Nhà dưỡng lão tư nhân: Cơ hội còn bỏ ngỏ

Mô hình nhà dưỡng lão tư nhân đang được Nhà nước khuyến khích bằng nhiều chính sách ưu đãi. Nhưng để có được hiệu quả từ mô hình này, nhà đầu tư vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Nếu đầu tư vào mô hình nhà dưỡng lão tư nhân, nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất thấp khi thuê đất (tùy diện tích trong thời gian 30 năm). Còn thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là 10% trong suốt thời gian hoạt động.

Cung chưa đủ cầu

Đa số các mô hình nhà dưỡng lão ở Việt Nam đều được Nhà nước bảo trợ. Ở TP.HCM có 2 trung tâm nuôi dưỡng nhiều người già nhất cả nước là Thị Nghè (quận Bình Thạnh) và Thạnh Lộc (Hóc Môn). Tuy nhiên, 2 trung tâm này chỉ nhận những người già neo đơn, bị bỏ rơi hay thuộc diện chính sách. Trung tâm Thạnh Lộc hiện có hơn 150 người già với kinh phí được hỗ trợ từ 180.000 - 300.000 đồng/người/tháng.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Ủy ban Quốc gia Dân số Kế hoạch hóa Gia đình và Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, trong 20 năm tới (2009-2029), dân số Việt Nam sẽ già hóa với tỷ lệ người già chiếm 17% dân số (khoảng 16,5 triệu người). Hiện tại, cả nước có khoảng 800.000 người già có nhu cầu được chăm sóc, nhưng thực tế, số nhà dưỡng lão chưa nhiều (1-3 trung tâm/tỉnh). Những con số trên cho thấy mô hình nhà dưỡng lão do Nhà nước bảo trợ sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội trong hiện tại và trong tương lai, nhất là đối với những người có thu nhập khá trở lên.

Tháng 4-2008, công ty THHH Nhân Ái (TP.HCM) đã được thành lập với mô hình chuyên chăm sóc người bệnh, người cao tuổi, đặc biệt là người già mắc các bệnh lâm sàng. Ông Huỳnh Nhân, Giám đốc Công ty cho biết: “Chi phí chăm sóc ở đây là 70.000 -150.000 đồng/ngày/người”. Sau hơn 4 tháng hoạt động, công ty nhận khoảng 360 hợp đồng. Tuy nhiên con số này còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Hiện ở TP.HCM và Hà Nội đã có thêm những dịch vụ chăm sóc người già tại gia. Một số y tá, hộ lý ở các bệnh viện tổ chức thành nhóm làm thêm ngoài giờ, nhận chăm sóc người già bị mắc các bệnh lâm sàng ngụ tại nhà.

Một đơn vị được Nhà nước bảo trợ là Trung tâm Thị Nghè cũng đã dành 70 phòng cho dịch vụ dưỡng lão có đóng phí, đối với những người không thuộc diện chính sách. Điều kiện đăng ký dịch vụ này là không bị tâm thần, không mắc bệnh phong, bại liệt, có người bảo lãnh, có hộ khẩu tại thành phố. Mức giá là 2,2 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên do diện tích có hạn và Trung tâm phải phục vụ cho mô hình xã hội, nên loại dịch vụ này cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu.

Xu hướng “khách sạn 2 trong 1”

Có thể nói, mô hình dưỡng lão khá thành công ở Việt Nam hiện nay là Trung tâm Dưỡng lão Nhân Ái (huyện Từ Liêm, Hà Nội), hình thành năm 2001. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Gần 3 tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng hoàn thiện Trung tâm, bao gồm khu phòng ở, khu y tế, hội trường, sân tập dưỡng sinh…”

Trung tâm Nhân Ái hiện có 50 phòng với 135 người già dự định lưu trú đến cuối đời. Một tháng, Trung tâm có doanh thu khoảng 450 triệu đồng từ mức phí 2,8-5 triệu đồng/người/tháng, tùy diện tích phòng và các dịch vụ. Giá phòng hạng nhất là 5 triệu đồng/người, rộng 18 m2 với đầy đủ tiện nghi như phòng ở khách sạn.

“Trong số 135 khách lưu trú, có tới 70 người ngồi xe lăn, 20 người phải nằm trên giường. Con số này cho thấy, nhu cầu nhà dưỡng lão ở Việt nam không chỉ đòi hỏi về một nơi ở đơn thuần cho người già. Đó còn là nơi bảo đảm về các vấn đề y tế, an dưỡng tinh thần lẫn sức khỏe”, ông Ngọc, trung tâm Nhân Ái cho biết.

Ngoài ra, tại Hà Nội còn có các nhà dưỡng lão khác như Nhà Tuổi Vàng, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi, hưu trí Phù Đổng (Gia lâm).

Một số khu du lịch sinh thái cũng đầu tư xen giữa mô hình dưỡng lão và khu nghỉ dưỡng cao cấp như khu nghỉ dưỡng Vười Xoài (Đồng Nai), khu điều dưỡng Medicoast (Vũng Tàu)…

Tại TP.HCM, đầu năm 2008, Làng An dưỡng Ba Thương (Củ Chi) đã chính thức hoạt động sau 5 năm xây dựng (2002-2008). Với 6 tỷ đồng, nhà đầu tư đã xây dựng làng an dưỡng thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Diện tích của làng là 6,5 ha với hơn 120 phòng, mỗi phòng rộng từ 16-22 m2. Làng an dưỡng có 2 khu dành riêng cho khách có thu nhập trung bình và cao. Trong đó bao gồm các dịch vụ về y tế, tín ngưỡng, chăm sóc sắc đẹp, hội trường (sức chứa 5.000 khách), phòng ở tiện nghi như khách sạn… theo mô hình một làng nghỉ dưỡng sinh thái hiện đại. Giá cho khách sử dụng 2 khu dịch vụ này là 3,5-9,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhưng không phải cứ đầu tư công phu là thành công ngay từ đầu. Tuy có số vốn lớn và cơ sở vật chất khá hoàn chỉnh, nhưng Làng An dưỡng Ba Thương đang gặp khó khăn khi số khách lưu trú chưa ổn định. Nhưng điều quan trọng là nhà đầu tư đã nhìn ra xu hướng, nhu cầu của khách hàng và sẵn sàng đầu tư để đi trước đón đầu.

Ở các nước phát triển, nhà dưỡng lão tư nhân được khai thác dưới mô hình kinh doanh có lợi nhuận và cũng rất cạnh tranh nhau.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Nhật Bản là nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người già, chiếm 20,5% dân số. Tiếp đó là Đức với 18,8%. Mô hình nhà dưỡng lão ở Nhật rất phát triển. Đó là các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp có kèm các dịch vụ y tế, giải trí.

Để nâng cấp các nhà dưỡng lão, nhiều nước phát triển còn trang bị thêm các loại máy móc tân tiến, thậm chí là robot hỗ trợ. Năm 2004, nhà dưỡng lão Katsura-ryo ở Machida (Nhật) đã trang bị thêm robot để chăm sóc người già. Một số nhà dưỡng lão khác ở Nhật cũng trang bị các dòng sản phẩm tự động hóa như máy tắm tự động cho người già, “quần robot” chạy bằng pin để giúp người già yếu có thể tự đi lại…

Lê Văn (Tạp chí Nhịp cầu đầu tư)

1 comment:

  1. Ở TP.HCM có thêm trung tâm dưỡng lão có thu phí:
    TRUNG TÂM CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI BÌNH MỸ
    Địa chỉ: 225/3/1 Hà Duy Phiên ( Tỉnh lộ 9 ) xã Bình Mỹ - Củ Chi - TP. Hồ Chí Minh ( Cách Quận 12 khoảng 4 km )
    Điện thoại liên hệ : 08- 37956599 DĐ 0909.830066 – 0902.845163
    Web : www.duonglaobinhmy.com Email: duonglaobinhmy@gmail.com

    ReplyDelete

Lời Hay Ý Đẹp

* Cách giữ bạn tốt nhất là không phản bội bạn.
Khuyết Danh
* Tự ái là thuốc độc giết chết tình bạn.
HONORÉ DE BALZAC
* Dễ thăm viếng bạn bè hơn là sống chung với họ.
tục ngữ Trung Quốc
* Nếu anh muốn làm cho người bạn trở thành người nguy hiểm đối với anh, hãy để người bạn làm ơn anh một lần.
LEWIS E. LAWES
* Người ta có ba người bạn chắc chắn: cha, mẹ và vợ chung thủy.
J.R. LOWELL
* Bạn giả dối còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ mặt.
tục ngữ Nhật Bản
* Nỗ lực lớn nhất của tình bạn không phải là chỉ thẳng cho bạn thấy khuyết điểm mà là làm cách nào để cho bạn thấy được nó.
LA ROCHEFOUCAULD
* Không có người bạn tốt thì người ta không biết được lỗi lầm của mình.
tục ngữ Nga
* Với tình bạn thân thiết không có con đường xa.
tục ngữ CAMPUCHIA
* Những lời nói nhân nghĩa, những lời hứa nhân nghĩa nói ra rất dễ, chỉ trong hoạn nạn ta nói thấy tấm lòng thành của bạn bè.
La. KRULOV

References