Biết trân trọng những điều suôn sẻ

Nếu bạn nghe trộm câu chuyện, mẩu đối thoại của mọi người, bạn sẽ tin rằng hầu hết mọi chuyện trong cuộc sống đều không suôn sẻ. Câu chuyện chỉ toàn xoay quanh những rắc rối xảy ra trong ngày, những thói hư tật xấu của xã hội, những trở ngại, bất công và đặc biệt là những vấn đề nơi công sở. Người ta luôn nhấn mạnh mặt tiêu cực và những gì không được suôn sẻ, mà chiếm đa phần trong số đó phải kể đến những vụ việc liêu quan đến con người: người đồng nghiệp, người khách hàng… Bên cạnh đó là môi trường làm việc tệ hại v.v…

Thế nhưng đã bao giờ, dù chỉ một lần, bạn tạm ngưng những ý nghĩ này và chuyển hướng nhìn ra những gì đang diễn ra suôn sẻ? Ngày ngày, có thể nói hàng ngàn việc, kể cả liên quan đến công việc lẫn không, đều diễn ra trôi chảy: Nhiều công việc được nhẹ nhàng thay thế bởi máy móc kỹ thuật, sự kết hợp hoàn hảo của các kế hoạch, nhà cửa không dột mưa, du lịch - thực phẩm an toàn, ngay cả vấn đề trung tâm là con người, đa số đều rất dễ chịu, thân thiện. Thế nhưng, ta đương nhiên coi tất cả những điều đó như điều phải có. Và vì lý do gì đó, ta chỉ tập trung vào một vài trường hợp mang tính ngoại lệ - khi mọi việc không diễn ra suôn sẻ. Cũng có thể bạn tin mình để tâm vào những chuyện không suôn sẻ để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ hơn. Hoặc ngược lại, nhiều người sợ hãi với ý nghĩ nếu họ chấp nhận những chuyện không suôn sẻ, sẽ càng nhiều chuyện tương tự như thế xảy đến. Tất cả đều không phải sự thật.

Tôi có kinh nghiệm bay khá nhiều và cũng nghe không ít phàn nàn liên quan đến các chuyến bay. Bản thân tôi cũng trải qua một số kinh nghiệm đáng kể liên quan đến hoãn, hủy chuyến bay, thất lạc hành lý, đặt vé trùng và rất nhiều chuyện khác. Thế nhưng, nếu tính ra phần trăm những chuyến bay suôn sẻ thì con số đó mới đáng giật mình. Nhiều chuyến công tác, tôi thức dậy ở Bắc Cali và trước bữa chiều ngày hôm đó đã có mặt an toàn ở New York – nơi cách xa gần 4.000 km. Tôi tin những người khác cũng có một tỷ lệ “may mắn” không thua kém gì tôi.

Vậy nhưng, đã bao giờ bạn nghe ai khen ngợi hàng không? Nếu có chắc chắn đó phải là một trường hợp ngoại lệ hiếm thấy. Chỉ cần một lần chuyến bay bị hoãn, bạn sẽ dễ dàng căng thẳng, giận dữ, coi đó như chuyện của riêng mình mà quên mất rằng tất cả mọi người liên quan đang cố hết sức để giải quyết và rằng, chuyện thỉnh thoảng này không có cách nào tránh khỏi. Không chỉ chuyện của những chuyến bay mà trong mọi mặt của cuộc sống hàng ngày người ta cũng xử sự như thế. Phần lớn những người ta gặp đều tỏ ra nhã nhặn, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ ta. Thế nhưng những gì ta được nghe lại thường xuyên là về một phần trăm rất nhỏ chuyện của mấy người thô lỗ, thiếu tế nhị. Nếu trong một ngày, một người có 12 nhiệm vụ công việc phải hoàn thành, và 11 trong số đó diễn ra trôi chảy thì 1 việc còn lại sẽ là việc được đem ra phàn nàn trong bữa tối.

Tôi không có ý bỏ qua những vấn đề ta phải đối mặt trong cuộc sống hay xem nhẹ những nỗi niềm thất vọng, rắc rối ta phải trải qua. Tất cả đó là một phần trong công việc. Thế nhưng, ta dường như đã quen rằng mọi việc đều phải suôn sẻ, dù ta luôn đòi hỏi gần như hoàn hảo. Để rồi khi không như thế, ta sẽ không chịu nổi.

Mỗi lần tự nhắc nhở mình rằng rất nhiều chuyện đang diễn ra suôn sẻ, tôi thấy mình giải quyết được nhiều chuyện hơn. Tôi chấp nhận sự thật đôi lúc có những chuyện không như ý xảy đến như đôi lúc con người ta phạm lỗi. Tôi có tầm nhìn rộng hơn và không dễ để những chuyện nhỏ chi phối. Tôi tin, rồi bạn sẽ tìm thấy điều tương tự.

Richard Carlson
Pham Thanh Huyền – Phan Hồng Hà biên dịch

Hãy coi chừng những điều bạn không biết và những thứ bạn không giỏi

Khi đọc những bài luận văn ở trường quá tệ của tôi, ba tôi thường bảo tôi rằng: “Này Richard, con dở môn chính tả thì chẳng có gì nghiêm trọng cả, nhưng điều quan trọng là con phải biết con dở môn đó. Phải biết như thế để khi không viết đúng được một từ nào đó thì con mở từ điển ra xem”. Ba tôi nói thật đúng! Về một chút hiểu biết này thôi có lẽ tôi đã thua xa nhiều người khác hàng cây số.

Ba tôi hoàn toàn đúng, nhưng không chỉ về mặt chính tả. Ý tưởng của Ba tôi có lẽ áp dụng được cho bất cứ điều gì. Trong công việc của tôi chẳng hạn, tôi không nhất thiết phải là một biên tập viên giỏi miễn là tôi biết nhược điểm và giới hạn của mình. Tôi có thể thuê một ai đó lấp vào chỗ yếu của tôi. Tương tự như thế, tôi không phải là một tay điều phối viên tài năng trong việc chắp ghép các chi tiết trong một bài văn diễn thuyết cho có mạch lạc. Cũng chẳng sao, tôi có thể thuê một người giỏi làm việc đó. Làm như thế luôn luôn là điều khôn ngoan và, về lâu dài, có lẽ ít tốn kém chi phí mà được lợi nhiều hơn. Nếu có vấn đề gì thì đó là khi tôi không biết rằng mình không giỏi bằng người khác hoặc tôi không muốn nhìn nhận sự thật đó.

Bạn có thể rất giỏi trong một số lĩnh vực và rất dở ở những thứ khác. Thế thì sao? Thế thì tại sao bạn lại phải tự làm khổ mình và phí thời giờ vật lộn với những thứ không phải là sở trường của bạn? Nói vậy không có nghĩa là bạn không thể học thêm điều mới mẻ gì nữa hoặc không nên trau dồi khả năng đang có. Tôi chỉ muốn nói bạn nên dành thì giờ đó cho thứ gì mà bạn thông thạo nhất và cần thiết cho công việc chính của bạn vẫn tốt hơn. Bạn rất dễ bị sa lầy vào thứ công việc không chuyên môn. Đương nhiên là có nhiều việc phải được thực hiện hoặc hoàn tất, nhưng không nhất thiết bạn phải làm những thứ mà bạn chẳng giỏi giang hơn người có chuyên môn.

Richard Carlson
Trích từ “Mưu sự làm giàu” – NXB Trẻ

Khi doanh nghiệp còn non trẻ

Làm thế nào để nhanh chóng thành công khi doanh nghiệp còn đang trứng nước?” là câu hỏi luôn thường trực trong đầu mỗi doanh nhân khi chập chững dấn thân vào chốn thương trường. Các ông chủ trẻ luôn phải vắt óc nghĩ “mẹo” để tăng doanh thu cho doanh nghiệp mình.


Một trong những nguyên tắc để đi lên đó là thu hút các khách hàng mới trong khi vẫn không lơ là bỏ qua lượng khách hàng hiện tại. Và để đảm bảo nguyên tắc đó, để thành công, các bậc “tiền bối” đi trước luôn theo một số các thủ thuật như sau:

Tìm cách liên kết với những thương hiệu đại gia

Đối với các công ty còn mới, quy mô còn khiêm tốn, khi tạo liên kết, xây dựng liên minh với những công ty đã có bề dày hoạt động với thương hiệu sừng sỏ sẽ tận dụng được hình ảnh “cây cao – bóng cả” của các bậc tiền bối để nâng nhanh tên tuổi của mình. Một ví dụ để minh chứng, các chủ doanh nghiệp nhỏ đã bằng mọi cách – kể cả bắt tay với đối thủ cạnh tranh - để được núp dưới bóng dáng “đại thụ”: Jay Bower, Giám đốc công ty Crossbow Group LLC chuyên cung cấp dịch vụ marketing ở Westport thuộc bang Connecticut (Hoa Kỳ) đã từng cố gắng để có được công ty Upromise trở thành thành khách hàng của mình.

Tuy nhiên, Upromise trả lời thẳng họ muốn hợp tác một đối tác lớn hơn, có tên tuổi. Bower đã không ngần ngại quyết định liên kết và chuyển vụ làm ăn này sang cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình, công ty Brann Worldwide ở Chicago - một phần của tập đoàn truyền thông khổng lồ Havas ở nước Pháp. Tất nhiên, công ty Brann đã có được bản hợp đồng với công ty Upromise.

Để trả ơn cho Bower, công ty Brann đã nhường lại cho Crosbow một vài hợp đồng với một số khách hàng khác, trong đó có cả những khách hàng khá quan trọng của Brann như FleetBank ở Boston thuộc bang Massachussetts. Jay Bower còn tỏ rõ nét hồ hởi khi kể về chuyện này “Hết sức có lợi khi thực hiện vụ hợp tác này. Làm việc, phục vụ FleetBank, một công ty tài chính lớn, đã mang lại cho Crossbow Group LLC cơ hội tiếp cận với các đại gia ngân hàng như Citibank”.

Mạnh dạn bỏ đi những "quy tắc truyền thống” nhưng không phù hợp


Tại công ty phần mềm Mindbridge - một công ty chuyên cung cấp dịch vụ giải pháp mạng có trụ sở ở Philadelphia thuộc bang Pennsylvania – khi khách hàng gọi đến Ban hỗ trợ kỹ thuật sẽ được nghe trả lời bởi những nhân viên có trình độ cao và những người “chỉ trả lời điện thoại” này cũng được trả lương rất hậu.

Công ty này đã biết đưa ra đột phá bằng quy định những người làm ở bộ phận hỗ trợ và tư vấn cho khách hàng phải có trình độ từ Cử nhân hoặc Kỹ sư trở lên (trong khi theo truyền thống, các công ty công nghệ cao thường tuyển các nhân viên có trình độ thấp nhất và tất nhiên tương ứng là mức lương thấp nhất cho bộ phận hỗ trợ khách hàng”.

Kể từ khi Mindbridge áp dụng quy định mang tính “phá cách” đó, có tới 98% các hợp đồng hỗ trợ đã từng bỏ đi được nối lại, trị giá tới 15 – 20% tổng doanh thu cả năm của công ty.

Sẵn sàng tìm hiểu khách hàng


Nhiều chủ công ty cho rằng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nữa nếu thu được những phản hồi trung thực nhất từ phía khách hàng để dựa vào đó hoạch định và triển khai công việc kinh doanh. Do vậy các công ty thường tổ chức những buổi tư vấn với quy mô lớn cho nhiều khách hàng.

Mục đích là thu được những phản hồi cùng một lúc từ những khách hàng chủ yếu, để từ đó có thể hiểu được tâm tư – nhu cầu chung của khách hàng… hy vọng sẽ nảy ra được những ý tưởng mới để cải thiện doanh thu và hình ảnh của công ty mình còn đang non nớt.

Các công ty thường tiến hành phỏng vấn những khách hàng chính và từ đó tìm hiểu những mối quan tâm chính của khách hàng, điều gì làm khách hàng chưa hài lòng và cả những điều khiến khách hàng yêu mến. Và nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn (thông thường là 1 hoặc 2 quý), nhiều công ty gặt hái được thành công: “Giờ đây, tất cả những gì chúng tôi nghe được chính là sự hài lòng của khách hàng khi họ nói rằng họ đã có được những điều mà trước đây chưa bao giờ xảy ra: những phàn nàn được giải quyết và các nhà quản trị cấp cao ngồi lắng nghe những ý kiến của họ”. Thực vậy cả khách hàng và công ty đều cùng có lợi.

Liên tục nghĩ ra những phương kế mới để tối đa hoá mức lợi nhuận tiềm tàng là mối lo thường trực đối với mỗi cá nhân chủ DN. Tuy nhiên, những phương án tưởng chừng là cơ bản không có gì mới như làm đơn giản mẫu đơn đặt hàng hay làm trụ sở của công ty bạn khang trang sạch sẽ… cũng vẫn cần được thường xuyên coi trọng bởi vì chúng luôn vô cùng có ích.

theo SAGA

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References