Jeff Bezos - Kẻ liều lĩnh của giới CNTT

Phương châm thành công của Jeff Bezos, "cha đẻ" website thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon.com được gói gọn trong một câu đơn giản nhưng có vẻ hơi điên rồ: "Muốn kiếm tiền, hãy cho không những gì bạn có".

Trong cuộc sống này có khá nhiều người, nhờ vào một ý tưởng nào đó mà bỗng nhiên trở nên giàu có một cách đáng kinh ngạc. Jeff Bezos chính là một trong những người như vậy. Con người huyền thoại này đã bán ý tưởng lập cửa hàng ảo qua mạng cho các nhà đầu tư tiềm năng để rồi chỉ trong vòng 4 năm đã kịp hốt bạc tỷ.

Sinh ngày 12/1/1964, Jeff Bezos sống chủ yếu với ông ngoại, Laurence Preston Gais - một người đàn ông có nhiều uy tín và ảnh hưởng. Ông ngoại của Jeff từng là Giám đốc của Ủy ban nguyên tử Mỹ ở
Albuquerque. Ông về hưu sớm để làm trang trại. Đây cũng là nơi Bezos dành phần lớn thời gian nghỉ hè của mình để giúp ông làm việc và trông nom trang trại. Đam mê kỹ thuật từ bé, khi còn chập chững biết đi, ông đã tự mình dùng tuốc nơ vít để tháo cũi ra. Lớn hơn chút, ông biến garage ôtô của bố mẹ thành phòng thí nghiệm cho những dự án khoa học của mình.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học ở
Miami, Jeff thi đỗ vào khoa vật lý thuộc trường Đại học Tổng hợp Princeton. Jeff học rất giỏi các môn tự nhiên, và đã tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Lúc này, số học sinh giỏi về môn toán hoặc vật lý rất ít. Jeff đã lọt vào tầm ngắm của công ty tài chính viễn thông Fitel, một công ty hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và quản trị mạng. Jeff làm việc ở đây khoảng 1 năm. Sau đó Jeff tiếp tục thử sức ở công ty ứng dụng của khoa học máy tính cho thị trường chứng khoán D. E. Shaw, và sớm trở thành Phó chủ tịch của công ty và đang hướng tới một tương lai tươi sáng trong lĩnh vực tài chính. Nhưng cũng thời gian này, Jeff phát hiện ra một điều và chính nó đã làm thay đổi cuộc đời ông cũng như của lịch sử kinh doanh của nhân loại.

Năm 1994, khi Internet chưa được sử dụng cho mục đích thương mại. Jeffrey Bezos quan sát thấy rằng việc sử dụng Internet đã tăng đến 2.300% một năm. “Internet chính là tương lai của nhân loại, đó không chỉ là một thư viện khổng lồ mà còn là một thị trường rộng lớn cho việc kinh doanh mọi loại hình sản phẩm” - Ông nhìn thấy cơ hội mới cho thương mại và ngay sau đó bắt đầu tính đến các khả năng cho lĩnh vực này.

Tháng 7/1995, công ty chuyên bán sách qua mạng mang tên Amazon đã ra đời tại một nhà để xe ở thành phố
Seattle. Jeff là người sáng lập đồng thời là tổng giám đốc điều hành của Amazon. Cái tên Amazon của công ty được đánh giá là hình ảnh lý tưởng, biểu tượng cho sự phát triển tương lai sán lạn. Tiếng Anh nghĩa là sự mạnh mẽ, lôi cuốn; còn trong tiếng Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha đó là con sông hùng vĩ nhất Nam Mỹ.

Với việc ra đời công ty dịch vụ điện tử đầu tiên, Amazon.com, Jeffrey Preston Bezos được mệnh danh là “Chúa sơn lâm” của khu rừng Internet. Đến nay, khi thương mại điện tử đã trở thành xu hướng mạnh trên toàn cầu, người ta mới ngưỡng mộ và thầm phục ý tưởng của Bezos ngày ấy. Giới kinh doanh đánh giá đó là ý tưởng vàng, khai phá ra tiềm năng vô hạn của một lĩnh vực thương mại mới. Phạm vi kinh doanh ở lĩnh vực này được so sánh với hình ảnh vết dầu loang không giới hạn với tốc độ của một lần click chuột.

Giữa rất nhiều chủng loại hàng hóa, sản phẩm, khi đó Jeff chỉ chọn dăm ba mặt hàng mà anh cho rằng có thể bán chạy qua mạng Internet. Sách là mặt hàng chủ lực của Jeff, một loại sản phẩm dễ kinh doanh qua mạng nhất bởi nó khó hư hại, không đòi hỏi các điều kiện bảo quản khắt khe và tương đối dễ vận chuyển. Internet chính là một cái container lý tưởng để chứa sách, chứa các sản phẩm thông tin của ông.

Jeff cho biết ông chọn sách để bán trước tiên vì đây là mặt hàng có nhiều lựa chọn. Ông cũng nói thêm “Sự khác biệt lớn nhất giữa Amazon và những công ty khác là ở chỗ Amazon đặc biệt chú ý đến khách hàng. Chúng tôi có những sản phẩm họ cần, họ chọn được và giá rất thấp”. Trong 30 ngày đầu, Amazon đã bán được sách ở 50 bang và 45 nước trên thế giới. Đến tháng 9 năm đó, doanh thu của Amazon đã lên tới 20.000 USD một tuần. Jeff Bezos và nhân viên đã thức đêm thức hôm để đóng gói sách trong một nhà kho khiếm tốn nhằm tranh thủ giao kịp yêu cầu của số đơn hàng tăng vọt.

Công việc kinh doanh tiến triển nhanh đến mức không ai ngờ tới. Khi công ty được công bố chính thức với công chúng vào năm 1997, có người nghi ngờ rằng liệu một tủ sách trên mạng như vậy có thể duy trì được vị trí của nó khi so với những nhà sách truyền thống như Barnes và Noble hay Borders hay không. Hai năm sau đó, thị phần của Amazon đã lớn hơn cả hai đối thủ kia cộng lại và Borders đang cố gắng đàm phán kinh doanh cùng với Amazon.

Năm 2001, Jeff Bezos bắt đầu chia sẻ gian hàng ảo miễn phí với đối thủ cạnh tranh, cho phép họ kinh doanh ngay trên website của ông. Các chuyên gia tài chính phố Wall nghĩ rằng ông sắp mất trí. Ngay cả những người thân cận cũng tỏ ra khó hiểu, nhất là khi Amazon.com theo đuổi kế hoạch mở rộng "đầy nóng vội" - không chỉ bán sách mà tất cả mọi thứ từ đồ điện tử gia dụng đến nguồn cung cấp vật nuôi giá rẻ... Và vẫn chưa thu về một xu lợi nhuận nào.

Jeff nói trước với những người chung vốn đầu tư ban đầu với anh rằng 70% khả năng là họ sẽ bị mất hết số tiền đầu tư nhưng cha mẹ ông vẫn đầu tư vào đó 300.000 USD. Đây là một phần tiền tiết kiệm của ông bà.

"Mọi người có vẻ căng thẳng. Nhưng thực tế là nếu bạn đem lại cho khách hàng những gì họ muốn, như giá cả hợp lý, sự lựa chọn phong phú và khả năng giao hàng nhanh chóng, không sớm thì muộn bạn sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn", Bezos quả quyết.

Đó chính xác là những gì đã diễn ra. Doanh thu của Amazon.com tăng 34% trong năm 2003 và đạt hơn 5 tỷ USD. Cuối năm đó, tức sau gần một thập kỷ làm ăn thua lỗ, công ty cũng công bố họ đã có khoản lợi nhuận đầu tiên.

Chỉ sau đó vài năm, với 6% vốn sở hữu của Amazon, cha mẹ của Jeff Bezos đã trở thành tỷ phú. Hiện nay, gia đình Bezos giữ 1/3 số cổ phần của công ty. Người đàn ông được coi là ông vua của thương mại điện tử này đang điều hành một tổ hợp toàn cầu buôn bán đủ thứ từ vỏ đàn banjo cho đến sườn lợn con. Jeff Bezos cho biết: "Mong muốn của chúng tôi là biến công ty thành công ty vì khách hàng nhất trên thế giới. Đây sẽ là nơi để mọi người tìm và khám phá bất cứ thứ gì họ muốn mua trên mạng”.

Hiện Bezos lại tiếp tục trở nên "điên" hơn, và lại khiến Wall Street lo lắng cho ông hơn bao giờ hết: chuyển từ việc bán hàng sang dịch vụ web. Kho lưu trữ Simple Storage Service, còn gọi là S3, sẽ thu phí người sử dụng 15 cent/gigabyte/tháng. Tuy khác xa kiểu kinh doanh truyền thống của Amazon.com, dịch vụ này đang rất hút khách. Hãng Linden Labs đã thuê không gian chứa phần mềm máy khách Second Life còn "ông lớn" Microsoft cũng ký hợp đồng để lưu chương trình Direct Student Download.

Võ Hiền (laodongvieclam.vtv.vn)

Người phụ nữ của những kế hoạch

Trẻ trung, tươi tắn, Vũ Thu Trang - chủ một shop ví da và dây lưng da trên đường Hàng Cót đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Với cách nói chuyện thoải mái, hòa đồng chị nhanh chóng chiếm được cảm tình của người đối diện.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quan họ của những liền anh, liền chị, sau khi tốt nghiệp trường đại học Dân Lập Đông Đô khoa Quản trị Du lịch, có bằng cử nhân trường Sư Phạm Ngoại Ngữ, Vũ Thu Trang quyết định lập nghiệp ở Hà Nội chỉ với một niềm say mê kinh doanh đến kỳ lạ.

Theo lời kể của chị thì bắt đầu từ năm thứ nhất học đại học, Thu Trang đã tham gia làm thêm, dịch, đi theo những tour du lịch… Vừa học, vừa làm nên Thu Trang cũng tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Và đó cũng là những thuận lợi cho bước đường lập nghiệp của Trang.

Được biết, trước khi chuyển sang mặt hàng đồ da từ một năm trước đây, Thu Trang đã thử kinh doanh qua rất nhiều mặt hàng khác nhau, nhận thấy thị hiếu của khách hàng và có một nguồn hàng ổn định, Thu Trang quyết định đổi hướng kinh doanh sang bán đồ da.

Vì mặt hàng đồ da của Việt Nam không được phong phú nên những sản phẩm đồ da nhập ngoại với mẫu mã đa dạng (khoảng một đến hai tháng đã được thay đổi mẫu mã) khiến người tiêu dùng thích thú. Thực chất đồ da mới thật sự thể hiện được phong cách thời trang và phù hợp với nhiều lứa tuổi.

Không nhắm vào những “thượng đế” tuổi teen như đa số những cửa hàng khác, Shop Manmom chọn đối tượng khách hàng phục vụ có tầm tuổi từ hai mươi trở lên và chủ yếu là những khách đã đi làm, là dân văn phòng. Những sản phẩm đồ da Manmom thể hiện được phong cách lịch sự, văn minh nơi công sở nên được rất nhiều người lựa chọn và yêu thích.

Ngoài việc quản lý hai cửa hàng lớn ở 189 Tôn Đức Thắng và số 3 Hàng Cót, chị còn trực tiếp tham gia bán hàng vì theo chị phải nắm được tâm lý khách hàng mới có những chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Có nhiều dự định trong tương lai, Thu Trang mong muốn thành lập được một công ty chuyên cung phân phối đồ da, dây lưng ví da và giày da ngoại nhập. Kế hoạch gần đây nhất là phát triển thêm ba cửa hàng, nâng tổng số hệ thống cửa hàng lên con số năm. Hiện tại, Thu Trang còn kinh doanh thêm mặt hàng điện tử, điện lạnh và chị đã có một showroom điện tử lớn.

Nhận ra sở thích của mình, quyết tâm theo đuổi ước mơ làm kinh doanh và đến hôm nay Thu Trang đã gặt hái được những thành công nhất định.

Tự tin và cởi mở, Vũ Thu Trang có lời khuyên đến các bạn trẻ đừng chờ đợi vì cơ hội chính là do chúng ta tự tạo ra, khi còn là sinh viên ngoài việc học tốt kiến thức trong trường các bạn cũng nên định hướng và thử làm nhữnng công việc nho nhỏ, vừa sức của mình.

Nguồn: Vitinfo

Nữ doanh nhân tài sắc vẹn toàn

Nhìn vẻ ngoài sành điệu cùng khuôn mặt và vóc dáng như một người mẫu, ít ai nghĩ Hoàng Lệ Dung – Giám đốc Trung tâm tư vấn KHCN đào tạo & xuất khẩu là một nữ doanh nhân thành đạt. Chị để lại ấn tượng cho người đối diện là một người phụ nữ cá tính mạnh mẽ bên trong một vẻ ngoài rất đỗi dịu dàng.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân (nay là đại học Hà Nội ) từ năm 2001, chỉ trong vòng 8 năm mà Hoàng Lệ Dung đã làm được những việc khiến đấng mày râu cũng phải nể phục.

Ngay sau khi ra trường, Hoàng Lệ Dung làm phiên dịch cho công ty Lifan, nhưng chỉ sau một thời gian, bằng sự quyết tâm học hỏi và khả năng vượt trội, chị đã chính thức làm trợ lý Tổng giám đốc. Không bằng lòng với bản thân, một năm sau, Hoàng Lệ Dung tìm cơ hội làm trưởng đại diện một nhãn hàng thời trang cao cấp của Đức tại Thượng Hải. Công việc lúc này của chị là quản lý văn phòng gồm 10 người Trung Quốc, tìm kiếm đối tác đại lý khắp các tỉnh của Trung Quốc. Công việc thuận lợi trôi chảy với nhiều hợp đồng trong đại lục và các nước khu vực. Được 2 năm sau thì chị về nước, lúc này với mối quan hệ rộng rãi và khả năng giao tiếp tiếng Anh Trung thuận lợi, Hoàng Lệ Dung quyết định mở văn phòng tư vấn du học. Rất nhiều những bạn trẻ được tiếp cận với môi trường học tập tại các nước phát triển thông qua sự chuyên nghiệp của văn phòng du học của chị. Không dừng lại ở đó, khi nhu cầu về lao động ở các nước tăng cao, Hoàng Lệ Dung nghĩ ngay đến việc kết nối giữa những người lao động nghèo khó ở các làng quê với những nhà tuyển dụng. Bằng vốn ngoại ngữ, khả năng giao tiếp tốt, sự linh hoạt trong các mối quan hệ với đối tác, chị luôn tìm kiếm được đối tác tin cậy, uy tín, có môi trường làm việc tốt và mức thu nhập cao cho người lao động.

Công việc của Hoàng Lệ Dung những ngày khởi nghiệp thực sự vất vả. Một tuần đi công tác 2-3 lần là chuyện bình thường. Đối với chị mỗi một chuyến đi là một lần được chứng kiến những khó khăn, vất vả của người lao động vùng quê, với họ, nhu cầu được làm giàu chính đáng bằng sức lao động của mình luôn thôi thúc trong họ, điều đó chị cảm nhận được ở mỗi con người mà chị tiếp xúc. Hiểu được tâm trạng đó của người lao động cho nên chị tận tình tư vấn, giải thích và truyền đạt kỹ năng làm việc, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình nơi xứ người cho từng lao động. Hoàng Lệ Dung tâm sự rằng khi mình làm việc luôn đặt chữ TÂM và chữ TÍN lên trên cả lợi nhuận doanh nghiệp.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp chị nhận được không ít những ánh mát nghi ngại của các đối tác và người lao động, vì chị còn trẻ quá, mới 25 tuổi mà lĩnh vực xuất khẩu lao động đòi hỏi độ chín chắn và từng trải. Yêu nghề, tâm huyết với con đường mình đã chọn, hiểu rõ rằng tuổi trẻ không phải là rào cản trong công việc nếu như mình làm việc bằng cái tâm, dần dần bằng uy tín và cách làm việc tận tâm, chị chiếm được tình cảm và sự tin cậy của các địa phương và nhất là của người lao động, điều này được khẳng định khi số lượng người lao động đến với công ty chị nhiều hơn để nhờ chị tư vấn.

Sau khi có lực lượng lao động tốt, làm thế nào để tìm được đối tác tốt có môi trường làm việc thân thiện và mức lương cao luôn là trăn trở của Hoàng Lệ Dung. Với bản tính quyết đoán mạnh mẽ của người làm kinh doanh xen với nét dịu dàng đằm thắm của người con gái miền Bắc, chị luôn tạo thế chủ động trong mọi cuộc đàm phán để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động Việt Nam.

Trò chuyện với chúng tôi trong khoảng 2h đồng hồ Hoàng Lệ Dung luôn bận rộn với các cuộc điện thoại giải quyết công việc cho các lao động. Không phải lúc nào công việc cũng thuận buồm xuôi gió, có những lúc lao động đánh nhau, vi phạm nội quy, có thai ngoài ý muốn rồi bị buộc về nước. Nhưng họ không hiểu họ phạm quy mà lại đến công ty đòi bồi thường. Những trường hợp như thế chị vẫn giải quyết thấu đáo trọn nghĩa vẹn tình.

Bận rộn là thế, nhưng cũng như các bạn trẻ khác Hoàng Lệ Dung rất thích shopping và tán gẫu với bạn bè. Lúc nào rảnh là chị lại gặp gỡ trờ chuyện với mấy cô bạn gái thân ở các quán cà phê nhỏ. Câu chuyện vui vẻ với những người bạn thân thiết giúp chị cân bằng được trong cuộc sống. Mua sắm, làm đẹp, shopping là những chủ đề hấp dẫn với người phụ nữ trẻ thành đạt này.

Khi được hỏi tại sao chị lại lựa chọn con đường nhiều chông gai và đầy nhạy cảm này. Hoàng Lệ Dung không ngần ngại trả lời cho chúng tôi “ Bản thân nghề Xuất khẩu Lao động là một nghề rất tốt và có ích cho xã hội. Ngoài việc giải quyết được lực lượng lao động dư thừa ở địa phương, cải thiện đời sống cho gia đình, hạn chế được các tệ nạn xã hội thì nó còn mang lại một khoản ngoại tệ lớn cho ngân sách quốc gia. Bản thân những người làm chân chính như chúng tôi rất phiền lòng khi thỉnh thoảng nghe tin đâu đó có doanh nghiệp lập đường dây ma để lừa người lao động hay người lao động túng quẫn quá mà phải làm liều. Tôi luôn cố gắng hết mình để mang lại công ăn việc làm, thu nhập chân chính cho người lao động và tôi tin vào những gì tôi làm.”.

Sau 7 năm lập nghiệp, tài sản của chị là một công ty phát triển bên vững, một gia đình hạnh phúc bên chồng và 2 đứa con trai xinh xắn kháu khỉnh. Bận rộn là vậy nhưng chị ko cho phép mình lơ là với vai trò làm vợ làm mẹ. Chị vẫn trực tiếp nấu ăn cho các con, chăm sóc chơi đùa với chúng. Chăm sóc nhà cửa vườn tược và nấu những bữa ăn ngon bên gia đình ấm ấp là hạnh phúc vô giá mà chị có được,

Chia tay với Nữ doanh nhân trẻ thành đạt, trong lòng chúng tôi bộn bề suy nghĩ. Mong sao đất nước có nhiều bạn trẻ lập nghiệp làm giàu như Hoàng Lệ Dung để ngoài việc xây dựng quê huơng còn góp phần tạo dưng cơ hội làm giàu cho các bạn trẻ khác đẩy lùi giặc đói ở các vùng nông thôn.

Hồng Linh (Vietimes)

Làm bồi bàn để tìm đường làm ông chủ

Nhìn vẻ bề ngoài, Phạm Vũ Phúc giống một công tử quen được chiều chuộng và sành điệu. Vậy nhưng cậu trai sinh năm 1987 đã kịp sở hữu hai quán cà phê vào loại hot ở Hà thành với cái tên rất dễ nhớ: Dice.

Điều đáng nói, cơ ngơi của Phúc bây giờ hoàn toàn do một tay cậu chắt chiu làm nên, không phải của “gia bảo” hay trên trời rơi xuống.

Tính cách quyết liệt và kiên trì của Phúc ảnh hưởng nhiều từ bố mẹ. Mẹ Phúc đang là một công chức nhà nước nhàn hạ thì bỏ ngang ra chợ kiếm sống để giúp gia đình qua cơn khó khăn.

Chợ Đồng Xuân cháy, mất cả vốn lẫn lời, mẹ lại tình nguyện ở nhà chăm sóc và dạy dỗ hai anh em Phúc. Con học bài nào mẹ học trước bài ấy để dạy. Đến khi các con vào cấp ba mẹ mới bắt đầu đi làm lại.

Bố Phúc, lúc ấy đã giữ một chức vụ khá quan trọng trong công ty, mẹ vẫn chấp nhận làm công việc thấp nhất: lao công để không ảnh hưởng đến uy tín của bố. Mẹ không nề hà việc gì, làm việc bằng ba bốn người khác để rút ngắn thời gian thử thách, mùa đông các loại nước tẩy rửa làm tay chân mẹ nứt toác.

Khi công việc của mẹ vừa được cải thiện thì tai hoạ lại ập xuống. Bố bị u não, liệt nửa người. Chạy chữa khắp nơi nhưng không ăn thua, bố về nhà. Ròng rã hơn một năm trời, bố kiên trì tập luyện với sự giúp đỡ của cả nhà, bắt đầu từ việc nâng từng đốt ngón tay một. Bố nhúc nhắc đi lại được cũng là lúc anh em Phúc bắt đầu vào đại học.

Phúc thi năm đầu, trượt. Thất vọng nhưng vẫn ôn thi tiếp và nung nấu ước mơ làm chủ. Thời gian đó, ngang qua quán cà phê Dice ở Giảng Võ của một người chủ Hàn Quốc Phúc rất thích mô hình này. Khách đến đây vừa hưởng tiện ích như những quán cà phê thông thường còn có thể thư giãn với rất nhiều trò chơi lạ liên quan đến xúc xắc.

Để tìm hiểu về nó, Phúc đã xin vào làm bồi bàn. Người quản lý không chấp nhận một nhân viên trắng trẻo, thư sinh có vẻ như “trói gà không chặt”. Chẳng còn cách nào khác, liên tục một tháng trời ngày nào Phúc cũng đến Dice uống cà phê và học tất cả các trò chơi của quán.

Vừa uống nước, vừa lân la hỏi chuyện nhân viên, Phúc nắm được hầu hết quy trình làm việc của một… bồi bàn. Sau một tháng, Phúc cạy cục nhờ bà chị họ viết hộ một lá đơn xin việc bằng tiếng Hàn và đích thân đem nộp cho ông chủ của Dice. Phúc được nhận vào làm với chức danh: bưng bê, pha chế, quét dọn và cả trông xe.

Có tiền dành dụm từ thời cấp ba làm gia sư, tiền lương của Dice và chút vốn của bố mẹ, Phúc tập chơi chứng khoán. Một người bà con làm ngân hàng khuyên Phúc góp vốn để họ chơi hộ nhưng cậu từ chối. Phúc lặng lẽ ghi tên học một lớp chứng khoán ngắn hạn và tự mình lên sàn. Sau một thời gian ngắn số vốn Phúc bỏ ra ban đầu đã được nhân lên gần gấp đôi.

Thời gian này Phúc vẫn giấu bố mẹ việc đi làm thêm của mình, bố mẹ hỏi cậu nói là đi làm gia sư hoặc đi học tiếng Anh. Mấy ngày Tết, quán chỉ đóng cửa mùng một, và mùng hai thì Phúc “đi chơi với bạn tiểu học”, mùng ba “đi chơi với bạn cấp hai”, mùng bốn “đi chơi với bạn cấp ba”… Có hôm đi làm về mệt bơ phờ vẫn phải lao vào dọn dẹp nhà cửa giống như “chuộc lỗi” vì đã trót “đi chơi” quá đà.

Phúc làm bồi bàn được một thời gian thì người chủ Hàn Quốc có ý định chuyển nhượng Dice. Ngay lập tức, cậu ngỏ ý muốn mua lại. Người chủ không tỏ ra tin tưởng Phúc, hơn nữa lúc đó cũng có khá nhiều đối tác muốn mua lại thương hiệu này với giá cao.

Phúc về, thức đêm làm một bản kế hoạch chi tiết, trong đó vạch ra các chiến lược cậu sẽ làm để phát triển Dice trong vòng 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 3 năm và 10 năm.

Gặp lại người chủ, Phúc trình bày bản kế hoạch của mình một cách chi tiết và ông ta đã bị cậu thuyết phục. Mất khoảng gần 10 lần thương thảo nữa, Phúc được nhượng lại Dice với cái giá chỉ bằng một nửa giá ban đầu người chủ đó đưa ra. Số tiền dành dụm trước nay được Phúc gom hết để mua Dice.

Kể từ lúc tiếp quản Dice, chưa đầy hai năm sau cậu đã nhân nó thêm một chi nhánh nữa ở Triệu Việt Vương. Tham vọng của Phúc là sẽ biến Dice thành một thương hiệu mạnh, trong đó không chỉ kinh doanh cà phê mà còn có thời trang, nhà hàng, spa v.v...

Hạnh Đỗ (tienphong)

Tỷ phú thời trang giá rẻ

Tadashi Yanai là điển hình của một giám đốc điều hành trong cộng đồng doanh nhân Nhật Bản: năng động, kiên định và không bao giờ biện hộ cho sai lầm của mình.

Đúng với tên gọi là Fast-Retailing Co., công ty của ông đã phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực bán lẻ và trở thành một hãng bán lẻ thời trang phát triển nhanh nhất nước Nhật, đánh bại các đối thủ “sừng sỏ” ra đời từ trước công ty này hàng chục năm.

Với chiến lược cạnh tranh bằng giá cả, Fast-Retailing đã gây nhiều trở ngại cho các đối thủ cạnh tranh và bị ngay cả các nhà lãnh đạo lên tiếng là đã gây ra tình trạng giảm phát trong ngành công nghiệp này. Nhưng với Yanai, doanh nhân đã 58 tuổi này lại rất thích thú với danh tiếng là "đối thủ số 1" trong môi trường kinh doanh vốn được xem là “sống lâu lên lão làng” của nước Nhật.

Ngày nay, Yanai đứng trong danh sách 100 người đóng thuế nhiều nhất nước Nhật, là người sở hữu nhiều cổ phần nhất 26,6% trong Fast Retailing Co., với giá trị vốn hóa lên đến 10 tỷ USD.

Cử nhân chính trị “đi” bán quần áo


Tốt nghiệp Đại học Waseda danh tiếng tại Tokyo năm 1971 với tấm bằng cử nhân khoa học chính trị nhưng sự nghiệp của Tadashi Yanai không thuận theo những gì ông được học.

Yanai nói: “Mọi chuyện bắt đầu từ thời điểm tôi làm việc với bố. Chính cách làm việc của ông đã khơi dậy trong tôi niềm đam mê kinh doanh. Tham vọng của tôi là đưa Fast-Retailing vươn lên sánh ngang với Levis Strauss về mức độ phổ biến và tương đương với McDonald’s về quy mô trên toàn thế giới”.

Thành lập từ năm 1963, Công ty Fast-Retailing của gia đình Tadashi Yanai vốn chỉ là một cửa hàng kinh doanh quần áo cũ tại Yamaguchi, một vùng quê hẻo lánh của nước Nhật. Công việc kinh doanh ban đầu khá khó khăn và mọi việc vẫn do bố của Yanai đảm nhiệm.

Đến năm 1968, dưới sự quản lý và điều hành của Tadashi Yanai, Fast-Retailing đã có chi nhánh tại hầu hết các tỉnh và thành phố. Trong khi ngành công nghiệp thời trang Nhật Bản suy thoái vì giá thành thiếu tính cạnh tranh, doanh thu giảm đột ngột và kéo dài, thì Fast-Retailing vẫn tăng trưởng ổn định và trở thành một trong những dây chuyền sản xuất quần áo lớn nhất Nhật Bản.

Bí quyết của Yanai là bán những trang phục may sẵn cho mọi lứa tuổi và giới tính, cũng giống như McDonald bán đồ ăn. Yanai rất coi trọng việc xây dựng nhãn hiệu và giảm giá thành sản phẩm.

Chuỗi cửa hàng của ông bao gồm 500 cửa hàng nhỏ, có tên gọi là UNIQLO, có tổng doanh thu bán hàng hàng năm lên đến 3,3 tỷ USD. Trong năm ngoái, thu nhập trước thuế của công ty này là 866 triệu USD. Nhờ đó, Fast-Retailing vượt qua 2 người khổng lồ trong ngành thời trang của nước Nhật là The Daiei Inc. và JUSCO Co.

Quan điểm trong kinh doanh của Tadashi Yanai là không ngại cạnh tranh để tạo ra các sản phẩm đạt yêu cầu và đáp ứng thị hiếu của khách hàng. “Bạn cần sẵn sàng đón nhận những mất mát để điều khiển hoạt động kinh doanh một cách hợp lý. Và để có được thành công như ngày hôm nay, tôi đã có những bước đi hoàn toàn khác biệt với các đồng nghiệp Nhật Bản”, Tadashi Yanai nói.

Từ khi còn là sinh viên, sở thích của Yanai là đi du lịch. Và ông đã khám phá ra cách kiếm tiền phù hợp với bản thân và gia đình ông trong một chuyến du lịch đến Hồng Kông. Tại đó, Yanai hoàn toàn bất ngờ và sửng sốt trước những sản phẩm may mặc giá thành thấp do Trung Quốc sản xuất.

Từ đó, ông tìm cách làm điều gì đó tương tự. Và bằng nguồn quần áo nhập khẩu trực tiếp từ các nhà máy Trung Quốc, chủ yếu là ở Quảng Đông và Thượng Hải, Yanai đã tìm ra con đường cắt giảm giá thành sản phẩm cho riêng mình và chuyển số tiền tiết kiệm được đến cho khách hàng. Hiện nay, gần 90% sản phẩm của Fast-Retailing là “Made in China” theo những hợp đồng gia công độc quyền.

Đối với Yanai, con đường đi này là kết quả của cả một quá trình tìm tòi và thử nghiệm khá dài. Trong nhiều thế kỷ qua, các doanh nhân Nhật Bản đã hết lần này đến lần khác đưa ra các công thức kinh doanh mới, độc đáo và khác nhau, để rồi sau đó quên đi và lại khám phá từ đầu.

Hồi giữa những năm 1990, đã từng có một trào lưu kinh doanh các sản phẩm giá thành thấp trên thị trường Nhật Bản, nhưng rồi mọi thứ lại lắng xuống chỉ sau vài năm, khi những dự án này đi vào ngõ cụt do các công ty không tìm được giải pháp về chất lượng sản phẩm. Và rồi, Yanai đã trở lại các sản phẩm giá rẻ với một cách thức kinh doanh mới.

Theo Yanai, nếu trước kia, thị trường khổng lồ của Trung Quốc là nơi hấp dẫn các công ty sản xuất ôtô, đồ điện tử gia dụng... của Nhật, thì giờ đây, các doanh nhân Nhật Bản cần phải sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc nhưng không phải là tiêu thụ tại đây mà là để xuất khẩu ngược trở lại Nhật.

Công thức này của Yanai là tiền đề cho một cuộc cách mạng trong cấu trúc kinh tế của Nhật vốn dựa trên một nguyên tắc đơn giản: nguyên liệu thô được nhập khẩu, rồi sản xuất ra sản phẩm tại Nhật và xuất khẩu.

Các công ty Nhật đã đầu tư khá nhiều ra nước ngoài, nhưng sản phẩm làm ra chủ yếu là để cung cấp cho các thị trường nước ngoài. Hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng khó mà có chỗ đứng tại thị trường Nhật, bởi người tiêu dùng Nhật cho rằng họ yêu nước và phải thể hiện điều đó bằng cách mua hàng hoá sản xuất trong nước, cho dù giá cao hơn hàng hóa nhập khẩu.

Tuy nhiên với Yanai, tất cả đã đảo lộn. Lúc này, những sản phẩm may mặc của Fast-Retailing rất được ưa chuộng tại Nhật và bí mật của thành công đó là những sản phẩm này đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Yanai đã chuyển nguồn lực sản xuất của Fast-Retailing ra nước ngoài và 90% nằm tại 60 công ty ở Trung Quốc. 60 công ty này quản lý tổng cộng 85 nhà máy, trong đó nhà máy lớn nhất sử dụng tới 10.000 nhân công.

Nhờ đó, trong khi người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra từ 30 đến 50 USD để mua một cái áo khoác sản xuất tại Nhật Bản, thì cùng với số tiền đó giờ đây họ đã có thể mua từ 2 - 4 chiếc áo của Fast-Retailing với giá 10 USD/cái.

Một trong những công thức kinh doanh của Yanai là tuyển dụng nhân viên đã được đào tạo kỹ lưỡng và có tay nghề cao tại Nhật. Sau đó những người này được ông phái sang Trung Quốc để huấn luyện công nhân Trung Quốc. Những công nhân Trung Quốc này được hướng dẫn từ kỹ thuật chọn sợi, nhuộm, dệt vải đến kỹ thuật cắt ráp, may áo quần.

Yanai không hề sở hữu một nhà máy hay một công ty may mặc nào tại Trung Quốc. Công việc của ông chỉ là đào tạo nhân viên rồi đưa ra kiểu dáng cho các công ty may mặc Trung Quốc gia công dưới sự giám sát và quản lý chất lượng khắt khe của Fast-Retailing.

Các sản phẩm may mặc được sản xuất ở Trung Quốc có giá rất rẻ và gửi trực tiếp đến toàn bộ các cửa hàng bán lẻ UNIQLO trên khắp nước Nhật. Mỗi cơ sở gia công có khoảng 1.000 công nhân viên và chỉ sản xuất một loại quần áo nhất định, nên chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm.

Nhờ nhập khẩu quần áo từ Trung Quốc, nơi có chi phí nhân công rất thấp, Yanai đã tạo dựng cho Fast-Retailing một lợi thế lớn hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh khác tại Nhật Bản. Yanai tin rằng các sản phẩm ông có thể đem lại cho khách hàng nhiều lợi ích, một mặt họ tiết kiệm được một khoản tiền nhất định, mặt khác họ có thể lựa chọn những sản phẩm may mặc có chất lượng không kém sản phẩm của các hãng nổi tiếng.

Nhiều ý kiến cho rằng Yanai đã làm thay đổi bộ mặt ngành bán lẻ Nhật Bản, vốn phụ thuộc rất nhiều vào giá cả ấn định trước, cũng như vào các nhà môi giới với khoản hoa hồng “cắt cổ”. Yanai là người đã tạo ra làn sóng hợp lý hoá sản xuất và phân phối để cắt giảm giá thành tại Nhật.

Vượt biên giới nước Nhật


Tadashi Yanai luôn mong muốn đưa thương hiệu UNIQLO chiếm lĩnh thị trường may mặc thế giới. Yanai tự tin đến nỗi ông cho rằng, một ngày nào đó các nhãn hiệu may mặc thuộc dây chuyền UNIQLO của ông sẽ trở thành cái tên quen thuộc trong các gia đình Anh và Mỹ, tương tự như Gap hay Marks&Spencer, những nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới hiện nay.

Ngoài thị trường truyền thống là Nhật Bản, Fast-Retailing đang mở rộng thêm các thị trường mới ở New York, London, Paris. Yanai cũng có kế hoạch mở 50 cửa hàng thương hiệu UNIQLO tại nước Anh trong 3 năm tới. Đây là một thách thức rất lớn đối với Tadashi Yanai, vì từ trước đến nay chưa hề có thương hiệu quần áo Nhật Bản nào phát triển thành công được ở thị trường thế giới.

“Chúng tôi sẽ có khách hàng, vì chúng tôi sẽ bán giá rẻ hơn hàng của Gap ở London. Và trong 10 năm nữa, rất có thể chúng tôi sẽ lớn mạnh hơn cả Gap”, Yanai nhấn mạnh.

Theo Yanai, những bạn hàng ở các nước sẽ là cầu nối để Fast-Retailing chiếm lĩnh các thị trường Anh, Mỹ, Pháp. Không những thế, Yanai còn quyết tâm thâm nhập thị trường Trung Quốc, một nơi được đánh giá là cái nôi của các loại hàng hoá rẻ nhất thế giới.

Ông nói: “Một thị trường rộng lớn như Trung Quốc không thiếu chỗ cho các hãng may mặc. Điều quan trọng là chúng tôi có những chiến lược giá thành hợp lý song song với chất lượng cao, một điểm yếu cố hữu hiện nay của nhiều công ty may mặc Trung Quốc”.

Ngày nay, sở hữu 46% cổ phần Fast-Retailing trong tay, Tadashi Yanai được tạp chí Forbes xếp thứ 6 trong số những tỷ phú lớn nhất của xứ sở mặt trời mọc, tổng giá trị tài sản của ông tính đến cuối năm 2008 đạt 4,7 tỷ USD.

nguồn: VnEconomy

Từ ăn xin đến bà chủ

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoàn
Từ cô gái thôn quê rời nhà ra đi với 13 ngàn đồng, sau 12 năm bán cà phê trở thành doanh nghiệp giàu có, tạo công ăn việc làm cho 42 nhân viên. Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Hoàn, 32 tuổi chủ doanh nghiệp cà phê Hoàng Hôn.

Trước mặt tôi giờ là cô chủ chứ không phải là cô gái nghèo khó lam lũ 12 năm trước. Xa rồi thời lay lắt đi xin cơm ăn khắp bến xe Vũng Tàu, người không đồng xu dính túi, lặn lội từ Lai Dung, Đồng Tháp lên thành phố biển kiếm kế sinh nhai.

Hoàn kể, năm 15 tuổi, cô bỏ Lai Dung, Đồng Tháp gạo trắng nước trong lên thành phố Vũng Tàu kiếm sống. Bước chân ra đi, trong người chỉ 13 ngàn đồng và bộ quần áo cũ. Đặt chân đến bến xe Vũng Tàu, cũng là lúc không còn một xu dính túi. Bụng đói không nơi nương tựa.

Hoàn nghĩ: “Không thể chết đói, phải xin cơm ăn trước, kiếm việc làm sau”. Tám giờ tối, Hoàn bước vào một quán cơm ven đường Xô Viết Nghệ Tĩnh xin ăn. Chủ quán cơm nhìn Hoàn từ đầu đến chân. Linh tính mách bảo chuyện chẳng hay Hoàn từ chối cơm của ông chủ nọ. Chín giờ đêm, Hoàn bước vào quán cơm An Lạc trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 1 thành phố Vũng Tàu). Bà chủ thương, múc cho tô phở cuối nồi.

Hoàn trình bày: “Bà ơi, con từ Đồng Tháp lưu lạc về đây, chẳng có người quen. Bà cho con phụ giúp kiếm cơm qua ngày”.

Thương Hoàn nhưng bà vẫn phải từ chối vì quán đủ người rồi. “Con có bán cà phê không, bà giới thiệu cho” – Bà chủ quán cơm nói. Nghe bà chủ quán nói giúp Hoàn đồng ý ngay. “Từ đó mình bán cà phê cho người ta. Em trả ơn bà chủ quán. Thỉnh thoảng bà lại ghé đây uống cà phê miễn phí” - Hoàn nói.

Cô kể tiếp, với 300 ngàn đồng/tháng cơm ngày hai bữa, sau hai năm phụ bán cà phê, Hoàn có sáu triệu đồng vốn. Với sáu triệu đồng, cô mạnh dạn mở quán cà phê Hoàng Hôn ở 1616 đường 30/4 phường 12 thành phố Vũng Tàu (lấy tên cà phê Hoàng Hôn để nhớ ngày đầu tiên đặt chân đến thành phố Vũng Tàu là lúc hoàng hôn).

Với sáu triệu đồng, Hoàn thuê mặt bằng, mướn nhân viên, mua bàn ghế. Từ những ngày đầu khách đến cà phê Hoàng Hôn rất đông. Cũng từ đây cô đối mặt khó khăn mới, đó là ma cũ bắt nạt ma mới.

Hoàn kể: “Có bữa, mấy quán cà phê bên cạnh cho là mình dựt khách, đã xúi bọn đầu gấu đến giả vờ uống cà phê, bắt ruồi bỏ vào, vu khống quán bẩn, không trả tiền, rồi gọi bao thuốc ba số nhét túi bỏ đi. Lúc đó, mình nghĩ: “Phải khéo léo chứ không gây lộn nếu còn muốn tồn tại và làm giàu nơi đất khách quê người”. Vừa là bà chủ, vừa là nhân viên, việc gì mình cũng làm. Mình quyết tâm làm giàu từ tiền lẻ bán cà phê, bắt cà phê đẻ ra tiền chứ không phải việc nào khác”.

Công việc bán buôn trôi chảy, Hoàn về Lai Dung - nơi cô sinh ra, đưa các em có hoàn cảnh khó khăn lên thành phố tạo công ăn việc làm cho họ, coi như sự chuộc lỗi với xóm làng, vì bỏ quê 12 năm biền biệt.

Chị cho biết: “Ngoài nhân viên pha chế, chúng tôi có 36 nhân viên chạy bàn. Với mức lương 800 ngàn đồng/tháng cơm hai bữa, có phòng cho nhân viên trọ không tính tiền. Nhân viên làm hai ca từ sáu giờ sáng đến ba giờ chiều, từ ba giờ chiều đến 10 giờ đêm. Cty chúng tôi sẽ mở rộng mặt bằng và tuyển thêm nhân viên, tăng lương một triệu đồng/tháng. Trước hết là giúp đỡ những người nghèo khó, thanh niên chưa có công ăn việc làm trên địa bàn phường 12 thành phố Vũng Tàu, và các bạn của tôi ở quê”.

Hoàng Ninh (tienphong)

Làm giàu nhờ... cơm thừa

Ông Huỳnh Văn Nới và vợ tại xưởng cơm thừa của gia đình
Cách đây hơn 10 năm, ông thương binh 3/4 Huỳnh Văn Nới (ngụ tại A11/52 đường Bờ Sông, KP2, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) có nằm mơ cũng không dám nghĩ mình sẽ trở thành triệu phú.

Nhưng sự phát triển sôi động của nhà máy, KCN trên địa bàn đã mở cho ông một nghề mới, biến một lão nông trở thành "triệu phú cơm thừa".

Bước ngoặt đến với gia đình ông Nới vào năm 1993, khi ông được đồng đội cũ ở huyện Đức Hòa, Long An cho vay tiền mua 3 con heo nái. Ông vẫn nghĩ làm nông vẫn là nghề chính, nuôi heo chỉ giúp tăng gia sản xuất. Vậy mà, mỗi con heo nái một năm sinh ra hai bầy, chưa đầy 4 năm ông đã sở hữu đàn heo thịt lên đến gần 500 con.

Nuôi vài trăm con heo, ông phải đảm bảo được nguồn thức ăn trong lúc điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Những lần đi qua các nhà máy trong KCN Tân Tạo, ông Nới thấy mỗi bữa cơm cho hàng trăm, hàng nghìn công nhân bao giờ cũng có cơm thừa.

Năm 1996, ông quyết định gõ cửa những nhà máy lớn trong KCN đăng ký mua lại cơm thừa sau bữa ăn về nấu thành thức ăn nuôi heo.

Nghề "buôn cơm thừa" của ông cũng xuất phát từ đấy. Thức ăn còn dư sau khi thu mua của các nhà máy ngày càng lớn, đàn heo gần 500 con gia đình nuôi không "tải hết", ông Nới bán lại cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác. Hiện giờ, ông Nới đã bỏ hẳn việc chăn nuôi heo để tập trung kinh doanh cơm thừa.

Quãng 2h chiều hàng ngày, nhân viên của "doanh nghiệp cơm thừa" lại lái xe tải đi thu gom cơm từ các nhà máy. Sau đó, thức ăn thừa được sơ chế, sàng lọc tránh dị vật có thể gây hóc, mắc cho vật nuôi.

Khách hàng của ông Nới giờ đã mở rộng sang cả huyện Bình Chánh hay tận bên Long An. Khuôn viên xưởng rộng hàng trăm mét vuông của gia đình ông Nới thường tấp nập người đến mua thức ăn giá rẻ về nuôi heo, nuôi cá. Tính ra, "doanh nghiệp cơm thừa" của ông Nới tiêu thụ được 5-6 tấn cơm/ngày, thu nhập hàng trăm triệu đồng một tháng.

Ở tuổi 68, ông Huỳnh Văn Nới cảm thấy hài lòng với "nghiệp cơm thừa" mà mình đã theo đuổi. Không chỉ giúp gia đình có được cơ ngơi đàng hoàng, ông còn tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động, trong đó có 5 người khuyết tật với mức thu nhập trung bình 2,2 triệu đồng/tháng. Hàng năm, ông Nới đều trích ủng hộ các công trình phúc lợi ở địa phương, trợ giúp học sinh nghèo học giỏi và các gia đình khó khăn.

Ông Nới tâm niệm: "Khi tôi nghèo đã nhận được sự trợ giúp quý giá, nay chính là lúc đem chút công sức giúp cho những người có hoàn cảnh giống mình trước đây có công ăn việc làm ổn định".

Vinh Hải (laodong)

Triết lý biến người bán hàng thành Tổng giám đốc

Khi quyết định đổi tên công ty thành IBM (International Business Machines), Watson biết rằng đó là một cái tên lớn cho một công ty nhỏ. Nhưng qua nhiều thập kỷ, Watson đã xây dựng danh tiếng công ty vượt qua cả cái tên này. Xuất phát từ một người bán hàng, Thomas John Watson đã tiến tới vị trí Tổng giám đốc của một trong những công ty lớn nhất nước Mỹ.

Tên tuổi của ông không chỉ gắn với thành công của "người khổng lồ xanh" mà gắn chặt với những năm tháng đầu đời của ngành công nghiệp máy tính. Làm sao ông làm được điều đó?

Ông dám chấp nhận thất bại: Trong một ngành nghề đang trong giai đoạn manh nha, Watson đã đứng dậy ngay khi gặp phải thất bại trên đường đi. Ông có thể sẵn sàng chấp nhận thất bại. Chưa bao giờ ông cảm thấy hối tiếc vì bất kỳ sai lầm nào. Thay vì thế, ông học từ thất bại và xem chúng như những người thầy vô giá, và cuối cùng, những "người thầy" này đã giúp ông đạt được mục tiêu.

Ông luôn tiến lên: Dù trong cuộc sống riêng hay trong kinh doanh, Watson không bao giờ duy trì một khoảng thời gian trì trệ. Ủng hộ việc giáo dục và nghiên cứu, Watson đảm bảo rằng IBM sẽ duy trì vị trí hàng đầu trong cuộc chơi. Cống hiến cho những điều mà bản thân ông cảm thấy có giá trị, Watson chắc chắn rằng cuộc sống riêng của ông cũng được giữ cân bằng. Hướng tới tương lai, ông không bao giờ để cơ hội nào trôi qua.

Ông chấp nhận mạo hiểm: Watson không quan tâm đến việc liệu mọi người có nghĩ ông điên khùng hay không. Trên thực tế, với người chấp nhận mạo hiểm, người dám làm khác biệt, và người bị xem là điên rồ, thì càng điên rồ, càng làm tốt. Ông tin vào tầm quan trọng của việc tìm ra và đi theo những con đường mới. Đó là con đường có thể dẫn ông tới những thành công mới.

Ông sử dụng sức mạnh của tư duy: Khuyến khích việc giáo dục trong nhân viên và tập hợp đội quân xung quanh một tầm nhìn chung, Watson khuyến khích các nguyên tắc đơn giản bằng sức mạnh của giáo dục và suy nghĩ.

Ông khuyến khích làm việc nhóm: Năm 1927 trong bài nói chuyện với nhân viên, Watson nói rằng: "Công việc và sự hợp tác làm cho sản phẩm của IBM có mặt ở 58 quốc gia khác nhau, chúng ta có thể nói rằng mặt trời không bao giờ lặn ở IBM, công ty của chúng ta sẽ tiếp tục lớn mạnh hơn và tốt hơn".

Watson không bao giờ để lỡ cơ hội để khuyến khích nhân viên và cảm ơn vì những nỗ lực đóng góp của họ. Vì điều đó, Watson không chỉ đưa công ty lên vị trí hàng đầu, mà ông còn truyền cảm giác trung thành cho nhân viên và trở thành một huyền thoại trong ngành này.
"Để mường tượng ra tương lai của IBM, bạn phải biết những điều trong quá khứ", Watson nói. Bằng việc tạo ra một nền tảng vững chắc, IBM đã có thể tiếp tục phát triển trong tương lai dưới sự lãnh đạo của con trai của ông.

Dưới đây là những triết lý đã đưa Watson đến đỉnh cao:

- "Bí quyết thành công? Nó thực sự rất đơn giản. Nhân đôi tỉ lệ thất bại của bạn".

- "Tôi đã đưa ra một dự đoán về tương lai của việc kinh doanh của mình và tôi đã sai vì tôi luôn đánh giá thấp khả năng của nó".

- "Nhắm đến điều hoàn hảo rồi bỏ lỡ nó còn hơn là nhắm đến điều không hoàn hảo và đạt được nó".

- "Người mà không tự hào về cách làm việc của mình sẽ chẳng làm được việc gì đáng để tự hào".

- "Thất bại có thể làm cho bạn chán nản, hoặc bạn có thể học từ nó".

- "Hãy tiến lên và mắc sai lầm. Mắc tất cả các sai lầm bạn có thể. Nhớ rằng, đó chính là nơi bạn tìm thấy thành công, trên một con đường rất dài".

- "Nằm im nghỉ ngơi và chẳng làm gì là một điều thoải mái vì nó không có mạo hiểm, nhưng rõ ràng nó là một cách sai lầm để quản lý công ty".

- "Chẳng có gì giống như là đứng yên tại chỗ. Bạn không thể đứng ở một nơi: hoặc là bạn phải tiến lên, hoặc là bạn phải lùi lại".

- "Chúng tôi không bao giờ cảm thấy bằng lòng".

- "Bất cứ khi nào cá nhân hoặc một tổ chức quyết định rằng họ đã giành được thành công, thì nghĩa là sự tiến bộ sẽ dừng lại".

- "Mục đích của chúng tôi mỗi năm lại cao hơn và chúng tôi luôn đạt tiêu chuẩn".

- "Phân tích quá khứ, xem xét hiện tại, mường tượng tương lai".

- "Lên kế hoạch cho tương lai, tin tưởng vào tương lai".

- "Giải quyết nó. Giải quyết nhanh chóng. Giải quyết theo cách đúng hoặc sai. Nếu bạn sai, vấn đề sẽ quay trở lại và vỗ vào mặt bạn, khi đó, bạn sẽ có thể giải quyết theo cách đúng".

- "Một người sẽ được biết đến bằng chính công ty mà người đó nắm giữ".

- "Một công ty sẽ được biết đến bằng chính những con người mà nó có".

- "Một nhà quản lý nên xem vị trí của mình như một cơ hội tuyệt vời để đáp lại những sự hỗ trợ khác".

- "Nhà quản lý là một người hỗ trợ cho toàn bộ mọi người trong công ty".

- "Công ty này không phải là mình tôi, hoặc bất kỳ nhà điều hành nào có thể làm một mình. Nó rất lớn. Công ty của chúng tôi phát triển hàng năm và luôn thành công bởi vì mọi người đều đóng góp vào thành công của nó".

- "Hợp tác nghĩa là cho càng nhiều điều bạn nhận được càng tốt".

- "Bổn phận đầu tiên của mọi nhà quản lý là giúp đỡ những người dưới sự hướng dẫn của mình. Lắng nghe cả cấp dưới cũng như cấp trên".

- "Chúng ta đã chứng minh được giá trị của máy móc với thế giới, và tôi cảm thấy bổn phận của chúng ta là phải lên kế hoạch để việc kinh doanh có thể tiến triển liên tục. Tôi muốn tất cả các bạn có cùng tầm nhìn và niềm tin ở IBM".

- "Hãy học cách tự giám sát".

- "Chúng tôi luôn tiến lên ở IBM, đó là vì mọi người sẵn sàng nắm bắt cơ hội, vượt qua các chướng ngại, và thử những điều mới mẻ".

- "Hãy đi theo con đường của một người suy nghĩ mạo hiểm và độc lập"

- "Mang các ý tưởng của bạn đến các cuộc tranh luận. Nói những suy nghĩ của bạn và sợ những người chỉ thích tuân theo hơn là những người có suy nghĩ lập dị".

- "Phát triển sáng kiến của bạn".

- "Hãy làm điều mà chưa ai làm".

- "Phải không bao giờ ngừng mở đường".

- "Ngày hôm qua, chúng ta mở đường cho hôm nay, và hôm nay, chúng ta mở đường cho ngày mai".

- "Quá nhiều người đợi người khác đưa cho họ một điều để thúc đẩy, còn ở IBM, chúng tôi cố gắng phát triển những người tự thúc đẩy".

- "Thành công sẽ được xác định bằng thái độ mà bạn sử dụng các công cụ được giao để làm việc".

- "Khi thực hành nghệ thuật bán hàng, phải sử dụng tất cả tài năng của bạn. Đặt tất cả những điều bạn có vào nỗ lực của mình, trên hết là đặt nhân cách của bạn vào đó. Đừng sao chép của ai. Hãy là chính mình".

- "Tất cả các vấn đề của thế giới có thể được giải quyết dễ dàng nếu con người sẵn sàng suy nghĩ. Nhưng vấn đề là người ta thường viện đến tất cả các loại thiết bị để không phải suy nghĩ, bởi suy nghĩ là một công việc vất vả".

- "Điều mà mọi doanh nghiệp cần là có nhiều người chịu khó suy nghĩ hơn".

- "Suy nghĩ về sự hiện diện của bạn, sự kết hợp, hành động, tham vọng, cách làm việc".

- "Sự giáo dục là nền tảng của sự tiến bộ", Watson nói. "Nghiên cứu là sự đảm bảo trước cho sự tiến bộ của chúng ta".

- "Kiến thức tạo ra sự nhiệt tình".

- "Kế hoạch tốt thì việc kinh doanh sẽ tốt. Kế hoạch phải phản ánh thực tế và óc thẩm mỹ trong kinh doanh, nhưng trên tất cả, kế hoạch phải chủ yếu là để phục vụ con người".

- "Để mường tượng ra tương lai của IBM, bạn phải biết những điều trong quá khứ".

Nguồn: lanhdao

Vừa tốt nghiệp đã là triệu phú

James Sun
Năm 1980, cậu bé James Sun, khi đó mới lên ba, cùng gia đình rời Seoul, Hàn Quốc, di cư sang Mỹ. 19 năm sau, James Sun tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Washington, có trong tay 2,3 triệu USD.

Kiếm tiền từ... lau kính

Gia đình Sun sống nhiều năm trong cảnh nghèo túng. Từ nhỏ, Sun cảm nhận rất rõ thân phận bị khinh rẻ của những di dân châu Á, nhất là những người trắng tay như bố mẹ anh. Bởi thế, anh càng có chí phấn đấu vượt lên số phận.

Năm 11 tuổi, lần đầu tiên trong đời Sun thử sức kinh doanh. Sun thấy công việc của các công ty chuyên cung cấp dịch vụ lau cửa kính ở thành phố Texas - nơi gia đình đang ở - có vẻ không suôn sẻ chút nào. Sun bèn đề nghị họ cho làm công việc này với lý do: “Chẳng ai dám đóng sập cửa từ chối trước mặt cháu đâu, vì cháu là trẻ con mà!”.

Sun rủ thêm vài người bạn, với tư cách là đối tác, ký hợp đồng với các công ty lau dọn nhà cửa trong vùng, và bắt đầu bán dịch vụ cho các gia đình. Nếu thành công, Sun được nhận khoản tiền hoa hồng.

“Thời ấy tôi bắt đầu vỡ ra thế nào là kinh doanh” - anh nhớ lại.

13 tuổi, Sun bắt đầu đọc tạp chí The Wall Street Journal (nhật báo tài chính lớn nhất ở Mỹ) và chuyên tâm tìm hiểu những kiến thức cơ bản về kinh doanh, xu hướng thị trường.

Nắm khá vững về tài chính, chứng khoán, năm 18 tuổi, James Sun bắt tay vào công việc đầu tư. Ban đầu là 4.000 đô la đầu tư cho eBay, với khoản tiền thu lại gấp gần 10 lần.

Trong khi mọi người trong gia đình đều nhận bằng tiến sĩ, Sun quyết định dừng ở đại học nhưng vẫn tiếp tục phát triển công việc kinh doanh trong suốt bốn năm theo học ở trường. Sun rút 5.000 USD trong khoản tiết kiệm của mình để đầu tư.

Dù phải căng sức làm việc tới 50 - 60 giờ mỗi tuần ngoài giờ trên lớp, nhưng bù lại, James Sun có một khoản tiền 2,3 triệu USD khi anh tốt nghiệp, với tấm bằng kinh doanh và chuyên gia công nghệ thông tin.

Năm 2007, James Sun vượt qua 800.000 đối thủ, được chọn vào chương trình truyền hình do Donald Trump dẫn mang tên The Apprentice (Người học việc). Đây là cuộc thi dành cho các doanh nghiệp trẻ. Người thắng cuộc sẽ được nhận giải thưởng là chức lãnh đạo tại một trong số nhiều công ty thuộc tỉ phú Donald Trump.

Dù đây là dịp thử thách khả năng của anh, cũng là một cơ hội quảng cáo bản thân như một doanh nhân tài ba, song thực ra lúc đó, Sun đã là triệu phú. Anh chẳng cần chứng minh điều gì trước thiên hạ, cũng chẳng thiết tha lắm với chức vụ lãnh đạo với mức lương 250.000 USD một năm.

Tuy nhiên, việc một người Mỹ châu Á lọt vào vòng chung kết của cuộc thi nổi tiếng như thế quả là một thành tích đáng tự hào.

Thành công không tính bằng đô la

Bước vào tuổi 30, James Sun sống ở vùng Seattle, Mỹ, nơi được coi là “trung tâm của các doanh nhân” và là nhà sáng lập, kiêm tổng giám đốc của Zoodangco.com, một mạng xã hội (web 2.0), chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên mạng, giúp mọi người liên kết ở cả hai chế độ online và offline.

Với trang mạng Zoodangco.com, Sun tạo ra chiếc cầu nối giữa con người với nhau thông qua mạng máy tính toàn cầu. Những trang web xã hội như MySpace, Facebook chỉ là những nơi người ta tiếp xúc với nhau qua mạng.

Theo những báo cáo nghiên cứu do James Sun có được, 80 triệu thành viên tham gia trang web Zoodangco.com thuộc thế hệ 8X tại Mỹ bày tỏ mong muốn bước ra khỏi thế giới ảo để tiếp xúc thực sự với nhau ngoài đời.

Là người gần gũi với thế hệ 8X, James Sun cảm nhận được những suy nghĩ và tâm lý của lứa tuổi này Đây chính là chìa khóa thành công của trang web Zoodangco.com.

Sun nhìn ra vấn đề: nhiều doanh nghiệp muốn gặp gỡ với các đối tác thông qua mạng, để rồi hẹn gặp nhau ngoài đời, trao đổi công việc.

Chẳng hạn, một chủ công ty có ý định tìm nhân viên kế toán, luật sư, hay một số doanh nghiệp khác để hợp tác. Bước đầu, họ làm quen trên mạng, sau đó, những người này muốn gặp gỡ trực tiếp ngoài đời để bàn bạc.

Zoodangco.com liên kết với 9.000 cửa hàng Starbucks (hệ thống các quán cà phê kiêm quán ăn nhanh nổi tiếng), vì thế, những người có nhu cầu gặp gỡ ngoài đời chỉ cần hẹn nhau tại một trong các quán Starbucks.

James Sun không chỉ là một doanh nghiệp thành đạt. Trước hết, anh là người có nhiệt huyết và trái tim vàng.

“Nhiều người muốn lập một mạng mới và việc đầu tiên họ nghĩ tới là: Mình sẽ nhận được gì từ trang web này?”. Tôi lại muốn khuyên họ nên trả lời câu hỏi “Mình mang được gì cho mọi người từ trang web này?”.

Một bạn trẻ thuộc thế hệ 8X có thể bướng bỉnh nói như sau: “Tôi chẳng có gì để mang lại cho một nhà triệu phú”. Nhưng tôi sẽ đáp lại “Có đấy, hãy chung sức cùng cộng đồng, hãy góp phần nhỏ của mình với các giá trị mà bạn đang có”.

Mai Hồng (tienphong)

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References