Nghỉ học hai trường ĐH vì quá mê thời trang

Trần Hải Yến
Đang học dở hai trường ĐH, khoa Tiếng Trung thuộc Học viện Quan hệ quốc tế và khoa Báo chí trường Đại học Nhân Văn, Trần Hải Yến dừng học trước hàng trăm cặp mắt kinh ngạc của cả thầy cô, gia đình lẫn bạn bè, để theo đuổi đam mê thời trang của mình.

Hài hước, giản dị và chân thành… đó là những nét Trần Hải Yến cuốn hút bạn ngay lần gặp đầu tiên. Đam mê kinh doanh, thích được thử sức, luôn không ngừng tìm kiếm sự độc đáo, Trần Thị Hải Yến, cô gái 23 tuổi cực kỳ năng động này đã thổi hồn vào những bộ trang phục nữ tính nhưng vẫn phong cách cá tính đang từng bước chứng tỏ thương hiệu SanSan trên thị trường về thiết kế thời trang công sở.

Vẽ là niềm đam mê duy nhất của Yến ngay từ nhỏ, bất cứ chỗ nào cũng có thể là nơi để cô bạn cá tính này thể hiện sự sáng tạo. Có thể là trên giấy, trên tường hay bất cứ chỗ nào thuận tiện với cô. Lớn hơn một chút, Yến bị cuốn hút bởi vẻ lịch lãm, sang trọng của kiểu dáng lẫn chất liệu của các sản phẩm mang nhãn hiệu Valentino, Chanel. Cô nhanh chóng tìm được đối tượng phục vụ đó là “ladies who use computes”.

Sau khi dừng học, việc làm cô nàng lo lắng nhất đó là công đoạn giải thích với bố mẹ. Nhưng trái với những ý nghĩ ban đầu, gia đình tuy có ngạc nhiên nhưng bố mẹ vẫn rất “bình tĩnh” vì không lạ gì tính cách cô con gái rượu của mình. Và nhiều ngày sau đó, bạn bè lần lượt gọi điện tới tấp, qua nhà thăm và câu hỏi thường gặp là “Yến bị điên à, người yêu bỏ hay Yến có chuyện gì chán đời…”

Nhưng chính tại thời điểm đó, ngoài niềm đam mê yêu thích vẽ, yêu thích thời trang, cô nàng “không có gì hết, vốn không, kiến thức về may mặc, kinh doanh cũng không, không gì hết”.

Cô nàng có gửi vài tác phẩm của mình tới cuộc thi thiết kế thời trang quốc tế và có nhận được kha khá giải thưởng và rồi Yến nghĩ “tại sao mình không làm một cái gì đó thực tế hơn?”. Không chỉ dừng lại ở những ý tưởng cứng nhắc vô hồn trên giấy, cô thuyết phục nhà tài trợ là mẹ mình đầu tư một khoản tiền kha khá để mở xưởng may.

Nhưng để xoay chuyển, thuyết phục nhà đầu tư này không hề đơn giản. Ban đầu Yến mượn mẹ 450 ngàn đồng để bán len sợi trước cổng nhà, chỉ sau 50 ngày, cô nàng đã thu lại được hoàn toàn vốn cộng thêm 12 triệu lợi nhuận ròng. Và lúc này, mẹ mới đồng ý đầu tư cho con gái một khoản tiền kha khá để mở xưởng may, mua các loại máy chuyên dụng cần thiết.

Đến lúc này, Yến thuê hai người thợ may, có nhiệm vụ duy nhất: dạy cho cô chủ những kiến thức cơ bản đầu tiên của nghề may. Hàng ngày, cô vùi đầu bên các loại sách dạy cắt may, quản lý, kinh doanh…

Rồi cô cùng với vài nhân viên thức khuya dậy sớm, bận rộn với những mẫu thiết kế, cắt, may, rồi liên hệ khách hàng… “Ban đầu xưởng gặp khá nhiều khó khăn, có những lúc tới thời điểm trả hàng mình vẫn chưa có đủ sản phẩm; có những lúc, toàn bộ công sức của cả xưởng phải bắt đầu lại từ đầu vì khách hàng trả lại toàn bộ lô hàng vì có khiếm khuyết. Nhưng, nhờ có những thời điểm gian khổ đó, tôi mới thực sự hiểu được giá trị công sức, hiểu được ý tưởng không có nghĩa khi nó không có tính thực tiễn” - Yến tâm sự.

Song song, Yến học thêm một lớp học của Ý về thiết kế thời trang. Và sau 2 năm, xưởng may là nguồn cung cấp hàng chủ yếu cho khách hàng lớn, một hãng thời trang có tiếng trên thương trường. Dần dần xưởng đã hoạt động vào quỹ đạo ổn định và Yến mở thêm hai cửa hàng SanSan tại Hà Nội, chuyên các mặt hàng thời trang công sở. Tất cả những mẫu tại xưởng và của hàng đều do chính tay Yến thiết kế.

Không có điều kiện quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng khách hàng vẫn đến với cửa hàng của Yến (đường Trần Hưng Đạo) rất đông.

Yến tâm sự: “Tôi là người may mắn, may mắn vì có gia đình ủng hộ, may mắn vì đã gặp được vị khách hàng lớn có thiện chí đã nâng đỡ đúng lúc chúng tôi còn trứng nước và đầy rẫy những khó khăn buổi ban đầu, may mắn vì đã có những người nhân viên tận tuỵ.”

“Cảm thấy hạnh phúc và sung sướng nhất khi đang đi trên đường Yến gặp một ai đó đang mang trên mình bộ đồ do mình thiết kế. Hạnh phúc như nhìn thấy đứa con mình biết đi vậy”, cô bạn chia sẻ.

Hà Hương (dantri)

Cô chủ không đỗ đại học

Phạm Thị Lan Hương
Sinh năm 1982, là chủ của thương hiệu sieuthitrangsuc.com với số vốn tròm trèm 5 tỉ đồng, thế nhưng Phạm Thị Lan Hương bắt đầu sự nghiệp chỉ với 9 triệu đồng và lý lịch “thi trượt đại học”.

Câu chuyện về một dạng Bill Gates cũng không hẳn chỉ có ở nước Mỹ.

Khởi nghiệp khó, dừng lại còn khó hơn

Ý tưởng kinh doanh bám rễ trong đầu Hương ngay từ khi học lớp 11. Khi ấy, thay vì vùi đầu dùi mài kinh sử để ứng thí thì Hương chỉ loanh quanh với ý tưởng kinh doanh cái gì mà không bị cạnh tranh về giá và làm cái gì mà không gây sự nhàm chán cho mình?

Kết quả thi đại học năm sau: Hương trượt. Buồn nhưng không “cố đấm ăn xôi” nộp đơn đại vào một trường nào đó cho bằng bạn bằng bè. Lại được sự ủng hộ của chị gái: có nhiều con đường vào đời, có người học xong ĐH vẫn chẳng làm nên trò trống gì, vậy thì hãy chọn cái mà em cho là mình có thể làm tốt nhất.

Hương mở cửa hàng trang sức hand made “Phên Vàng” đầu tiên, chỉ với số vốn 9 triệu đồng (gồm cả tiền vay của chị gái), trong một mặt bằng 12m2. Một tay Hương lo liệu cho cửa hàng từ A-Z: đi mua tre trúc về thiết kế nội thất và biển hiệu, tự tay chọn lựa nguyên liệu để xâu chuỗi…

Học cách phối màu từ mẹ (chuyên nghề vẽ bản đồ), mẫu mã được ông trẻ từ Pháp gửi về, ngay tháng đầu tiên Phên Vàng đã sinh lời. Kết thúc 30 ngày buôn bán chị gái hỏi Hương: lời lãi thế nào? Trả lời: em đủ tiền trả nợ chị rồi nhưng muốn vay thêm để mở rộng cửa hàng. Chị gái không đồng ý, dứt khoát lấy hết nợ.

Khi khai trương Phên Vàng Hương được bạn bè mừng những cái phong bì nho nhỏ gọi là lấy khước, những tờ 20.000đ, 50.000đ được cô dán cẩn thận vào sổ coi như một thứ kỷ niệm cũng bị chị gái “tàn nhẫn” bóc hết ra.

Chị dạy Hương rằng: Kỷ niệm dù thế nào cũng vẫn là kỷ niệm, giữ những điều ấy trong tim được rồi, còn số tiền đang lúc cần thiết thì phải dùng nó một cách có ích. Hành động ấy của chị gái làm Hương ấm ức muốn khóc, nhưng sau ngẫm lại thấy chị đúng.

Trong một thời gian rất ngắn, từ cái “Phên Vàng” đầu tiên Hương đã bành trướng ra tới 7 cửa hàng. Kinh doanh đang vào lúc đỉnh điểm thì Hương quyết định dừng lại.

Một doanh nghiệp đi theo bản năng sẽ khó mà bền vững, vả lại Hương muốn nghiêm túc xây dựng một sự nghiệp cho mình chứ không chỉ là những cửa hàng bán lẻ tự phát. Mặc dù chưa từng học qua kinh doanh nhưng Hương đoán chắc được đồ hand made chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong thị trường trang sức, nó sống được là nhờ vào trào lưu và sự tin dùng của khách hàng, khi trào lưu đi qua mà không có sự mới mẻ thì ắt lâm vào tình trạng giậm chân tại chỗ.

Tất cả nhân viên của Phên Vàng khi ấy đều là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Lúc chia tay Hương nói với họ rằng: đây chỉ là sự dừng lại tạm thời để xây dựng một thương hiệu mới. Nếu tôi cứ giữ Phên Vàng thì sau này ra trường các bạn cũng sẽ bỏ tôi. Tôi muốn có một công ty đủ lớn để có thể thu nhận và tạo điều kiện cho các bạn cống hiến.

Cùng với nó cô dành mấy tháng trời để giải quyết gọn nhẹ việc thu gọn thương hiệu và chế độ hậu mãi với khách hàng. Mỗi nhân viên được Hương hỗ trợ một tháng lương cứng. Cô muốn sau khi dừng Phên Vàng thì nó vẫn giữ được ấn tượng tốt trong lòng mọi người.


Hương cùng chủ tịch tập đoàn Kawa

Câu chuyện đi học

Một phần trong lý do đóng cửa Phên Vàng là vì sau một thời gian dành hết cho công việc, Hương nhận ra là mình đã lạc hậu rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Suốt ngày quẩn quanh với những con số, ngay cả việc check mail với Hương cũng còn xa lạ. Nhìn các bạn đi học, thậm chí du học Hương lo lắng đến một ngày nếu cô không vượt khỏi không gian Phên Vàng thì sẽ bị lạc hậu.

Không nghĩ đến cánh cửa đại học nữa, Hương đăng ký học Tin học quản lý tại ESTIH. Cùng thời gian đó VCCI tổ chức chương trình Sinh viên khởi nghiệp, Hương đăng ký ngay vì thấy phần thưởng là những xuất học bổng ở Thames Business School.

Trong số những sinh viên tham dự kỳ thi năm ấy chỉ có mình Hương là doanh nghiệp đã có hoạt động thực tế ngoài đời, Phên Vàng trở thành bài tập trực tiếp của cô.

Trong khi các sinh viên khác có rất đông bạn bè cùng trường tham gia cổ vũ thì Hương không có ai. Tận dụng “của nhà trồng được”, Hương cho hệ thống Phên Vàng đóng cửa một ngày để tất cả nhân viên đi cổ vũ cho cô chủ. Cũng cờ quạt, biểu ngữ, chiêng trống xôm trò chẳng kém ai. Kết quả Hương được giải ba và giành học bổng Advance Diplome (tương đương bằng Cao đẳng Quốc tế) tại Thames Business School.

Lúc này Phên Vàng chính thức đóng cửa, vì cô chủ bận đi học tiếng Anh để còn theo học Diplome. Mỗi ngày Hương vẫn trở đi trở lại với ý tưởng về một mô hình cửa hàng trang sức trực tuyến với những mẫu mã đa dạng và chất lượng tốt hơn thời Phên Vàng. Tốt hơn đồ hand made nhưng phải rẻ hơn vàng và đá quý.

Trong đầu Hương khi ấy chỉ có một ý nghĩa rằng: tại sao người ta bỏ mấy trăm ngàn để mua một bộ quần áo thì không tiếc trong khi với chừng ấy tiền cho một bộ trang sức đẹp lại đắn đo? Hương muốn những sản phẩm trang sức của mình là thời trang, giống như quần áo, giày dép, đủ sang trọng nhưng không được xỉn, xuống mã hoặc gây dị ứng cho khách.

Tình cờ, một người Hàn Quốc gần nhà Hương đi đâm vào cửa kính. Cô xuống nói chuyện và bằng thứ tiếng Anh bập bõm hỏi anh ta ở Hàn Quốc có những sản phẩm như cô muốn hay không? Không ngờ, người Hàn Quốc ấy là con của một đại gia đình làm đồ trang sức lớn nhất xứ sở kim chi, tập đoàn nhà anh ta cung cấp đến 70% sản phẩm trang sức cho thị trường này. Như vớ được vàng, Hương lập tức nhờ chị gái biết tiếng Hàn xuống thương thảo hộ. Cũng không dự đoán được người Hàn Quốc ấy sau này trở thành anh rể cô.

Siêu thị trang sức của Hương ra đời sau vụ thương thuyết ấy không lâu. Đích thân cô một năm bay sang Hàn Quốc 2 lần để hướng dẫn mẫu mã và đặt hàng. Sản phẩm của Hương đạt đúng tiêu chuẩn mà cô muốn: an toàn với da, không xỉn màu và giá cả phù hợp. Mô hình kinh doanh của Hương lần này khác hẳn Phên Vàng: kinh doanh qua mạng, và nhờ đó Hương tìm được hai đối tác lớn là mỹ phẩm Ohui và Debon, cơ sở của cô chuyên gia công quà tặng cho hai hãng này.

Những sở thích không liên quan

Hoàn tất bằng Diplome, Hương tiếp tục thi lên Bacholor (tương đương bằng Đại học quốc tế) và vẫn cần mẫn theo con đường của mình. Công việc kinh doanh khá bận bịu, nhiều lúc Hương không có thời gian dành cho việc học, và mỗi lần như vậy cô lại tự nhắc nhở mình: mỗi môn thi lại mất mấy trăm đô, thôi thì cố gắng.

Ngoài những hoạt động năng nổ trong trường, cơ sở của Hương còn nhận dạy nghề miễn phí cho trẻ mồ côi và trẻ tật nguyền. Nhờ những thành tích ấy, Hương trở thành 1 trong 4 nữ đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị các nữ doanh nghiệp sản xuất trang sức tại Châu Á vào tháng 10/2007 tại Seoul Hàn Quốc và đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2008 (Global Submit of Women 2008).

Chuyến đi này Hương được tháp tùng trực tiếp ông Kawa - người sáng lập ra giải thưởng “Khởi nghiệp cùng Kawa” và học được nhiều điều lý thú. Chẳng hạn, trong thời gian diễn ra hội nghị cô được ngồi bàn Vip và chứng kiến một bà trùm siêu thị người Hàn Quốc giả vờ bị lạc và xin đến ngồi cùng ông Kawa.

Không để cho ông này kịp phản ứng bà ấy tranh thủ trình bày những mong muốn và dự định của bà với một người rất có uy tín trong giới kinh doanh Nhật Bản. Khi những người khách kịp tỏ vẻ khó chịu vì bị chiếm chỗ khá lâu thì bà đứng lên xin phép ra ngoài và hẹn sẽ quay lại sau. Bà trùm đi khỏi, ông Kawa quay sang nói với Hương: bà ấy sẽ không quay lại vì những gì bà ấy cần nói thì đã nói hết với tôi rồi. Cho nên, một phẩm chất của người thành đạt là phải biết bất chấp, thậm chí cả thủ đoạn để đạt được mục đích của mình.

Tháng 9/2007 Hương đã chính thức thành lập công ty Hương Phạm để hiện thực hóa ước mơ cô đã hứa với các bạn sinh viên thời còn làm Phên Vàng. Siêu thị trang sức hoạt động tốt, và giờ Hương đã biết thu xếp ổn thỏa thời gian dành cho mình.

Một trong những sở thích không thể bỏ được của Hương là “phượt” (kiểu du lịch khổ, chỉ nhắm đến những vùng đất mới, chưa có người khám phá mục đích là để refresh lại mình). Có những chuyến đi xa bằng môtô Hương nhất định không chịu để người khác đèo mà trực tiếp cầm lái với lý luận: không gì oan uổng bằng chết dưới tay người khác làm cả đoàn toàn dân “khủng” cũng phải trố mắt ngạc nhiên.

Đầu tiên, khi thấy một cô gái trẻ tuổi, trắng trẻo đến xin gia nhập hội “phượt” các đàn anh đã bĩu môi: chắc đến cho vui! Nhưng chỉ sau một vài chuyến đi, chứng kiến khả năng thích nghi và chịu đựng của Hương các đàn anh đã phải nhìn nhận lại.

Gì chứ chuyện trèo đèo, lội suối, tắm thiên nhiên, uống nước oserol cầm hơi đối với Hương cũng thường tình như cô đi học yoga hay học múa bụng vậy. Bây giờ, cứ vài tháng Hương lại phải thu xếp để “phượt” một lần, cùng những anh chị cứ đến chỗ có sóng là mỗi người alô bằng một thứ tiếng khác nhau.

Hương hâm mộ những người giỏi và muốn học hỏi họ. Bạn trai cô cũng đã quen với việc dăm bữa nửa tháng người yêu lại ba lô túi xách lỉnh kỉnh nào bát sắt (để nấu, múc nước và đội lên đầu phòng rắn rết rơi xuống), nào dây cao su (đề phòng rắn cắn có cái mà sơ cứu), nào đồ nghề bơm vá xe… và háo hức lên đường.

Ngoài thú vui nam tính ấy Hương hoàn toàn mong muốn là một phụ nữ của gia đình. Cô đăng ký đi học nấu ăn và đều đặn đến lớp không bỏ buổi nào. Quyết tâm của Hương cũng lạ, người ta chỉ đăng ký lớp ngắn hạn, hoặc muốn nấu món nào thì học món ấy, đằng này cô “chơi” luôn lớp chuyên nghiệp, học tới 186 món một lúc và thời gian học kéo dài tới nửa năm.

Hương là vậy, luôn khó nắm bắt và khiến người ta tò mò. Cô bảo rằng ngay cả Siêu thị trang sức bây giờ cũng chưa khiến cô hài lòng. Có khi chỉ một năm nữa thôi cô sẽ lại thay đổi, sang một kiểu bán hàng mới mà ở Việt Nam chưa từng có.

Hạnh Đỗ (tienphong)

"Khởi nghiệp" từ 24 m2 nuôi cá lóc

Anh Ánh đang thu hoạch cá lóc
Nhà nghèo, lại phải nuôi 4 con ăn học, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Ánh (56 tuổi) ở xóm 3, thôn Tân Dương, xã Nhơn An (An Nhơn - Bình Định) người phải lên tận Tây Nguyên làm thợ hồ, người đi bán bánh mì rong.

Từ khi học được kỹ thuật nuôi cá lóc, anh Ánh về quê chặt hết những cây chuối trong khu vườn tạp rộng hơn 400m2 xây hồ nuôi cá. Cuộc sống gia đình anh Ánh đổi đời từ đấy…

“Tôi khởi nghiệp nuôi cá lóc vào tháng 9 năm 2004. Lúc đầu, do không có vốn nên chỉ xây dựng 1 ao rộng 24m2 thả nuôi 3.000 con cá giống. Năm ấy con trai cả của tôi là Nguyễn Ngọc Thảo cũng vừa tốt nghiệp Đại học Thuỷ sản, tôi càng vững tâm trong công việc mới mẻ này. Từ thành công ban đầu, dần dần tôi mở rộng thêm diện tích hồ nuôi cá lóc và nuôi thêm nhiều đối tượng thuỷ sản khác. Nhờ có con trai truyền đạt thêm các biện pháp kỹ thuật nuôi, chăm sóc và theo dõi dịch bệnh nên tất cả những đối tượng nuôi đều phát triển ổn định, công việc làm ăn ngày càng tiến triển”. Anh Nguyễn Ngọc Ánh tâm sự.

Bước “khởi nghiệp” của anh Ánh cũng gặp không ít khó khăn. Vì chưa có kinh nghiệm nên anh thả giống vào mùa đông. Gặp thời tiết mưa, lạnh khắc nghiệt, cá sinh bệnh nhiều và do thả nhiều lứa giống nuôi chung trong 1 ao nên xảy ra tình trạng cá lớn ăn cá bé, hao hụt mất khoảng 20% con giống. Thế nhưng sau hơn 3 tháng rưỡi, số cá lóc còn lại trong ao đã cho anh 1,2 tấn. Với giá bán khi ấy là 26.000đ/kg, lần đầu tiên gia đình anh Ánh có được khoản thu khá lớn là hơn 31 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản đầu tư giống và thức ăn, anh thu lãi được hơn 10 triệu đồng. Anh Nguyễn Ngọc Ánh cho biết: Xây dựng ao nuôi cá lóc chỉ cần đào sâu 40cm, đáy hồ lót bạt, phía trên và chung quanh hồ rào lưới râm để ngăn nắng và để mùa mưa cá không “lóc” ra ngoài được.

Thế nhưng cá lóc là loài rất khó nuôi, nhất là trong thời gian nửa tháng đầu. Lúc mới nuôi, sáng nào ra thăm hồ cũng thấy cá chạy “lật bụng”. Khi vớt cá lên mổ bụng ra thì thấy trong bụng rất nhiều giun. Sau khi “chẩn” được bệnh của cá rồi thì việc chữa bệnh rất đơn giản. Trong thời tiết giá lạnh, lũ cá cũng thường sinh bệnh lở đuôi (ghẻ), cần phải mua thuốc trộn vào thực phẩm cho cá ăn và dùng thuốc xử lý trực tiếp nước hồ. Cá lóc cũng là loài khó ăn, cá biển phải tươi thì chúng mới chịu dùng, nếu gặp cá ươn ăn xong là chúng “nôn” ra ngay. Môi trường nước nuôi cá lóc phải luôn được sạch, ngày phải 3 lần thay nước để tránh cho cá bị bệnh lở đuôi.

Sau khi nắm vững kỹ thuật và có thêm vốn, sang năm 2006, anh Ánh xây thêm 2 ao nuôi cá lóc, nâng tổng diện tích mặt nước lên 75m2 và thả 7.000 con giống. Cùng năm ấy, anh nuôi thử nghiệm 160 con cá chình trong 1 ao rộng 18m2. Qua kinh nghiệm, anh Ánh cho biết nuôi cá chình dễ hơn nuôi cá lóc, chỉ khác hơn là trong ao nuôi cá chình có xây thêm hang đá để ban ngày cá chui vào và cần làm hệ thống sục ôxy. Chình rất dễ ăn, mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa vào ban đêm và có thể ăn cả cá ươn. Vào mùa đông, giá cá vụn tăng cao thì người nuôi có thể đi bắt ốc bươu vàng hoặc đào trùn làm thức ăn cho chình. Cá chình là loài ít bệnh. Anh Ánh nói: “Sau 1 năm rưỡi thả nuôi, tôi vớt những con có trọng lượng từ 1kg trở lên cho xuất hồ, cân được 60kg. Với giá bán 290.000đ/kg, gia đình tôi thu được 17,4 triệu đồng. Hiện trong hồ đang còn khoảng 50kg chình sắp thu hoạch”.

Sang năm 2007, đã có của ăn của để, anh Ánh đào thêm 1 cái ao ngoài trời rộng 310m2 thả nuôi 400 con cá bống tượng và 2.000 con rô phi đơn tính. Sau 1 năm nuôi, anh “tuyển” những con bống tượng từ 6-8 lạng được 90 kg bán với giá 180.000đ/kg, thu được 16,2 triệu đồng. Hiện trong ao vẫn còn những con có trọng lượng dưới 5 lạng/con. Trong cùng năm 2007, anh Ánh phát triển thêm 1 ao nuôi ba ba, diện tích 14m2, thả nuôi thí điểm 50 con giống. Hiện ba ba đang trong thời kỳ sinh sản. Sau khi nuôi thí điểm thành công, anh Ánh xây thêm 2 ao nữa và hiện trong 2 ao đang có 400 con ba ba đã tăng trưởng được 5 lạng/con. Anh phấn khởi: “Khoảng tháng 4/2009 là sẽ có ba ba xuất bán. Giá thị trường hiện nay là 290.000đ/kg (loại 1-1,5kg). Ba ba cũng là loài dễ nuôi như cá chình. Nhưng hồ nuôi ba ba phải được xây thêm đường gờ (cách mặt nước 4cm) để ba ba không thể bò lên đi được. Có nhiều người nuôi không thành công vì bị ba ba trốn đi mất”.

Vũ Đình Thung (NNVN)

Tỷ phú “hoạn lợn”

Một chàng trai sinh ra đã thành bần cố nông. Cố gắng mới học xong lớp Trung cấp thú y của trường Đại học Nông nghiệp I, hãnh diện với nghề hoạn lợn. Giờ chàng đã trở thành tỷ phú. Khách đến thường biết quá khứ của anh, đùa: “Hiệp là tỷ phú hoạn lợn đấy à? Giỏi nhỉ!”. Anh chỉ cười giòn, gật đầu.

Từ chàng hoạn lợn

Đến xã Mễ Sở hỏi không ai là không biết Đào Tất Hiệp, một tỷ phú mới nổi lên mười năm nay, chẳng những là người vui tính, dí dỏm, anh còn là một ông chủ có tấm lòng thương người, những năm qua anh đã đóng góp rất nhiều vào công tác từ thiện ở địa phương. Trang trại của Hiệp toạ lạc ở góc làng gần chợ Mễ, xã Mễ Sở (Văn Giang) Trang trại có khoảng 1.500, đôi khi lên đến 2.000 con lợn các loại: 120 lợn đẻ, hơn 10 con lợn đực, còn lại là lợn thương phẩm, lợn con. Mô hình của anh là nuôi từ A đến Z, tức là tự cung cấp giống nuôi cho đến lợn thịt, lợn bố mẹ. Trang trại cũng được anh bố trí hợp lý: từ khu nhà ở, khu chế biến thức ăn, khu chăn nuôi, phòng thuốc... Hiện anh đang xây dựng thêm một xưởng chế biến để cung cấp thức ăn chăn nuôi cho toàn xã. Khách đến thăm trang trại, có lẽ ai cũng thấy đây là mô hình chăn nuôi khép kín mang tính khoa học, qui mô như của doanh nghiệp nhà nước. Nhưng đó là thành quả của khát vọng làm giàu của một anh chàng nhà quê mộc mạc chân chất.

Giờ ngồi nói chuyện với chúng tôi, anh kể nhiều về những ngày tháng bần hàn, trong đó có những năm tháng anh hành nghề hoạn lợn. Đào Tất Hiệp sinh năm 1962 trong một gia đình 5 anh chị em, anh là thứ 4, gia đình luôn trong cảnh túng thiếu. Tuổi thơ Hiệp chỉ mơ ngày nào cũng được bữa ăn no, được mặc áo mới. Khi lớn lên chút ít, anh đi học nghề hoạn lợn của người em rể tận Bảo Thắng (Lào Cai), anh này lấy em gái út của Hiệp. Chưa thạo nghề, Hiệp xin đi học một lớp chuyên về hoạn lợn ở trường ĐH Nông nghiệp I. Sau đó ra hành nghề hoạn lợn từ năm 1984. Với anh, nghề hoạn lợn cũng vui thôi, nhưng cơ cực. Ở các vùng nông thôn, những ông hành nghề này, đi đến đâu chó sủa đến đó. Hiệp lại là chàng trai trẻ, làm vịêc chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều khi vừa hoạn vừa run, chỉ sợ làm chết lợn của người ta. Đã vài lần anh làm chết mấy con lợn bé. Người ta thương tình chàng trai trẻ nên không bắt đền nhiều, có người chỉ lấy nửa giá trị con lợn. Khi tôi hỏi, anh có xấu hổ khi làm nghề này. Anh Hiệp cười: “Có chứ, nhưng vì gia đình quá nghèo, nên bằng giá nào cũng phải kiếm tiền, tất nhiên phải bằng mồ hôi nước mắt của mình”

Chuyện cưới vợ cũng lâm li, nghe anh kể thì cười ra nước mắt. Cái nghề hoạn lợn vốn đã chẳng sang trọng gì, huống hồ đứng trước một cô gái. Khi mẹ hỏi: “Con muốn lấy ai?”. Hiệp lúc nào cũng nhe răng: “Huyền hàng xóm”. Thực ra anh thích cô từ hồi còn chơi đồ hàng, nhưng cô không thích. Anh Hiệp nói: “Lớn lên cô ấy cũng không thích đâu. Cô ấy yêu anh chàng nhà giàu, sau anh chàng ấy phải đi tù. Bố cô ấy bảo con: thôi thì lấy anh hoạn lợn cho xong. Bạn bè phản đối, song thế nào vẫn lấy nhau”.

Giờ thì vợ chồng anh sống hạnh phúc, chị vợ lại rất tự hào về anh chồng. Độ đó sau khi cưới nhau, anh Hiệp vẫn hành nghề hoạn lợn, nhưng thứ nghề này chỉ đủ để gia đình anh ăn đong từng bữa. Không có vốn, không am hiểu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đã có lúc anh bất mãn với đời mình. Lúc đó đến giấc mơ cũng chỉ dám mơ có đủ gạo nuôi con. Cho đến năm 1995, vừa hoạn lợn, Hiệp vừa bán thuốc thú y, thức ăn gia súc, nhưng vẫn không thoát khỏi nghèo. Một đêm, khi con đã ngủ, vợ chồng anh bàn bạc với nhau, trong nhà hết gạo mà không biết vay của ai cho qua ngày giáp hạt, chị Huyền tủi thân bật khóc. Đào Tất Hiệp tự hỏi: “Tại sao có kiến thức thú y mà mình không mạnh dạn chăn nuôi?”

Anh động viên vợ mạnh dạn đầu tư phát triển nghề nuôi lợn. Năm 1997 nuôi chừng 5 con, bán đi được chút lãi. Dần dần đàn lợn của anh tăng lên 20 con rồi 50 con. Anh cũng thực hiện phương châm đầu tư dần dần, có vốn sẽ đầu tư thêm. Vì là lợn siêu nạc cho nên anh được các công ty trong nước mua để xuất khẩu sang Hồng Kông. Anh lại bán hạ hơn so với người khác 1 giá nên được các công ty chú ý. Cho đến đầu năm 1999, anh đã có số vốn 500 triệu đồng. Mơ ước mở rộng trang trại có từ đây, và đó cũng là sự đánh dấu một cái mốc quan trọng cho con đường thành tỷ phú của Đào Tất Hiệp.

Thành tỷ phú

Giờ anh đã thành đạt. Phần lớn các chủ trang trại miền Bắc đã đến học hỏi kinh nghiệm. Thông tấn xã của Đức và Ấn Độ cũng đã tìm đến nhà. Ngồi nghe anh nói chuyện, con kiến trong lỗ cũng chui ra, bởi vì anh rất hóm hỉnh. Anh dẫn chúng tôi đi thăm trang trại của mình, đây là một ngoại lệ, vì chỉ có anh và công nhân được vào trại lợn, anh rất sợ bệnh tật lây lan sang đàn lợn. Với khuôn mặt vuông chữ điền, giọng nói trầm trầm vui vẻ, chàng tỷ phú chân chất đã kể ra những khó khăn trên con đường lập thân, những chông gai giăng mắc. Nhưng anh không quên quá khứ đó, anh kể mộc mạc, khiến chúng tôi tin rằng, anh là một ông chủ dễ gần.

Khi thu được lợi nhuận anh vận động mọi người trong làng cùng tham gia chăn nuôi lớn. Nhiều người đã hợp tác với anh. Thế là một Hiệp hội chăn nuôi của làng ra đời do anh làm chủ nhiệm và cũng chính anh là người môi giới, cung ứng giống, vốn, thức ăn và tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm. Đến nay Hiệp hội đã thu hút hơn 100 hộ tham gia. Yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả chăn nuôi là nguồn thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh. Nhận thức điều đó, anh Hiệp lặn lội vào miền
Nam tham dự lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của một tổ chức nước ngoài với học phí cao đến 100 USD/ ngày. Sau đó anh trở về với vốn kiến thức vững vàng hơn để phát triển đàn lợn đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Trong trại lợn anh còn đóng vai trò là bác sĩ thú y chăm sóc phòng ngừa bệnh tật cho chúng để vượt qua các nạn dịch. Dù đã thành đạt nhưng anh không tự kiêu mà vẫn thường xuyên đi học hỏi, đồng thời dạy cho công nhân để họ tự làm. Anh còn xây dựng xưởng chế biến thức ăn gia súc theo dây chuyền nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Mỗi năm cơ sở sản xuất khoảng 300 tấn cám phục vụ cho các thành viên trong Hiệp hội phát triển chăn nuôi. Ngô và thóc anh nhập từ Sơn La, sản phẩm lợn bán cho Hồng Kông, Hàn Quốc và cung ứng trong nước. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 15 công nhân, mỗi người phụ trách từng khâu, lương tháng 1,5 triệu đồng/ tháng. Trang trại hiện nay thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/ năm. Khi đề cập đến vấn đề môi trường, nước thải. Anh Hiệp gật gù: “Anh đã giải quyết rồi. Nếu không làm được thế thì có tội với nhân dân lắm. Nên anh đã đi học rồi về làm hầm Biogas. Anh đã thành công, bởi mô hình hầm Biogas vừa tận dụng làm khí đốt phục vụ sinh hoạt của gia đình, sưởi ấm cho đàn lợn trong mùa rét, lại giữ gìn được vệ sinh môi trường ”.

Mê làm từ thiện

Anh Hiệp đã đi lên từ không đến khó, rồi đến có. Bởi thế, việc anh làm từ thiện xuất phát từ tấm lòng đối với những người nghèo khó, những em học sinh học giỏi vượt khó chứ không vì một sự thể hiện nào khác. Tâm niệm của anh là có của ăn của để thì phải làm từ thiện, điều đó cho anh niềm vui sướng và sự thanh thản, vì đóng góp được cho xã hội. Nhưng ban đầu có những người đã dè bỉu, chỉ trích anh là sĩ diện hão. Anh bỏ qua tất cả. Vẫn một mực làm từ thiện, gia đình nào nghèo anh cho vay giống lợn làm vốn. Những việc anh làm được là: Tặng sổ tiết kiệm cho thương binh nặng, tặng xe đạp cho học sinh nghèo, ủng hộ tiền xây dựng các công trình nhà mẫu giáo, đường giao thông liên thôn, tặng máy vi tính cho trường học....

Lắm lúc tâm hồn thăng hoa anh còn làm thơ tặng vợ, rồi thơ về quá khứ của mình, như: “Lúc cơ hàn tôi đi hoạn lợn. Bao tủi hèn chẳng quản sớm trưa...” Điều đó cho phép tôi nghĩ rằng, anh còn lãng mạn và yêu đời, yêu người nữa. Gia tài của vợ chồng anh hiện giờ còn là hai cậu con chăm ngoan, một cậu đã là giáo viên cấp III, một cậu đang học đại học Nông nghiệp I. Năm 2005 anh được đi dự Đại hội thi đua toàn quốc. Khi hỏi về kinh nghiệm làm giàu, anh Hiệp thổ lộ: “Tại cái con vợ mình ý, không có nó thúc mình đâu có nghĩ được cái gì. Nghĩ được cái hay thì nó ‘chiều’, thế rồi mình nghĩ được, sướng quá...” và cười ngặt nghẽo.

Nguyễn văn Học (Vietimes)

Một nữ sinh đắm say trong thế giới người già

Nguyễn Thị Khánh Vân
Có nhà văn hoá thiếu nhi, nhà văn hoá thanh niên, nhà văn hoá phụ nữ, nhưng người về hưu chỉ còn biết về nhà vì không có nhà văn hoá cho người cao tuổi? Đó là lí do Vân, nữ sinh trường Cao đẳng bán công Hoa Sen và ĐH Marketing quyết tâm thành lập Công ty.

Từ ý tưởng tình cờ

Ý tưởng ấy xuất hiện khi Vân nghe lỏm câu chuyện giữa bố mẹ và một người bạn. Bạn của bố Vân đang muốn tổ chức một lễ mừng thọ trang trọng, ấm cúng cho các cụ thân sinh nhưng lại không biết nên tổ chức ở đâu và tặng món quà gì cho phù hợp.

Nếu tặng một chiếc khánh vàng thôi thì đơn giản quá. Vân nghĩ: “Tại sao lễ mừng thọ người ta chỉ tặng khánh vàng mà không là những món quà khác? Tại sao không tổ chức một buổi họp mặt cho các cụ quây quần bên con cháu?”.

“Máu” kinh doanh trong Vân nổi lên. Vân chạy về phòng và lập tức viết lên giấy những câu chữ đầu tiên về dự án của mình. Mục tiêu của dự án là thành lập một Cty thương mại, dịch vụ, tổ chức sự kiện cho người cao tuổi như tổ chức tour du lịch, các buổi tiệc liên hoan, sinh nhật, lễ mừng thọ…

Nhận thấy người cao tuổi ở Việt Nam có nhu cầu giao lưu với cộng đồng nhưng chưa dịch vụ nào đáp ứng được nên với dự án này, Vân muốn hướng người cao tuổi đến các hoạt động tập thể gần gũi với người trẻ hiện đại.

Sau 3 tháng viết và chỉnh sửa, được sự động viên hỗ trợ về vật chất, tinh thần của bố mẹ, cuối cùng dự án cũng hoàn thành. Thời gian này, Vân thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội Người cao tuổi thành phố, đi chơi chung với họ để nắm bắt tâm lí, sở thích và nhu cầu của người cao tuổi.

Tháng 5/2007, khi Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp 2007, Vân mang đề tài của mình dự thi và đạt giải Ba toàn quốc.

Cty chuyên nghiệp

21 tuổi, nữ sinh Nguyễn Thị Khánh Vân, giờ đã thành Giám đốc Cty Nắng Sớm. Vân tâm sự: “Tôi đặt tên Cty là Nắng Sớm vì nắng sớm là tia nắng đầu tiên của một ngày, tia nắng đẹp và trong lành nhất, sự khởi đầu mới mẻ đầy cảm hứng cho dự án mà tôi theo đuổi”.

Vân cho biết từ dự án ra thực tế là một chặng đường gian nan. Kinh phí dự tính ban đầu chỉ vài chục triệu đồng nhưng khi bắt tay vào làm thì con số lên đến hàng trăm triệu. Công việc bề bộn, có những ngày Vân ở lì tại Cty từ sáng đến tối.

Cùng với Nắng Sớm, Bách Niên Hội Quán cũng được xây dựng để tạo không gian ấm cúng, là điểm đến mỗi ngày cho các bậc cao niên. Tại đây, những người cao tuổi vừa có thể gặp gỡ đàm đạo thơ văn vừa có thể nghe những bản nhạc một thời mình yêu thích.

Hiện nay, tại Bách Niên Hội Quán đã mở nhiều lớp dạy miễn phí trà đạo, thư pháp, cắm hoa thậm chí mở những lớp học đặc biệt dạy người cao tuổi sử dụng internet, làm đẹp, tổ chức những chuyến du lịch thiên về giải trí hơn nghỉ dưỡng…

Bên cạnh đó cũng thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề thu hút khá nhiều bậc cao niên tham gia.

Vẫn khuôn mặt xinh xắn, nụ cười tươi và tính cách “dám nghĩ dám làm”, nữ giám đốc trẻ ấy đang cố gắng từng bước để làm cho thế giới người cao tuổi thêm sinh động.

Nam Phát (tienphong)

John Menard – sự pha trộn giữa một anh hùng với một tá điền chính thống

John Menard
John Menard là người giàu nhất bang Wisconsin của Mỹ với khối tài sản 7,3 tỷ USD. Ông đã sở hữu đội đua xe Indy 25 năm, từ trước khi cậu con trai Paul được sinh ra. Paul lớn lên trên đường đua, gãy cả răng trên chiếc xe đua nhỏ. 8 tuổi, lần đầu tiên cậu đã chiến thắng trong cuộc đua.

Cuộc đua vất vả không có gì là mới đối với cha của Paul. John Menard đã xây dựng chuỗi cửa hàng thiết bị nội thất dần dần cho đến khi đạt 203 cửa hàng và 37.000 nhân viên. Ông cũng bảo vệ công ty khỏi những đối thủ cạnh tranh đáng gờm là Home Depot và Lowe. Từ 1996-2007, giá trị tài sản của ông tăng từ 775 triệu lên 5,2 tỷ USD, theo đánh giá của tạp chí Forbes. Menard có một câu khẩu hiệu rất hấp dẫn đó là: “ Hãy tiết kiệm khoản tiền lớn ở chỗ Menards”.

Ông đứng thứ 127 trong danh sách tỷ phú của Forbes, trước Kohler với khối tài sản 4,5 tỷ USD. Nhưng Kohler thừa kế cơ nghiệp về hàn chì của ông nội. Còn Menard, xuất thân từ cậu bé nông thôn vùng Eau Claire, tự mình gây dựng nên.

Việc xây dựng cơ nghiệp luôn là nỗi ám ảnh của John và khi con trai ông về đích trên đường đua ông cũng không ở đó. Trước đấy, ông phó chủ tịch của công ty truyền thông Milwaukee Mile còn nhìn thấy Menard hò la cổ vũ cho con trai. Nhưng đến màn chụp ảnh lưu niệm gia đình thì có đủ mẹ, chị, bạn gái Paul, thiếu mỗi cha. John Menard lúc đó đã về trụ sở công ty ở Eau Claire.

“Ông ấy là người cô đơn. Ông ấy thường tự mình làm mọi việc” Menard hiếm khi trả lời phỏng vấn. Thậm chí cả những người biết rõ ông cũng miêu tả ông với những hình trái ngược, pha trộn giữa một anh hùng với một người tá điền chính thống; ông là hình mẫu của một doanh nhân Mỹ thành công, tuy nhiên cũng là một ông chủ ăn nói không được mềm mỏng và nhiều khi còn gay gắt với nhân viên.

Khát khao kinh doanh

John Robert Menard Jr sinh năm 1940 tại Eau Claire, con út trong gia đình 8 anh chị em. Cha mẹ ông là giáo viên. Cha ông dạy toán tại đại học Wisconsin. Trước khi John lên cấp III, cha ông dời trường đại học và đưa cả gia đình về nông thôn để gây dựng nên một trong những trang trại sản xuất bơ sữa lớn nhất bang.

Giống như những đứa trẻ sống với ruộng đồng ở khắp mọi nơi, John học được giá trị của lao động vất vả và tính cần kiệm. Nhưng cậu ghét những việc vặt trong nhà vào các buổi sáng, khiến người cậu ám mùi đồng ruộng lúc đến trường, bởi vậy cậu có thói quen dùng nước hoa trước khi đi học.

Có một tư tưởng độc lập xuyên suốt trong gia đình này và việc tự sở hữu kinh doanh luôn là nỗi niềm thôi thúc. Tư tưởng đó tác động đến John, nhưng ông chưa bao giờ thích thú việc suốt ngày bán mặt trên ruộng đồng. Trái lại ông muốn thoát khỏi nó.

Khi John vẫn còn học trung học, cha ông thuê một công ty xây dựng chuồng gia súc, và mùa hè năm ấy John làm việc cùng đội xây dựng. 2 năm sau, John tự thuê một đội xây dựng riêng và bắt đầu đứng ra cai thầu ở gần trang trại của gia đình. Ban ngày ông làm việc với công ty mới ra ràng, ban đêm thì làm thêm ở rạp hát địa phương. Đó là năm 1960 khi ông mới 20 tuổi.

Larry, em trai ông và là phó chủ tịch của Menards Inc nhớ lại: “Đó thực sự là một cuộc chiến đấu”. Chúng tôi không có tí tiền nào, cho đến năm 1964 khi chúng tôi bán được những thùng nhựa đường. Những khách hàng cần xây chuồng gia súc của John thường hỏi mua thêm vật liệu xây dựng, bởi vậy John đã mở xưởng gỗ Menard Cashway Lumber để bán hàng, và sau khi tốt nghiệp đại học, ông bỏ việc ở IBM về xây dựng công ty riêng.

John luôn chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất. Chẳng hạn ông đã tái sử dụng những mảnh vụn ở xưởng gỗ mà đối với người khác là rác. Những mảnh gỗ này được đẽo gọt làm những chiếc nhẫn bằng gỗ. Những mảnh không tái sử dụng được thì dùng làm củi đốt.

Menard nhanh chóng phát triển xưởng Cashway, xây thêm nhà máy xử lý gỗ, sản xuất đồ gỗ. Bằng việc tự sản xuất, ông đã hạ được giá thành. Năm 1972 ông tổ chức lại thành công ty Menards Inc và mở cửa hàng đồ nội thất đầu tiên đúng vào lúc bắt kịp làn sóng tự xây dựng tự làm lấy mọi việc.

Nhiều chiêu marketing độc đáo

Giống như Wal-Mart, John Menard xây dựng đế chế bán lẻ bằng lợi thế giá rẻ. Các sản phầm tự sản xuất chiếm ¼ các hạng mục bày bán, trong đó có cả những chiếc nhà xinh xinh cho chó mèo và những chiếc bàn nhỏ dùng đi picnic. Không phải trả tiền cho trung gian, Menard giảm được 10% chi phí. Menard còn cho người đi thăm dò giá của đối thủ và đếm những chiếc xe hơi ở bãi đỗ xe của họ. Menard hạ giá và theo dõi dòng xe kia teo tóp lại.

Giống như Wall Mart, nổi tiếng vì ép các nhà sản xuất, Menards cứng rắn với những nhà cung cấp. “ Nếu tôi mua hàng của ông, ông khuyến mãi gì thêm?”

Năm 79 Menard đầu tư 65.000 USD mua chiếc xe đua và biến nó thành công cụ marketing lưu động cho các cửa hàng của ông và cũng là cách khuấy động những người cung cấp hàng. "Ông ấy là người tiên phong trong việc lấy tài trợ cho đội xe đua Indy”, Wright, một nhà tài trợ nói. “Bây giờ các hãng Lowe, Home Depot cũng làm điều ấy, nhưng Menard là người đầu tiên”.

Nếu muốn có chỗ trong cửa hàng của Menard, các hãng cung cấp hàng phải tài trợ cho cuộc đua. Trong khoảng năm 97-98, công ty Glidden Paints đã chi 4 triệu USD tài trợ cho Menard, năm 2002 Stanley Tools và Moen mỗi hãng khoảng 1 triệu USD.

Chính sách marketing của Menard có 3 nhánh, bắt đầu bằng việc mỗi tuần có chương trình giảm giá, thậm chí là cho không sản phẩm như một cuộn dây thừng nhỏ giá 75 cent. Bằng việc phát ra phiếu giảm giá, Menards có được tên khách hàng trong danh sách. Thứ 2 là những quảng cáo nghe lọt tận xương của Menard và khẩu hiệu: “Hãy tiết kiệm số tiền lớn ở Menards.” Phong cách bình dân của Menard đã trở thành nhân vật được ngưỡng mộ.

Bước cuối cùng là việc tài trợ cho đội đua xe của Menards. Những tay đua đứng cạnh những chiếc xe đua chào đón khách tại lễ khai trương cửa hàng mới. Khách hàng đi mua sắm xen lẫn với các fan hâm mộ, thật là tự nhiên, còn Menard thì kết thúc hoành tráng những thập kỷ 80 với hơn 45 cửa hàng ở 5 bang.

Cuộc chiến phát triển bán lẻ

Đầu những năm 90, Home Depot, trụ sở đặt tại Atlanta, nhà bán lẻ lớn thứ nhì sau Wal-Mart bắt đầu nhòm ngó vào thị trường Chicago (thuộc bang Illinois). John Menard coi Chicago là trái tim lãnh thổ của ông và xác định thống lĩnh thị trường này.

Không cần phải bắt đầu từ 2 bàn tay trắng, Menard cải tạo những cửa hàng trống rỗng đã phải đóng cửa do nhiều nguyên nhân. Nơi đây nhiều vấn đề phúc tạp như tội phạm, cướp của, giết người. Và Menard đã phải giải quyết rất nhiều khó khăn để trụ vững.

Menard kết thúc năm 93 với 1,7 tỷ USD doanh số, gia tăng đáng kể nhờ 18 cửa hàng mới ở Chicago ở 3 hình thức, từ những cửa hàng cỡ vừa đến những đại siêu thị. Khi đối thủ Home Depot lò dò mở cửa hàng đầu tiên ở Chicago thì các cửa hàng của Menard đã đợi sẵn ở đó rồi.

Trong khối bán lẻ, 3 đã là đông và người mạnh thứ 3 chắc chắn là “out”. Nhưng tại 11 bang, tập đoàn Menards luôn đứng thứ nhất hoặc nhì.

Năm 98, Home Depot tấn công một pháo đài khác của Menards là Milwaukee, thành phố lớn nhất của bang Wisconsin. Hai đối thủ nặng ký là Home Depot và Lowe còn tìm cách gây sức ép cho các nhà sản xuất lớn là Kohler và Dewalt không bán sản phẩm cho Menard.

Home Depot có một câu chuyện đã trở thành giai thoại. Đó là năm 1990, một người đàn ông vào cửa hàng đòi đổi lại đôi lốp mà cửa hàng thậm chí không bán mặt hàng ấy. Đích thân cửa hàng trưởng đã ra hỏi khách hàng mua lốp giá bao nhiêu và trả lại anh ta tiền. Từ hôm đó chiếc lốp được treo gần bàn dịch vụ khách hàng như một lời nhắc nhở rằng khách hàng luôn luôn đúng. Home Depot chú ý đến giá trị của khách hàng hơn là lo lắng về chuyện trộm cắp và mắc lỗi của nhân viên.

Ngược lại phía Menards không cho phép trả lại hàng mà không có hoá đơn thanh toán. Nhưng bị tác động bởi chính sách của Home Depot, cuối những năm 90, Menards đã đổi chính sách thành: “Nếu chúng tôi bán món hàng đó, bạn có thể trả lại”

Số lượng khách hàng “tự làm lấy” sụt giảm, khiến Home Depot và Lowe phải dừng việc để khách tự lắp đặt. Nhưng Menard thì lại liên kết với các nhà thầu, Menards không muốn lấy việc của họ, thay vào đó Menards cung cấp cho khách hàng danh sách những nhà thầu để họ thuê.

Năm 2004 và 2005 khi Lowe và Home Depot thu nhỏ diện tích cửa hàng mới lại, xuống 80.000-100.000 foot vuông (30-40.000m2), Menard lại mở những cửa hàng mới với diện tích lớn. Ông cho xây một toà nhà 2 tầng lớn ở St.Paul, Minn, có đường đi để khách hàng đẩy xe. Ở Duluth, Minn, ông còn mở một đại cửa hàng rộng 250.000 foot vuông.

John Menard là một doanh nhân đặc biệt thường ăn mặc đơn giản như cao bồi: chiếc áo khoác lông, quần Jeans, áo sơ mi thậm chí còn đứt cúc và đeo chiếc dây xích trên cổ.

Ông thường xem xét hết ý kiến của các trưởng bộ phận và đọc không biết chán thư phàn nàn của khách hàng, đào sâu suy nghĩ về những vấn đề và những lời khuyên mà một nhân viên bình thường hay bỏ qua. Trong văn phòng làm việc còn gắn camera để Menard biết nhân viên làm việc hay không.

Lương của trưởng cửa hàng rất cao, từ 80.000 đến 200.000 USD/năm, nhưng họ có thể bị cắt đến 60% nếu không hoàn thành tốt. Phần lớn những người quản lý cửa hàng đều chưa tốt nghiệp đại học. Họ phải làm việc với một lực lượng nhân viên rất mỏng vì Menard “cực kỳ tiết kiệm”, chỉ cho phép 52 nhân viên cho mỗi cửa hàng bao gồm cả người đứng đầu, so với số lượng nhân viên ở cửa hàng tương đương của Home Depot là 195. Hàng năm những người quản lý các cửa hàng “hành hương” về trụ sở ở Eau Claire để “đàm phán” về ngân sách cho cửa hàng, nhưng không thể xin được nhiều.

Tuy nhiên John nhiều lúc thái quá đến mức ông muốn nhân viên cũng phải làm cật lực như ông, công ty phải là số 1, thứ đến mới là gia đình. Một người quản lý cửa hàng đã bị phạt ½ lương tuần do vợ anh đẻ sinh 3 do vậy anh chỉ đi làm có 35 đến 40 tiếng chứ không phải là 55 tiếng như theo hợp đồng.

Cái giá của thành công

Archibald đã làm việc cho Menards 27 năm, và người ta gọi ông là “cánh tay phải” của John Menard. Nhưng 2 năm trước, John đã quy cho ông tội nhận tiền lại quả của nhà cung cấp hàng. Archibad yêu cầu bằng chứng nhưng không có được bằng chứng gì, sau đó chán quá Archibad đã bỏ công ty. Archibad cùng 3 người quản lý cũ của Menard cho rằng ông chủ của họ thịnh vượng nhưng không mang lại cho ông hạnh phúc.

Hai con đầu của Menard thì không bao giờ tha thứ cho bố vì đã lằng nhằng với người phụ nữ khác trong khi vẫn đang chung sống với mẹ họ.

Toàn bộ tình yêu lớn nhất Menard dành cho công ty, mọi thứ kể cả gia đình đều sau công ty. Ông có 6 người con qua 2 cuộc hôn nhân với 3 phụ nữ (2 người vợ đã ly dị và một là bạn gái chưa cưới). Cuối năm 2006 ông đã chia tay vị hôn thê tên là Debbi chỉ 2 tuần sau khi xảy ra vụ cáu giận với chị gái của cô này về công việc (cô này là luật sư cho công ty).

Là một doanh nhân nhưng ông đã không bảo vệ môi trường. Năm 1997, John Menard bị bắt quả tang sử dụng chiếc xe tải riêng chuyên chở những túi nylon chứa đầy chất crom và mạt gỗ đầy thạch tín về nhà riêng để vứt cùng rác sinh hoạt. Menard và công ty đã bị phạt 1,7 triệu cho 21 lần vi phạm.

Năm 2005 Menard đồng ý chịu phạt 2 triệu USD sau khi cơ quan chức năng phát hiện thấy ống dẫn nước ở dưới sàn cửa hàng mà họ cho rằng dùng để thoát sơn, dầu và các chất thải khác dẫn thẳng ra nhánh phụ của sông Chippewa.

Anh Thư (theo Milwakee magazine)- Nguồn: Vietimes

Con đường làm giàu của Sếp Yahoo!

Jerry Yang
Người đồng sáng lập Công ty Yahoo Jerry Yang hôm 17/11/08 đã tuyên bố từ chức Giám đốc điều hành của công ty để trở lại với chức vụ cũ là Giám đốc chuyên phụ trách chiến lược và công nghệ của hãng này. Trước mắt, Yang sẽ tiếp tục điều hành cho tới khi tìm được người kế nhiệm. Công cuộc tìm kiếm người tài do Chủ tịch Hội đồng quản trị Roy Bostock đứng đầu.

Từ lâu Yang đã bị chỉ trích về khả năng lãnh đạo, người ta đổ lỗi cho ông về việc cổ phiếu của Yahoo giảm chỉ còn khoảng 10USD, nhất là sau một loạt thương vụ không thành. Năm qua, người khổng lồ Microsoft đã đề nghị mua lại Yahoo và trả tới 33 USD cho mỗi cổ phiếu, nhưng Yang - vốn luôn đấu tranh cho một chiến lược độc lập của công ty - đã kiên quyết từ chối khiến Microsoft bỏ cuộc. Yang còn bị chỉ trích vì đã để đối thủ Google rút khỏi liên minh đối tác quảng cáo.

Nhưng dù chỉ trích gì đi nữa thì không ai quên đóng góp và tình yêu của Yang đối với Yahoo!. Có thể cảm nhận sâu sắc về đóng góp và tình yêu của Yang đối với Yahoo! khi điểm lại những cuộc trò chuyện thú vị giữa Jerry Yang với báo giới thời gian Yang còn dẫn dắt Yahoo! - một trong những phương tiện giao tiếp cực kỳ thông dụng hiện nay.

Con đường làm giàu của Sếp Yahoo!

Cái tên Yahoo! ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người, nhất là đối với những ai sử dụng thư điện tử. Cách đây hơn một thập kỷ, từ những đường link trên Internet, hai sinh viên ngành điện tại đại học Stanford (California, Mỹ) đã cho ra đời công ty Yahoo, khai thác tiềm năng to lớn trong thế giới www khi còn hoang sơ như chính tên gọi của nó. Đó là Jerry Yang, năm nay 39 tuổi và David Filo, 41 tuổi.

Jerry Yang, một người Hoa chính gốc, sinh ra tại Đài Loan. Lên 10, Yang cùng gia đình di cư sang San Jose, bang California sinh sống. Chính tại nước Mỹ, Yang đã gặp gỡ rồi kết bạn thân với David Filo đến từ Moss Bluff bang Los Angeles, từng là sinh viên cao đẳng ngành máy tính ở đại học Tulane ở New Orleans.

"Khi mới gặp nhau, chúng tôi thậm chí không nghĩ sẽ cùng nhau làm ăn kiếm tiền mà chỉ là tình bạn đơn thuần vì những sở thích chung", Yang có lần tâm sự về điều này như vậy, "Cùng thích võ Sumo của Nhật Bản, chiếc máy tính cá nhân và cùng chung ước vọng ’ước gì mọi thứ có thể tìm thấy trên Internet’, khởi đầu là như vậy".

"Lúc đó, Internet bắt đầu bùng nổ. Mỗi ngày có đến hàng nghìn website ra đời. Nhưng phải đến khi trình duyệt Mosaic của Netscape ra đời cùng một số phương tiện mới đặc thù cho web, chúng tôi mới bắt đầu hứng thú và quan tâm nghiêm túc tới web và các công cụ".

"Chúng tôi biết là mình có tương lai trong lĩnh vực này nhưng không thể tưởng tượng nổi mọi chuyện sẽ diễn ra và đi đến kết quả như ngày nay. Do đó, chúng tôi cứ liệt kê đơn thuần tất cả mọi thứ mình cho là có ích lên trang web cho tới lúc nhận thấy không thể nào quản lý nổi khối thông tin đồ sộ đó. Và thế là chúng tôi mới nghĩ tới chuyện chia nhỏ thành các mục như ngày nay. Điều đó chứng tỏ chúng tôi cũng không nghĩ Yahoo có thể mở rộng tới mức như ngày nay".

"Nhưng ngay cả khi có lượng thông tin đồ sộ rồi, chúng tôi vẫn chưa nghĩ tới việc kinh doanh. Chúng tôi thậm chí còn chia sẻ thoái mái với tất cả bạn bè và lấy đó làm vui. Song tới mùa thu năm 1994, khi Yahoo đón nhận cú “hit” thứ 1 triệu, chúng tôi nhìn nhau và nói ’Này, có lẽ chúng ta sẽ có được cái gì đó từ chỗ này đây’. Thế là công ty Yahoo ra đời".

"Ngay từ lúc đó, chúng tôi đã luôn đặt nhiệm vụ sinh lợi lên hàng đầu. Khi không có nguồn thu, điều đó thật khủng khiếp. Nhưng nó đã sinh lợi tới mức mà đến giờ nhìn lại còn thấy ngạc nhiên thú vị. Thú thật là thành công và mức tăng trưởng như vậy nằm ngoài tưởng tượng của chính tôi”.

"Điều tôi thấy thích thú nhất trong thế giới web bạt ngàn bây giờ là việc người ta có thể viết, có thể nói một cách dễ dàng với công chúng thông qua các diễn đàn, các web-blog, các phương tiện chat... Giờ đây, ai cũng có thể có tiếng nói riêng của mình, và đó quả thực là điều diệu kỳ nhất mà Internet mang lại cho nhân loại. Đó cũng chính là mục tiêu và động lực của Internet".

"Chính vì vậy, rất khó để tiên liệu cái gì sẽ diễn ra tiếp theo trong 10 năm tới trong thế giới kỹ thuật số này. Chỉ biết thế hệ ngày nay đang ngày càng dựa nhiều vào Internet để có thông tin, giao tiếp, làm việc hay giải trí. Họ thậm chí muốn mang Internet đi khắp mọi nẻo đường cùng bước chân mình".

"Do vậy, tôi đoán rằng Internet sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống của mỗi người trong nhiều năm nữa, nhiều thế hệ nữa. Tôi tin chúng ta sẽ phải nhiều lần ngạc nhiên trong tương lai, với những gì kỹ thuật số mang lại”.

Đế chế của Yang và bạn thân

Cùng chung nhiều sở thích: Võ Sumo của Nhật Bản và chiếc máy tính cá nhân (PC), Yang và Filo gắn bó với nhau như hình với bóng. Cả hai luôn bị thầy giáo tại trường Stanford phàn nàn về việc đam mê máy tính hơn cả điện, ngành học chính.

Thời sinh viên, cả Yang và Filo từng được sang đất nước mặt trời mọc để tìm hiểu về môn võ truyền thống của xứ phù tang. Trở về Mỹ, họ luôn trăn trở vì thiếu thông tin về môn võ này và “ước gì mọi thứ có thể tìm thấy trên Internet!”.

Vào thời điểm đó, Internet bắt đầu bùng nổ. Mỗi ngày có đến hàng nghìn website ra đời. Những sinh viên cùng trường gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tìm 1 địa chỉ trang web nào đó. Một ý tưởng nảy sinh trong đầu Yang và Filo: Phải tạo ra một dữ liệu về danh sách các website để mọi người dễ dàng truy cập. Bắt đầu từ những đường link về môn võ Sumo, dần dần cả hai mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.

Bấy giờ, tại một thời điểm, hệ thống của Yahoo chỉ đáp ứng được 100 người truy cập đồng thời. Tiếng lành đồn xa, mùa thu năm 1994, Yahoo đón nhận cú “hit” thứ 1 triệu.

Nhận thấy tiềm năng kinh doanh, Yang và Filo mạnh dạn thành lập Công ty Yahoo và nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Sequoia Capital, một công ty chuyên đầu tư tài chính mạo hiểm có trụ sở ở Thung lũng Silicon, từng thành công với nhiều thương vụ như Apple, Oracle và Cisco.

Đầu năm 1996, để mở rộng phạm vi hoạt động, Yang và Filo đã mời Tim Koogle, từng là cựu sinh viên cơ khí của trường Stanford đồng thời là một người từng làm việc tại hãng Motorola, về làm Giám đốc điều hành.

Dưới sự quản lý của Koogle, được thay thế bằng Terry Semel vào năm 2001, Yahoo bắt đầu nổi đình nổi đám và quyết định phát hành cổ phiếu ra thị trường chứng khoán. Thành công rực rỡ đã bắt đầu đến với Yang và Filo…

Điều làm cho những nhà sáng lập Yahoo khác với nhiều người hoạt động trong lĩnh vực Internet chính là ước vọng làm giàu.

“Thành công của những người sáng lập Yahoo chính là khao khát tạo ra lợi nhuận bằng cách nhanh nhất có thể. Chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ sinh lợi lên hàng đầu. Khi không có nguồn thu, điều đó thật khủng khiếp”, Yang tâm sự.

Ngoài ra, tính cách tiết kiệm cũng là những điểm nổi bật của hai ông chủ cũng như toàn công ty Internet này, dù hiện tại, Filo và Yang đều có trong tay hàng tỷ USD.

Sự tằn tiện, đối với Yang và Filo, không bao giờ là điều nhàm chán. Lý do khiến trụ sở của Yahoo luôn được sơn 2 màu chủ đạo là vàng và đỏ tía vì đơn giản: Đó là những nước sơn rẻ nhất có mặt trên thị trường.

Trên thực tế Yahoo ngày càng có nhiều vấn đề khó khăn hơn, thách thức lớn hơn. Ngày nay, 2 đối thủ lớn nhất của Yahoo là Google và MSN của Tập đoàn Microsoft.

Google lúc đầu được Yahoo tài trợ 10 triệu USD nay đang trở thành đối thủ nguy hiểm nhất của Yahoo. Và Google cũng chính là một trong những lý do khiến Yang phải rời khỏi cương vị của mình ở Yahoo ngày nay.

Nhật Vy (VietnamNet)

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References