CSC Vietnam - Đi lên từ “vốn” con người

CSC là một trong những tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới với hơn 90.000 nhân viên trên toàn cầu. Nhưng họ thực sự thấy ấn tượng với những gì CSC Vietnam đã xây dựng được, từ quy trình, công nghệ đến đội ngũ lãnh đạo và nhân viên.

“Điều làm tôi vui mừng nhất trong suốt 13 năm gắn bó và lèo lái công ty là nhiều lĩnh vực quan trọng tại trung tâm Việt Nam đã được tập đoàn CSC chọn làm hình mẫu hoạt động cho các trung tâm khác,” ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc CSC Vietnam, chia sẻ.

Trải qua nhiều lần chuyển đổi và hiện gia nhập vào tập đoàn CNTT đứng hàng thứ năm thế giới là CSC, đội ngũ nhân sự Việt Nam đã gia nhập vào hàng ngũ CNTT toàn cầu, chuyên nghiệp hơn và lớn mạnh hơn.

Kiên trì theo đuổi mục tiêu

Mười ba năm qua, đội ngũ của họ – từ công ty PSV đến FCG rồi CSC – đã đi qua không ít những thăng trầm để có được ngày hôm nay. Thậm chí, có lần công ty mẹ của PSV đã dự định “xóa sổ” trung tâm tại Việt Nam vì hoạt động kém hiệu quả.

Bước ngoặt lớn nhất là vào năm 2000, khi đó Paragon Solutions – công ty mẹ của PSV – rót vốn vào với kỳ vọng thúc đẩy chi nhánh tại Việt Nam phát triển nhanh hơn. Nhưng các kế hoạch gần như bị phá sản bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thị trường dotcom toàn cầu. Mặt khác, mục tiêu đề ra lại chưa song hành với việc phát triển nhân sự, quy trình chưa ổn định..., PSV lúc đó đã đứng trước thử thách và buộc phải cải tổ để phát triển.

Sau những biến động đó, họ tập trung vào củng cố các hoạt động, thực hiện quy trình để kiện toàn công ty. Nỗ lực đã gặt hái kết quả: năm 2002 PSV đạt chứng chỉ CMM và năm 2005 trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đứng vào danh sách 100 công ty trên toàn cầu đạt chuẩn CMMi cấp 5 – chuẩn cao nhất về quy trình quản lý chất lượng phát triển phần mềm.

Cho đến nay thì CSC đã thừa hưởng một đội ngũ nhân sự đạt cả ba chứng chỉ về quản lý chất lượng và quy trình CMMi 5, chứng chỉ bảo mật thông tin ISO 27001:2005 và hệ thống quản lý chất lượng đặc thù của ngành viễn thông, TL 9000 phiên bản 4. Các chuẩn này đã trở thành “bằng cấp” xác nhận sự trưởng thành trong quy trình sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh của các kỹ sư Việt Nam tại đây.

“Tôi tự hào vì công ty đã đóng góp được cho ngành CNTT nước nhà như một công ty đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp tạo dựng tên tuổi nhất định cho ngành CNTT Việt Nam,” ông Phương tâm sự.

Theo ông Phương, điều may mắn của họ là các công ty khi sáp nhập đã nhìn thấy những khả năng chuyên biệt của đội ngũ nhân sự Việt Nam và cứ mỗi lần sáp nhập là mỗi lần trở mình để lớn mạnh hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các kỹ sư Việt Nam gia nhập vào hoạt động của các tập đoàn lớn hơn. Xác định mục tiêu và kiên trì theo đuổi mục tiêu đã giúp họ vượt qua những giai đoạn khác nhau. Từ lúc mới thành lập (năm 1995) công ty đã định hướng phát triển phần mềm chất lượng cao đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng Mỹ và châu Âu.

“Công ty đã giữ vững mục tiêu này trong suốt hơn 13 năm qua, bất kể những giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn,” ông Phương cho biết.

Giữ vững sự khác biệt

Nhưng, theo ông Phương, quy trình không phải là tất cả. Ở CSC ngày nay, hay FCG trước đây, dù qua nhiều lần chuyển đổi, các đặc trưng văn hóa của công ty vẫn được kế thừa và phát huy. Văn hóa công ty luôn tìm cách thúc đẩy niềm say mê cho các cá nhân có thể tìm ra ý tưởng mới cho công việc, mang lại thành công cho chính họ và cho công ty. Ở một môi trường kỹ thuật, theo ông Phương, người ta thường không đòi hỏi thời gian chặt chẽ mà quan tâm tới kết quả công việc. Các chính sách, quy định và kế hoạch được truyền đạt kịp thời, rõ ràng và “trong suốt” với mọi nhân viên. Việc thực hiện bất cứ kế hoạch nào cũng được áp dụng thống nhất từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất.

Ông Phương cho biết, CSC là một trong những tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới với hơn 90.000 nhân viên trên toàn cầu. Nhưng họ thực sự thấy ấn tượng với những gì CSC Vietnam đã xây dựng được – từ quy trình, công nghệ đến đội ngũ lãnh đạo và nhân viên.

“Không phải ngẫu nhiên mà ông Chủ tịch - Tổng giám đốc điều hành tập đoàn đến thăm Việt Nam nếu biết rằng CSC hiện diện ở 90 nước và ông chỉ có thể viếng thăm một số nhỏ trong những nước này. Đó là niềm khích lệ to lớn đối với chúng tôi,” ông Phương nói.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, ông Phương cho biết, chiến lược phát triển của công ty dù có thể thay đổi, nhưng những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển luôn được giữ lại. Việc mua công ty phần mềm thực chất là “mua” con người, công nghệ và lĩnh vực (vertical/domain) và khách hàng của công ty đó, vì thế mục tiêu vẫn là kế thừa năng lực, văn hóa của công ty cũ và giữ người cho chiến lược phát triển.

“Chúng tôi đã giữ lại những nền tảng cơ bản đã làm nên sự khác biệt cho tổ chức của mình, những yếu tố đã giúp chúng tôi đứng vững trong những điều kiện khác nhau,” ông Phương cho biết.

Thông điệp chính của công ty sau sáp nhập vẫn là “lấy con người làm đầu” – yếu tố đầu tiên duy trì sự ổn định của công ty mới và quá trình phát triển tiếp theo. Ở CSC sẽ có nhiều cơ hội hơn cho nhân viên phát triển và học hỏi, ít rủi ro hơn về mặt tài chính và các yếu tố khác. Đó cũng là một điều may mắn, theo ông Phương.

“Cứ địa” của CSC

Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên này, Chủ tịch Michael Laphen đã nhận xét, CSC Vietnam là một tổ chức rất quy củ và chuyên nghiệp, đã tạo cho ông một ấn tượng đặc biệt mà trước khi đến ông không hình dung được. Một đội ngũ đã được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế với một hệ thống tốt về quản lý quy trình chất lượng – một nền tảng để đạt được mức độ hài lòng cao nhất của khách hàng. “Đó chính là yếu tố quan trọng củng cố niềm tin của tôi vào tương lai phát triển của CSC tại Việt Nam,” ông nói.

Người đứng đầu tập đoàn CSC khẳng định rằng trong chuỗi cung ứng dịch vụ của CSC trên toàn cầu, CSC tại Việt Nam là một mắt xích quan trọng. CSC sẽ phát triển trung tâm tại Việt Nam thành một trung tâm lớn và chất lượng cao trong chuỗi dịch vụ gia công ấy. CSC Vietnam sẽ tiếp tục vai trò quan trọng của mình tại hai thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.

Nhờ sở hữu khả năng công nghệ tốt về Java/J2EE, Sharepoint/MOSS, Microsoft. NET, CSC sẽ tận dụng thế mạnh này của nhân sự Việt Nam để phát triển trung tâm mạnh hơn nữa. “CSC Vietnam sẽ là trung tâm chuyên về phát triển ứng dụng và kiểm tra chương trình phần mềm tập trung trên các nền tảng công nghệ mới. Đây sẽ là “cứ địa” giúp CSC thực hiện mục tiêu “cung cấp dịch vụ cho thế giới từ khắp nơi trên thế giới,” ông Laphen công bố.

Ông cho biết, trước tiên đội ngũ kỹ sư tại Việt Nam sẽ được phát triển lên ít nhất là 1.000 người trong vòng 12 tháng tới. Đây là phương cách để CSC thực hiện mục tiêu mở rộng các thị trường mới vào những phân khúc khác nhau, tại những khu vực như châu Mỹ La-tinh, châu Á và Đông Âu. Tại châu Á, CSC có 19.000 nhân viên, sẽ là địa điểm quan trọng để tăng doanh thu ở các địa phương và gia công cho toàn cầu. Hiện tại, trung tâm của CSC tại Ấn Độ có quy mô hơn 15.000 nhân viên; với những nét tương đồng về hoạt động và kỹ thuật, trung tâm tại TP.HCM sẽ là nơi bổ sung và đa dạng hóa các hoạt động cho trung tâm tại Ấn Độ này.

Người đứng đầu CSC cũng đánh giá Việt Nam là một thị trường có triển vọng. Những lĩnh vực quan trọng đang có nhu cầu tại thị trường địa phương như dịch vụ cơ sở hạ tầng, kết nối, cung ứng các giải pháp như tài chính-bảo hiểm, y tế… “Trước mắt, chúng tôi tập trung vào thị trường gia công, nhưng trong mục tiêu dài hạn, chúng tôi sẽ tận dụng các thế mạnh của mình vào hoạt động tại thị trường địa phương ở thời điểm và điều kiện phù hợp,” ông Michael Laphen cho biết.

“Tôi phấn khởi về chuyến viếng thăm và gặp gỡ thân mật đội ngũ nhân viên CSC tại Việt Nam. Đội ngũ chúng tôi tại đây đã xây dựng được hình ảnh của một trung tâm chất lượng cao, góp phần giúp CSC thực hiện được mục tiêu ‘cung cấp dịch vụ cho thế giới từ khắp nơi trên thế giới’”.

Ông Michael Laphen, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn CSC (Mỹ), phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ sau khi tập đoàn này mua lại FCG hồi đầu năm nay.

Văn hóa công ty luôn tìm cách thúc đẩy niềm say mê cho các cá nhân có thể tìm ra ý tưởng mới cho công việc, mang lại thành công cho chính họ và cho công ty.

CSC được thành lập tại Mỹ năm 1959, hoạt động trong các lĩnh vực thiết kế và tích hợp hệ thống, gia công CNTT và quy trình kinh doanh, phát triển phần mềm... phục vụ các ngành hàng không-năng lượng, tài chính-bảo hiểm, cơ sở hạ tầng... Hiện CSC có mặt tại 92 quốc gia với 91.000 nhân viên và có hơn 60 trung tâm phát triển dịch vụ toàn cầu. Doanh thu năm 2007 đạt 17,1 tỷ đô-la Mỹ.

Tháng 1-2008, CSC hoàn tất việc mua lại tập đoàn FCG (Mỹ), với mục tiêu mở rộng các dịch vụ quan trọng mà FCG có thế mạnh gồm y tế, giáo dục và viễn thông. FCG sở hữu 2.500 nhân viên với hai trung tâm tại Việt Nam và Ấn Độ, trong đó FCG Vietnam có 600 kỹ sư.


Theo Tạp chí kinh tế sài gòn

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References