Chỉ cần đi đường mới, bạn đã có 50% thành công

Đinh Thế Anh, giám đốc Zen architecture - một công ty khởi nguồn từ ước mơ thời sinh viên, chỉ sau 3 năm đã có gần 100 công trình lớn nhỏ. Thế Anh cũng là một ông chủ 8x sở hữu hệ thống Zen bar, Zen coffee với những món có một không hai ở Hà Nội. Cách để cậu ấy thành công đơn giản, nhưng cũng thật thử thách: đi những con đường chưa có ai đi.

Chàng sinh viên kiến trúc “bất thường”

Từ năm nhất, sự xuất hiện của Đinh Thế Anh ở khoa Kiến trúc công trình, Đại học Kiến trúc Hà Nội đã là một ấn tượng đặc biệt. Rất nhiều ánh mắt dõi theo một hình ảnh lâu rồi không còn xuất hiện trong dân Kiến nữa: Áo quần tự vẽ, tóc dài và xe phân khối lớn.
Trong một cuộc thi hội họa do trường tổ chức, anh chàng lập dị này ẵm đến 6 trong tổng số 10 giải. Khi những tác phẩm đạt giải được treo trong gallery của trường, một cô giáo đã mua bức màu nước giải nhì của Thế Anh với giá bằng gấp đôi của cả 6 giải thưởng cộng lại.

Ngay đầu năm nhất, khi bạn bè khác đang tìm cách làm quen với trường lớp thì Thế Anh dò dẫm đi tìm… xưởng để học nghề. Thế Anh bảo rằng bằng mọi cách phải vào được các xưởng vẽ quanh trường. Và rồi cậu được nhận vào một xưởng nổi tiếng nhất thời điểm đó, dù ban đầu chỉ để... giặt quần áo, đi photo tài liệu và không được trả một xu nào.

Dần dần thì cậu cũng được làm những việc lặt vặt khác như vẽ chi tiết cửa, bậc tam cấp... trong các công trình lớn nhỏ của xưởng. Sau một thời gian, cậu ta lại khăn gói sang gõ cửa một xưởng khác, không phải vì ngại giặt quần áo phục vụ không công, hay chỉ vẽ bậc tam cấp mà là “đã học hầu hết những điều cần biết ở đó rồi”.

Ý nghĩ đầu tiên khi Thế Anh bước vào cổng trường đại học là làm thế nào để khi tốt nghiệp có được một công ty thiết kế của riêng mình. Và theo cậu ấy thì học cách thành công và thất bại của các xưởng xung quanh trường là tốt nhất. Trong khi nhiều kiến thức phải đến năm thứ 2,3 sinh viên cùng khóa mới được dạy thì Thế Anh đã học từ năm thứ nhất ở các xưởng này.

Khi đã học hết những điều gần gụi, Thế Anh bắt đầu tính đến những chuyến đi xa.

Dù không một xu dính túi, chuyến đi đầu tiên trong dự định của cậu là Thành phố Hồ Chí Minh để xem những khu biệt thự, nhà cao tầng mới của Phú Mỹ Hưng. Cày cuốc làm thêm hơn 1 tháng trời, Thế Anh có một khoản tiền rủng rỉnh trong túi. Cậu tức tốc vào thành phố phương Nam, ngắm cho thỏa rồi lại hối hả trở về.

Nuôi đam mê bằng part-time

Gia đình Thế Anh đủ khá giả để chu cấp cho cậu một cuộc sống sung túc nhưng cậu từ chối các khoản viện trợ từ bố mẹ. Thế Anh bảo làm thêm là cách để cậu ấy nuôi dưỡng đam mê và thực hiện kế hoạch làm ông chủ của mình.

“Ở mỗi xưởng mình lại được tham gia vào dự án khác nhau. Hồi ở xưởng anh Dũng mình tham gia vào dự án chỉnh trang lại phố cổ Hà Nội của Viện Nghiên cứu và Quy hoạch kiến trúc. Nhóm của mình thực hiện khâu đầu tiên của dự án: vẽ ghi để lấy cơ sở dữ liệu. Mình làm việc cùng một nhóm bên trường Xây dựng.

Hồi ấy là mùa Hè năm nhất, nắng Hà Nội chói chang, mình bám các mặt phố từ 7 giờ sáng đến 1 giờ chiều rõng rã 1 tháng trời. Nhiều khi qua các cửa hàng, cửa hiệu, người ta không cho mình vẽ, lại phải đứng xa xa. Có khi ốm sốt vì trời nắng, ban ngày không làm được buổi tối mình mới qua vẽ.

Mình cứ ngồi hí hoáy làm chủ nhà tưởng kẻ trộm. Trưa nào cũng ngồi gặm bánh mì và vẽ. Nhờ thế, mình được quá nhiều thứ: nuôi dưỡng đam mê, kinh nghiệm thực hành, các mối quan hệ... chứ không chỉ 800K nhỏ nhoi khoản tiền trả cho các cộng tác viên...”.

Dường như không có việc gì một sinh viên Kiến trúc có thể làm thêm được lại không qua tay Thế Anh. Khi muốn tìm hiểu về tranh sơn dầu, cậu đến cửa hàng Hùng Phương (gần Quốc Tử Giám) để xin chép tranh thử việc. Buổi sáng đến chép thử, buổi chiều cậu được nhận vào làm.

Hai năm của thời sinh viên, Thế Anh làm ở xưởng của thầy Phạm Trọng Thuật. Ngày đầu vào làm ở xưởng của vị tiến sĩ trẻ nhất của trường Kiến trúc này, ý nghĩ trong đầu Thế Anh là: vì sao thầy giỏi thế? Ở xưởng thầy, khi tay nghề đã tốt hơn, cậu được tham gia nhiều khâu quan trọng của các công trình.

Năm thứ 4, Thế Anh cùng 4 người bạn của mình mở xưởng thiết kế. Năm thứ 5, cậu có bước tiến mới: thực hiện một dự án cùng các kiến trúc sư Pháp. Thế Anh bảo đây là giai đoạn cậu được học nhiều nhất về ngôn ngữ của kiến trúc đương đại. Với công trình Sài Gòn Pearl, cậu vỡ vạc được nhiều bài học rất giá trị cho công việc sau này.

Trong khi vùi đầu vào đồ án tốt nghiệp, anh chàng “tham lam” này vẫn ký tiếp một hợp đồng ở Huế.

Cạnh kiến trúc, còn có lẩu chocolate

Thế Anh cho biết chỉ khoảng 8% sinh viên Kiến trúc ra trường có thể mở xưởng cho mình, số còn lại thường đi làm thuê ở các công ty kiến trúc. Mà Thế Anh xác định: Nếu làm thuê thì không thể đi theo con đường mới mà mình chọn.

Zen architecture của cậu được 3 năm tuổi nhưng đã có gần 100 công trình. Thay vì thiết kế và chiều lòng khách hàng, cậu lại ưu tiên tư vấn để khách hàng làm theo những cách thức mới. Thế Anh nói: “Gọi là tư vấn cũng không phải, chính xác là mình muốn đem những kiến thức, ngôn ngữ kiến trúc mới để update cho khách hàng. Có những người không thích, hoặc không chịu hiểu vẫn khăng khăng với những ý tưởng kiến trúc lỗi thời, mình phải tìm nhiều cách để trao đổi”.
Tự nhận mình ít nói, thích quan sát, chăm chú đến tỉ mẩn từng chi tiết, Thế Anh cho rằng đấy là cách tìm ra những ý tưởng lạ. Cậu hay đi mải miết trên đường, qua cả nơi cần đến chỉ vì trong đầu đang bận theo đuổi một ý tưởng vừa xuất hiện. Mà ý tưởng của Thế Anh không chỉ là thiết kế.

Từ hồi quán cafe của cậu có món lạ “lẩu chocolate”, khách hàng, nhất là những đôi trẻ, đã bị quyến rũ bởi nồi sôcôla sôi sục, với hoa quả nhúng ngọt ngào. Doanh thu mỗi ngày một lớn đã khiến Thế Anh tính thêm chuyện để phó giám đốc của mình vào thành phố Hồ Chí Minh mở thêm hệ thống Zen bar, Zen coffee mới.

Ngày thành lập Zen architecture có 4 thành viên, nhưng rồi cả 3 người bạn đã không thể kiên trì trụ lại. Chỉ còn mình cậu theo đuổi mục tiêu, và đến đích. Bước tiếp theo của Thế Anh là thực hiện mơ ước cháy bỏng: đưa Zenarch trở thành công ty thiết kế được ưa chuộng ở Việt Nam.

San Hải
Nguồn: Sinh viên Việt Nam

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References