, anh có thấy là mình… quyến rũ không?

(Cười rạng rỡ) Mỗi khi cầm kèn tôi thấy mình dường như… quyến rũ, tự tin hơn. Nhưng khi rời chiếc kèn, trông tôi xù xì lắm, có lẽ là nhờ chiếc kèn thôi…

Trong cuộc đời gắn bó với saxophone, lựa chọn nào đã thay đổi số phận của anh?

Là sinh viên Việt Nam đầu tiên giành được học bổng của trường đại học âm nhạc Berklee, Boston (Hoa Kỳ), cơ hội này đã cho tôi một cách nhìn khác, thôi thúc tôi quyết liệt lựa chọn jazz như một lẽ sống, biết phải làm gì, tìm con đường nào để có chỗ đứng tốt ở Việt Nam và đi xa hơn nữa. Việt Nam đang mở cửa, đó là cơ hội để tôi đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Hầu hết các tổng lãnh sự quán các nước tại Việt Nam là khách thường xuyên của Club Sax and Art, họ gọi tôi là vị đại sứ âm nhạc của Việt Nam. Đó thực sự là hạnh phúc. Cũng chỉ qua bảy nốt nhạc, tôi có thể bắt tay tổng thống Clinton, tham dự giải Grammy, mang nhạc Trịnh Công Sơn đến với tất cả mọi người…

Anh có những tình bạn rất kỳ lạ, như mối nhân duyên với các vị sư trụ trì ở chùa Hương, chùa Vĩnh Nghiêm, các vị cha xứ… và đã có những buổi trình diễn ở chùa, ghi âm cũng ở chùa… Lý do nào thúc đẩy anh kết hợp jazz với tiếng chuông chùa?

Tôi phát hiện từ jazz chất ngẫu hứng rất gần với thiền. Tôi cứ bị ám ảnh là làm thế nào đưa hồn dân tộc vào jazz như một thứ “world music” hiện đại. Kết hợp âm nhạc đương đại trên nền âm thanh đậm chất thiền phương Đông mang lại một cảm thức kỳ lạ. Tôi đã chứng kiến chùa Viên Giác ở TP.HCM tập hợp 100 nhà sư tụng và tán. Đây là thứ âm nhạc mà tôi nghĩ có khả năng hiện đại hoá. Tôi tưởng tượng mình được thổi saxo cùng với 100 nhà sư tán và chơi những nhạc cụ riêng của các vị, âm thanh vang vọng vào vách đá chùa Hương… Và tôi muốn ghi âm trong không gian đó. Một không gian tĩnh lặng, trang nghiêm, chỉ có tiếng tụng kinh gõ mõ và tiếng chuông chùa. Không phải tôi muốn làm nhạc Phật giáo, tôi chỉ tìm ảnh hưởng của không gian, sự tĩnh lặng của âm nhạc Phật giáo để tạo nên một tinh thần mới cho jazz. Điều đặc biệt nữa là không gian tự nhiên trong chùa là một “phòng thu” rất tốt, chất liệu gỗ tạo nên tiếng vang tự nhiên và sâu thẳm… Rất may là tôi có một duyên lành với các vị sư sãi ở chùa, cũng là nhờ âm nhạc, nên đi đến đâu cũng được yêu quý. Các vị sư rất thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn, vì vậy lễ Vu lan báo hiếu nào tôi và ca sĩ Mỹ Linh cũng biểu diễn ở chùa.

Khá nhiều tin đồn anh đang bệnh nặng, chỉ sống thêm... vài tháng nữa là may. Nhưng đến Club Sax and Art, vẫn thấy anh thật mãnh liệt với bản jazz chất ngất. Làm thế nào mà một người đàn ông với một bên mắt bị hỏng, phải sống nhờ bằng quả thận của anh trai, lại có thể tự tin như thế khi cái chết lúc nào cũng rình rập?

(Lặng đi)… Cuộc đời tôi có những tai hoạ giáng xuống thật bất ngờ. Năm 13 tuổi, tôi bị đau mắt, bác sĩ chẩn đoán chỉ bị viêm mắt bình thường, đâu ngờ ba ngày sau để tay lên mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Bác sĩ phải tiêm một loại thuốc rất mạnh để giữ con mắt còn lại. Đau đớn vô cùng, tôi nằm lịm đi suốt mấy tiếng đồng hồ, rồi lại một mình trở về nhà. Lúc ấy, tôi tưởng cuộc đời thế là chấm dứt. Tôi lao vào thổi kèn như điên, và không ngờ âm nhạc đã cứu sống tôi.

Khi đang biểu diễn ở Đức, tôi biết được mình bị hư hết hai quả thận. Một tháng trời tôi bị sốc, chỉ nằm nhìn lên trần nhà. Tôi không thể tin được đó là sự thật. May mắn là tôi được nhiều người thương, kể cả những người bạn Mỹ. Chính anh trai đã cho tôi quả thận của mình, rồi bạn bè gom góp tiền cho tôi đi Mỹ chữa bệnh. Năm lần phẫu thuật, sống với một con mắt và hai quả thận hư, may cho tôi là còn có âm nhạc. Suốt ba tháng đầu tiên phải vào bệnh viện để chạy thận, lúc nào tôi cũng có cây kèn bên mình. Khi không thổi kèn được thì tôi nghe nhạc. Sợ nhất là lúc gây mê, y như cảm giác đứng trước cái chết, sợ rằng mình sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Trước mỗi ca mổ như thế tôi thường chơi vài hợp âm gì đó. Âm nhạc giúp tôi và cả những người bệnh xung quanh lạc quan hơn. Tôi hiểu hơn ai hết cái gì đến sẽ đến, may mắn của mình là vẫn còn rất nhiều người yêu thương, giúp đỡ. Điều đó không cho phép mình bi quan. Trách nhiệm với người xung quanh, với gia đình còn quá nặng nề không cho phép mình buông xuôi. Phải sống gần như là một mệnh lệnh…

Với Sax and Art, anh kiếm tiền có khó không? Làm thế nào để một người “lì đòn” như anh không mất cảm xúc khi phải đối diện với quá nhiều nghiệt ngã trong cuộc sống?

Mở club Sax and Art cũng chính là để có chỗ giao lưu với bạn bè yêu nhạc jazz, chứ tính hiệu quả kinh doanh thì chẳng ăn thua gì. Tôi kiếm tiền không khó. Nguồn sống chính của tôi là từ phát hành đĩa, tham gia các sự kiện, và giảng dạy âm nhạc cho các chuyên gia nước ngoài. Album Về quê, Hạ trắng, Bèo dạt mây trôi của tôi mỗi album lên đến hơn 100 ngàn bản. Nếu không bị nạn ăn cắp bản quyền thì tôi… giàu to. Tôi rất vui, vì khi người Việt Nam mua đĩa nhiều, nghĩa là jazz đã bắt đầu cắm rễ trong đời sống.

Khi biết mình là ai, biết nhún mình một chút, sẽ học được nhiều điều từ cuộc sống, và từ chính học trò của mình. Dạy cũng là một cách để cho đi và nhận lại

Cuộc đời tôi cũng đầy thăng trầm. Mẹ tôi là cháu chủ rạp hát Kim Phụng, còn bố tôi là kép chính. Để giữ kép chính, bà gả mẹ cho bố khi mẹ mới 16 tuổi. Giữa hai người không có tình yêu, bố mẹ chia tay trước khi tôi được sinh ra. Tên cúng cơm của tôi là Thêm, chứ không phải Tuấn. Là con thứ tám trong gia đình, tôi phải xa cha mẹ từ tấm bé, sống rong ruổi cùng đoàn hát đi khắp nơi. Tôi lớn lên ở phố Tạ Hiện, nơi hỗn độn mọi thành phần của xã hội, được va chạm sớm nên tôi hiểu thế nào là sự chia sẻ. Cuộc sống lang bạt cho tôi sự cứng cáp, từng trải. Tôi có óc tổ chức, làm ông bầu từ bé, khả năng sinh tồn buộc mình phải khai thác, khám phá, khó khăn càng làm cho mình rắn rỏi, mạnh mẽ hơn. Đi đêm về hôm thế mà mình không hư được cũng là nhờ âm nhạc, để hiểu được cái đẹp. Sau này mẹ tôi vẫn thường nói không ngờ đứa con mà bà định bỏ đi mang lại hạnh phúc cho bà nhiều nhất…

Lúc trẻ mình hay phô bày kỹ thuật, nhưng đến bây giờ, tôi chơi nhạc tinh tế hơn, có lẽ là nhờ biết quên đi kỹ thuật, để chơi bằng tất cả tâm hồn.

Làm thế nào để một người tự tin như anh lại giữ được sự khiêm nhường trong ứng xử với mọi người?

Đó là cả một quá trình sống và trải nghiệm. Tôi còn nhớ mãi lần đầu tiên chơi cho đoàn xiếc Hà Nội, lúc ấy tôi còn nhỏ, nhưng đã khá nổi tiếng, nhìn nốt nhạc còn chậm lắm. Người nhạc trưởng bực bội nói với ông đoàn trưởng “Cái thằng đánh đám cưới này biết gì về nhạc mà ông cứ khen?” Tôi ức lắm, nhưng cũng phải cảm ơn ông, vì nhờ lời chế nhạo ấy mà tôi lao vào học như điên.

Khi biết mình là ai, biết nhún mình một chút, sẽ học được nhiều điều từ cuộc sống, và từ chính học trò của mình. Dạy cũng là một cách để cho đi và nhận lại. Và cũng nhờ tình bạn với các nhà sư, mình tự nhiên quên hết mọi ganh đua, ghét bỏ, học được chữ nhẫn, suy nghĩ về cuộc sống trầm tĩnh hơn.

Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Pepsico Đông Dương:

“Một cây saxo tài hoa, một người biết sống. Có trách nhiệm với công việc và hết lòng vì bạn. Luôn có mặt bên bạn trong những lúc ngặt nghèo nhất. Tham gia tích cực công tác từ thiện, đóng góp bằng tiếng kèn và cả tiền bạc”

Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh:

“Nếu anh Sơn nhắc đến Khánh Ly, Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung… như những người hát nhạc Trịnh thành công nhất, thì anh cũng hay nhắc đến Trần Mạnh Tuấn, người thể hiện những giai điệu nhạc Trịnh qua tiếng saxo da diết nhất, phát lộ hết vẻ đẹp tinh thần của từng giai điệu”

Diễn viên Minh Trang:

“Hình ảnh dễ thương nhất của Tuấn là sau khi ghép thận, anh đã cầm kèn thổi khắp bệnh viện. Sức sống mạnh mẽ từ anh đã lan toả đến mọi người xung quanh. Cây kèn luôn ở bên anh mọi lúc, mọi nơi”

Thất bại lớn nhất mà anh từng trải qua cả trong sự nghiệp và đời sống riêng tư? Anh đã rút ra được bài học sâu sắc nào từ những thất bại đó?

Trắc trở đời tôi thì nhiều lắm, nhưng tôi thấy thất bại cũng là điều bình thường của một đời người. Nếu còn yêu, còn theo đuổi điều gì thì còn thất bại. Thất bại đầu tiên mà tôi nhớ mãi đó là lần ra CD jazz đầu tiên. Lúc ấy tôi chỉ ép người nghe theo ý thích của riêng mình, nên chỉ in 2.000 bản mà bán mãi không hết. Sau kinh nghiệm xương máu đó, tôi hiểu người Á Đông thường thích dòng nhạc lãng mạn, thủ thỉ, có sự trỗi dậy nhưng không ồn ào. Cái hay bao giờ cũng đơn giản, dễ cảm. Kinh nghiệm sau bao năm chinh chiến biểu diễn ở đủ mọi phòng trà, dancing, đám cưới… không trừ nơi nào, miễn là có tiền, cộng với việc quan sát sau những chuyến đi nước ngoài đã cho tôi cái nhìn thực tế hơn. Trách nhiệm của người nghệ sĩ là phải biết cân đối giữa cái tôi của người nhạc sĩ và tính chia sẻ với người nghe, để tiếp cận được với khán giả. Nhà sản xuất âm nhạc yêu cầu còn cao hơn, giống như nhà truyền giáo vậy, phải định hướng cho công chúng bằng cách xích lại gần khán giả và giới thiệu cho họ những tinh hoa âm nhạc, không ép người nghe những gì quá cao đạo.

Trong những cuộc vui của bạn bè, lúc nào cũng thấy anh xuất hiện bên vợ và các con. Làm thế nào để có thể gìn giữ được hạnh phúc lâu bền trong môi trường nhiều thử thách của đời nghệ sĩ?

Để bảo vệ gia đình, vợ chồng bắt buộc phải có niềm tin. Nhiều người nghĩ làm nghệ sĩ càng có điều kiện để trăng hoa, lả lướt, nhưng với tôi, thời gian dành cho âm nhạc, lo toan cuộc sống đã chiếm hết sinh lực. Là người đứng mũi chịu sào trong gia đình, lo công việc đối ngoại với vai trò của một người đại diện cho jazz Việt Nam, tôi hiểu hơn ai hết giá trị của gia đình. Vợ tôi sinh con 27 ngày thì tôi đi du học ở Mỹ, ở nhà cô ấy quán xuyến hết. Con ốm ròng rã mấy tháng trời, rồi nhà cháy, mất sạch tiền bạc, chỉ ôm được con chạy ra ngoài. Vậy mà cô ấy vẫn âm thầm chịu đựng không hề nói với tôi, sợ tôi lo lắng bỏ học giữa chừng… Chúng tôi giống nhau ở sự trỗi dậy mạnh mẽ, chẳng biết sợ là gì. Vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng vào Nam, mở câu lạc bộ jazz, tham gia tất cả các hoạt động của ngoại giao đoàn, cố gắng vươn lên. Thời gian rảnh cả hai cùng tham gia làm công tác xã hội, từ thiện… Tôi chưa bao giờ làm điều gì cho vợ phải buồn cả.

Trong cách giáo dục con, anh coi trọng điều gì nhất?

Tôi muốn bù đắp cho con tất cả những gì mà tuổi thơ của mình không có, đó là tình thương yêu của bố mẹ. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là sự đầy đủ quá cũng làm cho con ỷ lại, thiếu bản lĩnh, thiếu sự vươn lên. Tập cho con tính tự lập, sự tự tin là điều tôi coi trọng nhất. Tôi là người cha khá nghiêm khắc. Đặt tên con là Trí Đức, tôi mong muốn con tôi trở thành người đàn ông tự tin, chân thành giống tôi, bởi sống chân thành thật dễ chịu.

Bất kể xa xôi, mưa gió, bệnh tật, anh luôn có mặt trong những đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Anh đã tìm thấy sự đồng cảm nào trong suy nghĩ về thân phận, về tình yêu, tình bạn, khi đến với Trịnh Công Sơn?

Tôi đến với saxo chính là nhờ Trịnh Công Sơn. Năm tám tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe Hạ trắng qua tiếng saxo của Trần Vĩnh. Tôi đã yêu giai điệu của Hạ trắng từ khi chưa biết tên tác phẩm cũng như tác giả. Rồi từ đó, cuộc đời tôi đã cuốn theo Hạ trắng cùng tiếng kèn saxo. Tôi không ngờ mình lại có cơ hội được gặp anh, được anh coi như một người bạn nhỏ. Ở tuổi 40, để sống bình yên khó lắm, vì cuộc sống còn đầy hỗn loạn, nhưng được ở bên anh, nhìn cách anh đối xử với bạn bè, cách anh gắp thức ăn cho mọi người, chăm chút mọi người, mới hiểu tình bạn rất cần sự xả thân, sự hy sinh. Tôi có được ngày hôm nay cũng là nhờ bạn bè, những ng ười anh như anh, kể cả những người bạn ngoài biên giới.

Trong tình yêu, anh là người như thế nào?

Khi yêu, hãy yêu thật say đắm, mãnh liệt. Phải say đắm và mãnh liệt trong tình yêu ấy, mới có thể làm nghệ thuật. Tôi luôn cảm thấy mình yêu cuộc sống, yêu công việc như một người… bắt đầu yêu.

thực hiện Kim Yến
chân dung nhiếp ảnh Trần Việt Đức
chân dung hội hoạ Hoàng Tường

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References