Cô chủ không đỗ đại học

Phạm Thị Lan Hương
Sinh năm 1982, là chủ của thương hiệu sieuthitrangsuc.com với số vốn tròm trèm 5 tỉ đồng, thế nhưng Phạm Thị Lan Hương bắt đầu sự nghiệp chỉ với 9 triệu đồng và lý lịch “thi trượt đại học”.

Câu chuyện về một dạng Bill Gates cũng không hẳn chỉ có ở nước Mỹ.

Khởi nghiệp khó, dừng lại còn khó hơn

Ý tưởng kinh doanh bám rễ trong đầu Hương ngay từ khi học lớp 11. Khi ấy, thay vì vùi đầu dùi mài kinh sử để ứng thí thì Hương chỉ loanh quanh với ý tưởng kinh doanh cái gì mà không bị cạnh tranh về giá và làm cái gì mà không gây sự nhàm chán cho mình?

Kết quả thi đại học năm sau: Hương trượt. Buồn nhưng không “cố đấm ăn xôi” nộp đơn đại vào một trường nào đó cho bằng bạn bằng bè. Lại được sự ủng hộ của chị gái: có nhiều con đường vào đời, có người học xong ĐH vẫn chẳng làm nên trò trống gì, vậy thì hãy chọn cái mà em cho là mình có thể làm tốt nhất.

Hương mở cửa hàng trang sức hand made “Phên Vàng” đầu tiên, chỉ với số vốn 9 triệu đồng (gồm cả tiền vay của chị gái), trong một mặt bằng 12m2. Một tay Hương lo liệu cho cửa hàng từ A-Z: đi mua tre trúc về thiết kế nội thất và biển hiệu, tự tay chọn lựa nguyên liệu để xâu chuỗi…

Học cách phối màu từ mẹ (chuyên nghề vẽ bản đồ), mẫu mã được ông trẻ từ Pháp gửi về, ngay tháng đầu tiên Phên Vàng đã sinh lời. Kết thúc 30 ngày buôn bán chị gái hỏi Hương: lời lãi thế nào? Trả lời: em đủ tiền trả nợ chị rồi nhưng muốn vay thêm để mở rộng cửa hàng. Chị gái không đồng ý, dứt khoát lấy hết nợ.

Khi khai trương Phên Vàng Hương được bạn bè mừng những cái phong bì nho nhỏ gọi là lấy khước, những tờ 20.000đ, 50.000đ được cô dán cẩn thận vào sổ coi như một thứ kỷ niệm cũng bị chị gái “tàn nhẫn” bóc hết ra.

Chị dạy Hương rằng: Kỷ niệm dù thế nào cũng vẫn là kỷ niệm, giữ những điều ấy trong tim được rồi, còn số tiền đang lúc cần thiết thì phải dùng nó một cách có ích. Hành động ấy của chị gái làm Hương ấm ức muốn khóc, nhưng sau ngẫm lại thấy chị đúng.

Trong một thời gian rất ngắn, từ cái “Phên Vàng” đầu tiên Hương đã bành trướng ra tới 7 cửa hàng. Kinh doanh đang vào lúc đỉnh điểm thì Hương quyết định dừng lại.

Một doanh nghiệp đi theo bản năng sẽ khó mà bền vững, vả lại Hương muốn nghiêm túc xây dựng một sự nghiệp cho mình chứ không chỉ là những cửa hàng bán lẻ tự phát. Mặc dù chưa từng học qua kinh doanh nhưng Hương đoán chắc được đồ hand made chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong thị trường trang sức, nó sống được là nhờ vào trào lưu và sự tin dùng của khách hàng, khi trào lưu đi qua mà không có sự mới mẻ thì ắt lâm vào tình trạng giậm chân tại chỗ.

Tất cả nhân viên của Phên Vàng khi ấy đều là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Lúc chia tay Hương nói với họ rằng: đây chỉ là sự dừng lại tạm thời để xây dựng một thương hiệu mới. Nếu tôi cứ giữ Phên Vàng thì sau này ra trường các bạn cũng sẽ bỏ tôi. Tôi muốn có một công ty đủ lớn để có thể thu nhận và tạo điều kiện cho các bạn cống hiến.

Cùng với nó cô dành mấy tháng trời để giải quyết gọn nhẹ việc thu gọn thương hiệu và chế độ hậu mãi với khách hàng. Mỗi nhân viên được Hương hỗ trợ một tháng lương cứng. Cô muốn sau khi dừng Phên Vàng thì nó vẫn giữ được ấn tượng tốt trong lòng mọi người.


Hương cùng chủ tịch tập đoàn Kawa

Câu chuyện đi học

Một phần trong lý do đóng cửa Phên Vàng là vì sau một thời gian dành hết cho công việc, Hương nhận ra là mình đã lạc hậu rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Suốt ngày quẩn quanh với những con số, ngay cả việc check mail với Hương cũng còn xa lạ. Nhìn các bạn đi học, thậm chí du học Hương lo lắng đến một ngày nếu cô không vượt khỏi không gian Phên Vàng thì sẽ bị lạc hậu.

Không nghĩ đến cánh cửa đại học nữa, Hương đăng ký học Tin học quản lý tại ESTIH. Cùng thời gian đó VCCI tổ chức chương trình Sinh viên khởi nghiệp, Hương đăng ký ngay vì thấy phần thưởng là những xuất học bổng ở Thames Business School.

Trong số những sinh viên tham dự kỳ thi năm ấy chỉ có mình Hương là doanh nghiệp đã có hoạt động thực tế ngoài đời, Phên Vàng trở thành bài tập trực tiếp của cô.

Trong khi các sinh viên khác có rất đông bạn bè cùng trường tham gia cổ vũ thì Hương không có ai. Tận dụng “của nhà trồng được”, Hương cho hệ thống Phên Vàng đóng cửa một ngày để tất cả nhân viên đi cổ vũ cho cô chủ. Cũng cờ quạt, biểu ngữ, chiêng trống xôm trò chẳng kém ai. Kết quả Hương được giải ba và giành học bổng Advance Diplome (tương đương bằng Cao đẳng Quốc tế) tại Thames Business School.

Lúc này Phên Vàng chính thức đóng cửa, vì cô chủ bận đi học tiếng Anh để còn theo học Diplome. Mỗi ngày Hương vẫn trở đi trở lại với ý tưởng về một mô hình cửa hàng trang sức trực tuyến với những mẫu mã đa dạng và chất lượng tốt hơn thời Phên Vàng. Tốt hơn đồ hand made nhưng phải rẻ hơn vàng và đá quý.

Trong đầu Hương khi ấy chỉ có một ý nghĩa rằng: tại sao người ta bỏ mấy trăm ngàn để mua một bộ quần áo thì không tiếc trong khi với chừng ấy tiền cho một bộ trang sức đẹp lại đắn đo? Hương muốn những sản phẩm trang sức của mình là thời trang, giống như quần áo, giày dép, đủ sang trọng nhưng không được xỉn, xuống mã hoặc gây dị ứng cho khách.

Tình cờ, một người Hàn Quốc gần nhà Hương đi đâm vào cửa kính. Cô xuống nói chuyện và bằng thứ tiếng Anh bập bõm hỏi anh ta ở Hàn Quốc có những sản phẩm như cô muốn hay không? Không ngờ, người Hàn Quốc ấy là con của một đại gia đình làm đồ trang sức lớn nhất xứ sở kim chi, tập đoàn nhà anh ta cung cấp đến 70% sản phẩm trang sức cho thị trường này. Như vớ được vàng, Hương lập tức nhờ chị gái biết tiếng Hàn xuống thương thảo hộ. Cũng không dự đoán được người Hàn Quốc ấy sau này trở thành anh rể cô.

Siêu thị trang sức của Hương ra đời sau vụ thương thuyết ấy không lâu. Đích thân cô một năm bay sang Hàn Quốc 2 lần để hướng dẫn mẫu mã và đặt hàng. Sản phẩm của Hương đạt đúng tiêu chuẩn mà cô muốn: an toàn với da, không xỉn màu và giá cả phù hợp. Mô hình kinh doanh của Hương lần này khác hẳn Phên Vàng: kinh doanh qua mạng, và nhờ đó Hương tìm được hai đối tác lớn là mỹ phẩm Ohui và Debon, cơ sở của cô chuyên gia công quà tặng cho hai hãng này.

Những sở thích không liên quan

Hoàn tất bằng Diplome, Hương tiếp tục thi lên Bacholor (tương đương bằng Đại học quốc tế) và vẫn cần mẫn theo con đường của mình. Công việc kinh doanh khá bận bịu, nhiều lúc Hương không có thời gian dành cho việc học, và mỗi lần như vậy cô lại tự nhắc nhở mình: mỗi môn thi lại mất mấy trăm đô, thôi thì cố gắng.

Ngoài những hoạt động năng nổ trong trường, cơ sở của Hương còn nhận dạy nghề miễn phí cho trẻ mồ côi và trẻ tật nguyền. Nhờ những thành tích ấy, Hương trở thành 1 trong 4 nữ đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị các nữ doanh nghiệp sản xuất trang sức tại Châu Á vào tháng 10/2007 tại Seoul Hàn Quốc và đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2008 (Global Submit of Women 2008).

Chuyến đi này Hương được tháp tùng trực tiếp ông Kawa - người sáng lập ra giải thưởng “Khởi nghiệp cùng Kawa” và học được nhiều điều lý thú. Chẳng hạn, trong thời gian diễn ra hội nghị cô được ngồi bàn Vip và chứng kiến một bà trùm siêu thị người Hàn Quốc giả vờ bị lạc và xin đến ngồi cùng ông Kawa.

Không để cho ông này kịp phản ứng bà ấy tranh thủ trình bày những mong muốn và dự định của bà với một người rất có uy tín trong giới kinh doanh Nhật Bản. Khi những người khách kịp tỏ vẻ khó chịu vì bị chiếm chỗ khá lâu thì bà đứng lên xin phép ra ngoài và hẹn sẽ quay lại sau. Bà trùm đi khỏi, ông Kawa quay sang nói với Hương: bà ấy sẽ không quay lại vì những gì bà ấy cần nói thì đã nói hết với tôi rồi. Cho nên, một phẩm chất của người thành đạt là phải biết bất chấp, thậm chí cả thủ đoạn để đạt được mục đích của mình.

Tháng 9/2007 Hương đã chính thức thành lập công ty Hương Phạm để hiện thực hóa ước mơ cô đã hứa với các bạn sinh viên thời còn làm Phên Vàng. Siêu thị trang sức hoạt động tốt, và giờ Hương đã biết thu xếp ổn thỏa thời gian dành cho mình.

Một trong những sở thích không thể bỏ được của Hương là “phượt” (kiểu du lịch khổ, chỉ nhắm đến những vùng đất mới, chưa có người khám phá mục đích là để refresh lại mình). Có những chuyến đi xa bằng môtô Hương nhất định không chịu để người khác đèo mà trực tiếp cầm lái với lý luận: không gì oan uổng bằng chết dưới tay người khác làm cả đoàn toàn dân “khủng” cũng phải trố mắt ngạc nhiên.

Đầu tiên, khi thấy một cô gái trẻ tuổi, trắng trẻo đến xin gia nhập hội “phượt” các đàn anh đã bĩu môi: chắc đến cho vui! Nhưng chỉ sau một vài chuyến đi, chứng kiến khả năng thích nghi và chịu đựng của Hương các đàn anh đã phải nhìn nhận lại.

Gì chứ chuyện trèo đèo, lội suối, tắm thiên nhiên, uống nước oserol cầm hơi đối với Hương cũng thường tình như cô đi học yoga hay học múa bụng vậy. Bây giờ, cứ vài tháng Hương lại phải thu xếp để “phượt” một lần, cùng những anh chị cứ đến chỗ có sóng là mỗi người alô bằng một thứ tiếng khác nhau.

Hương hâm mộ những người giỏi và muốn học hỏi họ. Bạn trai cô cũng đã quen với việc dăm bữa nửa tháng người yêu lại ba lô túi xách lỉnh kỉnh nào bát sắt (để nấu, múc nước và đội lên đầu phòng rắn rết rơi xuống), nào dây cao su (đề phòng rắn cắn có cái mà sơ cứu), nào đồ nghề bơm vá xe… và háo hức lên đường.

Ngoài thú vui nam tính ấy Hương hoàn toàn mong muốn là một phụ nữ của gia đình. Cô đăng ký đi học nấu ăn và đều đặn đến lớp không bỏ buổi nào. Quyết tâm của Hương cũng lạ, người ta chỉ đăng ký lớp ngắn hạn, hoặc muốn nấu món nào thì học món ấy, đằng này cô “chơi” luôn lớp chuyên nghiệp, học tới 186 món một lúc và thời gian học kéo dài tới nửa năm.

Hương là vậy, luôn khó nắm bắt và khiến người ta tò mò. Cô bảo rằng ngay cả Siêu thị trang sức bây giờ cũng chưa khiến cô hài lòng. Có khi chỉ một năm nữa thôi cô sẽ lại thay đổi, sang một kiểu bán hàng mới mà ở Việt Nam chưa từng có.

Hạnh Đỗ (tienphong)

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References