Đời khâu vá


Chấp nhận cuộc sống xa quê hương, gia đình, con cái, họ - những người đàn ông, đàn bà làm nghề may và dọc lề những cung đường fashion chốn Sài Thành đô hội - luôn mang nặng trong mình những nỗi niềm khó gọi thành tên.

Đất chật người đông

Đường Trần Huy Liệu, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sỹ (Q.3), đường Huỳnh Văn Bánh (Q. Phú Nhuận)…từ lâu nổi tiếng là những cung đường của thời trang. Chính vì vậy, đây đã trở thành địa điểm lý tưởng cho cánh thợ may đóng quân xây dựng cơ nghiệp. Nói là cơ nghiệp cho sang, thực chất tài sản của mỗi thợ may không có gì lớn lao: một máy may cà tàng, một chiếc kéo cắt vải, chiếc kìm, cái búa, cái tô vít… và một cái dù đủ che cái chỗ ngồi được xếp vừa khéo để không ngăn cản lối đi của người đi bộ trên vỉa hè.

Anh Tùng, một thợ sửa quần áo có nhiều năm hành nghề tại góc đường Trần Huy Liệu giao với Lê Văn Sỹ, cho biết: “Mấy năm trước mình làm nghề này thấy sống cũng ổn nên rủ thêm đôi ba anh em vào theo. Không ngờ bây giờ anh em lại rủ thêm các anh em khác nên thật tình mà nói bây giờ đất đã chật người đã đông rồi đây!”. Anh cũng khẳng định: “Thợ sửa cứ mỗi năm mỗi tăng nên công việc cứ ngày một ít vì anh em phải chia sẻ khách hàng cho nhau để cùng nhau sống!”. Vì cùng là dân quê chất phác nên anh Tùng và các anh em khác không bao giờ vì tranh giành khách hàng mà xích mích hoặc gây lộn.

Tiếp tục khảo sát tại các đường nổi tiếng về thời trang như đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi (Q.5, Q.1), Hồ Xuân Hương (Q.3), Hai Bà Trưng (Q.3), Trần Huy Liệu, Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận)... ở đâu chúng tôi cũng có thể bắt gặp được rất nhiều người thợ sửa quần áo đủ cấp tuổi, giới tính. Riêng một khúc đường cụt dày đặc các shop thời trang, đoạn gần ngã tư đường Nguyễn Trãi giao với Nguyễn Văn Cừ (Q.1), có đến khoảng chục thợ sửa quần áo. Anh Hoàng quê Trà Vinh, thợ sửa ở đây được 7 năm cho biết: “Công việc thì lúc nào cũng vậy, không tăng hơn bao nhiêu, nên khi thợ nhiều thì việc ít lại, cuộc sống khó khăn hơn…”.

Chắt bóp từng đồng

Theo tính toán của chú Nguyễn Văn Chúc, trong thời buổi cái gì cũng tăng giá như hiện nay thì mỗi lần lên lai một chiếc quần dù đã tăng lên 7.000 đồng, chỉ mua được đúng nửa kg gạo. Trong số những thợ sửa mà chúng tôi tiếp xúc, ít người có được thu nhập khá. Số đông trong số họ thường xuyên ở trong tình trạng “đói kém”, đứng trước nguy cơ bỏ nghề. Anh Quang Huy, tuy mới cưới vợ dưới quê Cần Thơ chưa được bao lâu đã phải sống xa vợ, có khi phải biền biệt vài tháng trời mới dám về thăm một lần. “Tháng nào dư được khoảng triệu mấy mới dám về thăm vợ, tháng nào được chỉ vài trăm thì chỉ gửi tiền qua bưu điện, dù quê Cần Thơ không xa lắm và cũng nhớ vợ quá chừng”- anh Huy cười hiền cho biết.

Anh Nguyễn Thành, thợ sửa quần áo tại đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) tâm sự: “Tôi đến với nghề may vá này cũng là bất đắc dĩ. Ngoài quê (Ninh Bình) cuộc sống cơ cực lắm. Vào đây tuy không kiếm được nhiều song cũng có đồng ra đồng vào”. Anh cho biết chi phí cho cuộc sống mấy năm nay ở Sài Gòn quá cao nên chẳng dư giả gì. “Làm thợ sửa đã ba năm nay nhưng tôi mới về quê được đúng một lần, rồi lại đi biệt tích…đến nỗi hai đứa con nhỏ không nhận ra tôi khi về thăm chúng” - anh nói.

Điều mà những người thợ may vá sợ nhất là…. mưa, “bởi trời mưa thì chúng tôi không thể ngồi may vá. Thà trời nắng còn che dù được chứ mưa thì chẳng cách nào che chắn cho khỏi ướt. Vì vậy mà có ngày chúng tôi phải bù lỗ… bởi dù không có khách thì ngày vẫn phải ba bữa cơm hoặc bánh mì” - Anh Quang Huy quê Cần Thơ, sửa áo quần tại đường Nguyễn Trãi (Q.1) than thở.

Tận tâm với công việc

Cuộc sống ngày một khó khăn, thợ sửa ngày một đông, “vì vậy, muốn hút khách thì thợ sửa phải có những bí quyết nghề nghiệp cho riêng mình” - anh Hoàng cho biết.

Cô Trang, chú Cường là cặp vợ chồng có thâm niên và khá nổi tiếng trong giới sửa đồ cũ tại Sài Gòn. Vợ chồng cô chú sửa đồ trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) từ gần 30 năm nay. Cô Trang cho biết bí quyết thu hút khách của của vợ chồng mình là làm nhiệt tình, chú ý đến từng đường kim mũi chỉ, “sao cho quần áo khách hàng lúc mang về phải đẹp hơn lúc mang đến. Bởi đó là mục đích duy nhất mà khách hàng mong muốn. Mình không thể làm qua loa, ẩu tả chỉ để lấy tiền khách hàng được”. Cô Trang cũng chia sẻ thêm: “Với những quần áo mà mình biết là không thể sửa được nữa thì không nhận. Thà mất lòng trước được lòng sau”.

Có lẽ chính nhờ bí quyết gắn với cái tâm nghề nghiệp như vậy mà cô chú Trang - Cường có được nhiều vị khách là Việt kiều từ rất nhiều nước tin tưởng, gửi đồ về Việt Nam nhờ người nhà mang ra chỗ cô chú Cường Trang để sửa. Tương tự, anh Hoàng cũng có những cách để thu hút và giữ chân khách. Anh cho biết trước tiên phải học nghề một cách bài bản, chứ không như đa số thợ chỉ biết sửa một vài lỗi thông thường, hoặc có sửa các lỗi phức tạp thì không đẹp được. Nhờ vậy anh có không ít khách hàng “ruột” là Việt kiều, thu nhập nhờ vậy có khá hơn nhiều thợ khác.

Người thợ mới vào nghề như chú Lê Văn Chí, sửa đồ mới được 5 tháng tại đường Rạch Bùng Binh (Q.3) thì chia sẻ: “Do mới học nghề nên tay nghề còn non quá, chỉ sửa được lai quần, may vá mấy đường đơn giản… nên mấy tháng nay phải sống nhờ sự trợ giúp của một người cháu (làm chủ hiệu bán quần áo). Nhiều lần nghĩ nản muốn bỏ nghề vì thấy cuộc sống ở Sài Gòn sao khó khăn, khác xa những tưởng tượng ban đầu”... Chú Chí cho biết, ngoài quê, vợ và bốn con đang còn đi học vẫn hàng ngày hàng giờ trông chờ từng đồng chú gửi về.

Vũ Thành (Doanh nhân)

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References