Bí quyết của sự im lặng

Trong công việc kinh doanh (cũng như trong cuộc sống) chúng ta có khuynh hướng muốn tích cực dấn mình vào tiến trình sáng tạo. Chúng ta muốn có câu trả lời. Chúng ta muốn biết phải làm gì tiếp theo. Chúng ta muốn tìm ra con đường dẫn tới thành công.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp – tôi cho là trong hầu hết mọi trường hợp – những câu trả lời thỏa đáng nhất lại không đến từ sự tư duy dựa theo trí nhớ hoặc theo hướng định sẵn, mà từ sự im lặng nội tâm. Thật ra, tôi đã thấy nhiều người (cả tôi cũng vậy) không nghĩ ra con đường thành công vì cứ mãi mổ xẻ tình huống một cách quá đáng.

Có bao giờ bạn chú ý thấy khi lòng tĩnh lặng mình dễ nhận ra những gì cần làm? Im lặng không hề làm tắt đi sự hoạt động của tâm trí một dạng tri thức sâu xa hơn. Chẳng ai biết được thứ tri thức thâm viễn ấy có từ đâu hoặc gọi là gì, nhưng tất cả các nền văn hóa trên thế giới đều chắc chắn rằng dạng tri thức ấy có thực. Khi chúng ta tĩnh lặng thì có vẻ như đó là lúc chúng ta đang khai thác tài nguyên uyên thâm của vạn vật trong vũ trụ. Có vẻ như thể sự tư duy đã đến với chúng ta thay vì chúng ta tích cực đuổi bắt tư tưởng của mình. Có vẻ như thể chúng ta thụ hưởng “tư tưởng của vũ trụ” thay vì dựa vào tư duy hạn hẹp của chính mình.

Tin vào sự tĩnh lặng đơn giản chỉ vì, khi bạn tin, kết quả của niềm tin ấy rất đặc thù. Khi bạn tin vào nó, cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ dàng và ít căng thẳng hơn. Thành công sẽ tự đến với bạn.

Từ giờ, khi cần một giải pháp chưa có sẵn, thay vì cố bóp trán nặn óc, bạn thử tĩnh tâm xem. Thay vì cố suy nghĩ vấn đề, hãy cứ buông nó ra. Nắm được bản chất của vấn đề là tất cả thông tin bạn cần. Hãy để cho vấn đề tự nó lắng dần xuống, như phù sa trong nước vậy. Cứ thế, những điều kỳ diệu sẽ hiện ra trong ý thức của bạn, những điều gì đó bên ngoài bạn, một chiều kích tư tưởng vượt khỏi tầm điều khiển uốn nắn của bạn. Đúng lúc – có thể là vài phút vài giờ hoặc thậm chí vài ngày tùy theo vấn đề - câu trả lời sẽ nảy ra trong trí bạn. Bạn có thể ngạc nhiên, nhưng bạn sẽ rất vui sướng với sự khôn ngoan vừa phát hiện. Dù vậy, nên biết rằng sự khôn ngoan sáng suốt bạn vừa nhận được không phải từ bạn, mà là từ sự tĩnh lặng. Chắc chắn tôi đã để lộ bí mật với bạn rồi đó.

Richard Carlson
Mưu sự làm giàu – NXB Trẻ

Một tài nguyên quí nhất

Thời gian là một bộ cân bằng hết sức tuyệt vời. Ai cũng bắt đầu một ngày với cùng hai mươi bốn giờ mở ra trước mắt. Bất kể bạn giàu hay nghèo đến mấy, dù bạn làm việc ở văn phòng, trong phân xưởng hay nằm không chẳng làm gì cả. Thời gian chẳng thiên lệch với ai mà cũng chẳng coi trọng địa vị hay chức vụ nào cả.


Thành công trong đời phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta biết sử dụng giỏi đến mức nào cái tài nguyên quí giá nhất – cái tài nguyên mà một khi đã mất đi thì không bao giờ tìm lại được. Một khi nó đã mất đi rồi, cho dù người ta có đầu tư khôn ngoan hay vung vãi ngu ngốc thì cũng chẳng bao giờ thu nó lại được nữa.

Đó là lý do tại sao, theo quan điểm của tôi, việc để phí thời gian phải được xem là một sự phạm trọng tội. Cứ suy nghĩ những gì đạt được của những người biết tận dụng giờ phút rỗi rãi, biết thu thập và khai thác một giờ dư ở chỗ này chỗ nọ mà xem. Những người mà đã đạt được bằng đại học và bằng phi công, viết những cuốn sách và mở ra những doanh nghiệp chỉ đơn thuần bằng cách tranh thủ thời gian trống của mình.

Chẳng phải họ có nhiều thời gian hơn người thua họ gì cả. Không nhất thiết họ có lẽ đã sáng trí hơn hay tài ba hơn. Họ chỉ đơn giản là nhận ra cái gì có thể làm được khi biết quý trọng và đầu tư thời gian.

Việc gì trong đời bạn mà bạn nghĩ là không có thời giờ để làm?

Bạn có thích học hiểu về máy vi tính không? Trở thành một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ? Một nhiếp ảnh gia? Hoàn thiện lương chức cha mẹ? Trở thành một chuyên viên kế toán? Tôi đã nhìn thấy sức mạnh của việc thu gom những giờ phút hoang phí. Có vô số bằng chứng cho thấy chúng ta có thể làm được hầu như bất cứ điều gì mà chúng ta muốn bằng nhờ vào thời gian nhàn rỗi của mình. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta chấm dứt việc giết chết thời gian, hay nói khác đi, không phí phạm nó.

Mort Crim
100 thông điệp giúp bạn sống lạc quan và có ý nghĩa – NXB Lao động Xã hội

Khen ngợi khiến người ta cảm thấy êm tai

“Mật ngọt chết ruồi”. “Nói ngọt lọt tận xương”, lời nói ngọt khiến người ta thấy ấm lòng, còn những lời nói ác ý độc địa chính là cơn gió lạnh mùa đông thấu buốt tâm can người nghe. Một lời nói hay nói đẹp có thể làm thay đổi số phận một con người.

Có lẽ lời khen vô cùng quan trọng đối với mỗi chúng ta, nhất là với chị em, bởi vì phụ nữ thường nặng về tình cảm và thiên về những lời nói ngọt ngào cũng như những câu khen ngợi tán thưởng. Ví dụ một cặp vợ chồng nọ tổ chức đám cưới vào ngày 23 tháng 2, trong ngày cưới người chồng nói với vợ rằng: “Anh mãi mãi ghi nhớ ngày cưới của chúng ta, bởi vì ngày cưới của chúng ta sau ngày sinh nhật của Oashington một ngày”. Nhưng người vợ lại nói với chồng rằng: “Em sẽ không bao giờ quên ngày sinh nhật của Oashington, bởi vì sinh nhật của ông ấy trước ngày cưới của chúng ta một ngày”.

Đàn ông Pháp thuộc giới thượng lưu thường hay khen cách ăn mặc của phụ nữ, hơn nữa, trong một buổi tối họ không chỉ khen một lần mà còn không tiếc lời có cánh khen rất nhiều lần. Trong cuộc sống gia đình, lời khen vô cùng quan trọng và cần thiết. Nó như một thứ gia vị làm cho cuộc sống nồng nàn và dịu dàng hơn. Trong gia đình, người vợ hoặc chồng nên thường xuyên khen ngợi và động viên nhau vào những thời điểm thích hợp, bởi vì những lời khen ngợi đó chính là liều thuốc bổ vô cùng hiệu quả cho hạnh phúc tổ ấm của mình.

Vào một buổi tối đẹp trời, ông John – nhà phê bình điện ảnh, cùng vợ lên London tham dự bữa tiệc do giới điện ảnh tổ chức. Khi hai vợ chồng bước vào phòng khách, rất nhiều cô gái đẹp liền vây quanh ông, bởi vì họ đều muốn để lại một ấn tượng tốt đẹp cho nhà phê bình danh tiếng này. Nhưng ông lại quay sang nói với vợ: “Em yêu, hôm nay em rất đẹp, anh muốn hai ta tìm một nơi yên tĩnh để anh được nói chuyện riêng với em!”

Trong trường hợp này, nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng có những lời khen ngợi như vậy với người vợ già của ông, chắc chắn rằng cuộc sống của họ phải khiến người khác trầm trồ thán phục và mơ ước.

Những lời cổ vũ động viên và khen ngợi đối với con trẻ là vô cùng cần thiết và rất hữu dụng bởi nó liên quan đến sự sinh trưởng và phát triển nhân cách của trẻ, đồng thời nó cũng tạo cho trẻ có niềm tin trong cuộc sống. Con trẻ còn ít va chạm với xã hội, chúng không đủ tự tin và lòng can đảm để đối mặt với những việc xảy ra quanh chúng. Do đó, chúng rất cần lòng tin cho dù chỉ khen ngợi một chút xíu thôi cũng có thể khiến chúng hình thành một tính cách rất tốt, hơn nữa đức tính tốt đó sẽ đi theo chúng suốt đời.

Một người mẹ trẻ đã từng kể một câu chuyện khiến người ta cảm thấy đau lòng: Con của chị rất hay làm sai và mỗi lần làm sai đều bị chị trách mắng. nhưng có một hôm cháu làm việc rất tốt và không hề bị sai sót gì. Đến tối, chị đặt cháu ở trên giường và quay người đi xuống lầu, bỗng nhiên chị nghe thấy tiếng khóc của con, chị chạy lên, chị chỉ thấy con đang chúi đầu vào gối khóc: “Lẽ nào hôm nay mình không trở thành một người tốt ư?”

“Câu hỏi này như dòng điện xuyên qua người tôi” – người mẹ trẻ nói – “Khi cháu làm sai, tôi chưa bao giờ bỏ qua việc chỉnh sửa cháu cả, nhưng khi cháu cố gắng chuyển theo hướng tốt và muốn làm mọi việc cho thật tốt, thì tôi lại không hề chú ý đến. Khi tôi đặt cháu trên giường, ngay cả một câu động viên an ủi cũng không có”

Huongnghiep (sưu tầm)

Thẳng thắn nhận lỗi sẽ khiến người khác hài lòng

Khi giao tiếp nói chuyện, sai sót trong lời nói là điều khó tránh khỏi. Khi đã bị lỡ lời trong lúc nói chuyện, ăn năn hối hận không còn là điều quan trọng nữa mà điều quan trọng ở đây chính là giảm thấp nhất hậu quả cho việc lỡ lời đó gây nên.

Có một ca sỹ đang rất nổi trong giới nghệ sỹ, một lần có người hỏi anh về một ca sỹ nổi tiếng khác, anh trả lời rằng: “Tôi chẳng biết anh ấy là ai, anh ấy là cái quái gì mà tôi phải biết?”

Vừa mới dứt lời, mọi người đã bàn tán rầm rộ cả lên và chỉ trích ca sỹ này không biết thế nào là “trời cao đất dày”. Sau này, để chỉnh sửa những sai lầm đó, anh lại phải lấy lại hình tượng của mình, khi được phỏng vấn, anh bày tỏ: “Sau khi nói lên những lời như vậy, tôi vô cùng hối hận và thật đáng tiếc cho những lời nói đó của mình, tôi muốn được xin lỗi ca sỹ đó trước công chúng”. Kể từ đó họ mới không bàn tán xì xào về lời nói đó của anh.

Ví dụ này cho chúng ta thấy việc xử lý như thế nào khi bị lỡ lời là vô cùng quan trọng. Xin lỗi một cách công khai hiệu quả hơn rất nhiều so với cứ ôm khư khư lời nói sai của mình, và đó cũng là cách xử lý thông minh, sáng suốt.

Cần phải chỉ ra rằng mục đích của “sự thẳng thắn” chỉ là ở việc nói cho rõ vấn đề, điều này không “thẳng”, giải thích cũng cần phải chú ý đến cách thức của nó. Sau khi đã làm sai một việc gì đó, phần lớn đều cảm thấy vô cùng xấu hổ, sau đó ngấm ngầm nói lời xin lỗi rồi cúi đầu đi.

Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp chỉ dựa vào một câu “xin lỗi” thì không đủ để người khác tha thứ. Ví dụ trong khi nói chuyện, anh A gọi sếp của mình là “người máy”, kết quả bị sếp nghe thấy, thế là anh liền viết cho sếp mình một mẩu giấy hẹn khi nào sếp có thời gian xin được gặp ông để giải thích, sếp nhận lời đến gặp anh nói chuyện.

“Sếp thấy đó, những lời em nói chẳng hề có dụng ý gì cả, em cũng rất hối hận” – anh giải thích với sếp – “Sở dĩ em dùng từ “người máy”, chẳng qua là muốn trêu đùa một chút cho vui, em cảm thấy sếp rất khó gần, cứng nhắc. Vì thế từ “người máy” chẳng qua là để miêu tả cái cảm giác bình thường đó thôi”. Khi nghe được những lời giải thích có lý và thật lòng đó, ông vô cùng cảm động.

Qua cách này để nói rõ vấn đề, anh đã giúp sếp bình tâm trở lại và cũng đã giải quyết một cách thỏa đáng quan hệ tình cảm giữa hai bên.

Huongnghiep (sưu tầm)

Vui với sự thành công của người khác

Ở đây chúng ta nên chân thật. Có bao giờ bạn âm thầm mong muốn ai đó thất bại không? Tôi không có ý nói bạn mong họ thân bại danh liệt, mà chỉ là không muốn họ thành công hơn mình. Đôi khi thật khó mà muốn cho người khác được tốt đẹp, nhất là những người bạn biết rõ – chẳng hạn như bạn bè, đồng nghiệp, láng giềng, bà con.

Thật khó chịu khi thấy một đồng nghiệp dễ dàng đạt được cái địa vị mà bạn phải làm việc thật vất vả khó nhọc để mong đạt được. Thật khó chịu khi thấy cô bạn được lên TV hoặc người láng giềng có xe hơi mới. Chúng ta chỉ là người thôi mà. Và chúng ta có thói ghen tị. Có một thân chủ của tôi rất ghen với sự thành công của vợ mình.

Trong khi bạn có thể do thói quen âm thầm mong làm sao giữ được kẻ khác ở mức ngang cơ với mình thôi, thì đó lại là điều tuyệt đối không có lợi cho bạn. Cách để đạt đến đỉnh cao là mong muốn người khác cũng tốt lành, toàn tâm toàn ý mong muốn mọi người có thể phát huy tốt nhất khả năng của họ, mong muốn những người bạn biết và cả những người bạn chưa biết có thể thực hiện giấc mơ của họ và đạt được thành tựu lớn nhất.

Điều quan trọng nên biết là khi người ta đạt được những thành công to lớn thì cái bánh sẽ lớn thêm lên cho những người trong chúng ta còn lại. Chúng ta không muốn nhìn thấy nhau nơi mẫu số chung thấp nhất, mà phải là trong tầm nhìn chung cao nhất của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể thành công. Và khi một người – bất cứ ai – thành công thi điều đó có ích cho phần còn lại của chúng ta.

Khi bạn muốn cho ai nên, nó tạo nên một quán tính trong chính bạn, một môi trường nội tại của thành công. Nó nhắc nhở tinh thần của bạn về bản chất hay yêu thương rất xứng đáng của bạn. Nó tạo nên trong bạn một bầu khí thuận lợi giúp bạn đạt được thành công và giàu có. Khi bạn vui mừng trước sự thành công của kẻ khác, thì nó cũng giống như bạn gieo hạt giống cho một khu vườn thành công vậy.

Vì bạn mong muốn điều hay cho người khác, bạn sẽ thấy lòng mình thật nhẹ nhàng dễ chịu. Khi những điều mong muốn của bạn là thành thật, chúng sẽ giúp nhắc nở bạn rằng cho và nhận chỉ là hai mặt của cùng một đồng tiền. Thật ra, mình sung sướng thấy người khác thành công thì cũng giống như chính mình thành công vậy. Hãy vui với sự thành công của người khác, bạn sẽ thấy chính mình cũng lớn thêm lên.

Richard Carlson

Bớt lo lắng

Lo lắng có sức mạnh hủy diệt với cuộc sống của rất nhiều người. Trước hết, nó làm bạn stress. Thử nghĩ xem, bạn cảm thấy gì khi mình đang lo? Bên cạnh đó, lo lắng tiêu hao rất nhiều năng lượng và nó hướng bạn tập trung vào vấn đề nhức nhối, vào các khía cạnh khó khăn của cuộc sống.

Khi lo lắng, đầu óc bạn căng lên, bạn rất dễ buồn phiền một cách vô lý. Đây rõ ràng là điều kiện hoàn hảo để những chuyện nhỏ chi phối bạn. Ở tâm trạng lo lắng, bạn rất khó tập trung và điều phối năng lượng. Đầu óc bạn tha thẩn đâu đó nơi một tương lai không ổn định, nơi một quá khứ đầy lầm lỗi. Bạn dự tính trước vấn đề này kia có thể xảy ra, bạn xoáy đi xoáy lại vào một chuyện của quá khứ để phân tích phần trách nhiệm của mình.

Ví dụ, bạn đang lo lắng về lần thanh tra sắp tới của chủ đầu tư. Vậy là, bạn bắt đầu bỏ ra cả tuần lễ để nghĩ ngợi và nhớ lại những gì không hay xảy ra trong đợt thanh tra lần trước. Mọi ý nghĩ trong đầu bạn trở nên mông lung. Bạn không còn tâm trí trọn vẹn để dành cho công việc. Vì thế, bạn không thể làm việc năng lực và hiệu quả như thường lệ, công việc bị ảnh hưởng đi kèm với tâm trạng bất an của bạn. Thái độ làm việc này bị chủ đầu tư để ý, và ảnh hưởng xấu đến kết quả thanh tra. Quả là một vòng luẩn quẩn do lo lắng tạo nên.

Lo lắng có khả truyển nhiễm. Nỗi lo của bạn mang ý nghĩa như một lời đề nghị với người khác và khẳng định những gì bạn đang lo là có cơ sở. Bạn đã phát tán một thông điệp đầy tiêu cực cùng cảm giác sợ sệt, đẩy môi trường nơi bạn làm việc vào trạng thái cẩn thận quá mức, thậm chí là bệnh tưởng. Khi sợ hãi, con người ta thường trở nên ích kỷ và đặt nhu cầu tự vệ lên ưu tiên hàng đầu.

Ellen, chủ một cửa hàng hoa lớn đã từng là một người như thế. Cô nói trước đây lúc nào cô cũng lo lắng, và kể tôi nghe câu chuyện đã giúp cô thay đổi.

Cô cùng 3 người khác chuẩn bị trang trí cho một buổi tiệc cưới. Đấy có thể nói là đơn đặt hàng lớn nhất của họ từ trước tới giờ. Nó làm cô lo lắng còn hơn thường lệ, cô sợ có điều gì nhậm lẫn, cô sợ không hoàn thành được đúng giờ. Cô hấp tấp chạy tới chạy lui và chợt nhận thấy những người khác cũng hệt như cô. Họ lúng túng mắc phải hết lỗi này đến lỗi khác, đánh đổ bình bông, cắt nhầm hoa v.v… Rõ ràng sự hoang mang và nỗi lo lắng của cô đã truyền sang họ. Ellen quyết định gọi tất cả ra ngoài, cùng uống ly cà phê và thư giãn đôi phút. Khi quay lại, họ dẹp bỏ mọi căng thẳng, làm việc hiệu quả như thường lệ và hoàn thành công việc trang trí một cách hoàn hảo.

Sự chuyển biến này xuất phát từ niềm tin trong chính bạn. Rằng không có các nỗi lo, bạn sẽ biết chính xác phải làm gì, làm như thế nào.

Một ví dụ khác cho trường hợp này là khi bạn phải phát biểu trước công chúng. Bạn có thể bỏ ra hàng năm trời để lo lắng và tự nhủ phát biểu trước bao nhiêu người là điều dễ sợ ra sao. Bạn cũng có thể tưởng tượng trong đầu những gì tệ nhất sẽ diễn ra. Kết quả rồi sẽ đúng như những gì bạn nghĩ với nỗi lo sợ được củng cố.

Thế nhưng tôi, và nhiều người khác sẽ nói với bạn rằng bạn không thể rũ bỏ được lo lắng nhờ vào một vài kinh nghiệm phát biểu suôn sẻ mà ngược lại, hãy chế ngự mọi nỗi lo để có những buổi thuyết trình suôn sẻ. Điều này cũng giống như thay vì cho ngựa kéo xe, bạn lại gắn xe đằng trước cho nó đẩy. Nói tóm lại, một khi đã dẹp bỏ âu lo, sợ sệt, bạn sẽ thấy nói chuyện trước đám đông cũng như bạn đang nói trước một người mà thôi. Không bị lo lắng chế ngự, bạn biết điều gì cần nói, bạn trở nên rất linh hoạt trước đề tài mình đang phát biểu và trước nhu cầu của người nghe. Tương tự, bạn có thể ứng dụng điều này với mọi việc bạn làm trong cuộc sống.

Nhưng hãy hiểu rằng, khi tôi nói bạn đừng quá cẩn thận, tôi không có ý khuyên bạn đừng quan tâm hay bàng quan trước mọi điều. Tôi muốn chỉ ra rằng thoát khỏi những chi phối, ảnh hưởng do nỗi lo âu đem đến, bạn sẽ phải ngạc nhiên về khả năng của chính mình. Nhờ thế, cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.

Richard Carlson

Khởi sự doanh nghiệp: năng khiếu chỉ quyết định 1% thành công

Có niềm tin, năng khiếu, cả đam mê đã đủ yếu tố trở thành một doanh nhân?... Chỉ có thể đem trọn vẹn tình cảm vào công việc một cách trân trọng nhất thì kết quả sẽ có những giá trị tương xứng. Vì vậy, động lực chính của tuổi trẻ luôn là sự sáng tạo, năng lượng tuyệt vời của họ.

Các công ty nước ngoài nói chung có cách quản lý rất tốt. Bạn hãy tận dụng cơ hội mà làm việc như làm cho chính mình. Đó là cách hay nhất để học, để thành công, và để thấy cuộc sống có thú vị. Về vốn thì có nhiều cách. Góp vốn bằng công, kêu gọi vốn của người quen, nhà đầu tư... Đây là 1 sáng kiến đầu tiên mà bạn phải thành công đã thì mới có những thành công sau đó. Doanh nhân là người làm nghề kinh doanh. Mà kinh doanh là một nghề vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật. Một khi đã là khoa học thì phải học mới biết (vì đó là sự đúc kết của cả thế giới). Một khi là nghệ thuật thì phải có năng khiếu mới làm được. Mà nói đến năng khiếu tức là nói đến tố chất bẩm sinh (trời cho). Cụ thể hơn, kinh doanh vừa giống như toán học (tính khoa học cao), vừa giống như hội họa (tính nghệ thuật cao). Đối với nghề kinh doanh, tính nghệ thuật cao hơn tính khoa học. Nếu không có năng khiếu về hội họa thì không thể nào trở thành họa sĩ được, cho dù có cố gắng học đến mấy đi chăng nữa. Làm kinh doanh cũng vậy. Nếu không có năng khiếu kinh doanh (tố chất bẩm sinh) thì có học kinh doanh cả đời cũng không trở thành doanh nhân thành công được.

Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt, nghề kinh doanh (doanh nhân) và nghề quản lý (nghề giám đốc, nghề CEO) là 2 nghề khác nhau. Có nhiều người làm nghề kinh doanh rất giỏi, nhưng lại không thành công lắm trong vấn đề quản lý. Và lại có nhiều người làm quản lý tốt nhưng lại không có khả năng làm kinh doanh. Trên thế giới, 2 nghề này được phân biệt khá rõ nét, nhưng ở VN thì doanh nhân thường kiêm nhiệm công việc quản lý. Chính vì vậy, tố chất cần có của một doanh nhân thành công tại VN bao gồm cả tố chất của người làm nghề kinh doanh và tố chất của người làm nghề quản lý. Đối với nghề quản lý, tính khoa học và tính nghệ thuật tương đương nhau (nói một cách tương đối). Tóm lại, một số tố chất cơ bản cần có của một doanh nhân thành đạt là: - Về chỉ số: IQ, EQ, chỉ số vượt khó... cao - Về tư duy chiến lược tốt: Tư duy tổng hợp, tư duy phân tích, tư duy hệ thống, tư duy quy luật, tư duy logic... - Về tính cách: Nhanh nhạy, quyết đoán, rốt ráo, có óc tổ chức tốt, mạnh mẽ, chu toàn... - Về thần uy: Có khả năng chỉ huy bẩm sinh, có thần thái, phong cách của người làm chỉ huy... - Và những tố chất khác. Tuy nhiên, để trở thành một doanh nhân thành công, 99% là nhờ vào nỗ lực, 1% nhờ vào tố chất. 1% này tuy nhỏ, nhưng nếu không có 1% tố chất này thì 99% kia cũng không có ý nghĩa gì. Hy vọng bạn có đầy đủ tố chất của một doanh nhân thành công!

Trước hết, ý tưởng khởi sự kinh doanh phải được thẩm định và nghiêm túc xem xét kỹ lưỡng về tính khả thi của nó. Sự nhất trí cao đối với kế hoạch kinh doanh từ những người cùng khởi sự hoặc từ gia đình, bạn bè, đối tác là điều kiện không thể thiếu, mang tính chất cương quyết khi kêu gọi vốn. Một dự án sẽ trở nên không khả thi khi có quá nhiều người hoài nghi. Tuy vậy, cũng có những ý tưởng "vượt tầm", chỉ cần 1 nhà đầu tư thông hiểu là có thể tạo ra những doanh nghiệp đầy sáng tạo. Đối với bạn trẻ VN, nguồn vốn từ gia đình cho dù rất ít ỏi cũng rất nên đáng suy nghĩ. Đó là sự ủng hộ của cha mẹ, người thân với những gì mà bạn đang làm. Việc kêu gọi sự hợp tác kinh doanh, hùn hạp từ bạn bè là một việc kiên trì, đòi hỏi người chủ xướng phải kiên nhẫn và bền bỉ để bảo vệ ý tưởng của mình. Sẽ có những lúc doanh nhân trẻ cảm giác chẳng ai hiểu mình và điều đó có nghĩa là không ai cung cấp vốn cho mình làm.

Việc khởi sự luôn luôn phải đặt ra một loạt kế hoạch chi tiêu cho thời kỳ đầu, vậy hãy xem trong đề án của mình, thì khâu đầu tư nào có khả năng dễ hợp tác nhất. Thay vì có thể hợp tác cả dự án, thì có thể kêu gọi vốn hợp tác từng phần nhỏ. Không nên tự ái đòi hỏi quyền làm chủ tất cả cổ phần của mình. Một ý tưởng thông minh trị giá 20% cổ phần - điều đó cũng rất tuyệt vời để mời các nhà đầu tư tài trợ khởi sự. Vấn đề là tài thuyết phục của các bạn... Việc khao khát khởi sự và làm chủ doanh nghiệp riêng của mình là ước mơ hết sức chính đáng của giới trẻ chúng ta. Tuy nhiên, việc chọn lựa cách thức và con đường đạt tới ước mơ của mình không sẵn có, trải ra trước mặt chúng ta đâu. Cũng không có doanh nhân thành đạt nào có những lời khuyên giúp ích được ngay.

Điểm mấu chốt đối với người khởi nghiệp là tìm hiểu cặn kẽ về chính bản thân, năng lực, sở trường và hoàn cảnh hiện tại của mình, với các câu : + Sở trường, năng lực và điểm vượt trội của mình là gì so với bạn bè cùng giới, cùng ngành. + Cá tính bản thân có phù hợp với việc làm lãnh đạo, tổ chức và đương đầu chịu trách nhiệm hay không. + Những thuận lợi bên ngoài, sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, các mối quan hệ, vốn, khách hàng tiềm năng đã có sẵn chưa. + Cộng sự hợp tác cùng khởi nghiệp đã đầy đủ hoàn thiện trong đội ngũ chưa, họ có bổ sung các điểm yếu của bạn thân mình, làm gia tăng sức mạnh tập thể hay không. + Ngành kinh doanh chọn lựa có tiềm năng và sức tăng trưởng tốt trong thời gian sắp tới hay không. Đề án của mình có triển vọng lâu dài hay không và để đi xa thì mình có đủ sức hay không với tất cả vốn mình đang có.

Hãy tích cóp các kiến thức từ các môi trường chuyên nghiệp từ khi còn là một nhân viên cấp thấp, trải nghiệm qua một vài vị trí quản lý. Khi bạn đủ nội lực, tự khắc bạn sẽ thấy mọi việc trở nên sáng sủa và khởi sự với nhiều thuận lợi hơn.

Nguồn: Mquiz

Mild Seven lấy “lỗ” để “phất”

Hiện nay trên toàn thế giới có loại thuốc lá Nhật Bản có tên là “MILD SEVEN”, lượng tiêu thụ của nó từ con số nhỏ bé không ai biết đến đã nhãy vọt lên đứng hàng thứ hai thế giới. Có được thành quả như thế nhờ thực hiện kinh doanh lỗ vốn.

Thuốc lá “MILD SEVEN” đã chủ trương thực hiện kinh doanh “lỗ vốn” như sau: Công ty tìm kiếm những đại lý ở các thành phố lớn của các nước chủ yếu trên toàn thế giới.

Sau đó, qua các đại lý, cứ mỗi tháng gửi tặng cho một số bác sĩ, luật sư, nhà văn, nghệ nhân nổi tiếng địa phương hai cây thuốc lá nhãn hiệu này và nói rõ nếu người nhận cảm thấy không đủ thì có thể gởi tiếp.

Cứ sau một số ngày, đại lý sẽ gửi biểu mẫu đến trưng cầu ý kiến đối với loại thuốc lá này. Để cho đối phương nghiện loại thuốc lá này rồi, đại lý ngừng gửi biếu như vậy người nghiện không thể không bỏ tiền ra mua thuốc lá “MILD SEVEN”.

Cứ thế, thuốc lá nhãn hiệu này xây dựng được hình ảnh của mình trong xã hội thượng lưu, người hút loại thuốc lá này hầu như tượng trưng cho dòng dõi cao quý. Trên thị trường phương Tây, lượng tiêu thụ tăng lên hàng ngày.

Thuốc lá “MILD SEVEN” khởi điểm kinh doanh bằng cách biếu tặng, cuối cùng đạt được mục đích lợi nhuận kếch sù. Lỗ lãi, dư hao trong buôn bán là điều không tránh khỏi.

Tuy nhiên, kiêm luôn bán lỗ vốn không có căn cứ, không biết tính toán thì không nên làm. Thực hiện kinh doanh thua thiệt phải có lựa chọn, mục đích.

Sự thành công của “MILD SEVEN” ở chổ quyết tâm “buông dây dài, câu cá lớn”.

Một thương phẩm mới, độ nổi tiếng của nó trên thị trường không cao người sử dụng cũng rất ít để mở đường tiêu thụ, ngoài tiến hành tuyên truyền quảng cáo, in phát catalogue ra, bán hạ giá, thậm chí biếu tặng miễn phí một số sản phẩm mẫu là cần thiết.

“Trước thử sau mua, mới biết tốt xấu”. Đây là câu cửa miệng về buôn bán của thời xưa, kiểu thử trước mua sau, về sau người ta gọi nó là “quảng cáo sống”.

Câu nói cổ xưa này, đến nay vẫn còn được ứng dụng rộng rãi, và từ thực phẩm mở rộng ra thiết bị máy móc, đồ dùng hàng ngày không phải thực phẩm. Mọi người đều biết, chi phí thực hiện quảng cáo, biếu tặng dùng thử rất lớn.

Quảng cáo truyền hình nửa phút tốn hàng chục ngàn thậm chí hàng trăm ngàn đô la Mỹ gửi tặng hàng triệu phần quà thuốc lá hút thử chi phí không dưới 1 triệu USD.

Nhưng nhà kinh doanh có tâm huyết không tiếc “ném tiền qua cửa sổ”, “Khẳng khái” biếu tặng miễn phí và ra sức đăng quảng cáo, mà đã qua tính toán chi li, đã từng tiến hành điều tra và dự đoán thị trường mục tiêu.

Vì thế, buông dây dài để nhắm đích cuối là “câu được cá lớn”. Nếu buông dây dài vào trong bể bơi, kết quả tất nhiên uổng công vô ích, vốn liếng không thể trở về.

“Buông dây dài” phải buông ở nơi có “cá lớn” mới có khả năng “câu được cá lớn”. Cho nên, tiến hành kinh doanh lỗ phải luôn ở thị trường có tiềm năng phát triển.

Theo “100 Thương Hiệu Tạo Dựng Thành Công” - NXB Hải Phòng

Kiểu bán hàng “độc chiêu”

Vào trước đêm khai mạc Thế vận hội Olympic Barcelona có một ông chủ cửa hàng điện máy cho đăng một quảng cáo trên truyền hình khích lệ dân chúng ở đây rằng: “Nếu các vận động viên Tây Ban Nha trong kỳ Đại hội này giành được 10 tấm huy chương vàng thì bất kỳ ai tới mua hàng ở cửa hiệu tôi đều do cửa hiệu trả tiền”.

Sau khi quảng cáo này được đưa ra, tiêu thụ của cửa hàng đột ngột tăng lên, ông chủ cười rạng rỡ. Nhưng có ngờ đâu, chỉ mới qua nửa chặng đường, đoàn Tây Ban Nha đã được 10 huy chương vàng, một huy chương bạc. Những người mua hàng đều được ông chủ tính toán chi trả cho. Khách càng ngày càng đông, hàng bán không kịp. Tuy nhiên, như vậy đau phải là việc tốt, chẳng phải bán càng nhiều thì càng bù lỗ nhiều hơn ư? Khách hàng cũng tự nghĩ, chắc chắn ông chủ này sẽ bị phá sản.

Nhưng những điều lo lắng của khách đều là thừa, vì để trả tiền, ông chủ không phải bỏ ra một xu nào cả, tất cả đều do công ty bảo hiểm rủi ro trả hết. Bởi trước khi quảng cáo, ông chủ đã ký với công ty bảo hiểm một hợp đồng bảo hiểm riêng rồi. Nhưng do các chuyên gia phân tích thể thao của công ty bảo hiểm đã phân tích sai lầm tình thế, nên đã cho rằng vận động viên Tây Ban Nha không thể giành quá 10 huy chương vàng được. Họ đã vui vẻ ký bảo hiểm với ông và đã phải bỏ ra hàng triệu đôla tiền đền bù.

Bài học kinh doanh: Mấu chốt của những thắng lợi bất ngờ là ở chỗ phải biết sử dụng đầy đủ kinh nghiệm, trí tuệ, ý chí của mình để nắm lấy thời cơ, đưa ra những quyết sách đúng đắn.

Huongnghiep(suu tam)

Không chỉ là Địa điểm, Địa điểm và Địa điểm

Trong kinh doanh bán lẻ, không một doanh nghiệp nào có thể bỏ qua yếu tố địa điểm kinh doanh. Đây thực sự là một bài toán cần phải có lời giải chuẩn xác nhất. Nhưng có phải tất cả đều chỉ là Địa điểm, Địa điểm và ... Địa điểm?


Quyết định địa điểm kinh doanh là một trong những quyết định quan trọng nhất của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể thường xuyên thay đổi các kế hoạch kinh doanh và chiến lược bán hàng, nhưng một khi đặt bút ký một hợp đồng thuê hay mua lại địa điểm kinh doanh đồng nghĩa với một sự ổn định lâu dài và không thể thay đổi dễ dàng. Hãy nghĩ về những yếu tố quyết định địa điểm kinh doanh mới của mình. Câu trả lời sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra địa điểm kinh doanh thích hợp nhất cho sự phát triển lâu dài.

Khoan hãy bàn đến sản phẩm hay dịch vụ của một doanh nghiệp, chìa khoá để tìm kiếm một địa điểm kinh doanh tuyệt vời đó là việc thường xuyên xuống phố. Các doanh nghiệp có thể sử dụng một nhà môi giới bất động sản giúp đỡ tìm ra các địa điểm tiềm năng, nhưng bản thân doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp hay người phụ trách) nên trực tiếp ghé thăm từng địa điểm đó vào các thời điểm khác nhau trong ngày, vào các ngày khác nhau trong tuần, để đảm bảo rằng nó đúng là một địa điểm tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Một địa điểm kinh doanh có thể trông tuyệt vời vào buổi sáng, nhưng khá đơn độc vào buổi trưa, hay xung quanh có thể đông nghịt vào chiều tối thứ Hai vì tắc đường, nhưng đến cuối tuần thì vắng tanh tại các bãi đỗ xe.

Đừng bao giờ nhận định về một địa điểm chỉ qua duy nhất một lần ghé thăm bởi lẽ không phải bất cứ nơi nào cũng là những địa điểm kinh doanh mơ ước. Những giới thiệu từ các nhà môi giới bất động sản chỉ là điều kiện cần, trên thực tế điều kiện đủ chính là việc doanh nghiệp cần dành nhiều thời gian quan tâm để địa điểm kinh doanh của bạn được thích hợp nhất.

Hãy tới đó vào các thời điểm khác nhau trong ngày và đêm, vào các ngày khác nhau trong tuần, và quan sát giao thông xung quanh. Không một ai có thế biết chắc chắn một địa điểm kinh doanh nào đó tốt như thế nào nếu không thực hiện đúng quy trình này.

Khi đến lúc tìm kiếm một không gian cho hoạt động kinh doanh, cho dù là bán lẻ, nhà kho hay làm văn phòng làm việc, các doanh nghiệp không chỉ cần quan tâm địa điểm mà còn cần quan tâm tới một vài yếu tố khác. Không may mắn là các yếu tố này thường bị rất nhiều doanh nghiệp bỏ qua cho đến khi họ nhận ra chúng quan trọng như thế nào.

Tuỳ thuộc vào loại hình kinh doanh của mình, các doanh nghiệp nên quan tâm tới một vài hay tất cả các yếu tố nhất định.

Trước tiên là việc xác định xem có một quy định hay luật lệ nào ràng buộc những thiết kế cửa hàng, bảng hiệu trong khu vực hay không? Các quy định về bảng hiệu luôn thay đổi theo thời gian và doanh nghiệp có thể thấy rằng nhiều hoạt động kinh doanh hiện hữu chịu sự ảnh hưởng của một bộ các quy tắc nhất định trong khi những hoạt động kinh doanh mới lại tuân theo các hướng dẫn hoàn toàn khác biệt. Nếu doanh nghiệp thuê một địa điểm với suy nghĩ rằng bảng hiệu của mình có thể lớn và gần đường phố như các doanh nghiệp khác ở đây, rất có thể đó là một suy nghĩ sai lầm.

Tiếp theo, doanh nghiệp cần xem xét xem có quy định xây dựng hay đô thị nào điều chỉnh các loại hình kinh doanh được phép thực hiện trên địa điểm đó hay không? Doanh nghiệp có thể nghĩ rằng thành phố hay chủ nhà không có vấn đề gì với loại sản phẩm hay dịch vụ của mình, như trừ khi đặt vấn đề, doanh nghiệp có thể thấy rằng mình bị ngăn cấm thực hiện công việc kinh doanh nào đó sau khi đã thuê địa điểm.

Tại mỗi địa phương, chắc chắn sẽ có những địa chỉ hay trang web cung cấp nhanh chóng các dữ liệu, thông tin về khu vực doanh nghiệp quan tâm. Bên cạnh đó, các thông tin về thị trường, về khu vực dân cư xung quanh địa điểm kinh doanh sẽ rất hữu ích giúp doanh nghiệp xác định địa điểm kinh doanh thích hợp.

Mối quan tâm sau đó là liệu địa điểm có đủ chỗ đỗ xe cho các khách hàng và nhân viên của doanh nghiệp hay không? Một trong những hạn chế của những địa điểm kinh doanh ở trung tâm đó là chỗ đỗ xe quá nhỏ. Với một số lượng nhân viên nhất định và không gian giới hạn, rất có thể sẽ không còn đủ chỗ cho các khách hàng đỗ xe nữa và họ buộc phải gửi xe ở một nơi cách đó khá xa.

Bàn về các nhân viên, các doanh nghiệp cần quan tâm trước tới một không gian vừa đủ cho các nhân viên và những yêu cầu về không gian của họ. Doanh nghiệp cần các phòng làm việc chung rộng rãi hay từng ô làm việc một? Có cần các phòng nghỉ riêng cho nam nhân viên và nữ nhân viên? Có cần phòng thay quần áo hay phòng thư giãn? Sẽ có bao nhiêu nhân viên cần không gian sau quầy bán hàng vào những lúc không tiếp xúc khách hàng? Các nhân viên luôn chiếm khá nhiều không gian vì thế hãy lên kế hoạch thích hợp.

Kế nữa, kế hoạch tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp như thế nào? Mọi doanh nghiệp đều tăng trưởng (hay suy thoái) và một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một hoạt động kinh doanh thành công đó là phát triển quá nhanh vượt khỏi không gian hiện tại của mình. Địa điểm kinh doanh mà doanh nghiệp đang quan tâm có đảm bảo đủ không gian cho kế hoạch tăng trưởng hay nó có thể trở nên quá nhỏ bé trong ngắn hạn?

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng đó là địa điểm kinh doanh có nằm trong một khu vực dân số tăng trưởng, kinh tế phát triển hay là một khu vực người dân có xu hướng ra đi và mang theo túi tiền của họ? Nhiều doanh nghiệp thành công đã quyết định lựa chọn địa điểm này mà không lựa chọn địa điểm khác vì nơi đó dân số không mấy tăng trưởng và hiện có nhiều doanh nghiệp phải vật lộn với sinh tồn.

Tốt nhất, doanh nghiệp nên ghé thăm các cửa hàng xung quanh địa điểm kinh doanh dự định thuê để xem họ bận rộn như thế nào, có thể hỏi xem liệu việc thuê địa điểm tại khu vực này có đáng hay không và doanh số bán ra tại các cửa hàng trong khu vực hiện ở mức độ nào. Rất có thể doanh nghiệp biết được nhiều điều chưa từng được nghe.

Cuối cùng, điều thiết yếu là đừng để bản thân bị mê hoặc bởi một địa điểm trong một thời điểm chiêm ngưỡng địa điểm kinh doanh. Hãy dành thời gian để tìm kiếm những không gian thích hợp nhất cho doanh nghiệp cho một chặng đường dài, chứ không chỉ hôm nay.

Nguồn: bwportal

Đánh vào tình cảm khách hàng

Công ty Gaupuless của Mỹ là công ty sản xuất giày. Trước những năm 80 của thế kỷ 20, do quản lý kinh doanh không tốt, nên thường xuyên rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Về sau, công ty đã mời một nhà tâm lý học làm giám đốc. Ông này rất giỏi thuật tấn công vào trái tim con người.


Ông đã gắn cho các loại giày những dạng tâm lý khác nhau như “Tình cảm nữ giới”, “Tình cảm đàn ông”, “Tình cảm hoang dã”, “Tình cảm thanh niên”, “Tình cảm nho nhã”, “Tình cảm ổn định”… nên đã giành được thành công rất lớn. Đặc biệt là hai loại giày “Tình cảm thanh niên” và “Tình cảm nho nhã”, chẳng những thu hút được người trẻ tuổi tới tranh nhau mua, mà ngay cả người già cũng thích mua để cho mình càng trẻ trung.

Ngoài việc gắn tên ra, mỗi loại giày đều có những điều thú vị riêng. Ví dụ như các tên giày “Điệu múa lắc người”, “Phẫn nộ”, “Nước mắt”, “Cười”, “Tình yêu”…gây ấn tượng khó phai cho khách mua hàng. Cách tiêu thụ sản phẩm bằng cách gắn cho chúng những “tình cảm” này đã mang lại hiệu quả nhiều năm cho công ty và luôn đạt doanh thu khổng lồ. Đến năm 1987, tổng doanh thu của công ty đã lên tới 6 tỷ USD, Thương hiệu của công ty nổi tiếng gần xa, sản phẩm phổ biến trên toàn nước Mỹ.

Bài học kinh doanh: Đưa nội dung tình cảm vào trong sản phẩm, kích thích ham muốn mua hàng của người tiêu dùng, từ đó rất thành công trong cuộc chiến tâm lý, mang nó hòa chung vào tình cảm của người tiêu dùng.

Huongnghiep(Sưu tầm)

5 Kỹ năng giao tiếp thiết yếu đối với các chủ doanh nghiệp

Kĩ năng nói một cách hiệu quả không còn đơn thuần chỉ là một điều "có thì càng hay" nữa - nó đã thực sự là một kĩ năng không thể thiếu đối với những người thành công và đặc biệt là đối với các chủ doanh nghiệp thành đạt.

Khả năng tổ chức lãnh đạo các cuộc họp tốt ra sao sẽ quyết định việc ai sẽ làm theo bạn và họ sẽ thu được điều gì - tiêu phí thời gian hay thu được lợi nhuận.

Là chủ doanh nghiệp, bạn sẽ phải phân xử như một trọng tài, tuy luôn bị chê trách nhưng lại chẳng được lợi lộc gì.

Chúng ta điều hiểu rõ chính những ai có khả năng gây ấn tượng mạnh đối với những khách hàng tiềm năng của mình - chứ không phải người sáng sủa nhất hay có năng lực nhất - sẽ là những người đi đầu trong vấn đề này.

Kĩ năng 1: Nói

Kĩ năng nói không còn chỉ là một “điểm cộng” trong giới kinh doanh-nó đã trở thành một yêu cầu thiết yếu. Vị trí của một người trong công ty càng cao thì kĩ năng này lại càng trở nên cần thiết. Ngày nay, nói trước công chúng được xem như một tiêu chuẩn để đánh giá các nhà điều hành cao cấp.

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không phải là một nhà điều hành cao cấp đứng diễn giải về một cuộc khủng hoảng trước các nhà quản lí hay các nhà đầu tư, bạn cũng sẽ vẫn thường xuyên phải nói trước các đồng nghiệp của mình về những nhiệm vụ hàng ngày của bản thân. Nếu bạn là một chủ doanh nghiệp nhỏ thì có thể bạn sẽ phải nói để nuôi sống bản thân - nói một cách khác - hàng ngày, bạn sẽ phải nói chuyện với các khách hàng để bán được các sản phẩm hay dịch vụ của mình. Sự thành bại trong các cuộc nói chuyện luôn có liên quan trực tiếp đến điểm cốt yếu của bạn.

Chúng ta điều hiểu rõ chính những ai có khả năng gây ấn tượng mạnh đối với những khách hàng tiềm năng của mình - chứ không phải người sáng sủa nhất hay có năng lực nhất - sẽ là những người đi đầu trong vấn đề này. Những người có khả năng nói tốt thường được đánh giá là thông minh hơn, có uy lực hơn và sẽ được kính nể hơn so với những người khác.

Ngoài môi trường kinh doanh bạn cũng sẽ thường xuyên có cơ hội khai thác kĩ năng nói của mình - đó có thể là tại các câu lạc bộ gây quỹ, các vấn đề liên quan đến chính trị, hay tại các buổi liên hoan chia tay đồng nghiệp và bè bạn, hoặc trong buổi phát biểu thay mặt cho các tổ chức phi lợi nhuận hoặc trong các vụ kiện.

Kĩ năng nói một cách hiệu quả không còn đơn thuần chỉ là một điều "có thì càng hay" nữa - nó đã thực sự là một kĩ năng không thể thiếu đối với những người thành công và đặc biệt là đối với các chủ doanh nghiệp thành đạt.

Kĩ năng 2: Nghe

Việc nghe có thể quyết định việc bán hay không bán đươc hàng, có được thêm hay mất đi một khách hàng, khích lệ hay làm nản lòng các đồng nghiệp, nối lại hay phá huỷ một mối quan hệ công việc. Không chỉ đơn giản như một trạng thái thụ động của con người, kĩ năng nghe còn là yếu tố quyết định sự thành bại của các chủ doanh nghiệp hay nhà quản lí trong các hoạt động kinh doanh. Plutarch đã từng nói: "Hãy học cách lắng nghe và bạn sẽ thu được rất nhiều từ những kẻ không biết cách ăn nói".

Kĩ năng 3: Viết

Sớm hay muộn, mọi thứ quan trọng đều sẽ phải được viết ra. Tuy nhiên một điều không may là đối với một số các chủ doanh nghiệp thì hầu hết những bài viết gai góc nhất-hay ít nhất là các bản thảo của những người khác đang chờ soát lại -đều dồn cả trên bàn của bạn: đơn đề nghị của những khách hàng lớn, các hợp đồng cung ứng quan trọng, các công ty hợp doanh chiến lược, các tuyên bố về chính sách của công ty, các thông cáo báo chí gửi tới công chúng, thư gửi đến các nhà đầu tư. Bạn sẽ nhận được những gì bạn nói, do vậy cần phải viết một cách rõ ràng, ngắn gọn và chính xác.

Kĩ năng 4: Điều hành một cuộc họp

Các cuộc họp có thể giúp cho mọi thứ trở nên ổn thoả song nó cũng có thể ngốn mất 15 tiếng một tuần ngay cả với những ai có khả năng quản lí thời gian tốt nhất. Các chủ doanh nghiệp cần gặp gỡ với các khách hàng của mình để kí các hợp đồng lớn, gặp gỡ các nhà cung cấp để thương lượng về các điều khoản có lợi hơn, gặp gỡ các thành viên trong nhóm để định ra chiến lược mới cho quý hay cho năm sau, điều hành các cuộc họp với ban lãnh đạo để giải quyết các vấn đề phát sinh hàng ngày. Khả năng tổ chức lãnh đạo các cuộc họp tốt ra sao sẽ quyết định việc ai sẽ làm theo bạn và họ sẽ thu được điều gì - tiêu phí thời gian hay thu được lợi nhuận.

Kĩ năng 5: Dàn xếp các xung đột

Làm chủ doanh nghiệp tất nhiên là sẽ phải có rất nhiêu xung đột. Nếu không phải là xung đột với khách hàng thì là xung đột nội bộ. Nếu không phải xung đột nội bộ thì lại là xung đột với các chính quyền hoặc cơ quan thanh tra, hoặc với các ban bộ chuyên đấu đá nhau, và xung đột với các cổ đông về các kỳ vọng và biện pháp thực hiện để có lợi nhuận mong muốn. Là chủ doanh nghiệp, bạn sẽ phải phân xử như một trọng tài, tuy luôn bị chê trách nhưng lại chẳng được lợi lộc gì.

Nếu trong hành trang của bạn vẫn thiếu các kĩ năng giải để quyết những vấn đề như thế này thì bạn sẽ khó lòng đạt được các kết quả cũng như mục tiêu kinh doanh của mình. Để có thể thu được những kết quả tốt hơn, bạn hãy học cách hoàn thiện những kĩ năng này và sau đó hãy trang bị chúng cho các nhân viên chủ chốt của mình.

Bạn sẽ kinh doanh ra sao trong năm 2009 này?

Cho dù tình hình kinh tế hiện tại thế nào đi nữa, cơ hội vẫn luôn mở ra cho những ai sẵn lòng bỏ công sức khám phá. Sau đây là những vấn đề cụ thể cần chú trọng khi phát triển chiến lược tăng trưởng kinh doanh của bạn.

Công việc kinh doanh của bạn – Bạn cần tập trung cao độ vào thị trường mục tiêu của mình và xác định thật rõ những gì bạn đem đến cho khách hàng - tại sao họ cần gặp bạn, và họ sẽ bỏ lỡ điều gì nếu không làm thế.

• Công ty bạn có những thế mạnh chủ lực nào?
• Thị trường mục tiêu của bạn là ai?
• Khách hàng lý tưởng của bạn có những đặc điểm gì?
• Những thách thức chính yếu nào bạn giải quyết hoặc những giải pháp nào bạn đem đến cho thị trường mục tiêu của mình?

Chiến lược của bạn – Bạn cần kết hợp các hoạt động “tiếp thị” thụ động với các hoạt động tìm kiếm khách hàng chủ động. Các hoạt động tiếp thị nên củng cố thêm các hoạt động tìm kiếm khách hàng… chứ không phải ngược lại. Một khi bạn phát triển chiến lược của mình, hãy lên quyết tâm không chỉ thực hiện mà còn theo đến cùng chiến lược đó. Đó chính là yếu tố sống còn cho công việc kinh doanh của bạn.

• Chiến lược tiếp cận thị trường mục tiêu của bạn là gì?
• Bạn đã tìm ra bao nhiêu cách thức để “loan truyền thông điệp của mình”?
• Bạn có cân nhắc đến chi phí và thời gian khi xem xét các sự lựa chọn?

Khách hàng mới – Hãy nhớ, người ta “mua” vì lý do của riêng họ, chứ không vì lý do bạn đưa ra. Đừng tạo ra rào cản làm cản trở họ mua hàng.

Nếu sản phẩm hay dịch vụ của bạn đòi hỏi khách hàng tiềm năng (KHTN) đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc hoặc công sức, vậy thì có cách nào làm KHTN “dễ dàng” trở thành khách hàng hay không?

Ví dụ, bạn có thể đưa ra một bản nghiên cứu hoặc chương trình thử nghiệm ngắn hạn với mức phí thấp hơn và thời gian thực hiện ngắn hơn không?

Khách hàng hiện tại – Việc giữ khách hàng hiện tại và cùng họ phát triển kinh doanh không kém phần quan trọng so với việc tìm kiếm khách hàng mới. Hãy ý thức rằng, khách hàng tốt nhất của bạn chính là mục tiêu hàng đầu của đối thủ. Đừng xem nhẹ điều đó.

• Bạn có thể mang đến cho khách hàng hiện tại những gì để tăng thêm giá trị cho mối quan hệ?
• Bạn đã lên những kế hoạch phát huy mối quan hệ như thế nào để tìm ra những cơ hội mới?

Cơ chế hỗ trợ - Bạn cần những quy trình, nguồn lực, hoặc cơ sở hạ tầng mới nào để hỗ trợ những nỗ lực phát triển kinh doanh của bạn?

• Bạn có cần thiết lập những hệ thống mới hoặc củng cố các hệ thống hiện tại để hỗ trợ các quy trình tiếp thị, tìm kiếm khách hàng, hoặc phân phối sản phẩm của mình không?
• Có những công nghệ mới nào giúp bạn duy trì mối quan hệ gần gũi hơn với khách hàng và thông tin tốt hơn đến họ không?
• Bạn có cần các phần cứng hoặc phần mềm mới để hỗ trợ những nỗ lực của mình không?

Tuy bạn có thể không có mọi câu trả lời cho những câu hỏi trên, bạn có thể xem những câu hỏi đó là điểm khởi đầu để bạn vạch ra kế hoạch hành động. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu xây dựng tương lai của mình. Hãy bắt đầu lên kế hoạch và đưa các hệ thống vào vận hành ngay từ bây giờ.

Lên kế hoạch và hành động không phải là 2 việc riêng rẽ

Tại sao có những công ty vươn lên vị trí dẫn đầu ngành, trong khi những công ty khác thì luôn theo sau?

Tại sao có những nhà quản lý dẫn dắt đội ngũ bán hàng vươn đến thành công vượt bậc, trong khi những nhà quản lý khác vẫn cứ rối ren với doanh số bán hàng?

Tại sao có những chuyên viên bán hàng (CVBH) đều đặn chốt được đơn hàng, một cách nhẹ nhàng, trong khi những người khác vẫn đang loay hoay tìm kiếm cơ hội?

Câu trả lời có phải là do kỹ năng không? Hay do đào tạo? Kiến thức? Có thông tin nội gián? Hay có thể là do may mắn?

Không! Câu trả lời thật ra rất đơn giản:

Một số người lên kế hoạch hành động – và sau đó bắt tay vào hành động – trong khi những người khác vẫn đang suy tính cách lên kế hoạch.

Lên kế hoạch và hành động không phải là 2 việc riêng rẽ.

Một khi bạn thực hiện kế hoạch “hành động” của mình, bạn có thể điều chỉnh – hoàn thiện – dựa vào những kết quả bạn đạt được. Việc điều chỉnh và hoàn thiện kế hoạch của bạn trước khi hành động thì cũng giống như việc hết bỏ hành lý vào rồi lại dỡ hành lý ra, sắp xếp tới lui hành lý trước một chuyến đi. Một công việc tẻ nhạt và tốn thời gian – tìm cách hiệu quả nhất để sắp xếp đồ đạc sao cho vừa khít với diện tích giới hạn của vali – chỉ có điều việc đó không đưa bạn đến gần hơn nơi bạn muốn đến.

Mẫu thiết kế sản phẩm mới không nhất thiết phải hoàn hảo trước khi bạn bắt đầu làm hàng mẫu.

Chiến lược bành trướng thị trường không nhất thiết phải hoàn hảo trước khi đội ngũ bán hàng bắt tay vào thực hiện.

Cách tiếp cận KHTN không nhất thiết phải hoàn hảo trước khi thực hiện.

Không có kế hoạch hay thiết kế nào có thể hoàn hảo ngay từ đầu mà không trải qua việc thử nghiệm và kiểm chứng.

Thành công không bắt đầu với một kế hoạch hoàn hảo… mà chỉ bắt đầu với một kế hoạch, theo sau là hành động, đánh giá, và điều chỉnh khi cần.

Làm không có kế hoạch là dại dột. Nhưng lên kế hoạch mà không làm thì là thất bại.

Thông điệp của bạn có phù hợp và đáng tin cậy không?

Liệu KHTN có chuyển sang sử dụng dịch vụ của một công ty viễn thông cung cấp Mạng phủ sóng rộng khắp trong khi hiện tại họ không gặp vấn đề gì khi gọi điện liên lạc với mọi người? Liệu KHTN có mua máy photocopy với chức năng ưu việt In màu 2 mặt trong khi 98% nhu cầu photocopy của họ chỉ là photo văn bản chữ đen một mặt? Liệu họ có đăng ký sử dụng dịch vụ internet có chức năng Đường truyền Internet tốc độ cao trong khi hoạt động cần nhiều băng thông nhất của họ chỉ là lưu trữ email? Không thể… không thể… và không thể!

Mới, Được Cải Tiến, Đáng Tin Cậy Nhất, Bền Nhất, Được Ưa Chuộng Trong Ngành…danh sách về những đặc tính và chức năng ngày càng nhiều hơn. Vậy thì đã sao?

Bạn sẽ không thu hút được sự quan tâm của KHTN đối với những đặc tính và chức năng đó, cho dù chúng có Được Cải Cách, Được Kiểm Chứng, hay Ưu Việt như thế nào đi nữa, trừ khi sản phẩm hay dịch vụ của bạn đáp ứng được điều kiện đầu tiên và tiên quyết nhất, đó là giải quyết được một vấn đề, mối quan tâm hoặc một thách thức cụ thể mà KHTN đang phải đối mặt.

Thông điệp của bạn, dù được loan truyền bằng lời nói hay văn bản, đều phải tập trung vào những vấn đề, mối quan tâm, và thách thức đó. Thay vì lời chào hàng “phủ sóng rộng khắp,” hãy đặt câu hỏi tập trung vào vấn đề. Ví dụ, “Anh có những người thân nào nằm ngoài vùng phủ sóng không?” Thay vì quảng bá, “Đường truyền tốc độ cao,” hãy hỏi; “Thời gian để anh tải email có lâu hơn thời gian đọc email đó không?”

Chỉ khi KHTN trả lời “Có” cho những câu hỏi tìm hiểu vấn đề/mối quan tâm đó, thì KHTN mới quan tâm đến những đặc tính và chức năng trong sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Và sự quan tâm sẽ nhanh chóng mất đi nếu như những đặc tính và chức năng đó không đáng tin cậy.

KHTN thường hoài nghi những câu nói về tính năng và lợi ích. Họ cho rằng điều duy nhất Mới, Được Cải Tiến, hoặc Ưu Việt trong vô số sản phẩm, dịch vụ chính là ở những từ “Mới,” “Được Cải Tiến,” “Ưu Việt” rất dễ thấy trong các tài liệu quảng cáo và tiếp thị.

Để những tính năng và lợi ích trở nên đáng tin cậy, hãy nói cho KHTN biết LÀM THẾ NÀO bạn thực hiện những gì bạn hứa về đặc tính và chức năng. Có phải bạn cung cấp mạng phủ sóng điện thoại di động rộng khắp bởi vì bạn có nhiều cột thu sóng điện thoại hơn các công ty khác? Bạn đảm bảo giao hàng nhanh nhất bởi vì bất kỳ việc giao hàng nào trong phạm vi trên 150 dặm đều được vận chuyển theo đường hàng không và giao hàng ngay ngày hôm sau không? Có phải phần mềm của bạn không bao giờ lỗi thời bởi vì bạn cung cấp việc cập nhật miễn phí suốt đời? Nếu đúng thế, hãy đưa những điều đó vào thông điệp của bạn.

Nếu bạn muốn thu hút sự chú ý của KHTN, bạn hãy tập trung thông điệp của mình vào những vấn đề, mối quan tâm, hoặc thách thức mà KHTN đang đối mặt. Nếu bạn muốn duy trì sự chú ý của họ, hãy nói cho họ biết làm thế nào bạn thực hiện những gì đã hứa.

Nguồn: Saga

“Ăn khế trả vàng”

Một xưởng làm cửa cuốn ở tỉnh Hồ Nam, thuộc loại doanh nghiệp nhỏ, đã dùng một sách lược quảng cáo độc đáo như sau: Dùng một phương thức nào đó đánh động một cơ quan có đủ khả năng gây ảnh hưởng tới sản phẩm của mình, khiến họ ưu ái sản phẩm của mình. Song làm sao để giành được lòng tin của họ đây?

Chỉ một thông tin mà người khác xem ra rất bình thường đã mang lại một linh cảm cho người xưởng trưởng. Tháng 8 năm 1987, một Viện thiết kế xây dựng của một thành phố nọ được bình chọn là Viện loại A. Ông chủ xưởng cửa cuốn thấy đây là một cơ hội tốt để tạo tình cảm tốt nên đã lập tức tới tờ báo X. thuê đăng một đoạn quảng cáo, nội dung chúc mừng Viện nọ. Rồi ông còn tới cả đài phát thanh để thuê quảng cáo thông tin này. Những thông tin liên tục đó đã làm cho Viện thiết kế kia chú ý tới, và thế là họ đã chủ động tới xưởng, hỏi han tình hình có liên quan, rồi tiến hành điều tra chất lượng loại cửa cuốn của xưởng. Sau khi thấy chất lượng cửa rất đáng tin cậy, Viện trưởng Viện thiết kế đã quyết định: Từ nay về sau, tất cả các công trình do Viện thiết kế mà cần tới cửa cuốn, đều sẽ đặt hàng ở xưởng này.

Xưởng cửa cuốn đã khéo léo lợi dụng Viện thiết kế xây dựng để quảng cáo cho mình. Tiếng tăm của xưởng vang xa, lượng người dùng cũng tăng lên nhiều.

Nghèo không đáng sợ, nghèo cần phải suy nghĩ để thay đổi. Nhỏ cũng không đáng sợ, nhỏ có thể biến thành to. Mấu chốt là phải tìm được đường đi.

Huongnghiep(Suu tam)

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References