Chuyện về hai người thợ giày ở chợ Bến Thành


Chú Hiếu (bìa trái) đang sửa giày cho khách
Góc đường Lê Thánh Tôn-Phan Bội Châu (gần chợ Bến Thành quận 1, TP.HCM) có hơn chục người kiếm kế sinh nhai bằng nghề “tân trang nhan sắc” giày dép. Mỗi người có khoảng một mét vuông đủ để túi đồ nghề và cái ghế ngồi. Trong số đó, có hai người thợ “đặc biệt” với tuổi đời và chuyện nghề.

Người thợ cả với 26 năm sửa giày

Chú Hiếu (62 tuổi, nhà ở quận 4) đã 26 năm đều đặn ngồi nơi vỉa hè ấy. Chú Hiếu là “thợ cả” vì đa phần thợ ở đây đều là học trò hoặc học nghề lại từ học trò của chú. Mỗi năm chú chỉ nhận hai đến ba người. Đầu tiên người học nghề phải biết cách khâu, mũi khâu phải đều và đẹp, khó nhất là phải khâu được vào tận cuối mũi của chiếc giày..

Khi tôi đến, chú đang cắt dán miếng cao su lót đế, tỉ mẩn lấy dao gọt lại rồi mài sao cho đế vừa vặn. Công việc sau cùng là phủi bụi và đánh xi bóng lại. Đôi giày cũ trở nên bóng đẹp hơn hẳn. Đó chỉ là sửa chữa đơn giản, có khi khách muốn làm nhiều khâu từ đóng đế đến dán keo, may quai, lúc ấy người thợ phải mất nhiều thời gian hơn.

26 năm hành nghề, chú Hiếu đã dạy cho khoảng 50 học trò. Nhiều người học xong ra riêng hoặc tiếp tục truyền nghề cho người khác. Riêng năm nay chú Hiếu chỉ nhận một học trò tên là Sang quê ở Tiền Giang. Vài năm trước, Sang từ quê lên TP.HCM làm công việc bốc vác, đẩy xe rau quả từ chợ Bến Thành đến những nhà hàng gần đó. Thấy Sang vất vả mà cuộc sống lại bấp bênh, chú Hiếu kêu Sang về phụ việc và học nghề. Bây giờ, với nghề sửa giày dép, Sang đã có cuộc sống khá hơn và dư chút tiền gửi về quê nhà. Năm ngoái, chú Hiếu bị tai nạn giao thông phải đi bệnh viện băng bó chân. Nhưng hôm sau chú lại tất tả ra chỗ làm để không trễ hẹn với khách. Chính vì sự uy tín và giao hàng rất đúng hẹn của chú mà khách hàng tìm đến ngày càng đông hơn.

Mỗi thợ kiếm được khoảng trên dưới 200 ngàn đồng một ngày. Ngoài chi tiêu cho gia đình cũng chẳng dư dả là bao nhưng chú Hiếu vẫn luôn sẵn sàng ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn. Lâu nay, cứ đều đặn chú đem tiền để dành đến góp cho một quỹ từ thiện.

Người thợ sửa giày biết hai ngoại ngữ

Người em ruột đồng thời là học trò của chú Hiếu là chú Ngọc cũng đã gắn bó với công việc sửa giày 25 năm. Chú Ngọc kể: “Năm 1983, thất nghiệp nên tôi theo anh ra vỉa hè này ngồi. Những năm đó hiếm có người đi giày vì đời sống kinh tế đang nghèo khó. Bởi vậy, sáng đi làm chỉ uống cà phê đen, bữa nào khá có thêm cái dầu cháo quảy lót dạ, rồi nhịn đói tới tối mới được ăn cơm. Mấy năm nay, khi đất nước mở cửa, đời sống khá lên, công chức đi làm đều mang giày thì thợ sửa giày dép như chúng tôi mới sống được”. Chú Ngọc nhắc lại những năm khó khăn có mỗi một cái áo để mặc đi làm. Cái áo mặc năm này qua năm khác được vá chằng vá đụp đến nỗi nó dày lên và trở thành... cái áo ấm. Đến nay nghề sửa giày đã giúp gia đình chú Ngọc có đủ cơm ăn áo mặc nhưng cái áo ấy vẫn được chú giữ lại như một kỷ vật.

So với nhóm thợ giày, chú Ngọc nổi bật hơn vì có thể nói thông thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp. Chính vì nói chuyện và hiểu được khách hàng muốn sửa chữa hay thêm bớt chi tiết nào trên đôi giày nên khách nước ngoài tìm đến chú. Trong đó có các lãnh sự quán tại TP.HCM đến ông Tây ba lô là khách hàng của chú. Chú Ngọc kể, có một nhân viên Lãnh sự quán Nga là khách ruột của chú, sau khi hết nhiệm vụ về nước, anh nhân viên đó mách lại cho người đồng nghiệp kế nhiệm tìm đến chú để sửa giày. Ngoài chú Hiếu, chú Ngọc, những người thợ giày bên hông chợ Bến Thành cũng có 10-20 năm trong nghề. Anh Tuấn (nhà ở Bà Chiểu, Bình Thạnh) năm nay 35 tuổi nhưng đã có 20 năm ngồi ở góc đường này.

Chị Kimura - quản lý một nhà hàng Nhật ở quận 1 thường xuyên tìm đến chú Ngọc, khi thì nhờ đóng gót đế mòn, khi thì nới lại quai cho vừa chân. Có lúc chị Kimura đem liền cả ba đôi giày, dép đến nhờ chú Ngọc tân trang.

“Bỏ ra vài chục ngàn để tận dụng mang lại đôi giày, đôi dép đắt tiền còn tốt thay vì vứt đi là một cách tiết kiệm” - chị Kimura đã nói như vậy. Và những người thợ giày ở góc đường Lê Thánh Tôn-Phan Bội Châu lâu nay đã trở thành một “thương hiệu” uy tín, được nhiều người Việt Nam và khách nước ngoài tìm đến nhờ “tút lại dung nhan” cho đôi giày của họ. Riêng người thợ không nói ra nhưng luôn thầm cảm ơn góc vỉa hè đã giúp nuôi sống họ cùng gia đình.

Nguồn: Báo Pháp luật TPHCM

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References