Ông chủ của "công ty làm ruộng" tương lai

“Làng tôi, nhiều người đã không còn trồng lúa, nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang. Nhìn thấy những cây lúa còn sót lại, vàng choét, đất cằn cỗi mà xót xa. Cũng từ đó, tôi ấp ủ dự định thành lập một công ty TNHH chuyên về nghề làm ruộng", ông Phạm Văn Yết (phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) nói.


"Chính công ty này sẽ làm thay đổi nếp nghĩ và tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người miền Bắc”, người được cho là "nhiều ruộng nhất miền Bắc" bộc bạch.

“Địa chủ” thời nay

Ông Phạm Văn Yết


Lý giải về sự nhiều ruộng của mình, ông chỉ cười cười rồi bảo:
“Nhà tôi là nông dân chính cống, năm đời chỉ làm nông nghiệp, gắn bó với cây lúa, củ khoai, nên cái chất nông dân nó ngấm vào người, thấy ruộng bị bỏ hoang là tôi xót”.

Nói rồi ông châm lửa, rít điếu cày sòng sọc, ngẫm nghĩ hồi lâu về cái tên gọi “địa chủ” mà bà con lối xóm đặt cho: “Ừ, địa chủ thật, ruộng nhiều thật, nhưng địa chủ xưa giàu có, còn tôi cứ nai lưng ra đồng, địa chủ cũng đi cấy, đi gặt, đi bừa như ai”.

Những năm 1990, khi nghề tơ tằm được phục hồi trở lại ở làng lụa Vạn Phúc, hàng trăm hộ dân quanh xóm bỏ ruộng chuyển sang nghề dệt lụa. Nghề dệt lụa cũng có đồng ra đồng vào, lại không phải “một nắng hai sương”, làm quần quật quanh năm cũng chẳng đủ ăn

Một người, hai người…rồi hàng trăm hộ dân bỏ ruộng. Ban chủ nhiệm HTX Vạn Phúc cũng đành bất lực nhìn những cánh đồng màu mỡ trở thành những mảnh đất hoang, cỏ mọc um tùm.

“Mỗi lần đi ra đồng, nhìn những mảnh đất hoang hóa tôi buồn lắm, buồn vì nông dân mình lại bỏ đi cái gốc nhà nông, bỏ đi những hạt lúa, củ khoai mà đáng ra sẽ được thu hoạch. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, nếu mình có thể làm, sẽ nhận hết những thửa ruộng hoang vào canh tác, cho khỏi phí”, ông Yết kể, giọng khàn đục.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định ra gặp ban chủ nhiệm HTX xin nhận thầu các khu đất ruộng bị bỏ hoang. Ban chủ nhiệm HTX mừng quýnh, còn ông thì về nhà, lòng khấp khởi nửa mừng nửa lo, khi bỗng dưng trở thành ông “địa chủ” nhiều ruộng nhất miền Bắc

Vụ đầu tiên trên cánh đồng rộng 32 mẫu, ông thuê tới 40 người làm công.
“Ruộng nhiều, làm không xuể, tụi nhỏ nhà tôi còn bé tí, cũng phụ bố mẹ gánh phân, cấy lúa. Không có máy móc, nên từ việc cày, bừa, cấy, hái đều làm thủ công. Giá nhân công đắt đỏ, thóc thu về không đủ trả công, suốt năm, sáu vụ liền, tôi thua lỗ, mỗi vụ cũng ngót nghét bảy triệu đồng”.

Ông địa chủ trở nên khánh kiệt. Cả năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt ngoài đồng, chẳng thu được mấy đồng vốn. Hàng xóm thương tình khuyên ông trả ruộng cho HTX, ông chỉ cười trừ rồi lắc đầu.

“Kì thực, lúc đó tôi nghĩ, nếu trả ruộng mà bà con chịu sản xuất, tôi vô tư trả hết, nhưng trả rồi ruộng lại bị bỏ hoang, thà chịu thua lỗ, chứ tôi không muốn mảnh đất bao đời nay cho mình miếng cơm manh áo bị đối xử như thế. Dẫu sao, mình cũng là nông dân”.

Mỗi vụ mùa thất bát, ông lo cho miếng cơm manh áo của những đứa con nhỏ, lại lo tìm cách làm hiệu quả mà tốn ít công lao động cho cánh đồng hơn 30 mẫu. Ông địa chủ quyết định khăn gói vào tận miền Nam, học cách sản xuất của bà con trong đó sau nhiều đêm thức trắng

Vào trong Nam rồi, thấy người dân làm ruộng nhàn hạ lắm, vì có máy móc làm bằng mấy sức người, nên việc sản xuất của gia đình ông mấy năm liền thua lỗ cũng vì lí do đó.

Ông hăm hở trở về nhà với ý nghĩ… thế chấp tất cả gia sản, dồn tiền mua máy móc. Vụ sản xuất sau số lượng nhân công phải thuê giảm hẳn, trong khi đó, năng suất lại tăng lên rõ rệt. Ông lãi vụ đầu được 70 triệu đồng

“Tôi biết mình đang đi đúng hướng, và sẽ phát triển hơn nữa nếu mình có thêm tiền để đầu tư lớn. Càng nghĩ, tôi càng muốn nhận thêm ruộng về trồng, thấy thế bà con mới gọi tôi là “địa chủ thời nay”, nghe cũng hay đáo để. Cả mấy đời nhà tôi chỉ là bần cố nông, đời ông, cha cũng đi làm thuê, làm mướn, chứ có ai được nhiều ruộng như tôi đâu.

Mấy đời làm ruộng, đời tôi, tôi cũng chỉ thích đi gom ruộng! Năm nay, hàng mẫu ruộng tôi phải trả lại cho HTX, để phục vụ cho dự án xây dựng. Nếu có thể được nhận thêm ruộng tôi cũng sẵn sàng”. Nói rồi, ông cười hỉ hả, nhả một vòng khói thuốc lào hăng hắc, trắng đục phía trước mặt

Công ty… làm ruộng?

"Làm anh nông dân mọt kiếp cũng chẳng thể giàu lên. Ấy thế, nhưng ai cũng bỏ ruộng, thì dân mình chết đói. Phải có người nào đấy thương lấy những mảnh ruộng lấp xấp bùn nước kia"

Bạn cùng đi lính với ông một thời, trở về làng đều nhanh chóng trở nên giàu có. Họ lập những công ty, cửa hàng kinh doanh, sản xuất sắt thép, may mặc… Riêng ông, vẫn hàng ngày cặm cụi bầu bạn với những cánh đồng, cây lúa

“Trong một lần đi thăm đồng, tôi nghĩ rằng. Bạn tôi, lập công ty này, công ty kia. Mình có nhiều ruộng, cũng thành lập một công ty. Vay thêm vốn, mua máy móc mở rộng sản xuất”.

Nghĩ thế, ông về bàn với vợ con, ai cũng gạt phăng phản đối. Từ thửơ bé đến giờ, chưa thấy có công ty chuyên nghề làm ruộng như ông nghĩ bao giờ. Tuy thế, ông vẫn ấp ủ dự định một ngày nào đó, mọi người sẽ biết đến công ty TNHH chuyên về làm ruộng của ông, cái công ty có một không hai này sẽ có tầm quan trọng với bà con nông dân

Ông giải thích về “công ty” tương lai với nhiều hoạt động:
“Công ty này sẽ quy tụ một đội ngũ máy móc đông đảo, đồng bộ, từ máy phay đất, máy cày, máy cấy lúa, gặt lúa và chuyên trở. Sau khi làm xong thửa ruộng cho gia đình, tôi sẽ nhận thầu hợp đồng với các HTX trong nước.

Thêm cả một đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, phục vụ cho việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ giống mới, thuốc bảo vệ thực vật mới, chúng sẽ được trồng thử nghiệm trên những thửa ruộng của tôi, rồi mới phổ biến cho bà con. Rồi cả đội ngũ kỹ sư sửa chữa, bảo dưỡng máy móc để đảm bảo quá trình vận hành”.

Suốt nhiều năm, ông đi các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam… giới thiệu về mô hình này cho bà con được biết. Khi mô hình này được hình thành, sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho hoạt động sản xuất nông nghiệp lạc hậu ở miền Bắc

Ví dụ đơn giản như máy cấy lúa mới sản xuất, đã được thử nghiệm trên thửa ruộng của ông đều cho thấy, máy rất dễ vận hành, so với sức cấy của một người bình thường gấp 24 lần, tiết kiệm đuợc gần 7 trăm nghìn đồng

Hiện tại, ông là người có số máy dùng cho việc sản xuất nông nghiệp nhiều và hoàn thiện nhất miền Bắc (bao gồm 12 máy phay đất, 2 máy gặt đập liên hoàn, 2 máy cấy lúa và các loại xe chuyên chở).

Ông nhận thầu các hợp đồng với các HTX ở các tỉnh khác nhau, đưa máy móc của mình về canh tác tại các tỉnh đó như: hợp đồng phay đất ở các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Tây cũ)…

“Ngoài 17 người cốt cán trong tổ sản xuất này, đến mỗi tỉnh, tôi thường xuyên thuê thêm nhân công, điều khiển máy móc. Vụ vừa rồi, tôi phải thuê 70 nhân công, lương mỗi ngày 100 nghìn đồng. Nông dân sau vụ gặt nhàn rỗi, tiền lương lại cao, nên ai cũng muốn làm”

Đang hào hứng kể chuyện, ông bỗng trầm ngâm, như chợt nhớ ra cái điều mà bấy lâu ông đã băn khoăn, suy nghĩ:
"Dự định thành lập công ty tôi đã ấp ủ từ lâu, nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được cũng vì chuyện việc làm cho bà con lao động khi hết mùa vụ. Họ sẽ làm gì khi mà vụ mùa chỉ kéo dài trong vài tháng? Tôi sẽ làm gì để trả lương hàng tháng cho bà con? Có lẽ do thế, mà tôi chần chừ chưa dám làm. Cái khổ cuối cùng cũng chỉ dồn lên đầu người nông dân lấy công làm lãi mà thôi”.

Nói đến đây, ông buồn buồn, khuôn mặc khắc khổ nhăn nhúm với những suy tư. Dự định táo bạo về cái công ty TNHH độc nhất vô nhị này dần nên hình hài, vóc dáng.

“Bà con nông dân, nhất là nông dân ven đô thị thường bỏ ruộng đi làm thuê, hay đi lao động xuất khẩu, lương cao, việc nhẹ nhàng, lại có tí danh phận. Làm anh nông dân mọt kiếp cũng chẳng thể giàu lên. Ấy thế, nhưng ai cũng bỏ ruộng, thì dân mình chết đói. Phải có người nào đấy thương lấy những mảnh ruộng lấp xấp bùn nước kia.

Tôi biết tôi tham, tham những thứ người ta bỏ đi, tôi là anh nông dân chính cống tham ruộng. Rồi một ngày, cái công ty kia sẽ trở thành sự thật, khi đó, tôi cũng vơi bớt nỗi xót xa khi đứng trước những cánh đồng bị bỏ hoang”. Ông nói, giọng xen lẫn niềm hi vọng ở tương lai

Khi đi ngang qua những thửa ruộng đang nhú lên màu xanh trên bùn đất, tôi nhớ đến ông. Ông giám đốc “nông dân” với bộ quân phục cũ sờn, nhăn nhúm và bạc phếch, khuôn mặt khắc khổ và tiếng rít thuốc lào sòng sọc.

Trong câu chuyện của mình, kể cả khi nói về công ty TNHH chuyên làm ruộng, ông cũng chỉ nhận mình là nông dân, là lão nông của thời hội nhập.

                                                                                                                                          
Đinh Liên (tuanvietnam)

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References