Biết nói “không”

Có một điều chúng ta thường mắc phải, và vì thế đưa bản thân vào khó khăn: đó là không biết nói “không”. Ta luôn tỏ ra dễ dãi: “Không có vấn đề gì, tôi sẽ làm việc này”, “Được rồi, tôi sẽ làm việc kia”… dù trong thâm tâm, ta biết mình thật sự không muốn làm, hoặc mình đã có quá nhiều việc phải làm.

Ở đây có hai vấn đề chính yếu. Thứ nhất, kết quả của việc bạn không biết lắc đầu từ chối luôn là sự quá tải, căng thẳng và mệt mỏi. Đơn giản, chúng ta đều có một điểm mà ở đó đủ là đủ. Qua khỏi giới hạn đó là sự chịu đựng: trong thái độ, trong tâm hồn và cả hiệu quả của những gì ta đang làm. Từ công việc đến cuộc sống cá nhân, gia đình ta đều bị ảnh hưởng. Ta quá dễ dãi gật đầu nói “có” để rồi bắt đầu coi mình như một nạn nhân. Ta oán hận vì mình có quá nhiều việc phải làm mà vẫn không nhận ra chính mình là kẻ đã đẩy mình vào hoàn cảnh này, bởi nói “không” làm ta cảm thấy mình có lỗi.

Thứ hai, điều này thể hiện một thái độ thiếu thành thật. Ta làm một việc trong thâm tâm không hề muốn mà bên ngoài vẫn cố tỏ ra bình thường. Ví dụ, bạn đồng ý làm thay ca cho người đồng nghiệp trong khi bản thân bạn cũng đang rất cần một ngày nghỉ. Sau đó, không được nghỉ ngơi đầy đủ như nhu cầu của cơ thể đòi hỏi, bạn bắt đầu có cảm giác mình là nạn nhân của lượng công việc quá tải và giận dữ vì mọi người nhờ vả mình quá nhiều! Một lần nữa, bạn lại trở thành nhân vật chính tạo ra stress cho bản thân trong khi vẫn tin tưởng ở một nguyên nhân khách quan nào đó và tin rằng bạn không có cách nào né tránh.

Nói “không” hoàn toàn không ích kỷ mà là một sự phòng vệ chính đáng. Giả sử ai đó hỏi: “Anh có thể cho tôi xin không khí anh đang thở không?” Chắc chắn bạn sẽ cho đầu óc người đó có vấn đề và sẽ trả lời “không” một cách vô tư lự, không hề áy náy. Hoặc giả sử ai đó hỏi: “Anh có thể giúp tôi là một việc mà điều đó chắc chắn sẽ đẩy anh đến chỗ quá tải, làm anh căng thẳng và bực bội không?”. Với câu hỏi này, rất nhiều lần bạn đã gật đầu đồng ý, dù đó là vì thói quen hay miễn cưỡng. Đương nhiên người hỏi không bao giờ đặt một câu hỏi như thế nhưng đây chính là ý nghĩa thật của nó.

Dĩ nhiên có nhiều trường hợp bạn không thể lắc đầu từ chối, và nhiều trường hợp khác bạn thành tâm muốn nhận lời hoặc điều đó có lợi cho bạn. Bí quyết ở đây là, bạn phải dùng sự khôn ngoan của mình để quyết định nói “có” hay “không” thay vì trả lời theo thói quen của phản ứng vô điều kiện. Bạn có thể ngẫm nghĩ và tự hỏi: về cảm xúc và nhu cầu của người yêu cầu, về sự cần thiết phải nhận lời và quan trọng nhất là quyền lợi của bản thân: bạn có đáng nói “có hay không, hoặc bạn có thể từ chối hay không. Tôi tin, khi đặt mình trong hoàn cảnh cụ thể, bạn sẽ thấy rất nhiều tình huống hoàn toàn thích hợp để bạn nói “không”

Richard Carlson
Thăng tiến trong sự nghiệp – NXB Trẻ

No comments:

Post a Comment

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References