Xu hướng "việc tạm thời" của tân cử nhân

Tân cử nhân sẵn sàng làm nhân viên bán hàng để trang trải cuộc sống (ảnh minh hoạ).
Vừa chân ướt, chân ráo ra khỏi cổng trường ĐH, nhiều tân cử nhân đã rải hồ sơ xin việc nhiều nơi. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm đúng chuyên ngành theo học, tìm một việc tạm thời đã trở thành xu hướng của những SV mới tốt nghiệp.

Nhảy việc bắt buộc

Không nhảy việc vì muốn học hỏi ở nhiều môi trường khác nhau hay vì "sở thích nhất thời", nhiều tân cử nhân phải chuyển nhiều nơi do việc làm không phù hợp với chuyên ngành theo học dẫn đến tâm lý chán nản, ít hứng thú với công việc.

Nguyễn Hoàng Thái - cựu SV khoa Văn hoá dân tộc thiểu số, ĐH Văn hoá - kể: "Không tìm được việc đúng chuyên ngành, tôi xin vào làm nhân viên văn phòng cho một Cty cung cấp thiết bị y dược. 2 tháng sau, tôi bỏ việc vì thấy không phù hợp và cũng không có cơ hội phát triển. Sau 1 năm, tôi đã trải qua 4 chỗ làm và vẫn đang tìm một nơi ổn định, sử dụng được những kiến thức mình đã học".

Có một thực tế là những SV học ngành xã hội phải "nhảy việc bắt buộc" nhiều hơn. Các ngành như: Bảo tàng, nhân học, thư viện, Hán Nôm... rất khó tìm được việc khi vừa tốt nghiệp. Các tân cử nhân sẵn sàng chấp nhận làm các việc: Bán hàng, tiếp thị, nhân viên văn phòng... để chờ cơ hội hoặc học thêm ngoại ngữ, văn bằng hai...

Lấy ngắn nuôi dài


Tốt nghiệp loại khá ngành ngôn ngữ học (ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội), nhưng Minh Thu không thể tìm được việc đúng mong muốn khi bám trụ lại thành phố. Do ngành học đặc thù nên cơ hội việc làm của Thu khá hạn hẹp, những nơi như viện, trung tâm nghiên cứu là "cánh cửa hẹp" với những tân cử nhân như Thu.

Xác định sẽ phải học cao học, Thu xin vào làm ở một Cty truyền thông, Thu chia sẻ: "Công việc không bị bó buộc về thời gian nên tôi có thể sắp xếp để vừa học vừa làm. Làm tạm thời, nhưng đây cũng là cơ hội để tích luỹ kinh nghiệm, kiếm tiền trang trải học thêm để có việc ổn định hơn".

Nhiều Cty, doanh nghiệp khá ưu ái các tân cử nhân khi tuyển dụng không cần kinh nghiệm và các yêu cầu thường khá đơn giản. Tuy nhiên, mức lương 1,2 - 1,5 triệu và cơ hội thăng tiến ít khiến công việc không "giữ chân" được nhân viên. Tìm một công việc tạm thời là lựa chọn khá khôn ngoan của những tân cử nhân khó tìm việc đúng chuyên ngành.

Suy nghĩ "nộp hồ sơ và chờ đợi" sẽ tìm được việc đúng nguyện vọng là sai lầm, bởi đi làm càng sớm càng tích luỹ được những kỹ năng cần thiết và chắc chắn sẽ được sử dụng cho công việc tương lai.

Linh Nhung (laodong)

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References