Gã buôn tiền 8X

Hai năm sau ngày nhận tấm bằng cử nhân kinh tế, Huy chẳng chịu đi làm mà suốt ngày vùi đầu vào máy tính, hết xoành xoạch bàn phím lại thì thầm trao đổi bán buôn qua điện thoại. Ai hỏi làm nghề gì, cậu đều bảo: Buôn tiền.

Huy quan niệm làm nghề gì không quan trọng, miễn là tự do và trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Điều căn bản nhất với Huy đó là được làm những thứ mình thích và không phải phụ thuộc vào ai và không phải làm thuê cho ai. Với quan niệm như vậy nên sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2007, chuyên ngành Marketing, Huy nhất định không chịu nộp đơn xin việc mà ngồi lỳ ở nhà để "ủ mưu" với hy vọng tìm ra lối đi cho riêng mình.

Sinh năm 1983 tại Hà Nội, Hoàng Minh Huy có một sở thích khá lạ đời là: Đi bụi. Cậu lý giải đi bụi ở đây không phải là đi hoang mà là lang thang khắp nơi, du lịch khắp trốn và cố tìm ra những ngõ ngách nào đó mà chưa ai đặt chân. Khoảng thời gian còn lại là ngồi vùi cùng máy tính để tham gia diễn đàn, kết nối các ý tưởng kinh doanh hoặc "chat chit" với bạn bè. "Cuộc sống thế là vui, mình không bị bó buộc bởi công việc, giờ giấc và những người xung quanh", Huy cho biết.

Tuy nhiên, cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa khác, Huy xác định rằng không thể sống bám bố mẹ mà phải tìm cho mình công việc để nuôi bản thân để có nhiều tiền thực hiện ước mơ du lịch. Sau một vài phi vụ buôn bán như kinh doanh đèn trời, bán đồ lưu niệm... không mang lại kết quả như mong muốn, Huy đã rút cho mình kinh nghiệm rằng: phải làm những gì mà người khác chưa làm.

Rồi ý tưởng "buôn tiền" ra đời

Ấy là vào giữa năm 2008 khi Huy đọc mẩu tin liên quan đến đợt phát hành đồng tiền 100 tỷ đôla của Zimbabwe khi nước này đối mặt với lạm phát lên tới con số triệu %. Lạm phát khiến quốc gia châu Phi này phải thay đổi liên tục mệnh giá tiền, ý định kinh doanh tiền nảy sinh. "Tôi chợt nghĩ, tại sao mình không mua những tờ bạc lạ lùng này về Việt
Nam để bán. Nếu nó có mặt ở Việt Nam trong những dịp lễ Tết thì chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của nhiều người", Huy nói.

Nghĩ là làm, thông qua bạn bè và một số người quen đang học tập và làm việc tại châu Phi, Huy nhờ họ mua một số tờ tiền của
Zimbabwe về VN và rao bán trên mạng. Lời quảng cáo về những tờ tiền mệnh giá lên tới vài chục nghìn đôla đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của giới sưu tập tiền và những người thường xuyên vãng lai trên mạng. Và tờ tiền mệnh giá 100 tỷ đầu tiên có mặt tại Hà Nội vào cuối tháng 12/2008 và được bán ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2009. Rồi cứ thế, lượng tiền được bán tăng lên 2 tờ, rồi 3, 3 tờ rồi 5 tờ được khách hàng đặt mua trong một ngày. Lãi thu về gấp đôi so với số tiền Huy bỏ ra để mua những tờ tiền này.

Rồi cùng với tình hình lạm phát Zimbabwe liên tục phát hành những tờ bạc mới thì những tờ tiền mệnh giá 10.000 tỷ đôla, 50.000 tỷ đôla rồi 100.000 tỷ đôla cũng được Huy rao bán tại thị trường Việt Nam. Nhờ khủng hoảng, lạm phát tại đất nước này Huy cũng thu về đều đều khoảng hơn 10 triệu đồng một tháng.

Do lượng khách mở rộng và đa dạng nên rất nhiều người hỏi mua những loại tiền khác nữa nên Huy có dịp tìm hiểu đặc tính của từng loại, nguồn gốc xuất xứ và lý do ra đời của những tờ bạc này tại các nước. Thế là Huy mở rộng việc bán buôn sang nhiều loại tiền, mệnh giá khác nhau nhưng đa phần là những tờ tiền nhằm mục đích kỷ niệm, trưng bày hoặc để những người yêu thương tặng nhau.

Đi buôn tiền Huy gặp rất nhiều khách hàng từ sinh viên đến những người ra trường đi làm, thậm chí là cả các sếp và thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau như ngân hàng, dầu khí, viễn thông... "Khách hàng toàn những người tò mò và đa phần có sở thích sưu tập tiền. Họ hồ hởi chuyện trò, có khi kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Nhờ đó, tôi mở rộng thêm các mối quan hệ và cũng tìm thấy niềm vui mới", Huy nói.

Huy quan niệm nghề nào cũng là nghề, quan trọng là không bị gò bó về thời gian và không chịu sức ép công việc. Nói theo cách khác thì Huy muốn "thích thì làm, không thích thì thôi". Kinh doanh tiền không phải đi lại nhiều và cũng đỡ tốn kém vì khách hàng chủ yếu là qua mạng. Huy rao bán hàng, ai có nhu cầu gọi điện sau khi thương lượng về giá, Huy trực tiếp đi giao hàng kiểu "tiền trao cháo múc". Khác tỉnh thành phố thì Huy gửi chuyển phát nhanh. Còn nếu ở khu vực TP HCM thì sẽ do một người bạn của Huy đảm nhận công việc rao bán và giao hàng.

Huy đang đặt một số loại tiền về VN chủ yếu để trưng bày như tờ 100 tỷ đôla bằng vàng miếng nguyên chất dát mỏng làm thủ công. Ngoài ra Huy dự kiến kinh doanh một số loại tiền khác như tiền xu của nhiều nước trên thế giới để phục vụ người có nhu cầu sưu tập.

Theo Huy buôn tiền vẫn chỉ coi là một nghề tay trái vì lãi nhiều mà rủi ro cũng không ít bởi một tờ tiền gửi từ
Zimbabwe về VN thường mất cả tháng. "Đôi khi tiền còn bị ông bưu điện cho du lịch cả tháng hoặc thất lạc không đến được tay người nhận. Đó là rủi ro mình phải chấp nhận", Huy nói.

Ước ao lớn nhất của Huy là mở được một quán cafe. Đây sẽ là nơi mà bạn bè của Huy có thể gặp gỡ trao đổi các ý tưởng kinh doanh. Và, điều căn bản, nơi này sẽ là địa điểm tốt nhất để Huy thực hiện các giao dịch bán buôn các loại tiền lưu niệm.

Hồng Anh (Vnexpress)

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References