Vượt qua bóng đêm ma túy trở thành tỷ phú

Nguyễn Thái Bình bên đàn heo rừng ở trang trại
Nguyễn Thái Bình (sinh năm 1975) đã một thời được nông dân xa gần phong cho các “ngai vua” như: “vua trùn quế”, “vua ếch” và giờ đây là “vua heo rừng”… Và cũng ít ai biết bằng đằng sau cái cơ nghiệp bạc tỷ hiện nay, “ông vua” làm nông nghiệp này đã từng sa ngã vào bóng đêm của ma túy…

Lên rừng làm lại cuộc đời

Sinh vào năm đất nước hoàn toàn thống nhất 1975 nên ba anh, một cán bộ tập kết, đã đặt tên cho con là Nguyễn Thái Bình. Tốt nghiệp THPT, Bình sang Nga du học và tốt nghiệp Đại học Hàng hải, hệ chính quy.

Năm 1996, anh về nước, vào làm việc cho một công ty hàng hải. Gia đình khá giả cộng với những ưu đãi trong thương trường xuất nhập khẩu nên Bình nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền khi tuổi còn rất trẻ. Chính vì thế do không kềm chế, Bình nhanh chóng sa chân vào chốn nghiện ngập.

Để có tiền hút chích, từ một con người lao động năng nổ, hoạt bát, chân chính Bình đã từng bước len vào những móc ngoặc làm ăn mánh khóe. Khi cơn nghiện ma túy đến hồi kịch nặng thì cũng là lúc cơ quan phát hiện và sa thải anh.

Vừa thất nghiệp, vừa bị nghiện ma túy nên Bình tiếp tục sa đà vào giới làm ăn phi pháp như tổ chức thầu đề với quy mô lớn, tham gia vào các tổ chức gái gọi…

Thế nhưng những phi vụ làm ăn bất hợp pháp bao giờ cũng có hồi kết tàn nhẫn. Những mối hùn hạp làm ăn chung với Bình lần lượt bị phát hiện và vào khám.

Dù không phải vào tù nhưng từ một chàng kỹ sư trẻ có 4 năm du học ở nước ngoài về, có công việc đàng hoàng và nhiều tiền được nhiều người thầm mong… giờ bỗng trở thành kẻ trắng tay, vô công rỗi nghề lại còn nghiện ngập…

Anh quyết định bỏ phố lên rừng để cai nghiện. Được gia đình giới thiệu cho một trang trại chuyên sản xuất nông nghiệp của người quen ở Lâm Đồng, Bình nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới.

Bình tâm sự: “Ngày đêm sống âm thầm cam chịu sống cảnh hiu quạnh ở những cánh rừng. Mình vừa chống chọi lại cơn vã thuốc, vừa phải cật lực lao động cơ bắp để được ăn. Những giọt mồ hôi thường ngày thấm đẫm trên người dù giữa cái giá rét của đất trời vùng cao nguyên Lâm Đồng. Nhưng đó mới chính là những giây phút mình cảm thấy trân trọng sức lao động của chính mình mà trước đây mình chưa bao giờ và chưa lần nào nghĩ đến. Bù lại những tháng ngày ở đây lao động, cai nghiện mình tập làm quen được một số kiến thức cơ bản về làm nông nghiệp. Từ cánh tay gầy nhom teo tóp của một con nghiện, giờ nó rắn rỏi, săn chắc và mạnh mẽ hơn. Dù thời gian tự giam mình giữa những cánh đồng heo hút, giữa trang trại bạt ngàn của đồi chè không lâu, nhưng mớ kiến thức từ thực tiễn này đã giúp mình trở lại cuộc sống một cách vững tin hơn”.

“Vua” nuôi trùn, ếch, heo rừng

Ngày trở về, Bình không về lại ngôi nhà cao tầng ở trung tâm quận 1, TPHCM mà Bình quyết định định cư ở vùng nông thôn ngoại thành: thuộc xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Thấy con mình tu chí làm ăn nên gia đình đã mua cho Bình một miếng đất khoảng 4.000m2 ở đây và giao cho anh tạo dựng “cơ ngơi” mới.

Gần cả năm trời làm bạn với nhà nông, Bình đúc kết được một kinh nghiệm: Đã làm là làm cho tới, làm cho khác người, không ngừng nghỉ thì mới thành công. Vì vậy, mới dọn về nhà mới một ngày là Bình đã lang thang khắp xã và kể cả các vùng lân cận để tìm hiểu môi trường sản xuất nông nghiệp và hướng tiêu thụ cho riêng sản phẩm của mình.

Những năm này, ở Củ Chi đang rộ lên phong trào nuôi bò sữa. Phân bò thì nhiều nhưng người chăn nuôi chỉ đem bỏ hoặc bán lại với giá rẻ rề cho nông dân làm phân bón. Trong khi đó đây là nguồn nguyên liệu vô giá để nuôi trùn quế mà ở Lâm Đồng người ta bán với giá 25.000đ/kg. Có được nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng vì kiến thức về nuôi trùn quế còn lơ tơ mơ, Bình quyết định khăn gói ra Hà Nội, tìm gặp cho bằng được Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Giám đốc Trung tâm thực nghiệm sinh học, để thọ giáo về cách nuôi cũng như mua giống đem về.

Không ngờ chuyến “tầm sư học làm ăn” lần đầu tiên bước vào làm nông này đã giúp Bình nhanh chóng thành công. Bình trở thành người nông dân trẻ nuôi trùn số 1 ở Củ Chi lúc bấy giờ. Thấy Bình làm ăn được, cả xã bắt đầu làm theo, một thời gian sau toàn khu vực rộ lên phong trào nuôi trùn quế. Nhắm thấy nghề bị cạnh tranh và không còn ngon ăn như trước nữa, Bình quyết định chuyển đổi hướng làm ăn mới.

Trong mỗi lần đi đám tiệc, hay vào các nhà hàng sang trọng, người dân thành phố thường rất thích món ăn cá rô kho tộ. Nhưng nguồn cung cấp cá rô đồng đang dần bị cạn kiệt vì nạn lạm sát … Bình nảy sinh ý định nuôi nuôi cá rô đồng với quy mô lớn. Có được chút vốn liếng từ việc nuôi trùn quế, Bình lên Dầu Tiếng (Bình Dương) thuê đất, đào ao nuôi cá rô đồng. Có ai dè người tính không bằng trời định. Chỉ vì coi sóc không thường xuyên, sau một đêm ngủ dậy cả ao cá được gầy dựng gần 2ha ở đây của anh chết không còn một con vì dịch bệnh và ô nhiễm.

Trong những tháng ở trang trại Lâm Đồng, Bình có tiếp cận với một nông dân người Thái sang đây làm ăn nên khi thành phố đang rộ lên phong trào nuôi ếch Thái, một mô hình chăn nuôi mới chợt xuất hiện trong đầu. Suy nghĩ lóe lên: “Ếch Thái thì phải sang Thái Lan mới biết rõ được tường tận, nguồn gốc của giống ếch này thì mới mong chăm sóc, phát triển cho tốt”.

Chớp lấy thời cơ ngay, Bình đi thẳng qua Thái hơn 1 tháng trời nghiên cứu, nghiền ngẫm và cuối cùng thì anh cho nhập ếch giống về nuôi và bán lại cho nông dân trong vùng. Chỉ trong một năm, Bình trúng đậm ếch Thái và liên tục đầu tư chuồng trại, bể nuôi. Với ếch giống giá 800đ/con, ếch thịt 35.000đ/kg, anh dần dần trả hết nợ và bắt đầu có vốn gối đầu. Trúng đậm ếch nuôi và cả ếch nhập khẩu, Bình có trong tay vài trăm triệu đồng.

“Làm nông nghiệp, mỗi loại cây con chỉ được một thời. Nếu không biết tính toán, xoay trở thì rất dễ bị vỡ nợ” – lời dặn dò của GS.TS Nguyễn Lân Hùng luôn được Bình mang theo gối đầu nằm. Anh nhận ra nghề nuôi ếch “suy tàn” và chuyển sang nuôi heo rừng. “Nhưng đã nuôi thì phải nuôi “công nghiệp” quy mô lớn mới có ăn” – Bình khẳng định.

Trong những lần sang Thái nhập ếch, Bình phát hiện ra nông dân ở đây đang “mặn” với việc nuôi heo rừng. Thế là anh lại lên đường sang Thái học cách nuôi heo rừng và nhập heo giống mang về. Hiện trại heo rừng của anh có khoảng 100 – 200 con, trong đó có hàng chục nái heo rừng thuần chủng.

“Mình mới mở rộng đầu tư thêm trang trại rộng 1,5ha chuyên nuôi heo rừng ở xã Tân An Hội (Củ Chi). “Hướng sắp tới, mình sẽ phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm sinh học Hà Nội (ĐH Sư phạm Hà Nội) để mở rộng việc nhân giống, bơm tinh giống heo rừng thuần chủng tại đây để cung cấp heo rừng giống với số lượng lớn cho bà con nuôi” – Bình tiết lộ.

Từ Bình “trùn quế”, qua Bình “cá rô”, rồi Bình “ếch” và giờ đây là Bình “heo rừng”, những biệt danh mà người dân ở xã Tân Thông Hội đặt cho chàng nông dân trẻ luôn đi đầu trong các phong trào chăn nuôi ở Đất Thép.

Những người nông dân chất phác ở đây chẳng những khâm phục bản tính của anh là một nông dân thời đại, biết thức thời mà họ còn cảm phục sự bản lĩnh vượt qua bóng đêm của cuộc ma túy, của cờ bạc… để trở thành một nông dân gương mẫu điển hình với cơ ngơi bạc tỷ trong tay.

Bà Lê Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố nhìn nhận: “Tôi đánh giá cao sự tìm tòi và năng động của Bình để làm giàu chính đáng. Khi gặp thất bại, Bình đã không nản chí mà quyết tâm vượt qua trở ngại để vươn lên. Bình rất chịu khó học hỏi. Với những bạn trẻ có khát vọng làm giàu bằng con đường nông nghiệp, có thể nói Nguyễn Thái Bình là một thanh niên điển hình”.

Quang Đạt (SGGP)

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References