Tigitech, thương hiệu vì cộng đồng

Sản phẩm xe thùng chứa đựng rác bằng nhựa do Tigitech sản xuất.
KTNT - Đó là nhận xét của thạc sĩ Dương Văn Bon, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh Tiền Giang kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ KH và CN tỉnh (Tigitech). ông Bon nhấn mạnh: “Tigitech sẽ luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng, phát triển, trở thành thương hiệu uy tín trong hoạt động chuyển giao tiến bộ KH-CN, phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng”.

Tiền thân là Công ty Cung ứng thiết bị vật tư khoa học và kỹ thuật tỉnh Tiền Giang được thành lập vào năm 1985, đến năm 1988 đổi tên thành Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật, năm 1992 đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ khoa học, công nghệ và môi trường. Từ tháng 4/1999 đến nay, chính thức có tên Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ KH và CN tỉnh Tiền Giang.

Hiện Tigitech có 3 cơ sở trực thuộc là xưởng cơ khí - vật liệu mới, xưởng công nghệ thực phẩm và xưởng công nghệ sinh hóa. Xưởng cơ khí - vật liệu mới chuyên nghiên cứu, thiết kế, gia công, sản xuất và lắp đặt các thiết bị cơ khí, quy trình công nghệ phục vụ cho sản xuất và đời sống, hệ thống thiết bị xử lý môi trường, xử lý nước sạch phục vụ sinh hoạt, lắp đặt trụ bơm nước, bơm dầu và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, cung ứng các sản phẩm nhựa composite, thực hiện các dự án, đề tài KH và CN thuộc lĩnh vực cơ khí, cơ điện và vật liệu mới.

Sản phẩm chủ lực của Tigitech được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng là bồn ương nuôi tôm, cá giống, bè nuôi cá tra và cá ba sa chuyên dụng, hệ thống tấm nhựa panel cách nhiệt dùng cho cầu nông thôn, bồn tắm bằng nhựa, hệ thống vật dụng chuyên dùng cho sơn tĩnh điện, trụ bơm xăng dầu, bồn chứa nước có thể tích từ 500 đến 10.000 lít, bồn lọc áp lực nhiều loại với công suất lọc lớn nhỏ khác nhau, băng ghế bằng nhựa, xe thùng chứa đựng rác bằng nhựa. Xưởng công nghệ thực phẩm chuyên sản xuất sản phẩm nước uống tinh khiết đóng chai nhãn hiệu Sông Tiền, sản xuất bột xử lý nước uống và nước sinh hoạt nhãn hiệu “Tigitech”.

Xưởng công nghệ sinh hóa chuyên nghiên cứu, sản xuất và cung ứng meo giống nấm các loại, chủ yếu là nấm thực phẩm và nấm dược liệu. Các loại chế phẩm EM và chế phẩm sinh học chuyên dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản và xử lý môi trường; thực hiện các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh hóa và làm các dịch vụ tư vấn đánh giá tác động môi trường, xây dựng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và chống ô nhiễm môi trường cho các doanh nghiệp và các đơn vị kinh tế, cơ sở sản xuất ở trong và ngoài tỉnh.

Với những sản phẩm phong phú, đáp ứng yêu cầu của người dân, năm 2008, doanh thu của Tigitech đã đạt hơn 5 tỷ đồng. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận và biểu dương. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Tigitech và cá nhân Giám đốc Dương Văn Bon được Sở KH và CN tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen, cờ thi đua. Đặc biệt, mới đây, nhân ngày môi trường thế giới (5/6/2009), Tigitech đã vinh dự được Tạp chí Thương hiệu Việt thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghê, Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng giải thưởng “Thương hiệu xanh” - Bảo vệ tốt môi trường năm 2009.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Tigitech sẽ không ngừng phấn đấu để xứng đáng là thương hiệu uy tín vì sự nghiệp chuyển giao tiến bộ KH - CN phục vụ cộng đồng.

Thanh Hùng(www.kinhtenongthon.com.vn)

Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh: Mô hình cần nhân rộng

Ao tôm của một thành viên trong Hiệp hội.
KTNT - Tận dụng tiềm năng sẵn có, những năm qua tỉnh Sóc Trăng đã phát triển nghề nuôi tôm và trở thành một trong những vựa tôm lớn của Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, do phát triển nhỏ lẻ, tự phát nên không phát huy được lợi thế, hay gặp rủi ro, việc tiêu thụ cũng khó khăn. Chính vì vậy, việc ra đời của Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh là đòi hỏi cấp thiết, chính đáng của người nuôi tôm.

Nói về sự ra đời của Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh, ông Lưu Khánh Vân, Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ đầu tiên cho biết: “Sóc Trăng có nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi tôm. Hàng chục năm trước, người dân ở đây đã thành công trong việc lấy tôm giống tự nhiên rồi nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, dần dần tiến lên nuôi thâm canh. Đến năm 2005, dọc hai bên bờ sông Mỹ Thanh đã có nhiều hộ nuôi tôm thâm canh với quy mô trang trại. Con tôm đã giúp nhiều hộ dân đổi đời. Trước yêu cầu phát triển, nắm bắt, chia sẻ thông tin thị trường của người nuôi tôm, ý tưởng thành lập Hiệp hội nuôi tôm hình thành”. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Hội Nghề cá tỉnh Sóc Trăng, Ban vận động thành lập Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh chính thức thành lập vào tháng 3/2005 với trên 100 hội viên.

Nói về những ngày đầu thành lập, ông Vân kể: “Ban đầu, chúng tôi xác định hội viên của Hiệp hội còn nhiều khó khăn như kỹ thuật non kém, dịch bệnh trên tôm phát sinh nhiều. Vì vậy, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội thảo tập huấn, nghiên cứu từ thực tế, tìm ra những mô hình, điển hình về nuôi tôm, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật từ các nhà khoa học để nâng cao tay nghề cho người nuôi. Đến nay, nhiều trang trại thành viên đã nắm chắc quy trình nuôi, từ khâu đào ao, chọn giống đến kỹ thuật canh tác. Điều đặc biệt là, tính liên kết của nông dân ngày càng thể hiện rõ trong cách giúp nhau sản xuất hay tiêu thụ sản phẩm”.

Ông Hứa Thành Hưng, thành viên Hiệp hội nhận xét: “Tham gia Hiệp hội, người nuôi tôm được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cách xử lý ao nuôi, chọn giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Tất cả đều có lịch chung nên chúng tôi không phải lo lắng nhiều. Từ khi tham gia Hiệp hội, công việc nuôi tôm của chúng tôi rất thuận lợi, ít rủi ro hơn”.

Điều đáng nói là Hiệp hội đã xây dựng được mô hình gắn kết ngày càng bền chặt giữa người nuôi và nhà chế biến xuất khẩu, dần trở thành mối quan hệ tất yếu trong quá trình sản xuất hàng hóa. Hiệp hội đóng vai trò rất lớn trong hỗ trợ người nuôi tôm từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Trước đây, Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh chủ yếu được thực hiện đối với người nuôi tôm trên địa bàn huyện Long Phú, nhưng nay đã phát triển sang các huyện Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Cù Lao Dung. ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh nhiệm kỳ 2009-2014 nhận xét: “Hiệp hội đã tạo ra phong trào nuôi tôm công nghiệp bền vững, cho năng suất cao. Nhờ vậy, đến nay phần lớn hội viên đều thành công, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Năng suất bình quân tăng từ 3 tấn/ha lên 5-6 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 8 tấn/ha và có lãi cao, ổn định”. Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stafimex) cho biết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc thành lập Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh. Đây là mô hình hiệu quả, mong rằng tỉnh sẽ có thêm nhiều tổ chức như vậy để tạo điều kiện cho nghề nuôi tôm Sóc Trăng ngày càng phát triển”.

Về kế hoạch của những năm tới, ông Nhiệm cho biết, thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều rào cản thương mại, kỹ thuật được lập ra, do vậy người nuôi cần đoàn kết lại để vượt qua. Hiệp hội sẽ phối hợp với chính quyền, các nhà khoa học xây dựng quy trình nuôi tôm sạch, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho hội viên, xúc tiến các chương trình giới thiệu sản phẩm, liên hệ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ người nuôi về vốn, xây dựng hạ tầng cho vùng tôm, phấn đấu xây dựng vùng nuôi tôm ổn định, đạt năng suất cao và phát triển bền vững.

Xuân Huỳnh (www.kinhtenongthon.com.vn)

Trồng bông súng lãi bạc triệu

Không tốn nhiều chi phí cũng như công chăm sóc mà vẫn thu về hàng trăm triệu đồng/năm, anh Ngô Văn Lãng ở tổ 2, phường Hoà Thọ Đông (Cẩm Lệ - Đà Nẵng) đã khiến nhiều người ngạc nhiên với mô hình trồng bông súng.

Cách đây ba năm, chẳng ai có thể ngờ anh nông dân Ngô Văn Lãng lại giàu nhanh đến vậy. Làm chủ 4 sào (1 sào Trung Bộ = 500 m2) đất lúa, hoa màu nhưng gia đình anh vẫn thiếu ăn quanh năm. Khi thành phố có quyết định thu hồi đất phát triển khu công nghiệp, anh ôm cả bọc tiền đền bù vào TP. Hồ Chí Minh học nghề. Trong một lần cùng bạn đến thăm một khu biệt thự sang trọng, anh bắt gặp những chậu bông súng nở hoa rất đẹp và quyết định mua giống về trồng.

Trở về với túi giống bông súng, anh bắt đầu quá trình ươm trồng thử nghiệm. Nhiều người cho anh là "hâm", ai lại đi trồng giống cây dại bao giờ. Bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, ngày ngày anh lặng lẽ thực hiện những gì đã học với mong muốn giới thiệu đến mọi người loài hoa quen thuộc nhưng không kém phần độc đáo. Sự kiên trì của anh đã được đền đáp, bông súng nở khắp vườn. Ban đầu chỉ một vài người tò mò ngắm, về sau người hỏi mua đông dần, ai cũng bị quyến rũ bởi vẻ đẹp giản dị nhưng bền lâu của bông súng.

Bây giờ thì ngày nào anh cũng xuất bán hàng chục chậu bông súng, trở thành người có thu nhập cao ở địa phương. Rất nhiều khách hàng từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng gọi điện đặt hàng khiến anh lúc nào cũng quay như chong chóng. Khu vườn hơn 1 sào trở nên chật chội, anh phải thuê thêm vườn để xây bể ươm cây giống. Bông súng trồng trong chậu kết cấu trang nhã, đặt trên giá kiểu cách, rất thích hợp để trang trí tại biệt thự, khách sạn. Mỗi chậu thường có 4 - 5 cây, nếu trồng trong chậu đẹp thì giá có thể lên tới 1,5 - 2 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, hiện anh còn ươm trồng thêm loài sen cho búp trăm cánh trong lu sành. Theo anh, loại sen này có nhiều đặc điểm ưu việt hơn sen thường, bởi bông to, nhiều cánh, màu sắc ấn tượng và lâu tàn. "Đây sẽ là hướng phát triển trong tương lai của tôi, sen cũng có tập tính sinh trưởng như bông súng nên không tốn nhiều công chăm sóc hoặc đầu tư vốn" – anh bật mí. Nhận xét về mô hình độc đáo của anh Lãng, ông Lê Văn Phiếu, Phó chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ nói: "Anh Lãng là một trong số ít nông dân tuy không còn đất nông nghiệp nhưng vẫn tận dụng được lợi thế để phát triển sản xuất. Khi anh đề xuất, rất ít người tin tưởng vào sự thành công, nhưng đến nay, anh đã chứng minh được tính hiệu quả của mô hình. Mô hình trồng bông súng của anh chính là sản phẩm của "VAC đô thị", một loại hình quan trọng, cần thiết để phát triển kinh tế ở các thành phố lớn.

(Kinh tế nông thôn)

Cho thuê đầu, mặt cũng là nghề


Hiện nay TP.HCM, có hơn 1.000 cơ sở dạy cắt uốn tóc trang điểm. Dân học và theo nghề này không lạ lẫm với chuyện có những người cho thuê đầu, mặt bởi bất cứ một cơ sở dạy uốn tóc, trang điểm nào cũng cần người mẫu để học viên thực hành.

Tuy được xem là nghề nhưng nghề cho thuê đầu, mặt thường chỉ thu hút sự tham gia của những người thất nghiệp, người chưa có việc làm ổn định hay cần kiếm thêm thu nhập. Sinh viên, công nhân là những người tham gia vào đội ngũ làm nghề này.

Cho thuê đầu...

Những tiệm trang điểm, cắt tóc nhỏ thu nhận vài học viên thường hay mượn tạm khách để học viên "thực hành sống". Vì vậy, đã có không ít trường hợp cả khách hàng và chủ dở khóc dở cười khi khách hàng "đụng" phải học viên cắt tóc. Trong lúc thực hành sống, thầy chỉ lơ là một chút là trò có thể biến mái tóc của khách nham nhở, vằn vện hoặc thậm chí phải sửa lại theo hướng... húi trọc.

Nhà tạo mẫu Lư Thanh Hà (giải Ba cuộc thi Nhà tạo mẫu tóc xuất sắc Wella 2006 do Tạp chí Thời Trang Trẻ tổ chức), người đã từng săn sóc thường trực cho đầu tóc của hơn 10 ca sĩ, người mẫu thời trang ở TP.HCM, bộc bạch: "Cắt hỏng cái áo có thể mua tấm vải khác để bồi thường cho khách, chứ lỡ tay cắt trọc đầu của khách thì chỉ có nước dẹp tiệm". Bởi vậy, để cho an toàn, người thầy phải thuê một đội ngũ "mẫu sống".

Hiện nay, số người theo học nghề làm tóc, trang điểm khá đông, số lượng cơ sở nhận đào tạo học viên cũng tỷ lệ thuận nên nhu cầu về người mẫu sống rất cao. Có những cơ sở, trung tâm dạy nghề thiếu người mẫu sống đã phải đăng thông tin trên báo.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy những mẫu quảng cáo đại loại như: "Nhân dịp.. cơ sở chúng tôi sẽ uốn tóc, trang điểm cắt tóc miễn phí cho mọi đối tượng trong vòng một tuần lễ". Có những cơ sở còn ra "chiêu quái" hơn khi mở một salon tại các quận ngoại thành, vùng ven để học viên có thể thực tập luôn trên tóc khách hàng. Tất nhiên, để được cầm kéo "lướt" trên đầu khách, họ cần phải có kiến thức căn bản và đã thực hành nhiều trên đầu manequin, luôn có thày ở bên cạnh chỉ bảo và người thày sẽ chỉnh lại lần cuối sau khi họ cắt tóc cho khách.

Khi được hỏi vì sao chỉ cắt miễn phí trong một tuần lễ, anh Tuấn - chủ một tiệm tóc trên đường Pasteur (Q.1, TP.HCM) bật mí: "Đó là tuần lễ kết thúc khoá đào tạo. Để được cấp chứng nhận tốt nghiệp, mỗi học viên cần thực hành trên đầu thật". Anh cho biết kết quả cuộc thi tốt nghiệp của họ rất khả quan, nhưng nhiều người tình nguyện đã phải ra về với mái tóc... lá vàng về cội. Lúc này, có giãi bày, thậm chí bồi thường thế nào cũng khó nhận được sự thông cảm của khách. Vậy nên, để tránh mọi phiền hà, người ta thuê hẳn người mẫu sống. Đó là lý do để nghề cho thuê đầu xuất hiện và tồn tại.

Thương lắm tóc dài ơi!

Để được thuê, người mẫu tóc không nhất thiết phải có tóc dài, đẹp, kiểu tóc như thế nào cũng được chấp nhận, bởi vì càng nhiều kiểu tóc, học viên càng được thực hành cắt một cách đa dạng cũng như có nhiều cơ hội để thực hành thẩm định chất tóc.

Phúc Cao Sơn - một thợ làm tóc nổi tiếng ở Buôn Mê Thuột, từng đoạt giải nhất trong cuộc thi "Bình chọn tóc đẹp năm 2005" cho biết: "Kiếm ra người có mái tóc tốt để làm mẫu sống rất khó khăn, vì vậy chúng tôi luôn tiết kiệm tóc cho người mẫu. Mỗi lần thực tập, chúng tôi căn dặn học viên phải biết dùng dè sẻn từng mẫu tóc nhỏ. Tuy đã được "tiết kiệm" tóc tối đa, những chưa có người mẫu nào cầm cự được 3 tháng liền".

Hương Giang, một người cho thuê đầu, kể: "Năm ngoái em bị trượt đại học, đang chưa biết phải làm gì thì chị họ rủ đi làm nghề này. Lúc đó, tóc em đang dài phủ kín lưng. Suốt hai tháng làm mẫu sống, tóc em ngắn chỉ còn tới cổ. Có khi em phải ngồi từ sáng đến tối để học viên tạo cả chục mẫu tóc khác nhau, vuốt thẳng để cắt rồi uốn xù bông. Tóc chưa kịp nguội thì họ lại xổ xù để cắt kiểu. Sau đó họ dựng đứng tóc lên để bới".

Mỗi lần cho học viên "múa kéo", Giang được trả công 50.000 đồng và mái tóc thì cụt đi một ít. Bây giờ, Giang tạm nghỉ để dưỡng tóc dài thêm ra. Trong thời gian này, cô vẫn được cơ sở bồi dưỡng 500.000 đồng/tháng và chu cấp các sản phẩm dưỡng tóc. Họ làm thế là để "nuôi quân" lâu dài. Trong khi chờ đợi tóc dài, Giang cũng không thất nghiệp, bởi trong quãng thời gian làm mẫu ở cơ sở dạy cắt uốn tóc, cô cũng đã kịp tham gia vào đội ngũ cho thuê... mặt.

... Và cho thuê mặt

Chuyên gia trang điểm Thanh Phước, chủ nhiệm một trường đào tạo dạy nghề trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú NHuận, TP.HCM), nơi tuyển thường trực người chuyên làm mẫu, đã nêu điều kiện hành nghề cho thuê mặt: không cần đẹp, chỉ cần dễ nhìn; da thuộc loại trung tính, không dị ứng với mỹ phẩm. Nghe thì thật đơn giản nhưng...

Khác với cho thuê đầu, việc tính công thuê mặt căn cứ theo giờ. Mỗi giờ ngồi như tượng cho học viên tập trang điểm, mẫu sống được trả thù lao từ 35.000 - 60.000 đồng. Tuy đỡ hơn nghề cho thuê đầu ở chỗ "hàng mẫu" không bị cắt xén những nguy cơ tiềm ẩn với người cho thuê mặt cao hơn rất nhiều. Nguy cơ này đến từ chuyện dị ứng mỹ phẩm.

Khi được hỏi về tai nạn nghề nghiệp, chị Mai Hà, một "cựu mẫu sống" nói: "Tai nạn không thường trực là do vẽ trên da nhiều nên bị mặt phản đối bằng cách sưng vù. Tai nạn thường trực là bị học viên chọc cọ vào mắt do lóng ngóng".

Chị Hà cũng thừa nhận: Thường họ tự thoả thuận công việc bằng miệng với chủ cơ sở nên nếu có xảy ra rủi ro nghề nghiệp thì hai bên từ giải quyết với nhau. Xin mượn lời mời một người mẫu sống để kết lại bài viết này: "Nghề cho thuê đầu, mặt đủ để sống lương thiện. Tuy không thể làm mãi cho đến già, nhưng đổi lại, mình có thể học lỏm được nghề để sau này dụng võ. Đó cũng là cái lợi lâu dài mà nghề này mang lại".

(Theo Thời Trang Trẻ)

Teen đi viết thuê blog


Blogger Awe Linh
Thông thường để giới thiệu một sản phẩm đến với công chúng các công ty thường lựa chọn hình thức quảng cáo, PR trên báo chí hoặc tivi. Nhưng khi blog phát triển rầm rộ thì nó được khá nhiều công ty sử dụng làm công cụ giới thiệu đến người dùng. Blog là kênh quảng bá vừa nhanh, gọn lại tiết kiệm được chi phí khá lớn cho việc giới thiệu các sản phẩm.

Nhận diện nghề viết blog

Hầu hết các bạn viết thuê blog đều sở hữu các entry thú vị thu hút được một lượng độc giả, lượng page view nhất định. Sau khi lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng bạn sẽ trở thành 1 blogger với công việc chính là viết các entry theo yêu cầu của đối tác.

Hoặc có thể nói 1 cách khác là PR qua blog cho 1 sản phẩm hay 1 cuộc thi nào đó chứ không phải viết blog thuê là người khác mướn mình viết để chửi hay nói xấu về 1 ai đó. Hay như bạn Tuyết Mai khi thấy Shop nước hoa của anh trai bị ế ẩm liền nghĩ ra cách tiếp thị các sản phẩm qua blog.

Với sự kiên trì đi post comment giới thiệu và viết các entry thú vị về nước hoa đã khiến cho shop của anh trai ăn nên làm ra và dĩ nhiên Mai cũng được một khoản hoa hồng không nhỏ. Đây là 1 công việc khá mới lạ ở Việt Nam, nhưng trên thế giới thì việc PR qua blog là điều rất phổ biến. Tại Việt Nam các tạp chí, sản phẩm dành cho teen hầu hết đều dùng blog để giới thiệu, thông báo các sản phẩm mới của mình. Đa phần các công ty đều lựa chọn blog của Yahoo vì nó có số lượng blogger đông đảo và được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam.

Làm thêm bằng tâm sự

Điều khác biệt của nghề viết thuê blog là hầu như phải đóng vai chủ blog để tâm sự, trả lời comment về các vấn đền liên quan đến sản phẩm.

Là một blogger có lượng pageview khá cao, Awe Linh được một công ty chuyên làm các sản phẩm cho bạn gái để ý và mời về làm blog cho các sản phẩm của công ty.

Ngay lúc được mời về đề viết blog cho họ Linh đã đồng ý tham gia mà không chút nghĩ ngợi gì bởi theo Linh: vì thấy mình chẳng mất gì cả, chỉ là viết bài qua blog cho họ, có 1 công ty rõ ràng, lại có lợi ích là có 1 khoảng tiền nho nhỏ nữa. Sau 1 thời gian họp hành bàn bạc với công ty bên kia cùng các bạn blogger khác. Bài viết PR đầu tiên đã được post lên. Các comment phản hồi của mọi người cũng rất thú vị, nhiều ý kiến rất khác nhau, ý kiến nào cũng hay và mang tính chất tích cực.

Điều đó cho thấy entry đó không chỉ đem lợi cho 1 mình tôi, mà còn đem lợi cho cả những độc giả thường xuyên ghé thăm blog do tôi làm thêm. Linh thú nhận đây là quãng thời gian rất hào hứng bởi với Linh blog chỉ là nơi để bạn post những tâm sự buồn vui của tuổi mới lớn nhưng không ngờ nó lại giúp bạn kiếm được một công việc có ích và một khoản thu nhập đáng kể.

Viết blog thuê hay PR qua blog thật sự mà nói thì không có gì quá lạ lẫm. Nếu đọc các blog về sản phẩm nào đấy gần như chắc chắn bạn đang đọc một blog được viết bởi 1 hoặc nhiều blogger khác lập nên.

Theo bạn Minh Lee: Thực ra nghe nói PR có vẻ lạ vậy thôi chứ cũng không có gì ghê gớm lắm đâu. Bên công ty sẽ send cho bạn 1 cái mail và có đầy đủ thông tin chi tiết của 1 cuộc thi hay 1 sản phẩm cần PR.

Bạn chỉ cần viết cảm nhận của mình, văn phong hoàn toàn là của bạn, không bị gò bó mang tính chất quảng cáo nhiều lắm. Rồi post lên xem mọi người hưởng ứng thế nào, vậy là bạn đã hoàn thành nhiệm vụ và có được tiền rồi hihi.

Bạn NTA, một blogger viết thuê cho một tờ báo teen cho biết, nhờ các comment trong các entry trên blog bạn viết thuê mà tòa soạn phát hiện khá nhiều đề tài, câu chuyện cho các số báo sau. Sơn, một chuyên gia viết blog thuê thổ lộ: “từ khi bắt đầu nhận viết bài PR qua blog. Tôi cũng học hỏi được nhiều thứ. Phải có trách nhiệm với bài viết của mình, phải nộp đúng deadline. Không chỉ vậy, những thông tin, kinh nghiệm, lối sống cũng được học hỏi nhiều qua các bài viết. Tuy nhiên khi bị mẹ hỏi về việc làm thêm này, bạn đã mất kha khá thời gian mới giải thích cho mẹ hiểu được thế nào là blog, thế nào là entry…”

Cũng như các blogger khác, Sơn cho biết: “Tôi yêu thích công việc này, tôi coi nó như 1 công việc làm thuê ngoài giờ khi mình vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.”

Nguồn: Kênh 14

Nghề "két-đi" trên sân golf

Kéo theo trào lưu ham thích Golf - môn thể thao quý tộc là một nghề gắn với giới trẻ, nhất là giới sinh viên: nghề caddie... Mỗi caddie sau khi nhập môn sẽ phải trải qua một khoá huấn luyện ngắn ở sân golf để nắm luật chơi. Họ phải học từng chi tiết rất nhỏ như ngắm đường bay của bóng, đoán cách thức chơi cũng như sở trường của người chơi để phục vụ một cách tốt nhất.

Bước dẻo trên sân cỏ

Yêu cầu đầu tiên để tuyển một caddie là sức khoẻ, năng động, ngoại hình và ngoại ngữ. Một nữ caddie là SV cho biết: "Một số SV có người quen ở sân golf nên xin vào khá thuận lợi, còn mình phải vượt qua rất nhiều ứng viên khác mới được chính thức nhận vào".

Mỗi caddie sau khi nhập môn sẽ phải trải qua một khoá huấn luyện ngắn ở sân golf để nắm luật chơi. Họ phải học từng chi tiết rất nhỏ như ngắm đường bay của bóng, đoán cách thức chơi cũng như sở trường của người chơi để phục vụ một cách tốt nhất. Không chỉ có các luật chơi, các thuật ngữ bằng tiếng Anh về golf cũng là một "bảng cửu chương" mà các cô gái caddie phải tiếp cận và luôn phải làu làu như: banana ball (quả đánh tạo đường bay hình trái chuối), Wood (gậy mặt to để đánh bóng xa), gross score (tổng điểm), lie (kiểu nằm của bóng trên sân cỏ)... Tuỳ thời điểm, số lượng caddie đủ hay thiếu mà tiến trình huấn luyện co giãn vài tuần hay hơn một tháng. Sau thời gian đào tạo ấy, họ được làm việc. Hà (năm 2, ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM) cho biết: "Caddie làm theo ca. Công việc chủ yếu của mình là vác gậy đi theo khách chơi golf. Những lúc vắng khách thì làm các việc lặt vặt như làm cỏ, tưới cây, phục vụ nước giải khát, lau chùi các cây gậy...".

Khi chưa làm, những SV như Trân (năm 3, ĐH Quốc gia TP.HCM) hình dung công việc tương đối nhẹ nhàng, nhưng khi là một caddie mới thấy hết nỗi cực khổ của nó. Cô than: "Khách thường đánh 18 lỗ, một vòng sân thì mình cũng phải đi theo họ. Trung bình mỗi ngày mình đi bộ khoảng 4 đến 5 giờ, tương đương cả chục cây số. Với các sân rộng hàng chục hec-ta thì việc đi một vòng cũng đủ phờ phạc. Hơn nữa, đa số người chơi thường chơi vào khoảng 11 giờ trưa đến khoảng 16 giờ. Đây là thời điểm nắng nhất trong ngày. Các caddie phải "diện" bộ trang phục kín mít dưới trời đổ lửa, vác theo những hành lý lỉnh kỉnh như túi cát, gậy, bóng nặng hàng chục ký".

Caddie, với nghiệp vụ của mình, phải hướng dẫn khách chọn gậy hoặc lấy số gậy đúng theo yêu cầu khách. Họ phải nheo mắt dõi theo đường bay của quả banh sau mỗi cú đánh. Mỗi lần khách đánh xong, họ lấy túi cát mang theo bên mình lấp mảng cỏ vừa bị gậy sớt đi. Những caddie không có sự dẻo dai sẽ không chịu được tốc độ đi của nhiều tay golf. Tuân (năm 2, ĐH Kỹ thuật Công nghệ), cho biết: " Vì mỗi ngày phải lút cút chạy theo khách, mang đủ thứ dụng cụ nặng, đa phần là vào giữa trưa nên một số bạn nữ yếu, không chịu nổi. Có hôm, một nữ caddie ngất giữa sân, phải chuyển đến bệnh viện gấp. Tiền công không bằng tiền thuốc".

Xung quanh khoản tiền "tip"

Caddie Nga (năm 1, ĐH Ngân hàng) tâm sự:"Ngoài tiền lương 50 nghìn đồng/giờ, mình còn được cấp áo khoác, mũ, kính, kem dưỡng da...". Với các caddie làm hằng ngày, mức lương xấp xỉ một triệu đồng/tháng không hề cao. Riêng với những SV như H.Tiên, làm việc cách nhật (hai buổi/tuần) thì mức lương chẳng là bao. Caddie là nghề phục vụ, vì vậy chất lượng phục vụ là yếu tố quyết định. Tại TP.HCM, các sân golf như Him Lam, Rạch Chiếc, Thủ Đức thường đón các đại gia trong nước cũng như nước ngoài. Vì vậy, ngoài tiền lương it ỏi, thu nhập của caddie chủ yếu ở tiền tip. Chỉ cần caddie chịu đi bộ ngoài nắng, vui vẻ và phục vụ chu đáo là có thể được khách chơi "tip" rất hậu. Theo số đông các caddie thì người Việt chịu chi tiền tip cho các caddie hơn người nước ngoài. Nga cho biết: "Lương cơ bản của mình khoảng 1 triệu thôi nhưng tiền tip mỗi buổi khoảng 100 ngàn. Mỗi tuần nếu mình chịu khó đi khoảng 5 buổi thì được 500 ngàn rồi. Thu nhập, vì thế cũng khấm khá hơn". Những khi tới ca ban đêm thì khoẻ hơn nhiều, nhưng tiền tip thì không bằng.

Nữ caddie thường là các cô gái trẻ, có ngoại hình, độ tuổi từ 19-25. Vì vậy, câu chuyện "kiều nữ và đại gia" vẫn thường được các caddie truyền tai nhau. Trong giờ làm, caddie thường mang trang phục kín mit. Sân golf cũng có quy định, caddie không được gọi điện cho khách, không được tỏ ra thân thiết. Trong giờ làm việc của caddie, người chơi golf chẳng có biểu hiện gì ngoài việc... chơi golf. Tuy nhiên, điều đó không hạn chế được một cái liếc mắt lúng liếng nào đó. Một số caddie có những mối quan hệ riêng với khách chơi golf. Họ thường có những cuộc "offline" riêng sau những đường bóng.

Caddie Hà cho biết:"Một phần vì chất lượng phục vụ, một phần vì cảm tình riêng, nhiều người chơi phải đợi đúng caddie mình cần thì mới chịu vào sân". Hân (năm 2, ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ), bức xúc: "Một số người vào đây không chỉ để chơi golf. Sau khi caddie xong công việc của mình thì mượn cớ caddie vất vả, họ mời đi karaoke, nhậu nhẹt. Đã có không ít caddie không giữ được mình trước các cám dỗ của đại gia". Tuy nhiên, theo H.Tiên, một caddie có thâm niên 5 năm: "Đó chỉ là một vài đối tượng không giữ mình, mượn danh caddie để làm việc không lành mạnh". Và vì thế, caddie vẫn luôn là nghề làm thêm hấp dẫn cho các nữ SV năng động, có bản lĩnh.

Theo SVVN

Đời khâu vá


Chấp nhận cuộc sống xa quê hương, gia đình, con cái, họ - những người đàn ông, đàn bà làm nghề may và dọc lề những cung đường fashion chốn Sài Thành đô hội - luôn mang nặng trong mình những nỗi niềm khó gọi thành tên.

Đất chật người đông

Đường Trần Huy Liệu, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sỹ (Q.3), đường Huỳnh Văn Bánh (Q. Phú Nhuận)…từ lâu nổi tiếng là những cung đường của thời trang. Chính vì vậy, đây đã trở thành địa điểm lý tưởng cho cánh thợ may đóng quân xây dựng cơ nghiệp. Nói là cơ nghiệp cho sang, thực chất tài sản của mỗi thợ may không có gì lớn lao: một máy may cà tàng, một chiếc kéo cắt vải, chiếc kìm, cái búa, cái tô vít… và một cái dù đủ che cái chỗ ngồi được xếp vừa khéo để không ngăn cản lối đi của người đi bộ trên vỉa hè.

Anh Tùng, một thợ sửa quần áo có nhiều năm hành nghề tại góc đường Trần Huy Liệu giao với Lê Văn Sỹ, cho biết: “Mấy năm trước mình làm nghề này thấy sống cũng ổn nên rủ thêm đôi ba anh em vào theo. Không ngờ bây giờ anh em lại rủ thêm các anh em khác nên thật tình mà nói bây giờ đất đã chật người đã đông rồi đây!”. Anh cũng khẳng định: “Thợ sửa cứ mỗi năm mỗi tăng nên công việc cứ ngày một ít vì anh em phải chia sẻ khách hàng cho nhau để cùng nhau sống!”. Vì cùng là dân quê chất phác nên anh Tùng và các anh em khác không bao giờ vì tranh giành khách hàng mà xích mích hoặc gây lộn.

Tiếp tục khảo sát tại các đường nổi tiếng về thời trang như đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi (Q.5, Q.1), Hồ Xuân Hương (Q.3), Hai Bà Trưng (Q.3), Trần Huy Liệu, Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận)... ở đâu chúng tôi cũng có thể bắt gặp được rất nhiều người thợ sửa quần áo đủ cấp tuổi, giới tính. Riêng một khúc đường cụt dày đặc các shop thời trang, đoạn gần ngã tư đường Nguyễn Trãi giao với Nguyễn Văn Cừ (Q.1), có đến khoảng chục thợ sửa quần áo. Anh Hoàng quê Trà Vinh, thợ sửa ở đây được 7 năm cho biết: “Công việc thì lúc nào cũng vậy, không tăng hơn bao nhiêu, nên khi thợ nhiều thì việc ít lại, cuộc sống khó khăn hơn…”.

Chắt bóp từng đồng

Theo tính toán của chú Nguyễn Văn Chúc, trong thời buổi cái gì cũng tăng giá như hiện nay thì mỗi lần lên lai một chiếc quần dù đã tăng lên 7.000 đồng, chỉ mua được đúng nửa kg gạo. Trong số những thợ sửa mà chúng tôi tiếp xúc, ít người có được thu nhập khá. Số đông trong số họ thường xuyên ở trong tình trạng “đói kém”, đứng trước nguy cơ bỏ nghề. Anh Quang Huy, tuy mới cưới vợ dưới quê Cần Thơ chưa được bao lâu đã phải sống xa vợ, có khi phải biền biệt vài tháng trời mới dám về thăm một lần. “Tháng nào dư được khoảng triệu mấy mới dám về thăm vợ, tháng nào được chỉ vài trăm thì chỉ gửi tiền qua bưu điện, dù quê Cần Thơ không xa lắm và cũng nhớ vợ quá chừng”- anh Huy cười hiền cho biết.

Anh Nguyễn Thành, thợ sửa quần áo tại đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) tâm sự: “Tôi đến với nghề may vá này cũng là bất đắc dĩ. Ngoài quê (Ninh Bình) cuộc sống cơ cực lắm. Vào đây tuy không kiếm được nhiều song cũng có đồng ra đồng vào”. Anh cho biết chi phí cho cuộc sống mấy năm nay ở Sài Gòn quá cao nên chẳng dư giả gì. “Làm thợ sửa đã ba năm nay nhưng tôi mới về quê được đúng một lần, rồi lại đi biệt tích…đến nỗi hai đứa con nhỏ không nhận ra tôi khi về thăm chúng” - anh nói.

Điều mà những người thợ may vá sợ nhất là…. mưa, “bởi trời mưa thì chúng tôi không thể ngồi may vá. Thà trời nắng còn che dù được chứ mưa thì chẳng cách nào che chắn cho khỏi ướt. Vì vậy mà có ngày chúng tôi phải bù lỗ… bởi dù không có khách thì ngày vẫn phải ba bữa cơm hoặc bánh mì” - Anh Quang Huy quê Cần Thơ, sửa áo quần tại đường Nguyễn Trãi (Q.1) than thở.

Tận tâm với công việc

Cuộc sống ngày một khó khăn, thợ sửa ngày một đông, “vì vậy, muốn hút khách thì thợ sửa phải có những bí quyết nghề nghiệp cho riêng mình” - anh Hoàng cho biết.

Cô Trang, chú Cường là cặp vợ chồng có thâm niên và khá nổi tiếng trong giới sửa đồ cũ tại Sài Gòn. Vợ chồng cô chú sửa đồ trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) từ gần 30 năm nay. Cô Trang cho biết bí quyết thu hút khách của của vợ chồng mình là làm nhiệt tình, chú ý đến từng đường kim mũi chỉ, “sao cho quần áo khách hàng lúc mang về phải đẹp hơn lúc mang đến. Bởi đó là mục đích duy nhất mà khách hàng mong muốn. Mình không thể làm qua loa, ẩu tả chỉ để lấy tiền khách hàng được”. Cô Trang cũng chia sẻ thêm: “Với những quần áo mà mình biết là không thể sửa được nữa thì không nhận. Thà mất lòng trước được lòng sau”.

Có lẽ chính nhờ bí quyết gắn với cái tâm nghề nghiệp như vậy mà cô chú Trang - Cường có được nhiều vị khách là Việt kiều từ rất nhiều nước tin tưởng, gửi đồ về Việt Nam nhờ người nhà mang ra chỗ cô chú Cường Trang để sửa. Tương tự, anh Hoàng cũng có những cách để thu hút và giữ chân khách. Anh cho biết trước tiên phải học nghề một cách bài bản, chứ không như đa số thợ chỉ biết sửa một vài lỗi thông thường, hoặc có sửa các lỗi phức tạp thì không đẹp được. Nhờ vậy anh có không ít khách hàng “ruột” là Việt kiều, thu nhập nhờ vậy có khá hơn nhiều thợ khác.

Người thợ mới vào nghề như chú Lê Văn Chí, sửa đồ mới được 5 tháng tại đường Rạch Bùng Binh (Q.3) thì chia sẻ: “Do mới học nghề nên tay nghề còn non quá, chỉ sửa được lai quần, may vá mấy đường đơn giản… nên mấy tháng nay phải sống nhờ sự trợ giúp của một người cháu (làm chủ hiệu bán quần áo). Nhiều lần nghĩ nản muốn bỏ nghề vì thấy cuộc sống ở Sài Gòn sao khó khăn, khác xa những tưởng tượng ban đầu”... Chú Chí cho biết, ngoài quê, vợ và bốn con đang còn đi học vẫn hàng ngày hàng giờ trông chờ từng đồng chú gửi về.

Vũ Thành (Doanh nhân)

Chuyện về hai người thợ giày ở chợ Bến Thành


Chú Hiếu (bìa trái) đang sửa giày cho khách
Góc đường Lê Thánh Tôn-Phan Bội Châu (gần chợ Bến Thành quận 1, TP.HCM) có hơn chục người kiếm kế sinh nhai bằng nghề “tân trang nhan sắc” giày dép. Mỗi người có khoảng một mét vuông đủ để túi đồ nghề và cái ghế ngồi. Trong số đó, có hai người thợ “đặc biệt” với tuổi đời và chuyện nghề.

Người thợ cả với 26 năm sửa giày

Chú Hiếu (62 tuổi, nhà ở quận 4) đã 26 năm đều đặn ngồi nơi vỉa hè ấy. Chú Hiếu là “thợ cả” vì đa phần thợ ở đây đều là học trò hoặc học nghề lại từ học trò của chú. Mỗi năm chú chỉ nhận hai đến ba người. Đầu tiên người học nghề phải biết cách khâu, mũi khâu phải đều và đẹp, khó nhất là phải khâu được vào tận cuối mũi của chiếc giày..

Khi tôi đến, chú đang cắt dán miếng cao su lót đế, tỉ mẩn lấy dao gọt lại rồi mài sao cho đế vừa vặn. Công việc sau cùng là phủi bụi và đánh xi bóng lại. Đôi giày cũ trở nên bóng đẹp hơn hẳn. Đó chỉ là sửa chữa đơn giản, có khi khách muốn làm nhiều khâu từ đóng đế đến dán keo, may quai, lúc ấy người thợ phải mất nhiều thời gian hơn.

26 năm hành nghề, chú Hiếu đã dạy cho khoảng 50 học trò. Nhiều người học xong ra riêng hoặc tiếp tục truyền nghề cho người khác. Riêng năm nay chú Hiếu chỉ nhận một học trò tên là Sang quê ở Tiền Giang. Vài năm trước, Sang từ quê lên TP.HCM làm công việc bốc vác, đẩy xe rau quả từ chợ Bến Thành đến những nhà hàng gần đó. Thấy Sang vất vả mà cuộc sống lại bấp bênh, chú Hiếu kêu Sang về phụ việc và học nghề. Bây giờ, với nghề sửa giày dép, Sang đã có cuộc sống khá hơn và dư chút tiền gửi về quê nhà. Năm ngoái, chú Hiếu bị tai nạn giao thông phải đi bệnh viện băng bó chân. Nhưng hôm sau chú lại tất tả ra chỗ làm để không trễ hẹn với khách. Chính vì sự uy tín và giao hàng rất đúng hẹn của chú mà khách hàng tìm đến ngày càng đông hơn.

Mỗi thợ kiếm được khoảng trên dưới 200 ngàn đồng một ngày. Ngoài chi tiêu cho gia đình cũng chẳng dư dả là bao nhưng chú Hiếu vẫn luôn sẵn sàng ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn. Lâu nay, cứ đều đặn chú đem tiền để dành đến góp cho một quỹ từ thiện.

Người thợ sửa giày biết hai ngoại ngữ

Người em ruột đồng thời là học trò của chú Hiếu là chú Ngọc cũng đã gắn bó với công việc sửa giày 25 năm. Chú Ngọc kể: “Năm 1983, thất nghiệp nên tôi theo anh ra vỉa hè này ngồi. Những năm đó hiếm có người đi giày vì đời sống kinh tế đang nghèo khó. Bởi vậy, sáng đi làm chỉ uống cà phê đen, bữa nào khá có thêm cái dầu cháo quảy lót dạ, rồi nhịn đói tới tối mới được ăn cơm. Mấy năm nay, khi đất nước mở cửa, đời sống khá lên, công chức đi làm đều mang giày thì thợ sửa giày dép như chúng tôi mới sống được”. Chú Ngọc nhắc lại những năm khó khăn có mỗi một cái áo để mặc đi làm. Cái áo mặc năm này qua năm khác được vá chằng vá đụp đến nỗi nó dày lên và trở thành... cái áo ấm. Đến nay nghề sửa giày đã giúp gia đình chú Ngọc có đủ cơm ăn áo mặc nhưng cái áo ấy vẫn được chú giữ lại như một kỷ vật.

So với nhóm thợ giày, chú Ngọc nổi bật hơn vì có thể nói thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp. Chính vì nói chuyện và hiểu được khách hàng muốn sửa chữa hay thêm bớt chi tiết nào trên đôi giày nên khách nước ngoài tìm đến chú. Trong đó có các lãnh sự quán tại TP.HCM đến ông Tây ba lô là khách hàng của chú. Chú Ngọc kể, có một nhân viên Lãnh sự quán Nga là khách ruột của chú, sau khi hết nhiệm vụ về nước, anh nhân viên đó mách lại cho người đồng nghiệp kế nhiệm tìm đến chú để sửa giày. Ngoài chú Hiếu, chú Ngọc, những người thợ giày bên hông chợ Bến Thành cũng có 10-20 năm trong nghề. Anh Tuấn (nhà ở Bà Chiểu, Bình Thạnh) năm nay 35 tuổi nhưng đã có 20 năm ngồi ở góc đường này.

Chị Kimura - quản lý một nhà hàng Nhật ở quận 1 thường xuyên tìm đến chú Ngọc, khi thì nhờ đóng gót đế mòn, khi thì nới lại quai cho vừa chân. Có lúc chị Kimura đem liền cả ba đôi giày, dép đến nhờ chú Ngọc tân trang.

“Bỏ ra vài chục ngàn để tận dụng mang lại đôi giày, đôi dép đắt tiền còn tốt thay vì vứt đi là một cách tiết kiệm” - chị Kimura đã nói như vậy. Và những người thợ giày ở góc đường Lê Thánh Tôn-Phan Bội Châu lâu nay đã trở thành một “thương hiệu” uy tín, được nhiều người Việt Nam và khách nước ngoài tìm đến nhờ “tút lại dung nhan” cho đôi giày của họ. Riêng người thợ không nói ra nhưng luôn thầm cảm ơn góc vỉa hè đã giúp nuôi sống họ cùng gia đình.

Nguồn: Báo Pháp luật TPHCM

Đứng, chào và... mỉm cười!


Ở một số nhà hàng, khách sạn lớn của TP.HCM, người ta thường thấy các chàng trai, cô gái trẻ đẹp, ăn mặc như những chàng hoàng tử, công chúa đứng chào khách ở cổng vào, cầu thang máy.

Nhiệm vụ của họ tưởng chừng như đơn giản, chỉ đứng - chào khi khách đến và về. Thế nhưng để có được một chỗ đứng như thế, họ phải trải qua nhiều vòng loại khá gắt gao, từ chiều cao, cân nặng, gương mặt đẹp đến trình độ đại học và ngoại ngữ tốt...

Chín năm đeo bám nghề

Ngay từ khi còn là một nữ sinh trung học, Tuyết Vân (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) đã bương trải làm thêm để trang trải cho cuộc sống. Mặc dù gia đình có điều kiện, ở thành phố nhưng do bản tính ham làm, ham học hỏi nên nhiều khi bạn phải trốn gia đình đi làm.

Lúc đầu, như bao bạn khác, công việc chủ yếu của Vân là đi phục vụ nhà hàng, khách sạn, tiệc cưới. Làm được hai năm, do công việc không thường xuyên, lúc nhà hàng cần thì Vân lại bận việc, đến lúc rảnh rỗi cả ngày lại không có việc để làm nên năm 2001, Vân nảy ra ý tưởng tập hợp sinh viên các trường trong địa bàn thành phố để phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn. Ban đầu chỉ là những tiệc cưới, nhà hàng nhỏ mà Tuyết Vân cùng các bạn hay làm, giờ đứng ra nhận thầu riêng cho các bạn trong nhóm có việc làm thêm, ổn định hơn. Bởi thế, số thành viên không ngừng tăng lên từ 50, 70 rồi 100 người với phạm vi rộng khắp thành phố.

Vân bật mí: “Hiện nay “vốn” của mình cũng kha khá với hơn 100 sinh viên làm việc thường xuyên ở 14 nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố, hàng trăm bộ đồ đủ các loại từ đầm, áo dài, sườn xám dành cho nữ, vest, áo dài khăn đóng dành cho nam trị giá gần cả trăm triệu đồng”. Suốt chín năm đi làm và bảy năm làm “chủ”, công việc của Vân luôn tất bật, nhiều khi căng thẳng chỉ muốn giải tán nhóm nhưng rồi hình như cái duyên gắn bó với nghề nên không dứt ra được.

Suốt chín năm gắn bó với nghề, uy tín dàn chào Tuyết Vân dần dần được tăng lên qua những lần phục vụ chu đáo, tận tình, tinh thần phục vụ cao và không ngừng phát triển các thành viên trong nhóm.

Làm dâu trăm họ

Làm nghề đứng-chào xem qua ai cũng nghĩ là dễ, ấy vậy mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết những gian truân của nghề.

Bạn Trịnh Viết Hùng, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, người có hơn hai năm kinh nghiệm trong nghề tâm sự: “Mình bắt đầu làm nghề đứng-chào từ hồi cuối năm nhất. Lúc mới vào mình cũng không hiểu phải làm gì. Sau đó, được bạn bè hướng dẫn trong một buổi rồi đi làm luôn. Làm nghề này không phải học gì mấy, chỉ cần đứng sắp hàng nghiêm chỉnh và chào mỗi khi khách đi vào và đi ra là được”.

Tuy nhiên, dù công việc chỉ đứng-chào thôi nhưng nhiều khi các bạn giống như người làm dâu trăm họ. Có lúc đang đứng chào, vài ba ông khách chạy lại nhờ sắp thêm cho bộ bàn ghế, có người lại nhờ hướng dẫn chỉ đường đến chỗ này chỗ nọ, thậm chí nhiều khi còn kiêm luôn vai trò chỉnh sửa quần áo cho cô dâu, chú rể trước khi vào làm lễ. Minh Tuấn làm dàn chào trong nhóm BX kể về kỷ niệm khó quên trong ngày đầu tiên đi làm: “Hôm đó, do đội khánh tiết thiếu người nên mình phải làm thay, tay cầm lọng che cho cô dâu, chú rể. Do mải chú ý bên trên và không để ý nên mình giẫm phải váy của cô dâu dài cả mét, may sao do đi chậm nên cô dâu không bị té, chứ không thì... Trong lúc lộn xộn, một bạn nữ trong đội khánh tiết nhanh ý chen lên nâng tà váy của cô dâu, cứu nguy cho mình. Hú hồn!”.

Hương Thảo, một thành viên trong nhóm dàn chào Tuyết Vân bộc bạch: “Làm nghề đứng-chào này bọn mình được tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều khách nước ngoài, có điều kiện giao lưu học hỏi thêm ngoại ngữ. Bên cạnh đó, sau mỗi giờ làm, mình cảm thấy trở nên duyên dáng, hành động, cử chỉ cũng nhẹ nhàng, tế nhị hơn. Nếu có việc làm đều, nhiều sinh viên cũng có thu nhập khá, khoảng trên dưới một triệu đồng”.

Làm chơi, ăn thiệt!

Có thể nói nghề đứng-chào hiện đang thu hút một lượng đông sinh viên tham gia. Hiện tại trên địa bàn thành phố có năm “tập đoàn” dàn chào với số lượng mỗi đội từ vài chục đến vài trăm người. Tất cả đều do sinh viên các trường đại học đứng ra tổ chức, quản lý và cạnh tranh khốc liệt với các công ty tổ chức sự kiện, công ty lữ hành du lịch.

Do đội ngũ nhân viên chủ yếu là sinh viên nên vào mùa cao điểm như hội nghị, tiệc cưới thường trùng vào những tháng cuối năm cũ hoặc đầu năm mới, thời gian đó sinh viên bận học tập, ôn thi nhiều. Đặc biệt là những ngày tốt, hầu hết các nhà hàng đều có tiệc nên việc điều tiết người gặp nhiều khó khăn, nhiều khi bị vỡ hợp đồng, phải chịu mức bồi thường lên đến 200%.

Lấy cớ người làm dàn chào là sinh viên, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng dùng chiêu ép giá. Nếu không muốn hợp tác, họ chỉ cần lấy cớ nhân viên có ngoại hình xấu, không chịu tươi cười khi đón khách là cắt tiền dịch vụ, đồng thời đơn phương cắt hợp đồng mà không chịu bồi thường.

Khó khăn, cạnh tranh là vậy nhưng nhiều sinh viên, đặc biệt là các bạn nữ vẫn ham làm vì theo như Thu Hằng, sinh viên Trường Tôn Đức Thắng: “Làm nghề này không mất nhiều thời gian mà tiết kiệm chi phí như xăng xe, đi lại. Bọn mình chủ yếu làm việc trong phòng có máy lạnh, công việc cũng nhẹ nhàng, không phải phơi mặt ra đường như làm các nghề khác. Mỗi tuần làm việc vài ngày, một ngày làm việc chỉ từ một đến một tiếng rưỡi mà được 50.000 đồng nên cũng góp thêm một phần nhỏ để trang trải cuộc sống”.

Riêng đối với những “ông bà chủ sinh viên”, thu nhập bình quân mỗi tháng của họ cũng không tệ chút nào. “Do mình phải bỏ toàn bộ chi phí như quần áo, tiền điện thoại nên mỗi lần đi làm, mình thu của các bạn sinh viên 10.000 đồng và trả cho các bạn 50.000 đồng. Tháng nào ký được nhiều hợp đồng mình thu được trên 10 triệu đồng, tháng nào ít cũng được vài ba triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên trong thời điểm khó khăn” - một trưởng nhóm dàn chào cho biết.

(Pháp luật TP.HCM)

Nghề… tự do


Chuyên gia làm nghề tự do thuyết trình dự án với khách hàng
Đang làm việc ổn định với chức danh quản lý nhân sự, hưởng lương “cứng” 600 USD một tháng tại một doanh nghiệp nước ngoài, đột nhiên, Minh Trang làm đơn xin nghỉ việc. Bạn bè cứ ngỡ cô ấy bị “sốc” về tình cảm, nên bỏ việc. Nhưng gần đây, nhiều người ngạc nhiên thấy Trang cắm cúi làm việc… ở nhà, tinh thần rất thoải mái và tỏ ra khá rộng rãi trong chi tiêu. Trang nói rằng mình đang làm “nghề… tự do”.

Với công việc sở trường là xây dựng hệ thống quản lý nhân lực theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Mỗi hợp đồng thường được thực hiện trong vòng một - hai tháng, với khoản thù lao từ 3.000 đến 4.000 USD.

Trang cho biết, để giành được các hợp đồng phải vượt qua được nhiều cuộc “đấu thầu”. “Đây thực sự là những trận quyết đấu với không ít đối thủ sừng sỏ, kể cả những công ty chuyên ngành đã có uy tín trên thị trường. Ở đó, các ứng viên không chỉ thể hiện được năng lực chuyên môn, mà còn phải biết cách tạo được hình ảnh đẹp cho bản thân trong mắt các vị “giám khảo” cũng như thiết lập được mối quan hệ tốt với các khách hàng”, Minh Trang bộc bạch về nghề mới của mình.

Thu nhập hấp dẫn

Lê Minh, trước đây là một phóng viên khá nổi ở một tờ báo lớn tại TP HCM. Thế nhưng, từ khi có gia đình, do sức ép về tài chính buộc anh phải nghĩ đến chuyện đổi nghề. Vốn có nhiều mối quan hệ, cộng với kinh nghiệm tích lũy trong hơn chục năm làm báo, ban đầu anh làm chuyên viên PR cho một công ty tư nhân với mức lương cơ bản 7 triệu đồng một tháng. Cộng thêm các khoản khác, mỗi tháng anh kiếm không dưới chục triệu.

Nhưng công việc này làm anh ít có thời gian gần gia đình, vợ con. Nhận thấy những bất ổn đó, cách đây hai năm anh quyết định xin nghỉ việc để làm nghề… tự do (freelance). Anh thực hiện các hợp đồng và các chiến lược PR cho nhiều công ty ngay trên bàn làm việc ở nhà của mình. Hiện, thu nhập của anh gấp ba - bố lần so với trước.

Lê Minh cho biết: “Mặc dù có những tháng thu nhập của tôi lên tới 3.000 - 4.000 USD, nhưng có những tháng chẳng được đồng nào”. Theo anh, khách hàng chỉ cần đến những “chuyên gia” làm nghề tự do khi nhân viên của họ đã thực sự… chào thua. Bởi chi phí cho người làm nghề tự do rất cao. Cũng vì các khách hàng “cần” khi đã vào… thế bí, nên thời gian dành cho việc thực hiện các bản hợp đồng này thường là rất ít. Anh kể, có những hợp đồng, lẽ ra bình thường phải mất đến 20 ngày, nhưng khách hàng yêu cầu phải hoàn tất chỉ trong một tuần. Thế là mỗi ngày phải làm việc tới 20 giờ. Sau khi hoàn thành hợp đồng, anh bị sút… ba kg.

Anh Tuấn, nguyên là Giám đốc thương mại Công ty RS Vina (Bình Dương), hiện đang làm nghề tự do với công việc xây dựng phương án tái cấu trúc sản xuất cho các doanh nghiệp, cho biết, cứ xong một hợp đồng là anh bị stress. “Nhưng biết làm sao được, thời gian là quan trọng nhất. Đừng nói đến chuyện trễ hợp đồng ở công việc này”, Anh Tuấn nói. Chính vì thế, tính “bờ rồ” (chuyên nghiệp - profession) được những người làm nghề tự do đặt lên hàng đầu.

Làm nghề đang thực sự trở thành một xu hướng mới trong thị trường lao động. Theo thống kê của một công ty “săn đầu người” uy tín, chỉ riêng tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, trong vòng hai năm trở lại đây, đã có khoảng 500 người (trước đây vốn nắm giữ các vị trí chủ chốt, quan trọng ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước) đã chuyển sang làm các nghề tự do.

Xây dựng dự toán, thiết kế kỹ thuật, tổ chức các hệ thống quản lý nhân lực, tái cấu trúc hệ thống tiền lương… là công việc của những người “tự do”. Đặc biệt, hai công việc mới mẻ nhưng khá “đắt hàng” của dân “tự do”: mua bán ý tưởng và viết lời quảng cáo.

Nghề tự do được coi là khá thích hợp với lao động trẻ, năng động, thích tự do bay nhảy. Tuy nhiên, “hành trình” trở thành người làm nghề tự do thành đạt cũng là một cuộc phiêu lưu. Dù có thu nhập cao, có điều kiện thể hiện năng lực bản thân. Nhưng cái nghề này cần một trình độ cao, có nhiều khả năng tổng hợp, dám chấp nhận rủi ro.

Đức Minh (baodatviet.vn)

Buôn bán thời blog

Yahoo 360 vẫn đang chiếm thế độc tôn và gây ảnh hưởng lớn đến bạn trẻ Việt. Hầu như công dân @ nào cũng đang sở hữu ít nhất một blog. Dần dà, một mô hình kinh doanh thời blog đã ra đời và ngày càng làm ăn phát đạt.

Blog - shop online thân thiện!

Với khởi nguồn rằng blog là nơi kết nối bạn bè, bộc lộ tâm tư tình cảm với từng thời điểm bất kỳ, mang trách nhiệm truyền tải những thông điệp về cảm xúc, suy nghĩ của giới trẻ đến với mọi người, blog đem lại lợi ích thực sự cho teen Việt Nam. Đến nay, blog không chỉ là cuốn nhật ký mở, nó còn là diễn đàn văn thơ, nơi trao đổi những tác phẩm tuổi teen, những bài dịch đậm chất teen.

Blog còn là nơi phát động nhưng cuộc thi như “Bình chọn vịnh Hạ Long”, là nhịp cầu giao lưu của Free hugs… Các đạo diễn cũng cất công “dạo blog” để tìm những khuôn mặt dễ thương cho bộ phim của mình… Rất nhiều hoạt động đã diễn ra trên blog, trong đó phải kế đến hoạt động mua bán, kinh doanh các mặt hàng trên blog.

Nở rộ blog chuyên bán đồ thời trang


Hoàng Linh – chủ nhân blog chuyên bán đồ thời trang cho các bạn trẻ cho hay: “Với tính chất dễ giao lưu, dễ lan truyền, khả năng tiếp cận cộng đồng các bạn trẻ cao, cộng với việc vốn đầu tư ban đầu ít do không phải thuê cửa hàng, tránh được thủ tục thuế, giấy tờ kinh doanh phức tạp, tránh được cả những rủi ro khi chỉ định “làm ăn” nho nhỏ, mình đã thử kinh doanh một ít quần áo, coi như là học tập kinh doanh”.

Thương mại hóa blog đang đánh trúng tâm lý một số bạn trẻ ngại shopping ngoài đường, chỉ cần click chuột sẽ có người mang hàng đến tận nơi, hoặc có thể trao đổi online về kiểu dáng chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, biết biến blog từ mục đích giải trí thành nơi kinh doanh với mức chi phí đầu tư cực thấp, cộng thêm những cái đầu có “máu làm ăn” thì chuyện bạn “phát đạt” là không hề khó.

Những mặt hàng để bán trên blog vô cùng phong phú, và thường tập trung vào thị hiếu của những bạn trẻ. Đó là quần áo thời trang hợp mốt, giá cả dễ chịu, là những chiếc túi đi học đáng yêu, gấu bông bày tủ, cặp, nơ, vòng vèo…là thiệp làm tay, là tranh chép, thậm chí là cả đổi đồ cho nhau: tớ đổi lọ tẩy da chết lấy kem dưỡng Clinique của bạn….

Kèm theo đó là những câu trao đổi, hỏi giá cả với những biểu tượng Emoticons rất đáng yêu thân thiện của cả người bán lẫn người mua. Nơi mà khách trả giá với chủ blog bằng những câu ngọt như đường đậm chất teen: “Bạn ơi, bớt cho tớ 1 ít”, “Chị em mua hàng ủng hộ để tích tiền nghỉ mát đây”….

Comment mua hàng đậm chất Teen


Dạo shop blog, bạn chẳng những không mỏi tay, mướt mồ hôi, có khi lại thu được những kinh nghiệm về cách chọn đồ, phối đồ, cách sử dụng mỹ phẩm sao cho hiệu quả từ các bạn tham gia trao đổi mua bán.

Chiêu bài kinh doanh

Thân thiện là đặc điểm chủ yếu của shop blog, nhưng những chủ nhân blog đó không quên nhiệm vụ mình đang phải bán hàng, và những cách giật tít blog sao cho ấn tượng, lôi kéo sự thu hút của cư dân mạng cũng được các bạn quan tâm và áp dụng triệt để.

Tạo một theme blog bắt mắt phù hợp với những món đồ mình định kinh doanh, mỗi một entry giới thiệu sản phẩm lại là một chủ đề mới lạ đầy hấp dẫn. Như blog của Minh Trang – chuyên về váy cho bạn gái, Trang sắp xếp các entry theo chủ đề: “Hè năng động với váy ngắn” – “Khúc giao mùa ngọt ngào của váy voan mềm mại”….

Các mẫu mã dành cho Teen


Trang còn khéo léo up lên blast những đoạn dance clip tải về miễn phí, tặng quà miễn phí cho khách mua hàng. Vốn có chất giọng khá hay, Trang thu âm những bài hát sôi nổi ấn tượng làm quà tặng cho khách ghé thăm blog, những tấm hình độc đáo đủ thể loại, có cả những bộ hình do Trang tự chụp cách phối đồ thật trẻ trung được upload trong Album ảnh online, mách nhỏ về theme blog… và tất cả đều được download miễn phí.

Mạnh Trung – một sinh viên của Đại học Bách Khoa đang kinh doanh PC, laptop, mobile trên blog của mình đã đưa ra chương trình hậu mãi hấp dẫn, đó là sửa chữa máy tính miễn phí cho khách hàng. Giao hàng tận nơi với lời hứa hẹn ngộ nghĩnh: “Giao hàng mọi lúc mọi nơi 24/24, nắng nóng cũng đi, mưa bão không từ, miễn khách hàng vừa lòng.”

Kinh doanh trên blog đâu chỉ dành cho thời trang


Dù là kinh doanh thời blog cũng có cạnh tranh, tuy nhiên những công dân mạng đã thể hiện được sự cạnh tranh lành mạnh, không sang blog người khác comment những câu khiếm nhã, chê bai, nói xấu nhau.

Điều quan trọng nhất đối với mỗi shop blog là có được nhiều người truy cập, vậy nên mỗi cái quick comment dễ thương như: “món quà nhỏ dành tặng vị khách thứ 10.000” cũng đủ thu hút sự quan tâm của mọi người.

Điều khó khăn nhất đối với các shop blog là chức năng thanh toán, trừ khi giao hàng tận nơi và thu tiền bạn có thể chắc chắn về khoản tiền được nhận, còn ngoài ra, không có hệ thống tự động nhận và thanh toán cho sản phẩm bạn chọn.

Tất cả hoạt động mua bán vẫn diễn ra thủ công, làm mất thời gian cho chủ nhân blog, nhưng tất cả các blogger như Mạnh Trung đang kinh doanh shop blog đều hy vọng: “Có sự hỗ trợ về kỹ thuật của các nhà cung cấp dịch vụ, hứa hẹn tương lai mạnh mẽ hơn của hình thức kinh doanh trên blog”.

                                                   Thu Trang (www.vtc.vn)

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References