Đứng, chào và... mỉm cười!


Ở một số nhà hàng, khách sạn lớn của TP.HCM, người ta thường thấy các chàng trai, cô gái trẻ đẹp, ăn mặc như những chàng hoàng tử, công chúa đứng chào khách ở cổng vào, cầu thang máy.

Nhiệm vụ của họ tưởng chừng như đơn giản, chỉ đứng - chào khi khách đến và về. Thế nhưng để có được một chỗ đứng như thế, họ phải trải qua nhiều vòng loại khá gắt gao, từ chiều cao, cân nặng, gương mặt đẹp đến trình độ đại học và ngoại ngữ tốt...

Chín năm đeo bám nghề

Ngay từ khi còn là một nữ sinh trung học, Tuyết Vân (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) đã bương trải làm thêm để trang trải cho cuộc sống. Mặc dù gia đình có điều kiện, ở thành phố nhưng do bản tính ham làm, ham học hỏi nên nhiều khi bạn phải trốn gia đình đi làm.

Lúc đầu, như bao bạn khác, công việc chủ yếu của Vân là đi phục vụ nhà hàng, khách sạn, tiệc cưới. Làm được hai năm, do công việc không thường xuyên, lúc nhà hàng cần thì Vân lại bận việc, đến lúc rảnh rỗi cả ngày lại không có việc để làm nên năm 2001, Vân nảy ra ý tưởng tập hợp sinh viên các trường trong địa bàn thành phố để phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn. Ban đầu chỉ là những tiệc cưới, nhà hàng nhỏ mà Tuyết Vân cùng các bạn hay làm, giờ đứng ra nhận thầu riêng cho các bạn trong nhóm có việc làm thêm, ổn định hơn. Bởi thế, số thành viên không ngừng tăng lên từ 50, 70 rồi 100 người với phạm vi rộng khắp thành phố.

Vân bật mí: “Hiện nay “vốn” của mình cũng kha khá với hơn 100 sinh viên làm việc thường xuyên ở 14 nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố, hàng trăm bộ đồ đủ các loại từ đầm, áo dài, sườn xám dành cho nữ, vest, áo dài khăn đóng dành cho nam trị giá gần cả trăm triệu đồng”. Suốt chín năm đi làm và bảy năm làm “chủ”, công việc của Vân luôn tất bật, nhiều khi căng thẳng chỉ muốn giải tán nhóm nhưng rồi hình như cái duyên gắn bó với nghề nên không dứt ra được.

Suốt chín năm gắn bó với nghề, uy tín dàn chào Tuyết Vân dần dần được tăng lên qua những lần phục vụ chu đáo, tận tình, tinh thần phục vụ cao và không ngừng phát triển các thành viên trong nhóm.

Làm dâu trăm họ

Làm nghề đứng-chào xem qua ai cũng nghĩ là dễ, ấy vậy mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết những gian truân của nghề.

Bạn Trịnh Viết Hùng, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, người có hơn hai năm kinh nghiệm trong nghề tâm sự: “Mình bắt đầu làm nghề đứng-chào từ hồi cuối năm nhất. Lúc mới vào mình cũng không hiểu phải làm gì. Sau đó, được bạn bè hướng dẫn trong một buổi rồi đi làm luôn. Làm nghề này không phải học gì mấy, chỉ cần đứng sắp hàng nghiêm chỉnh và chào mỗi khi khách đi vào và đi ra là được”.

Tuy nhiên, dù công việc chỉ đứng-chào thôi nhưng nhiều khi các bạn giống như người làm dâu trăm họ. Có lúc đang đứng chào, vài ba ông khách chạy lại nhờ sắp thêm cho bộ bàn ghế, có người lại nhờ hướng dẫn chỉ đường đến chỗ này chỗ nọ, thậm chí nhiều khi còn kiêm luôn vai trò chỉnh sửa quần áo cho cô dâu, chú rể trước khi vào làm lễ. Minh Tuấn làm dàn chào trong nhóm BX kể về kỷ niệm khó quên trong ngày đầu tiên đi làm: “Hôm đó, do đội khánh tiết thiếu người nên mình phải làm thay, tay cầm lọng che cho cô dâu, chú rể. Do mải chú ý bên trên và không để ý nên mình giẫm phải váy của cô dâu dài cả mét, may sao do đi chậm nên cô dâu không bị té, chứ không thì... Trong lúc lộn xộn, một bạn nữ trong đội khánh tiết nhanh ý chen lên nâng tà váy của cô dâu, cứu nguy cho mình. Hú hồn!”.

Hương Thảo, một thành viên trong nhóm dàn chào Tuyết Vân bộc bạch: “Làm nghề đứng-chào này bọn mình được tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều khách nước ngoài, có điều kiện giao lưu học hỏi thêm ngoại ngữ. Bên cạnh đó, sau mỗi giờ làm, mình cảm thấy trở nên duyên dáng, hành động, cử chỉ cũng nhẹ nhàng, tế nhị hơn. Nếu có việc làm đều, nhiều sinh viên cũng có thu nhập khá, khoảng trên dưới một triệu đồng”.

Làm chơi, ăn thiệt!

Có thể nói nghề đứng-chào hiện đang thu hút một lượng đông sinh viên tham gia. Hiện tại trên địa bàn thành phố có năm “tập đoàn” dàn chào với số lượng mỗi đội từ vài chục đến vài trăm người. Tất cả đều do sinh viên các trường đại học đứng ra tổ chức, quản lý và cạnh tranh khốc liệt với các công ty tổ chức sự kiện, công ty lữ hành du lịch.

Do đội ngũ nhân viên chủ yếu là sinh viên nên vào mùa cao điểm như hội nghị, tiệc cưới thường trùng vào những tháng cuối năm cũ hoặc đầu năm mới, thời gian đó sinh viên bận học tập, ôn thi nhiều. Đặc biệt là những ngày tốt, hầu hết các nhà hàng đều có tiệc nên việc điều tiết người gặp nhiều khó khăn, nhiều khi bị vỡ hợp đồng, phải chịu mức bồi thường lên đến 200%.

Lấy cớ người làm dàn chào là sinh viên, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng dùng chiêu ép giá. Nếu không muốn hợp tác, họ chỉ cần lấy cớ nhân viên có ngoại hình xấu, không chịu tươi cười khi đón khách là cắt tiền dịch vụ, đồng thời đơn phương cắt hợp đồng mà không chịu bồi thường.

Khó khăn, cạnh tranh là vậy nhưng nhiều sinh viên, đặc biệt là các bạn nữ vẫn ham làm vì theo như Thu Hằng, sinh viên Trường Tôn Đức Thắng: “Làm nghề này không mất nhiều thời gian mà tiết kiệm chi phí như xăng xe, đi lại. Bọn mình chủ yếu làm việc trong phòng có máy lạnh, công việc cũng nhẹ nhàng, không phải phơi mặt ra đường như làm các nghề khác. Mỗi tuần làm việc vài ngày, một ngày làm việc chỉ từ một đến một tiếng rưỡi mà được 50.000 đồng nên cũng góp thêm một phần nhỏ để trang trải cuộc sống”.

Riêng đối với những “ông bà chủ sinh viên”, thu nhập bình quân mỗi tháng của họ cũng không tệ chút nào. “Do mình phải bỏ toàn bộ chi phí như quần áo, tiền điện thoại nên mỗi lần đi làm, mình thu của các bạn sinh viên 10.000 đồng và trả cho các bạn 50.000 đồng. Tháng nào ký được nhiều hợp đồng mình thu được trên 10 triệu đồng, tháng nào ít cũng được vài ba triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên trong thời điểm khó khăn” - một trưởng nhóm dàn chào cho biết.

(Pháp luật TP.HCM)

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References