Thanh thản chấp nhận sự hỗn độn

Tôi rất thích một câu nói của Wallance Stegner vô cùng thích hợp cho chủ đề này: “Hỗn độn là quy luật vốn có của tự nhiên mà đưa nó vào trật tự chỉ là giấc mơ của con người”. Trong những lúc khó khăn nhất, căng thẳng, xáo trộn nhất và cả trong cuộc sống hàng ngày nơi công sở, tôi luôn tự nhắc nhở mình bằng câu nói này để tìm thấy niềm an ủi vô cùng lớn lao. Tôi nhờ thế lấy lại được tư duy và óc phán đoán.

Quả thật, hỗn độn vốn là quy luật của tự nhiên. Người này đến, người kia đi. Trào lưu này đến, phong trào kia đi. Các lợi ích và ước muốn đầy mâu thuẫn. Mọi thứ liên tục thay đổi. Xung quanh bạn là đống giấy tờ cao ngất trên bàn làm việc, là điện thoại reo, là các đòi hỏi, yêu cầu réo gọi. Đôi khi, bạn cố gắng hết mình và trở thành anh hùng trong mắt người này, nhưng đồng thời lại là kẻ thù trong mắt người kia – mà vẫn không hiểu nổi tại sao. Người này vui sướng vì thăng tiến, người kia đau khổ, giận dữ vì bị đuổi việc. Bạn tìm cách giúp đỡ họ nhưng lại làm cho mọi việc rối thêm. Mọi người căng thẳng, hoang mang, chán nản. Rồi khi bạn tưởng mình đã giải quyết được mọi chuyện ổn thỏa bạn lại bị ốm!

Mặc cho sự thật không thể chối bỏ này của tự nhiên, con người vẫn luôn mong mỏi đưa được điều gì đó vào trật tự. Ta ước mọi chuyện đừng thay đổi nữa, ta ước mình dự đoán được tương lai, biết được câu trả lời, ta ước mình giữ được thăng bằng tuyệt đối trong cuộc sống. Thế nhưng mặc cho mọi nỗ lực của bạn, sự hỗn độn của tự nhiên vẫn tồn tại.

Ngược lại, khi bạn đầu hàng quy luật này, bắt tay với nó, phép mầu sẽ đến với bạn. Bạn trải qua mọi hỗn độn bằng một sự điềm tĩnh, bằng cả đôi chút hài hước và óc tư duy. Tất cả nhờ vào sự kiềm chế nhu cầu được kiểm soát hoàn cảnh, nhu cầu đoán biết trước những gì sẽ xảy đến, bởi đây là tiền đề giúp bạn học cách đối mặt với hoàn cảnh mà không để nó ảnh hưởng đến mình.

Bí quyết ở đây không nằm ở sự tranh đấu chống lại thế giới hỗn độn. Nói cách khác, bạn đầu hàng hiện thực thay vì nhất định muốn nó theo ý mình. Trước hết, hãy thanh thản chấp nhận sự thật: cũng như khái niệm về trọng lực – hỗn độn là quy luật của tự nhiên. Chính sự đầu hàng này sẽ giúp bạn nhìn hỗn độn trong một ánh sáng mới. Bạn không bất ngờ, không bực bội với những gì diễn ra. Giờ đây, bạn có thể thanh thản nói: “nó lại đến”. Bạn chấp nhận, tôn trọng sự thật về sự tồn tại của nó, nhưng không để nó hạ gục mình.

Allison làm việc ca đêm trong một phòng cấp cứu của một bệnh viện nọ. Khi được hỏi thế nào là tình trạng hỗn độn, cô nói: “Đôi khi, từng phút như cơn ác mộng. Một người bị bắn nhập viện cùng lúc với một người gặp tai nạn nghiêm trọng. chúng tôi phải quyết định ưu tiên cho ai. Ở đó có cả nỗi đau và nước mắt. Bạn biết giúp ai trước khi cùng lúc mọi người đều cần đến bạn? Dĩ nhiên chúng tôi có quy tắc, chính sách, nhưng không phải lúc nào những quy tắc chính sách đó cũng phù hợp hay công bằng. Tôi thường xuyên bị mọi người réo gọi và không có thời gian để lấy hơi. Thế nhưng, mặc cho mọi hỗn độn, tôi đã học để giữ điềm tĩnh. Nếu không, điều quan trọng nhất là các bệnh nhân sẽ không được chăm sóc”. Cách cô miêu tả cho tôi một cái nhìn rõ ràng hơn về sự hỗn độn.

Ở một mức độ nhẹ hơn Allisa, tôi đã học để chấp nhận hỗn độn là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn không thích sự hỗn độn và làm tất cả để tránh, để giảm thiểu nó đến tối đa. Thế nhưng, tôi đầu hàng và thanh thản với sự thật nó là điều không tránh khỏi. Cuộc sống không thể dự đoán trước, càng không được êm ả như ta mong muốn. Nó có cách riêng của nó.

Chấp nhận điều này đã đem lại cho tôi những kết quả đáng ngạc nhiên. Vẫn rất nhiều chuyện xảy ra quanh tôi, những chuyện rất có thể đem lại thất vọng trong cuộc sống hàng ngày như: thư từ thất lạc, tính toán sai, những thời hạn công việc, bị từ chối v.v… nhưng sự khác biệt giờ đây là: chúng không còn ảnh hưởng đến tôi. Những gì vẫn từng làm tôi phát điên trước đây được tôi trả về với đíung vị trí của chúng – chỉ là một phần của sự hỗn độn mà thôi. Cuộc đời đã quá đủ những thách thức, không cần ta phải đấu tranh với những điều không có cách nào tránh khỏi. Hãy mở rộng lòng mình với sự hỗn độn, chấp nhận nó với đúng vị trí của nó. Rồi bạn sẽ thấy, rất ít chuyện có thể làm bạn bị tác động.

Richard Carlson
Phan Thanh Huyền – Phan Hồng Hà biên dịch

Biết điều mình yêu thích

Tựa đề cuốn sách bán đắt như tôm tươi của Marsha Sinetar nhắc nhở chúng ta “Hãy làm điều bạn yêu thích, tiền bạc sẽ đến theo”. Sở dĩ tác phẩm ấy được đón tiếp nồng nhiệt đến vậy có lẽ vì nó nhắc chúng ta những điều mà bẩm sinh chúng ta đã biết: “Khi ta say mê với công việc mình làm thì thành công sẽ đến”. Lòng say mê cuộc sống và say mê công việc của mình là một nhân tố quan trọng đưa đến thành công và giàu có.

Đam mê có lẽ là một sức mạnh bất khả ngăn chặn làm phát sinh năng lực, tính sáng tạo và năng suất. Khi bạn yêu thích việc mình làm thì khó mà không thành công. Sự say sưa mê mải của bạn bộc lộ rõ rệt và lây lan cả đến những người chung quanh.

Một phần của tiến trình hình thành sự đam mê trong công việc của bạn là chọn lựa việc bạn thực sự yêu thích. Việc đó đòi hỏi có ý thức và thường cần nhiều dũng cảm. Định hướng cho sự nghiệp hoặc thử thách những điều mới mẻ bất kể mình muốn nhiều hay ít, là đáng lo ngại lắm chứ. Dù sao đa số chúng ta quen tin rằng đi theo con đường yên ổn nào đó là cách chắc chắn đạt được sự bình yên.

Lo sợ là một lực mạnh mẽ có tính phá hoại rất cao ngăn cản nhiều người trong chúng ta theo đuổi những mơ ước của mình. Tuy nhiên nếu bạn nhìn kỹ vào hầu hết những người thành đạt, bạn sẽ thấy họ cũng thường phải đối mặt với những lo sợ tương tự như chúng ta và họ đã khắc phục chúng. Một vị thân chủ của tôi có lần nói rằng: “Tôi thường tự hỏi mình, cuộc sống này là của ai vậy? Và khi tôi không trả lời được câu hỏi đó tôi biết mình phải thay đổi thôi”.

Tôi có một câu chuyện riêng để củng cố thêm điều này. Nhiều năm trước đây tôi có chọn cho mình một con đường an thân. Không lâu sau khi tốt nghiệp đại học, tôi theo học Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Chuyện khó khăn là tôi theo không nổi. Giờ học nào tôi cũng nổi da gà và tôi biết mình đi trật đường mơ ước mất rồi. mặc dù bỏ cuộc là điều hết sức kinh hoàng đối với tôi, nhưng tôi chào thua và một đi không bao giờ trở lại. Tôi quyết định chọn con đường mình yêu thích thay vì theo một hướng đi “hợp lý” đã vạch trước. Đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất và quan trọng nhất trong đời tôi.

Bạn cần phải tự hỏi mình: Phí thời gian làm những việc mình không yêu thích có phải là điều an toàn không? Liệu bạn có thể làm tốt được một công việc mà bạn rất ngán ngẩm không? Tư duy của bạn có mới mẻ sáng tạo không? Đi thêm một quãng đường hoặc làm thêm những điều gì cần thiết để dẫn tới thành công có dễ dàng lắm không? Câu trả lời cho những câu hỏi này thật rõ: Không có đam mê, khả năng thành công của bạn chỉ ở mức tối thiểu. Hoặc là bạn phải vật lộn với cái sự nghiệp ngán như cơm nếp nát đó hoặc phải tung hê tất cả một lần thôi. Nhưng nếu lòng bạn đầy ắp đam mê thì lại tốt quá! Khi bạn đi theo lòng mình, khi bạn khám phá điều gì thật sự bồi dưỡng tâm hồn mình thì sự giàu có sung sướng đã chực sẵn trước cửa nhà bạn rồi đấy.

Richard Carlson
Trích từ “Mưu sự làm giàu” – NXB Trẻ

Làm nên những chuyển biến kỳ diệu

Nếu bạn đang tìm kiếm một lối thoát, một sự khởi đầu mới cho bản thân, điều này rất có thể sẽ giúp ích cho bạn. Chuyển biến là khi bạn thoát khỏi cách tư duy cũ kỹ, nặng nề và thay thế bằng một quan điểm mới mẻ, tích cực. Sự chuyển biến thường diễn ra vào những lúc bạn ít ngờ nhất. Nó hệt như khi bạn đang tập xe đạp. Phút này bạn không giữ nổi thăng bằng nhưng phút sau, bạn đã chạy được xe.

Chuyển biến rất có thể là kết quả sau những kinh nghiệm bạn đã trải qua, dưới muôn hình vạn trạng: bạn quyết định từ bỏ một thói quen không hay, bạn chợt nhận ra một xu hướng xấu trong thái độ, cách cư xử của mình…

Có một cách rất đơn giản. Hãy nhìn nhận lại toàn bộ thói quen của bản thân mà bạn cho rằng mình cần phải thay đổi. Sau dó tự nhủ mình muốn thấy sự chuyển biến ở đây. Ví dụ, nếu bạn uống quá nhiều rượu bia, hãy thầm ước mình sẽ bỏ được thói quen này. Nếu phát hiện mình là người luôn đến trễ, ước mình trở thành người đúng giờ. Nếu thiếu kiên nhẫn, ước ngày nào đó, mình sẽ nổi tiếng với tính kiên nhẫn…

Có lần, tôi đang ngồi nói chuyện với một người. Bất chợt, anh nhận ra mình có tính hay phê phán. Anh thốt lên: “Không thể tin nổi mình từng sống như thế”. Lúc này hay lúc khác, có những điều bạn chợt hiểu ra như thể mình chưa từng biết đến. Đó chính là khi bạn tự nhủ mình muốn thấy những chuyển biến. Và chính những chuyển biến nho nhỏ này sẽ làm nên cả một cuộc sống mới cho bạn.

Điều này không chỉ vì một chuyển biến nào trong tư duy mà còn vì bạn tự rèn luyện cho mình khả năng đàn hồi, uyển chuyển trong thay đổi. Giả sử ai dó nhận ra thói quen “nóng nảy” của mình và cất giữ chuyển biến với nhận thức mới mẻ này ở đâu dó. Rồi mỗi khi cần thiết, anh ta sẽ tự dùng nó để nhắc nhở bản thân, rằng mình là người có khả năng thay đổi. Cùng với khả năng thay đổi, niềm tự tin cũng được củng cố.

Trong cuộc đời tôi cũng có những chuyển biến như thế. Trước hết, giống như nhiều người khác, tôi rất dễ nổi sung trước những lời chỉ trích. Nhận xét, phê phán của ngườ khác rất dễ làm tôi có cảm giác bị tấn công. Vậy là tôi phải phòng thủ và tự vệ. Nhưng khoảng 15 năm trước, tôi đã làm nên một chuyển biến. Vào lần đó, khi bị phê phán, bằng bản năng trỗi dậy, tôi muốn được bảo vệ như thường lệ, các ý nghĩ giằng co trong đầu tôi. Thế nhưng lần đầu tiên, tôi chợt nhận ra điều gì đó, rằng các cảm xúc này sẽ chỉ đẩy vấn đề lên, và rằng tôi có quyền lựa chọn cho mình một phản ứng, đồng thời một cảm xúc đi kèm với nó.

Tôi thấy rõ mình là người tạo ra mọi ý nghĩ. Những lời chỉ trích kia đang nhắm đến tôi nhưng khi đã vào đầu tôi, nó phải chịu sự quyết định của các ý nghĩ. Thiếu sự đồng tình của ý nghĩ, nó chằng là gì cả! ôi so sánh nó với tấm séc – một khi chưa được ký, nó hoàn toàn không có giá trị. Chính vì thế, chỉ khi nào tôi cho phép, những lời chỉ trích kia mới có khả năng làm tôi bị tổn thương.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi gạt bỏ được những lời phê phán – không tổn thương, cũng không muốn tự vệ, trả đũa. Kể từ sau lần đó, tôi rất ít khi bận lòng trong những tình huống tương tự.

Những gì tôi trải qua dĩ nhiên không hề đặc biệt mà chỉ là một trong số rất nhiều những ví dụ mà thôi. Tôi muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện này bởi một khi bạn nhận thấy mình có thể làm nên một thay đổi, bạn sẽ tiếp tục với các thay đổi khác trong cuộc đời. Và thường những thay đổi này được bắt đầu chỉ với ý nghĩ, với hy vọng rằng mình còn cách tư duy, còn con đường khác cho những mâu thuẫn, khó khăn trong cuộc sống.

Richard Carlson
Thăng tiến trong sự nghiệp – NXB Trẻ

Hãy coi chừng những điều bạn không biết và những thứ bạn không giỏi

Khi đọc những bài luận văn ở trường quá tệ của tôi, ba tôi thường bảo tôi rằng: “Này Richard, con dở môn chính tả thì chẳng có gì nghiêm trọng cả, nhưng điều quan trọng là con phải biết con dở môn đó. Phải biết như thế để khi không viết đúng được một từ nào đó thì con mở từ điển ra xem”. Ba tôi nói thật đúng! Về một chút hiểu biết này thôi có lẽ tôi đã thua xa nhiều người khác hàng cây số.

Ba tôi hoàn toàn đúng, nhưng không chỉ về mặt chính tả. Ý tưởng của Ba tôi có lẽ áp dụng được cho bất cứ điều gì. Trong công việc của tôi chẳng hạn, tôi không nhất thiết phải là một biên tập viên giỏi miễn là tôi biết nhược điểm và giới hạn của mình. Tôi có thể thuê một ai đó lấp vào chỗ yếu của tôi. Tương tự như thế, tôi không phải là một tay điều phối viên tài năng trong việc chắp ghép các chi tiết trong một bài văn diễn thuyết cho có mạch lạc. Cũng chẳng sao, tôi có thể thuê một người giỏi làm việc đó. Làm như thế luôn luôn là điều khôn ngoan và, về lâu dài, có lẽ ít tốn kém chi phí mà được lợi nhiều hơn. Nếu có vấn đề gì thì đó là khi tôi không biết rằng mình không giỏi bằng người khác hoặc tôi không muốn nhìn nhận sự thật đó.

Bạn có thể rất giỏi trong một số lĩnh vực và rất dở ở những thứ khác. Thế thì sao? Thế thì tại sao bạn lại phải tự làm khổ mình và phí thời giờ vật lộn với những thứ không phải là sở trường của bạn? Nói vậy không có nghĩa là bạn không thể học thêm điều mới mẻ gì nữa hoặc không nên trau dồi khả năng đang có. Tôi chỉ muốn nói bạn nên dành thì giờ đó cho thứ gì mà bạn thông thạo nhất và cần thiết cho công việc chính của bạn vẫn tốt hơn. Bạn rất dễ bị sa lầy vào thứ công việc không chuyên môn. Đương nhiên là có nhiều việc phải được thực hiện hoặc hoàn tất, nhưng không nhất thiết bạn phải làm những thứ mà bạn chẳng giỏi giang hơn người có chuyên môn.

Richard Carlson
Trích từ “Mưu sự làm giàu” – NXB Trẻ

Nữ Tổng giám đốc 21 tuổi

Trẻ đẹp, giàu có, ăn mặc thời trang, đó là chân dung Đổng Tư Dương, nữ Tổng giám đốc thế hệ 8X của Trung Quốc. Không ai ngờ rằng, từ ba năm nay, cô gái trẻ này đã là sếp của hơn một ngàn nhân viên và được mọi người nể phục.



Đổng Tư Dương sinh ở Đại lục vào năm 1985. Ngay từ nhỏ, cô mơ ước trở thành ca sỹ. Năm 13 tuổi, cô sang Singapore du học.

Một thân một mình nơi đất khách quê người, cô vừa học, vừa đi làm bằng cách phụ cho cửa hàng bán hoa và quen dần với cách sống tự lập.


Khát vọng làm giàu

Năm 17 tuổi, cô được đọc cuốn "Những câu chuyện về doanh nhân châu Á" và tự nhủ mình sẽ trở thành nữ doanh nhân Trung Quốc thành đạt nhất lịch sử.

Để thực hiện giấc mơ, Đổng Tư Dương làm đủ mọi việc: mở hiệu bán đồ trang sức, đi tiếp thị, làm trợ lý chủ hiệu... Cho đến một dịp Tết, nhờ kinh doanh cây quất cảnh, cô có được khoản tiền vốn lớn đầu tiên là 500 ngàn đô la Singapore và quyết định mở công ty.

Hiện nay, Đổng Tư Dương là Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Phụng Bác Hồng Kông với tài sản hàng trăm triệu đô la Hồng Kông và làm Phó hội trưởng Hội Trí tuệ phụ nữ châu Á.

Cô tốt nghiệp Đại học Nam Dương Singapore và có bằng Thạc sỹ quản lý kinh doanh Đại học Dân tộc Mỹ.

Từ tháng 3/2007, cô bắt đầu mở hệ thống cửa hàng Hỉ Khách Đa ở Thượng Hải và dần dần phát triển hệ thống tiêu thụ thực phẩm chức năng ra khắp Trung Quốc.

Ngoài sự thông minh, cần cù phấn đấu, dám nghĩ, dám làm, một yếu tố đặc biệt quan trọng đưa đến sự thành công của Đổng Tư Dương chính là biết sử dụng các mối quan hệ cá nhân. Hiện nay, bạn bè của cô có ở khắp các giới kinh doanh, quan chức, giải trí, báo chí.

Lúc đầu, công ty của cô chỉ có ba nhân viên, nay phát triển thành tập đoàn Phụng Bác hùng mạnh với hơn 1.000 công nhân viên. Đổng Tư Dương cho rằng, cốt lõi đưa đến thành công là có một ê - kíp xuất sắc. Khi quay về Trung Quốc làm ăn, suốt nửa năm đầu, công việc chính của cô là đi khắp nơi để tìm kiếm và thu hút người tài về với mình.



Cuốn tự truyện của Đổng Tư Dương


Hệ thống cửa hàng Hỉ Khách Đa


Trong thời gian sang Mỹ du học, một lần nghe thuyết giảng về vấn đề dinh dưỡng, Đổng Tư Dương chợt phát hiện ra thực phẩm chức năng là một thị trường đầy tiềm năng. Sau đó, cô cùng một người bạn học MBA ở Canada kết hợp làm ăn.

Hai người phát hiện thấy lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ thế giới đang tăng trưởng với mức độ 20 - 25%/năm, trong đó riêng thị trường Mỹ có kim ngạch 9 tỷ USD/năm.

Mặc dù thị trường Trung Quốc mới chiếm tỷ trọng 0,2% nhưng đang phát triển rất nhanh, dự đoán trong 10 năm tới lượng thực phẩm chức năng xuất khẩu sẽ đạt 1 - 2 tỷ USD và chiếm 3 - 5% thị trường thực phẩm trong nước.

Năm 2006, Đổng Tư Dương về Thượng Hải mở chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm chức năng mang tên Hỉ Khách Đa. Đây là kiểu nhà hàng phục vụ trà và các món ăn nhẹ kiểu Tây và kiểu Hồng Kông.

Nhà hàng được trang trí kiểu Tây, được quản lý theo kiểu phương Tây rất rõ từ nhân sự, kinh doanh, đóng gói đến giao hàng. Để thuận tiện cho khách hàng, cửa hàng mở cửa kinh doanh suốt 24 giờ.

Cửa hàng có các mặt hàng dành riêng cho các loại đối tượng khách hàng như trẻ em, người già, phụ nữ có thai... Nhà hàng còn phục vụ qua điện thoại, nhận đặt giúp vé máy bay, cung cấp các loại sách báo về sức khỏe và đời sống... để khách hàng được hưởng không khí ấm cúng như gia đình.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Đổng Tư Dương đầu tư trồng hàng vạn mẫu lương thực, thực phẩm sạch. Nhờ đó, hệ thống nhà hàng Hỉ Khách Đa đã lan ra các thành phố lớn của Trung Quốc với tốc độ rất nhanh.

Đổng Tư Dương cho rằng, thành công thực sự là nỗ lực giúp đỡ người khác. Cho nên, dù bận rộn với hơn 12 tiếng làm việc mỗi ngày, cô vẫn dành thời gian để viết blog chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình. Cô hy vọng, blog của mình sẽ là ánh sáng, niềm vui đối với mọi người và có ích đối với thanh thiếu niên.

Đổng Tư Dương vẫn đang mải mê với sự nghiệp, chưa bàn tính đến chuyện hôn nhân. Tuy nhiên, trung tuần tháng Bảy vừa qua, tại một cuộc họp báo công bố thành lập "Quỹ phát triển sinh viên", người ta thấy xuất hiện bên cô một chàng thanh niên đẹp trai.

Những người thân quen với Đổng Tư Dương cho biết, đó là Jimmy, bạn trai thân thiết người Singapore, từ New Zealand sang Thượng Hải để chúc mừng nhân dịp tự truyện của cô phát hành được 60 vạn bản.

Tính đến tháng 6/2009, sau một năm xuất bản, cuốn tự truyện "Nữ Tổng giám đốc tuổi 21" của cô bán được tới 60 vạn bản, trở thành sách bán chạy nhất năm 2008 - 2009. Nhân dịp này, Đổng Tư Dương tặng một triệu tệ (ba tỷ đồng) để lập "Quỹ phát triển sinh viên" hỗ trợ cho các sinh viên trẻ.

Hiện Đổng Tư Dương là thần tượng của thế hệ 8X. Mỗi ngày, cô nhận được hơn 100 bức thư. Blog của cô có trên 10 triệu lượt page view.

Sự thành công nhanh chóng của Đổng Tư Dương cũng gây nên những ý kiến dị nghị, thậm chí có người bày tỏ nghi ngờ về sự trung thực của cô qua cuốn tự truyện.

Theo Tienphong báo/Trung Quốc

Biết “đòi” nhưng không nhất định phải “được”

Có một câu ngạn ngữ: “Nếu không biết đòi cho những gì mình muốn, bạn sẽ không bao giờ được”. Câu nói này dĩ nhiên không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nó có ý nghĩa trong nhiều trường hợp. Bạn không thể trách bà chủ nếu bà ấy không hề biết bạn muốn được tăng lương. Bạn mời ai đó đi ăn với ý định khai thác một số ý kiến của họ, nhưng lại không đặt câu hỏi nên kết cục chẳng nhận được ý kiến nào. Cũng như bạn muốn bán hàng thì phải biết chào hàng để mời người mua.

Vấn đề duy nhất quan điểm này bỏ qua là tuy nhiên, có những lúc bạn đã hỏi, đã đòi nhưng vẫn không có được những gì mình muốn. Và đây chính là điểm câu ngạn ngữ nếu hiểu theo đúng nghĩa đen, sẽ là thứ quan niệm làm bạn phải thất vọng.

Bạn chỉ có một cách để ngăn ngừa nỗi thất vọng này, đó là đừng nhất quyết phải có bằng được kết quả bạn mong muốn. Nói một cách khác, bạn đã rất can đảm, đã làm được điều quan trọng và lớn lao khi dám đòi hỏi. Nhưng nếu để phụ thuộc vào kết quả, bạn sẽ tự đưa mình vào một chuỗi những thất vọng liên tiếp của cuộc sống. Bạn chỉ có thể hạnh phúc một khi có được chính xác những gì mình muốn và khi cuộc đời trải sẵn những gì mình chờ đợi mà thôi. Tuy nhiên, nếu bạn độc lập trước kết quả, bạn sẽ là người chiến thắng trong mọi trường hợp – dù được, dù không.

Bí quyết ở đây là đừng nhìn kết quả từ góc độ chỉ liên quan đến mình bạn. Ví dụ bạn muốn tăng lương, nhưng yêu cầu của bạn có thể được và cũng có thể không, tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác không liên quan đến bạn: quy tắc chung, ngân sách công ty, ảnh hưởng đến những nhân viên khác v.v… Tương tự, bạn chào hàng nhưng còn phụ thuộc vào chuyện khách hàng của bạn có muốn mua hay không, có khả năng mua hay không.

Dennis là nhân viên kế toán cho một công ty kinh doanh hệ thống cửa hàng tạp phẩm. Anh rất thích công việc của mình ngoại trừ một điều – phòng làm việc của anh không có cửa sổ. Thế rồi Dennis quyết định nói chuyện với ông chủ, xin đổi cho mình một phòng làm việc khác. Anh trình bày nhẹ nhàng, từ tốn rằng mình rất yêu thích công việc đang làm, duy chỉ có điều mình cảm thấy hơi tù túng. Một, hai tuần sau, anh viết đôi lời cảm ơn gửi sếp vì sếp đã quan tâm và lắng nghe những gì anh nói. Trong đó không hề đề cập lại đến đòi hỏi của mình.

Gần đây nhất, khi tôi nói chuyện với Dennis, anh vẫn chưa được chuyển văn phòng. Nhưng anh cho biết anh cảm thấy rất thoải mái. Anh đã làm hết những gì có thể. Ông chủ nói sẽ lưu ý đến vấn đề này và nhất định sẽ sắp xếp cho anh một phòng làm việc khác khi có điều kiện. Dennis tin tưởng ở điều này.

Tôi rất thích câu chuyện về Dennis bởi nó chứng minh người ta không nhất thiết phải “được” ngay những gì mình “đòi” mà vẫn cảm thấy thoải mái.

Trong bao năm công tác, tôi đã từng gọi điện, từng viết thư mà không bao giờ được hồi đáp. Tôi hiểu rằng mọi người đều quá tải và vì thế, không thể giúp đỡ cho tôi. Tôi cố gắng hướng suy nghĩ đến rất nhiều những lần khác, trường hợp khác được hồi đáp. Tôi học được một điều: chuyện gì có thể thì đã có thể, còn nếu không thì cũng chẳng sao. Bí quyết thành công ở chỗ: Vẫn tiếp tục, vẫn cố gắng nhưng không để phụ thuộc vào kết quả.

Đôi khi, bạn cũng nên thử đặt mình vào hoàn cảnh của người được yêu cầu. Cách đây nhiều năm, có lần tôi muốn được tham vấn với bác sĩ tâm lý nọ. Họ trả lời tôi ông không nhận thêm khách hàng mới và mặc cho tôi năn nỉ đến đâu, tôi vẫn không thể thuyết phục được họ. Cuối cùng, khi tôi nói với cô tiếp tân bằng một giọng mất hết kiên nhẫn rằng tôi rất muốn được gặp ông ấy, cô tiếp tân trả lời tôi điềm đạm, lịch sự: “Tôi thành thật xin lỗi ông, ông Carlson. Nhưng bác sĩ có một sổ chờ là 3 năm. Bác sĩ làm việc 6 ngày một tuần, 12 giờ mỗi ngày và 5 năm nay, chưa một ngày nghỉ làm. Bác sĩ đã cố hết sức và cũng cần phải có cuộc sống riêng của bác sĩ”. Điều này quả làm tôi được tỉnh ngộ.

Không chỉ có thế, khi bạn biết “đòi” mà không nhất thiết phải “được”, bạn đôi khi được hưởng lợi. Một ví dụ là cách đây vài năm, có lần tôi đáp xuống Atlanta vào lúc đêm khuya. Khách sạn bị quá tải và đầy phòng mặc dù tôi và cả một số người khác đã đặt trước. Một người đàn ông đến trước tôi tỏ ra vô cùng giận dữ, thái đội dọa nạt. Ông nhất định muốn có một phòng cho mình, la hét nổi bão tố với cô tiếp tân mà quên rằng đây không phải là lỗi của cô ấy.

Đến phiên tôi, tôi bước đến bên quầy tiếp tân. Bằng một giọng nói lịch sự, tôi tỏ ý thông cảm cho tình huống khó xử này của họ và đề nghị cô tiếp tân tìm giúp cho tôi một khách sạn nào khác ở gần đó. Tôi chỉ yêu cầu mà không hề tỏ ra khăng khăng.

Thế rồi cô tiếp tân, vẫn rất nhã nhặn và biết lỗi, nói với tôi sau khi rà hết lại các phòng, cô chợt nhận thấy có một khách đã rời khỏi khách sạn vì lý do riêng và sẽ không quay lại. Vậy là, tôi được thu xếp một phòng đặc biệt, nhờ vào thái độ kiên nhẫn của mình.

Câu hỏi ở đây là, tại sao cô tiếp tân đã không nhớ ra căn phòng này khi tiếp người đàn ông giận dữ kia? Ông ta đến trước tôi, chưa kể đến nhiều người khác cũng đang tuyệt vọng, muốn có một chỗ trú chân như tôi. Tôi cho rằng câu trả lời khá rõ ràng. Chính thái độ khăng khăng đã tạo áp lực, và làm cô “quên mất”. Ngược lại khi nói chuyện với tôi, cô được thoải mái, thư giãn, làm kích thích trí nhớ và tôi nhờ thế có được chỗ nghỉ ngơi đúng vào lúc cần thiết nhất. Tóm lại, hãy biết “đòi” cho những gì bạn muốn, nhưng đừng nhất định phải “được”

Richard Carlson
Thăng tiến trong sự nghiệp – NXB Trẻ

Tìm một người cố vấn

Nếu có ai đó muốn trở thành một thợ ống nước lành nghề thì anh ta sẽ tìm một ông thợ làm ống nước đã về hưu hoặc một người sắp giải nghệ để học hỏi kinh nghiệm. Thật là hữu ích nếu có người để thỉnh thoảng cùng uống với nhau một tách cà phê, tán năm ba câu chuyện – một người mà mình có thể hỏi han, nhờ dẫn dắt hoặc triết lý đôi câu.

Tôi chưa từng thấy hay nghe nói có ai bị tụt hậu chỉ vì tìm được người dẫn dắt. Và khi tôi hỏi những người xung quanh, thì ai cũng công nhận mình có một người như thế.

Tôi có được nhiều người dẫn dắt trong đời, từ công việc làm ăn, kiếm tiền, đầu tư, tiếp thị, nói trước công chúng và cả trong việc tập thể hình nữa. Cả hai bên đều rút ra được nhiều điều hữu ích trong mối quan hệ thầy và trò. Sự thuận lợi về phía trò là rất rõ: sự tự tin, tình đồng chí và các ý tưởng hướng dẫn cho ta theo. Về phía người hướng dẫn, họ có niềm vui giúp đỡ kẻ khác, được người khác tôn trọng và nhờ vả, niềm vui được dạy dỗ, truyền lại ngọn đuốc cho người sau. Hật hạnh phúc khi biết ý tưởng của mình có được ai đó làm theo.

Bạn thường có thể tìm được người hướng dẫn trong cùng giới hoạt động của mình – một người bạn vong niên, một người mà bạn từng có quan hệ nhiều năm, một người bạn kính trọng và thích gần gũi. Một người hướng dẫn tiêu biểu là người thích san sẻ ý tưởng của mình cho người khác. Bạn không nhất thiết phải trịnh trọng hóa quan hệ này bằng cách gọi người đó là thầy, chỉ cần hai người có sự hiểu nhau và thích ngồi cùng với nhau hoặc ít nhất gọi điện cho nhau tương đối đều đặn – mỗi tháng một lần hoặc hai tháng một lần, tùy. Phải nói rõ ý định của bạn là học hỏi những gì bạn có thể học được.

Đừng để điều gì ngăn cản bạn tìm một người hướng dẫn. Bạn sẽ tránh được nhiều sai lầm không cần thiết và gặt hái được nhiều kết quả trong những năm sắp tới. Thông thường cách hay nhất để đền đáp lại công ơn những người hướng dẫn mình là bạn hứa khi thành đạt bạn sẽ cũng giúp đỡ lại cho những người đi sau.

Richard Carlson

Tầm quan trọng của sự lựa chọn

Khi nhìn lại cuộc sống của mình, nhiều người đã đồng ý với tôi rằng tất cả những gì chúng ta có được ngày hôm nay đều xuất phát từ những lựa chọn trong quá khứ. Đó là những lựa chọn mang tính quyết định, có thể tạo nên những bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người.

Nếu bạn chọn cách lên tiếng bảo vệ danh dự của ai đó trước sự chỉ trích của nhiều người thì hành động đó sẽ giúp bạn có thêm một người bạn thân thiết. Ngược lại, nếu bạn tham gia vào trò công kích của số đông, bạn sẽ đánh mất cơ hội làm một việc có ý nghĩa. Đây là ví dụ điển hình về sự khác biệt được tạo ra từ sự lựa chọn. Hoặc khi bạn quyết định bỏ qua những cuộc vui cùng bạn bè để tập trung chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới thì kết quả mà bạn nhận được sẽ xứng đáng với những gì bạn đã nỗ lực. Ngược lại, nếu lúc ấy bạn không biết cách từ chối thì chắc chắn bạn sẽ không thể có được kết quả như mong đợi. Quả thật, cuộc sống là một chuỗi những tình huống mà chúng ta buộc phải lựa chọn và quyết định.

Natalie, 17 tuổi, đã kể cho tôi nghe về một tình huống rất khó khăn mà cô bé đã phải đối mặt. Một lần, do chán nản, Natalie đã kết bạn với một nhóm bạn xấu. Nhóm bạn này lôi kéo, rủ rê cô bé tham gia vào những cuộc chơi thâu đêm. Việc lựa chọn lúc bấy giờ thực sự rất khó khăn với Natalie. Cô bé không muốn tham gia nhưng cũng không muốn bị bạn bè coi thường. Tuy vậy, cuối cùng, nhờ sự quan tâm của gia đình và những người bạn tốt, Natalie đã đưa ra một quyết định đúng đắn. Chính quyết định đó đã giúp cô bé tìm lại chính mình và có một cuộc sống hoàn toàn mới.

Mỗi chúng ta đều không ít lần đứng trước bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mà không hề hay biết. Những ngã rẽ ấy thường xuất hiện vào lúc ta đang phân vân giữa những lựa chọn hoặc đang bị đánh lừa bởi “tiếng gọi của con tim”. Việc mắc sai lầm trong những quyết định là điều không thể tránh khỏi và nó thường khiến ta cảm thấy hối hận, mệt mỏi. Có bạn đã tâm sự: “Dù biết đó là một lựa chọn sai lầm nhưng không hiểu sao tôi vẫn không thể cưỡng lại được”. Và hậu quả thường là cái giá rất đắt mà bạn phải trả, thậm chí là cả tương lai và cuộc đời bạn.

Cân nhắc kỹ trước khi đưa ra bất kỳ sự lựa chọn nào là một việc rất quan trọng bởi bạn mới chính là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc đời mình. Mỗi một quyết định đều có thể tạo nên một bước ngoặt trong đời. Do vậy, không bao giờ là quá muộn để bạn thay đổi lựa chọn nhằm có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hãy sáng suốt trước những lưa chọn của mình, bạn nhé!

Trích từ “Vượt lên những chuyện nhỏ” – NXB Tổng hợp TP.HCM

Cảm ơn những ai làm việc với bạn

Có một điều người đi làm ở hầu hết mọi ngành nghề đều phàn nàn. Đó là họ cảm thấy hoàn toàn không được biết ơn hoặc nếu có thì quá ít. Người ta ngầm hiểu một thông điệp rằng với những người lao động, có được việc làm là điều may mắn. Đòi hỏi, chờ đợi, hy vọng vào lòng biết ơn dù lời nói hay hành động đều được cho là không quan trọng, không cần thiết.

Thế nhưng con người ta ai cũng có nhu cầu được biết ơn. Được biết ơn, người ta cảm thấy hạnh phúc, bớt căng thẳng hơn và trung thành hơn. Người được biết ơn sẽ là những người làm việc chăm chỉ, có tinh thần dồng đội cao. Họ ít nghỉ việc, đi làm đúng giờ, hòa đồng với mọi người, có óc sáng tạo và luôn hướng tới sự hoàn thiện. Ngược lại, người cảm thấy chưa được biết ơn đúng mức sẽ trở nên oán giận, đánh mất lòng nhiệt tình công tác. Họ lười biếng, thờ ơ, dễ bị chọc giận và rất khó làm việc chung. Họ cũng đồng thời là đối tượng dễ bị tác động bởi những chuyện nhỏ.

Thật không may, tôi không có phương pháp nào để giúp bạn cảm thấy được biết ơn. Tôi chỉ có thể đề nghị hãy biết ơn người khác mà thôi. Nhưng tôi cho rằng hai điều này có quan hệ với nhau khá mật thiết. Trên thực tế, tôi nghiệm thấy càng biết ơn người khác, tôi càng cảm thấy dễ chịu về bản thân. Và phần thưởng đi kèm với nó là những ai làm việc chung với tôi có vẻ biết ơn tôi hơn.

Xung quanh chúng ta, kể cả những người đang làm việc “thuộc bổn phận của họ” cũng muốn được biết ơn. Hãy thường xuyên khen ngợi họ, gửi họ một tấm thiệp, một bức thư điện tử, một vài lời nhắn nhủ viết tay, một cuộc điện thoại. Nếu gặp trực tiếp, hãy nhìn thẳng vào mắt họ và nói lời cảm ơn chân thành. Ngoài ra, khi có dịp hãy tặng quà hoặc làm bất cứ điều gì để họ biết bạn thật sự biết ơn họ.

Phát thư là việc của người đưa thư, nhưng hãy cảm ơn họ. Tương tự, gửi một tấm thiệp viết đôi lời cảm ơn đến người đã hợp tác làm ăn với bạn, đã sử dụng dịch vụ công ty bạn. Hãy để người thư ký, nhân viên biết bạn hiểu giá trị công việc họ đang làm và sự hiện diện của họ trong cuộc sống của bạn. Bạn chắc chắn sẽ được hưởng lợi, mà dù không, đây vẫn là việc đáng làm.

Vài lần trong năm, khi để bịch rác ngoài cửa cho người đổ rác đến lấy, tôi lại bỏ trong phong bì một tấm thiệp cùng chút tiền bồi dưỡng cho người làm công việc đặc biệt này. Kể từ đó, người đổ rác thường vẫy tay chào mỗi khi gặp tôi chạy bộ buổi sáng và không chỉ thế, anh rất vui vẻ những lúc nhà tôi có nhiều rác hơn thường lệ.

Nhờ biết ơn mọi người, quan hệ của bạn trong công tác sẽ được củng cố. Quan trọng hơn hết, bạn làm cho một ngày trở nên tươi sáng hơn với mọi người và với chính bạn.

Thể hiện lòng biết ơn cho bạn cảm giác dễ chịu, hài lòng, rằng mình đang đi đúng hướng. Nó còn là điều giúp bạn trút bỏ căng thẳng. Bạn vui vì biết mình đang giúp ai đó có cảm giác được biết ơn.

Nhớ có lần tôi có chút mâu thuẫn với người làm việc chung. Tôi cho rằng cô ấy đã không đáp ứng được kỳ vọng của tôi về mặt chuyên môn và hai chúng tôi gần như cãi cọ to tiếng. Thế rồi, tôi chợt nhận ra một điều: cô đã làm việc chăm chỉ nhưng cảm thấy chưa được biết ơn. Tôi quyết định chuyển hướng, không tiếp tục xoáy sâu vào những gì chưa hài lòng. Tôi nghĩ đến việc cô đã làm và viết ra một danh sách những ưu điểm của cô kèm theo lời biết ơn. Đó là một lời khen thật lòng xuất phát từ đáy lòng tôi. Khoảng một tuần sau, cô viết và gửi cho tôi đôi lời, trong đó cô cũng đưa ra những điểm dễ chịu ở tôi. Phần thưởng đi kèm với nó là tiến triển thấy rõ trong những gì tôi kỳ vọng ở cô trong công việc. Vậy là, không cần đến tranh đấu, nỗ lực gì đặc biệt to tát, tôi đã cải thiện được mối quan hệ của chúng tôi, đưa nó trở lại nhịp nhàng.

Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng, tôi không hề dùng lời cảm ơn như mánh khóe để lôi kéo cô. Tôi làm thế vì thực sự nhận ra cô cảm thấy chưa được biết ơn đúng mức. Và đúng như tôi dự đoán, ngay khi được cảm ơn và hiểu những lời cảm ơn đó là chân thành, cô đã không phụ lòng tôi.

Không phải lúc nào bạn cũng tức thì nhận được những phản hồi tích cực như thế. Rất nhiều lần, tôi thể hiện lòng biết ơn mà không nhận được một tín hiệu nào. Thế nhưng, điều này không thành vấn đề. Bởi trong lòng tôi đã rất vui và biết mình đã làm đúng. Hiếm khi có điều gì làm tôi vui hơn khi được thể hiện lòng biết ơn đến những ai làm việc với tôi.

Richard Carlson
Thăng tiến trong sự nghiệp – NXB Trẻ

Nắm vững toàn bộ công việc của mình

Một lần nọ tôi dự một cuộc hội thảo ở San Francisco. Khi lấy xe ở bãi đậu xe, tiền giữ xe là 20 đô la, nhưng trong túi tôi chỉ có một tờ 100 đô la. Bạn cho là chuyện nhỏ phải không? Người giữ xe không nghĩ vậy. Anh ta cho dó là một chuyện phiền hà to tát.

Thay vì nói chuyện nhã nhặn, anh ta lại quát tháo với tôi: “Đáng lẽ ông phải có tiền lẻ chứ!”. “Rất tiếc, thưa ông, tôi không có gì khác nữa. Tôi thành thật xin lỗi”, tôi nhỏ nhẹ đáp. Anh ta gần như nổi điên, quát lại: “Hay nhỉ! Không có tiền thối đâu. Ngồi chờ đó, tôi đi gặp ông quản lý đã. Chúa ơi! Rắc rối quá!”

Tôi rất đỗi ngạc nhiên. Một trong những công việc chính của người giữ xe này là thối tiền lại cho khách. Nếu không sẵn tiền thối thì tìm cách giải quyết sao cho ổn thỏa. Bởi vì đó là công việc anh ta phải làm, cũng như người công nhân vệ sinh đường phố thì phải quét rác trên đường, người trực điện thoại thì phải nghe điện thoại, không thể than phiền tại sao có rác trên đường để phải quét, hoặc tại sao người ta gọi điện thoại làm chi để bắt mình phải nghe.

Anh nhân viên giữ xe này cũng giống nhiều người trong chúng ta, xem công việc mình làm như một gánh nặng đày ải. Tôi coi hạng người này như những kẻ thích ngồi mát ăn bát vàng, nhận giữ vai trò, công việc nhưng lại không muốn làm gì cả hoặc muốn công việc phục vụ mình hơn là mình phục vụ công việc.

Nếu bạn thuộc hạng người này, nói ví dụ thôi, và bạn đang theo đuổi một công việc kinh doanh hay buôn bán gì đó, thì bạn chỉ thấy hài lòng nếu công việc xuôi chèo mát mái. Còn nếu việc không thuận lợi thì sao? Giải dụ là thuận lợi đi nữa, chuyện gì xảy ra trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc? Trong mỗi công việc, cũng như bản chất cuộc sống, đều chứa sẵn những trở ngại khó khăn và phức tạp. Những thứ đó là dành cho bạn chứ sao! Không có chúng, thì không có công việc, thậm chí không có cuộc sống. Không có việc thì ai thuê bạn làm gì? Dù cho công việc ấy do chính bạn dựng lên thì bạn cũng phải làm công việc của mình chứ. Không có cuộc sống làm sao có bạn ở đây, phải không?

Vậy mà, thật đáng tiếc, tôi đã gặp rất nhiều người không cảm thấy hứng thú với công việc của mình. Họ cắm cúi làm nhưng không thấy vui vẻ, hấp dẫn. Khi xong việc, họ tính sổ lại xem đã làm tốt chưa và hài lòng hay bất mãn tùy theo cảm nhận của mình. Thật là nặng nề quá!

Có lẽ mỗi chúng ta nên thường xuyên nhìn lại công việc, trách nhiệm và cả những cảm nhận của mình, không phải để thấy chúng là gánh nặng mà là những điều cần thiết, cũng là những niềm vui trong cuộc sống. Nói như triết gia Ram Dass, đó là những “grist for the mill” – những phương tiện hữu ích để đạt đến mục đích của mình và là một phần của cái toàn thể. Không phải chỉ nhìn vào kết quả, mà phải thấy được sự hứng thú trong toàn bộ quá trình công việc, dù nó diễn ra gay go hay suôn sẻ.

Vậy thì, dù bạn làm bất cứ công việc gì cũng đừng hoàn toàn chỉ nhìn vào một kết quả cuối cùng, mà nên tìm thấy được sự vui thú trong từng bước phát triển của nó.

Tôi cho rằng, nhìn cuộc sống và công việc theo cách này, không những bạn thấy hứng thú với công việc mình làm, giảm bớt căng thẳng tinh thần mà còn đạt được nhiều hiệu quả và thành công hơn nữa.

Richard Carlson
Mưu sự làm giàu – NXB Trẻ.

Biết nói “không”

Có một điều chúng ta thường mắc phải, và vì thế đưa bản thân vào khó khăn: đó là không biết nói “không”. Ta luôn tỏ ra dễ dãi: “Không có vấn đề gì, tôi sẽ làm việc này”, “Được rồi, tôi sẽ làm việc kia”… dù trong thâm tâm, ta biết mình thật sự không muốn làm, hoặc mình đã có quá nhiều việc phải làm.

Ở đây có hai vấn đề chính yếu. Thứ nhất, kết quả của việc bạn không biết lắc đầu từ chối luôn là sự quá tải, căng thẳng và mệt mỏi. Đơn giản, chúng ta đều có một điểm mà ở đó đủ là đủ. Qua khỏi giới hạn đó là sự chịu đựng: trong thái độ, trong tâm hồn và cả hiệu quả của những gì ta đang làm. Từ công việc đến cuộc sống cá nhân, gia đình ta đều bị ảnh hưởng. Ta quá dễ dãi gật đầu nói “có” để rồi bắt đầu coi mình như một nạn nhân. Ta oán hận vì mình có quá nhiều việc phải làm mà vẫn không nhận ra chính mình là kẻ đã đẩy mình vào hoàn cảnh này, bởi nói “không” làm ta cảm thấy mình có lỗi.

Thứ hai, điều này thể hiện một thái độ thiếu thành thật. Ta làm một việc trong thâm tâm không hề muốn mà bên ngoài vẫn cố tỏ ra bình thường. Ví dụ, bạn đồng ý làm thay ca cho người đồng nghiệp trong khi bản thân bạn cũng đang rất cần một ngày nghỉ. Sau đó, không được nghỉ ngơi đầy đủ như nhu cầu của cơ thể đòi hỏi, bạn bắt đầu có cảm giác mình là nạn nhân của lượng công việc quá tải và giận dữ vì mọi người nhờ vả mình quá nhiều! Một lần nữa, bạn lại trở thành nhân vật chính tạo ra stress cho bản thân trong khi vẫn tin tưởng ở một nguyên nhân khách quan nào đó và tin rằng bạn không có cách nào né tránh.

Nói “không” hoàn toàn không ích kỷ mà là một sự phòng vệ chính đáng. Giả sử ai đó hỏi: “Anh có thể cho tôi xin không khí anh đang thở không?” Chắc chắn bạn sẽ cho đầu óc người đó có vấn đề và sẽ trả lời “không” một cách vô tư lự, không hề áy náy. Hoặc giả sử ai đó hỏi: “Anh có thể giúp tôi là một việc mà điều đó chắc chắn sẽ đẩy anh đến chỗ quá tải, làm anh căng thẳng và bực bội không?”. Với câu hỏi này, rất nhiều lần bạn đã gật đầu đồng ý, dù đó là vì thói quen hay miễn cưỡng. Đương nhiên người hỏi không bao giờ đặt một câu hỏi như thế nhưng đây chính là ý nghĩa thật của nó.

Dĩ nhiên có nhiều trường hợp bạn không thể lắc đầu từ chối, và nhiều trường hợp khác bạn thành tâm muốn nhận lời hoặc điều đó có lợi cho bạn. Bí quyết ở đây là, bạn phải dùng sự khôn ngoan của mình để quyết định nói “có” hay “không” thay vì trả lời theo thói quen của phản ứng vô điều kiện. Bạn có thể ngẫm nghĩ và tự hỏi: về cảm xúc và nhu cầu của người yêu cầu, về sự cần thiết phải nhận lời và quan trọng nhất là quyền lợi của bản thân: bạn có đáng nói “có hay không, hoặc bạn có thể từ chối hay không. Tôi tin, khi đặt mình trong hoàn cảnh cụ thể, bạn sẽ thấy rất nhiều tình huống hoàn toàn thích hợp để bạn nói “không”

Richard Carlson
Thăng tiến trong sự nghiệp – NXB Trẻ

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References